VƯỜN THIỀN

H.T THÍCH NHẬT QUANG

HOAN HỶ TU TẬP

Hôm nay tết Nguyên đán, là ngày lễ truyền thống của dân tộc ta, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm đức Phật tương lai đại hỷ đại xả Di Lặc Tôn. Vì vậy chúng ta cùng ôn lại một vài nét đặc biệt của Ngài để qua đó ta có những bài học, những kinh nghiệm tu tiến.

Duyên lành lớn nhất của tất cả huynh đệ chúng ta là gặp được Tam Bảo. Chúng ta có thầy tổ, thiện hữu, có lý tưởng và nhất là có đường hướng tu tập. Nếu quyết tâm và đầy đủ ý chí nhất định chúng ta tu sẽ có kết quả, được hưởng pháp vị an lạc sâu xa của Phật pháp. Như chúng ta đã biết đức Phật Di Lặc tượng trưng cho niềm hoan hỷ to lớn, từ những niềm vui đó, Ngài đem lại lợi ích an vui cho chúng sanh. Vì vậy chúng ta học ở Ngài phương pháp tu hành buông xả, gắng gổ hành trì để tâm tư cởi mở như ý. Có thế mới không bị ngã gục trước mọi cảnh duyên.

Khó khăn lớn nhất của chúng ta là thường quên đại nguyện, thiếu ý chí, do đó cảnh duyên chung quanh dễ lôi kéo. Người có ý chí, vững tâm tu hành thì những trở ngại chính là duyên thù thắng cho việc thực hiện hoài bão tu tập của mình. Có người tuổi sáu bảy mươi hoặc có khi lên đến tám chín mươi, kinh nghiệm sống trải dày dặn vô cùng nhưng vẫn bị phiền não cuốn trôi. Đó là vì quên mình, quên đại nguyện nên bị phiền não dẫn dắt thôi.

Hôm nay điều trước nhất tôi muốn nói, là chúng ta làm thế nào để hoan hỷ tu tập? Có khi trọn ngày hoặc đôi ba ngày ta không nói gì, niềm vui tắt ngủm hàng tháng trường hay nhiều hơn thế nữa. Niềm vui đã không có thì bao nhiêu họa hoạn, bất như ý xảy đến khiến cho mình muộn phiền lại thêm muộn phiền. Vậy chúng ta phải làm sao để niềm vui đừng mất. Có một niềm vui không bị bất cứ một cảnh duyên nào khuất lấp. Phật dạy chúng ta phát triển niềm vui này bằng công phu tu hành, bằng sự quyết tâm, bằng cả sinh mạng của mình đối với pháp tu. Ta phải tự khắc tự hứa tu hành bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con. Nói như thế không có nghĩa chúng ta quá ôm đồm hay nói quá cao, mà nói như thế để ta cố gắng vươn lên, thực hiện cho bằng được hoài bảo lớn nhất trong đời tu của mình. Đó là giác ngộ giải thoát.

Muốn thực hiện được điều ấy, trước nhất chúng ta phải có niềm vui, phải hoan hỷ. Từ niềm vui, từ sự hoan hỷ đó chúng ta mới có thể tha thứ và buông bỏ tất cả. Chưa có niềm vui, chưa hoan hỷ thì ta khó mở rộng lòng mình, nói gì tới buông bỏ. Phải hiểu mọi vui buồn thương ghét không có gì quan trọng cả, chỉ có giác ngộ giải thoát mới là chỗ nhắm đến duy nhất mà thôi. Đó là điều chúng ta luôn luôn ghi nhớ thì mới có thể giữ vững đại nguyện. Có hoan hỷ, có niềm vui rồi thì chúng ta mới nói đến vô ngã vị tha. Đây chính là niềm vui thật sự. Thấy rõ như thế, chứng thực như thế mới có được nét hoan hỷ như đức Phật Di Lặc.

Hình ảnh nổi bật nhất nơi Ngài chính là nụ cười đại hoan hỷ. Một nụ cười bao la thương yêu tất cả chúng sinh, không còn vướng mắc bất cứ điều gì. Chúng ta học hạnh Ngài, thì phải buông xả cho được đại hoan hỷ như Ngài. Huynh đệ nào còn có nét quạo quọ là chưa thực tập công phu tu tập của mình. Công phu ấy không phải là cái gì trên trời trên mây, mà từ những việc bình thường, huynh đệ gặp gỡ nhau, lúc ăn mặc ngủ nghỉ tiếp xúc làm việc… tất cả các hành xử, chúng ta không tính toán hơn thua được mất, tâm thư thái tỉnh giác, sẵn sàng tha thứ cho người, nhắc nhở mình luôn luôn quay lại xét nét chính ta.

Đã là người tu thì tối kỵ là tâm ganh ghét. Bởi có tâm ganh ghét thì không thể nào tha thứ buông xả cho ai. Không buông xả được thì làm sao sống an vui hoan hỷ đây? Phật bảo chúng sanh sống với tâm chân thật độ lượng, đừng sống với thức tình vọng tưởng. Thân này đã không thật, cái mình cho là tâm suy nghĩ hiểu biết cũng không thật, nó là bóng dáng của thức tình vọng tưởng. Thế thì có gì để chúng ta ganh ghét đố kỵ nhau. Nếu sống với tâm thật, chúng ta không có buồn giận thương ghét, sợ sệt ham thích. Thường ngày chúng ta sống với tâm vọng tưởng cho nên chợt vầy chợt khác, chợt vui chợt buồn. Cái đó không phải tâm ta. Đã không phải tâm mình thì chớ tin, chớ nghe theo nó, nếu tin tưởng nó nhất định nó sẽ dẫn ta đi tới chỗ không tốt. Các vị A-la-hán sau khi chứng quả vô sanh rồi thường nói: “Khi chưa chứng Thánh, các ông chớ tin tâm mình”. Bởi vì tin tâm vọng tưởng giống như nuôi giữ rắn độc trong nhà hay nói cách khác như nuôi ong tay áo nuôi khỉ dòm nhà, nguy hại đến lúc nào không biết. Bao giờ thật sự yên, thực sự hoan hỷ chúng ta mới tin tâm chân thật ấy chính là mình.

Có buông bỏ tâm ganh ghét chúng ta mới hành được vô ngã vị tha. Tâm này không bỏ thì tâm chân thật không thể nào hiện bày. Thành ra muốn chuyển hóa, thì phải tống khứ các thứ cù cặn ra hết, thay vào đó những thứ tốt. Chúng ta nhớ chiếc y ca sa mình đắp mang hình thức những đám ruộng. Ruộng ở đây là ruộng phước điền, ruộng công đức, ruộng tu hành, ruộng định tuệ giải thoát, chứ không phải ruộng cỏ gai, ruộng hôi xấu phiền não. Cho nên tu tập là sửa đổi, ngày xưa mình tham sân tật đố, chứa nhóm bao nhiêu thứ phiền não, thì bây giờ thay vào đó là từ bi hỷ xả. Ngày xưa ta lêu lỏng ham chơi thì bây giờ chuyển đổi thành tụng kinh ngồi thiền, thay một giờ si mê bằng một giờ thánh thiện giải thoát. Thay dần dần như thế miếng ruộng của mình trở thành tốt đẹp, những thứ cỏ gai xấu xa bị nhổ bỏ hết, bấy giờ ruộng công đức ra hoa kết quả, tốt tươi xinh đẹp biết bao.

Điều thứ hai là chúng ta phải trị được những thứ loạn động của mình. Tâm còn loạn động giống như nuôi khỉ trong nhà, nuôi ong tay áo. Bình thường thấy như thảnh thơi an nhiên lắm nhưng có duyên gì không tốt thì ta rối loạn lên, mất hết tự chủ. Phật dạy đối với tất cả những sự kiện đó không xem quan trọng, mà phải phát huy định lực để dẹp tan tâm rối loạn. Lấy giới học để trị các tâm xấu, lấy định học để khẳng định ông chủ của mình, lấy tuệ học để soi thấu tất cả muôn pháp, không còn lầm lẫn thật giả nữa. Ai phát huy được ba học này thì đến được bờ giải thoát, gọi là thành tựu tam vô lậu học.

Công phu tu hành được như thế nhất định ta có niềm vui, có cuộc sống vô ngã vị tha. Trong tất cả mọi sinh hoạt, thấy nghe rõ ràng nhận định thấu đáo, không bị các duyên trói buộc ngăn ngại. Người tu hành mà thấy nghe không chuẩn, nhận định không đúng thì hỏng đi đạo hạnh của mình, cho nên người tu phải rất dè dặt chỗ này. Thà là không nói, còn nói thì phải phát xuất từ sự tỉnh táo sáng suốt mới không tạo nghiệp. Tu hành cần phải như vậy.

Điểm thứ ba là biết vận dụng trí tuệ quán chiếu, thấy được thực chất của các pháp. Nếu chúng ta thiếu sự quán chiếu thì việc tu sẽ không đi tới đâu hoặc dễ rơi vào tà kiến. Chúng ta vận dụng được trí quán rồi sẽ thấy bình an vô cùng, niềm bình an đó không thể nào diễn tả hết được. Khi có được sự quán chiếu, đầy đủ tỉnh lực ta thấy rõ ràng mọi sự kiện chung quanh một cách như thật, không còn lầm lẫn nữa, nên ta không có phiền não, không bị khổ đau.

Có một vị thầy nổi tiếng từ bi hiền lành, cả vùng ai cũng quý kính. Trong làng, có anh Phật tử đó mến mộ, bỏ nhà đến chùa phát nguyện đời đời kết duyên với thầy, xin được thừa sự, gần gũi tu học theo thầy. Được một hai năm, anh bắt gặp thầy nổi quạo. Lần đầu chỉ quạo trên nét mặt, lần sau thấy thầy bực bội la lớn tiếng. Thế là vị thầy từ bi không còn trong lòng anh nữa, anh chẳng muốn làm gì dưới sự sắp xếp của thầy. Nói thẳng với thầy thì không dám, nên anh hay cự nự với mấy huynh đệ, nhất là vị phân công cho anh mỗi ngày quét sân. Anh tự nghĩ, mình vô đây để tu chứ đâu phải để quét sân, lại còn gặp phải ông thầy chẳng ra gì nên phiền não lắm. Lần lần những thứ cù cặn bên trong phát tiết ra ngoài, nó mọc nhánh mọc sừng, ra gai ra rễ cuối cùng chịu hết nổi, anh ta cuốn gói đi. Đi đâu cũng không có chỗ hoàn bị, nơi thiếu cái này, nơi thiếu cái kia… đủ chuyện trên đời. Anh chợt nhớ tới thầy và tự nghĩ dầu sao ông cũng là thầy mình, thôi quay về sám hối với thầy.

Vị thầy thấy anh quay về, hỏi:

- Hồi đó ông đi âm thầm không nói với tôi một tiếng, sao bây giờ lại quay về ?

Anh thưa:

- Bạch thầy bây giờ con hiểu ra rồi, con xin sám hối thầy, thầy hoan hỷ tha thứ cho con.

Ông thầy bình thản gật đầu, gương mặt hoan hỷ như không có chuyện gì. Chừng đó anh mới thấy thầy mình quả thật đáng quý, đã hành hạnh của Bồ-tát Di Lặc, nên mới có thể tha thứ dễ dàng cho một người đệ tử đã có lỗi như anh. Từ thầy, anh học được hạnh vô ngã vị tha. Thế là nhờ tâm hoan hỷ độ lượng của thầy, anh đã được chuyển hóa, bỏ đi thói cao ngạo của mình, dốc lòng tu học rất tinh tấn.

Cho nên công phu tu hành ở giai đoạn thứ ba này là luôn hoan hỷ vận dụng trí tuệ quán chiếu để có được cái thấy thật sâu sắc. Nếu chúng ta đã thành Phật, Bồ-tát thì khỏi nói tu hành. Vì còn hụt hẫng chưa hoàn bị nên ta còn học còn tu, còn quán chiếu. Nhờ có phiền não khi vầy khi khác, nên ta mới thức tỉnh, biết soi lại mình nhận ra cái gì thật cái gì giả, vì vậy phiền não đối với người tu là cơ hội để tiến đạo.

Sử dụng quán chiếu tức là dùng trí dụng để tu. Từ tánh giác sáng suốt trùm khắp phát sinh trí dụng hay chiếu soi các đối tượng chung quanh đời sống chúng ta. Đối với chúng ta, thần thông là sử dụng được trí tuệ của mình, phát huy được trí dụng phá tan vô minh, chứ không phải bay lên trời lên mây để trốn nghiệp, trốn phiền não. Cho nên nói tu thiền cần phải quán chiếu để thấy rõ. Chữ quán là quán xét, chữ chiếu là soi rọi, quán chiếu là quán xét soi rọi cho tới nơi tới chốn thật tánh của các pháp..

Giai đoạn thứ tư là vượt đối đãi, không nghĩ thiện không nghĩ ác, tự tại vô ngại, tức là giải thoát vậy. Ở đây nói giải thoát nghĩa là không vin theo, không dính mắc. Ví dụ ngửi thấy mùi của thức ăn, biết đó là mùi vị ngang chừng đó thôi, đừng nghĩ món đó làm cho ai ăn, mình có không. Nếu khởi nghĩ như thế, mà mình không có phần thì sẽ phiền não ngay. Do không nghĩ, không vọng tưởng trên mùi vị, nên không có phiền não, không tạo nghiệp. Ngửi mùi thơm biết rõ mùi thơm, vậy thôi, đó là sống với tánh giác rồi.

Tánh giác của chúng ta không bị hạn cuộc nơi các trần, cũng không thể dùng suy nghĩ phân biệt mà chia chẻ được. Tánh giác là sự sáng suốt trùm khắp mà không dính vào đâu hết. Người sống được với cái tánh giác không mắc kẹt nên không cần tháo gỡ gì cả. Chúng ta vì tập nhiễm vô minh phiền não lâu đời nên bây giờ tháo gỡ là tháo gỡ tập nhiễm, chứ không đụng gì đến tánh giác. Bao giờ tập nhiễm hết, tự nhiên tánh giác hiện bày tròn đầy. Nói tu hành là giai đoạn chưa xong việc, chứ đã xong việc thì vượt ngoài hai bên, không có pháp để tu và cũng không có người hay tu.

Nói thế để chúng ta thấy tất cả sự kiện chung quanh không có gì thật hết, không thật mà mê thì đi trong luân hồi sanh tử không có ngày cùng. Cho nên biết phước nghiệp không thật, không có tướng mà có sức mạnh vô kể. Chỉ có trí tuệ mới có thể đối trị được chúng. Vì vậy muốn đến được chỗ rốt ráo viên mãn, chúng ta phải tạm mượn phương tiện tu hành. Một lúc nào đó ngồi thiền, ta chợt nhớ ra “À!” một tiếng rồi cười vang, thế là tất cả được mở tung, mới biết mọi việc xưa nay ta cố công theo đuổi chỉ là chùm sương khói mà thôi.

Sự vật vô thường, con người luôn thay đổi, nếu không tìm lại được chính mình thì ngàn đời muôn kiếp chúng ta trôi dạt trong sanh tử khổ đau. Dù khoa học có lên đến tận mây xanh, con người văn minh tiến bộ đến thay trời làm mưa làm gió, nhưng rồi tất cả cũng không thoát khỏi định luật thành trụ hoại không hay sinh lão bệnh tử. Như vậy cội gốc đau khổ của con người vẫn còn. Chỉ cái không sanh diệt là an vui vĩnh cửu, vậy tại sao chúng ta có sẵn mà không chịu nhìn nhận, lại nỡ lòng xua đi, để phải chịu bao nhiêu kiếp tăm tối.

Thành ra giai đoạn thứ tư là vượt khỏi sự đối đãi sanh diệt của thế gian, sống vô ngã vị tha trong tánh giác sẵn có của mình. Chừng ấy tâm ta luôn hoan hỷ vì không còn phiền não, có thể nói hoàn toàn thanh tịnh. Cho nên trên đường tu, chúng ta dè dặt cẩn thận đối với tất cả cảnh duyên, tất cả pháp tu đừng nắm giữ gì cả. Còn nắm là còn khổ, không thể giải thoát được. Phật dạy không phải chỉ tu những pháp tà mới gọi là ngoại đạo, người tu chánh đạo mà cố chấp vẫn gọi là ngoại đạo như thường. Bởi vì pháp của Phật chỉ là phương tiện đưa chúng ta đến bờ chân thật, không phải cứu kính. Trong những bản kinh lớn như kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm, kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật đều dạy, ai chưa buông được thì đó là tà ma ngoại đạo, chứ không phải đệ tử Như Lai.

Trong kinh Pháp Hoa đối với những vị đại đệ tử đã chứng quả vô sanh, Phật thường nói đây chỉ là hóa thành, không phải Bảo Sở, các ông cần phải tiến lên, không nên an lòng cho mình đã đủ. Khi Phật nói điều đó 500 Tỳ-kheo tăng thượng mạn, đứng dậy bỏ đi, đức Phật im lặng không nói một lời, vì biết niềm tin của những vị này chưa đủ, nên có giữ lại cũng không lợi ích gì.

Kiểm lại việc tu hành của chúng ta ngày nay xem có rơi vào trường hợp đó không? Thường ta hay tự tôn hoặc tự ti, nghĩa là cho mình đã tuyệt vời hơn hết hoặc luôn nghĩ mình không thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Cả hai trường hợp này đều là bệnh, làm chướng ngại việc tiến đạo của chúng ta. Hóa thành dù có an vui vẫn là không thật, không nên dừng lại ở đó, phải khắc tỉnh tiến lên. Trong nhà thiền có câu “Đầu sào trăm trượng cần tiến bước”, nghĩa là tới chỗ cao vời ấy cần phải vọt lên nữa mới được.

Cuối cùng tôi muốn nhắc nhở tinh thần gắng gổ phấn chấn cho tất cả huynh đệ chúng ta. Không nên có thái độ mù mờ ù lì một chỗ mà phải phấn chấn lên. Hòa thượng thường dạy huynh đệ chúng ta đang leo lên núi, chưa tới nơi thì không có quyền đứng lại, đứng lại rất nguy hiểm. Mệt thì ngừng một tí, rồi tiếp tục bước lên, chừng nào tới đỉnh tha hồ ngồi hóng mát bốn phương trời, thấy khắp mười phương mới biết ta đã toàn tánh mạng. Còn bây giờ trong lúc đang tu, không để cho một niệm tạp xen vào làm trở ngại bước tiến của mình. Hoặc như hình ảnh đường xa gánh nặng, trời trưa nắng gắt. Muốn mau đến nơi, chỉ có việc thảy hết đồ đạc trong gánh ra, dù ngọc ngà trân bảo cũng không thể bảo toàn tánh mạng khi sức đã kiệt. Người khôn sáng muốn đi tới nơi phải biết rõ điều này.

Chúng ta còn gánh nhiều thứ lắm, nào là sư phụ của tôi, sư anh, sư chị, sư em… đủ thứ lý do để ta biện luận rằng đây là những người mình cần phải thương mến đùm bọc nhau tu hành. Thật ra ta đang gánh đó chứ, dù sắp ngã gục giữa đường vẫn không muốn bỏ, như vậy thì biết bao giờ tới nơi ! Cha mẹ, anh em, Thầy tổ, bạn hữu cũng không thể thay được sanh lão bệnh tử cho nhau đâu, đừng bận bịu chuyện ấy chi cho mất công. Mỗi người tự lo cho mình là đã thành tựu cho nhau. Cho nên hành giả tu thiền phải dũng mãnh như chúa tể sơn lâm, rống một tiếng là cây cỏ rạp sát, muôn thú vỡ hồn mất vía. Được thế mới mong đảm đang việc lớn.

Hôm nay kỷ niệm ngày Phật Di Lặc đản sanh, chúng ta học theo gương hạnh của Ngài, luôn từ bi hoan hỷ tha thứ tất cả. Tu Phật là phải thực hiện được tinh thần vô ngã vị tha. Bằng trí dụng của mình, chúng ta thường xuyên chiếu soi lại chính mình để phá tan mọi mê lầm tăm tối, nhận lại trọn vẹn mặt mắt thật xưa nay của ta. Thực hiện trọn vẹn như vậy là thể hiện niềm vui vô ngã vị tha, và đỉnh cao của công phu chính là sự giác ngộ giải thoát.

Chúc toàn thể đại chúng hưởng được một mùa Xuân Di Lặc bằng chính tâm hoan hỷ tràn đầy của chính mình.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM