SƠN CƯ BÁCH VỊNH

H.T THÍCH NHẬT QUANG

BÀI 81

Âm:

            Sơn cư hưu bả tự tâm man,

            Thỉ thức đăng cao nhãn giới khoan,

            Phóng khứ đại thiên già bất trụ,

            Thâu lai chỉ tại nhất hào đoan.

Nghĩa:

            Ở núi chớ gạt cõi lòng ta,

            Mới biết lên cao mắt thấy xa,

            Buông đó cõi trời che chẳng khắp,

            Gom về chỉ gọn mảy lông mà.

CHÚ:

Dụng công miên mật đến chỗ công phu thành khối rồi thì tinh tường tất cả, quán xuyến cùng khắp. Cũng như kẻ lên cao, càng lên cao nhãn giới càng mở rộng nhìn khắp bao la, không bị hạn cuộc và chướng ngăn. Đến chỗ này rồi, thì phải khéo léo, đã miên mật cần liên tục miên mật hơn nữa. Đã nỗ lực lại càng nỗ lực miên miên mật mật gấp bội. Thời tiết nhân duyên đến một tiếng nổ thôi, bình minh ló dạng. Mọi thứ vỡ toang rồi thì bình thường an lạc trở về. Khi này tạm thốt câu: “Đất nước tôi thanh bình” cũng không sao !

BÀI 82

Âm:

            Sơn cư tri thức dị thường luân,

            Minh cảnh đương đài biện nghiệm nhân,

            Nghiêm xú nan man đô chiếu xuất,

            Bản lai minh cảnh tuyệt sơ thân.

Nghĩa:

            Ở núi quen biết chẳng ngại ngần,

            Gương sáng đài cao nghiệm lựa nhân,

            Tốt xấu khó che đều rọi suốt,

            Xưa nay gương sáng chẳng sơ thân.

CHÚ:

Chỗ vì người của người tu có khác không như thường tình qua lại với nhau. Tình hình này cũng như gương trên đài cao chiếu nghiệm đường tơ kẻ tóc chẳng lầm chẳng sót. Vừa có chút tình niệm xen vào tức nhiên gương mờ bụi phủ, lăng xăng mất tâm. Thế ấy, làm sao thấu suốt mọi lẽ xưa nay ? Nên nói: “Xưa nay gương sáng chẳng sơ thân”. Tóm lại còn vọng khởi là còn dụng công, còn dụng công là chưa suốt tột. Bao giờ thể nhập tâm cảnh đều bặt lặng lẽ như như mới hoàn toàn thấu triệt và suốt xưa suốt nay, không vật ngăn ngại là gì ?

Trên cao mưa ít gió nhiều.

BÀI 83

Âm:

            Sơn cư tiểu bích cảm nhiên hàn,

            Bảo kiếm đương hiên thục cảm khan,

            Ngoại đạo tà ma câu não liệt,

            Lão tăng thiền định chánh khinh an.

Nghĩa:

            Ở núi đá dựng lạnh vô vàn,

            Kiếm báu treo hiên loé nhãn quang,

            Chẻ óc tà ma phường ngoại đạo,

            Thầy già thiền định vẫn vui an.

CHÚ:

Hàng ma kiếm là kiếm báu dùng để hàng phục quân ma ngoại đạo. Người sử dụng phải là trang hảo hán, bọn thường nhân nghe hỏi lạnh kiếm quang cũng đã khiếp đảm kinh tâm rồi nói gì sử dụng với không sử dụng. Hành giả trong Tông môn với hai thứ thiền định và trí huệ là dũng cảm và gươm báu hay đánh dẹp tà ngoại, tạo thế thăng bằng cho hành giả trong khi hạ thủ công phu. Định huệ là bất động và kiếm báu với lại người tu nó là thứ vũ khí tối cần, dùng để hộ thân là Thiện tri thức bậc nhất không thể thiếu của người tu.

BÀI 84

Âm:

            Sơn cư biệt thị nhất gia phong,

            Bất dữ nhân gian thú vị đồng,

            Mộc mã bôn tê thiên ngoại khứ,

            Yểu vô âm tín tuyệt hành tung.

Nghĩa:

            Ở núi riêng dựng một gia phong,

            Chẳng với người đời thú vị đồng,

            Ngựa gỗ trông mây dong ruỗi hí,

            Bặt không âm tín dứt hành tung.

CHÚ:

Niềm an lạc thiền tịch của hành giả ngoại nhân không thể sánh kể. Tùy sức dụng công của đương sự mà hưởng được tịch lạc khác nhau. Đây là chỗ “Riêng tạo một gia phong”. Các hành giả khi công phu đã thuần lặng rồi thì duyên cảnh trước mắt không là trở lực nữa mà đều biến thành biển trí an nhiên giải thoát, ngay trong cõi an vui đó cũng không lộ bày dấu vết, bặt dứt âm tín, một trời thênh thang. Bấy giờ “Ngựa gỗ mặc tình dong ruỗi hí”.

BÀI 85

Âm:

            Sơn cư lộ hiểm tín nan thông,

            Hạt hán yên năng đạt thử tông,

            Chỉ hứa tác gia thi thủ đoạn,

            Tương phùng tận tại bất ngôn trung.

Nghĩa:

            Ở núi đường hiểm khó thông nơi,

            Mù mắt làm sao đến thảnh thơi,

            Chỉ bậc tác gia tung thủ đoạn,

            Gặp nhau ngay chỗ trọn không lời.

CHÚ:

Chỗ đã dứt bặt thì khó thông tin tức. Vì thế người mê tối kém yếu, không làm sao vào nổi tông này. Nên nói: “Mù mắt làm sao đến chốn này”. Chỉ các bậc tác gia thi thố thủ đoạn, chúng ta có thể từ cửa này mà vào, nếu là người có chút hơi hám. Trái lại thì mù mờ suốt kiếp trôi giạt mênh mang. Tuy nhiên chỗ thương lượng của cửa này cũng không nhiều lời lải nhải. Người xưa nói: “Ta vì ông nhổ đinh tháo chốt” khiến ông được tự tại, lại nói không có một chút pháp gì là cố định là thật cả. Ở đây bảo “Gặp nhau ngay chỗ hoàn toàn vô ngôn”. Là chỗ nào ? Chớ lầm !

BÀI 86

Âm:

            Sơn cư khách đáo vấn thiền tông,

            Thủy giác tùng tiền thác dụng công,

            Khai khẩu dĩ tri lai lịch sử,

            Khả lân bất thức ngộ chân không.

Nghĩa:

            Ở núi khách đến hỏi thiền tông,

            Mới biết từ xưa lỗi dụng công,

            Mở miệng đã thông nơi gốc rễ,

            Thương thay chẳng biết rõ chân không.

CHÚ:

Người tu chúng ta phần nhiều bị lỗi tạp dụng công, do tạp dụng công nên lăng xăng, công phu không thuần nhất. Bởi công phu không thuần nhất nên khó kết thành khối. Kẻ hở này, đưa đến tình trạng dù hành giả có khó khổ dụng công đến đâu, vẫn chưa hiện tiền. Đã vậy làm sao phá nổi khối si mê nhiều kiếp, lấy lại tư thế an bình tỉnh sáng cho chính mình ? Thế nên ở đây nói: “Thương thay chẳng biết rõ chân không”. Ấy cũng bởi “từ xưa lỗi tại chỗ tạp dụng công” là vậy.

BÀI 87

Âm:

            Sơn cư ngộ đắc nhứt chân không,

            Na vấn Nam tông dữ Bắc tông,

            Như ý Bửu Châu trì tại thủ,

            Quang minh hà xứ bất viên thông.

Nghĩa:

            Ở núi rõ được lẽ chân không,

            Sao hỏi Nam tông với Bắc tông,

            Như ý Bửu Châu tay nắm giữ,

            Chốn nào soi sáng chẳng tròn thông.

CHÚ:

Đã nhận lẽ chân không, cần gì hỏi Nam tông với Bắc tông. Người đã qua cổng đâu cần hỏi kẻ giữ cổng. Khi này mặc tình mà dùng du hí tam muội dạo khắp đó đây; “cướp của kẻ đói”, cho cơm người cày, buông một cái nữa cái, giúp người qua cơn ngặt. Ngày ngày sống lý thú bởi trong ta có sẵn hạt Như ý Bửu Châu. Chỗ nào ta lại thiếu thốn ? Nơi đâu ánh sáng Bảo Châu lại không soi đến ? Chạy loạn làm gì vô ích ?

Hãy dừng. Dừng ! Dừng !

BÀI 88

Âm:

            Sơn cư học Đạo vị vi gian,

            Duy hữu an tâm thủ đạo nan,

            Bách xích can đầu trùng tấn bộ,

            Nhứt chùy đả toái Tổ sư quan.

Nghĩa:

            Ở núi học Đạo chửa gian nan,

            Chỉ khó gìn sao Đạo vẹn toàn,

            Trăm thước đầu sào thêm bước tiến,

            Một chùy cửa Tổ đập tan hoang.

CHÚ:

Việc mình đã sáng, hướng dẫn người cũng xong là một điều rất khó. Đây là chỗ tình lý phải hợp, cơ duyên hội đủ, mới hoàn thành công việc được. Kinh nói: “Khế cơ, khế lý”, là điểm ta phải hoàn chỉnh trong công tác tự tu và bố giáo. Hai điều kiện này kém một coi như bất thành. Nhiều khi ta cứ cưỡng làm bất chấp nhân duyên thời tiết, sự kiện này tai hại vô cùng. Lại, chúng ta càng dè dặt hơn đối với công phu tu hành, trong lòng không nên bám giữ bất cứ gì, mà ta phải dũng mãnh một bề tiến bước. Tổ sư bảo: “Đầu sào trăm trượng nên tiến bước”. Được vậy thì “Một chùy đập nát cửa Tổ sư”.

BÀI 89

Âm:

            Sơn cư hồi thủ thán qui dư,

            Thức phá nguyên lai tổng thị hư,

            Mạc khứ duyên môn cùng khất thực,

            Tự gia y lý hữu minh châu.

Nghĩa:

            Ở núi quay lại muốn về ư?

            Biết rõ nguyên lai cả thảy hư,

            Lần cửa xin ăn đừng thế ấy,

            Minh châu trong áo giàu có dư.

CHÚ:

Khi chúng ta nhìn thấu, thấy rõ nguyên lai các pháp thì trước mắt chúng ta mọi thứ mọi cái, muôn hình vạn trạng đều là giả huyễn không thật và chúng ta đã khám phá biết các pháp là hư huyễn không thật rồi thì cái tình đắm mến đối với các pháp trong mỗi người chúng ta nhẹ dần. Từ đó thăng hoa, cứ chiều hướng ấy phát triển hơn lên, tức nhiên chúng ta cũng sẽ vững niềm tin nơi lời Phật dạy là: “Mỗi người chúng ta đều có sẵn hạt châu quí báu trong chéo áo”. Thế thì tại sao chúng ta chưa chịu nhận lại hạt châu của mình mà cam nghèo khó xin xỏ các nơi.

BÀI 90

Âm:

            Sơn cư thanh khổ bất xa hoa,

            Khách đáo cao thang tiện đáng trà,

            Cụ nhãn thiệt đầu tri vị hảo,

            Thông thân sái lạc tảo qui gia.

Nghĩa:

            Ở núi nghèo sạch chẳng xa hoa,

            Nước lá thay trà đãi khách xa,

            Mắt sáng lưỡi kề biết vị tốt,

            Toàn thân nhẹ nhỏm sớm về nhà.

CHÚ:

Cảnh đạm bạc của Sơn môn, lá rừng thay trà đãi khách khi cần. Từ kiếp xa xưa chúng ta đã lăn lóc trong lục đạo, đã nếm trải đủ mùi cay đắng. Giờ đây những thứ đó không còn làm lầm chúng ta được nữa, nó không đủ sức hấp dẫn chúng ta vào đường đam mê chìm đắm được nữa. Dù vậy chúng ta phải luôn luôn mãnh tỉnh, phải sống thực với ông chủ thật của mình. Được thế chúng ta mới nhẹ mình đủng đỉnh sớm về nhà. Phải tỉnh tỉnh chớ lầm vọng tưởng. Phải luôn luôn khắc phục bản năng của mình.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM