SƠN CƯ BÁCH VỊNH

H.T THÍCH NHẬT QUANG

BÀI 11

Âm:

            Sơn cư lão nạp bá vô năng,

            Cúng Phật thường nhiên nhất trản đăng,

            Bất giả thiêm du quang xán lạn,

            Thập phương thế giới tất viên minh.

Nghĩa:

            Ở núi già cả vụng trăm đường,

            Đèn tâm dâng cúng đấng pháp vương,

            Đâu rảnh thêm dầu đèn vẫn sáng,

            Làu làu tỏ rạng khắp mười phương.

CHÚ:

Sãi già ở núi trăm điều vụng quê. Ngày ngày chỉ biết khêu sáng ngọn đèn tâm của mình dâng lên cúng dường mười phương hiền thánh, lịch đại Tổ sư. Chính ngọn đèn tâm này là mạng mạch của Phật pháp, là chỗ chân truyền xưa nay. Do đó bậc thức giả trong Tông môn phải nên gánh vác việc này. Một việc này nếu chưa hoàn tất, mà chỉ Đông chỉ Tây chạy lăng xăng bên ngoài, đó chỉ là ta tự dối ta mà thôi, hoặc ta là kẻ đếm của báu cho người, cam phận nghèo thiếu suốt kiếp. Đáng thương thay!

BÀI 12

Âm:

            Sơn cư nhật nhật thị lương triêu,

            Lệ phạn sung trường thủy nhất biều,

            Thùy thức lão tăng cùng đáo để,

            Đình tiền bá tử đáng hương thiêu.

Nghĩa:

            Ở núi bửa bửa sống an thường,

            Cơm hẩm no lòng nước thanh lương,

            Ai biết thầy già nghèo đáo để,

            Trước sân cây bá thế lò hương.

CHÚ:

Với thầy già ở núi, ngày nào cũng tốt, cũng sống an thường; cơm hẩm no lòng, nước suối tắm mát, sống đời giản dị. Mọi vật dụng là kho thiên nhiên trước mắt.

Tóm lại, quan niệm của người tu, sống thì tạm gởi với thiên nhiên, thác lấy trăng sao làm quan quách. Không bận lòng vì sự sống, không chạy theo cái giả bên ngoài. Chỉ một bề:

“Sáng tâm và an tâm”

Có chỉ cho nhau cũng không ngoài việc này.

Vừa nói gì ?

BÀI 13

Âm:

            Sơn cư khô đạm quả nhiên cùng,

            Hân đảo thiền sàng lại hạ công,

            Thánh giải phàm tình câu bất lập,

            Nhứt luân minh nguyệt chiếu hư không.

Nghĩa:

            Ở núi khô lạt rõ ràng nghèo,

            Xiêu ngã giường thiền biếng sửa theo,

            Ý thánh tình phàm đều ném hết,

            Một vầng trăng sáng giữa trời treo.

CHÚ:

Trí huệ như vầng trăng chiếu ngự giữa trời. Buông tất cả sống đời đạm bạc tiêu dao, không còn việc gì để quan tâm, chỉ chăm hẩm một việc như mèo rình chuột, khi đớp được chuột mới thôi. Lại lấy “Trí huệ là sự nghiệp” là câu châm ngôn của người tu. Bao lâu trí huệ hiện tiền, chừng đó mới an nhiên giải thoát.

- Giải thoát cái gì ?

- Rạng đông mặt trời lên, mọi tăm tối đều dứt bặt.

Thế thôi !

BÀI 14

Âm:

            Sơn cư môn yểm trúc lâm u,

            Vân tự phi hề thủy tự lưu,

            Thủ kỷ an bần tùy phận ngộ,

            Hữu nhân vấn ngã chỉ đê đầu.

Nghĩa:

            Ở núi thay cửa ngàn trúc sâu,

            Mây tự bay chừ nước tự xuôi,

            Giữ nết yên nghèo tùy phận gặp,

            Chợt ai hỏi đến chỉ nghiêng đầu.

CHÚ:

Ngàn trúc thay cửa, mây bay nước chảy tự muôn đời. Giữ nết yên nghèo, tùy phần an ổn. Vả như gặp người hỏi đến chỉ nghiêng đầu tạ lễ mà thôi.

Ấy thế, yên phận là một đức hạnh đáng quý và đấy cũng là một pháp tu, là cái then chốt của hạnh tri túc. Bao lâu còn chưa yên phận thì hạnh tri túc còn chưa thực hiện được, chỉ khi nào yên phận, chăm lo việc mình an ổn giữ đạo, mới thực hiện hoàn toàn pháp tri túc của Phật dạy.

BÀI 15

Âm:

            Sơn cư xuất nhập phóng đầu đê,

            Bất lý nhân gian thị dữ phi,

            Thâu thập thân tâm quy cố lý,

            Miễn giáo đới thủy hựu thi nê.

Nghĩa:

            Ở núi lui tới khỏi chìu lòn,

            Phải trái thói đời chẳng chen bon,

            Lượm lặt thân tâm về chốn cũ,

            Khỏi vương nước đục với bùn non.

CHÚ:

Phải với trái ta miễn bàn, bổn phận của ta là lúc nào cũng chăm lo thúc liễm thân tâm, gắng gổ hành trì đúng với lời Phật dạy. Dọn dẹp chông gai. Một bề thẳng lối về quê cũ. Gói ngém tư lương, dứt khoát tiến hành vào Phật địa. Được thế chúng ta mới hòng tránh khỏi cảnh bùn vương nước đọng. Vầng hồng vươn lên, vũ trụ thênh thang, dũng sĩ hiên ngang tiến bước.

Quày gót về Tổ vực đạo tràng

Vui khỏi bị Diêm đình tra tấn.

BÀI 16

Âm:

            Sơn cư bốc trúc ẩn nham a,

            Miễn đắc tùy lưu trục thế ba,

            Tri túc an bần thường khoái lạc,

            Mộc nhân tề xướng thái bình ca.

Nghĩa:

            Ở núi hang đá gởi tuổi già,

            Danh lợi thói đời thân tránh xa,

            Biết đủ yên nghèo thường khoái lạc,

            Người cây múa hát thái bình ca.

CHÚ:

Thân gởi hang đá, chẳng quản lợi danh, nghèo mà biết đủ, thường được yên vui. Khi này người gỗ ca khúc thái bình.

Trúc ốm tùng dài nhỏ giọt hương,

Gió trôi trăng mỏng đổ diêm lương,

Nguyên Tây chùa ấy chừ ai ở,

Hôm sớm chày kình đuổi tịch dương.

Một tiếng quát !

BÀI 17

Âm:

            Sơn cư cảnh trí lạc thiên thành,

            Kham thán diêm phù thế bất bình,

            Nghịch thuận thị phi đa lợi hại,

            Mạc như giam khẩu quá bình sinh.

Nghĩa:

            Ở núi an nhiên cảnh đẹp xinh,

            Ngao ngán diêm phù cõi bất bình,

            Phải trái ôi thôi đầy lợi hại,

            Tốt hơn ngậm miệng hết bình sinh.

CHÚ:

Núi non cảnh trí đẹp thiên nhiên, nơi đây dù giả tạm, nhưng không phải trái lụy phiền. Giữa cuộc đời đầy ngất thị phi oán hại, ta phấn đấu khắc phục mọi oan khiên. Từng bước chân thoảng nhẹ, ta sấn bước khôi phục lấy chủ quyền. Vững dạ kiên gan, tùy duyên giữ Đạo, ngậm miệng thối, giả làm ngơ, mới có chút phần tương ưng. Bước đầu là thế. Gắng lên !

Ô kìa !

Xót trông phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến bến mê.

Cái gì ?

BÀI 18

Âm:

            Sơn cư dưỡng chuyết độ dư niên,

            Vinh nhục phân minh tại mục tiền,

            Thật nãi thế tình triêu mộ cải,

            Tất nhiên thương hải biến tang điền.

Nghĩa:

            Ở núi giấu vụng sống năm tàn,

            Vinh nhục kìa ta thấy rõ ràng,

            Vốn thật tình đời chiều sáng đổi,

            Tất nhiên sự thế biến thương tang.

CHÚ:

Thương hải tang điền, đổi thay trước mắt, lạ gì ? Chừ ta dấu dẹp mọi khôn hay, bày ra những vụng dỡ quê mùa để sống cho hết năm tàn mà tiến tu đạo nghiệp.

Vinh với nhục mà chi. Vinh đỗ nhục đó, trò đời dâu bể có ra gì ! Đã thế dấn thân vào chốn bụi hồng, đâu không là dại dột.

Tuy nhiên,

Trong lòng ví không xiêu không lệch,

Mặc tình nghe kẻ mắng người khi,

Châm lửa đốt trời thêm nhọc sức,

Đáy mắt đà buông rủ bóng từ bi.

BÀI 19

Âm:

            Sơn cư súc thủ đắc tiện nghi,

            Tịch diệt thân tâm na cá tri,

            Bất thị thâu an duy tỵ họa,

            Danh cương lợi tỏa tận phao ly.

Nghĩa:

            Ở núi rút cổ có tiện nghi,

            Lòng mình lặng dứt ai biết gì,

            Chẳng phải trộm yên mà lánh họa,

            Dàm danh khoá lợi ấy mà chi.

CHÚ:

Ở núi có tiện nghi cho người dụng công tu hành là, thân tâm an tỉnh, tự tại, lắng dịu mọi triền phược trong lòng. Dù vậy, đó chưa phải là chỗ tiện nghi đắc lực cho người chân thiết dụng công. Có thể nói rằng bước đầu dụng công ta tạm mượn cảnh ấy để tránh bớt lụy phiền, bảo trì chí đạo. Nhưng rồi phải xông thẳng trong sào huyệt mà bắt giặc cướp mới được. Cũng chớ lầm nuôi giặc cướp công đức trong nhà !

Dè dặt lấy !

BÀI 20

Âm:

            Sơn cư vô vật tác sanh nhai,

            Đạm phạn huỳnh tê trục nhật ai,

            Phú quí công danh phi ngã sự,

            Đắc khoan hoài xứ thả khoan hoài.

Nghĩa:

            Ở núi không gì để sanh nhai,

            Dưa muối cơm thô tạm qua ngày,

            Phú quí công danh ta chẳng bận,

            Được hồi thong thả mở lòng ngay.

CHÚ:

Ngày qua ngày, cơm thô nước suối với sãi núi này, thấy đã thỏa lòng, cần chi giàu sang quyền thế, những thứ đó sơn tăng chẳng dùng. Sãi núi này chỉ làm một việc là, tự mở mắt huệ, giải phóng chính mình. Bao nhiêu tinh lực, dồn hết vào công phu, thực hiện cho kỳ được việc này. Việc này hoàn tất mới yên lòng sãi ta. Vừa lãi nhãi gì ?

Thẳng bước tiến lên quả vô sanh,

Yêu ma quỉ mị khôn ngăn nổi,

Chiếc gươm trí huệ tay chẳng rời,

Đơn đao đột nhập vô thượng giác…

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM