KHÔI PHỤC DÒNG THIỀN TRÚC LÂM
Dân tộc Việt
Nam trải dài cả ngàn năm Bắc thuộc mà tín ngưỡng truyền thống của giống
nòi vẫn còn nguyên vẹn. Ngót một trăm năm bị đô hộ bởi phương Tây mà dân
ta đại đa số vẫn giữ được truyền thống tín ngưỡng ngàn xưa của tiên tổ.
Đấy quả thực là một điều đáng khích lệ, đáng biểu dương cho tinh thần cao
quí của giống nòi. Người xưa từng nói : “Hết gạo hết binh nhưng niềm tin
không bao giờ hết”. Đấy một câu nói nghe qua giản dị mà nói lên được ý chí
xuyên suốt, kiêu hùng, bền vững và bất khuất.
Dân tộc ta đã
vùng lên và luôn luôn đứng vững làm nên lịch sử nòi giống, đập tan mọi âm
mưu phá hoại của bên ngoài, giành lấy quyền tự chủ độc lập, xứng đáng so
vai cùng hàng liệt quốc anh hùng trên thế giới. Lại tổ tiên ta cũng tự
biết chọn cho mình một tín ngưỡng phù hợp lòng dân, để rồi từ đó giữa mọi
người trong cộng đồng dân tộc, cùng đoàn kết thực sự để xây dựng tổ quốc.
Bấy giờ các phái thiền Phật giáo có mặt trên lãnh thổ. Đầu tiên, vào giữa
thế kỷ thứ VI phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền vào với bao nhiêu vị danh
Tăng thạc đức như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Trưởng lão La Quý An, Tăng thống
Khánh Hỷ, Quốc sư Vạn Hạnh… các Thiền sư này mở ra một con đường sáng là
trọn đạo đẹp đời. Sau đó kỷ nguyên thứ IX phái thiền Vô Ngôn Thông xuất
hiện trên cõi Đại Việt cũng với tinh thần trong sáng hài hòa, người con
Phật lòng trọn lòng yêu quê hương bảo vệ tổ quốc. Với những danh tăng như
Khuông Việt Thái Sư, Trưởng lão Định Hương và vua Lý Thái Tông… Ngang đây
có thể nói rằng các phái thiền Việt Nam đã một lần làm nên lịch sử cùng
với dân tộc này đoàn kết hòa hợp để xây dựng một đất nước Việt Nam phồn
thịnh, non sông một dải gấm vóc, đất nước yên vui thái bình. Dân tộc ta
lòng lòng phấn khởi, từ các đấng quân vương vừa gánh vác trọng trách kiến
quốc, vừa thực hiện hoài bão mở thông đạo Thánh lợi lạc quần mê.
Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam ra đời với những Thiền
sư cao khiết như Thiền sư Hiện Quang, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trúc Lâm Đầu
Đà, Huyền Quang Tôn giả… các bậc Thiền tổ này đã mở toang cửa Thánh không
chút giấu giếm. Các Ngài chỉ thẳng Phật tâm của mọi người, chỉ thẳng cái
cốt tủy của việc tu hành là “Phản Quan Tự Kỷ”, là nhận lấy phận sự chính
của mình, không hề than trách chối chạy nghiệp dĩ kiếp người. Các Ngài gõ
cửa sự đoàn kết chấn chỉnh tình nòi nghĩa nước, đào tạo một thế hệ anh
hùng, làm nên trang sử vàng son cho dân tộc. Bản môn mở đạo của các Ngài
là Trúc Lâm Yên Tử, nơi mà trước đây cao tổ của Thiền là Thiền sư Hiện
Quang đã có mặt, sống và hành đạo tại đây. Ngài cũng đã khẳng khái nói với
chúng ta rằng – Tập theo đức Hứa Do, nào biết xuân thu trước, an ổn sống
trọn vẹn, người tự tại thong dong – (Na dĩ Hứa Do đức, Hà tri thế kỷ xuân,
Vô vi cư khoáng dã, Tiêu diêu tự tại nhân). Lời dạy bảo thâm trầm này của
tổ Hiện Quang trên đỉnh Hoa Yên thuở nọ quả thực trầm hùng, đồng vọng, làm
nền tảng kiên định cho một Thiền phái Thiền tông tương lai Việt Nam ra
đời, tiếp nối công đức lợi lạc chúng sanh bằng trí tuệ siêu việt của Ngài.
Và lời Ngài dặn người sau trước khi thị tịch vẫn còn âm vang mồn một :
“Huyễn pháp là huyễn,
Huyễn tu cũng huyễn,
Hai huyễn đều không,
Là
sạch các huyễn.”
Thiền phái
Trúc Lâm chính thức ra đời vào đầu thế kỷ thứ XII. Hồi này các bậc công
khanh quốc vương, công phu sáng đạo dựng lập môn phong. Vị sáng tổ là đức
vua Trần Nhân Tông anh quân, một vị vua anh hùng sáng đạo và rời ghế
phượng loan xây dựng rừng thiền lấy Trúc Lâm Yên Tử làm tiêu bảng. Một đời
Ngài sáng đạo độ sinh, truyền xướng môn phong sung mãn. Các bậc danh đức
thạc học kế thế dòng mạch này như tổ Pháp Loa, Trạng nguyên Huyền Quang…
Thầy trò một nhà hòa tấu khúc tông phong vi vút. Yên Tử sơn, cội tùng rừng
trúc cho đến ngày nay vẫn là đỉnh cao của những tâm hồn mộ đạo cầu Phật.
Cũng từ đó, với túc duyên thâm hậu nối nấm cội nguồn tại miền Nam nước
Việt, xứ cao nguyên yên lắng, một Thiền sư ra đời trùng hưng Thiền viện
Trúc Lâm, nêu cao tinh thần “khôi phục Thiền Tông Việt Nam” làm sống dậy
một tông phái Thiền vốn đã rạng danh một thời, mà cũng đã mai một từ bao
thế kỷ trước. Có thể nói, đó là đặc điểm Thiền học Việt Nam của một thời
đại.
Ngày Thầy quảy
gậy lên non, bóng Thầy ngả dài theo lịch sử truyền thừa Phật giáo Thiền
tông. Một thời cơ chợt hiện, như ánh đuốc trong đêm tối tỏa sáng mênh
mông. Pháp âm lưu bá, sức sống Thiền tông vùng dậy làm tông bản, nơi
ngưỡng mộ của mười phương nạp tử. Chính đây với những năm tháng miệt mài
công phu của hàng nạp tử trong tông môn đã hứa hẹn một tương lai rực rỡ
“Sáng đạo giải quyết việc sanh tử của mình”.
Tại Thiền viện
Trúc Lâm, các Thiền sinh luôn phấn đấu công phu thực hiện hoài bão làm
người xuất gia đệ tử Phật xứng đáng, để chống vững ngôi nhà Phật pháp và
tương lai làm lợi ích cho chúng hữu tình. Ở đằng xa, lòng ngưỡng mộ các
bậc thượng đức này, tôi ước mong Phật pháp sáng tỏ, Tam bảo gia hộ, việc
lớn viên thành. Tất cả chúng tôi đồng phát nguyện “Thắp sáng ngọn tâm đăng
Phật tổ”. Vì thế với chúng tôi thì, Thiền viện Trúc Lâm là một nhân tố
quan trọng của người con Phật ngày hôm nay, là viên đá đầu tiên đặt trên
nền tâm linh của mọi người con Phật, với quyết tâm duy nhất là khôi phục
lại ngôi nhà Thiền tông. Và tinh thần khôi phục Thiền tông Việt Nam, bước
đầu đã hình thành trên hướng trình khai mở chỗ tăm tối còn đọng lại trong
lòng chúng ta, tiếp tục thắp ngọn tâm đăng Phật tổ làm thuyền bè cho mọi
chúng sinh còn đang đắm chìm giữa biển khơi.
Chính vì vậy,
chủ trương dựng lại năng lực vô tận của mình, để rồi không còn phải lang
thang chạy rong tìm kiếm bên ngoài nữa, để cắt đứt những phút giây phiêu
bồng trôi giạt quả là khó khăn vô kể. Nơi đây dừng lại mà sống, mà nhận
lại mặt mắt thật xưa nay của mình. Có nhìn tận, thấy thực rồi mới yên lòng
dừng bước lang thang, thôi làm người khách phong trần phiêu lãng.
Sống thực,
thấy thực, tự mình quan tâm và nhận ra sự chắc thực của chính mình nơi mọi
sự kiện, và cũng từ đó, ta có cơ hợi hồi đầu nhận lại nguyên vị chân nhân
của mình. Người xưa nói : “Cái khố xưa cha mẹ sinh vẫn còn ấm” cái này nó
đơn sơ, binh thường và cũng rất giản dị. Nó không giấu giếm một ai, và
cũng không bao giờ khuất lấp với riêng ai. Tuy nhiên, bao giờ ta chịu dừng
bước lăng xăng thì cái ấy tự hiện, ta mới sáng mắt với mọi vấn đề. Còn thì
chưa nhận ra, ngàn muôn năm cứ vẫn dùi mài khác nào rùa mù, bộng nổi.
] |