ĐỪNG BỎ QUÊN CHÍNH MÌNH
Buổi nói
chuyện đạo lý hôm nay tôi muốn chỉ thẳng tâm chân thật của chúng ta. Bởi
vì từ lâu ta bỏ quên hoặc không dám nhận tâm này nên chạy loanh quanh bên
ngoài. Hôm nay thử một lần, chúng ta nhận lại báu vật của mình xem sao.
Tuy nhiên làm thế nào để nhận? Đây là một vấn đề.
Trong nhà
thiền có câu chuyện này. Một thiền tăng đến hỏi Thiền sư Thạch Cựu: “Thế
nào là hạt châu trong tay của Địa Tạng?” Ngài Thạch Cựu trả lời: “Trong
tay ông lại có không?” Thiền tăng thưa: “Con chẳng hội”. Ngài Thạch Cựu
nói thêm một câu nữa: “Chớ dối gạt đại chúng!” Câu chuyện chừng đó thôi,
làm sao chúng ta nhận được hạt châu của mình ?
Như chúng ta
đã biết, Bồ-tát Địa Tạng một tay cầm hạt châu, một tay cầm tích trượng.
Tích trượng để dọng tan cửa ngục, hạt châu để soi sáng chốn u minh tăm
tối, từ ánh sáng đó chúng sanh thấy được con đường của mình. Đây là vấn đề
các bậc thiện hữu tri thức muốn chỉ cho chúng ta, mỗi người đều có sẵn hạt
châu không phân biệt sang hèn. Tức chúng sanh đều có Phật tánh như nhau,
đều có trí tuệ sáng suốt, đều là Phật sẽ thành.
Ngài Thạch Cựu
trả lời mục đích chỉ cho thiền tăng “cái sẵn có”, nhưng vị tăng bảo chẳng
hội. Ngài Thạch Cựu nói thêm “Chớ dối gạt đại chúng!” Bởi vì vị tăng có mà
không dám nhận nên nói dối gạt. Có bài kệ như thế này:
Bất thức tự gia bảo,
Tùy tha nhậm ngoại trần,
Nhật trung đào ảnh chất,
Cảnh lý thất đầu nhân.
Tạm dịch:
Chẳng biết báu nhà mình,
Bỏ
nhà chạy kiếm đâu,
Trốn bóng giữa trời nắng,
Soi gương chợt mất đầu.
Báu vật của
mình đã có từ lâu nhưng chúng ta không dám nhận, bỏ quên nó, rồi chạy tìm
lăng xăng ở bên ngoài. Điều này giốâng như người muốn trốn bóng của mình
mà chạy giữa trời nắng. Người này có sáng suốt không, trốn được bóng của
mình không? Chắc là không được.
Trong kinh
Lăng Nghiêm kể chuyện chàng Diễn Nhã Đạt Đa hằng ngày dùng gương soi mặt.
Mỗi lần soi như vậy, chàng thấy đầu mặt của mình trong gương rất đẹp và
chàng cho đó là đầu mặt thực của mình. Bỗng khi để gương xuống, không còn
thấy đầu mặt đâu nữa, chàng liền hoảng hốt chạy la “Tôi mất đầu rồi!” Đức
Phật đã tạm mượn hình ảnh chàng Diễn Nhã Đạt Đa để chỉ người không nhận ra
cái chân thật của chính mình, mà quen nhận những thứ hư giả ở bên ngoài là
mình. Đến lúc nó mất đi thì tưởng mình cũng mất luôn nên chạy sảng quàng.
Đây cũng chính là hình ảnh của chúng ta, bao nhiêu đời kiếp rồi ta đã từng
chạy sảng như vậy, vì chưa nhận được báu vật của chính mình.
Mục đích của
các bậc thiện hữu tri thức ra đời là nhằm chỉ cho chúng ta cái sẵn có đó.
Nếu chúng ta không có sẵn thì các ngài không cách gì chỉ cho chúng ta được
hết. Nên nhà thiền cũng có câu “người có sẵn ruộng lúa ta cho thức ăn,
người không có sẵn ruộng lúa ta không cho thức ăn”. Nghĩa là mỗi chúng ta
đều có sẵn Phật tánh hay bản lai diện mục, nhưng nhiều đời kiếp bỏ quên
không chịu nhận lại, nên các ngài chịu khó chịu cực dạo đi khắp các nẻo
luân hồi để gần gũi, nhắc nhở, chỉ bảo khiến chúng ta nhận lại của báu nhà
mình.
Đọc lại sử đức
Phật Thích Ca, chúng ta thấy Ngài đã trải qua vô lượng vô biên kiếp ở
trong vòng luân hồi sanh tử để chỉ dẫn, dìu dắt chúng sanh nhận ra cái sẵn
có đó. Nhận được rồi thì sống an ổn, giàu có hạnh phúc, không còn ngược
xuôi lang thang khổ sở nữa.
Chúng ta đủ
duyên được nghe nói đến “cái đó” nhưng chưa có cơ hội nào để nhận lại. Vậy
“cái đó” là gì? Như bây giờ tôi đang nói, toàn thể quí vị có nghe không?
Nghe. Như vậy là quí vị có “cái đó” rồi, nếu không có làm sao nghe được.
Tức cái hay thấy, hay nghe rõ ràng thường biết của mình, cái này bất sinh
bất diệt. Còn thân hữu hạn, mọi hoàn cảnh tiện nghi đều thuộc pháp sanh
diệt, giả tạm. Như Thiền viện Thường Chiếu được thành hình, được gầy dựng
trong khoảng thời gian chúng ta có mặt ở đây, nhưng mai sau nó sẽ thay đổi
khác đi, chúng ta không có mặt nên cũng không biết ra sao. Trong khi cái
chân thật của mình luôn gắn bó với chúng ta, đời đời bất sinh bất diệt,
không bao giờ thay đổi. Tức cái thấy, cái nghe, cái biết của mình luôn
hiện hữu bên ta. Chỉ cần khéo léo đừng ngược xuôi, lăng xăng theo bên
ngoài thì sống được với “cái đó” dễ dàng, chứ không khó.
Phẩm Tựa kinh
Pháp Hoa đức Phật nói mục đích ra đời của mười phương chư Phật là nhằm chỉ
cho chúng sanh thấy, biết, nhận, sống được với “cái đó” tức là Phật tri
kiến của mình. Chúng ta có sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Sáu cửa này
tiếp xúc với các trần cảnh bên ngoài. Nếu khi tiếp xúc mà ta ngược xuôi ra
ngoài thì quên mất cái chân thật của chính mình. Còn khi ta tiếp xúc thấy
nghe rõ ràng nhưng không phân biệt, không lăng xăng, không sử dụng ý thức,
là sống được với cái chân thật của chính mình.
Nói tu là một
cách nói, tức sửa lại những gì lâu nay mình lầm, mình quên thì bây giờ
không lầm, không quên nữa mà phải nhận lại cái ta đã có sẵn. Đây là gốc tu
hành chư Phật Tổ đã dạy chúng ta từ xưa đến nay, và phái thiền Việt Nam
thời Trần, đã lấy tinh thần “phản quan tự kỷ bổn phận sự” làm kim chỉ nam
cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo nước ta. Các Ngài khuyên
người tu đạo đừng chạy ra nữa, bởi vì càng chạy ra thì càng mất mình.
Người ngồi yên
bình thản, lặng lẽ soi lại mình, không lo ra nữa tức là tu thiền. Vì vậy
các bậc tôn túc tạo phương tiện lập thiền viện giúp hành giả có điều kiện
ổn định tu hành. Chữ “viện” là khuôn viên, ta cứ tưởng tượng như cái lồng,
ngăn cản không cho mình phóng ra ngoài. Sở dĩ đóng khung như thế là vì
chúng ta quen ngược xuôi quá, bây giờ phải nhốt lại bằng qui chế, thời
khóa tu học như vầy như kia, may ra khống chế dần dần tâm khỉ vượn của
mình.
Chúng ta cũng
thông minh đáo để nhưng chỉ biết chuyện thiên hạ thôi, còn cái thật của
mình thì không nhận không biết. Trong nhà thiền, các Thiền sư thường nói
cái chân thật ấy giống như lỗ mũi nằm ngay trước mắt mà mình không bao giờ
thấy. Hình ảnh chàng Diễn Nhã Đạt Đa tiêu biểu cho sự mê lầm đó nên phát
sinh cuồng loạn. Chúng ta cũng vậy, mãi ngược xuôi trong sáu nẻo luân hồi,
khi làm người, khi làm thú, lúc ở địa ngục, lúc trên trần gian, nhiều kiếp
trôi giạt không trở về được nguồn cội của chính mình.
Bây giờ muốn
sống lại được với cái chân thật của mình không phải chuyện đơn giản. Như
Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa không bao giờ thăng tòa thuyết
pháp, Ngài cũng ít y hậu trang nghiêm trên điện đài long trọng, chỉ ăn mặc
bình thường nhưng mỗi khi gặp bất cứ ai, ngài bái bái nói: “Tôi không dám
khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Chỉ thế thôi. Người sáng
suốt nghe câu ấy nhận ra liền không ngược xuôi nữa. Người không sáng suốt
nghe câu ấy, chê bai ông tăng này ngu muội, tại sao dám thọ ký cho ta như
thế? Có kẻ rầy la, dùng đá gạch quăng ném hoặc đánh đuổi đi, cho là ông
tăng khùng, đâu biết Ngài hành hạnh Bồ-tát.
Chúng ta xét
lại xem, bài pháp ấy quí báu như thế nào. Ngài nhắc cho mình nhớ lại một
điều rất quan trọng “tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành”. Đây là chặt
đứt mọi thứ mê lầm khiến chúng ta rong ruổi ngược xuôi bên ngoài cho nên
quên mất gốc Phật của mình. Bây giờ định tâm nhớ lại, đừng chạy theo những
thứ hư giả bên ngoài nữa thì ngay đó nhận lại của báu nhà mình. Vậy mà
chúng ta không biết, thật đáng thương xót biết bao !
Bồ-tát chỉ
thẳng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, có sẵn bản lai diện
mục, có trí tuệ đức tướng của Như Lai, không ai thiếu cả. Cả cuộc đời Ngài
chỉ chuyên nói một bài pháp ấy thôi. Người có chủng duyên thì từ bài pháp
đó nhận ra được Phật tánh của mình. Phương cách hướng dẫn và thuyết pháp
như Bồ-tát Thường Bất Khinh cho thấy Ngài quả thực là con người đã thể
nhập hoàn toàn với Phật tri kiến, mới hay chỉ thẳng như vậy. Tuy nhiên
người căn cơ chưa đủ thì không dám nhận. Bởi không dám nhận nên họ có thái
độ sai lầm, nhưng Bồ-tát vì lòng từ bi sẵn sàng chấp nhận tất cả, cốt làm
sao chỉ cho mọi người thấy được cái chân thật ấy mà thôi. Đó chính là đại
hạnh đại nguyện của các Ngài sau khi đã được thức tỉnh giác ngộ vậy.
Nói “cái đó”
sẵn nơi mình nhưng nó ở đâu ta không biết. Tuy nhiên vừa chạm đến là ta
liền thấy, nghe, hiểu, biết rất rõ ràng. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm
bảy lần đức Thế Tôn gạn hỏi ngài A Nan tâm ở đâu và cả bảy lần A Nan chỉ
tâm đều sai cả. Ngài A Nan còn như vậy chúng ta không biết cũng đúng thôi.
Bởi ta còn lầm nhận cái thật và giả như Ngài A Nan lầm nhận tánh thấy tánh
nghe với sắc trần và thinh trần thì không thể nào thấu tỏ được tâm. Tâm
này không ở trong, không ở ngoài cũng không ở chặng giữa, không ở tất cả
chỗ nơi vì nó không có hình tướng, nhưng đã biết đã nhận rồi thì ở đâu
cũng có. Ví như da thịt của chúng ta đụng ở đâu ta cũng biết đau, chứng tỏ
cái biết ở khắp hết.
Từ các giác
quan như mắt nhìn thấy các sự vật, các hiện tượng chúng ta biết rất rõ
ràng, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi… cũng như vậy. Cái biết đó thông suốt
và mẫn tuệ vô cùng. Đức Phật đã từng nói, một khi phát minh được trí tuệ
như thật rồi, thì mọi hiện tượng trong vũ trụ đều thấy biết rõ ràng. Cho
nên Ngài nhìn thấy tam thiên đại thiên thế giới như trái táo trong lòng
bàn tay, thấy rõ sự thành, trụ, hoại, không của nó.
Chúng ta ngồi
thiền mới thấy con khỉ lăng xăng của mình thật không dễ điều phục chút
nào. Cho nên người dẹp hết tất cả các loạn tưởng, nhận ra và sống với cái
biết của chính mình, thật công phu chứ không phải chuyện đơn giản. Ngồi
thiền khơi khơi không tỉnh táo, không siêng năng liên tục thì ngủ liền.
Hoặc ngồi nhớ chuyện năm trên năm dưới, có khi dựng lại cả cuộc đời của
mình, của người, ngồi như vậy khác gì coi video, buông ra rồi đầu óc càng
thêm bần thần. Ngồi thiền như vậy chẳng những không có lợi ích gì, mà còn
thêm hại nữa.
Nếu chúng ta
không tỉnh sáng, hằng biết có cái chân thật hiện tiền thì sự mê muội, loạn
tưởng ràng rịt mình liên tục. Hằng ngày chúng ta thường sống với tâm lăng
xăng rối loạn ấy nên đang ăn cơm nghĩ chuyện này chuyện nọ làm bữa cơm
không ngon, nuốt không trôi. Đến giờ ngủ cũng thế, tâm cứ tính toán lo
toan thành ra ngủ không được. Ngay cả khi nghe pháp cũng thế, ngồi ở giảng
đường mà để tâm ở nhà, cuối cùng không biết ông thầy nói gì. Như vậy làm
sao tu, làm sao an ổn được.
Cho nên muốn
định được phải là người gan dạ, làm việc gì một việc thôi. Định tĩnh chưa
có thì trí tuệ chân thật chưa hiện tiền. Trí tuệ chân thật chưa hiện tiền
thì những vọng niệm lăng xăng, những cuồng vọng điên đảo không bao giờ dứt
được. Đó là lý do tại sao Phật tử nghe pháp hoài, học hoài mà vọng tưởng
không hết. Chỉ khi nào có định, trí tuệ mới hiện tiền, vọng tưởng si mê
mới hết được.
Nói tới đây,
tôi nhớ thời gian chúng tôi còn học ở Phật học đường Vĩnh Bình, có một
người bạn ở chùa Vạn Thọ gần sông nên thường rủ anh em tắm sông. Dòng sông
ấy nước đục và dơ láém. Nhìn xuống thấy đủ thứ trôi lìu bìu, nhưng không
hiểu sao chúng tôi vẫn nhảy xuống tắm, ngộ vậy! Dưới nước có con gì do bận
cáu hợp lại thành, nó đang bơi nhưng mình đánh cái rầm xuống nước là nó
tan hết ngay. Khi để yên, chúng tôi lại thấy nó bơi bơi đầy trên mặt nước,
rất ghê. Bây giờ ngồi tu, mới thấy vọng tưởng của mình cũng y như con này,
khi tỉnh nó tan ra, lúc hơi gục đầu nó hợp lại và dẫn mình đi. Những con
đó không là gì hết, do bợn nhơ hợp lại thành nhưng nếu ta không đập tan
thì nó tạo thành dề, trôi đầy sông nhìn rất dơ.
Vọng tưởng
cũng như thế. Nó không thật, nhưng khi hợp lại thì dẫn ta trôi dạt rong
rêu, đập tan một lần rồi không đập nữa thì nó bu lại ngay. Chỉ khi nào ta
biết nó không thực, biết nó là vọng mới buông nó được. Dù cho trăm nghìn
vọng tưởng, nó cũng chỉ là những cuồng vọng bên ngoài, không can hệ gì đến
cái biết của mình. Thấu tỏ như vậy mới là người sống được với cái biết
chân thật. Sống được với cái biết chân thật, mới có thể phát huy được trí
tuệ chân thật của mình.
Chúng ta ai
cũng sợ chết, đó là một vọng tưởng lớn lao nhất trong đời người. Không
thoát khỏi cái chết, thì bây giờ chúng ta làm sao phát huy được cái không
chết của mình. Thường các thiền tăng hành cước học đạo là nhằm giải quyết
vấn đề sinh tử, không còn vấn đề nào khác hơn. Chúng ta cũng thế, hiện tại
con người đang sống đầy ảo giác đầy cuồng vọng, cho nên họ rất sợ chết. Có
khi Phật tử chúng ta ban ngày thì niệm Phật, tụng kinh đủ cả, nhưng tử
thần ập đến liền đi cầu thầy bùa thầy pháp. Như thế đủ biết định lực trí
lực ta không có để đối diện với tử thần.
Các vị Thiền
sư nói thế này “chết như cởi áo hạ”, mùa hạ nóng bức cởi được cái áo nhơ
nặng trịch ra thì thích biết mấy. Chết đối với các Ngài là một sự ra đi tự
tại. Có được thế là vì các Ngài đã chọn được hướng đi, đã làm chủ, giải
quyết được vấn đề sanh tử rồi nên muốn đi đâu thì đi, không bị ai dẫn dắt,
không bị nghiệp lực nào xui đẩy nữa. Vì vậy ngay trong lúc tu hành hiện
tại đây chúng ta phải nhận ra và sống được với “cái đó” là điều tối quan
trọng nhất.
Thân này là
thân bại hoại, dù có mạnh khỏe, trẻ đẹp, trí tuệ gì cũng là thân bại hoại
thôi. Ngay như thân Phật trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt tám mươi
vẻ đẹp, công đức vô lượng vô biên, nhưng đến tám mươi năm cũng phải hoại.
Huống là thân chúng ta, vừa sanh ra năm ba tuổi là bị sốt xuất huyết rồi
ban hạch đủ thứ, lớn lên kẻ yếu gan, người suy thận, tim hồi hộp… làm sao
bảo đảm nó còn mất được bao lâu. Có người ăn cơm xong uống trà, xỉa răng
rồi đi, con cháu khóc tức tưởi. Có người bệnh thôi là bệnh, thuốc men chạy
ngược chạy xuôi, thầy đông thầy tây vẫn không hết bệnh, mà cũng không
chết. Rõ ràng chúng ta không tự tại, không làm chủ được thân này. Như vậy
để thấy cuộc đời quả là tạm bợ không có gì trường cửu để mình phải nắm giữ
cả. Cho nên chết là chuyện bình thường, vậy có gì chúng ta phải sợ !
Hơn ai hết,
Phật tử là những người học đạo và hiểu đạo thì đối với cái chết phải có sự
chuẩn bị. Chuẩn bị lực để đối đầu với sự kiện đó một cách chủ động, không
quyến luyến, mê muội gì cả. Nếu không như thế đôi khi mình chọn lầm thân
sau tệ hơn thân này nữa thì khốn. Cho nên chúng ta phải chuẩn bị đủ lực,
đủ sáng suốt để thọ thân sau đầy đủ phúc đức trí tuệ hơn thân này, đó là
tu tiến. Việc ấy khó chứ không phải dễ đâu. Chính Phật đã nói, bỏ thân
người tìm lại thân khác khó như rùa mù gặp bộng cây mục giữa biển, trăm
năm mới nổi lên một lần. Tại sao như vậy? Bởi vì dòng vọng tưởng cuồng
loạn của mình vô cùng vô tận, nên nó cũng dẫn dắt mình vô cùng vô tận
trong các loài.
Nói đến đây
tôi nhớ câu chuyện này. Một vị thầy tu lâu năm, giới hạnh rất tinh nghiêm.
Sau đó thầy bị bệnh uống thuốc hoài không hết. Một hôm chúng đệ tử mời ông
thầy thuốc chẩn mạch rất nổi tiếng đến chữa trị cho thầy. Bắt mạch xong,
thầy thuốc nói thật nếu sư chịu ăn mặn thì bệnh mới khỏi. Vị thầy cương
quyết không chịu và căn dặn đệ tử không được làm theo ông thầy thuốc. Đến
lúc bệnh tình quá nặng, thầy ngất xỉu. Chúng đệ tử thương quá nên buộc
lòng lén làm theo lời thầy thuốc đã chỉ bảo. Họ nấu nướng thật tinh vi
khiến cho sư phụ không nhận ra. Thầy uống vào thấy mạnh, vui vẻ hỏi đệ tử:
“Hổm rày tụi con cho thầy uống thuốc gì vậy?” Trong số đệ tử, có một người
thật thà bạch với thầy: “Con xin sám hối thầy, lúc thấy thầy bệnh quá nên
tụi con nghe lời thầy thuốc nấu cháo gà cho thầy ăn”. Nghe thế, ông thầy
nổi sân lên, sân quá đến mức đứt hơi chết luôn. Chết trong cơn sân như vậy
nên phải đọa vào loài quỷ. Từ đó cứ đêm đến người ta nghe tiếng la hét rồi
hình bóng thầy hiện ra, thiên hạ khiếp không ai dám đi chùa nữa.
Một hôm có vị
tăng đi ngang, lỡ đường vào chùa xin nghỉ lại. Phật tử nghe vậy liền cản,
khuyên thầy không nên ở đây. Vị tăng hỏi duyên do và được biết mọi sự
tình, thầy bình tĩnh vào trong chùa quét dọn và cương quyết ở lại. Giữa
đêm nghe ồn ào rồi có tiếng la hét, vị tăng ngồi nghiêm chỉnh nói lớn: “Đã
là người tu hành mà không chịu tỉnh giác, lại chấp nhận kiếp quỷ đói như
vậy sao?” Nghe câu nói này tiếng la hét im ngay. Vị tăng nói tiếp: “Ông là
người tu hành mà không làm chủ được mình khi đối duyên xúc cảnh, gặp chút
việc nhỏ đã không dừng được sự nóng giận, sân hận của mình đến đỗi phải
sinh vào trong loài quỷ, đến bây giờ vẫn chưa chịu tỉnh!” Nghe câu này,
quỷ kia quỳ xuống đảnh lễ: “Hôm nay con gặp được thầy, nhờ thầy khai thị
con thoát khỏi kiếp quỷ”. Từ đó về sau ngôi chùa mới yên tĩnh trở lại như
xưa.
Câu chuyện cho
chúng ta thấy nếu mình nổi sân hoặc nổi tham nổi si trong lúc lâm chung
thì cận tử nghiệp đó sẽ dẫn mình đi thọ sanh trong các đường dữ. Như vậy
muốn chuẩn bị phút giây đó tốt đẹp, ngay bây giờ chúng ta phải tập làm chủ
lấy mình, đừng để tới lúc đó khởi lên những niệm tầm bậy, thì hậu quả sẽ
ghê gớm lắm.
Trở lại vấn đề
chỉ thẳng tâm chân thật của chúng ta. Như tôi đã kể Bồ tát Thường Bất
Khinh là một vị thầy đã chỉ thẳng cho chúng ta: “Tôi không dám khinh các
ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật”, song ít ai dám nhận điều này. Giống
như câu chuyện họ Hòa hiến ngọc cho vua Sở. Hồi xưa ông Biện Hòa có được
hạt ngọc quý ở Kính Sơn, ông dâng cho vua Sở đầu tiên là Sở Lệ Vương. Nhà
vua cho gọi người đến xem ngọc, họ không nhận ra nên bảo đó là đá. Nhà vua
nổi giận chặt chân Biện Hòa rồi đuổi đi. Đợi đến Sở Võ Vương lên ngôi, họ
Hòa lại dâng ngọc nữa. Cũng như lần trước thợ xem ngọc bảo đây là đá nên
chàng họ Hòa bị chặt luôn chân thứ hai. Lần trước khổ đau một, lần này khổ
đau hai. Đã mất hết hai chân mà hạt ngọc vẫn chưa có người chủ nhận lại.
Đến Sở Văn
Vương lên ngôi, Biện Hòa thu hết sức tàn, tìm cách dâng ngọc lần nữa.
Giống như hai lần trước, ngọc biến thành đá. Bấy giờ anh chàng họ Hòa nằm
lăn ra khóc vật vã năm bảy ngày, đến nước mắt chảy thành máu. Mọi người
thấy vậy hỏi nguyên do có phải anh mất hai chân mà khóc chăng, anh bảo tôi
mất hai chân đã là đau khổ nhưng vẫn không đau khổ bằng ngọc thật mà người
ta cho là đá. Sự kiện ấy khiến Sở Văn Vương cho người xem kỹ lại thì mới
hay đó là viên ngọc quý hiếm nhất trên đời. Bấy giờ nhà vua trọng thưởng
cho Biện Hòa và đặt tên viên ngọc bích đó là hòn ngọc họ Hòa.
Một việc làm
của thế gian muốn người ta tin nhận còn phải trải qua những công phu khó
khăn như vậy, huống gì chỉ ra cái chân thật xuất thế gian cho mọi người
nhận lại, có thể đơn giản được sao? Từ chuyện xưa chúng ta rút ra một kinh
nghiệm trong việc tu hành của mình. Chữ tu là sửa, xưa nay chúng ta quen
chạy ra bên ngoài, bây giờ dừng lại đừng ngược xuôi nữa thì nhận lại mặt
mày thật của mình dễ dàng thôi.
Chúng ta thử
ngồi lại kiểm điểm, tỉnh táo sáng suốt, làm chủ đừng dính với các trần
cảnh, đừng chạy lăng xăng với những bóng dáng bên ngoài, tự nhiên sẽ sống
thật với chính mình. Đức Phật đã nói chúng sanh vì ngược xuôi trong luân
hồi sanh tử vô lượng vô biên kiếp khổ đau. Bây giờ chỉ cần dừng lại, đừng
như thế nữa thì đau khổ sẽ chấm dứt, gọi là bội trần hiệp giác vậy. Còn
ngược lại là bội giác hiệp trần. Chữ bội là trái lại, quay lưng, tức quay
lưng với tánh giác chạy theo trần lao cũng giống như nhà vua có ngọc thật
mà không nhận ra nên làm khổ cho mình cho người.
Chúng ta đã
khẳng định đường lối tu hành của mình thì phải quyết liệt, gắng gổ, đừng
bao giờ xao lãng ngược xuôi nữa. Bởi vì vọng tưởng điên đảo dẫn dắt ta đi
trong luân hồi sanh tử từ bao đời. Bây giờ không chấp nhận, không chạy
theo nó nữa, để trở về với cái chân thật lặng lẽ của chính mình. Đó là tu,
cứ như thế cho đến một lúc cơ duyên đầy đủ mình nhận ra: A một tiếng mình
đây rồi. Đấy chính là giây phút ta nhận ra được hòn ngọc quý đeo trong
chéo áo từ bấy lâu nay.
Có một thiền
tăng dụng công tu hành đã lâu nhưng chưa nhận ra cái thật của mình. Hôm
ấy, nhân đi ngựa qua cầu gỗ, ngựa đạp lên miếng gỗ mục, quăng thầy té nhào
xuống cầu. Ngay lúc đó Ngài liền đại ngộ và làm bài kệ:
Ngã hữu minh châu nhất khỏa,
Cửu bị trần lao quan tỏa,
Kim triêu trần tận quang sinh,
Chiếu phá sơn hà vạn đóa.
Tạm dịch:
Ta
có một hạt minh châu,
Lâu rồi bụi bặm vùi sâu,
Nay đây bụi sạch sáng tỏ,
Khắp hết sông ngòi soi thấu.
Tức là vị tăng
nhận ra hạt ngọc của mình trong lúc té ngã. Có những trường hợp ngộ đạo
rất kỳ đặc, biết đâu hôm nào chúng ta đi xe cúp té nhào, bỗng nhiên mình
cũng ngộ đạo! Như câu chuyện của ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn. Ngài là đệ tử
Tổ Bá Trượng, rất thông minh. Khi Bá Trượng tịch rồi, ngài đến chỗ Qui Sơn
tức Sư huynh của mình. Ngài Qui Sơn thấy Hương Nghiêm đến bèn hỏi:
- Ta nghe nói
ông thông minh lắm, ở chỗ Tiên sư hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm… Bây
giờ ông thử nói cho ta nghe một câu trước khi cha mẹ sanh xem?
Ngài bí, không
biết mở miệng làm sao nên về lục hết sách vở ngữ lục, kinh điển đã học mấy
chục năm trời ra xem, tìm không ra câu trả lời. Cuối cùng ngài tới đảnh lễ
Qui Sơn cầu nói phá. Tổ Qui Sơn nói:
- Ta nói cho
ông nghe thì dễ rồi, nhưng sau này ông sẽ chửi ta.
Ngài buồn bã
tự trách cả đời làm tăng không xong nên muốn tìm chỗ vắng vẻ nương náu,
làm ông thầy cơm cháo sống qua ngày, không mong gì chuyện tham thiền học
đạo nữa. Thế là Ngài tìm đến chỗ Quốc sư Huệ Trung ngày xưa trên núi Bạch
Nhai cất một am nhỏ, mỗi ngày cuốc đất trồng khoai, tu hành thường vậy
thôi. Hôm đó Ngài cũng cuốc đất như thường lệ, bỗng một hòn đá văng lên
trúng bụi trúc kêu một tiếng “tách”, ngay khi ấy Ngài đại ngộ liền hướng
về tổ Qui Sơn đảnh lễ thưa: “Nếu ngày xưa Hòa thượng vì con nói phá thì
không có chuyện hôm nay”.
Một vị té ngửa
ngộ đạo, một vị nghe tiếng hòn sỏi chạm vào bụi trúc ngộ đạo. Thế là đạo
lý gì? Lâu rồi chúng ta có của quý mà không chịu nhận, để nó bị chôn vùi
trong bụi bặm. Nhân té ngửa trên cầu gỗ hay nghe tiếng hòn sỏi chạm vào
bụi trúc liền nhận ra mình vốn sẵn có tánh thấy tánh nghe từ lâu rồi. Thế
là nhận ra được hạt châu, mới biết nó vô giá, sáng tỏa cùng khắp hết. Mỗi
chúng ta đều có hạt ngọc đó, nhưng không biết làm sao nhận.
Thiền sư Thọ ở
Hưng Giáo, khi bửa củi, cây củi tét ra, Ngài ngộ đạo liền đọc bài kệ:
Phất lạc phi tha vật,
Tung hoành bất thị trần,
Sơn hà cập đại địa,
Toàn lộ pháp vương thân.
Tạm dịch:
Bửa tét không vật khác,
Dọc ngang chẳng phải trần,
Núi sông và đại địa,
Toàn bày pháp vương thân.
Bửa tét không
vật khác, bửa tét củi ra không thấy có gì khác, bởi không cái gì khác nên
mới nhận lại cái của chính mình, nếu thấy khác thì nguy rồi. Dọc ngang
chẳng phải trần, cái đó dọc ngang tự tại, không phải trần cảnh bên ngoài.
Khi nhận ra rồi thì núi sông toàn cảnh đại địa đều là pháp thân của chính
mình, tức là sống lại với cái bất sanh bất diệt muôn thuở của mình.
Qua những câu
chuyện trên, có thể nói đạo luôn hiện hữu bên ta trong mọi vận động thi
vi, chứ không ở đâu xa. Tuy nhiên chỉ những vị đại thiền sư mới có kỹ
thuật hay kỹ năng tuyệt hảo chỉ ra như thế, còn thường thường như chúng ta
nói với nhau nghe vậy thôi, chứ chưa được như các Ngài vì bản thân mình
chưa thân chứng chỗ cứu kính ấy. Muốn được như người xưa, chúng ta phải
chuyên cần tỉnh giác, chỗ này chỉ có thế thôi, chứ không thuyết giảng gì
được hết. Ngộ đạo có từ sự tỉnh giác thường biết, sáng soi liên tục trong
mọi sinh hoạt mọi lúc. Cho nên chúng ta phải thường xuyên nuôi dưỡng ý
chí, không dễ duôi, không xem thường, công phu miên mật như vậy mới mong
nhận lại hòn ngọc vô giá của chính mình.
Tóm lại, với
cách thức tu hành của chúng ta, nhất là tu thiền, cốt là để và nhận ra và
sống được với cái chân thật đó. Một Thiền sư đã nói “cái đó” ở trong thai
là thân, trong mắt là thấy, trong tai là nghe, trong mũi là ngửi, trong
lưỡi là đàm luận, thu lại chỉ trong hạt bụi, bày ra thì khắp hà sa. Người
hiểu cho đó là Phật tánh, người không hiểu nói là tinh hồn. Nghĩa là nhận
ra nó thì có diệu dụng đầy đủ nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý, nơi nơi chốn
chốn lúc nào nó cũng hiện tiền. Quan trọng là nơi mỗi chúng ta có khéo
nhận ra được hay không thôi.
Vậy qua buổi
nói chuyện hôm nay, mong rằng tất cả chúng ta đều nhận lại được “cái đó”,
và như thế mình sẽ được an ổn giàu sang mãi mãi, không còn mất ăn mất ngủ
nữa, ai nấy đều mạnh khỏe, an vui giữa cuộc đời đổi thay vô thường. |