SƠN CƯ BÁCH VỊNH

H.T THÍCH NHẬT QUANG

BÀI 1

Âm:

            Sơn cư cổ cảnh cửu mai trần,

            Kim nhật trùng ma khí tượng tân,

            Ngân cấu tịnh trừ quang thủy hiện,

            Phân minh diện kiến bổn lai nhân.

Nghĩa:

            Ở núi gương xưa bấy lâu vùi,

            Nay mới chùi lau dáng vẻ tươi,

            Bợn nhớp sạch rồi gương lấp lánh,

            Rõ ràng tạn mặt bấy nay người.

CHÚ:

Gương xưa tức là bản thể của tự mình, con người thật xưa nay, tức là tự tánh thanh tịnh tâm. Từ bản thể dấy niệm và lao theo, tức nhiên vô vàn đau khổ, sinh tử luân hồi bày hiện. Chính ngay bản thể một bề trong lặng, niệm dấy liền buông. Nơi đây mọi oan kết tức thời chìm lặng và, con người thật xưa nay trước mắt.

Chỉ khéo sống và sống an nhiên thôi !

BÀI 2

Âm:

            Sơn cư lực học ngộ Thiền tông,

            Nhật dụng tiên tu đạt khổ không,

            Bất thức bổn lai chân diện mục,

            Niêm hoa vi tiếu táng gia phong.

Nghĩa:

            Ở núi dùi mài tỏ Thiền tông,

            Vào cửa công phu rõ khổ không,

            Chẳng biết xưa nay mày mặt thật,

            Niêm hoa vi tiếu mất gia phong.

CHÚ:

 Vào cửa trình nhau phải đầy đủ mặt mắt thật xưa nay của mình. Bước đầu công phu cố gắng gổ để thấu rõ giả chân, kế lại quyết liệt dọn mình, một nhảy vào thẳng thế giới uyên nguyên. Nói thế e rằng trái phạm chăng ? Thôi hãy buông, một chữ buông thôi! Chớ chạy quàng xiên tìm kiếm vụn vặt bên ngoài. Định thần nhìn lại, gì là mặt mắt thật xưa nay của chính mình ?

Khéo, khéo. Một nụ cười vô biên nở rộp…

Thử nói xem là gì ?

BÀI 3

Âm:

            Sơn cư u ẩn bạch vân thâm,

            Học đạo tiên đương yếu thức tâm,

            Đại tắc phóng chi chu pháp giới,

            Quyển chi tắc thối bất dung châm.

Nghĩa:

            Ở núi mây trắng phủ hang sâu,

            Học đạo rõ tâm ấy bước đầu,

            Lớn ắt buông ra trùm pháp giới,

            Thu vào chẳng lọt mũi kim đâu.

CHÚ:

Rừng núi hang sâu với mây phủ muôn đời vẫn là quê hương, là hang ổ của đạo nhân vô tâm. Nhưng đấy cũng chỉ là một cách nói thôi. Còn có một yêu cầu khác có vẻ cấp thiết hơn nữa của người học đạo là phải “biết tâm”. Tâm ấy: “Diệu dụng như hằng sa, buông ra trùm khắp pháp giới, thu vào mũi kim không qua”. Thế thì tâm là gì ?

- Phải biết rằng thiên đường, địa ngục cũng không ngoài nó mà ra.

- Lớn thay! Tinh mật thay!

BÀI 4

Âm:

            Sơn cư học Đạo chỉ cầu tâm,

            Hà tất khu khu hướng ngoại tầm,

            Cử bộ tiện ưng đăng bảo sở,

            Mạc tương hoàng diệp đáng chân kim.

Nghĩa:

            Ở núi học Đạo chỉ tìm tâm,

            Lựa phải khư khư mãi chạy rông,

            Cất bước chính là lên bảo sở,

            Chớ đem lá úa thế vàng ròng.

CHÚ:

Người học Đạo quan thiết chỉ cốt tìm tâm. Phải sống thật với tâm. Tâm là Bảo Sở, ngoài tâm không có gì khác có thể thay thế tâm. Do đó dù trải qua bao nhiêu gian lao nguy khốn, mục đích của hàng đạo nhân là sống thật với tâm mình, buông bỏ tất cả vọng tưởng lăng xăng bên ngoài. Việc làm đấy gọi là công phu, gọi là trở về. Ngoài việc làm đấy cũng chưa khỏi có chút dính dáng. Thử nhìn lại xem!

Là cái gì ?

BÀI 5

Âm:

            Sơn cư phản chiếu khán tâm điền,

            Thối bộ nguyên lai thị thượng tiền,

            Mật mật công phu vô gián đoạn,

            Tất đương tham thấu Tổ sư thiền.

Nghĩa:

            Ở núi xoay lại xét tâm điền,

            Thối bước ngờ đâu tiến bước liền,

            Bám sát công phu không dứt đoạn,

            Tất nhiên soi thấu Tổ sư thiền.

CHÚ:

Người tu hằng xét tâm mình, bỏ quên tất cả. Tình huống này bên ngoài trông như thối hóa, nhưng với kẻ chân tu, ngay nơi thối hóa này tỉnh táo, chấn chỉnh công phu, không chút sơ hở, gọn gàng và sáng suốt tiến bước. Hãy bước từng bước một thật vững chắc. Đừng sợ mình ngu. Chỉ sợ mình không ngu được thôi.

Người xưa nói:

- Thầm thầm dụng công

Khéo khéo buông vọng tưởng.là vậy.

Nhìn gót chân mình mà đi!

BÀI 6

Âm:

            Sơn cư tịch tịch dưỡng lương tri,

            Duy tại đương nhơn tự bảo trì,

            Tình niệm dịch lai vi đạo niệm,

            Quả nhiên thành Phật dĩ đa thì.

Nghĩa

            Ở núi lẳng lặng dưỡng lương tri,

            Cốt ở người tu tự bảo trì,

            Tình niệm đổi ra thành đạo niệm,

            Quả nhiên thành Phật khó khăn gì?

CHÚ:

Bước đầu dụng công, nên chọn chỗ tương đối yên tĩnh để dễ dàng điều dưỡng thân tâm, giữ gìn tánh giác của mình. Trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ tỉnh táo siêu độ tất cả tình phàm lượng Thánh. Mảy may dấy khởi liền buông, dù ma hay Phật một lúc cũng đều siêu độ. Có như thế đất Phật thênh thang, tháng ngày tự tại, rong chơi thích thú. Khi này thử hỏi ta là gì? Thế ấy chưa bảo đảm được kế lâu dài.

Một tiếng quát! Cũng chưa phải.

BÀI 7

Âm:

            Sơn cư xích sái tịnh vô ai,

            Chung nhật như ngu dưỡng thánh thai,

            Bổn phận sinh nhai thùy thức đắc,

            Thế nhân hàm tiếu ngã si ngai.

Nghĩa:

            Ở núi gột sạch lớp bụi dày,

            Ngày lụng như ngu dưỡng thánh thai,

            Bổn phận mình làm ai biết được,

            Mặc cho cười mỉa tớ si ngây.

CHÚ:

Bổn phận của người tu là buông hết tình phàm thánh, siêu vượt mọi phan duyên, phấn chấn tinh thần, luôn luôn khắc tiến. Gương tráng sĩ chặt tay thuở nào trên Tung đỉnh đó là một đao kiên quyết đứt đoạn sợi dây sống chết, bước lên trời đất thênh thang mà đi. Người xưa bảo: “Muốn giăng bắt phượng hoàng lưới diệu, chớ noi theo chim chóc chí hèn. Đà buông câu kình ngạc lưỡi thần. Đừng sợ lụy ễnh ương phận nhỏ…”

BÀI 8

Âm:

            Sơn cư mao ngỏa trúc vi duyên,

            Thủ đạo an bần lạc tự nhiên,

            Tận nhật bế quan vô biệt sự,

            Trường thân lưỡng cước chẩm vân miên.

Nghĩa:

            Ở núi tre lau kết nên am,

            Giữ đạo an nhiên vui tháng ngày,

            Cửa đóng thanh nhàn không việc khác,

            Duỗi chân nằm ngủ gối thang mây.

CHÚ:

Người nhàn cảnh nhàn siêu thoát, người như cảnh như diệu huyền. Khi này sãi núi an nhiên, không còn vật dục sở hữu nào chung quanh quấy rối. Một thân nghèo vui với Đạo, cửa đóng không việc gì duỗi chân nằm ngủ yên. Ô hay ! Phàm thánh đồng triền, nói chi diệu huyền với siêu thoát ? Nhưng hang ổ này cũng chưa ổn, phải một phen nhào lộn, trời nghiêng đất lỡ mới có chỗ yên thân. Tuy vậy lầm ! Lầm ! Phải thức dậy, trông phương Nam tìm sao Bắc Đẩu.

Nhớ lấy hôm nay !

BÀI 9

Âm:

            Sơn cư phong cảnh dị nhân gian,

            Vân điểu phi hành tự vãng hoàn,

            Vật ngã nhất như vong bỉ thử,

            Sài môn tuy thiết vị thường quan.

Nghĩa:

            Ở núi phong cảnh khác nhân gian,

            Mây điểu bay đi biết vãng hoàn,

            Ta vật như nhau quên khác loại,

            Cửa ngoài tuy có chẳng từng quan.

CHÚ:

Ở núi phong cảnh thiên nhiên mây chim sinh hoạt. Vật ngã đều quên, bỉ thử vắng bóng. Cửa ngoài tuy có, chẳng đóng bao giờ. Đúng là nơi bặt dấu chim chồn, toàn thuần long tượng. Nơi đây người lặng, cảnh lặng cửa nẻo toàn không. Nói gì đóng với không đóng ? Đi ngã nào ? Lên thẳng ! Trên đó có gì ? Trời xanh ! Nếu là tay hảo hán nên rống một tiếng “hư”, rồi mặc tình thong dong.

“Tháng ngày qua vô sự Tăng…”

BÀI 10

Âm:

            Sơn cư tự cổ viễn hiêu trần,

            Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,

            Phong nguyệt mãn hoài cùng khoái hoạt,

            Cao ca nhất khúc họa dương xuân.

Nghĩa:

            Ở núi từ lâu lánh xa trần,

            Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,

            Trăng gió đầy lòng vui tột bực,

            Nghêu ngao một khúc họa dương xuân.

CHÚ:

Đạo nhân vô tâm, ngày ngày vui sống, không bận mảy may. Rừng núi đậm đà hương giải thoát. Mây trắng sực nức vị thanh lương. Thôi thì chân thấp chân cao, mặc tình phóng khoáng.

Ấy đấy, một khúc nửa khúc nghêu ngao thỏa lòng…

Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang,

Chống gậy chơi rong chừ phương ngoại phương,

Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi,

Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.

Chà ! Chà !

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM