TỰ TRAU DỒI
Hôm nay chúng
tôi sẽ nói về việc sửa đổi những khuyết điểm để tiến tu. Nếu chúng ta
không có cách gì, không tỉnh táo sáng suốt, không trau dồi đạo lực để tự
làm chủ, thì nói tu chỉ là nói cho vui thôi, chứ không giải quyết được vấn
đề gì.
Vấn đề cần
quan tâm của người tu chúng ta là làm sao diệt được tham dục? Diệt là một
cách nói, chứ ta đâu dùng gươm giáo gì để diệt. Ở đây, trước tiên ta phải
nhận ra mối nguy hại của tham dục, bởi có nhận thức chính chắn như vậy, ta
mới quyết tâm dẹp bỏ nó. Với người tu Phật, tỉnh giác là một yếu tố, một
sức mạnh đứng hàng đầu trong việc thực hành công phu.
Dục là gì? Là
những dấy niệm ham muốn. Con người có rất nhiều ham muốn, nhưng có thể
chung qui lại trong năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực,
tham thùy. Khi những ham muốn ấy khởi lên, ta không làm chủ, không dừng
được thì sẽ kéo theo bao nhiêu nghiệp. Tuy biết vậy, nhưng trị được những
niệm tham dục này cay đắng lắm. Nó không giống thứ gì mà dường như rất
trơn, rất mềm, nắm không được, bắt không được. Thế mà suốt ngày suốt đêm,
nó kéo lôi ta ngược xuôi rong ruổi tận đâu đâu, nhiều khi thân ở đây mà
mình ở đâu ta cũng không biết.
Phật dạy người
nhận thức chín chắn, thấy đúng lẽ thật các pháp gọi là kiến đế. Khi thấy
được lẽ thực rồi, tự nhiên những lăng xăng ngược xuôi dừng lại. Cho nên
chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, nghiên cứu, làm tất cả các Phật sự, tựu
trung nhắm đến việc kiện toàn trí giác của mình. Làm một việc gì ta biết
trước kết quả như thế như thế, mình sẽ yên lòng làm đến nơi đến chốn, làm
một cách sâu sắc. Ngược lại, làm việc gì mơ hồ, không thể đoán định được
kết quả, ta không có niềm tin để làm, cho nên không tận lực.
Người xưa nói
làm việc gì phải biết hậu quả của nó. Đó là một nhận định xuất phát từ
kinh nghiệm mà ra. Vì vậy người xưa luôn có thái độ dè dặt trong mọi việc
từ nhỏ đến lớn nên các Ngài ít bị thất bại. Còn chúng ta ngày nay không
biết gan dạ hay liều lĩnh, có những việc hết sức nguy hiểm nhưng cứ lao
tới, đùng một cái lổ đầu sứt trán, chừng đó la hoảng kêu cầu Bồ-tát Quan
Âm cứu con. Cứu sao kịp !
Chúng ta học
giáo lý Phật, học hiểu rồi thể nghiệm sâu sắc, kế đến tu tập sửa đổi cho
tới khi nào đạt được an lạc mới thôi. Ở đây tôi dùng từ quán tưởng, chiêm
nghiệm. Phải thực sự sống, thật sự nhận thức mọi sự việc một cách chín
chắn, như vậy tâm nguyện mới không lay chuyển. Đức Thế Tôn khi sắp vào
Niết-bàn, Ngài bảo các đệ tử, có gì còn nghi, chưa hiểu, chưa áp dụng
được, nên hỏi ngay. Đừng để khi Ngài nhập Niết-bàn rồi tự hối không kịp.
Đức Phật nhắc nhở mấy lần như vậy, nhưng quý thầy đều thưa: Chúng con đối
với giáo pháp của Như Lai niềm tin rất vững chắc, không còn lay chuyển
nữa. Đó là tinh thần tu học của đệ tử Phật.
Ngày nay chúng
ta cũng phải như vậy, học hiểu Phật pháp, có nhận định sâu sắc, chiêm
nghiệm quán chiếu và cuối cùng tu tập, hành trì liên tục trong niềm tin
vững chắc cho đến chừng nào bằng Phật mới thôi. Ai có ý chí, có quyết tâm,
có công phu tu tập như vậy nhất định vị đó ngay trong đời này được an lạc
giải thoát, chứ không đợi đến khi nào cả.
Trong khi tu,
chúng ta phải chuyên tâm thu thúc các giác quan của mình khi tiếp xúc với
cảnh duyên bên ngoài. Bởi việc làm chủ được chính mình là từ các giác
quan. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm, chư Phật dạy trầm luân sanh tử cũng
từ sáu căn, mà giải thoát Niết-bàn cũng từ sáu căn của chúng ta. Đây là
vấn đề thông thường mà rất cay đắng. Bởi con người quen rong ruổi theo
cảnh duyên bên ngoài, bây giờ muốn dừng lại phải có một lực mạnh hơn quán
tính cũ mới được. Vấn đề là ở chỗ đó. Muốn như vậy chúng ta phải thực hành
quán chiếu liên tục. Ham tu và biết tu chưa đủ, mà phải siêng năng tinh
tấn không ngừng, mới đủ sức mạnh thắng lướt nghiệp tập cũ. Thế gian có câu
“ngựa quen đường xưa” là vậy.
Khi các giác
quan tiếp xúc với các trần, ta phải thông minh mẫn tuệ tỉnh giác ngay niệm
ban đầu thì mới làm chủ được, đừng để ý thức nhảy vô phân biệt, thì tránh
không khỏi chạy theo các cảnh duyên. Trong bài sám hối của chúng ta có nói
đến điều này “Mũi quen ngửi mùi hương, tai thích nghe điệu nhạc”. Ta
thường có nhiều lý lẽ, để biện bạch cho mình, nào là con còn yếu đuối nên
mắt ưa xem huyễn cảnh, tai thích tiếng du dương, mũi ưa mùi thơm tho, lưỡi
dệt thêu lắm chuyện… Con vẫn biết chứ, nhưng xin cho con tu từ từ !
Thành thử
trong tinh thần tu học, làm sao ta tỉnh giác từng phút từng giây, không để
các giác quan vướng mắc các hiện tượng bên ngoài, được vậy ta mới đủ năng
lực để thắng lướt sức lôi kéo của ngoại cảnh và nhất là của các tập
nghiệp. Trong nhà thiền có từ “Tâm cảnh như như”, tức tâm mình và các
cảnh, mỗi thứ ở vị trí của nó, không dính líu nhau, không lôi kéo nhau,
thường lặng lẽ. Khi ấy, nhìn thì nhìn, thấy thì thấy, nghe thì nghe, nói
thì nói, mọi sinh hoạt bình thường an ổn. Mục đích chúng ta tu làm sao để
được tâm cảnh như như.
Để thực hành
sự tỉnh giác, chúng ta bắt đầu từ các niệm. Vừa có niệm nào khởi lên, ta
liền biết nó không thật, không theo, tự nhiên nó lặng ngay. Tuy nhiên, các
niệm cũng thông minh lắm, có khi mình tưởng nhận ra nó, hóa ra bị nó kéo
đi hồi nào không hay, sực tỉnh thì té ra đã theo vọng tưởng hết một đoạn
khá dài. Cho nên trong công phu, đòi hỏi chúng ta phải tế nhị, nhanh nhẹn
một chút.
Một điều thông
thường đối với người tu nữa là điều hòa được thân tâm mình và hoàn cảnh
chung quanh. Chư Tổ thường nói, người tại gia bị gia duyên ràng buộc như
gông cùm, nhà cửa vợ con danh vọng tiền tài đủ thứ chuyện, nếu trong một
ngày một đêm không tỉnh được phút nào thì suốt đời suốt kiếp phải lao đao
lận đận vì bấy nhiêu chuyện ấy thôi. Bởi vậy những vị đã sống trải, đã
kinh nghiệm đều nói đó là gông cùm. Đối với những gông cùm đó chúng ta
phải làm sao? Người sáng không bao giờ gây tạo thêm nữa. Bởi vậy khi đã
tu, vừa có một niệm dấy khởi, biết nó là vọng bỏ đi. Đó là cách cắt đứt
sáng suốt nhất.
Người mới tập
tu rất cần gần gũi các bậc thiện hữu tri thức. Thế gian thường nói “gần
mực thì đen gần đèn thì sáng”, câu này bình dị nhưng rất hữu lý. Chúng ta
gần gũi thiện hữu tri thức để làm gì? Để nghe học những điều tốt, noi
gương đức hạnh của các Ngài. Vì mình chưa phải là thánh hiền, cần có sự hỗ
trợ của bạn hữu tốt. Nếu chúng ta thiếu tỉnh táo hoặc thường gặp nghịch
duyên, thì thiện hữu tri thức là chiếc phao cứu mình qua những khúc quanh
hiểm nguy. Cho nên việc trau dồi của bản thân cũng cần phải có những tấm
gương và sự tiếp sức hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của bạn hữu nữa.
Hồi xưa tôi có
quen một vị khoảng năm mươi tuổi ngoài, gia đình khá giả, con cái đều có
sự nghiệp, cho nên ông bắt đầu hưởng nhàn. Mỗi sáng ông đạp xe tà tà ra
quán uống cà phê, đọc báo. Lúc đầu có một mình, sau dần dần thêm mấy người
bạn nữa, rồi mỗi ngày bạn bè của ông mỗi đông. Họ rủ rê ông hết quán này
sang quán khác, lúc đầu ông đi chừng nửa tiếng hoặc một tiếng đồng hồ thì
về, dần dần tới trưa, rồi tới chiều. Mấy đứa con ở nhà cứ nghĩ ba đi uống
cà phê với mấy ông bạn cho vui tuổi già, nên không thèm để ý. Nào ngờ,
thời gian sau ông có gia đình khác, nên đi luôn không còn trở về với mấy
đứa con nữa. Cả nhà hoảng lên thì sự việc đã rồi.
Câu chuyện cho
chúng ta thấy những mối quan hệ không có sự chọn lựa sáng suốt thì dễ đi
đến chỗ sa ngã, hư người. Khi ta đã buông xuôi, chạy theo cảnh duyên bên
ngoài rồi thì khó mà dừng được. Vì vậy Phật nói chúng sanh trôi giạt trong
luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay vẫn chưa tỉnh. Ngài cũng chìm nổi trong
thăng trầm bĩ cực như chúng ta, nhưng đức Phật đã thức tỉnh, từ bỏ tất cả,
phát tâm tu tập dũng mãnh, cuối cùng thành tựu giác ngộ giải thoát, được
an vui vĩnh viễn. Do đó nhìn lại chúng sanh còn đau khổ trong biển sanh
tử, chư Phật phát đại bi tâm rộng độ tất cả không biết chán mỏi.
Muốn trừ bỏ
các khổ, trước cần phải biết gốc của nó là gì? Phật dạy, chính vô minh
khát ái là gốc của sự đau khổ, đưa đến sự trói buộc không có lối thoát.
Thương và ghét đều thuộc gốc ái, ưa thích đưa đến tâm luyến ái; không bằng
lòng, không toại nguyện đưa đến tâm ghét bỏ. Đã là người tu chúng ta cần
phải phấn đấu vượt qua tắng và ái, tức thương và ghét. Hai thứ này giống
như cái gộng kềm luôn kẹp cổ chúng ta.
Kiểm lại trong
mọi sinh hoạt, đối với các cảnh duyên không khi nào ta bình thản được.
Thường thì hoặc thích cái này, không thích cái kia. Thích tức là ái, mà ái
là có vấn đề, cho nên nửa đêm mới có chuyện dám xách đục đẽo đi cạy nhà
cạy cửa thiên hạ. Chỉ khi sử dụng quán chiếu, có tỉnh táo chúng ta mới làm
chủ được phần nào, không bị bên này kéo hoặc bên kia lôi. Nếu không đủ
năng lực quán chiếu soi xét tỉnh táo, khi đối duyên xúc cảnh, ta thấy buồn
bực, thế là niệm tắng khởi lên. Cho nên không biết kiểm nghiệm, không có
sự tu tập niệm thân thì tắng ái luôn kéo lôi chúng ta loanh quanh lẩn quẩn
trong vòng luân hồi, không biết chừng nào mới dừng được.
Trong cuộc đời
này nhiều nhân duyên ta không sao biết được. Có những việc mình không
thích mà nó tới hoài, Phật gọi là oán tắng hội khổ. Có những việc mình ưa
thích, những người mình thương mến nhưng cứ phải xa cách, cho nên con
người đã đổ biết bao nhiêu nước mắt cho nỗi buồn thương nhớ nhung, Phật
gọi là ái biệt ly khổ. Vì vậy người muốn cầu giải thoát thì phải nắm vững
những cội gốc đau khổ ấy để cắt đứt nó đi. Tu hành là buông bỏ, thanh
tịnh, trang nghiêm, giải thoát. Những từ ấy chúng ta thuộc hết nhưng nào
có được gì đâu. Nếu năm sáu mươi tuổi, ngồi lại cứ nhớ chuyện quá khứ,
những hào quang rực rỡ của tiền tài danh vọng, những tình cảm đau thương
hoặc nồng thắm. Thế là tâm trạng dao động, đi đứng ngồi nằm cảm thấy bất
ổn, muốn ngủ ngủ không được, muốn ăn ăn không ngon. Đó là sự kiện hiện
thực trong cuộc đời chúng sanh.
Trong nhà
thiền, các Tổ sư thường nói đói ăn, mệt nghỉ. Nhưng chúng ta không phải
đói liền ăn được, mệt liền nghỉ được, luôn luôn có sự kiện, có vấn đề mắc
mứu, ràng buộc, đan kết nhau làm cho mình ăn không ngon ngủ không được.
Cho nên ta thấy ai cũng thế, thời thanh xuân thì còn tươi tắn một chút
nhưng qua thời ấy rồi ai cũng cằn cỗi nhăn nheo. Nếu không thế, có lẽ
chúng ta đã trẻ mãi. Nhưng người đời lầm mê, không chịu đối diện với sự
thật bao giờ, cứ tham chấp trong sự đổi thay vô thường, để rồi phải chịu
đau khổ mãi.
Những bậc tu
hành thời xưa khi nhận định chính xác, thấy được lẽ thực rồi các Ngài có
thể quên thân quên cảnh, xả bỏ thân mạng không chút luyến tiếc. Như câu
chuyện của Tổ Sư Tử. Một hôm vua Kế Tân hỏi Tổ:
- Trẫm nghe
Hòa thượng nói tứ đại vốn không, năm uẩn không thật, vậy Ngài có thể cho
Trẫm mượn cái đầu được chăng?
Tổ bảo:
- Năm uẩn đã
không, sá gì cái đầu.
Nói xong, Tổ
ngước lên cho vua Kế Tân chặt đầu. Một dòng máu trắng phún vọt lên sau khi
lưỡi gươm lướt ngang, vua Kế Tân rớt gươm, rụng rời quỳ dưới chân Tổ.
Chúng ta bây
giờ thì sao, miệng cũng nói “không” rổn rảng, mà đụng tới là đã chạy mất
rồi. Bởi do chấp ngã từ nhiều đời nên ta chưa thể buông bỏ được thân hư
giả này. Phải trải qua một thời gian tu tập quán chiếu lâu dài mới có được
sức mạnh làm chủ mình và xem nhẹ chiếc thân tứ đại vốn không này. Đối với
chúng ta, đừng nói tới thân mạng này, bất cứ vật gì, nhất là vật kỷ niệm
hoặc món đồ ta ưa thích, ai đụng tới thì biết liền. Thế gian thường hay
nói “làm gì thì làm, miễn đừng đụng đến ông bà cha mẹ tôi thôi” cũng không
ngoài ý này.
Cho nên việc
tu hành học hiểu Phật pháp của người thời nay còn rất nhiều vướng mắc.
Những vướng mắc đó đòi hỏi chúng ta phải có công phu. Vì vậy người tu luôn
trau dồi, siêng năng mới có thể gột rửa hay lột sạch các lớp chấp chặt từ
nhiều đời. Chúng ta tập quán chiếu trong những trường hợp bình thường. Nói
nghĩ làm đều phải tỉnh giác, chánh niệm, xoay lại mình không nghĩ chuyện
người, không chạy theo cảnh duyên bên ngoài. Giờ nào ra việc đó, ví dụ giờ
này là giờ ngồi thiền thì chỉ ngồi thiền, không vì lý do gì khác mà trái
bỏ. Sống niệm thân trong mười hai tiếng đúng theo thanh quy, không để tạp
loạn. Đây gọi là người biết việc bổn phận của mình. Công phu miên mật như
vậy, sớm muộn gì cũng thành công.
Nếu chúng ta
không có thời khóa biểu vững chắc cộng với sự kiên tâm thì ngày qua ngày,
ta chỉ lăng xăng ngược xuôi như tất cả mọi người, rồi thì các duyên ràng
buộc, tắng ái lẫy lừng trọn không có ngày an lạc giải thoát. Tu như vậy
thật uổng phí một đời. Nên chúng ta không thể thả lỏng buông lơi, mặc tình
được tới đâu hay tới đó, phải nỗ lực dũng mãnh mới được, không nên xem
thường việc bổn phận của mình. Không khéo chuyện mang lông đội sừng, trả
nợ đàn na tín thí chẳng phải là trò đùa. Vì vậy chư tổ xưa thường nhắc nhở
sách tấn chúng ta, mỗi ngày hãy tự sờ lên đầu, để nhớ mình là người tu,
thọ nhận bốn ân không thể lơ là được.
Thường chúng
ta hay bị bệnh phóng túng, tức là buông lung chạy theo các cảnh duyên,
không lo thúc liễm thân tâm tu hành. Phóng túng sẽ dẫn tâm hướng đến tất
cả pháp bất thiện, tạo nghiệp không thể lường hết được. Là người tu, chúng
ta phải dè dặt đối với tất cả các dấy niệm, tức là ngăn ngừa tâm phóng
túng. Thành ra người tu phải có trí tuệ sáng suốt, không buông lung mới có
cơ hội thấy rõ tâm mình.
Theo đường lối
tu thiền của Hòa thượng Viện trưởng, giai đoạn đầu là biết tất cả dấy
niệm, biết tất cả các pháp bên ngoài không thật, không theo. Các pháp đã
là duyên hợp không thật, thì ta đừng ôm đồm gom hết về mình, thảy nó ra
cho bớt nặng. Ta không thảy ra, trước sau gì nó cũng mất, bởi bản chất của
nó là vô thường, không có gì tồn tại mãi. Cứ ôm giữ, chất chứa cố thủ thì
làm sao giải thoát được.
Nhị Tổ Huệ Khả
trước hiệu là Thần Quang, tu hành rất khí khái phi thường. Nghe danh tổ Bồ
Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang, chín năm ngồi nhìn vách núi, không tiếp xúc với
ai hết nên Ngài tìm đến. Đứng ngoài tuyết suốt đêm vẫn chưa được Tổ chỉ
dạy, Ngài chặt một cánh tay dâng lên cầu pháp an tâm. Những hình ảnh phi
thường đó phải được xuất phát từ một ý chí cầu đạo mãnh liệt lắm mới được.
Cuối cùng được Tổ chấp nhận chỉ dạy, Ngài bạch:
- Bạch Hòa
thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Tổ bảo:
- Đem tâm ra
ta an cho.
Ngài sửng sốt
tìm lại tâm mình, tìm xuất mồ hôi hột không thấy tâm ở đâu. Bấy giờ Ngài
thưa:
- Bạch Hòa
thượng, con tìm tâm không được.
Tổ liền hạ một
câu:
- Ta đã an tâm
cho ngươi rồi.
Ngay câu này,
ngài Huệ Khả liền có chỗ vào.
Như vậy tâm
không an đó là gì? Chẳng qua là vọng tưởng, pháp trần, những ảo ảnh lăng
xăng mà chúng ta quen gọi là tôi, của tôi. Bởi ôm giữ nó, chấp cho là mình
nên chúng ta nhận định không chính xác, không thấy được thực chất của nó
là hư ảo. Tổ biết ngài Huệ Khả cũng vậy, nên bảo tìm được tâm không an thì
Tổ sẽ an tâm cho. Khi tìm lại không thấy vì nó có thật đâu mà thấy. Đợi
đến lúc ấy, Tổ chỉ cần nói “Ta đã an tâm cho ngươi rồi” là xong. Bởi ta
chấp tâm bất an đó nên buồn vui bất thường, tâm trạng thay đổi như ảo hóa.
Khi tỉnh táo tìm lại thì không nắm bắt được, chứng tỏ nó không có thật,
nên tâm tự an. Vì vậy Tổ bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngài không dạy
phải ngồi thiền, tụng kinh… Chỉ cần thấy được lẽ thực thì các vọng tưởng
không còn gạt ta được nữa.
Đó là pháp tu
hành thẳng tắt mà hiện nay chúng ta đang tu tập vậy. Nếu trong tất cả mọi
thời chúng ta đều tỉnh táo sáng suốt, không dấy niệm theo cảnh duyên thì
chúng ta làm chủ được. Người làm chủ được là đi một bước căn bản nhất
trong việc công phu tu tập. Bởi khi làm chủ được chúng ta mới định tỉnh,
có định tỉnh tuệ giác mới phát sinh. Tuệ giác đã có thì tự nhiên ta có cái
nhìn chính chắn, sâu sắc. Từ đó ngoại duyên càng không làm gì được mình
nữa, tức mức độ làm chủ của mình ngày càng vững hơn. Tu tập phải trải qua
từng bước áp dụng như vậy, mới khống chế và chiết phục dần tâm vọng động
không thật.
Thật ra, trong
sinh hoạt thường ngày chúng ta bị động bởi nhiều thứ, chứ không phải là
một thứ. Ăn mặc ngủ nghỉ, tiếp xúc quan hệ… lúc nào cũng bị động. Nghĩa là
chúng ta chưa buông được thứ nào hết. Cho nên phải từng bước buông bỏ mọi
thứ kiến chấp, cố chấp, để nội lực an định, tâm trí sáng suốt vững vàng ta
mới có thể thắng lướt được các cảnh duyên bên ngoài và vọng tưởng bên
trong. Vì vậy vấn đề gần gũi thiện hữu tri thức hỗ trợ cho việc trau dồi
nội lực tu hành là điều hết sức cần thiết. Bởi tâm chúng ta có khuynh
hướng buông lung, phóng túng nên cần phải có móc sắt, dây vàm mới kéo nó
lại nổi.
Trong cung
cách tu học của chúng ta, có nhiều căn bệnh mình không nhận ra, làm cản
trở bước công phu không ít. Một trong những căn bệnh đó là hoài nghi. Có
người đôi khi chưa chắc đã tin tưởng hoàn toàn lời Phật dạy, nên lời của
thầy bạn làm sao tin được. Bệnh này từ đâu mà có? Từ chỗ không nhận, không
hưởng được niềm vui lợi lạc nào hết. Ví dụ có người bảo được vào Thiền
viện tu tập là sướng, nhưng cũng có thầy đến đây ở chừng ba bốn ngày là
chạy thôi. Bởi những vị này thấy kiểu tu, học, lao động hoài như thế không
có gì vui hết, công phu không tăng tiến thì làm sao ở được. Vậy muốn trị
hoài nghi, chúng ta phải tu tập như thế nào để có được niềm tin an lạc.
Lạc là nguồn vui của người hành trì thiền pháp, có được nguồn vui đó, hành
giả mới phấn khởi và tu tiến, tất cả mọi nghi ngờ chấm dứt.
Chỉ người có
công phu sâu sắc, được những lợi lạc trong việc tu học mới giữ vững cương
lĩnh tu học của mình và đồng thời giáo hóa mọi người đạt được kết quả tốt.
Hòa thượng Vạn Đức, Phó Pháp Chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam bây giờ rất
cương lĩnh trong việc này. Khi Phật tử hoặc Tăng Ni về đảnh lễ, Ngài rất
ít nói trừ lúc Tăng Ni cầu chỉ dạy pháp yếu, Ngài mới nói. Và khi đã nói
thì không bao giờ những gì ngoài Phật pháp. Tôi nhớ ngày xưa có lần tôi
được Hòa thượng chỉ dạy, tôi cũng trình bày chỗ hiểu của mình. Nhận thấy
đệ tử đã lệch ngoài ý của thầy muốn dạy, Ngài ngừng lại ngang đó, không
nói thêm gì cả. Chúng tôi giật mình tự tìm ra khuyết điểm của mình, chấn
chỉnh lại, Ngài mới dạy tiếp. Đó là điểm đặc biệt của Hòa thượng trong
việc giáo hóa đệ tử.
Cho nên người
thể nghiệm được thiền duyệt, hoan hỷ tăng tiến trong mọi sinh hoạt của
mình. Người ấy có một nội tâm an định vững vàng, kiểm soát được mọi trạng
thái dao động của tâm khi ngoại duyên biến chuyển. Nhờ thế chế ngự phóng
túng, dứt các hoài nghi, vững niềm tin đối với chánh pháp. Công phu liên
tục như thế, người này càng lúc càng hưởng được giá trị thiết thực trong
Phật pháp, qua sự tiếp cận giữa bản thân với cuộc sống tu học đời thường.
Từ đó vị ấy luôn có cái nhìn đúng như thật, không còn lầm lẫn giữa thực hư
nữa, cho nên không bị nó lôi kéo dẫn đi.
Có trí tuệ thì
vô minh tan loãng, cho nên vọng niệm dấy khởi bên trong, những cảnh duyên
bên ngoài, không còn làm gì được ta nữa, luân hồi sinh tử chấm dứt ngang
đây. Chúng ta biết rồi thì trong sự tu học của mình, phải có chiều sâu,
thẳng vào nội tâm, đừng chạy lòng vòng theo các hình thức bên ngoài, chỉ
mất công và mất thì giờ thôi, trọn không được lợi lạc bao nhiêu. Luôn luôn
vươn lên trong thuận cảnh cũng như nghịch duyên. Phải biết ngay chỗ cùng
cực khổ đau, ta thức tỉnh thì đó là con đường sống. Đó chính là tinh thần
tự trau dồi tu tập của người con Phật chúng ta.
Để kết thúc
buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin được nhắc lại, trong sinh hoạt tu
học hằng ngày, chúng ta luôn luôn trau dồi ý chí, nghị lực. Gần gũi thiện
hữu tri thức nhưng cũng đừng mong tất cả đều thuận lợi dễ dàng, mà lúc nào
cũng phải sẵn sàng đương đầu, vượt qua mọi thử thách. Quan trọng là sự
mãnh tỉnh một cách liên tục trong tất cả thời, tất cả chỗ. Được vậy, nhất
định chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp tu hành của mình. Đó là giác
ngộ giải thoát. |