VƯỜN THIỀN

H.T THÍCH NHẬT QUANG

ĐỊNH  HƯỚNG TUỆ GIÁC QUA SỰ TU TẬP CỦA CHÚNG TA

Hôm nay kỷ niệm ngày đản sinh lần thứ 2543 của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Giờ này trên khắp năm châu, những người con Phật đang cúi đầu dưới đài sen, thành kính dâng lòng mình lên đức Thế Tôn với lời tự khắc tự hứa “Chúng con nguyện đời đời noi theo sự giáo hóa của đức Phật tu hành để được giác ngộ như Ngài”.

Vì vậy đề tài chúng ta sẽ nhắc đến ở đây là định hướng tuệ giác của người con Phật. Tuệ giác ấy được thể hiện qua năm loại nhãn quan: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn. Năm loại nhãn quan này là diệu dụng của tánh giác, tùy trình độ tu tập của mỗi người mà năng lực có được khác nhau.

Sau khi thành đạo rồi, đức Phật thốt lên lời này “Lạ thay, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, nhưng vì sao ngu mê đánh mất đi, để bị trôi lăn trong luân hồi sinh tử không có ngày cùng”. Đây là lời nói đầu tiên dưới cội Bồ-đề sau khi đức Phật thành tựu quả vị chánh giác. Các Thiền sư cũng luôn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ bỏ quên tánh giác. Người tu phải sáng suốt, tỉnh táo, buông bỏ tất cả những niệm tưởng lăng xăng để nhận lại tánh giác của chính mình. Nhận được tánh giác rồi tức đầy đủ trí tuệ đức tướng như Phật, Bồ-tát, người ấy sẽ không bao giờ bị trôi dạt trong vòng luân hồi sanh tử nữa.

Trước tiên nói về “Nhục nhãn”, tức đôi mắt bằng máu thịt của chúng ta. Thế gian dùng con mắt này để nhìn ngắm lựa chọn theo tâm phân biệt của họ. Cho nên khả năng của Nhục nhãn rất hạn chế và không chính xác. Nó tùy thuộc vào ý thức phân biệt và nhãn căn tốt hay xấu của mỗi người. Tuy nhiên, đối với người đã nhận ra và sống được với tánh giác, dù đang ở giữa cuộc đời này nhưng có đôi mắt sáng, không còn lầm tất cả cảnh duyên chung quanh nữa. Một chữ lầm này mà chúng sanh đã tạo bao nhiêu nghiệp nhân bất hảo, để phải chịu nhiều đau khổ trong luân hồi sanh tử. Vậy hiệu năng đầu tiên của người tu Phật là có đôi mắt trí tuệ không lầm tất cả hiện tượng chung quanh.

Người Phật tử Việt Nam, trong giờ phút thiêng liêng này cũng chí thành đối trước Thế Tôn, tự nguyện rằng “Chúng con không bỏ quên, không lầm mê nữa, nguyện xin hồi đầu tỉnh giác nhận ra cái thật của mình để được thể nhập tánh giác. Chúng con nguyện dùng trí tuệ nhận biết rõ đâu là thật, đâu là giả để cuộc sống an lạc. Từ đây cho tới ngày hoàn toàn giác ngộ thành Phật, nhất định chúng con không bị lui sụt nữa”. Đó là giai đoạn thứ nhất.

Thứ hai là “Thiên nhãn” tức đôi mắt chư thiên. Đôi mắt này nhìn tinh tế thấu suốt hơn Nhục nhãn. Hiệu năng của nó đặc biệt hơn, nghĩa là chúng ta hằng sống với tánh giác, không chạy theo pháp trần, không bị cuốn lôi bởi bất cứ cảnh duyên nào thì đôi mắt tuệ của chúng ta sẽ thấu suốt hơn, có thể biết quá khứ vị lai, biết được những gì đã qua và sẽ đến của tất cả chúng sanh. Nói thế không có nghĩa là dùng Thiên nhãn để bói toán kiết hung, xem quá khứ vị lai mà chúng ta phải hiểu hiệu năng của Thiên nhãn như vậy với người tu hành đúng pháp.

Sở dĩ chúng sanh bị luân hồi sanh tử không có ngày cùng là vì quên tánh giác, bỏ quên trí tuệ đức tướng của mình. Bây giờ thức tỉnh luôn luôn hằng giác thì các duyên trần bên ngoài không thể phủ lấp tánh giác nữa. Nói cụ thể người có công phu tu hành đến giai đoạn thứ hai này thì định tỉnh và có trí tuệ thông suốt tất cả. Đừng nghĩ rằng chỉ có các bậc Bồ-tát, các bậc Thánh mới được như vậy, tất cả chúng ta đều được như vậy, với điều kiện ta y như lời Phật dạy, hành trì và thể nhập được tánh giác của chính mình. Vì vậy người có công phu đến đây thì không còn lui sụt nữa, nên gọi là bậc bất thối chuyển.

Thứ ba là Tuệ nhãn, tức con mắt trí tuệ thấu đáo, thấy được lẽ thật của muôn pháp. Đến đây công phu tu hành thâm sâu chắc thực hơn nữa. Người tu nếu nhận định đúng, công phu mỗi ngày mỗi tăng tiến thì nhất định sẽ có Tuệ nhãn. Trong quá trình tu tập, không ít hành giả bị thoái chuyển bởi những nghiệp tập của mình. Cho nên người chiến thắng được mình, làm chủ được mình dứt bỏ những thói quen tật xấu, những chủng tử đã huân tập từ nhiều đời xứng đáng gọi là người đại bản lĩnh, là bậc trượng phu. Có tu mới thấy nhẹ nhàng, an vui vì nhìn tất cả mọi sự mọi vật bằng con mắt trí tuệ thì đâu còn phiền não nữa.

Nếu người tu chưa điều phục được vọng tưởng, còn bị động thì còn phiền não nên rất dễ thoái chuyển. Điều này hiện thực trong cuộc đời, trong từng tâm niệm và cả trong lúc chúng ta hành trì pháp Phật. Bởi vì chạy theo vọng tưởng thì không phút giây nào ta hài lòng với người với cảnh, đôi khi với ngay cả chính mình. Chỉ người tu Phật, nhận được cái gốc của mình, làm chủ rồi mới thoải mái tự tại trước mọi cảnh duyên biến đổi. Do đó tất cả động cơ tạo nghiệp đều dừng. Dừng nghiệp tức là chấm dứt dòng sanh tử. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, bởi vì ta học hiểu nhẫn đến rất thích thú pháp Phật dạy, nhưng khi hành trì mới thấy cay đắng, không phải dễ.

Phật chỉ những chỗ ách yếu nhất trong việc tu hành không ngoài tâm ta mà có, nhưng nếu chúng ta chưa thực hiện được, chỉ hiểu suông, nghe suông thôi thì không có lợi lạc gì. Do đó người hành trì đến giai đoạn này phải là người thật sự bình ổn, nhờ con mắt trí tuệ định hướng cho việc tiến đạo không còn thoái chuyển nữa. Thật ra việc tu đạo khó khăn lắm, có những người đi được một phần ba đường thì thoái chuyển, có những người được nửa đường thì thoái chuyển, có những người đã hơn nửa đường vẫn bị thoái chuyển. Vì sao? Vì chưa nhận được cái thực của chính mình nên chưa đủ lòng tin. Cho nên chỗ này rất quan trọng.

Chúng ta phải làm sao bước từng bước vững vàng, tiến được đến chỗ chân thật bình ổn rồi hãy nói đoạn đường mình đã đi qua. Nghĩa là khi ta đủ lực, bình tỉnh sáng suốt, không còn vướng mắc một tí gì trong lòng, mới biết chỗ bình thường nhật dụng của mình không sai lạc, chừng đó mới dám nói với người. Phần nhiều kẻ chưa tu được đến nơi hay vỗ ngực xưng tên, chứng tỏ ta đã được như thế, nhưng khi tiếp duyên xúc cảnh không làm chủ được, nên khổ vẫn hoàn khổ. Được ít tưởng nhiều, đó là bệnh chung của đa số người mới học đạo. Thành ra giai đoạn thứ ba của người tu hành là đạt được trí tuệ bất thoái, có định hướng rõ ràng cho việc tu tập đến ngày giác ngộ viên mãn. Những dây mơ rễ má chung quanh không làm gì được người này nữa, tạm gọi là có chút tin vui. Tuy nhiên đoạn đường còn lại thành tựu sớm hay muộn tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người.

Trong kinh kể lại, có một Bà-la-môn đến hỏi đức Phật:

- Trong giáo pháp của Thế Tôn, nếu áp dụng tu hành thì tất cả mọi người đều được thành tựu hay có người thành tựu, có người không thành tựu?

Phật trả lời:

- Có người thành tựu, có người không thành tựu.

- Bạch đức Thế Tôn, tại sao như thế?

Phật nói:

- Người nào nghe pháp của ta quyết tâm hành trì liên tục, không thoái chuyển thì người đó chắc chắn sẽ được thành tựu. Còn người nghe rồi hẹn mai hẹn mốt, không chịu hành trì thì dù nghe bao nhiêu lần, được những pháp yếu đặc biệt gì, vẫn không bao giờ thành tựu.

Cho nên chủ yếu là việc thực hành. Chúng ta không ỷ lại hay trông chờ vào ai, mà tự mình phải hạ quyết tâm. Thành Phật hay không là do mình, còn pháp yếu tất cả chúng ta đều đủ duyên học hiểu nhiều rồi. Nếu bị ngoại duyên ràng buộc, làm trở ngại công phu hằng ngày của chúng ta thì dù có học hiểu bao nhiêu, kết quả vẫn không được gì. Phải biết tất cả lời dạy của đức Phật là do chính Ngài thân chứng, tự thể nghiệm, tự thành tựu, sau đó Ngài mới đem ra chỉ dạy lại chúng ta. Vì vậy đó là sự thật được thể nghiệm một cách triệt để, thế thì chúng ta nghe mà không thể nghiệm được thì làm sao biết được lợi lạc thiết thực của pháp. Tuệ nhãn từ công phu tu hành mà có. Cho nên hành giả đến đây là do kết quả tu tập của mình, chứ không phải từ bên ngoài mà được.

Phật tử chúng ta nói về hiểu thì đã hiểu, nhưng nói về hành thì còn lăng xăng lắm. Cho nên hiểu mà không sâu sắc, hành mà không hưởng được kết quả thiết thực trong Phật pháp. Đã thế thì sẽ ngược xuôi trên ngôn cú, hình thức, hiện tượng bên ngoài, chưa thể nhập vào nội tại tâm chân thật của mình. Như thế chưa gọi là hiểu đạo thấy đạo. Phải một phen gắn bó, thấy tột, không thoái chuyển nữa thì thân này và tất cả cảnh duyên bên ngoài chẳng còn giá trị gì nữa, vì ta đã nhận được cái chân thật cao quý gấp trăm vạn lần.

Thứ tư là Pháp nhãn tức con mắt pháp. Con mắt này giúp các bậc tu hành tiếp thu chánh pháp rõ ràng và giáo hóa chúng sanh thành tựu. Sau khi hành giả đã đến chỗ không thoái chuyển, tu hành có đạo lực, thẩm thấu Phật pháp rồi thì việc trước mắt là làm lợi lạc tất cả chúng sanh. Tạo phương tiện hướng dẫn giáo hóa hoằng pháp lợi sinh làm sao cho tất cả chúng sanh đều được an lạc. Đó là lòng từ bi phát sinh từ trí tuệ. Đến giai đoạn này con mắt pháp muốn lợi lạc chúng sanh hiện bày. Vì vậy người tu đúng chánh pháp, càng tu càng mở rộng lòng mình ra, càng tu càng hiền, càng thương người. Cho nên ta đã bình an thì sử dụng được tất cả pháp một cách lợi lạc, chan rải lòng từ bi đến với tất cả chúng sanh mà không hề thấy mệt mỏi. Đây là giai đoạn được con mắt pháp. Hành giả đến được chỗ này có thể nói công phu đã rất thâm hậu vậy.

Cuối cùng là Phật nhãn. Phật nhãn là con mắt hoàn toàn sáng suốt, trùm khắp, gồm thu và vượt qua bốn loại mắt trên. Có thể nói từ thiền định được giác ngộ giải thoát và đầy đủ con mắt này. Đây là con mắt của Phật, của những bậc đã tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, có trí tuệ và từ bi tròn đầy. Ở đây tôi trở lại vấn đề thiền định một chút. Người lắng sâu trong thiền định là người bất động đối với các pháp và thấu suốt được tất cả các pháp. Đến giai đoạn này dùng con mắt tuệ giác chiếu soi trùm khắp, không ngăn ngại không bờ mé.

Tuy hiện thời chúng ta chưa đạt đến chỗ này, nhưng trong công phu tu hành ta có thể nghiệm thấy sự thông sáng mở ra từng chút từng chút trong quá trình tu tập của mình. Bao giờ chúng ta không bị vướng mắc bởi bất cứ thứ gì, yên lắng hoàn toàn, thì con mắt này hiển hiện rỗng rang sáng suốt trùm khắp. Sở dĩ chúng ta chưa có Phật nhãn là vì cảnh duyên còn làm trở ngại. Nếu tâm chúng ta dứt hết các vọng lự, thường thấy biết rõ ràng nhưng không khởi phân biệt, an trụ nơi cái linh tri chân thật thường hằng thì con mắt Phật ngay đó chứ không đâu khác.

Chỗ này Hòa thượng Viện trưởng thường ví dụ như gương sáng đặt ở trước mặt, hết bóng này đến bóng kia hiện ở trong gương, nhưng khi tất cả hiện tượng đó qua rồi thì gương sáng vẫn là gương sáng. Gương không có tâm lưu giữ bóng, bóng cũng không có ý để hình ở trong gương. Cả hai đều vô tâm, chỉ tùy duyên ứng hiện, không lưu lại dấu vết. Đó chính là chỗ tâm cảnh nhất như, trong sáng nhi nhiên. Chỗ này các Thiền sư đã mượn hình ảnh con nhạn bay qua đầm nước, bóng nhạn in trên mặt đầm. Con nhạn không có tâm lưu bóng trong đầm, đầm nước cũng không có ý giữ bóng nhạn. Con nhạn bay qua thì cứ bay qua, đầm nước trong vẫn đầm nước trong. Nói theo triết học thì chủ thể khách thể, mỗi thứ ở vào vị trí của mình, không cái nào xâm lấn cái nào hết. Khách thể không xâm lấn chủ thể, chủ thể cũng không có ý đồ xâm lấn khách thể. Trong nhà thiền nói đây là chỗ tâm cảnh nhất như vậy.

Cho nên người đã làm chủ, đầy đủ trí tuệ thì thể hiện tròn đầy tính chất như như bất động của mình đối với các pháp. Chỗ này thấy được liền thấy, rất nhanh rất giản dị. Không thấy được thì thôi, tuyệt đối không thể lấy tâm tìm cầu suy nghĩ mà lãnh hội được. Người được như vậy có thể gọi là Thiền sư, tự tại đối với các pháp. Đến khi công đức tròn đủ, lợi mình lợi người đã xong thì gọi là Phật. Cho nên được con mắt này là Phật nhãn, hoàn toàn sáng suốt không còn mê lầm tối tăm nữa.

Từ Nhục nhãn cho đến cuối cùng là Phật nhãn trải qua một quá trình tu tập tăng tiến, chứ không thể bỗng dưng mà có được. Người tu thiền phải thực sự nếm trải mới có các định hướng tuệ giác như đã nêu. Tuy nói lớp lang từ mắt thứ nhất cho tới mắt thứ năm, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Người nào nhận và sống được với tánh giác liền có Tuệ nhãn ngay. Hoặc người đã nhiều đời sâu trồng chủng duyên Phật một nghe ngàn ngộ, ngay đó liền mở toang Phật nhãn, thể nhập pháp thân giác ngộ giải thoát, và rộng độ vô lượng chúng sanh. Chúng ta không thể quyết đoán được điều này. Tùy theo mức độ công phu, chúng ta có được những năng lực thuộc Nhục nhãn, thuộc Thiên nhãn, thuộc Tuệ nhãn, thuộc Pháp nhãn hay thuộc Phật nhãn.

Thêm một điều nữa, chúng ta cũng không thể nhìn hình thức bên ngoài mà kết luận về mức độ tu chứng của mỗi người. Không luận người già hay người trẻ, trí thức hay bình dân mà chỉ chú trọng trên tánh linh. Người nào công phu có hiệu năng thì được lợi lạc an ổn. Người nào công phu không có hiệu năng thì còn bị vướng mắc khổ đau. Người thành tựu được các pháp thì niềm tin rất kiên cố. Sở dĩ ta chưa tin là vì mình chưa nhận được chỗ thấu đáo, chưa phát huy được trí tuệ Bát-nhã.

Các nhà Nho xưa thường nói: “Sáng nghe đạo chiều chết cũng vui”. Lời nói này thể hiện niềm tin vững vàng. Còn chúng ta học đạo mấy mươi năm mà vẫn sợ chết nghĩa là sao? Vì chưa vững niềm tin. Tin cái gì? Phật nói thân này hư giả mà mình chưa tin chắc. Phật nói chúng sanh có tánh giác bất sanh bất diệt mình cũng chưa tin chắc vì chưa nhận ra. Bởi tu mà không vững niềm tin nên kết quả không rốt ráo, không được lợi lạc thiết thực bao nhiêu.

Đức Thế Tôn là một con người như bao nhiêu con người bình thường khác, có cha mẹ, có thân tộc. Nhưng khi chứng kiến già bệnh chết thống khổ của kiếp người không một ai thoát ra được, Ngài trăn trở khoắc khoải. Sau khi có vợ con, Ngài vẫn cảm thấy nỗi khổ luôn đeo đẳng trong thân phận con người. Đằng sau lớp son phấn lụa là, hiện nguyên hình nhơ nhớp của chiếc thân này với mồ hôi, đàm dãi… không còn gì đẹp đẽ nữa. Chứng thực như vậy nên cuối cùng Ngài quyết định tìm đường giải thoát. Từ nỗi trăn trở đó và với một ý chí tuyệt vời, đức Phật đã đạt được sở nguyện của mình bằng thiền định và trí tuệ, Ngài hoàn toàn giác ngộ giải thoát và thành Phật.

Tấm gương của đấng Giáo chủ đang sáng soi đó, tại sao chúng ta không nghĩ mình cũng có thể tu tập và được giác ngộ giải thoát như Ngài. Bao giờ thấy rõ như vậy ta mới vững niềm tin nơi khả năng của mình. Niềm tin trong đạo là niềm tin chánh pháp, niềm tin làm chủ được mình. Được vậy rồi dù hiện tại thân nghiệp báo của chúng ta không tốt, mình cũng tin rằng ta có thể thành Phật. Cho nên không ai là không tu được.

Điểm quan trọng nữa là yếu tố siêng năng. Tinh tấn có một sức mạnh, một năng lực rất phi thường. Như đức Phật suốt sáu năm khổ hạnh trong rừng, không một niệm giải đãi. Cho đến thân thể chỉ còn da bọc xương, Ngài vẫn không hề thối chuyển trên con đường tìm đạo giác ngộ. Công phu tu hành nếu không có sự tinh tấn làm chất xúc tác thì khó có thể đạt được mục đích cứu kính. Vì vậy chúng ta phải siêng năng tu hành liên tục, chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con.

Việc tu hành chính là sự tỉnh thức ngay nơi những sinh hoạt bình thường. Cho nên chư Tổ thường nhắc “Hãy nhìn dưới gót chân mà đi”. Từng bước đi ta niệm thân, ý thức hơi thở ra vô rõ ràng, không để pháp trần lôi dẫn. Cứ công phu liên tục như vậy, nhất định chúng ta sẽ tiến tới cùng. Phần nhiều chúng ta cũng có quyết tâm, nhưng trong điều kiện thường thôi. Nếu gặp trường hợp khó khăn ta rất dễ bị lung lay, vì vậy trên bước đường tu tập khó đạt được mục đích cuối cùng. Chúng ta phải có sự khẩn thiết, mỗi đêm dâng hương lễ Phật thành tâm nguyện cho con được đầy đủ tỉnh lực, siêng năng liên tục mới mong việc tu có kết quả như ý.

Với người tu thiền, phải tâm tâm niệm niệm, khẳng định liên tục thì mới thành công. Cho nên Hòa thượng thường nhắc đến ý chí, tâm trường viễn và tâm kiên cố là những điều kiện thiết yếu giúp hành giả đạt được giác ngộ viên mãn. Người ta thường nói không có thành công nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, huống gì việc tu hành thành Phật mà muốn dễ dãi được sao?

Chữ “niệm” là nhớ chớ không có gì lạ. Thường chúng ta không nhớ hoặc nhớ rồi lại quên. Cho nên công phu không đạt được kết quả bao nhiêu. Trước Phật dâng hương thì nhớ, nhưng lạy Phật xong rồi trở ra làm việc thì quên. Quên tánh giác của mình mà lại nhớ chuyện khác. Nhớ thương nhớ giận, nhớ ăn nhớ mặc, nhớ tốt nhớ xấu, nhớ thành nhớ bại, nhớ đủ thứ chuyện trên đời thì làm sao nhớ Phật được. Cho nên công phu đòi hỏi chúng ta phải có sự chú tâm, nhớ một việc duy nhất thôi. Nhớ tánh giác, nhớ Phật chứ không nhớ cái gì khác. Chỉ nhớ một việc ấy thì dù có gặp trở ngại, ta cũng tập trung được định lực để vượt qua.

Như từ đây muốn về thành phố Hồ Chí Minh, phải qua những đoạn đường gồ ghề hoặc bằng thẳng, chung quanh có phố thị, hoa quả, cảnh trí mỗi đoạn mỗi khác. Nếu chúng ta muốn về tới thành phố trót lọt, thì dù đoạn đường như thế nào ta cũng cứ đi, không để tâm nhìn ngắm, không la cà nơi này chốn nọ. Khẳng tâm như vậy, đầy đủ ý chí nghị lực như vậy nhất định ta sẽ về được tới nơi. Bằng ngược lại, chẳng những không đến nơi an toàn mà giữa đường có khi bị tai nạn vây khốn, không thể lường trước được. Những thứ mời mọc đó đây giống như vọng tưởng điên đảo của chúng ta. Chúng chợt hiện chợt mất, nếu ta buông cái này bắt cái kia thì biết chừng nào mới an lạc. Cho nên cần phải chú tâm, phải khẳng định thì việc tu mới thành công.

Điểm cần lưu ý nữa là định lực phải tập trung thống nhất. Ví dụ các vị tu Tịnh Độ, niệm Phật chuyên nhất không xen tạp mới được Phật tiếp đón về thế giới Cực Lạc. Nếu không như thế, nay tu pháp này mai tu pháp nọ thì đắc lực đến đâu cũng không có kết quả. Người tu thiền cũng vậy chỉ một đường thẳng tắt, làm sao định tâm nhận ra và sống được với tánh giác, làm sao cho trí tuệ trùm khắp. Giả dụ như chúng ta đang tu như thế, có ai rủ rê tu pháp khác linh thiêng mầu nhiệm lắm, ta vẫn thản nhiên, không để ý không lung lay gì cả. Tập trung như vậy, trước sau như một mới mong thành công.

Điểm sau cùng là tuệ lực. Tuệ lực là gì? Tức là sức mạnh của trí tuệ siêu việt tối thượng, vượt qua tất cả mọi vô minh ám chướng, sáng soi thấu suốt thực tướng muôn pháp. Nói tóm lại trong công phu tu hành, bắt đầu từ con mắt thường ta thấy được định hướng tu hành, thấy được đường đi và nắm vững tất cả sự kiện rồi, thì quyết tâm hạ thủ công phu. Trí tuệ sẽ phát triển dần theo một chiều hướng nhất định, cho đến lúc tuệ giác tròn đầy, ta có đủ năm thứ mắt như trên là công phu đã thành tựu viên mãn. Muốn thế, chúng ta phải có niềm tin vững chắc, siêng năng liên tục, đầy đủ ý chí nghị lực, phát tâm kiên cố trường viễn. Hội đủ các điều kiện như thế, việc tu chắc chắn thành công.

Chúng tôi nêu lên vài điểm cần thiết để bổ sung cho định hướng tu hành của người con Phật nhân ngày kỷ niệm đức Giáo chủ ra đời. Từ những điểm này, kinh qua quá trình tu tập của mỗi người, chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều sẽ được giác ngộ giải thoát. Tuy nhiên tùy nơi mỗi hành giả mà kết quả sự tu mau chậm đúng sai khác nhau. Điều này giống như câu trả lời của Phật cho vị Bà-la-môn ở trên. Người học pháp khéo bảo trì công phu liên tục thì được giác ngộ giải thoát. Còn hiểu mà không áp dụng thì trọn đời chẳng được lợi lạc gì.

Hôm nay nhân ngày kỷ niệm đức Phật đản sanh, chúng ta nguyện đem hết công phu tu tập của mình làm pháp dâng lên cúng dường đức Thế Tôn. Đó là phương pháp cúng dường cao đẹp nhất, đầy đủ công đức nhất và có ý nghĩa nhất của người con Phật chúng ta.

Kính mong toàn thể đại chúng được khai mở tuệ giác, như pháp mà cúng dường mười phương chư Phật, để gọi là một chút đền đáp tứ trọng ân.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM