SƠN CƯ BÁCH VỊNH

H.T THÍCH NHẬT QUANG

BÀI 51

Âm:

            Sơn cư cao ẩn bạch vân trung,

            Đa thiểu manh mê bất kiến tung,

            Hướng ngoại tầm chơn chơn chuyển viễn,

            Khắc chu cầu kiếm uổng thi công.

Nghĩa:

            Ở núi cao ẩn tận trong mây,

            Nhiều kẻ mù mê chẳng biết tung,

            Hướng ngoại tìm chơn chơn lánh mãi,

            Ghi thuyền mò kiếm uổng ra công.

CHÚ:

Non nước là quê hương, là nơi cao ẩn của kẻ đã buông lại buông. Người đầy mộng mơ chưa thể tìm được gì ở nơi này, nếu gượng tìm cũng chẳng khác kẻ nhắm bên ngoài tìm chân như hoặc ghi thuyền mà mò kiếm báu, chỉ mất công không ích lợi gì cả. Thế thì người muốn tìm chơn, phải làm sao ? Tìm ở đâu ? Hãy thong thả đi, nhìn lại gót chân mà đi, vất mọi sở hữu, sở kiến, dần dần khôi phục phận vị nguyên xưa của mình. Được vậy là về gần đến nhà và nhận ra ông chủ nguyên xưa chân thật của mình.

BÀI 52

Âm:

            Sơn cư bình địa hữu thâm khanh,

            Chỉ quí đương nhơn cụ nhãn minh,

            Phục hổ hàng long giai mạc sự,

            Pháp thân bất động ngộ vô sanh.

Nghĩa:

            Ở núi bình địa có thâm khanh,

            Chỉ quí người đi mắt sáng lanh,

            Trói cọp dẹp rồng là việc mọn,

            Pháp thân chẳng động rõ vô sanh.

CHÚ:

Người tu cốt thể nhập vô sanh, vô sanh là đối với sanh nhẫn, pháp nhẫn, đương nhân phải thực sự bước vào chỗ không còn dấy khởi nữa. Lại, pháp là đối với các hiện tượng quả báo trước mắt. Nhẫn là đương nhân phải có công lực đủ đạo nhãn nhận chịu tất cả hiện tượng quả báo đó. Có nghĩa là, người tu phải khắc phục và chiến thắng nội ngoại cảnh. Được vậy thì tự nhiên hiện tiền. Cái gì hiện tiền ?

- Chớ chạy rong. Tối kỵ kiếm tìm !

- Sanh pháp an bài trí huệ sanh.

BÀI 53

Âm:

            Sơn cư độc xuất chúng cao phong,

            Tứ bích vô y triệt cốt cùng,

            Thuyết dữ thế gian hồn bất tín,

            Khu khu chỉ đắc tự tiêu dung.

Nghĩa:

            Ở núi độc xuất đỉnh cao phong,

            Bốn phía cheo leo khó tựa trông,

            Nói với người đều chẳng chịu,

            Rồi thôi chỉ có một mình thông.

CHÚ

Dụng công tu thiền khác nào người ở non cao chót đỉnh, bốn phía chẳng liên hệ, chẳng tựa nương vào đâu. Là con đường triệt cốt độc đáo hơn bất cứ con đường nào. Do vậy mà nói cho người nghe ít ai chịu tin. Rốt rồi chỉ riêng mình mình biết, riêng mình mình thông mà thôi. Con đường này ai tin được tức toàn tin vào tín vị, ai chịu khó bước đi tức mỗi bước vào đất Như Lai, có thể nói con đường thẳng tắt nhất, nhanh chóng và gần gũi quê hương nhất.

Tuy nhiên gì là con đường ?

Bốn phương tám hướng đi.

BÀI 54

Âm:

            Sơn cư liên lạc đạo nhơn gia,

            Nhứt chủng bình hoài độ tuế hoa,

            Cơ khiết kim ngưu vô mễ phạn,

            Khát lai tiện ẩm Triệu Châu trà.

Nghĩa:

            Ở núi quạnh hiu cảnh Đạo gia,

            Một tấm lòng vui ngày tháng qua,

            Cơm pháp Kim Ngưu ăn đỡ đói,

            Khát thôi lại uống Triệu Châu trà.

CHÚ:

Rừng núi quạnh hiu rất thích hợp với người mà mọi điều trăm mối dứt bặt, gìn một kiên tâm vững chắc, bình thản an ổn, tri túc qua tháng ngày, vọng dấy liền buông. Một chữ buông cũng bặt, lặng lẽ như như. Khi này, đói thì ăn cơm pháp Kim Ngưu, khát uống lấy trà Đạo Triệu Châu, sống đầy hương vị giải thoát nhưng trước mắt chẳng còn đối tượng, trong lòng chẳng phân chủ khách, đậm đà an ổn hoàn toàn, một niềm an nhiên tiêu dung, thử hỏi giải thoát cái gì ? Gì trói buộc ta ? Cũng chưa ổn.

BÀI 55

Âm:

            Sơn cư tham học chí cô cao,

            Vị đạo vong xu bất đạn lao,

            Tọa đáo ngũ canh thiên dục hiểu,

            Thanh tùng trích lộ thấp thiền bào.

Nghĩa:

            Ở núi tham học chí riêng cao,

            Vì đạo quên mình chẳng nại lao,

            Ngồi đến canh năm trời rựng sáng,

            Tùng xanh móc nhễu ướt thiền bào.

CHÚ:

Người học Đạo phải đầy đủ ý chí, luôn luôn nêu cao tinh thần cầu tiến, phấn đấu bất khuất, tập trung cao độ ý chí vào công tác duy nhất là: “Quên mình vì Đạo, thành tựu đại nguyện”. Nhắm thẳng tới trước, bất chấp mọi gian nguy, lấy giác ngộ làm kỳ hẹn, không kéo dài mạng sống cho cuộc đời mà dồn hết sinh mạng cho việc sáng Đạo, phát huy năng lực trong việc hành Đạo, tận dụng mọi phương tiện để hoàn thành sứ mạng đạt Đạo.

Thượng cầu Phật Đạo

Hạ hóa chúng sanh.

BÀI 56

Âm:

            Sơn cư ký tích tạm y thê,

            Sanh tử hà tằng hữu định kỳ,

            Phân phó đương nhơn cao trước nhãn,

            Cấp tu đả điểm xuất đầu thì.

Nghĩa:

            Ở núi gởi dấu tạm nương về,

            Sống thác nào ai biết được kỳ,

            Xin nhắn người đời mau tỉnh giác,

            Hành trang sắm sẵn kíp quay về.

CHÚ:

Ta bà cõi tạm, sống thác chẳng hẹn kỳ. Ai người biết được những bí ẩn trong cuộc giả tạm sống thác bấp bênh này. Thế ấy, kíp mở to đôi mắt đầy đủ đạo nhãn, sẵn sàng tư lương, quày gót tìm về quê cũ.

Quê cũ ở đâu ?

“Chỉ một niệm không sanh toàn thể hiện”. Bấy giờ toàn bày trước mắt chẳng thiếu vật chi. Vậy thì nói quày gót hay quày đầu gì gì cũng chỉ là một lối nói thôi. Trọng điểm ở chỗ “Một niệm không sanh” tức nhiên hiện tiền.

BÀI 57

Âm:

            Sơn cư kết thảo tại trùng nham,

            Hỉ đắc phiên thân xuất náo lam,

            Tri túc tiện vi an lạc quốc,

            Mạc giáo quá phận thái vô tàm.

Nghĩa:

            Ở núi kết cỏ ở gành non,

            Mừng được rời thân khỏi lối mòn,

            Biết đủ là vui niềm an lạc,

            Thẹn thuồng quá phận khó chu toàn.

CHÚ:

Vui về ẩn thân chốn núi non là tránh được chỗ đông đảo ở xóm làng. Biết đủ là một vị thuốc an thần khỏe mát nhất đối với người tu. Bất cứ ai nếu dùng đến liều thuốc “biết đủ” này, tức nhiên trọn đời an ổn khoái lạc. Tóm lại hành giả trong Tông môn phải có tư cách độc lập, tự quyết và tinh thần tự trọng. Lấy bài học “mong cầu quá phần” làm đề tài tự kiểm hàng ngày để thực hiện hoàn chỉnh nếp sống tri túc thanh cao, giải thoát cho chính mình.

BÀI 58

Âm:

            Sơn cư khổ hạnh nhứt đầu đà,

            Phế tẩm vong san tự trác ma,

            Liễu đắc duy tâm chân Tịnh Độ,

            Phương tri Cực Lạc tại Ta Bà.

Nghĩa:

            Ở núi hạnh khó nhất đầu đà,

            Bỏ ngủ quên ăn giũa mài ta,

            Thấu lẽ duy tâm chân Tịnh Độ,

            Mới hay Cực Lạc tại Ta Bà.

CHÚ:

Hạnh đầu đà là mười hai hạnh khó khổ nhất của người tu sĩ. Sãi núi này dùng trang nghiêm bản thân, mài giũa cái ta, trau dồi ý chí. Duy tâm Tịnh Độ hay tỉnh giác hiện tiền là cao điểm sãi tôi phải thầm nhận thực sống.

Bao lâu người tu chúng ta sống được duy tâm Tịnh Độ tức nhiên chúng ta cũng sẽ nhận ra Cực Lạc hiện tiền, khỏi phải chạy tìm hay cầu cạnh đâu khác. Hãy nối dài dòng niệm hiện tại liên tục bằng công phu tỉnh giác của mình.

BÀI 59

Âm:

            Sơn cư thắng cảnh dị tầm thường,

            Phổ thị chư nhơn bất phú tàng,

            Thủy điểu thọ lâm tuyên diệu pháp,

            Cao sơn bình địa tổng Tây phương.

Nghĩa:

            Ở núi cảnh đẹp khác tầm thường,

            Khắp để người xem chẳng dấu tàng,

            Chim nước cây rừng bày diệu pháp,

            Non cao đất phẳng thảy Tây phương.

CHÚ:

Cảnh tùy tâm hiện, tâm đã thanh tịnh lặng yên thì cảnh nào chẳng là cảnh xinh tươi siêu thoát. Đã thế, chim nước cây rừng, non cao đất phẳng đâu không là Cực Lạc Tây phương, đều tuyên dương diệu pháp. Do đó nên nói: “Cảnh trí nơi đây khác tầm thường” và cảnh trí tươi đẹp siêu thoát đó phơi bày cho tất cả mọi người xem không hề dấu diếm bất cứ ai. Nhưng phải xem bằng cách nào đây ?  Lấy con mắt gì mà xem ?

Tâm thanh tịnh lặng lẽ là hơn hết.

BÀI 60

Âm:

            Sơn cư phu tọa nhứt bồ đoàn,

            Nhựt dụng công phu tại phản quan,

            Bổn mệnh nguyên thần tri lạc xứ,

            Thiệt đầu bất bị biệt nhơn man.

Nghĩa:

            Ở núi ngồi vững một bồ đoàn,

            Hằng dụng công phu tự phản quan,

            Bổn mạng nguyên thần đà biết trước,

            Lưỡi đầu khỏi bị kẻ khi man.

CHÚ:

Chỗ dụng công của Thiền gia là tự phản quan quan tự tánh, cũng gọi là phản quan tự kỷ bổn phận sự. Việc làm này là việc làm bổn phận của mình nên nói bổn phận sự là vậy. Thiền gia luôn luôn tỉnh thức và hằng xét soi lại mình. Đến khi nào nhào nặn công phu được thành khối lại càng tỉnh táo đắc lực hơn nữa, thời tiết nhân duyên đến tự nhiên sôi động, một tiếng nổ vang, mười phương thấu thoát. Và đây là điểm ta phải dẹp bỏ thân mạng (tan thân mất mạng) bước lên đài vinh quang.

Chỉ đoán mò thôi ! Kẻ chỉ nói ăn không khi nào no bụng đói.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM