NÚI THÁI BÊN NGUỒN

T.T THÍCH NHẬT QUANG

Mẹ tôi

Năm vừa bảy tuổi, từ lời nguyện của cha mẹ, tôi được đưa vào chùa. Và tôi nhớ không lầm, năm tròn ba tuổi cha tôi mất, mẹ tôi khóc hết nước mắt cho sự mất mát này.

Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được nỗi đau thương của cuộc đời. Nghe mẹ kể lại, ngày mấy chị em đắp mộ cho cha, tôi lò dò bới ra và kêu cha dậy, khiến cả nhà không ai cầm được nước mắt. Riêng mẹ âm thầm trước nỗi bi thống lớn lao đó nên đã câm lặng, không còn khóc nổi nữa. Mẹ như chiếc bóng uất nghẹn, lẻ loi đứng ngồi một mình, chỉ có di ảnh cha lung linh hiển hiện trước mặt mẹ, hiểu cho mẹ cái nghĩa thương yêu phải xa lìa.

Cha tôi mất trong lúc đất nước lâm vào cảnh chiến tranh khốc liệt. Nghèo khổ ập xuống số phận những người dân vô tội. Nhà tôi ở trong quê, nghèo lại thêm nghèo. Mẹ tôi phải làm thuê làm mướn lo lắng gia đình thật gian nan khổ sở. Và hình ảnh đã để lại cho tuổi thơ của tôi một dấu ấn khó phai nhất, đó là lần mẹ bị người ta đánh đến mềm mình, máu chảy đầy người, rồi nhốt suốt ngày. Cha mất, tôi còn bé thơ, mấy chị yếu đuối, em nhỏ còn bồng trên tay, họ hàng chẳng một ai giúp đỡ. Biết mẹ tôi sức yếu thế cô, những kẻ nhẫn tâm tha hồ ra oai tác quái, hiếp đáp mẹ con tôi. Lúc ấy may nhờ tiếng khóc đòi bú của em tôi, mẹ mới được thả ra. Máu và nước mắt hòa lẫn trong bầu sữa mẹ, tất cả đều vì con. Mẹ ơi! Suốt đời con sẽ không quên được hình ảnh này đâu.

Rồi thời gian qua đi, tôi lớn lên trong chùa và luôn nghĩ nhớ đến mẹ. Vẫn tảo tần, vẫn năm tháng khom lưng cúi mặt, vẫn vì con mà mẹ bất khuất không ngã gục trước số phận của mình. Cũng vì thế mẹ đưa tôi vào chùa, thà người chịu khổ một mình chớ không muốn con bị khổ, bị người ta ăn hiếp. Nhưng mẹ tôi đâu có biết mỗi lần nhớ tới người, ruột tôi lại quặn đau. Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm !

Lần ấy, tôi đang ở trong một Học Viện Phật giáo. Bấy giờ mẹ từ trên quê tìm xuống thăm. Thấy từ xa, tôi mừng quá đi như bay về mẹ. Hai mẹ con gặp nhau nghèn nghẹn rồi dẫn ra ngoài ngồi. Mẹ chậm rãi rút trong giỏ một gói lá chuối đưa cho tôi. Giở ra, mấy củ khoai từ còn âm ấm, mẹ nói nhỏ:

- Ăn đi, khoai má trồng đó. Nhà không có gì, má luộc mấy củ khoai đem theo. Con ưa khoai.

Tôi cầm củ khoai trên tay chết lặng, nước mắt lưng tròng. Sợ mẹ thấy, tôi nuốt nước mắt vào trong, nói cười cho qua, nhưng vẫn không giấu được người. Hồi lâu, tôi hỏi:

- Lúc này má làm gì?

- Thì cũng làm mướn, ai kêu gì làm nấy. Nhớ con quá, muốn đi thăm, má phải làm cỏ thêm mấy ngày cho người ta mới đủ tiền đi xe.

Nói xong, chợt nhận ra như lỡ lời, mẹ giả sang chuyện khác. Nhưng tôi đã nghe và không thể nào quên. Là con trai, tôi biết mình phải làm gì trong hoàn cảnh này. Nhưng đã vào chùa theo nguyện vọng của mẹ, tôi đành khoanh tay cúi mặt. Khóc là yếu đuối nên tôi bất động bên cạnh mẹ, nhưng thật sự từ đáy lòng… Mẹ ơi...

Người đến rồi đi, để lại cho tôi niềm thao thức thâu canh, đêm ấy không sao ngủ được. Bật dậy, tôi viết bài thơ khá dài, bây giờ lâu quá chỉ nhớ có một đoạn:

Mẹ ơi, con thương mẹ thật nhiều,

Thương bằng tình mẹ với con yêu,

Công cha nghĩa mẹ con đầu đội,

Biết có đền bù thuở chắt chiu!

Thôi, viết đến đây có lẽ tôi không nên nhắc thêm nữa về những chuyện đã qua. Mộng mà chi.

Đến bây giờ tôi chợt hiểu, có những giai thoại rất riêng trong cuộc đời mình lại là cái chung của kiếp người. Đó là nhân sinh khổ, nhưng tất cả không ngoài lý nhân duyên. Nhân duyên gì tôi làm con mẹ tôi, nghiệp quả nào mẹ khổ con côi. Tất cả sự thăng trầm trong đời đều có nguồn tích của nó, chỉ tại ta không đủ mắt sáng để thấy thôi. Quả thật đức Phật cao minh lắm, nên Ngài thương chúng sanh vô cùng. Ngài dạy: “Hận thù nên mở không nên kết. Muốn hết khổ thì đừng tạo nghiệp nhân khổ. Muốn an vui thì đừng buông thả ba nghiệp của mình, lắng lọc tất cả cặn bã xấu, hình thành thật đầy đủ công đức trí tuệ. Đấy là gốc diệt khổ, là nền tảng an vui”. Vì thế, thuở còn tăng sinh tôi đã viết hai câu thơ trên đầu giường để tự răn nhắc mình:

Đường đời vạn lối muôn sầu khổ,

Kiên chí ngày đêm Nhẫn, Nhịn, Nhường.

Có lẽ cũng nhờ chút chủng duyên Phật pháp nên mẹ đã cho tôi vào chùa. Để từ đó cả cuộc đời tôi gắn bó thấm nhuần nếp đạo và sau này theo bước chân tôi, mẹ được trở về với ngôi Tam Bảo. Tôi cũng nghe an ủi phần nào. Cứ mỗi lần nhìn mẹ ngồi thảnh thơi lần tràng niệm Phật, là tôi cảm thấy từng hạt công đức sáng ngời, là gia tài của mẹ để lại cho tôi.

Lạy mẹ,

Con hướng về tình mẹ, một thứ tình ban cho mà không bao giờ lấy lại. Con sống bằng tình thương của mẹ và con đường con đi hiện nay là con đường rộng thênh thang mẹ chọn. Mọi thứ vị kỷ buộc ràng được vứt lại sau lưng. Mẹ ơi, phước duyên của mẹ con mình là vậy. Mẹ đã sống và sống trọn vẹn cho con. Con trân trọng sự hy sinh cao cả của mẹ. Trên cuộc đời này chắc không còn nơi nào để chúng con nương tựa trú ẩn bằng tấm lòng của mẹ, bằng cuộc đời của mẹ.

Với thâm tình thiêng liêng cao khiết đó, không làm sao chúng con đền trả hết công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Phật dạy, muốn báo đáp thâm ân song đường chỉ có một cách duy nhất là tu đạo, sáng đạo, chứng đạo mới có thể độ mẹ cha thoát khỏi trầm luân sanh tử. Con nguyện ghi nhớ và vâng lời Phật dạy. Từng phút con cầu mong mẹ làm chủ được thân bệnh lúc tuổi già, sống lâu bên con, dưới bóng Thầy để hạnh phúc này của con được kéo dài trọn vẹn.

Một lần nữa, cho con được gọi hai tiếng mẹ cha như tiếng kêu đầu đời của trẻ thơ mà cũng là tiếng gọi sau cùng của đời người. Để trên một khoảng đường con còn có mặt giữa cuộc rong chơi này, con biết rằng con có mẹ và mẹ mãi mãi là điểm tựa của đời con.

Mẹ ơi, trong con luôn có mẹ,

Hình hài này của mẹ cho con,

Trong tim, nhịp thở, trong tất cả,

Cho mãi ngàn sau mẹ vẫn còn.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM