CỘI NGUỒN YÊN TỬ
Tông môn Yên
Tử, dòng pháp nối tiếp sau Thiền sư Hiện Quang là Quốc sư Phù Vân. Vua
Trần Thái Tông sau khi nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời này, Ngài
quyết tâm tu hành và tìm lên núi Yên Tử, bấy giờ là Quốc sư Phù Vân đang
kế thừa ngài Hiện Quang tại sơn môn này.
Ngài Phù Vân
là một con người đạt đạo, lại rất thực tế đối với xã hội và đất nước. Khi
thấy vua Trần Thái Tông lên đây xin tu thì Ngài chưa quyết định nhưng Ngài
nói rằng : “Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm,
nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen. Còn Ngài là một vị
quốc vương lên ở đây tu hành làm sao được”. Nhưng vua Trần Thái Tông khăng
khăng một mực xin ở đây tu. Ngài lại hỏi tiếp : “Bệ hạ đến đây cầu việc gì
?”. Vua Trần Thái Tông đáp : “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, trơ vơ
đứng trên sĩ dân, không nơi nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp Đế Vương
đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu làm Phật
chứ chẳng muốn cầu gì khác”. Ngài Phù Vân liền nói : “Trong núi vốn không
có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thì trí tuệ xuất hiện, đó
chính là Phật, không cần đi tìm cực khổ bên ngoài”. Đó là câu nói mà Quốc
sư Phù Vân đã hiện bày để khai ngộ cho vua Trần Thái Tông.
Khi Trần Thái
Tông bỏ triều chính lên núi Yên Tử tu, Thúc phụ Trần Thủ Độ ra lệnh cho bá
quan lên núi tìm vua. Gặp vua, Trần Thủ Độ yêu cầu nhà vua sớm về lãnh đạo
quốc gia, mọi người đang mong đợi nhà vua trở về. Vua Trần Thái Tông nghe
những lời khẩn cầu tha thiết, vua động lòng thưa với Quốc sư Phù Vân :
“Bây giờ bá quan tìm tới đây rước trẫm về, Ngài nghĩ thế nào ?”. Ngài Phù
Vân đáp rằng : “Là đấng quân vương, mình làm việc gì phải noi theo lòng
của mọi người, dân muốn rước Bệ hạ về thì Bệ hạ nên về. Nhưng về làm việc
nước mà đừng quên việc tu hành của chính mình.”
Ngày xưa, với
một vị Thiền sư ở núi mà đã mở ra một chân trời như thế, đấy quả là lời
nhắc nhở chí thiết vừa đạo đức, vừa đạo lý sống trong nhân gian. Tuy vua
phải trở về triều đình, nhưng Ngài vẫn không quên việc nghiên cứu kinh
điển của Phật và thực tập thiền quán. Một hôm nhân tụng kinh Kim Cang đến
câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” Ngài liền có chỗ vào, tâm thái ngời
sáng. Nguyên chữ Hán nói đầy đủ là : “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng
trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Do nhận được lẽ chân thật này, nên về sau Ngài có viết quyển Thiền Tông
Chỉ Nam lưu lại cho hậu thế.
Sau đó, vua
thỉnh Quốc sư Phù Vân về triều và đã trình lên Ngài. Xem qua Quốc sư Phù
Vân hứa khả nói : “Đây là quyển sách rất xứng đáng”. Như vậy một ông vua
vừa lo việc nước, việc dân, chống giặc ngoại xâm, chiến thắng quân Nguyên
Mông làm nên trang sử vẻ vang cho dân tộc mà vẫn tu hành được. Đây quả
thực là một điểm son sáng ngời đáng được hậu thế soi chung.
Nối tiếp ngài
Phù Vân là Thiền sư Đại Đăng, cùng thời với vua Trần Thánh Tông. Vua Thánh
Tông là một vị vua hoàn thành việc nước xuất sắc mà vẫn am hiểu Phật pháp,
nhận được lý Thiền. Chúng ta thấy các vua nhà Trần, đều là những người
thâm hiểu Phật pháp ứng dụng tu hành. Người trốn lên Yên Tử đầu tiên là
vua Trần Thái Tông, đến người thứ ba là vua Trần Nhân Tông, đặc biệt các
Ngài đều tìm lên Yên Tử để tu.
Vua Nhân Tông,
lúc còn là Hoàng tử được vua cha gởi theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đây
là một ông quan rất uyên bác Phật pháp và ngộ lý Thiền sâu sắc, thuyết
giảng Thiền rất độc đáo. Thế thì lúc còn là một ông hoàng mà vua Trần Nhân
Tông đã được nuôi nấng ở trong đạo lý, và Ngài từng trốn lên Yên Tử tu. Có
thể nói Phật pháp đời Trần xuất phát từ núi Yên Tử, từ Thiền sư Hiện
Quang, Quốc sư Phù Vân cho đến Quốc sư Đại Đăng, những vị Quốc sư này đều
là thầy của các vua đời Trần. Trong sử có đoạn ghi vua Trần Nhân Tông trốn
lên núi Yên Tử tu, muốn nhường ngôi lại cho em, nhưng vua Thánh Tông thấy
rõ Ngài là người có đủ đức, đủ tài để lo việc nước, cho nên lên Yên Tử bắt
về và truyền ngôi lại cho Ngài.
Vua Nhân Tông
ngộ lý Thiền nơi Thầy học của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Sau một thời
gian học đạo với Thầy, cho đến ngày vua cha đòi về, Ngài hỏi Tuệ Trung
Thượng Sĩ rằng : “Việc bổn phận của người tu là gì ?” Tuệ Trung đáp :
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nghĩa là quay lại soi
sáng chính mình, đó là phận sự chính, không thể cầu bên ngoài mà được.
Ngay đó ngài liền ngộ. Như vậy khi còn là Thái tử, Ngài đã ngộ đạo rồi chứ
không phải đợi đến sau này. Nhưng Ngài làm tròn trách nhiệm của một người
có bổn phận lo cho dân cho nước xong rồi mới đi tu.
Qua hai lần
đánh thắng quân Nguyên Mông, đem lại sự hòa bình cho dân tộc. Khi nước nhà
bình yên, Ngài nhường ngôi lại cho con là vua Trần Anh Tông và lên núi Yên
Tử tu, năm đó ngài 40 tuổi. Ngài có những điểm kỳ đặc hơn các Quốc sư Phù
Vân, Đại Đăng… Những vị này đều là Quốc sư theo hệ thống của các hệ phái
Thiền được truyền thừa lâu nay trong nước. Đến Ngài thì nhận lấy những
tinh hoa của các dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường…
kết tụ lại, lập thành một hệ phái lấy tên Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó nước ta
có một phái Thiền hoàn toàn Việt Nam và Ngài là người đứng đầu khai sáng,
làm Sơ tổ của phái thiền này.
Khi còn làm
Thái thượng hoàng, Ngài có làm bài phú tựa là Cư Trần Lạc Đạo, nghĩa là
đang ở trong vòng bụi bặm trần thế, mà vẫn hành đạo, vui với đạo. Trong
bài phú này có những câu Ngài nói về Thiền hết sức thấu đáo, như :
Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ
tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Tạm dịch:
Ở
đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Đang sống cuộc
đời mà vẫn vui với đạo là bởi khéo tùy duyên, tùy duyên tức là không đòi
hỏi, không thắc mắc, tiếc nuối lo âu… đó là khéo tùy duyên. Câu “Đói đến
thì ăn mệt ngủ liền” không phải nói đói ăn mệt ngủ là chủ yếu, mà tất cả
những việc gì đến cũng giống như đói ăn mệt ngủ vậy. Việc gì cần làm thì
làm, qua rồi thì thôi, đừng nghĩ rằng mình làm đây có lợi nhiều hay ít,
lợi bao nhiêu, hại bao nhiêu. Cứ lo tính như thế làm mất đi sự trong sáng
của chính mình. Việc gì mình đã làm rồi thì tùy duyên, làm tốt thì kết quả
tốt, việc nào mình cũng vui vẻ chấp nhận.
Nói như thế
không có nghĩa là mình bất lực mặc cho số phận. Mà ở đây mình dùng trí tuệ
thấy một cách thấu đáo lẽ thật, thế thì mọi khổ đau phiền não sẽ không có
cơ hội quấy rầy mình nữa. “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, đối cảnh vô tâm
mạc vấn thiền”. Trong nhà có của báu rồi mà còn tìm kiếm gì nữa. Những gì
tầm thường không ai coi trọng, có một cái gì đó người ta quý trọng thì gọi
nó là báu. Cũng như vậy trong thân của chúng ta, cũng như ngoại cảnh bên
ngoài đều là tướng vô thường sinh diệt. Nhưng trong tướng vô thường sinh
diệt đó ngầm chứa một cái chưa bao giờ bị vô thường hoại diệt, cái đó
không báu là gì ? Cho nên ngay trong mình có của báu đó, đừng tìm kiếm nơi
nào khác. Không tìm kiếm bên ngoài thì phải tu bằng cách nào? “Đối cảnh vô
tâm mạc vấn thiền” Thấy người, thấy vật, thấy hoa, thấy cỏ ; thấy tốt biết
tốt, xấu biết xấu, cái gì ra cái đó, nhưng không dính mắc cái nào hết. Vô
tâm là không dính, không kẹt chứ không phải không biết gì.
Thiền có nghĩa
là không để tâm dong ruổi theo sáu trần. Lục Tổ ngộ câu “Ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang, vua Trần Nhân Tông cũng ngộ câu đó. Làm
sao cho tâm mình trong sáng không vướng mắc sáu trần, căn trần không đến
nhau đó là Thiền. Núi Yên Tử là chiếc nôi của nguồn Thiền Việt Nam, bởi vì
từ các vị Quốc sư, Thiền sư cho đến các vua Trần tu hành ngộ đạo, truyền
bá Thiền tông đều xuất thân tại ngọn núi này.
Đây là một bài
kệ của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông tổ khai sáng phái Thiền
Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử. Nay xin gởi đến những người bạn đồng hành, để
cùng nhau trở về điểm xuất phát dòng Thiền thuần túy Việt Nam, và người
khởi xướng là một vị vua, lãnh đạo quốc gia.
Mong rằng mỗi
người con Phật chúng ta, ai nấy cũng xứng đáng và làm tròn bổn phận của
mình, để không phụ lòng các bậc tổ sư tiền bối đã dày công gầy dựng.
“Phải trái rụng theo hoa buổi sáng
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim.”
] |