KẾT LUẬN
Đúc kết những
điều trình bày từ trước, đối trong đại nghĩa Phật pháp cùng các điểm quan
hệ với người đời, đã được nói qua. Tuy là nói "đề yếu" nhưng đáng tin
tưởng, không làm mất sự hiểu biết chân chánh. Mong quý vị nghe rồi khéo
thể hội đó! Đây lại luận qua phần quy kết.
QUY TÚC
Quy túc là
nghĩa được chỗ y chỉ. Nhân tâm đối với Phật pháp được có nơi quy túc, như
có người muốn đến một nơi chốn nhất định và nay đã đạt đến. Luận về Quy
túc gồm bốn tiết.
TIẾT 1: Người tin theo đối với quy túc Phật thừa.
Người tin theo
là người đối với Phật pháp đã có hiểu biết chân chính, nương theo hiểu
biết chân chính đó mà khởi lòng tin chân chính, rõ ràng và quyết định.
Người như thế, trong Phật pháp gọi là người tin. Người ở trong Phật pháp
có lòng tin chân chính rõ ràng và quyết định rồi tức là Quy túc Phật thừa.
TIẾT 2: Quy túc Phật.
Phật, tiếng
Phạn là Phật Đà, đây nói rằng Giác giả. Chúng ta tuy trong tâm sẵn đủ Phật
tánh, nhưng không có Phật thương xót, chỉ bảo cho, thì không do đâu tự
biết. Nay nhân học mà biết, Phật tức là vị thầy hướng dẫn chúng ta, nên
lòng tin này phải lấy Phật làm quy túc. Quy túc Phật có hai nghĩa.
1. Hôm nay
lòng chúng ta đã hiểu biết chân chính rõ ràng và quyết định quy túc Phật
rồi, thì tất cả thiên thần, quỷ linh… đều không phải là chỗ chúng ta tin
ngưỡng, tức không phải nơi của chúng ta quy túc.
2. Hôm nay
lòng chúng ta đã hiểu biết chân chính rõ ràng và quyết định rồi, thì
nguyện cho kẻ khác cùng tất cả hàng trời, rồng, quỷ thần và các loài chúng
sanh đều quy túc Phật.
Phật là người
giác ngộ, tức là người mà đã tự mình giác ngộ và hay giác ngộ cho kẻ khác,
cũng chính là người mà hạnh giác được viên mãn. Nói đến Bản giác thì Phật
cùng chúng sanh, tánh giác xưa nay đồng đủ, sẵn có. Do thủy giác có danh
tự giác. Tương tự giác và phần chứng giác, là phần sai biệt của Hạnh giác,
đến cứu cánh giác chính là Hạnh giác hoàn toàn viên mãn. Nếu rời tướng sai
biệt nhau, tức là chỉ một chân giác bình đẳng, ở phàm không bớt, ở thánh
cũng không thêm.
Đã rõ nghĩa
này, thì việc quy túc Phật cũng là để khai phát Phật tánh của tự tâm mình
thôi.
TIẾT 3: Quy túc Phật pháp.
Nếu chỉ nói
Pháp, thì các pháp thế cùng xuất thế của Nhất tâm, thập pháp giới đều
không giản biệt. Nay đã quy túc thì đó là Giáo, Lý, Hạnh quả của Phật
thừa.
Quy túc Phật
pháp, thì các pháp phiền não sanh tử sai biệt, hư vọng chẳng phải là nơi
quy túc; vì đã giải thoát.
TIẾT 4: Quy túc Phật, Pháp, Tăng.
Phật, Pháp,
Tăng là giản biệt đối với các nhóm người buông tuồng, lộn lạo, tạp nhạp và
hẹp hòi. Nay đã quy túc thì đó hẳn là Phật, Pháp, Tăng, nghĩa là hàng
người này đối với Phật pháp như thật tu hành.
Trên đã nói
"Quy túc Tam bảo", đây lại liệt các biểu đồ để chỉ rõ.
*
HỒI THÚ
Chương trước
lược nói phần "Quy túc Tam bảo" nghĩa đó đã rõ ràng. Thông thường cho rằng
trong tâm không riêng khởi là nhờ có sức thắng duyên sanh, thực hay cung
kính tôn trọng như thực mà tu hành, thì căn lành thêm lớn, và được chân
thọ dụng. Chương này tiếp theo ý nghĩa quy túc trước mà luận đến phần Hồi
thú. Như người đã "đến nơi đến chốn", thì có thể làm việc của họ làm. Luận
về hồi thú gồm bốn tiết.
TIẾT 1: Bậc giác ngộ đối với công việc hồi thú pháp giới.
Nương ở lòng
tin quyết định khởi tri kiến chính xác, gọi đó là người giác ngộ.
Tin: Như chủng
tử giác, tức là mầm mọng, nối tiếp cao lớn lên cho đến Hạnh giác được viên
mãn; không cái nào không hồi bỏ tà ác, hướng đến tịnh thiện.
Nói pháp giới
là sự cùng lý của mười pháp giới. Phật cùng chúng sanh là sự pháp giới,
Nhất chân bình đẳng là Lý pháp giới. Bậc giác ngộ bỏ sự trở về lý, bỏ Nhân
trở về Quả, bỏ Tự trở về Tha, thế nên gọi là "Hồi thú".
TIẾT 2: Hồi thú Nhất tâm chân như.
Hồi chuyển sự
tướng của thế cùng xuất thế sai biệt, biến hóa, thú hướng lý thể bình đẳng
không hai, chứng được pháp tánh bình đẳng không hai này tức là "Một tâm
chân như". Ví như cây cỏ đều trở về cội nguồn đại địa; đó là "Hồi Sự hướng
Lý".
TIẾT 3: Hồi thú Vô thượng chính giác
Bậc đã giác
ngộ, đối trong nhân tu hành mười độ muôn hạnh không trụ các tướng, không
đắm trước quả báo của trời, người cùng Nhị thừa, quyết đạt đến Hạnh giác
viên mãn, chứng vào Quả hải diệu giác, cũng chính là hồi chuyển nghiệp báo
sanh tử phiền não của chúng sanh, thú hướng Phật quả của Bồ đề Niết bàn.
Thế là "Hồi Nhân hướng Quả".
Vô Thượng
Chánh Giác tức là A Nậu Đà La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
TIẾT 4: Hồi thú hữu tình trong pháp giới.
Bậc đã giác
ngộ, trên cầu các lợi tự mình được viên mãn rồi, đồng thời ngay trong tâm
nghĩ đến các loài hữu tình, nương sức từ bi lớn, bày các phương tiện khéo
léo, khắp cùng pháp giới lợi lạc chúng sanh. Đó là "Hồi Tự hướng Tha".
Nhưng một tánh
bình đẳng cũng không có tướng nhân, ngã. Thể, dụng cả hai đều khuếch
trương. Phúc, tuệ, cả hai đều đủ. Tóm lại, nương ở một tâm, tu hành muôn
hạnh và không quên lợi lạc chúng sanh. Ba tâm gồm đủ, thì cùng khắp viên
dung, đâu không phải là Thường, Lạc, Chân, Tịnh ư?
] |