VƯỜN THIỀN

H.T THÍCH NHẬT QUANG

TU TỪNG TÂM NIỆM

Hôm nay đủ duyên quí Phật tử từ Rạch Giá, Hà Tiên được sự hướng dẫn của quí Thượng tọa về thăm Thiền viện. Hòa thượng Viện trưởng hiện đang ở Thiền viện Trúc Lâm nên chúng tôi xin phép được thay mặt Ngài có lời thăm hỏi sức khỏe quý Thượng tọa và toàn thể Phật tử.

Hồi chiều, một Ni cô trong đoàn có xin chúng tôi nói chuyện đạo lý, tôi đã hứa. Vậy giờ này, chúng ta cùng nhau trao đổi bàn bạc một vài điểm về giáo lý theo tinh thần của đạo Phật, để áp dụng vào đời sống tu tập của mình.

Thực ra nếu chúng ta không hiểu giáo lý Phật dạy thì sẽ không biết gì để tu. Nhưng hiểu mà không tu thì cũng không có tác dụng gì. Bởi vì bất cứ một lời dạy nào của Phật cũng đều phát xuất từ tâm giác ngộ giải thoát thanh tịnh của Ngài. Chúng ta học Ngài, nhưng nếu không tu, không áp dụng thì không làm sao biết được giá trị thiết thực của đạo hay nói đúng hơn là không làm sao được giải thoát cả.

Chủ trương của đạo Phật là phải tu, tu để được thanh tịnh, được giải thoát, được đầy đủ trí tuệ. Một khi đầy đủ trí tuệ rồi thì cái thấy cái nhìn của chúng ta không còn lầm đối với các pháp nữa. Ta không còn kẹt trên hình thức bên ngoài, mà thấy bằng sự hiểu biết thực, bằng kinh nghiệm của chính mình. Muốn được như vậy nhất định chúng ta phải tu sau khi đã học hiểu đạo lý.

Trong phạm vi buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi muốn nhắc nhở quý Phật tử làm sao chúng ta phải tu trong từng tâm niệm của mình. Từ sáng tới chiều, nghiệm lại ta chỉ sống với niệm vọng động chạy ngược chạy xuôi, nó kéo lôi mình đi ngút ngàn, đến nỗi ta không biết mình là gì. Có khi cả ngày làm việc mà mình không biết mình đang làm gì, mình là ai. Cả ngày như vậy, cả tuần như vậy, cả tháng như vậy, cả năm như vậy và có khi cả đời như vậy. Cứ mở mắt ra làm việc, ăn nghỉ, trao đổi tiếp xúc mà cuối cùng không biết mình là gì, đang làm gì. Như vậy thì thật là tội nghiệp cho mình quá.

Vì vậy Phật dạy phải luôn kiểm soát thân tâm đang làm gì, phải biết mình là ai, đó là tu. Nhờ ý thức rõ nơi mỗi việc làm, nên ta sửa đổi những việc không hay không đúng thành hay thành đúng. Nên dù còn ở hình thức tại gia, quý vị cũng đang tu, chứ không đợi xuất gia mới gọi là tu. Đức Phật ngày xưa cũng đã tuyên dương công hạnh và kết quả tu tập của nhiều đệ tử tại gia, chứ không riêng gì hàng xuất gia. Ai tu cũng đều hưởng được pháp lạc cả, còn không tu thì dù ở một bên Phật, hay thân cận các Thánh đệ tử của Phật, thì vẫn không được chút ích lợi gì.

Khi chúng ta bỏ những cái dở xấu, làm chủ được mình thì sẽ được an lạc, giải thoát ngay trong hiện tại, Niết-bàn có tức thì, chứ không đợi chừng nào cả. Ta tu trong từng tâm niệm thì sẽ được Niết-bàn trong từng tâm niệm. Giải thoát nhiều hay ít tùy theo công phu tu hành của mỗi người. Chúng ta đang ngồi chơi, đang tiếp khách, đang ăn cơm, đang làm việc… tâm niệm dấy khởi điều gì ta đều ý thức được, tức là ta có tỉnh giác, có trí tuệ, có sức mạnh, nên mới làm chủ mới kiểm tra được những niệm đó. Khi kiểm soát được các niệm ta mới biết mình đang làm gì, điều đó đúng hay sai, như vậy nhất định ta sẽ không bao giờ làm bậy. Cách tu này rất thiết thực. Chỉ khi không biết ta mới làm bừa làm bậy, chứ biết rồi thì sợ lắm. Sợ là sợ hậu quả đau khổ mình phải chuốc lấy nếu ta làm ác.

Sống tỉnh thức, biết mình biết việc tức là sống sáng suốt. Người sáng suốt không bao giờ bị những thứ tăm tối kéo lôi dẫn dắt đi vào đường xấu. Cũng giống như trong điện Phật này, chúng ta nhìn thấy nhau rõ ràng là nhờ có mắt sáng và ánh sáng mặt trời. Ta thấy đây là nhà, kia là người ta, nọ là cảnh trí, tất cả đều hiện rõ ràng. Nhưng khi không có ánh sáng, thì mọi thứ đều tối đen. Bây giờ muốn sáng cũng không có gì khó khăn, ta chỉ cần mở công tắc đèn. Đèn sáng thì bóng tối lui ngay. Khi có ánh sáng rồi ta tìm xem cái tối ở đâu? Tìm không thấy, chứng tỏ nó không thật.

Việc tu cũng vậy, nếu ta tỉnh táo sáng suốt thì mọi thứ tăm tối si mê tan hết. Nên nhớ phải tỉnh sáng đàng hoàng, chứ xìu xìu nửa tỉnh nửa mê cũng không được. Cho nên nhiều hồi phiền não, chúng ta không tự nhận thấy đó là cái dở của mình để trừ bỏ, mà đổ thừa tại thế này thế kia, tại bạn bè, tại hoàn cảnh… đủ thứ chuyện. Đổ thừa như vậy tức không nhận mình sai. Do không thấy được kẻ giặc ở trong nhà cho nên ta nuôi dưỡng nó, vì vậy càng tu càng thấy phiền não, chứ không giải thoát chút nào.

Chủ trương của đạo Phật là phải nhìn thẳng sự thật, phải can đảm mạnh mẽ, chứ không đổ thừa. Nghiệp là do mình làm mình tạo, nhất định nó sẽ đưa đến hậu quả tương ứng, rõ ràng như vậy. Như khi sáng quí vị từ Rạch Giá có ý định đi Đồng Nai rồi Vũng Tàu. Nếu đã quyết định đi và theo đúng tuyến đường như thế, giờ này quí vị có mặt ở đây là điều hiển nhiên. Nhưng nếu vị nào xìu xìu ểnh ểnh lên xe rồi bước xuống thì bây giờ không có mặt ở đây. Rõ ràng làm thế nào thì kết quả thế ấy. Sự tu hành của chúng ta cũng vậy. Người Phật tử sáng suốt quyết định tu hành rồi thì gác tất cả mọi chuyện qua một bên, quyết tâm tu hành, không vì lý do gì ta thay đổi ý hướng của mình. Được như vậy tôi tin chắc quí vị không bao giờ thối chuyển đạo tâm cả.

Bởi tất cả đều từ tâm niệm, từ hành động của mình gây tạo ra mà có các hậu quả tương ứng, nếu không gây tạo thì không có hậu quả tương ứng. Ví dụ các Phật tử là những người tốt, không gây nghiệp nhân xấu thì hiện đời sống yên ổn, không sợ bị tù bị đày, không sợ mất quyền công dân, không sợ khổ đời này cũng như những đời sau. Còn nếu gây nhân xấu thì lúc nào cũng lo âu hồi hộp có người bắt bớ, não hại mình. Vì vậy hiện đời sống không yên ổn mà đời sau cũng sẽ chịu quả khổ.

Luật nhân quả trong nhà Phật rất bình đẳng rõ ràng. Ta chửi người thì người chửi lại ta, ta đánh người thì người đánh lại ta. Hai bên đánh nhau thì phải có nhân vật thứ ba đưa cả hai vào bót. Tốt xấu gì không biết, hễ đánh nhau là phải đứng trước vành móng ngựa chờ tòa phán xét, vừa chịu thương tích vừa xấu hổ. Cho nên người Phật tử, khi mở miệng nói lời gì phải làm chủ được lời nói của mình, dứt khoát không bao giờ mình nói dối, nói đâm thọc hoặc nói lời ác độc. Nếu kiểm soát được như thế thì làm gì có những chuyện rắc rối như vừa kể. Đó là kết quả thiết thực trước mắt của sự tu.

Ngoài việc không nghĩ ác, không nói ác, không làm ác, người Phật tử còn phải nuôi dưỡng tâm niệm lành. Như làm việc phúc thiện, tu tạo các công đức, khuyến khích mọi người cùng giúp những người khó khổ… Những tâm niệm xấu thì xin buông hết cho. Buông nó như thảy một khối nặng mình đã đeo mang quá mệt rồi, bây giờ bỏ được thấy nhẹ nhàng thảnh thơi vô cùng. Đó là điểm thứ nhất, luôn kiểm soát từng tâm niệm của mình.

Điểm thứ hai là biết rõ nhân quả tương ưng. Trên thế gian này, không có sự việc gì mà không có nguyên nhân cả. Ví dụ ở đồng quê vào mùa nắng hạn, chỉ cần một đóm lửa nhỏ hoặc một tàn thuốc là có thể cháy hàng mấy hécta đất. Cháy hết cỏ thì cháy tới cây trồng, chưa kể là có thể cháy tới nhà cửa chung quanh, thiệt hại không thể lường. Nếu người biết được hậu quả ghê gớm ấy thì sẽ không để tình trạng đáng tiếc đó xảy ra. Bởi ta chỉ phòng ngừa trước khi lửa bén thôi, chứ nó đã phát cháy rồi, lại gặp gió nữa thì vô phương dập tắt.

Cũng vậy chúng ta kiểm lại từng tâm niệm từng hành động của mình, sẽ thấy chỉ một dấy niệm nhỏ một hành động nhỏ ta không dừng được, thì dẫn tới vô số chuyện rắc rối về sau. Nhất là khi hành động ấy đã trở thành thói quen thì nó cũng như đám lửa cháy lan, gây ra tai họa rất lớn, khó có thể kiềm hãm nổi. Chỉ có nước cháy rụi hết thì ngọn lửa mới tắt. Những gì đã trở thành thói quen tức thành nghiệp rồi thì rất khó bỏ. Cho nên ở bước đầu nếu chúng ta chịu tu chịu bỏ thì dễ lắm, đừng để trở thành nghiệp mới tu thì gian nan mà kết quả chẳng được bao nhiêu. Ví dụ như những Phật tử nam, hồi chưa biết hút thuốc, chưa quen uống rượu thì đối với điếu thuốc đầu tiên, chung rượu đầu tiên dù là chung rượu lễ cũng rất khó đưa vô miệng. Một lần nghe nó cay đắng, hai lần vẫn còn đắng cay, nhưng qua lần thứ ba thứ tư lại thấy nó hơi ngọt. Từ ngọt qua ngon, qua ghiền chẳng bao xa, thế là vị ấy mang nghiệp rượu vào thân lúc nào không hay, bây giờ muốn bỏ thật khó khăn vô cùng.

Nói thế không có nghĩa là không bỏ được, nhưng muốn bỏ đòi hỏi phải có ý chí, có quyết tâm mạnh mẽ lắm mới được. Việc  tu hành cũng thế. Nếu ngay từ đầu chúng ta biết tu, đừng huân các thứ chủng tử xấu thì việc tịnh hóa thân tâm rất dễ dàng. Nhưng kết thành nghiệp rồi, việc tu đòi hỏi nhiều nỗ lực mới được. Khi kiểm tra tâm niệm mình, thấy cái nào cần bỏ thì bỏ tức khắc, phải mạnh dạn, dứt khoát, không trù trừ lần lựa gì cả. Đừng để ý niệm biến thành hành động thì hậu quả là điều không thể tránh khỏi. Được thế sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc về sau. Tu như vậy ít phí sức mà kết quả lại nhiều, nên gọi là người khéo tu, biết tu.

Thật tình trong hoàn cảnh, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta dễ bị phân tâm vì vấn đề mưu sinh lắm. Lý tưởng thì tốt, quyết tâm thì có, nhưng hoàn cảnh là một ngoại duyên lớn ảnh hưởng đến sự tu tập của Phật tử. Vì vậy, nếu không khéo tu trong từng tâm niệm thì sẽ không có cơ hội nào để quý vị gạn lọc được thân tâm cả. Cho nên chúng ta phải cố gắng, học hiểu Phật pháp rồi, từng bước áp dụng vào đời sống của mình. Luôn kiểm soát thân tâm, nắm vững luật nhân quả để một hành động, một đường hướng trong cuộc sống phù hợp với chánh pháp, đó là Phật tử biết tu.

Thêm một điều nữa, trong lúc tu hành chúng ta phải kịp thời phát giác những điểm dở, đồng thời sáng suốt thấy được những điểm hay của mình. Để từ đó ta khắc phục điểm dở, vun bồi nuôi dưỡng điểm hay, sao cho mỗi ngày ta mỗi hoàn thiện được chính mình. Bởi con người không ai hoàn toàn dở mà cũng không ai hoàn toàn hay. Có khi từ tám giờ tới mười giờ sáng, ta thật hay, thật đàng hoàng. Nhưng đến mười một giờ, bỗng gặp chuyện gì đó, ta nổi sùng la hét toáng lên, rồi từ đó dở dài dài cho tới ba bốn giờ chiều. Nếu cứ để tâm ôm ấp phiền hận như vậy thì cái dở nhiều quá, nó sẽ lấn át hết phần hay của ta hồi sáng rồi. Cho nên tôi nói phải kịp thời phát giác là vậy. Cái gì hay thì ta mới nuôi dưỡng, làm cho nó tăng trưởng, còn cái gì dở thì bỏ đi, nuôi nó làm chi cho khổ. Đây chính là tinh thần Phật dạy tu theo Tứ chánh cần.

Người học đạo sở dĩ sáng suốt là do biết buông bỏ những thứ tăm tối, để tâm được trong sáng thanh tịnh. Cho nên có bài kệ thế này:

            Người thật tâm học đạo,

            Sẽ thấy rõ được đạo,

            Như người cầm đuốc sáng,

            Đi trong chỗ tối tăm.

Tâm sáng thì việc sáng, tâm tối thì việc cũng tối. Lẽ thực như thế. Bóng dáng sáu trần là vọng tưởng, không phải tâm ta, thế mà mình sống với nó nên điên đảo quay cuồng cả đời. Người học đạo như kẻ cầm đuốc sáng vào nhà tối, bóng tối tự tan mất. Không có được cây đuốc trong tay thì không thể phá tan bóng tối, cũng thế không có ngọn đèn trí tuệ chiếu soi thì ta mãi mãi đi trong vô minh tăm tối.

Cho nên chủ yếu là làm sao giữ tâm mình rỗng rang sáng suốt, nghĩa là tay ta luôn cầm ngọn đèn trí tuệ mới không bị sa hầm lọt hố. Bài kệ còn đoạn sau thế này:

            Đi trong chỗ tối tăm,

            Bóng tối sẽ tự diệt,

            Sáng suốt luôn hiện tiền.

Nghĩa là người cầm đuốc sáng vào trong nha tốiø, bóng tối biến mất nên nhà được sáng. Nên nói đi trong chỗ tối tăm bóng tối tự diệt, ánh sáng sẽ hiện tiền.

            Nhận được lý này rồi,

            Trong tâm không còn mê,

            Lúc nào cũng sáng suốt,

            Đấy chính là chân tâm.

Nhận biết như vậy rồi trong tâm hết mê, lúc nào cũng sáng suốt rõ ràng. Người sống được như vậy là người sống với chân tâm. Sống với chân tâm chính là sống thiền vậy.

Có một lần đức Phật cùng Tôn giả A Nan trên đường giáo hóa trở về, ngang qua chỗ làm nhang. Phật bảo ngài A Nan đến đó lượm một ít áo nhang cho Ngài. A Nan vâng lời đem về một ít áo nhang dâng Phật. Thế Tôn cầm lên hỏi:

- Ngươi nghe mùi áo nhang này như thế nào?

Ngài A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đây là loại nhang thơm, nên áo nhang cũng thơm.

Hai thầy trò đi tiếp một đoạn đường nữa, đến chỗ người ta bán mắm, bán cá. Phật bảo A Nan vào xin một ít bao gói mắm cho Ngài. Tôn giả A Nan cũng vâng lời, đem ra trình Phật mấy bao gói mắm. Phật hỏi:

- A Nan! Ông nghe mùi cái bao này như thế nào?

Ngài A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vì bao này gói mắm nên nó hôi tanh như mùi mắm.

Sau đó Phật kết luận:

- Cũng vậy A Nan, nếu người không giữ được tâm mình, để nhiễm các thói hư tật xấu giống như những bao gói mắm, hôi tanh không thể chịu được. Trái lại, nếu người biết tu tâm, gần gũi những bậc tu hành chân chánh, sáng suốt, sinh hoạt đúng tinh thần đạo lý, giống như những áo nhang gói hương thơm, cũng được ảnh hưởng mùi thơm ấy.

Qua hai hình ảnh trên Phật dạy chúng ta một bài học về giữ tâm thật hay, thật sâu sắc. Thực ra trên đời này không ai là Phật sống hay thánh hiền hết. Tất cả đều là chúng sinh với nhau, không người nào thập toàn. Nhưng nếu chúng ta biết học cái hay của người, gạn lọc cái dở của mình thì dần dần ta sẽ loại bỏ hết những cái dở, nuôi dưỡng thêm những cái hay. Đó chính là từng bước chuyển dở thành hay, chuyển phàm thành thánh vậy.

Những gì hôi tanh như cá như mắm thì xin đừng đem vào nhà. Tham sân phiền não đã gây biết bao khổ não cho ta, ôm giữ, nuôi dưỡng nó làm gì, có khác nào rước họa vào thân. Còn những gì thơm tho tươi tốt, làm cho mọi người hoan hỷ vui vẻ, sao ta lại không gần gũi nuôi dưỡng. Từ bi hỷ xả là những đức tướng trang nghiêm tốt đẹp, là hương thơm đức hạnh, sao ta không vun bồi cho ngày càng tươi tốt. Phật dạy thật chí thiết, chỉ vì chúng sanh quá ngu mê nên suốt đời phải chịu đau khổ mãi.

Ta thường nghe nói ba nghiệp tham, sân, si dẫn mình đi trong đường khổ. Bây giờ nếu biết tu, ta phải nhớ những gì thuộc về tham thì đừng để vào tâm của mình. Sân si cũng thế. Vì nếu để trong tâm, chẳng những nó làm hại mình mà còn hại cả những người chung quanh nữa. Trong cuộc sống tương giao này, tất cả đều không thật, nó chỉ tồn tại trong một giới hạn tương đối thôi. Chúng ta khéo dùng thì cuộc sống tạm yên ổn, không khéo dùng thì cõi giả mà ta thấy khổ thật. Nghĩa là cũng ba nghiệp nhưng nó nhơ nhiễm thì nguy hại cho thân tâm. Nếu ba nghiệp trong sạch thì thanh tịnh giải thoát.

Trái với sân là từ bi, tức lòng thương rộng lớn. Nuôi dưỡng lòng thương rộng lớn thì tự nhiên sân hận giảm đi. Trái với tham là không tham, mở rộng lòng tha thứ, dung hòa vui vẻ, không keo xẻn tiếc lẫn thì người người đều an vui thái bình, không ai xâm lấn của ai, không ai hà hiếp ai. Trái với si mê là sáng suốt không lầm lẫn. Người có trí sáng, làm việc gì biết trước hậu quả của nó, nên ít phạm sai lầm làm khổ mình khổ người. Khi đã hiểu rõ như vậy, chúng ta tự lựa chọn con đường nào tốt thì đi, không ai ép buộc ta cả.

Là Phật tử đã quy y Tam Bảo, biết tu theo sự hướng dẫn của Tăng Ni, tức quý vị đã đi theo con đường chân chánh, vậy trước nhất phải tin tưởng vào Phật pháp. Đạo Phật là đạo giác ngộ, người tu theo đạo Phật là người muốn được giác ngộ giải thoát. Tôi tin rằng dù hiện tại quí vị đang bận rộn nhưng một thời gian không lâu, quí vị sẽ có nhiều duyên tốt hơn nhờ gần gũi quí Thượng tọa, được sự hướng dẫn của quý Ngài, Phật tử sắp xếp cuộc sống của mình sao cho phù hợp với việc tu tập. Như vậy chắc chắn ngày càng tốt đẹp, ngày càng gần gũi với đạo hơn.

Người biết hướng về Phật pháp luôn có niềm tin vững chắc. Vì nếu niềm tin không vững, chúng ta sẽ áp dụng được Phật pháp vào đời sống tu tập của mình. Kinh nghiệm bản thân cho chúng tôi thấy như vậy. Cho nên trước nhất ta nên gầy dựng niềm tin đối với Phật pháp. Tin chắc lời Phật dạy không sai, nếu ta tu đúng thì nhất định hết khổ, nhất định giải thoát. Sở dĩ chúng ta tu mà còn khổ là vì tu chưa đúng, chứ không phải lời Phật dạy sai.

Phật tử đã quy y Tam Bảo cố gắng giữ gìn những điều giới mình đã lãnh thọ. Trong cuộc sống này, chúng ta còn dở lắm, dễ bị lôi cuốn theo các duyên không hay, vì vậy giữ giới là một phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tội lỗi, ngăn ngừa việc làm xấu, dẫn đến quả khổ trong hiện đời cũng như đời sau. Luôn thương yêu nhắc nhở nhau tu hành trong đạo tình chân thành. Đối với sự thành công của bạn hữu, ta luôn tùy hỷ, học hỏi và phấn đấu vươn lên, chứ không ganh ghét đố kỵ. Cho nên tùy hỷ có công đức rất lớn. Nếu chưa được như bạn phải tự thấy hổ thẹn, cố gắng tu tập như bạn. Từng bước tu tập như thế, nhất định quý vị sẽ đạt được an lạc ngay hiện đời.

Tóm lại, người con Phật phải sáng suốt thường tự xét nét từng tâm niệm của mình, tin sâu nhân quả, siêng tu ba nghiệp. Luôn nhớ chúng ta có duyên mới được gặp Phật pháp, gặp gỡ nhau trong một đạo tràng nên thương yêu giúp đỡ, sách tấn nhau tu hành, sống giản dị khiêm cung, giữ gìn giới luật, không để trái phạm. Đó chính là mẫu người Phật tử đáng quý đáng kính nhất.

Chúc tất cả quý vị cùng hưởng vui niềm chánh pháp trong ánh hào quang của Phật.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM