THIỀN TĂNG VÀ HIẾU HẠNH
Vào Thiền là
đi vào cuộc sống. Một cuộc sống mà ở đó mọi gian truân trầm thống, tự bản
thân nó không là gì hết. Ngài Quy Sơn đã từng nói, chỗ thật tế không còn
một chút dấu vết, nhưng trong cửa muôn hạnh không bỏ sót việc nào - Thật
tế lý địa bất thọ nhất trần, Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp. Qua tinh
thần lời Phật dạy, người biết tu là người biết báo ân Phật và, chỉ có tu
cho sáng được việc lớn của mình mới là người ân nghĩa vẹn toàn, hiếu hạnh
bậc nhất. Rõ ràng trong các Kinh A Hàm còn ghi : “Vào mùa hạ thứ bảy, sau
khi thành đạo đức Thế Tôn đã vì mẹ mà lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp.
Nhờ thế Hoàng hậu Ma Da bây giờ là một tiên nhân được chuyển hóa và thành
tựu quả Thánh.
Thế nên chữ
hiếu trong đạo Phật, đặc biệt dưới cửa Thiền tông được thể hiện khác hơn
thế thường. Chúng ta hãy đọc một đoạn thơ từ biệt mẹ của Thiền sư Động Sơn
Lương Giới.
“Được nghe chư
Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời
đất che chở. Cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì
chẳng trưởng, thảy nhờ ơn dưỡng dục, đều thọ đức chở che.
Song mà, tất
cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc vô thường chưa lìa sanh diệt.
Tuy ơn bú xú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, nếu đem của cải thế gian
phụng dưỡng trọn khó đáp đền, dùng máu thịt dâng hiến cũng không được bền
chắc. Trong Hiếu Kinh nói : “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cúng hiến
cha mẹ vẫn là bất hiếu. Vì sẽ lôi nhau vào vòng trầm luân chịu muôn kiếp
luân hồi”. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia. Vì
sẽ cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ
ngàn đời, đền công từ thân muôn kiếp, bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Kinh
nói : “Một đứa con xuất gia chín họ đều sanh lên cõi trời”. Con thệ bỏ
thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng
Bát- nhã.
Cúi mong cha
mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và
thánh mẫu Ma Da. Hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay
cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì “thời giờ
không đợi người”. Cho nên nói : “Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi
đời nào độ thân này ?”. Xin cha mẹ lòng chớ mong. Tụng rằng :
Vị
liễu tâm nguyên độ số xuân,
Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần.
Cơ
nhơn đắc đạo không môn lý,
Độc ngã yêm lưu tại thế trần.
Cẩn cụ xích thơ từ quyến ái,
Nguyện minh đại pháp báo từ thân.
Bất tu sái lệ tần tương ức,
Thí tợ đương sơ vô ngã thân.
Dịch :
Chưa rõ nguồn tâm trải mấy xuân,
Thương thay mê mãi luống bâng khuâng.
Cửa không đã lắm người được đạo,
Riêng kẻ thô hèn mãi phong trần.
Viết lá thư này từ cha mẹ,
Nguyện thông đại pháp báo từ thân.
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân.”
Phải là ngài
Động Sơn mới có được lời thơ cho mẹ như thế. Bởi vì Ngài đã được kết tinh
từ một cội nguồn siêu thoát phi thường. Đây chúng ta hãy xem lá thơ của mẹ
gởi cho Ngài.
“Mẹ cùng con
đời trước có nhân duyên nên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong
lòng, sớm chiều cầu thần khấn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ
tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quý như châu báu.
Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú xú nhọc nhằn. Con vừa
thành người dắt đến trường học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ tựa
cửa trông mong.
Con viết thư
về quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông
cậy vào ai ? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất
bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Khổ thay ! Khổ thay!
Nay con lại
thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con
như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục
Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e
phải có tội. Con cần phải giải quyết cho xong”.
Thế nên, dưới
mắt của Tổ sư một bậc trượng phu hiếu nghĩa vẹn toàn, phải là người siêu
việt thường thống khoái, ung dung độ thoát cha mẹ bằng chính cuộc sống
thực của mình.
Bản chất của
Thiền tông không là gì hết, không là gì mới mẻ, không mặc thêm bất cứ
chiếc áo nào mà tự nó trang nghiêm, tháo gỡ mọi vướng mắc nên thênh thang
tự tại. Chỉ thế thôi. Người xưa nói, đi chỉ đi, hiện hữu mà vẫn hồn nhiên
hài hòa tươi tắn. Không bước đi nào hạn cuộc khuôn thước, mà cũng không
bước đi nào ngoài ước lệ phạm trù cuộc lữ, sống thực ngay đây. Một Thiền
sư Việt Nam đã thống khoái hát lên lời này :
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang,
Chống gậy chơi rông chừ phương ngoại phương,
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi,
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
( Tuệ Trung Thượng sĩ )
Thần thái vào
cuộc thật sâu của Tuệ Trung Thượng sĩ đã làm nên một Trúc Lâm Đại Đầu Đà,
điểm lên trang sử Phật một nét son rực rỡ. Phải chăng đó là do một truyền
thống đạo pháp với dân tộc đã gắn liền của người Việt Nam từ các thời
Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê. Một Thái sư Đỗ Thuận, một Khuông Việt Ngô Chân Lưu
là những con người phục vụ dân tộc, tự lợi lợi tha đầy đủ. Đạo đời hai vai
gánh nặng, nhưng vẫn hùng vĩ như đại bàng bay lượn giữa trời cao, nhàn nhã
như thiên nga phô sắc phơi phới trên dòng nước biếc, mà thật sự không dính
một giọt nước nào. Có thể nói không một giọt nước nào thấm ướt gót chân
các Ngài. Các vị cao Tăng như Nhất Tông, Giới Minh là những bậc đã từng
làm đạo sư của đấng quân vương lấy tâm người làm tâm mình, lấy ý muốn của
người làm ý muốn của mình. Còn gì cao đẹp bằng hình ảnh này, hình ảnh một
ông vua anh hùng lừng danh mà rồi sau đó dứt khoát nhường ngôi lại cho con
để xuất gia làm tăng tu khổ hạnh, lấy trời mây, suối nước làm cung điện
thê thiếp. Cung cách ấy, tấm lòng chí nhân chí hiếu ấy được thể hiện qua
nếp sống và lời ca hồn nhiên bình dị của các Ngài.
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền…
Để
rồi,
Lợi danh phủi sạch trận mưa đêm…
Hay như,
Xuân tàn còn có tiếng chim ca…
Với tinh thần
giáo dục ấy, nên vua Trần Anh Tông cũng là vị vua hiếu đạo vẹn toàn.
Một hôm nhân
say yến tiệc, Anh Tông đã không kịp ngự triều. Đức Nhân Tông từ Yên Tử về
không thấy Anh Tông ngự triều, Ngài liền quày quả trở về núi. Anh Tông hay
tin cấp tốc dong thuyền suốt đêm, để theo kịp vua cha. Đến nơi, vua quỳ
dưới chân đức Điều Ngự nhận mọi lỗi lầm và thành tâm sám hối. Đẹp thay!
Quả là một hình ảnh rực sáng hiếu đạo của đấng quân vương Việt Nam.
Tóm lại, hiếu
đạo của thiền tăng phải được biểu hiện cụ thể từ chân diện mục của mình.
Từ đó chân trần mặt đất bước vào đời, và là một con người ân đức hiếu
nghĩa trọn vẹn, nhưng vẫn thanh thoát nhẹ tơ.
] |