LẬP TRƯỜNG CỦA NGƯỜI TU
Hôm nay chúng
tôi muốn nêu lên một vài điều cần thiết cho việc tu học, trong đó quan
trọng nhất là lập trường của chúng ta.
Thứ nhất là
phát huy trí tuệ chân thật và nuôi dưỡng giữ gìn trí tuệ ấy. Bởi khi phát
huy được trí tuệ chân thật rồi, tất cả những hình ảnh, bóng dáng chung
quanh không làm ảnh hưởng tới việc tu học của chúng ta. Hiện nay tuy chúng
ta phát tâm tu học nhưng lắm khi cũng còn những điều bất ổn khiến ta phải
chùn chân trên bước đường tu đạo. Vì vậy để giữ vững công phu, chư tổ dạy
chúng ta phải phát huy cho được trí tuệ chân thật của mình.
Trí tuệ chân
thật ấy là gì? Làm sao phát huy và sống được với trí tuệ chân thật hằng
hữu của mình? Đây là vấn đề quan trọng của người tu chúng ta. Theo chúng
tôi, muốn phát huy được trí tuệ chân thật thì ngay trong sinh hoạt hằng
ngày, chúng ta phải sống theo lời người xưa dạy: “Nghiêm túc, chân thật
với mình với người. Nghiêm túc không có nghĩa là trợn mắt, gồng mình, mà
lúc nào ta cũng tự ý thức phải tu học, làm việc đúng như pháp Phật dạy,
không vì lý do gì chểnh mảng công phu của mình. Việc tu học là tự nguyện,
không do sự ép buộc của người khác. Một khi đã nhận thức như vậy thì khó
khăn vất vả gì chúng ta cũng vượt qua được.
Điều này đôi
khi được thể hiện qua những nét nho nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của
mình. Như vừa rồi trong dịp Tết Nguyên đán, một số anh em miền xa như
Quảng Nam, Quảng Ngãi, thân nhân nhớ mong nên gởi thơ hoặc điện thoại xin
cho mấy anh em về quê ăn Tết. Vừa được tin khoảng hai mươi mấy Tết, là
thời gian vừa vặn mua vé tàu về. Trong số ấy có hai anh em cùng tu tại
Thiền viện này. Lúc đầu người anh lên trình lá thơ của mẹ, xin thầy dạy
cho. Tôi cười hỏi: “Con có muốn về ăn Tết không?” Vị ấy không dám nói. Tôi
gọi chú em lên hỏi, nếu hai anh em thống nhất thì tôi hoan hỷ. Chú em
thưa: “Bạch thầy việc ấy không dính dáng gì tới con hết. Bây giờ con đã
tu, con ở đây ăn Tết với thầy, với Thiền viện, chứ con không nghĩ gì
khác”. Lời nói của chú em làm người anh cụt hứng, thế là cả hai anh em rút
lui. Được như vậy quả thật không phải dễ dàng đâu, bởi nếu bên trong không
có niềm vui, không có công phu thì việc tu học rất dễ bị dao động, nhất là
đối với tình cảm gia đình.
Lúc tôi còn
nhỏ, được thầy cho về quê ăn Tết thì thích lắm, có khi quên ngủ nữa. Nhưng
về nhà vui với cha mẹ, anh chị em được vài ngày trở lại chùa, tự nhiên tôi
thấy mệt mỏi, nặng nhọc, cứ lười biếng chểnh mảng ra. Trong lòng rã rượi,
buồn buồn không biết nhớ nhung cái gì, mà cứ dàu dàu như vậy. Phải đến năm
ba ngày sau mới trở lại sinh hoạt bình thường của tăng chúng. Đó là gì? Là
thất thoát công phu. Bởi đa số chúng ta đã quen theo lối mòn cũ, quyến
luyến tình cảm gia đình, cho nên việc tu học là một sinh hoạt mới mẻ. Vì
vậy khi gặp lại duyên cũ chúng ta dễ xuôi thuận theo, còn đời sống xuất
gia chưa thuần thục nên khó bắt nhịp hơn.
Cho nên đã
xuất gia tu học rồi thì phải khẳng định lập trường của mình. Lập trường ấy
phải có ý chí và nghị lực bên trong hỗ trợ mới đứng vững được. Ngoài ra
Thầy bạn, thiện hữu tri thức là những tiếp sức bên ngoài nhưng cũng rất
cần thiết cho việc tu học của chúng ta. Đó là trợ duyên chung quanh để hun
đúc, để tạo cho chúng ta cơ hội tu học tăng tiến.
Đức Phật trước
khi xuất gia là một ông Hoàng sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng khi đã
vượt thành xuất gia, Ngài vào rừng tu khổ hạnh, không bao giờ có một niệm
nhớ về Hoàng cung, chỉ một bề khẩn thiết tu tập, như vậy mới đi đến đích
được. Còn chúng ta bây giờ quá đa đoan, đeo mang đủ thứ lỉnh kỉnh thành ra
dễ xao lãng việc tu. Cho nên muốn sống với trí tuệ chân thật thì phải
nghiêm túc, là vì vậy.
Thứ hai phải
chân thật với mình với người, trước nhất là với mình. Tại sao? Vì dối nhau
là đánh mất niềm tin của nhau. Nếu ta tự dối mình chính là ta đánh mất
niềm tin của chính mình luôn vậy. Đã thế thì làm sao có cơ hội trở lại với
mình được. Ví dụ mình nói thương người nào đó, thì nhất định người bạn đó
có cái gì tương đồng với mình, mới có sự cảm thông thương yêu. Nếu người
đó hoàn toàn khác, hoàn toàn quay lưng với mình thì thương khó lắm. Chỉ
trừ từ bi vô điều kiện của Phật mới thương được. Vì vậy nói thương người
mà thật ra trong đó có bóng dáng, có đường nét của mình. Như vậy ta thương
ta chứ không phải thương người ấy đâu. Cho nên nói thương ai là ta đã dối
mình và dối người rồi.
Phật dạy chúng
ta phải thương mình chân thật, nghĩa là sao? Tức ta biết mình đã bị đau
khổ, bị luân hồi sinh tử nhiều lắm rồi, bây giờ không nỡ để cho mình trôi
lăn nữa. Do đó ta thương mình, phấn đấu giải quyết cho xong việc sống
chết, trôi giạt từ bao đời. Muốn thế không thể tự dối gạt mình mãi. Bây
giờ có duyên lành gặp Phật gặp pháp, gặp thầy gặp bạn, có điều kiện dừng
lại không bị trôi giạt nữa, đó chính là nhìn thấy rõ nguyên nhân nào làm
cho ta đau khổ trong vòng luân hồi sanh tử. Từ đó có cách giải quyết cho
mình.
Nhìn thấy sự
đổi thay vô thường nơi muôn sự muôn vật, chúng ta thức tỉnh không còn đắm
mê theo thế gian nữa. Một đứa con hiếu thảo thương cha kính mẹ vô cùng,
nhưng đến lúc cha mẹ già bệnh rồi chết cũng không thay thế được, thật là
bất lực. Chúng ta cứ lây lất qua ngày, lo chuyện này chuyện nọ, mà quên lo
cho mình. Ngày đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ, phải làm sao có thời gian
thương mình, lo cho mình. Đó là quay về tu học để nhận ra được cái gì thật
của mình. Như vậy mới đúng là thương mình, rồi sau đó giúp cho mọi người
cùng thức tỉnh như ta, tức là thương người.
Như Phật tử đã
Quy y Tam Bảo phát nguyện giữ năm giới. Nghiệm lại cho kỹ trong năm điều
giới đó, điều nào mình cũng lam nham hết. Ví dụ giới không được nói dối,
ta cũng đâu giữ được hoàn toàn, có khi cũng nói dối. Các giới khác cũng
vậy. Phật vì lòng từ bi chế giới chỉ dạy cho chúng ta thọ trì tu tập, sửa
đổi nghiệp tập, phát huy tánh sáng suốt của mình. Cho nên nói một cách dứt
khoát, chúng ta đã thọ giới thì phải cố gắng giữ cho kỳ được. Như thế mới
gọi là biết thương mình.
Trong kinh A
Hàm có kể câu chuyện hai thầy Tỳ-kheo trên đường về hầu Phật. Giữa chừng
gặp mùa nắng hạn, không có nước uống, một vị dứt khoát thà chết chứ không
dùng nước trong lỗ chân trâu, vì như vậy sẽ giết chết rất nhiều côn trùng
trong ấy. Còn một vị nghĩ rằng ta uống tạm để duy trì mạng sống về gặp đức
Phật. Quả nhiên sau đó chỉ còn một vị về đến chỗ đức Thế Tôn. Vừa thấy
thầy Tỳ-kheo ấy đến, Phật hỏi:
- Vị Tỳ-kheo
cùng đi với ông đâu?
- Bạch Thế
Tôn, thầy ấy thà chết không chịu uống nước trong lỗ chân trâu, nên đã bỏ
mạng giữa đường. Chỉ một mình con vì muốn được hầu cận bên cạnh Như Lai,
phương tiện uống tạm chút nước trong lỗ chân trâu nên mới về được đến đây
hầu Phật.
Nghe xong, Thế
Tôn quở:
- Chỉ có
Tỳ-kheo nào giữ gìn đúng giới luật Như Lai đã chế dù không có bên cạnh ta
nhưng cũng như ở cạnh ta, còn vị nào không hành trì đúng giới luật Như Lai
đã chế, dù ở cạnh ta nhưng cũng như cách xa ta.
Sau đó, Phật
còn cho biết thầy Tỳ-kheo nhờ giữ giới, sau khi mất đã được sanh lên cõi
trời, tiếp tục tu hành chẳng bao lâu sẽ thành tựu Thánh quả. Qua câu
chuyện này, chúng ta thấy rõ chủ ý của đức Phật, Ngài khẳng định chỉ người
quyết chí giữ vững lập trường tu hành của mình mới thành công được đạo
nghiệp. Thành ra không nói tu thiền, tu tịnh, xuất gia hay tại gia, nếu
người nào quyết tâm, khẳng định việc làm của mình, cứ như vậy mà hành trì,
nhất định lợi lạc thiết thực sẽ đến với người ấy. Có khẳng tâm thì việc tu
học mới tăng tiến. Khi sống vui với Phật pháp rồi chúng ta càng vững tâm
hơn nữa, lúc nào mình cũng có thể sử dụng được trí tuệ một cách chân thật,
tự do tự tại. Cho nên có tu tập mới thấy hạnh phúc lớn lao miên viễn của
người tu.
Trong nhà
thiền thường dạy một khi chúng ta không bị ngoại cảnh bên ngoài và vọng
tưởng bên trong kéo lôi, chúng ta không ngược xuôi theo tất cả những hiện
tượng ấy thì trí tuệ sáng suốt chân thật sẽ hiện ra. Ví dụ như nghe người
ta nói xấu mà mình vẫn bình tĩnh tự xét lại, xem ta có như vậy không, chứ
không nổi nóng lên. Nhờ thế ta vẫn an nhiên, tươi tắn ứng phó mọi việc êm
xuôi đâu vào đấy, đó không phải trí tuệ chân thật là gì ? Không bao giờ
người ta nói con trâu, mình thành con trâu liền, vì họ đâu phải phù thủy
mà biến mình thành như thế. Nhưng nếu nghe một lời nói xấu mình nổi nóng
lên, đỏ mặt tía tai, đập bàn đập ghế, hầm hét um sùm thì đó là hiện tướng
ngạ quỷ hay súc sanh rồi. Cho nên quan trọng là tỉnh nhớ kiểm lại mình,
nhà thiền gọi là phản quan tự kỷ. Nếu ta có lỗi lầm thì sám hối, khắc
phục, còn không có thì xem như người ta nói chơi thôi, không dính dáng gì
hết. Nếu hằng ngày trong bất cứ sinh hoạt nào, chúng ta đều ý thức tu tập
như vậy thì sẽ được bình an.
Điều thứ ba,
người tu Phật phải thực hành được những gì mình đã học. Bởi pháp là kinh
nghiệm của cổ nhân, kinh nghiệm của người khác, không thể nuôi sống mạng
huệ mạng của chính mình. Học hiểu Phật pháp để tự biết cách khai triển lại
tâm ta, cho nên trong nhà Phật quý ở chỗ thực hành. Nói được làm được gọi
là ngôn hạnh tương ưng, đó mới đúng là tư cách của thiền tăng. Nếu thực
hành được chúng ta sẽ tránh được những điều này: Một là không tranh, hai
là không tham, ba là không cầu, bốn là không ích kỷ, năm là không tư lợi,
sáu là không vọng ngữ.
Ở đây, chỉ
giải thích đơn cử một vài điều thôi, như tranh tức là tranh cãi, tranh
giành, tranh chấp, tranh đấu… Ví dụ ăn cơm chung một mâm bốn vị, ta thấy
vị nào cũng có thức ăn, riêng mình lại không có, trong đầu liền nổi lên
tranh đấu. Tại sao mình như vầy mà không được như thế như thế, đủ thứ
chuyện. Cho nên làm sao buông bỏ được sự đấu tranh, trừ đấu tranh để loại
bỏ những thói hư tật xấu. Vì vậy khi hiểu Phật pháp, quan trọng ở phần
hành.
Kế đến ta thể
hiện tấm lòng tha thứ, buông xả, không tham cầu, không đắm trước. Điều này
nói thì dễ nhưng làm khó lắm. Ví dụ như trời đang nóng bức, chúng ta mong
muốn có được một luồng gió mát, đó là chiều theo sự đòi hỏi hưởng thụ của
thân, chưa thể làm chủ được. Phật Tổ dạy rất giản dị, người tu thì nóng
bức cũng được, lạnh lẽo cũng được, khó khăn cũng được mà sung sướng cũng
được. Chúng ta đôi khi khó khăn lại tu được mà sung sướng tu không được,
nóng bức tu được mà lạnh lẽo tu không được, hoặc lạnh lẽo tu được mà nóng
bức lại bỏ chạy. Lúc nào cũng vậy, được cái này không được cái kia, vì vậy
không bao giờ thành tựu được sở nguyện.
Không mong cầu
thì không thất vọng, không chán nản, không đau khổ. Đó là lợi ích thiết
thực trước mắt. Nhà lầu, xe hơi, tất cả mọi thứ cho đến thân này chỉ có
trong một thời gian rồi tan mất hết. Ta có muốn ôm giữ nó cũng không giữ
được, rõ ràng như vậy. Tranh danh đoạt lợi có được đến đâu, tới lúc tắt
thở cũng phải buông xuôi. Không đợi đến chết, ngay bây giờ mà một dây thần
kinh hay một mạch máu bị đứt mạch thì tất cả đều trở thành vô nghĩa. Khi
đó chẳng những tấm thân này làm khổ mình mà còn khổ cho thiên hạ nữa. Hiểu
như vậy thì ta sống bình an với những gì hiện có.
Cuối cùng là
vọng ngữ, cái miệng của mình tội lỗi ghê lắm. Người biết tu Phật phải gìn
giữ cái miệng của mình. Nói ngược nói xuôi, nói trên nói dưới, nói tốt nói
xấu, nói để người ta sống chết… cũng từ cái miệng của mình. Cho nên Phật
dạy tu cái miệng tức là tu cái ý. Do ý phóng túng chạy theo vọng tâm điên
đảo mà mình có lời nói và hành động gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi.
Cho nên trong công phu tu hành, nếu không vì lợi ích cho người hoặc cứu
người, nhất định không được vọng ngữ.
Chúng ta giữ
không tranh, không tham, không tư lợi, không ích kỷ, không mong cầu, cuối
cùng đừng vọng ngữ mà phải nói những điều chân thật. Những điều này giúp
cho đời sống sinh hoạt, cho nếp tu học của mình luôn được bình an. Có khi
vui ta nói một câu gì quá lời, sau đó thấy hổ thẹn, bứt rứt khó chịu lắm.
Cho nên phải cẩn ngôn, giữ gìn cái miệng nói những điều chân thật. Điều
này khó chứ không phải dễ. Chính chư Tổ ngày xưa, áp dụng hành trì những
điều này cũng phải trải qua những khó khăn. Cho nên các Ngài luôn khuyên
nhắc chúng ta phải giữ vững lập trường, đầy đủ ý chí quyết tâm và chân
thật, được vậy sẽ thành công. Tổ Hoàng Bá có làm một bài kệ thế này:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường,
Hệ
bã thằng đầu tố nhất trường.
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt,
Tranh đắc mai hoa phốc tỹ hương.
Tạm dịch:
Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường.
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Vượt khỏi trần
lao việc chẳng thường, để nói sống được với trí tuệ chân thật, làm chủ
được mình, không bị trần lao kéo lôi, đó là việc làm phi thường.
Đầu dây nắm
vững giữ lập trường, người muốn như thế phải giữ vững lập trường, dù có
gặp bất cứ trở ngại nào hay sự khuyến dụ nào cũng không lung lay, chỉ một
đường thẳng tiến.
Chẳng phải một
phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương, nếu không có công phu
lạnh thấu xương, không va chạm cọ xát với khó khăn, thử thách thì không
thể ngửi được mùi thơm của hoa mai, tức không thể nhận ra được của báu nhà
mình nếu không có ý chí và công phu thâm hậu.
Những lời đó
vừa giản dị vừa chí thiết để nhắc nhở công phu tu hành của chúng ta. Bình
nhật ta nghe Phật pháp, thấy dường như mình có hiểu, có hành trì, nhưng
thật ra công phu của mình hời hợt lắm. Cũng thờ Phật, tụng kinh, ngồi
thiền nhưng đụng chuyện là ta phiền não thối Bồ-đề tâm ngay, vì không có
quyết tâm, không có lập trường. Kết quả tu tập được thể hiện ở sự an vui
giải thoát hay phiền não đau khổ ngay trong hiện đời, chứ không đợi đến
bao giờ mới biết. Ví dụ hôm ấy ta ăn chay, nhưng có người đem món mặn thật
ngon để gần, mời mình ăn. Ngay lúc ấy nếu ta không khởi một niệm nào, tâm
không bị động bởi mùi vị mặn, tức biết mình đã giữ được lập trường. Chứ
còn đang ăn chay, chợt nghe mùi vị hấp dẫn khác, tâm phóng nghĩ phải chi
gắp được một miếng thì thích biết mấy, chỉ khởi nghĩ như vậy là không được
rồi. Cho nên đối với việc tu hành, có khi khó khăn vô vàn nhưng có khi
cũng dễ dàng lắm, tùy ở mỗi người.
Điểm thứ tư,
người tu phải có sự định tỉnh. Có định tỉnh, trí tuệ mới phát sinh, trí
tuệ phát sinh mới phá tan được mê mờ tăm tối làm cho chúng ta đau khổ từ
bao đời. Có bài kệ nói về sự định tỉnh như thế này:
Tánh định ma phục ngày ngày vui,
Không sanh vọng tưởng chốn chốn yên,
Tâm dừng niệm dứt giàu sang thật,
Dục vọng trừ sạch thật phước điền.
Nếu người nào
tâm tánh kiên định, chỉ chuyên một việc tu học, thì người này ngày nào
cũng vui. Tại sao? Vì sống có chủ đích, cho nên không để tâm đến mọi thứ
chung quanh, vì vậy phiền não không phát sinh. Ví dụ hôm nay quí vị đi
chùa học pháp, thì chỉ đi chùa học pháp thôi, ai rủ rê đi đâu cũng không
đi. Phấn khởi hạ quyết tâm như vậy thì việc tu ngày càng tăng tiến tốt
đẹp. Nhờ thế những vọng tưởng dần dần lắng yên, vừa có dấy niệm mình biết
là vọng. Nếu tâm không kiên định, không tỉnh sáng làm sao nhận biết vọng
tưởng mà buông được. Vừa có niệm ta liền chao đảo thì sẽ bị nó kéo đi tức
khắc, cho nên dễ duôi, xem thường, ngó qua ngó lại là đã mất mình.
Người khắc
phục được vọng tưởng của mình là người giàu sang nhất, phúc lạc nhất vì
sống trọn vẹn với kho báu nhà mình. Ở đây không yêu cầu ta thành Phật
thành Tổ gì cả, chỉ làm sao định tâm, từng bước công phu thấy thực, làm
thực thì sẽ an lạc ngay hiện đời. Hôm nay chưa được thì ngày mai, đời này
chưa rồi thì đời sau, nhất định không ngán, không lui sụt.
Có một Thiền
sư trong khoảng thời gian tu hành, Ngài bị bệnh nặng nên việc tu gặp trở
ngại. Cuối cùng nhờ các huynh đệ thay đồ sạch sẽ, Ngài ngồi dậy thắp hương
thầm nguyện khẩn thiết, con pháp danh… phát nguyện quyết tâm tu hành, nếu
nghiệp tập nhiều đời khiến phải chết, đọa vào địa ngục, con cũng nhất định
không quên tu. Sau khi đọa địa ngục rồi, con sẽ sớm gặp lại Tam bảo tiếp
tục tu hành, khi nào thành Phật mới thôi. Lạ thay! Khi ngài khẳng tâm như
vậy mồ hôi xuất hạn, từ đó bệnh tình thuyên giảm cho đến hết hẳn. Ngài nỗ
lực công phu hơn nữa, cuối cùng ngộ đạo, thành tựu được sở nguyện của
mình. Rõ ràng sức mạnh tinh thần là nhân tố quan trọng quyết định cho việc
tiến đạo của chúng ta.
Vì vậy mong
rằng tất cả người tu chúng ta phải nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần, lập
trường kiên định để tâm không dao động, không lui sụt. Có định tâm thì trí
tuệ chân thật mới hiển bày. Trí tuệ chân thật đã hiển bày thì việc ngộ đạo
và sống đạo không khó. |