VÀO SÁCH
Hồi đầu Hạ năm
này, có một hành giả đến than với tôi “con bị bận rộn công kia việc nọ quá
nhiều, không tu hành gì được hết”. Nghe qua câu nói của người khách, tôi
ôn tồn đóng góp như sau:
Thật ra trong đời sống này nói đến công
việc thì không lúc nào dứt, cho nên chúng ta không thể nói nhiều hay ít
được. Tùy mình liệu lấy, nhiều ít do mình. Vả lại tu cũng là một công
việc. Công việc thường không mắc mớ gì đến công việc tu của chúng ta. Tu,
việc cả hai hỗ trợ cho nhau, thì việc gì lại không tu được ? Công việc nào
làm bận rộn chúng ta ? Và lúc nào chẳng phải là lúc chúng ta tu ?
Hơn nữa cứ như người xưa, trong tất cả
cảnh, với tất cả thời, các Ngài đều áp dụng công phu tu hành đắc lực. Tùy
thời các Ngài đều thụ dụng an ổn. Như : Giả gạo, ngắm hoa, hái rau, nấu
cơm, nấu nước… Các Ngài rất bình thường. Thế ấy tại sao chúng ta lại không
bình thường ? Không tu được trong những việc bình thường như người xưa. Lý
do chúng ta không tu được ở chỗ nào ? Chúng ta phải tìm cho ra manh mối,
xem tại làm sao chúng ta không tu được trong công việc bình thường. Phải
chăng tại chúng ta chưa chịu buông, thật sự buông. Chúng ta chưa quyết
liệt, đem toàn thân mạng của mình hạ thủ công phu tu hành.
Một khi chúng ta chịu buông và buông hết
rồi thì, cuốc đất cũng tu, làm bất cứ công tác xã hội nào cũng tu. Đã vậy
còn than van nỗi gì?
Tuy nhiên, cũng không phải là giản dị.
Người xưa tu được trong mọi hoàn cảnh là vì các Ngài nhìn thẳng và uy dũng
tiến bước. Một khi nắm được đầu dây thì, phăng miết đến cùng, bao giờ đụng
vỡ màng tang mới chịu thôi. Còn chúng ta thì trái lại, chẳng những không
quyết liệt liều mạng mà còn liếc ngó hai bên. Tình trạng một nắng mười mưa
còn tác động đầy trong sinh hoạt bình thường. Cho nên nói cho cùng là, đối
với chúng ta hình ảnh cam phận tầm thường thất bại, bỏ cuộc hiện rõ trước
mắt, cũng là một sự kiện dĩ nhiên. Để bổ sung cho những khuyết điểm vừa
nêu, chúng ta phải làm sao đây ?
Theo thiển ý của tôi hành giả muốn cho
công phu tu hành của mình được đắc lực trong mọi hoàn cảnh thì không gì
hơn “Ngang đây hãy coi như mình đã chết và, người chết rồi không bao giờ
ngốc dậy lý sự gì nữa”. Kẻ ghi câu này với ý hướng khuyến gắng các bạn còn
ngỡ ngàng trong Tông môn, cũng để tự răn mình, phải phấn đấu kỳ cùng, dù
phải tan thân mất mạng.
Mùa an cư năm Quý Hợi này, nhân đọc qua cơ
duyên vào Đạo và cuộc đời của tác giả Sơn Cư Bách Vịnh, tôi cảm thấy có
chút gì phấn khởi trên bước đường “tìm về quê cũ”. Sau đó tôi có tham khảo
một vài bản dịch trước, đem bổ khuyết những chỗ chưa được chu đáo và thêm
lời chú dưới mỗi bài thi. Đồng thời phổ vào các cuộc tọa đàm với các điệu
trong viện. Kết quả sau những cuộc tọa đàm đó, các điệu yêu cầu tôi tập
thành lấy tên là: Sơn Cư Bách Vịnh Thiểm Chú. Có thể là một quyển sách
luôn luôn có trong tay nãi của kẻ sơ cơ đi hành cước.
Bút giả rất trông mong sự đóng góp của các
bậc cụ nhãn và hành giả các nơi, để tập “Sơn Cư Bách Vịnh Thiểm Chú” này
được hoàn bị hơn.
Kính ghi,
Thiền Viện Thường Chiếu, Mùa An Cư năm Quý
Hợi 1983.
THIÊN NHAI CUỒNG NHÂN
? |