VƯỜN THIỀN

H.T THÍCH NHẬT QUANG

VUI TU

Buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay, chúng tôi sẽ nói về những niềm vui của người tu. Trong quá trình tu hành, có những lợi lạc, phấn khởi như thế nào đều tùy theo công phu của từng người. Và chắc chắn rằng không có quá trình tu hành nào không có những niềm vui, những kết quả lợi lạc thiết thực.

Riêng về tu thiền, nếu nắm vững phương pháp, đường lối và sắp đặt thời gian hợp lý thì việc thực tập tu thiền sẽ giúp cho thân tâm chúng ta được nhiều an lạc. Ngược lại, nếu thực hành không đúng, chẳng những không thấy an vui mà đôi khi còn sinh bệnh tật phiền não nữa. Vì vậy khi chọn pháp môn tu thiền, chúng ta cần nắm vững đường lối, cách thức và luôn gần gũi minh sư, để tránh trường hợp sai lạc trong lúc dụng công.

Hôm nay chúng tôi nói về những niềm vui trong lúc tu tập để chúng ta cùng chia xẻ, cùng phấn khởi với những bước tiến bộ chung, từ đó huynh đệ sẽ có niềm tin và hăng hái hơn lên trong việc tu tập. Như ta đã biết nghiệp tập của chúng sanh thì nhiều lắm, những thói quen những chủng tử gây tạo từ nhiều đời, khi tu tâm yên lắng một chút thì nó hiện ra. Nếu không có cách hóa giải, tiêu dung thì ta sẽ thấy hoảng sợ và không dám tu nữa. Cho nên có một số vị bảo tu nhiều đổ nghiệp là vậy.

Vậy chúng ta tu tập như thế nào để có niềm vui, niềm tin đối với pháp tu? Trước nhất, ta phải định tâm đối với tất cả những cảnh duyên ồn náo. Đây là điều hầu hết Phật tử phải đối diện, không chạy trốn đi đâu được. Làm sao để định tâm? Vấn đề là ở chỗ đó. Nghiệm kỹ ta sẽ thấy muốn định tâm trước mọi cảnh duyên, chúng ta phải tỉnh giác. Nhờ tỉnh giác ta mới sáng suốt để ổn định các sự kiện chung quanh. Nhưng nói định tỉnh, nói sáng suốt thì phải làm sao, đây cũng là một vấn đề.

Ai không muốn sáng suốt, tỉnh giác nhưng những thứ lầm mê ở đâu không biết, nó cứ quấy nhiễu mình. Cho nên Phật dạy phải biết được sào huyệt của giặc mới có thể đánh tan chúng. Bình thường chúng ta mắc kẹt ở chỗ nào, đắm nhiễm thứ gì thì ngay nơi đó phăng tìm kẻ giặc đã quấy nhiễu mình. Trong các kinh đều nói, các căn của chúng ta là nơi phát sinh phiền não mà cũng là gốc của muôn pháp lành. Vậy phải ngay nơi sáu căn mà tu. Ngoài ra trên tinh thần tu tập, chúng ta phải luôn phấn khởi nỗ lực mới có thể hóa giải được phiền não, những bất an bất ổn trong tâm.

Như chúng tôi đã từng nói, hiểu Phật pháp thì nhất định ta hiểu rồi, nhưng hành được hay không mới là điều đáng nói. Liên tục hành trì một cách bền bĩ đúng pháp, không phải là chuyện dễ. Bản thân chúng tôi vẫn còn gặp trở ngại và nhiều khuyết điểm chưa được khắc phục, nên cũng cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều lắm. Nhiều huynh đệ rất ham tu nhưng khi gặp trở ngại lại không bền lòng, không vững tâm nên dễ thoái thất. Nhiều vị hơi xem thường tập khí, xem thường sự duyên chung quanh, nên cuối cùng bị chúng xỏ mũi dẫn đi không hay.

Chúng ta biết rõ ràng thân này là giả, tâm duyên các cảnh không thật, vô thường sanh diệt. Biết như vậy nhưng khi đối diện với chúng mới thấy thật sự mình chưa làm chủ được. Cho nên thân tâm giả mà phiền não dường như không giả, vì vậy mới có buồn, có giận, có chảy nước mắt dài dài. Tôi có một người huynh đệ thường hay tự ti mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình nghèo dốt, mặc dù anh ta học rất giỏi, có bằng cấp cao. Lòng tự ti mặc cảm ấy giống như cái chày sắt, nên mỗi khi làm việc hoặc tiếp xúc với ai, nó cứ nện xuống đầu anh khiến anh cảm thấy dường như mọi người khinh khi xem thường mình. Cho nên cuối cùng anh rất đau khổ, phiền muộn suốt trong cuộc sống đầy danh vọng địa vị của mình.

Với người như thế, tôi nghĩ chỉ có tu mới gột rửa được hết những mặc cảm sai lầm đó thôi. Trong một lần gặp gỡ nói chuyện, tôi hỏi anh mặc cảm như thế để làm gì, được gì thì anh bảo không biết. Rõ ràng tất cả chỉ là mộng mà ta lại chìm trong đó để khóc để cười, thật tội! Cứ lao theo mặc cảm đen tối để tâm bất an là điều không thể hiểu nổi của chúng sanh. Anh ta nói tôi biết mình tự gầy dựng phiền não cho mình, nhưng bỏ không được. Nó là kỷ niệm, là dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của tôi. Thế thì anh cứ ôm lấy để mà khổ chứ còn biết làm sao hơn!

Nếu chúng ta cũng như anh bạn ấy thì Phật pháp thật khó áp dụng. Không cởi mở, không có cái nhìn thông thoáng đối với hoàn cảnh của mình và mọi người thì không sao xả bỏ những định kiến sai lầm của mình. Học Phật pháp, hiểu Phật pháp, nói Phật pháp, viết Phật pháp thành văn, nhưng không hóa giải được phiền não trong lòng mình thì tất cả các việc kia cũng chẳng dính dáng gì. Con người một khi đã chấp chặt thì khó bỏ khó quên, những gì làm cho họ đau lòng đôi khi được ghi nhớ sâu đậm hơn là những việc tốt đẹp. Vì vậy mà chúng sanh lăn đi lộn lại vay trả, trả vay mãi không thôi. Nhà Phật gọi đó là hoặc loạn, chữ “hoặc” tức mê lầm không sáng, chữ “loạn” tức lăng xăng điên đảo. Do hoặc loạn mà tâm rối ren, bất an nên không định tỉnh không thấy được lẽ thật.

Tu hành mà cứ khổ hoài thì không tu được, thụ hưởng cũng không tu được, phải vui mới tu được. Cho nên người tu được là người bao dung, độ lượng, biết thương yêu và tha thứ. Những gì đáng bỏ thì bỏ đi, chỉ giữ tâm trong sạch bình an thôi. Thế gian cho rằng bỏ hết không còn gì là mất tất cả, nhưng với người tu trong lòng lọc sạch tất cả phiền não cù cặn thì an lạc tràn đầy. Điều này nếu vị nào có sự phấn đấu trong tu tập sẽ thấy rất rõ. Ví dụ như bữa nay mình thấy trong người khó chịu, muốn bệnh nên tăng giờ ngồi thiền thêm nửa tiếng, dù chân đau ta cũng không xả. Cố gắng như vậy, một chút xuất hạn mồ hôi tự nhiên nghe nhẹ trong người, hết cảm. Nhờ thế ta cảm thấy vui vẻ và niềm vui đối với pháp môn vững chắc hơn. Đó là kết quả từ sự nỗ lực phấn đấu của ta vậy.

Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta có phương pháp để đối trị phiền não một cách cụ thể. Nếu ta chỉ khó với người, mà không khó với mình, thì không thể tự điều phục, tự chiến thắng mình nổi. Như ngồi thiền khoảng một tiếng rưỡi mình thấy đau chân quá, nên mới một tiếng liền tìm lý do gì đó để xả sớm. Tu như thế làm sao khắc phục được những vọng tưởng điên đảo, những phiền não thâm căn cố đế của mình. Cho nên Lục Tổ dạy thường tự xét lỗi mình, đừng dòm dõi lỗi người để tập trung quay lại mình, nghiêm chỉnh đối với mình mới thành tựu đạo nghiệp được.

Nếu bản thân mình không chịu yên thì không ai có thể giúp chúng ta yên được. Ta nguyện cầu Phật, Bồ-tát gia hộ cho con được bình yên mà ta không tự bình yên thì Phật Bồ-tát không gia hộ được. Các Ngài chỉ gia hộ bằng cách dạy bảo cho mình cách thức tu tập để tự bình yên. Chúng ta không thực hành, không làm theo sự hướng dẫn đó thì không bao giờ bình yên được. Với người tu thiền điều kiện trước nhất là phải yên định. Có yên định mới khắc phục được những tư tưởng ồn ào, lăng xăng làm cho tâm ta giao động nhọc nhằn. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, khi ta đã được yên định rồi phải nghĩ tới huynh đệ đồng tu, động viên giúp đỡ bạn hữu cùng được an lạc như mình. Niềm vui càng lớn, càng tăng trưởng chừng nào thì càng quí càng hay chừng nấy. Quên đi những riêng tư của mình, bỏ lại việc cá nhân, tập trung hướng dẫn mọi người cùng được yên vui, giải thoát là những việc làm của người con Phật.

Ví như ta đến vùng sông nước, được đi trên cây cầu bình an liền ước mong mọi người đến đây cũng được đi trên cây cầu an toàn thế này, không phải lội qua chỗ sình lầy nhơ nhớp dưới sông. Đây chính là chân tinh thần vô ngã vị tha trong giáo lý Phật đà. Chúng ta có pháp tu, cũng muốn những người chung quanh có pháp tu, ta được vui vẻ cũng mong ước mọi người cùng vui vẻ. Vì vậy chư vị Bồ-tát luôn tích cực đi vào cuộc đời làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, không hề chán mỏi. Đó là điểm thứ hai.

Trong đời sống của chúng ta, nếu kẹt ở chỗ bất an bất ổn thì sẽ mắc mứu dài dài. Nếu trụ chỗ vui vẻ an lạc thì tâm ta phấn khởi cởi mở. Như trong gia đình một vài người thì ít sinh sự, nhưng khoảng chín mười người trở lên là bắt đầu có vấn đề dài dài. Buổi sáng sớm vừa mới ăn xong, mà có ai khơi mở cái cù cặn là rối rắm, tối tăm y như trời chiều nắng gắt, ai cũng cảm thấy bực dọc vô cùng. Nhưng nếu mở trúng chỗ an ổn lợi lạc thì mọi người cùng vui vẻ hết, đó mới đúng là bình minh tươi sáng mát mẻ.

Việc tu hành cũng vậy, nếu mình khéo một chút thì bản thân được an vui tiến bộ và mọi người cũng thế. Còn ta tu mà cứ nhăn nhó ủ rủ hoài thì huynh đệ chung quanh sợ lắm. Như Phật tử đi chùa, làm những việc phúc lợi, được quý thầy hướng dẫn tu tập, về nhà phấn chấn đối xử với mọi người vui vẻ tốt đẹp, tự nhiên tất cả mọi người trong gia đình đều thích, đều chịu nghe theo mình. Chứ đi chùa về mà quạo quọ, hết la người này đến mắng người kia, thì dù có nói Phật trời gì người ta cũng chạy tuốt. Cho nên việc tiếp cận trong đời sống rất quan trọng, nó thể hiện lực tu bên trong của mỗi người.

Người ta bảo “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, câu ấy thông thường thôi nhưng nói lên được tầm thiết thực của sự hỗ trợ, động viên của thiện hữu tri thức. Do đó khi chúng ta quyết tâm chọn hướng tu hành rồi thì phải khéo léo trong cách hành xử với mọi người. Được vậy đạo tràng của chúng ta mỗi ngày mỗi vui, mỗi tăng tiến, mỗi đông đảo. Nếu sự khéo léo động viên của chúng ta có kết quả, những người chung quanh cảm thông và cùng tu hành tức Phật pháp thịnh hành. Không luận đạo tràng nào, tổ chức đã lâu năm hay còn mới mẻ, nếu các thành viên trong đó tu hành được lợi lạc thì đạo tràng ấy xem như thành công tốt đẹp.

Đó là tôi muốn nói những việc làm đem lại niềm vui cho nhiều người, tạo sự phấn khởi chung đối với việc tu hành, nhất là trong mối quan hệ tương giao hằng ngày. Bởi vì không phải lúc nào Phật tử cũng lo tu tập riêng được, mà còn các việc xã hội, những quan hệ chung quanh đời sống, nếu người khéo léo thì chẳng những bản thân tu được mà còn hỗ trợ cho bạn bè cùng tu.

Một khi đã có niềm vui trong sự tu thì chúng ta sẽ là người chiến thắng. Chiến thắng cái gì? Chiến thắng tất cả những hấp lực lôi cuốn của ngũ dục, chiến thắng những bất an bất ổn trong lòng mình. Với người có tâm tu hành, phải có lực dụng mới chiến thắng được, bởi việc tu thật ra khó lắm. Ví dụ ta vừa thoáng nghe một câu không hay về mình là buồn giận liền, vì đạo lực yếu nên ta dễ bị cảnh duyên sai sử.

Thế nên trong nhà thiền dạy vừa dấy niệm liền buông, nhưng ta đâu chịu buông ngay, phải buồn phiền mệt mỏi lắm rồi mới chịu buông. Tai nghe tới tên mình, mắt thấy ai chỉ chỏ về hướng mình là có vấn đề, tự nhiên như vậy. Cho nên ý thức phân biệt hiểu biết càng khôn ngoan chừng nào thì đối với việc tu hành càng trở ngại chừng đó. Nếu chúng ta không tĩnh tâm thì không thể dẹp tan, không thể chiến thắng các thứ chướng ngại ấy. Bởi vì mắt thấy, tai nghe theo vọng tưởng của mình chứ không phải thấy nghe đúng sự thật nên phiền não phát sinh. Chiến thắng nghĩa là chúng ta thấy nghe đúng như thật, do đó không bị vọng tưởng lay chuyển, không mắc mứu bởi những hiện tượng chung quanh. Có khi người ta không nói về mình, không chỉ đến mình mà ta đã tưởng tượng trước, rồi tự sinh sự, tự buồn phiền. Cho nên Phật dạy chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.

Khi chiến thắng được mình, làm chủ được mình rồi thì chúng ta có lập trường kiên định, không phải là người dễ nghe dễ tin. Tức chúng ta không nghe theo các thế lực bên ngoài, không tin thần quyền, mặc khải mà chỉ tin nơi chính mình. Nghe việc gì, thấy việc gì có liên quan đến mình cũng không vội dao động. Đó là ta đã có sức mạnh, có trí tuệ, không bồng bột sôi nổi như hồi còn mê lầm ngông cuồng. Lúc ấy nhờ sự định tĩnh, không chạy theo ngoại duyên, chúng ta giải quyết mọi việc thật sáng suốt, nhanh nhẹn hợp tình hợp lý. Đó chính là người sử dụng được năng lực trực giác của chính mình.

Phật dạy trên thế gian này, những gì có hình tướng đều không thật, vậy ta chạy theo để làm gì ? Một sự nghiệp gầy dựng ba bốn mươi năm, chỉ một cơn nổi giận, một cái hờn lòng thôi có thể làm tiêu tan tất cả. Điều này ai cũng có cảm nhận hết. Với con người cũng vậy, ngày nay anh thương mến tôi nhưng ngày mai anh cũng có thể ghét bỏ tôi, chuyện ấy rất bình thường. Bởi Phật đã nói tâm ta vốn bất thường, cho nên sự thay đổi là điều không bao giờ đổi thay. Nếu không nắm vững nguyên tắc này của cuộc đời, chúng ta sẽ mất ăn mất ngủ vì những chuyện “bình thường” ấy.

Nói đến đây, tôi nhớ lại một hình ảnh của mình lúc nhỏ. Năm đó tôi là tăng sinh sống chung với mấy chục huynh đệ trong một già lam. Tôi được sắp nằm gần một thầy hơi khó tánh. Hôm ấy, không hiểu sao tôi lại để nhằm ca nước của mình qua đơn của thầy ấy. Ăn cơm xong, về liêu thấy ca nước, thầy lớn tiếng hỏi: “Ai để ca nước trên đầu đơn của tôi?” Lúc đó tôi giật mình nhận ra cái ca để nhầm, tôi vừa mở miệng định xin lỗi thì vèo một cái, ca nước bay lên đầu, mặt mày tôi ướt sũng. Ngớ người ra, tôi đứng chết trân, cố gắng lắm một lúc sau tôi mới nói được: “Tôi để nhầm chứ không cố ý, thầy hoan hỷ cho”. Nói xong, tôi ra ngoài.

Buổi chiều đó vào đại học văn khoa, nghe thầy giảng những bài thơ của Huy Cận. Bình thường với tôi vị thầy này là giảng sư hấp dẫn nhất, nhưng hôm đó trong đầu tôi không vô được một chữ, tự nhiên tôi thấy hôm nay ông thầy giảng không có duyên chút nào. Tối về lại nằm kế người huynh đệ vừa tạt ca nước lạnh vào mặt mình, tôi không sao ngủ được. Nằm đó cứ ậm ừ ậm ực, hôm sau cáo bệnh tôi xin phép đi vài hôm. Về chùa gặp lại huynh đệ nhỏ nói chuyện vui chơi, tự nhiên thấy nguôi ngoai. Mấy hôm sau bình tĩnh lại, tôi thấy mình dở quá, tu hành bao nhiêu năm mà không làm chủ được, có một ca nước thôi mà trôi khỏi trường đến mấy ngày. Nghĩ vậy, tôi hổ thẹn xách gói trở về. Hôm ấy tôi còn mua một ký kẹo chia cho anh em mỗi người ngậm một viên cho vui.

Sau này, mỗi lần nhớ tới người huynh đệ nằm cạnh đơn ngày xưa, tôi luôn tri ân như một vị nghịch hạnh Bồ-tát, đã giúp tôi thức tỉnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Có vậy, ta mới biết đạo lực mình tới đâu để mà tiến lên chứ. Qua lần ấy, tôi suy nghĩ thật ra có vào trong rừng tu, mình cũng không thể tránh khỏi những thử thách, những trở ngại. Chủ yếu là tâm ta có tỉnh giác hay không thôi. Nếu bị bản ngã vây phủ thì dù sống trên trời ta vẫn phiền não như thường. Cuộc đời là một trường va chạm, những tổn thất, những sự kiện, những hình ảnh đều có giá trị đối với người biết tu.

Người luôn xét nét lại mình là người khôn ngoan nhất trong cuộc đời này. Biết ta dở nhưng không bỏ cuộc, vươn lên đi tới, đó là thái độ của bậc trượng phu. Thấy được lẽ thực cũng từ mình, mà quờ quạng trong đêm tối ảo hóa cũng tự mình thôi. Cho nên Phật mới dạy chiến thắng được mình là chiến thắng tất cả. Vừa rồi có một vị đến đây xin tu, hỏi ra mới biết phiền não ở nhà nên muốn vô chùa. Nói chuyện chơi một hồi tôi bảo: “Thôi, đạo hữu ơi! Tu trong lúc tâm không yên không được đâu. Đạo hữu về xem lại tình hình trong nhà, tìm hiểu đả thông đi, chừng nào bình yên thực sự thì vào đây tu với anh em. Bây giờ chưa được”. Đạo hữu ấy nghe lời về, rồi sau đó im ru, chẳng  biết có còn muốn tu nữa không? Nhưng dù gì miễn vị ấy bình yên là tốt.

Phật nói người làm chủ được mình là người giàu sang muôn hộ. Trong kinh Pháp Hoa, Phật kể chuyện người cùng tử bỏ nhà đi tha phương từ nhỏ. Trên đường khổ sở đói khát vô tình anh lưu lạc về đến chốn cũ, nhưng không nhận ra được nhà mình cũng chẳng biết cha già nên lại bỏ chạy. Ông Trưởng giả tìm đủ mọi cách để đem con về và giả dạng người hốt phân để được gần gũi anh. Lâu ngày quen dần và bắt đầu có sự cảm thông, ông mới nói thật với anh: “Ta là cha con, tất cả sự nghiệp gia sản trong nhà này đều là của con. Con hãy nhận lấy và giữ gìn vì cha đã già, cha chỉ mong có mỗi ngày này”. Tin đây là sự thật, chàng cùng tử bấy giờ trở thành Trưởng giả giàu sang vô kể.

Phật bảo chúng ta cũng vậy, có của báu mà không biết, lang thang trong luân hồi sanh tử nhiều đời nhiều kiếp, luống chịu biết bao thăng trầm. Bây giờ nếu chịu quày đầu nhận lại thì kho báu sẵn đủ, giàu sang khôn kể. Tại sao chúng ta còn chần chừ chưa chịu nhận lại kho báu nhà mình. Được gặp Phật pháp, có điều kiện trao đổi tu tập mà chúng ta không cố gắng nhận ra tánh Phật của chính mình thì thật không còn biết nói sao hơn! Phật dạy tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật nên đều có thể thành Phật. Chúng ta biết mình có khả năng thành Phật, vậy tại sao không sống lại với Phật tánh của mình, để không còn đau khổ trong trầm luân sanh tử nữa. Đó là điều mê lầm đáng thương nhất của chúng sanh.

Chúng ta tu tập thế này là đang trong giai đoạn lần hồi làm quen với ông Trưởng giả, để từ đó nhận lại gốc gác của chính mình. Vậy trước nhất là phải tự ổn, tự yên đối với tất cả các cảnh duyên bên ngoài. Chư Phật, Bồ tát chỉ cho mình những phương pháp thực hành để ta tự làm chủ mình. Sau đó phát huy, động viên cho tất cả huynh đệ đồng chí đồng hạnh đều được như thế. Muốn thế, từng bước chúng ta buông bỏ vọng tưởng, cố chấp, tự ti mặc cảm để chiến thắng lấy mình. Chúng ta biết rõ lẽ thực của các pháp không là gì hết, do duyên hợp tạm có, vì thế chúng hư giả. Thân này cũng vậy, chỉ một hơi thở ra không hít vào là kể như không còn nữa, nên ta không chạy theo nó, không sợ mất nó, không sợ xấu sợ khổ nữa. Đó là giải thoát rồi.

Người phát huy được tuệ giác của mình, trước nhất là hết khổ, sau đó mới nói đến các khả năng lợi ích mọi người. Tuy nhiên hiểu và nói thì dễ nhưng thực hành rất khó, chúng ta phải cố gắng nhiều, cần tu tập có phương pháp, gần gũi thầy bạn lành, tạo hòa khí để vui tu. Ta làm chủ được, thấy được thực chất các vấn đề rồi thì tâm an ổn, cuộc sống an nhàn thảnh thơi, không phải trăn trở mất ăn mất ngủ vì những chuyện không đâu. Đó là lợi ích thiết thực của sự tu hành.

Người tu chúng ta nếu thiếu đạo lực, thiếu sự tu tập, công phu không liên tục thì không khi nào làm chủ được mình, không khi nào bình ổn vui sống, gặp sự cố gì cũng hoảng sợ giao động. Tu như vậy có khác gì người không tu, cho nên chúng ta phải quyết tâm, tự sách tấn răn nhắc mình nỗ lực. Ở trong pháp Phật, chuyên cần siêng năng vui vẻ, không khởi niệm lười mỏi, được vậy con đường giác ngộ giải thoát nhất định không xa. Khi nào tâm ta bình thản trước mọi thay đổi mà vẫn đầy đủ lòng từ, thương yêu mọi người, đó là ta đã thành tựu đạo giác ngộ.

Người xuất gia hành trì Phật pháp được lợi lạc như thế, người tại gia cư sĩ hành trì Phật pháp cũng được lợi lạc như thế. Chủ yếu tất cả chúng ta nhận được tâm là chủ, hằng sống với tánh giác của mình, thì dù là ở đây hay đi cõi nào, ta cũng an vui giải thoát. Bởi vì bấy giờ ta là ông Trưởng giả giàu có vô tận, chứ không phải là gã cùng tử lang thang nghèo khổ nữa, thì muốn gì mà không được.

Chúc tất cả đều nhận lại được kho báu nhà mình, để huynh đệ cùng chung hưởng niềm vui bất diệt có trong mỗi chúng ta.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM