VƯỜN THIỀN

H.T THÍCH NHẬT QUANG

TỰ PHẤN ĐẤU ĐỂ HƯỞNG ĐƯỢC MÙA XUÂN MIÊN VIỄN

Hôm nay là rằm tháng giêng, còn trong những ngày đầu xuân, chúng tôi muốn nói đến tinh thần phấn đấu để hưởng được một mùa xuân miên viễn nơi mỗi chúng ta. Trong đạo, xuân không phải chỉ có hoa mai, hoa đào, mà xuân là niềm vui tươi hạnh phúc trong nội tâm chúng ta. Cho nên hưởng xuân là hưởng được sự an lạc miên viễn nơi chính mình.

Đó là vấn đề đòi hỏi ở sự quyết tâm của mỗi người. Bởi vì nếu không có quyết tâm thì nhất định việc làm nào cũng không có kết quả như nguyện. Trước khi quyết tâm chúng ta phải có một cái nhìn thật chín chắn, thật thấu suốt, để sự quyết tâm đó dẫn tới kết quả tốt. Một khi quyết tâm rồi dứt khoát không có con đường thứ hai để ta lựa chọn. Nói đến quyết tâm là nói đến một năng lực rất lớn lao, chứ không phải là chuyện đơn thuần. Bởi trong lòng ta còn một chút xê lệch, thì không gọi là quyết tâm. Nếu thế việc làm của mình khó đạt được kết quả mong muốn.

Đối với đời người, tuổi tác và thời gian là sự chi phối lớn lao nhất. Không ai có thể bắt thời gian dừng lại được, kể cả Phật, Bồ-tát, chư hiền thánh từ ngàn xưa. Thế thì nhất định chúng ta bị chi phối, loay hoay trong vòng đổi thay đó. Nhìn thấy như vậy để chúng ta kịp chuẩn bị cho mình, không để thời gian kéo dài lê thê, ngược xuôi bởi những sự việc chung quanh. Trước mắt ta chuyên tâm chú mục vào việc chính là làm chủ được, dừng được những vọng niệm quay cuồng trong lòng mình. Để khi già bệnh kéo đến, ta không ngán sợ.

Sự thật trong chúng ta hiện nay, một số lớn còn sợ già, sợ bệnh, sợ chết. Do chưa làm chủ được nên việc sanh tử luôn là nỗi khổ lớn của con người. Ai cũng muốn có kiến thức, muốn làm lợi ích cho mình cho người, chứ có ai muốn buông xuôi cuộc đời như dòng thác đổ. Bởi vậy cả đời mỗi người tự theo đuổi ý thích của mình, nhưng rồi cuối cùng cũng ra đi với hai bàn tay trắng và một cái nghiệp không trốn vào đâu được. Đó là lý do khiến chúng ta nghĩ đến chuyện giải thoát sanh tử, làm sao để thoát khỏi vòng khổ đau lẩn quẩn ấy đây?

Chúng ta quyết tâm tu cũng nhằm mục đích ấy. Cho nên mình bỏ hết tất cả những thứ gì bên ngoài tìm đến với đạo, thì phải chuyên tâm vào chánh lý của Phật, sống nếp hài hòa bình an trong đạo. Hành trì công phu với tâm dũng mãnh và hoan hỷ như vậy mới mong đạt được chút an vui. Nếu khởi tâm khác thì nguyện ban đầu bị thoái chuyển, việc tu tập khó có thể đến nơi đến chốn. Chư Tổ thường quở trách người không có quyết tâm tu là thả trôi đời mình một cách vô ích.

Chúng ta không nỡ để cho đời mình trôi suông vô ích, thì phải nỗ lực. Một con người với nghi dung tốt đẹp mà thả trôi đời mình xuôi theo dòng nước như chiếc lá úa, bèo dạt thì thật là nhẫn tâm. Ta đâu nỡ như vậy, cho nên phải quyết tâm tu tiến để không tự cô phụ, không tự vùi lấp chính mình. Có khi nào huynh đệ thấy sự tu hành của mình đình đốn không tiến được, trong lòng chưa hóa giải được những nỗi bức xúc khó khăn, thì lòng mình nghe u buồn khó tả. Đó là trạng thái thoái tâm Bồ-đề, nếu không gặp duyên tốt trợ giúp ta phấn chấn lên, thì rất dễ tuột dốc luôn. Ngay lúc ấy nếu ta kịp thời tỉnh giác thì những phiền muộn ấy sẽ được hóa giải hết.

Mùa xuân đối với tất cả mọi người, nhất là tuổi trẻ có vô vàn vui thú, nhưng nếu không tỉnh giác ta sẽ bị động, bị hụt hẫng, có khi bị bức xúc. Thế thì mùa xuân đâu còn vui tươi nữa. Mọi người chúc nhau mùa xuân hạnh phúc, mùa xuân vui tươi, mùa xuân như ý mà thật lòng chính bản thân mỗi người chưa từng hưởng được trọn vẹn những mùa xuân như thế. Rõ ràng những lời chúc đó không có giá trị thật. Cái hụt hẫng phát sinh từ đó.

Chúng ta đang sống giữa cõi đời này, không thể cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ với con người, với xã hội. Nhưng trong những sự liên hệ đó, làm sao giữ được mình mới là điều đáng nói. Nghĩa là nếu chúng ta không ổn định được tâm mình thì không hưởng được mùa xuân hạnh phúc. Thành ra chúng ta phải cư xử như thế nào để ổn định, để tiêu dung những bức xúc trong lòng. Những thứ đó vắng rồi thì tự nhiên mùa xuân an lạc hiển hiện thôi, ta khỏi cần chúc.

Ở đây tôi muốn nói mùa xuân thật sự với người tu là lòng bình yên. Bao giờ lòng bình yên, thì giờ nào phút nào cũng là xuân. Quý cô Viên Chiếu có viết lời nhạc thế này: “… Cho dù là trăm năm có khi nào mà không xuân”. Ta ngồi thiền tốt, lao động tốt, tu tập tốt, không bệnh tật gì, không quậy phá ai, nghĩa là mọi thứ đều ổn hết thì cho dù trăm năm có khi nào mà không xuân. Ngược lại là chúng ta tự đánh mất mùa xuân, đồng thời gây trở ngại cho huynh đệ của mình không hưởng được một mùa xuân trọn vẹn nữa.

Chúng ta phải có con mắt trí tuệ quán chiếu ngũ uẩn và tất cả cảnh giới ta đang sống đều là không thật, chỉ do duyên hợp tạm có vậy thôi. Nó còn mất không có gì quan trọng, ta luôn có một mùa xuân miên viễn không bao giờ đổi thay bên mình. Nhờ trí tuệ ấy chúng ta tiếp duyên xúc cảnh không bị vướng mắc, nên không bị khổ lụy buộc ràng. Cho nên tuệ giác như thật là mục đích lớn nhất mà người tu chúng ta phải đạt được. Trí tuệ này không dành riêng cho ai, mọi người đều sẵn có. Chỉ khéo phát huy được thì diệu dụng như hằng sa, không khéo phát huy thì luống chịu kiếp u tối vậy thôi. Không luận người già kẻ trẻ, học nhiều học ít, miễn hành sâu trí tuệ Bát-nhã, thấy được thực chất mọi vấn đề thì tâm yên ngay. Nói tới đây tôi nhớ lại câu chuyện này:

Có đoàn hát nọ chuyên môn trình diễn những màn ma quái, cho nên quần áo mặt mày của họ cũng ma quái. Sau khi trình diễn ở một vùng đó thu được nhiều kết quả, họ lại dọn đi nơi khác. Trên đường phải qua một khoảng rừng có nhiều ma quái, các bô lão khuyên đoàn đừng đi. Họ không tin nên không thay đổi quyết định. Đi tới khuya mệt mỏi, ở trong rừng lạnh lẽo, họ dậy đốt lửa rồi cùng nhắc nhau đây là khu rừng ma quái, ai yếu bóng vía coi chừng bị ma ốp. Anh này dặn anh kia, mọi người cố gắng bảo vệ cho đoàn đi đến nơi đến chốn. Một trong những diễn viên đó lạnh quá mới mở thùng, lấy áo quần biểu diễn mặc vào cho ấm. Bấy giờ có người chợt mở mắt ra, thấy ma quái hiện hình anh la hoảng, mọi người mở mắt cũng đều thấy thế nên tất cả tốc chạy. Càng chạy, bóng ma quái kia càng đuổi theo, bởi chính anh chàng mặc đồ ma quái kia cũng sợ hết hồn hết vía. Chạy thục mạng cho tới trời sáng, bấy giờ bộ đồ ma quái rách bươn hết, lòi ra ông bạn đáng yêu của đoàn, mọi người mới vỡ lẽ.

Câu chuyện ấy có vẻ tiếu lâm nhưng nó cho chúng ta một kinh nghiệm rất thích đáng trong đời tu hành của mình. Quả thực ma với Phật không có biên cương. Chánh tà cũng thế, không có biên cương, chỉ cần lệch một chút là tà ma ngoại đạo xen vô, dừng lại nhìn cho thật kỹ thật thấu đáo thì Phật hiện nguyên hình. Như vậy ngay trong chúng ta có ma có Phật, có xấu có tốt, có thiện có ác, chỉ tùy nơi mình dứt khoát khước từ thì nó lui, còn tưởng tượng viển vông thì chúng sẽ làm khổ ta suốt đời.

Trở lại vấn đề tu hành, chúng ta phải nhìn thấu suốt, chúng ta phải có chánh lý và luôn luôn làm chủ. Có chủ động mới không bị động, không bị ma phiền não ma ngũ dục nhát. Thành ra điều không thể thiếu của người Phật tử là tỉnh táo sáng suốt. Nếu không như thế, vừa hở ra chuyện gì là giật mình, hốt hoảng, la sảng lên khiến cho mọi người cũng bất an bất ổn theo mình. Ma quái ở trong lòng mình, chứ có thật đâu. Tất cả đều do ta tưởng tượng vẽ vời nên. Nếu có con mắt trí tuệ chúng ta sẽ không bao giờ nhìn lầm lẫn như vậy, do đó không bị ma mị nào nhát cả.

Điều kiện tiên quyết của người tu thiền là phải sống được với tánh giác của mình. Tánh giác là gì? Hằng ngày trong cuộc sống, chúng ta mở mắt nhìn thấy muôn vật, không có gì ngoài tánh giác cả. Đi chợ, nấu cơm, tụng kinh ngồi thiền, trăm công ngàn việc, không lúc nào rời tánh giác hết. Như vậy tánh giác ở đâu? Nói ở đâu đã là sai rồi, vì tuy tánh giác không thiếu vắng bao giờ, nhưng nó không có hình tướng chỗ nơi, không thể dùng mắt thấy tai nghe, chỉ trực nhận trực biết thôi. Tuy không chỉ ra được nhưng nó trùm khắp. Như khi ta nhức đầu, đau bụng hoặc đụng đến bất cứ nơi nào trên thân ta cũng biết. Đó là biểu hiện của tánh giác.

Nếu chúng ta bình yên, không hốt hoảng đối với tất cả các sự kiện, thì tánh giác được phát huy. Không hốt hoảng là thế này, như bất thần có người chửi mình, nếu ta hốt hoảng chửi lại thì tánh giác không bao giờ hiện ra, bởi vì lúc đó phiền não vây kín, tánh giác làm sao hiện bày được. Chỉ khi nào chúng ta bình tĩnh, thấy không có gì quan trọng, không thành vấn đề, mình có cái gì quý giá vô vàn, không ai động tới được, như vậy có gì phải tức phải giận. Hiểu như vậy, là quay về sống với tánh giác của mình. Một khi sống được với tánh giác rồi thì ta giàu có sang trọng, không thiếu thứ gì nữa, không phải ngược xuôi làm kẻ cùng tử nữa.

Phật bảo người sống được với tánh giác thì hết luân hồi sinh tử. Dù hàng xuất gia hay tại gia, dù ở nơi thiền môn thanh vắng hay sống giữa phố thị phồn hoa, nếu nhận ra và sống được với tánh giác thì người ấy chấm dứt luân hồi sinh tử. Điều này không phải không làm được, bởi như tôi đã nói, tánh giác trùm khắp, không thiếu vắng bao giờ. Nếu người khéo nhận, ngay nơi các vận động thi vi hay sự tiếp xúc giữa căn trần, thì sẽ phát hiện ra tánh giác ấy. Ví dụ chúng ta thấy màu xanh màu đỏ ngoài kia rồi lao theo nó, thì bị các màu đó kéo đi, ta không chủ động được mình, nên không thấy sự hiện diện của chính mình. Càng lao ra bên ngoài, càng biết nhiều bên ngoài thì càng mất chủ động, càng xa tánh giác. Chỉ khi thấy màu xanh màu đỏ, ta biết rõ mình đang thấy như thế, không để tâm trên các màu sắc, lúc đó ta sẽ trực nhận sự hiện hữu thường xuyên của mình qua tánh thấy. Giản dị như vậy thôi.

Thêm một ví dụ nữa, như trong ngôi nhà có sáu cửa, cửa lớn cửa nhỏ, cửa trước cửa sau v.v… Giữa nhà có một bóng đèn đang thắp sáng, từ sáu cửa ánh sáng phát ra bên ngoài. Nếu chúng ta lao theo các vật bên ngoài, thì quên đi ánh sáng phát ra từ bóng đèn. Trong kinh Lăng Nghiêm gọi ánh sáng này là Viên Trạm Thường Tính. Sáu cửa dụ cho sáu căn, ánh sáng bóng đèn dụ cho trí tuệ chân thật phát ra từ tánh giác. Nếu chúng ta để sáu căn rong ruổi theo trần cảnh, nhất định sẽ quên đi tánh giác, vì vậy không sử dụng được trí tuệ chân thật của mình. Cho nên tu là phản quan tự kỷ, quay lại nhận ra Viên Trạm Thường Tính bất sinh bất diệt của mình. Có thế mới không ngược xuôi chạy theo vọng tưởng, lầm mê vướng mắc tất cả cảnh duyên.

Trong đạo thường so sánh hình ảnh con chó và sư tử. Bầy chó một khi được liệng cho cục xương, nó nhào ra giành cục xương, có khi phải cắn lộn đến đổ máu. Còn sư tử thì khác, ai liệng xương, nó đớp ngay người liệng chứ không giành cục xương. Người tu, nhất là tu thiền phải như con sư tử. Chỉ tập trung vào một việc lớn, ngoài ra tất cả đều không có gì quan trọng, gác qua một bên hết để không phí sức, không tổn hao tâm lực. Bao giờ nhận và sống được với tánh thật của mình thì mới tự do tự tại, không bị câu thúc bởi bất cứ thứ gì khác. Đó là tinh thần phải có của hành giả tu thiền.

Song ngày nay, người tu thường thì một nắng mười mưa, cho nên kết quả khiêm nhường lắm. Thực hành công phu không liên tục là một trở lực lớn lao nhất cho việc thành đạo. Dù chúng ta có hiểu biết, có thông minh đến đâu mà công phu bị gián đoạn thì cũng chẳng ra làm sao. Ví dụ một ngày mười hai tiếng đồng hồ, từ sáu giờ sáng tới sáu giờ chiều, chúng ta kiểm lại xem bao nhiêu lần mình sân giận, buồn bực, bao nhiêu lần mình sống mà như chết. Cho nên tu là tự kiểm lại mình để thấy những khiếm khuyết, những tổn thất mình đã gây ra làm não loạn chính mình. Nếu trong mười hai giờ, chúng ta mất đi năm giờ, tức là năm giờ ngược xuôi trôi lăn trong sanh tử. Bây giờ phải phấn đấu sửa lại cho số giờ ấy giảm xuống. Giảm tới khi nào ta không mất tự chủ trong tất cả thời, tất cả chỗ là xong việc. Ngày xưa ngài Triệu Châu trong suốt mười hai giờ, chỉ trừ hai thời cơm cháo, ngoài ra không có tạp niệm, tức Ngài tỉnh giác liên tục, sống với tánh giác liên tục. Tu như thế mới làm Tổ được chứ.

Chúng ta tu tập là phải can đảm, anh dũng nhận ra những sai trái của mình, để khắc phục vượt qua, vươn lên. Có thế mới mong xé toạc lớp bản ngã phủ che tánh giác ngời sáng bên trong. Trên đời này, không ai tốt trọn vẹn, chỉ biết nhận và sửa đổi lỗi lầm là đáng quý. Đừng thấy mình không trọn vẹn rồi buông xuôi, lỡ xấu cho xấu luôn. Như vậy là tự dìm mình xuống bùn sâu, không có ngày cất đầu lên được, làm sao nhận lại tánh giác đây? Nếu không nói làm chủ được hoàn toàn, cũng có những phút giây mình làm chủ chứ. Niệm ban đầu mất mình thôi bỏ qua, ta làm chủ niệm thứ hai, thứ ba vẫn được kia mà. Tại sao mất mình một phút mà lại kéo dài thành cả đời. Như vậy có phải quá đáng không?

Ví dụ bất thần nghe ai chửi, ta muốn nổi tức lên, nhưng liền sau đó mình dừng lại. À! Mình tu rồi, chỉ nhận ông Phật thôi, nhận lời chửi kia làm gì. Đó là niệm thứ hai tỉnh giác, đã tỉnh giác rồi thì đâu còn sân giận nữa. Cho nên chỉ mất mình một chút thôi, niệm thứ hai thứ ba là sự tỉnh giác, đó là Phật Bồ-tát hiện tiền. Tiến trình tu tập trải qua như vậy, không thể mới vào mà giác ngộ hoàn toàn được, phải phần giác trước tức giác ngộ từng phần, rồi sau mới giác ngộ hoàn toàn.

Tinh thần giải thoát trong nhà Phật là thế nào? Chữ “giải” là cởi ra mở ra, buông ra hết. Chữ “thoát” là trót lọt, không còn dính mắc một chút gì cả. Giải thoát tức là cởi bỏ tất cả, không còn dính mắc bất cứ thứ gì nữa. Chúng ta sống trong cuộc đời này, nếu không có tinh thần giải thoát thì vướng mắc nhiều lắm. Từ việc nhỏ cho tới việc lớn, đâu đâu cũng có thể trói chặt mình. Cho nên không giải thoát được, chúng ta sẽ đau khổ dài dài.

Nói đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện cũ. Có một đại sư tu hành rất chân chính, được đông đảo Tăng Ni và Phật tử quy ngưỡng. Trong số đệ tử thân cận với Ngài, có hai vị nổi bật. Một vị giỏi về giao tế và thuyết giảng, có uy tín với Phật tử bên ngoài. Một vị giỏi về giới luật trang nghiêm, có uy tín với tăng chúng trong chùa. Khi đại sư già, lâm trọng bệnh sắp tịch, vấn đề kế thừa được đặt ra. Trong lòng vị đệ tử giỏi về giao thiệp thuyết giảng muốn chùa phải là cơ sở hoằng pháp lợi sinh, cho Phật tử có điểm nương tựa tu học. Điều này không sai. Nhưng trong lòng vị giỏi về giới đức thì muốn đạo tràng của thầy mình phải là nơi phát huy việc tu học cho chư tăng được trang nghiêm thanh tịnh. Việc này khiến đại sư khó xử. Cuối cùng để dung hòa, đại sư gọi cả hai vị vào và dạy:

- Một ngôi đại già lam, người chấp một bên không thể đảm đương nổi. Các con, một giỏi mặt ngoài, một giỏi mặt trong. Như vậy cả hai đều thiếu một mặt, chưa ai có thể thay ta gìn giữ ngôi già lam được. Cho nên chú chuyên về thuyết giảng giao thiệp cần phải nỗ lực công phu tu tập cho đạo lực thật vững. Chú giỏi về giới đức cũng cần phải phát huy chiều rộng thì công đức mới viên mãn. Được vậy, ta nhắm mắt không cần phải lo về chuyện này nữa.

Trở lại đời sống tu hành, chúng ta lúc nào cũng có những bất ổn. Nó xuất phát từ trong lòng mình chứ không phải ở đâu đem tới. Cho nên người biết điều hòa, sắp xếp luôn ở thế tỉnh giác, làm chủ được thì người đó giải thoát. Còn một vấn đề nhỏ nào, dù là vấn đề Phật pháp cũng làm não loạn tâm ta. Bên trong có mở được, chặt đứt, tháo tung những rối rắm thì bên ngoài mới hiện tướng giải thoát. Việc này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì trong công phu lắm mới được. Bởi từ nhiều đời tập khí huân tập quá sâu dày, không thể một sớm một chiều ta có thể gột rửa sạch hết.

Trong kinh A Hàm Phật đã dùng các từ tâm cấu, tâm trược, tâm kết, tâm si, tâm não… để diễn tả các thứ si mê tăm tối của chúng ta nhiều vô số. Vì vậy để đối trị những thứ ấy phải dùng đến tâm tuệ, tâm giải thoát, tâm chánh tri, tâm chánh kiến, tâm giác ngộ… Từ nơi mình ta tháo gỡ lấy, mới có thể giải thoát được. Tổ Qui Sơn nói: “Đường trước mờ mờ, chưa biết về đâu?”, nếu không giải thoát được, quả thực đường trước mờ mờ không biết về đâu, nghiệp thức mênh mang không giải quyết được. Cho nên nhiệm vụ khẩn thiết của chúng ta là phải giải thoát khỏi sanh tử.

Muốn thế, từng bước chúng ta tập buông bỏ. Đầu tiên là thân này, dù ta cố giữ dung dưỡng bao nhiêu, rồi nó cũng phụ bạc mình thôi. Tài sản, danh vị, quyền chức, mình có cất trong tủ khóa năm bảy lớp, nó cũng phụ bạc mình thôi. Ví dụ mình có chung trà gia bảo rất quý, của ông nội để lại cho bố, bố để lại cho mình nên ta có bổn phận phải gìn giữ nó, không được làm mất làm bể. Nhưng bất thần, một hôm thằng cháu nội của mình nó lấy được và liệng một cái “rổn”. Thế là chẳng lẽ ba bốn đời ông cố, ông nội, cha nó tiêu hết. Thằng nhỏ không biết, chung trà cũng không nói chi, tại sao ta phiền não? Chẳng qua tại mình cố chấp thôi, chứ chung trà nó có nói nó quý đâu. Cho nên nhìn đúng bản chất của các pháp thì ta sống thoải mái tự tại, còn cố chấp thì ta đau khổ trong mê lầm không có ngày cùng. Đó là ý nghĩa rõ ràng nhất của sự giải thoát và trói buộc.

Cho nên tu hành không luận xuất gia hay tại gia, người biết buông xả là giải thoát. Người chưa buông xả thì bị trói buộc. Còn chấp vào phước đức còn thêm rối rắm. Ví dụ các vị tu có nhiều phước được sanh lên trời, hưởng dục lạc ở thiên giới. Hưởng hết phước rớt xuống địa ngục chịu nhiều khổ sở. Bởi khi có phước lo hưởng, quên tu nên tạo nghiệp, vì vậy sau phải thọ quả báo. Nên đừng nghĩ rằng phước nhiều dễ tu, không có phước cũng không tu được, chỉ biết phước nghiệp không thật, không chấp vào đó, lo vun bồi trí tuệ mới gọi là người biết tu.

Thấy được chỗ chân thật rồi thì đóa hoa chân thường, mùa xuân miên viễn sẽ tự tròn đầy trong ta. Cuộc sống thay đổi bên ngoài, bốn mùa luân lưu không ảnh hưởng gì đến mùa xuân trong lòng chúng ta nữa. Thành ra chúng ta cố gắng làm sao thực hiện sự tỉnh giác là tự ổn định mình, không thể đổ thừa hoàn cảnh, thời gian, mà chính bản thân mình phải tự ổn định. Ổn định rồi công việc của ta mới an toàn, nguy hiểm nhất là tâm vô minh, nếu mình bất ổn thì không đương đầu nổi nó đâu. Vô minh là không sáng, nếu để vô minh làm chủ thì nhất định nó sẽ dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử, không cần phải nói dài dòng. Cho nên chạy theo vô minh thì ngàn đời muôn kiếp sống trong tăm tối, tạo nghiệp luân hồi sanh tử, không giải thoát được. Đó là điều người tu chúng ta cần phải biết.

Vì vậy muốn giải thoát, muốn an vui mãi mãi chúng ta phải có cái nhìn thấu suốt mới mong thấy chân trời tịnh thanh hài hòa tươi tắn. Rõ ràng huynh đệ nào có công phu, sắp đặt mọi việc đều ổn thì gương mặt không bao giờ buồn phiền. Còn kiểu ở trong nhà mà trời mưa dột, mặt mày ủ ê nhăn nhó thì trời có đang xuân cũng héo xàu nữa, nói gì đến vui tươi hạnh phúc.

Hôm nay nhân còn ngày xuân, chúng tôi muốn nói đến mùa xuân miên viễn ở nơi mỗi chúng ta. Làm sao lúc nào mình cũng tận hưởng mùa xuân, chứ không chỉ chúc suông thôi. Mùa xuân chân thật trong lòng đã mở ra, sẽ không còn nữa những khí tiết bất thường làm ta nổi mưa gió trái mùa, gieo sự bất an bất ổn cho mình và mọi người chung quanh. Đó chính là mùa xuân miên viễn chân thật trong lòng của chúng ta.

Mong rằng với tâm niệm tu hành sẵn có nơi mỗi chúng ta, huynh đệ cố gắng lúc nào cũng xoay trở lại mình, bên trong nội tâm vững vàng, bên ngoài không vướng mắc mọi cảnh duyên. Được vậy, nhất định chúng ta sẽ hưởng một mùa xuân bất diệt, hạnh phúc tràn đầy mà không phải lệ thuộc vào tiết trời và dòng đời vốn luôn đổi thay nữa.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM