RỪNG THIỀN

T.T THÍCH NHẬT QUANG

KHỎE MẠNH ĐỂ TU

Khi nói đến việc tu hành, phần nhiều chúng ta nghe có những khó khăn, do đó không ít người sợ tu, không dám tu. Thế nên hôm nay tôi muốn nói đến một số cách thức đơn giản, để cho việc tu hành của chúng ta dễ dàng hơn. Tâm lý con người thường sợ khó, thích dễ dàng, cho nên nghe khó thì ngán tu, nghe dễ mới ham tu.

Trước hết tôi nói tu thì phải khỏe mạnh. Từ khỏe mạnh của thể lực, tâm trí chúng ta mới sáng suốt và có quyết tâm thực hiện đúng theo lời Phật dạy. Được vậy việc tu có kết quả không khó. Trong kinh kể lại, một hôm có vị cư sĩ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Vẻ mặt ông ta hết sức tươi tắn, vui vẻ. Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi:

- Trước khi đến đây, cư sĩ đã đến đức Thế Tôn rồi chăng?

Cư sĩ đáp:

- Vâng, thưa Tôn giả sáng sớm tôi đã đến thăm đức Thế Tôn rồi. Đức Phật đã khai thị chỉ dạy cho tôi về phương pháp tu hành, tôi nhận ra được yếu chỉ Phật dạy nên trong lòng rất hoan hỷ.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi:

- Đức Thế Tôn đã dạy cư sĩ những lời gì?

Cư sĩ thưa:

- Đức Thế Tôn nói với tôi thế này: “Tuổi của ông đã lớn, mọi việc sắp đặt cũng đã ổn, tất cả những gì trên đời ông đã biết qua hết rồi. Lâu nay  ông đã tạo dựng mọi thứ nhưng tất cả những thứ đó đều không thật, bây giờ nếu muốn an vui thanh thản thì hãy buông hết đi, đừng trách mình thì hết khổ”. Lời đức Thế Tôn nói tôi nghe thấm sâu tận đáy lòng, giống như cây khô lâu ngày được gặp dòng nước mát. Nghe xong tôi tự cởi mở tất cả, thấy thân này không thật, tâm này cũng không thật. Nhờ nhận ra như vậy trong lòng tôi khắc tỉnh, bao nhiêu tâm trạng rối bời đều dứt bặt hết, từ đó niềm vui phát khởi.

Niềm vui ấy phát khởi và lớn mạnh hơn nên từ giã đức Thế Tôn rồi, đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất vị cư sĩ ấy rất hoan hỷ. Nhân đó Tôn giả Xá Lợi Phất nhắc nhở thêm cho vị cư sĩ tinh thần tu học. Nếu người đã được uống pháp nhũ hay dự vào dòng Thánh, làm chủ được thân tâm mình, không bị buộc ràng bởi những giả cảnh giả duyên bên ngoài, nhất định người này sẽ được hưởng hoàn toàn pháp vị thanh tịnh giải thoát. Sau khi nghe pháp nơi Tôn giả Xá Lợi Phất rồi, vị cư sĩ ấy càng phấn khởi hơn nữa.

Lâu nay cái chúng ta gọi là tâm của mình đó, chẳng qua chỉ là suy tư nghĩ tưởng hay là bóng dáng của ngoại trần. Mình đã lầm nhận những thứ không thật cho là thật nên khổ. Khổ như thế nào? Khổ vì mình nhận bóng dáng bên ngoài không thật làm mình, nên lúc nó thay đổi hay biến mất ta cũng cảm thấy mất mình. Vị cư sĩ kia đã trình bày với Tôn giả Xá Lợi Phất: “Bạch Tôn giả, giả như bây giờ thân con có bệnh hoạn, con thấy đó chỉ là bệnh của thân hư giả. Dĩ nhiên cái giả thì phải rã mục thôi. Trước khi rã mục nó phải bệnh hoạn nhức nhối đủ chỗ. Tuy thế nhưng tâm con vững vàng, không bị lay chuyển, không vì bức xúc của thân mà tâm thọ khổ.” Do đó Tôn giả Xá Lợi Phất khen: “Như vậy là ông đã nếm được pháp vị giải thoát thanh tịnh của đức Phật”.

Ngày nay nói về nhân duyên tu hành, tôi tin Phật tử chúng ta có nhiều duyên tốt hơn ngày xưa. Ví dụ như trong pháp hội của Hòa thượng Viện trưởng ở đây, số băng giảng và số sách sáng tác dịch thuật của Ngài nhiều lắm. Không ít Phật tử trong cũng như ngoài nước nghe băng giảng, đọc sách của Hòa thượng có cảm ngộ, phấn khởi vui vẻ và đạt được nhiều an lạc. Nhưng vấn đề là làm sao chúng ta gìn giữ được nguồn an vui này, tức là bảo nhiệm cái mình đã được. Như người con sau khi được ba mẹ giao lại tài sản, cái khôn khéo của anh ta là làm thế nào chẳng những gìn giữ được sự sản ấy mà còn phát huy rực rỡ hơn nữa. Việc tu cũng thế, làm sao để gìn giữ nguồn an vui hạnh phúc chân thật nơi mình, đó là việc chính của chúng ta.

Những bậc thiện hữu đi trước có trách nhiệm hướng dẫn, đã khó khổ sắp xếp cho chúng ta được như vậy rồi, từ đây về sau chúng ta muốn được an ổn lâu dài, chính mình phải có sự nỗ lực khắc tỉnh khắc tiến một cách thiết thực cụ thể. Việc tu dễ ở giai đoạn đầu là chúng ta hữu duyên gặp được thầy tổ chân chánh, qua sự hướng dẫn của thầy mình liền nhận ra có cái quý báu bên trong, còn các pháp bên ngoài hư giả không thật. Nhưng bây giờ làm sao để trí tuệ của mình phát triển, ta luôn luôn sống, nhận như vậy mới được. Sống được với trí tuệ chân thật thì không còn khổ nữa. Nhờ có niềm vui đạo lý, sự tu hành của chúng ta mới tăng tiến, từ đó mình vững tâm khắc tỉnh hơn trong công phu.

Phật tử cũng nên nhớ, tuy bước ban đầu học Phật không khó nhưng chưa có sự thành công nào, thành quả nào có giá trị mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Muốn tu tập, muốn gìn giữ gia phong nhà mình, nhất định chúng ta phải có sự nếm trải. Như Đường Tăng muốn thỉnh kinh từ Tây Trúc về Trung Hoa phải trải qua bao nhiêu gian khổ, thử thách, trở ngại. Người tu là tuyên thệ chiến đấu với ma quân nên không thể nhát gan được. Phải gan dạ cương quyết mới có thể khắc phục được tất cả những cam go, thử thách. Có thế mới thành tựu được bản nguyện giác ngộ giải thoát của mình.

Như chúng ta đã biết thân này không thật, tâm này không thật, nghe dễ dàng quá nhưng làm sao để ta luôn luôn nhận biết như vậy lại là một vấn đề khác. Đó là việc tu, chớ không còn là việc suy luận trên ngôn ngữ kiến giải nữa. Sự tu này, nói dễ thì cũng không phải dễ, nhưng nói khó thì cũng không hẳn là quá khó. Nếu quyết tâm, chúng ta cũng có điều kiện thực hiện được, chớ không phải chúng ta bất lực. Bất cứ việc làm nào, dù người đời hay người tu đều cũng đòi hỏi sự quyết tâm. Chúng ta tin tưởng và khẳng định tâm nguyện của mình chắc chắn sẽ thành tựu, dù thời gian bao lâu cũng không nản lòng. Đó là yếu thuật của sự thành công.

Ở thế gian muốn gầy dựng sự nghiệp, muốn thành tựu được những điều như ý mà không có ý chí, không có kiến thức, không có sự quyết tâm thì cũng không làm gì được. Trong đạo cũng thế, tuy chúng ta cạo đầu mặc áo nhuộm, bỏ hết chuyện đời nhưng phải có ý chí mạnh mẽ, nuôi dưỡng thân tâm tráng kiện mới có thể trải dài thời gian giữ vững lập trường, giữ được màu áo, giữ được lý tưởng của mình cho đến khi thành tựu viên mãn tâm nguyện. Người biết tu không luận khó hay dễ, còn nói khó nói dễ là chưa chịu tu, chưa bắt đầu công phu.

Chúng ta học Phật pháp để giải quyết những nỗi khổ của mình. Trong các nỗi khổ, lớn nhất là nỗi khổ bị trôi giạt trong luân hồi sanh tử. Thế nên ta tu Phật là để thoát khỏi nỗi khổ ấy, chớ không phải để giải quyết việc cơm ăn áo mặc hay vì thiếu tình thương. Dù phải đối đầu với những bức xúc hay trở lực nào, nhất định chúng ta cũng phải khắc phục, vượt qua. Phật dạy người Phật tử là người tự chiến thắng mình, cho nên chúng ta phải khắc phục được những cái dở cái xấu của mình. Chúng ta không thể là người thua cuộc bỏ giáp chạy dài hay yếu đuối bạc nhược chỉ biết chảy nước mắt khi gặp khó khăn. Gặp khó khăn chừng nào ta càng phấn đấu vững mạnh hơn chừng ấy, như vậy mới xứng đáng gọi là con của đấng Pháp vương.

Phật tử nên nhớ mỗi khi khắc phục được một phiền não là mình có thêm một sức mạnh. Ví dụ bây giờ ai chửi mình mà ta vẫn tỉnh táo, thấy cái miệng của người chửi là giả, những lời của người chửi là duyên hợp không thật. Thấy rõ như thế rồi thì tâm mình không bị động bởi những lời chửi đó, tự nhiên ta an lạc bình thường. Dù người đó có bắc ghế ngồi chửi cả ngày, mình cũng thấy bình thường. Như vậy mỗi lần nghe chửi, quí vị có thêm sức mạnh chịu đựng. Đó là sức mạnh của tâm lực, định lực, trí lực. Thấy được các pháp không thật là thấy được Phật rồi, không mạnh mẽ sao được! Trí tuệ này ai cũng có sẵn hết, chỉ tại chúng ta không dùng tới thôi. Và vì thế ta đã tự đánh mất một năng lực phi thường của chính mình.

Cho nên chỉ cần mở sáng mắt trí tuệ, thấy rõ các pháp không thật là chúng ta có đủ sức nhẫn nhịn, đủ sức bình tĩnh trước tất cả các duyên thuận cũng như nghịch. Từ đó ta sẽ thấy lời Phật dạy là sự thật, tự nhiên mình bình an thôi. Người xưa làm được bây giờ chúng ta cũng làm được, điều này mình phải tự hào như vậy. Tự hào để tu, chớ không phải tự hào để lên mặt với thiên hạ. Người tu không có lên mặt lên mày, không có tự cao tự đại bao giờ. Người tu là người khiêm hạ bình tĩnh để trị những cố tật của mình. Đó là những điều cần thiết phải nhớ để chúng ta bảo nhiệm được gia phong nhà mình.

Thủ thuật ban đầu để bước vào cửa Phật là phải nhịn. Bình tĩnh, sáng suốt nhẫn nhịn thì mọi việc sẽ an bài. Khi chúng ta có lực đó rồi mới thấy Phật pháp nhiệm mầu. Thiền sư khi đã đầy đủ tĩnh lực, tâm đã an thì đứng trước đường gươm lưỡi kiếm như dạo trong hoa viên. Các Ngài thưởng thức tất cả như hưởng một cơn gió xuân. Chúng ta còn vọng động, tâm luôn bất an thì đừng nói là lưỡi kiếm, mà khúc gỗ đập nhẹ cũng gục nữa. Người tỉnh ngộ có diệu lực phi thường nên tất cả pháp đối với các ngài đều là Phật pháp huyền diệu. Diệu lực đó tiềm tàng nơi mỗi chúng ta, nếu phát huy được thì mình tự tại, thấy gươm chém vào cổ như chém gió xuân.

Phật dạy chúng ta trì tụng kinh Bát-nhã là để phát huy diệu lực nơi chính mình. Ông Phật thật bên trong thành hình thì ta đủ sức hóa giải tất cả những tà ngụy chung quanh. Người tu thiền phải phát huy cho được ông Phật đó của mình. Có được lực dụng ấy rồi, ta sẽ bình thản an nhiên, tự tại đi trong sanh tử. Đó là kinh nghiệm thân chứng của các bậc đạt đạo, chớ không phải do tôi dám bịa đặt ra đâu. Nhưng làm sao để sống lại được với ông Phật thật của chính mình mới là điều đáng nói.

Tôi muốn nói chỗ dụng công tu hành của chúng ta là phải có năng lực bên trong. Nếu không có công phu miên mật thì không thể phát huy được năng lực này. Dù người ấy có nói thao thao bất tuyệt, nói cho trời mưa hoa, cho đá gật đầu mà không chịu tu thì cũng chẳng ăn thua gì. Việc này đòi hỏi chúng ta phải từng bước từng bước đi vào công phu. Như tôi đã nói, mỗi lần khắc phục được nghiệp xấu của mình là mỗi lần ta có sức mạnh. Sức mạnh ấy được tích lũy liên tục thì sẽ năng lực bên trong được phát sinh. Ví dụ tai mình nghe một âm thanh chói chang mà ta dừng được sự khó chịu là đã có sức mạnh. Dừng được là đóng cửa lỗ tai, không cho tâm chạy ra bên ngoài, như vậy phải là người có sức mạnh mới làm chủ mình như thế.

Chủ trương của đạo Phật là nhằm cho người ta phát huy được sức mạnh làm chủ của chính mình. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, biết rõ mà không chạy theo các trần là người có sức mạnh. Hằng ngày chúng ta thường kẹt vướng trong những điều đó. Không luận là nam hay nữ, những gì ta thích thú, dĩ nhiên mình đều chạy theo, đắm trước, tìm cầu hưởng thụ. Bây giờ muốn tu, yêu cầu trước tiên làm sao chặt đứt được việc đó. Nếm vẫn cứ nếm nhưng chặt đứt tất cả những gì đằng sau cái nếm đó thì tức khắc ta được an lạc. Điều chúng ta có thể làm được, không quá khó khăn đâu.

Nếu chúng ta không chịu tu, để tâm ngược xuôi dong ruổi nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng ấy thôi. Ở thế gian, người hiểu nhiều biết nhiều thì khổ đau nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta mờ mịt, không biết không hiểu gì cả. Với tâm định tỉnh, tự nhiên trí tuệ rất sáng suốt, nhưng cái hiểu biết sáng suốt ở đây không phải do học hỏi, do va chạm, do kinh nghiệm từng trải trong khổ đau. Cái biết này tĩnh lặng, trong sáng, an bình.

Ví dụ quí vị đang ngồi đây nghe tôi nói chuyện, có âm thanh nào ngoài kia vang lên hợp với sở thích của quí vị, thì dù cho tôi có nói hết nước miếng, quí vị cũng để tai ngoài kia, chớ chẳng nghe tôi chút nào cả. Đó là do tâm dong ruổi dẫn quí vị chạy theo âm thanh. Còn người nào định tâm, tập trung vào những gì có trong hiện tại, cụ thể như đang nghe pháp, thì mọi âm thanh bên ngoài không thể tác động đến họ được. Phật đã nói ai làm chủ được các giác quan là sống với ông Phật thật của mình, sống được với cái Viên trạm thường tánh độc lập sáng suốt của mình. Nhưng nếu tâm dong ruổi ngược xuôi thì nó không bao giờ hiện.

Người tu phải làm sao, làm việc gì thân ở đâu thì tâm ở đó, có sự chủ động không lơi lỏng. Trong đạo Phật không chấp nhận một việc làm nào, dù lớn dù nhỏ mà tâm bị chi phối, thân ở đây mà tâm ở chỗ khác. Nếu ta tập trung, làm việc bằng thân tâm của mình, chính trực chủ động, đó là có năng lực. Người có năng lực giải quyết mọi vấn đề một cách rất êm đẹp, không phiền lụy, không bực dọc ai; gặp cảnh khó khăn hay bị người hủy nhục cũng thấy bình thường. Các Thiền sư thường nói “Những cái khổ của thân tâm huyễn mộng này chúng ta chịu không nổi thì nói gì những cái khổ dưới địa ngục. Người ta kéo lưỡi hoặc nấu mình trong chảo dầu sôi… Những sự khổ thống thiết kia làm sao chịu nổi”. Nên khi ta nhận định chính xác phương thức tu hành rồi thì thẳng bước tiến vững vàng, đừng do dự chần chừ gì nữa.

Hằng ngày, trong cuộc sống của chúng ta luôn luôn có những bức xúc. Tuy nhiên từ những bức xúc như thế mình gắng gổ tu hành, dần dần nó sẽ hết. Phật nói có thân thì có khổ. Trong kinh Niết Bàn, Phật nói thân này hư giả, do bốn tướng hợp lại giống như bốn con rắn độc được nuôi chung trong một cái lồng, làm sao chúng không cắn nhau. Chúng ta thấy rõ ràng, nóng lạnh bức xúc, lúc nào cũng làm cho mình bất an bất ổn. Nóng quá không được, lạnh quá không được, cái gì mà quá là mình khùng liền. Người tu là biết điều hòa các duyên ở mức bình thường. Muốn thế chúng ta phải nhận được yếu chỉ của pháp tu. Người biết tu không dám để cái gì quá cả. Ví dụ như buồn thì cũng buồn vừa phải thôi, hoặc vui cũng vui vừa phải.

Tu Phật không nên trì hoãn nhưng cũng rất kỵ gấp gáp. Tu Phật thì phải tiến hóa dần dần từ thấp lên cao, không nên tu tập quá sức hoặc giải đãi quá đà. Chủ động là cái tâm bên trong. Vì vậy các Thiền sư nói gánh nước, bửa củi, cuốc đất hoặc ăn cơm, ngồi thiền, tụng kinh, mọi việc đều tu được hết. Nó không có gì khó khăn nhưng ta phải nắm được chủ động bên trong. Đừng mong cầu gấp gáp, nghe nói mình bị luân hồi sanh tử lâu đời quá, bây giờ sợ hoảng lên muốn làm sao rút rút đừng bị luân hồi sanh tử nữa. Đó là bệnh, chỗ đó quỷ thần thấy tâm sẽ phá hỏng công phu của chúng ta. Có những Phật tử sợ quá, nên luôn niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm. Muốn Bồ-tát lúc nào cũng có mặt bên mình, để ma quỷ đừng xâm nhập. Bởi tâm dấy niệm mong cầu như thế nên ma quỷ ốp vô. Khi mình khởi tâm ấy lên liền nghe có tiếng trả lời “Có Bồ-tát đây rồi”. Lúc đầu ta ngạc nhiên, nhưng dần dần nghe quen và tưởng Bồ-tát nói chuyện với mình thật. Thế là sau này thế lực ma sai khiến làm gì ta cũng làm theo. Cứ nghe có tiếng lảm nhảm trong lỗ tai hoài, cuối cùng kết thúc là sao? Khùng.

Hòa thượng kể hồi đó ở Chân Không có một Phật tử chạy lên cũng bị tình trạng như vậy. Ông luôn được Bồ-tát nói trong lỗ tai, biểu phải đi đây đi đó, phải tu như vầy như kia, phải thuyết pháp nữa. Biểu riết phát mệt, ông này muốn dừng lại nhưng không biết làm sao dừng được. Nhiều khi đang ăn cơm Bồ-tát biểu phải chạy thì đứng dậy chạy. Đang ở Sàigòn Bồ-tát biểu chạy xuống Vũng Tàu. Chạy riết trong gia đình cũng sảng theo, cho người theo giữ nhưng cuối cùng cũng không giữ nổi, vì còn phải lo làm ăn nữa chứ. Hôm đó không hiểu sao Bồ-tát biểu ông chạy lên Chân Không. Quí thầy nhà khách thấy là biết rồi, tay này đã quá đà, nên trình với Hòa thượng xin cho ông nghỉ lại một đêm.

Ông nói Bồ-tát dạy chỗ ông nghỉ không được có ai hết. Quí thầy nhìn qua nhìn lại thấy chỉ có thiền đường là không có ai, ngoại trừ đức Phật ngồi bất động trên tòa sen đó thôi. Thế là ông được đưa vào thiền đường, mấy thầy đóng cửa lại rồi đi nghỉ, chớ làm sao theo dõi nổi. Tới khuya lên thiền đường, quí thầy tá hỏa khi thấy ông đã cởi hết quần áo ra. Sự việc được trình Hòa thượng ngay. Sáng Ngài xuống biểu ông bình tĩnh kể lại tại sao như thế. Ông nói: “Con ham tu quá nên niệm danh hiệu Bồ-tát và được nghe Bồ-tát dạy các việc như thế, như thế”. Hòa thượng bảo: “Bây giờ ông đừng nghe nữa, buông bỏ đi. Đừng nghĩ có Bồ-tát gì hết, dù cho Phật hiện ra cũng bỏ đi, không theo”. Lời của Ngài có đạo lực nên đủ sức tác động lên tâm ông. Từ đó, ông dừng được và dần dần tĩnh lại, bắt đầu trả về vị trí bình thường.

Quí vị thấy, tâm niệm ban đầu đâu ai muốn mình khùng như thế! Tu vì sợ khổ, sợ ma sợ quỷ, sợ luân hồi sanh tử. Nhưng vì ham tu quá, tôi muốn nói đến chữ “quá”, thành ra quá đà.  Cũng may ông còn duyên lành chưa đến đỗi “đi bứt” luôn nên mới gặp Hòa thượng. Nhờ Ngài hướng dẫn kéo ông trở lại được với chánh pháp. Sau này ông nói chính Hòa thượng là người đã cứu tử, đã khai sinh ra ông, nếu không ông đã trở thành quyến thuộc nhà ma mất rồi. 

Cho nên việc tu hành, chúng ta làm sao giữ được ở mức thường và nhớ nghiệp tập của mình đã nhiều đời, đừng đòi một đời này phải dứt sạch nghiệp. Tu tập quí ở tâm thành và sự kiên trì, tu bao lâu cũng được hết, quan trọng đừng để rơi vào lưới ma. Nghiệp dứt bên ngoài thì còn bên trong, dứt cái này còn cái kia, giống như nhà có nhiều cửa, nhiều ngõ ngách, hễ lấp chỗ này thì nó hở trống chỗ kia. Phải chịu khó lấp nhiều lần nó mới hết lỗ hở. Chúng ta làm sao tạo được thế chủ động bên trong, mình là ông chủ ngự trong nhà, phải sáng suốt thấy rõ tất cả mọi sinh hoạt bên trong. Từ đó tự nhiên ta làm bất cứ việc gì cũng ở trong thế tỉnh táo, không có tà ma quỷ mị nào có thể làm hại hay xâm nhập vào được hết.

Khi truyền Tam quy Ngũ giới cho Phật tử, Hòa thượng thường nhắc: “Nếu những điều giới nào tôi hỏi mà quí vị thấy còn khó khăn, nhất thời chưa giữ trọn vẹn được thì cứ im lặng. Nhưng im lặng không có nghĩa là đầu hàng bỏ cuộc. Im lặng và ghi rằng nhớ rằng hôm nay mình còn yếu đuối chưa giữ được, nhưng ngày nào đủ duyên hoặc mình mạnh mẽ hơn, nhất định sẽ cố gắng giữ cho được”. Chúng ta phải có cách thức tu hành như thế. Bởi vì giáo pháp của Phật không phải là luận lý triết học hay những tư tưởng được trình bày nghe cho vui. Mà đây là những phương pháp sống, nếu chúng ta hiểu nhận và làm thì sẽ hết khổ. Hiểu nhận, làm đúng thì đời sống hiện tại thanh tịnh, đảm bảo giải thoát chắc chắn trong tương lai.

Khi nhận hiểu được giáo pháp một cách chân chánh rồi, chúng ta hành trì với quyết tâm của mình. Dù thế, nên giữ việc tu tập hết sức bình thường, chậm nhưng chắc. Cứ như thế công phu dần dần sẽ thấy kết quả tốt đẹp. Đừng nên nôn nóng, vì nôn nóng là tham lam mong cầu, còn tham là còn gốc phiền não, làm sao thành tựu Phật quả được. Cho nên đừng sợ gì cả, người con Phật còn sợ là còn mong cầu trông cậy vào thế lực khác. Cứu kính của sự giác ngộ phải do mình tự khai phóng chính mình mới được. Người con Phật phải sống theo tinh thần của Phật dạy. Tất cả chúng sanh đều có chủng loại Phật, đó là chủng loại anh hùng, gan dạ, sáng suốt, có thể khắc phục được những thứ xấu dở, điên loạn lăng xăng ngược xuôi của mình. Tôi nói điều này để chúng ta có đủ niềm tin và tự hào. Tự hào để làm gì? Tự hào để vui tiến tu hành, chớ không phải để tăng trưởng ngã chấp. Nhờ vui tu ta mới quyết định trải dài kiếp số, khó khăn cỡ nào mình cũng không lùi bước. Như vậy mình mới xứng danh là con Phật.

Lịch sử cho thấy trước khi thị hiện làm Hoàng tử ở Ấn Độ, xuất gia tu hành cho đến thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đức Phật đã trải dài công phu tu hành trong ba vô số kiếp. Công đức, phúc trí đầy đủ vô lượng vô biên. Vậy mà ngay trong đời rốt sau, Ngài cũng phải nỗ lực tối đa để chiến thắng ma quân, tập trung định lực để triển khai tuệ giác, cuối cùng chiết phục được ma oán thành tựu Phật vị. Đây không phải là chuyện ngồi đó uống trà, ngâm thơ, tán vịnh hay nằm võng đong đưa mà có thể thành tựu được. Phải hành tâm nhất ý tu hành trải qua thời gian lâu xa, bền gan bền chí quyết không xao lãng mới được.

Điều này nghe qua thấy như khó nhưng thật ra chúng ta có thể làm được, không phải quá khó. Có một thầy suốt 12 năm ở trong núi, chuyên tâm làm một việc thôi, đó là khắc phục vọng tưởng lăng xăng, nhưng vẫn chưa thành tựu. Phật biết tâm nguyện và lòng nhiệt thành của thầy nên hôm đó Ngài đến. Đức Phật nói: “Ta nghỉ lại đêm nay để xem công phu của ông, nếu có chỗ nào chưa thông, ta sẽ hướng dẫn cho ông”.

Vì chỗ ở gần dòng sông trong rừng, nên tối đến các loài cầm thú bắt đầu sinh hoạt. Một con chó sói đi ra kiếm ăn gặp một con rùa bò lên cũng để kiếm ăn. Chó sói liền vồ vào đầu con rùa, con rùa thụt đầu vô cái mai. Chó sói vồ tới cái đuôi, nó lại thụt đuôi vô mai. Cứ thế mỗi lần chó sói vồ tới đâu, con rùa thụt vô tới đó. Thế là chẳng những không làm gì được rùa mà chó sói còn đau điếng vì vồ trúng cái mai cứng như đá của nó. Giận và nản quá, cuối cùng chó sói bỏ đi.

Nhân sự kiện này, Phật nhắc thầy Tỳ-kheo kia phải phòng hộ tâm mình như con rùa phòng hộ đầu mắt tay chân và đuôi của nó. Phải có chỗ phòng hộ, có cơ sở đảm bảo như vậy mới không bị xây xát do thế lực bên ngoài tác động vào. Đừng để các căn tiếp duyên với các trần sanh các thức. Khi căn trần gặp nhau liền biết giữ gìn lấy mình, đừng chạy theo bên ngoài, mà phải biết đưa các căn vào chỗ an ổn nhất. Được thế chắc chắn giặc bên ngoài không làm gì được mình. Từ đó vị Tỳ-kheo ấy nhận được cách tu và phát triển công phu đạt được kết quả tốt đẹp.

Phật dạy, người tu hành chúng ta phải giấu các căn của mình như con rùa phòng hộ tay chân đầu đuôi của nó vậy. Các giác quan này khi đối duyên tiếp cảnh, chúng ta dừng không chạy theo, cắt được như thế thì mình không bị nó kéo lôi ra ngoài, không mất mình. Phật dạy “Chiến đấu với ma dữ, không lo sợ bụi trần”. Pháp tu này cũng dễ, đâu có gì khó khăn quá, phải không? Nghĩa là mình phải biết phòng hộ các căn bằng cách thụt vô trong ông Phật của mình. Chỗ đó an toàn nhất. Mỗi một niệm dấy niệm, mỗi cái lao ra mình chặt, giống như con rùa bị chó sói vồ ở đâu, nó thụt vô ở đó. Được vậy chắc chắn an ổn mà không tốn công tốn sức gì nhiều. Chỉ nhớ thụt vô là được, đừng lao ra. Người thực hiện được như thế là người có đời sống tương đối thánh hạnh, đảm bảo hiện đời thanh tịnh giải thoát, tương lai còn tốt đẹp hoàn hảo hơn nữa.

Nếu chúng ta tu không ra gì, đừng nói 12 hay 13 năm như vị Tỳ-kheo kia, có khi suốt đời ta vẫn chìm trong tối tăm, không gặp Phật, không gặp Bồ-tát, không gặp thiện hữu tri thức nào nhắc nhở cả. Cho nên hôm nay chúng ta hữu duyên gặp Phật pháp, được thầy bạn nhắc nhở, mình cố gắng áp dụng tu tập. Hóa giải phiền não bên trong, gìn giữ thành trì của tâm kiên cố, không để ngoại ma bên ngoài xâm nhập. Bản tâm của chúng ta giống như cái mai rùa, nó sẵn có chứ không phải cầu viện ở ai hết, chỉ cần nhận và sống lại là ta có thể bảo nhiệm gìn giữ gia phong nhà mình. Gia phong nhà mình là gì? Là định tuệ, là tâm, là ông Phật của chính mình. Cho nên việc tu nghe như khó nhưng không phải khó, vì ta đã có sẵn vốn liếng rồi.

Người có trí nghe pháp của Phật liền nhận định và áp dụng, đều có thể tu được, đều hưởng giá trị thiết thực của Phật pháp. Giống như lưỡi tiếp cận với thức ăn ngon bổ, ta ăn vào cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn trong người. Còn kẻ không khéo, không nhận được gì thì muôn đời có tiếp cận với pháp vị cũng chẳng có chút pháp lạc nào. Trong sinh hoạt tu tập nếu gặp duyên tốt, chúng ta được tiếp cận với Phật pháp, tự nhiên có an lạc. Song pháp lạc của người này không giống pháp lạc của người kia. Tùy trình độ, căn cơ mỗi người có một kết quả khác nhau. Có người họ nói nghe kinh sao mát mẻ quá. Có người nói nghe kinh tự nhiên thấy giải thoát, không còn gì ràng buộc hết. Đó là những lợi ích thiết thực của Phật pháp nhưng còn cạn bên ngoài, phải thực tập tu mới có những nguồn an vui sâu lắng hơn.

Làm sao sống nhận được Phật pháp bằng cái tâm của mình, chứ không phải bằng những hình thức bên ngoài. Muốn như vậy thì ngay trong hiện tại, trước nhất mình phải làm chủ được thân này. Làm chủ được thân này rồi, đồng thời phát huy làm chủ tâm của mình. Làm chủ được thân, phát huy được tâm của mình thì việc tu sẽ rất dễ dàng. Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ như thế này:

Chẳng phải chỉ nghe suông,

Mà vào pháp Như Lai.

Ví như bị nước trôi,

Sợ chìm mà chết khát.

Nghe suông cũng như vậy,

Không bằng đúng pháp tu.

 Người con Phật, người học Phật pháp không phải chỉ nghe suông, nghĩa là chúng ta phải nghe bằng tâm. Khi pháp vị đã thấm sâu trong tâm, toàn cả thân tâm chúng ta đượm nhuần vị pháp, do đó đi đứng nằm ngồi đều ở trong chánh pháp. Bởi vì tâm là gốc, tâm thông thì mọi thứ đều thông. Nghe pháp rồi thì phải tu và tu cho đúng, tức là làm sao điều trị bên trong tâm của mình.

Ví như nhiều thức ăn,

Toàn các món ăn ngon.

Nhưng nếu chẳng chịu ăn,

Thì phải chịu chết đói.

Điều này quá rõ ràng, không cần phải giải thích nhiều. Thức ăn dù cao lương mỹ vị tới đâu mà không chịu ăn thì cũng chết đói mà thôi. Cũng vậy, việc tu không phải chỉ nói mà là thực hành. Thực hành chính là ăn, thưởng thức thức ăn. Còn nói suông giống như đọc tên thức ăn, dù món ấy cực phẩm tới đâu kẻ đọc cũng chẳng biết gì.

Như thầy thuốc thật giỏi,

Biết đủ các phương thuốc.

Bệnh mình không thể chữa,

Nghe suông cũng như vậy.

Như ông thầy thuốc biết thuốc giỏi lắm, chữa trị cho người nào cũng hết bệnh. Nhưng khi có bệnh, ông không chịu uống thuốc thì sẽ không bao giờ trị được bệnh của mình. Không trị được bệnh thì sẽ chết vì bệnh thôi. Việc ấy hiển nhiên như vậy.

Như một người thực nghèo,

Đêm ngày đếm của người.

Mình không có nửa đồng,

Nghe suông cũng như vậy.

Giống như quí vị làm ở ngân hàng. Từ sáng tới chiều đếm không biết bao nhiêu là tiền, đếm hết giờ chớ không hết tiền. Vậy mà đến chiều về vẫn hoàn tay không, chẳng có một xu dính túi. Phật dạy thật là hay làm sao. Đếm của báu cho người, chớ mình không hưởng được gì của báu đó. Nghe suông cũng như vậy, trọn chẳng đem lại lợi ích cho mình và người.

Như một người tai điếc,

Có tài tấu âm nhạc.

Người thích mình chẳng nghe,

Nghe suông cũng như vậy.

Ở đây mượn hình ảnh người điếc mà đàn hay. Họ đàn người ta thưởng thức được, trong khi chính anh ta chẳng nghe được gì. Vậy mới đau. Nghe suông Phật pháp cũng vậy, trọn chẳng thưởng thức được gì. Phải thấm nhuần pháp vị bên trong, mới biết được sự an lạc ấy như thế nào.

Như có người đui mù,

Xưa học nay vẽ khéo.

Người xem mình chẳng thấy,

Nghe suông cũng như vậy.

Như một người mù có năng khiếu vẽ rất tuyệt, tác giả của những bức tranh nổi tiếng nhưng hai mắt anh ta chẳng thấy gì. Những tuyệt tác đó ai xem chứ anh không thấy chi, làm sao hạnh phúc được. Chúng ta học Phật đừng xếp mình vào những trường hợp như thế. Phải là người mắt sáng, thấy và làm chủ được, sống được với tâm mình.

Như người dẫn đường hiểm,

Độ được rất nhiều người.

Cứu họ chẳng cứu mình,

Nghe suông cũng như vậy.

Như người ở ngã ba ngã tư đường dẫn dắt cho người ta đi qua những chỗ hiểm nghèo. Chỉ cho người thôi chứ bản thân mình không có cách gì tự cứu khi gặp hiểm nạn. Cũng thế, trong đạo có những người nghe Phật pháp, hiểu Phật pháp, nói Phật pháp rất hay nhưng không áp dụng được Phật pháp vào đời sống của mình. Do không áp dụng được nên khổ vẫn cứ khổ, phiền não vẫn cứ phiền não, luân hồi sanh tử vẫn cứ như thế mà chồng chất, không có cách gì giải thoát được. Người nghe suông, không áp dụng đúng tinh thần Phật dạy, phát huy nội tâm của mình cũng như vậy.

Ví như trước đại chúng,

Khéo nói việc nhiệm mầu.

Chính mình không có đức,

Nghe suông cũng như vậy.

Nghe những câu này, thiệt là xấu hổ! Trước mọi người mình nói những cái nhiệm mầu của Phật, Bồ-tát v.v… nhưng bản thân thì mù tịt chẳng có chút kinh nghiệm nào trong chuyện mình nói hết. Như vậy ta có khác nào cái máy ghi âm và phát âm đâu. Chính mình nói Phật pháp mà mình không lợi ích gì hết. Phật pháp không phải như vậy, mà pháp của Phật là nhằm để cứu khổ chúng sanh. Đó là cứu cái khổ sanh già bệnh chết, cái khổ tận tủy tận tim trong trầm luân sanh tử. Nếu mình không tự chủ, không sống được với Phật của mình thì chúng sẽ lôi ta đi đời đời kiếp kiếp.

Quí vị nhớ không ai nỡ để mình bị trôi giạt mãi trong luân hồi sanh tử. Ngày nay chúng ta có duyên gặp Phật pháp rồi, bây giờ chỉ cần khôn ngoan sáng suốt áp dụng Phật pháp trong đời sống của mình để chấm dứt khổ đau. Như vậy mới là người hành trì, là đệ tử của Phật khéo điều trị, hóa giải những bệnh tật của mình. Chủ yếu của đạo Phật là tập giải quyết khổ đau của chúng sanh. Cho nên mong rằng tất cả chúng ta luôn luôn chuẩn bị tinh thần tỉnh sáng, áp dụng Phật pháp bằng tâm, bằng trí lực, định lực của mình để gìn giữ phát huy gia phong sẵn có lâu đời. Phải làm sao chính mình được hưởng gia phong ấy và duy trì phát triển cho tất cả mọi người cùng hưởng gia phong ấy.

Bài giảng hôm nay tôi muốn nói khỏe mạnh để tu. Sự khỏe mạnh đó không chỉ khỏe mạnh trên thân, mà chủ yếu là khỏe mạnh trên tâm. Bởi vì nếu tâm không khỏe mạnh thì việc tu rất khó. Thân tâm cùng khỏe mạnh hỗ tương nhau thì việc tu không khó. Chúc tất cả quí vị đều có được một thân tâm tráng kiện ngay trong hiện đời, để hưởng được nguồn an vui hạnh phúc hiện tiền.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM