SƠN CƯ BÁCH VỊNH

H.T THÍCH NHẬT QUANG

BÀI 31

Âm:

            Sơn cư quy ẩn lạc tiên thiên,

            Mặc khế chân như giáo ngoại truyền,

            Đại đạo bổn lai vô sở nhiễm,

            Mạc manh vọng niệm ố tâm điền.

Nghĩa:

            Ở núi quy ẩn giữ tiên thiên,

            Thầm tỏ chân như giáo ngoại truyền,

            Đạo lớn xưa nay không chỗ nhiễm,

            Chớ cho vọng tưởng nhớp tâm điền.

CHÚ:

Làm tăng ở núi luôn giữ tâm thể an nhiên. Đạo thể trùm khắp không mảy may tỳ vết. Xưa nay hiện bày chẳng chút gì khuất lấp. Muốn thể nhập Đạo lớn này, chỉ vọng dấy liền buông. Được thế tự nhiên đất trời rỗng rang sáng suốt. Tuy nhiên như thế chớ lầm chạy theo vọng tưởng, làm hoen ố tâm điền của mình. Tổ sư dạy:

“Sai chừng mảy lông, lỗi có muôn ngàn”

Tỉnh tỉnh, chớ bị người gạt.

BÀI 32

Âm:

            Sơn cư mặc tọa thị chân tu,

            Học đạo vô như hiết niệm đầu,

            Y lý minh châu nguyên bất thất,

            Hà tu tân khổ ngoại biên cầu.

Nghĩa:

            Ở núi tỉnh lặng thật chân tu,

            Học đạo gì hơn dứt niệm đầu,

            Chéo áo minh châu còn sẵn đó,

            Lựa là cay đắng khắp nơi cầu.

CHÚ:

Chân thể thì trong lặng viên dung. Người muốn đến điền địa này trước nhất phải buông vọng hoặc, vọng dấy liền buông, phải buông thật sạch mới tỉnh lặng như như được. Đã thế tức nhiên hạt châu quý đẹp giá trị vô lượng trong chéo áo vẫn còn. Vậy thì đâu cần cay đắng khắp nơi chạy tìm. Thôi, chớ nhận bóng quên đầu mà mất công vô ích. Có điều này là ở đây nói hạt châu hay bản thể, chân thể… đều chỉ là một cách nói.

Xin nhớ lấy !

BÀI 33

Âm:

            Sơn cư hối tích dưỡng chân tâm,

            Đa thiểu cuồng mê trục ngoại tầm,

            Thủy tín cổ nhân ngôn bất tháo,

            Vô huyền cầm thượng thục tri âm.

Nghĩa:

            Ở núi mai danh dưỡng chân tâm,

            Nhiều kẻ lầm mê rong ruỗi tầm,

            Mới biết người xưa lời chẳng dối,

            Không dây đờn nọ đấy tri âm.

CHÚ:

Kẻ ở núi là mai danh tu dưỡng, dừng bước chạy rong. Bởi lẽ càng chạy ra ngoài càng xa, càng tìm lăng xăng, càng rỗng. Người xưa bảo: “Hãy tỉnh táo ngay đấy mà thừa đương”. Lời này thật không dối. Do vì lầm mê nên chúng ta chưa chịu tin đấy thôi. Thế nên ở đây nói: “Đờn không dây ai là tri âm”. Sự thực kẻ tri âm này phải sống được với cái hằng nghe, xoay cái nghe vào tự tánh, buông bỏ thinh trần, trở vào viên trạm thường tánh. Đã thế ai là tri âm đây ? Thật khó thông tin tức này lắm! Người xưa nói: “Ba mươi năm chỉ câu được nửa người Thánh”.

BÀI 34

Âm:

            Sơn cư hồi thủ tự trầm ngâm,

            Trượng thiết yên năng phó thốn câm,

            Hải hữu khô thời chung kiến để,

            Thế nhân chí tử bất tri tâm.

Nghĩa:

            Ở núi hồi thủ tự trầm ngâm,

            Trượng sắt đâu hay đổi tấc vàng,

            Biển có hồi khô rồi thấy đáy,

            Người mê suốt kiếp chẳng biết tâm.

CHÚ:

Tâm thể lặng như mà cứ nhằm tán động mà tìm thì, cùng kiếp cũng chẳng biết nhận ra. Việc này như sắt vụn, dù có bao nhiêu trượng cũng không đổi được một tấc vàng ròng. Cho nên ở đây cam kết rằng: Dù cho non có mòn, biển có cạn chăng nữa, cứ chạy bên ngoài mà tìm thì suốt kiếp và mãi mãi trong nhiều kiếp dài và nhiều hơn nữa, cũng không thể nào nhận ra tâm hay biết tâm là gì. Chỉ khi nào hồi đầu thôi chạy, ngay đấy mà nhận lại chính nơi mình.

Khéo khéo nhận lấy.

Chớ lầm vọng tưởng !

BÀI 35

Âm:

            Sơn cư ngột tọa kháp như si,

            Tâm địa phân minh liễu liễu tri,

            Phong tác tùng đào lai quát nhĩ,

            Mão nhiên bất cố thả ca thi.

Nghĩa:

            Ở núi ngồi vững tợ như si,

            Tâm địa tinh thuần rõ rõ tri,

            Gió dậy sóng tùng tai rộn rã,

            Mặc cho bốn phía cứ ngâm thi.

CHÚ:

Người đại lực lượng, bên ngoài trông giống như si ngây mà chẳng phải si ngây. Đó chính là con người bất động, bất tử, không còn chạy theo những vọng giả bên ngoài nữa. Chính con người này triệt không tất cả, quán xuyến tất cả, cho dù trời nghiêng đất lỡ. Con người này vẫn an nhiên tự tại. Tóm lại mọi hiện cảnh, hiện tượng trên thế gian này và cả những biến động lớn lao của siêu giới cũng không làm gì được con người này, cũng không thể kéo lôi nổi con người này. Thế thì con người này là gì ?

Một tiếng quát !

BÀI 36

Âm:

            Sơn cư khiển hứng ngẫu thành thi,

            Nhơn nhược đam thi diệc thị si,

            Sanh tử mạng căn như vị đoạn,

            Mạc tồn tri kiến bả tâm khi.

Nghĩa:

            Ở núi khiển hứng chợt thành thi,

            Nhưng nếu mê thi cũng lại si,

            Sống chết mạng căn như chửa dứt,

            Chớ đem thấy biết để lòng khi.

CHÚ:

Chấp kiến chính nó là một thứ chướng ngại lớn trên đường Đạo, cũng chính nó là sở tri ngu rất khó trừ. Người hạ thủ công phu tu hành, phải nên đề phòng kiến chấp này. Hơn nữa người dụng công tu hành trong lòng nếu còn mảy may tình niệm nào chưa buông thì, đó là đam mê, cũng là một thứ si. Phải mạnh dạn bước lên đầu sào trăm trượng, đẩy sinh mạng mình vào cùng lộ, chỗ tuyệt hậu để rồi đón nhận một sự sống vĩnh cửu. Then chốt của vấn đề sinh tử, ta chưa giải quyết ổn đáng, tức nhiên có ngày quỷ Dạ Xoa kéo cổ ta đến điện Diêm La bắt đền cơm đó.

BÀI 37

Âm:

            Sơn cư tuấn hiểm thiểu nhơn đăng,

            Trúc tháp già phu nhất cá tăng,

            Quý ngã tịch liêu vô bạn lữ,

            Tự tri phương thốn lãnh như băng.

Nghĩa:

            Ở núi hiểm trở ít người lên,

            Giường trúc ngồi Thiền một vị tăng,

            Vắng vẻ thẹn mình không bạn lứa,

            Tự lòng mình biết lạnh dường băng.

CHÚ:

Núi non hiểm trở ít người vãng lai, lại chỗ chót đảnh, ngút ngàn mây khói, ai là người có thể làm bạn lứa ? Đấy là chỗ một mình cảm nhận mà thôi. Người xưa nói: “Thường độc hành, thường độc bộ” chính là đây. Nếu đây là một con đường thì người muốn đi và đi được, con người này phải là bậc trượng phu đạt đạo, mới có thể dạo chơi trên đó (đường này) được. Người dạo chơi trên đường này, lên tận đỉnh cao rồi, mới có thể xem xét tận mười phương. Thấu rõ lẽ: “Một hạt bụi nuốt biển cả, biển cả cũng không ngoài ta”.

Gớm thay !

BÀI 38

Âm:

            Sơn cư lãnh đạm Phật gia phong,

            Thật thị thân cùng Đạo bất cùng,

            Vô giá ma ni nhân hản thức,

            Khả lân đối diện bất tương phùng.

Nghĩa:

            Ở núi lạnh nhạt Phật gia phong,

            Ấy thật thân hèn Đạo chẳng hèn,

            Của báu ma ni người ít biết,

            Thương thay giáp mặt chửa từng quen.

CHÚ:

Xưa nay Phật gia không chuộng bên ngoài và rất lạnh nhạt đối với tất cả. Người tu Phật rất chú trọng bên trong, phần nội tại. Chỉ cốt làm sao cho phần nội dung vững vàng, sáng suốt, chắc thật thôi. Tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Biết tâm và nhận được tâm là nhận được tất cả. Sống thật với tâm là, có thể trang trải hài hòa với tất cả, chưa từng thiếu thốn. Người xưa nói: “Thật là thân hèn mà Đạo chẳng hèn”.

Hèn ấy, thân tuy mặc rách rưới nhưng với Đạo thì trong tâm sẵn có hạt châu vô giá.

BÀI 39

Âm:

            Sơn cư tịch mịch chánh tương nghi,

            Hảo bả lương tâm dưỡng phiến thì,

            Nguyệt chiếu hàng tùng minh ý Tổ,

            Cá trung năng hữu kỷ nhơn tri.

Nghĩa:

            Ở núi yên lặng thích thú thay,

            Khéo giữ lương tâm dưỡng tháng ngày,

            Tùng lạnh trăng soi bày ý Tổ,

            Trong đây được có mấy người hay.

CHÚ:

Vắng lặng là nơi thích hợp với người tu. Đã được an nhàn sống trong cảnh ấy, chúng ta phải nắm vững cương lĩnh tu hành, quyết tử hạ thủ công phu đồng thời cũng phải điều dưỡng thân tâm một cách khéo léo. Chúng ta nhận rõ nổi khổ luân hồi sanh tử nhiều kiếp một cách sâu sắc. Chúng ta cũng đã khẩn thiết dụng công tu hành. Như vậy mỗi phút giây trong hằng ngày chúng ta sẽ không mất phần lợi ích. Và khi tỉnh lực mạnh, trí huệ không lầm ngoại cảnh thì tự nhiên như nói:

“Trăng soi tùng lạnh đều sẵn bày ý Tổ”.

Gắng lên !

BÀI 40

Âm:

            Sơn cư phong vật tự thiên nhiên,

            Đại đạo chiêu chiêu tại mục tiền,

            Bất thức Tổ tông thân mật chỉ,

            Đồ lao niệm Phật dữ tham thiền.

Nghĩa:

            Ở núi phong vật vốn thiên nhiên,

            Đạo lớn rành rành trước mắt liền,

            Ý nhiệm Tổ tông không biết đến,

            Uổng công niệm Phật với tham thiền.

CHÚ:

Ngay nơi cảnh Đạo hiện bày, người có chút hơi hám phải ngay đó mà nhận. Chính đó mà đào xới tìm lấy, chạy lăng xăng bên ngoài vô ích. Tóm lại ý nhiệm Tổ sư cũng phải ngay đó trực nhận, chính đó thừa đương, không can hệ việc gì bên ngoài và cũng chẳng thiếu thốn vật gì, chỉ biết gìn giữ và khéo dùng là được. Người xưa bảo: Phải khéo thừa đương. Nhưng thừa đương cái gì ? Thì đây !

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Một tiếng quát !

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM