XUÂN TRONG TÔI

Tác giả: Thượng Tọa Thích Nhật Quang

GIỮ MÌNH ĐỂ TU

Thời gian gần đây, chúng tôi có những cảm nhận trong công phu tu hành thế này. Có những điều tuy thấy rất đơn thuần, nhưng khi vào việc lại không đơn thuần tí nào hết, và rồi cuối cùng chúng ta sanh phiền não. Thế nên chúng tôi muốn nói với tất cả huynh đệ về việc Giữ mình để tu.

Đa số những sự kiện chung quanh chúng ta là những vấn đề bình thường như đất. Nhưng không hiểu sao trong sinh hoạt, đụng tới nó là mình vướng, sanh ra va chạm phiền não. Điều này phát sinh là từ công phu của chúng ta còn yếu, không vững, nên ta chưa thể mạnh dạn vượt qua. Nếu còn chút đạo lực, khắc phục vượt qua thì ta có thể lấy lại đà tiến, còn như sức khắc phục quá suy kém, phiền não tồn đọng lâu dần sẽ thành u xơ, khiến thân tâm chúng ta băng hoại, khó có thể tăng tiến công phu được.

Quí vị có bao giờ tự hỏi “không biết chừng nào mình hết phiền não, làm sao trị được phiền não, hóa giải được phiền não?” Đôi khi chúng tôi tự hỏi mình như vậy. Cho nên nói đến tu, nói đến hạ thủ công phu, nói đến giữ mình để tu, quả thực nó là một vấn đề sống. Từ đó chúng ta cũng có thể hiểu thiền là một sức sống. Người đủ lực thì hay hóa giải mọi thứ bất an bất ổn chung quanh mình.

Ở đây nói giữ mình để tu, thì trước nhất là làm sao giữ được những va chạm, những góc cạnh khiến chúng ta dễ sanh phiền não. Mọi người thường nói liền miệng: Tôi làm như thế có phiền anh, chị không? Đa số ai cũng cảnh giác như vậy, nhưng rồi ta cứ luôn bị phiền não. Do đó sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày không tươi tắn, mà nó vàng héo, tiều tụy, yếu kém, như những người bị bệnh thần kinh vậy. Cho nên tu là giữ mình đừng bị phiền não, đừng bị u mê làm khổ sở. U mê là gì? Chữ “Mê” là không sáng, là quên đi, là lầm lẫn; chữ “U” là tăm tối. Hai thứ không sáng và tăm tối dồn lại như thế, coi như chúng ta bị bít rịt, không còn một lối thoát nào nữa. Có lúc nào đó quí vị ngồi lại sẽ thấy, ta như bị nhốt trong một cái khung thật tăm tối, muốn vượt ra nhưng vượt không nổi.

Phật tổ nói ta có tính giác, có thể thoát ly sanh tử, có thể làm chủ được tất cả. Nhưng rồi nhìn lại ta bị thân này, tâm này, cảnh này, tình thương, sự nghiệp… bu bám cả đời, không lối thoát. Cả ngày mình rối nùi trong mớ bồng bông, nào ăn nào nghỉ, tiếp khách, nói chuyện, công kia việc nọ… dầy cộm những thứ bóp nghẹt hơi thở cuộc sống của chúng ta. Ngồi thiền một ngày hai lần, một lần một tiếng rưỡi hoặc hai tiếng đồng hồ, vẫn chưa đủ sức để trị liệu phiền não, để mở toang cánh cửa u mê, hất tung những thứ đó ra ngoài. Đôi khi ngồi vừa yên lặng, thì thân này mệt mỏi, chúng ta lại ngừng nghỉ, thoái lui. Do vậy nên giữa mình với phiền não cứ thù tạc qua lại nhau hoài. Có khi tranh đấu quyết liệt, một mất một còn, nhưng cũng có khi hòa vui trở lại. Thế nên cuối cùng phiền não vẫn còn nguyên đó, chứ không mất chút nào hết. Nếu phiền não mất thì chúng ta đã thành Phật rồi, bởi còn nên mình làm chúng sanh hoài.

Cho nên trong công phu tu hành hằng ngày, cần phải có sức phấn đấu. Từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, lúc chuẩn bị đi ngủ cho đến khi thức dậy, luôn luôn có sức phấn đấu. Ví dụ hôm nay ta làm việc rất nhiều, trong bụng lại không có thức gì để vào từ hồi sáng cho tới bây giờ. Đến trưa lên bàn ăn thì nhà bếp lại nấu cơm thiếu hoặc cơm sống. Quí vị thấy dễ giận không? Cho nên nói chúng ta phải luôn luôn phấn đấu là như vậy.

Cõi Ta-bà là cõi kham nhẫn, sự sống của chúng sanh nơi đây luôn kham nhẫn, phải chấp nhận khổ khổ, bởi vì không có gì vừa ý trăm phần trăm hết. Nếu chúng ta không phấn đấu thì có ngày mình đá đổ mâm cơm, quăng cái chén hoặc nổi khùng lên, đủ thứ chuyện. Tôi muốn nói giữ mình để tu là giữ mình đừng có khùng lên. Giữ mình bình thường để biết tất cả những thứ đó là đồ bỏ, nó trêu mình chơi vậy thôi, không có gì quan trọng. Mình nổi nóng lên là thua rồi. Làm sao sống giữa những cảnh bất như ý, chúng ta vẫn luôn bình an, tự tại. Như vậy mới tiến được tới chỗ an nhiên, giải thoát. Không có sự giác ngộ giải thoát từ ngoài cuộc sống này đem tới. Chúng ta phải biết từ những mắc mứu trần ai mà ta hóa giải hết, giữ tâm bình thường, đó là thành công.

Tu như thế là tu pháp gì? Không có pháp gì hết. Như tôi đã nói, quí vị không thể tụng kinh nào kịp để ngăn dừng phiền não một khi nó ùng ùng kéo tới. Những bức xúc, nóng nảy, bực bội, tức tối… nó đến bất kỳ lúc nào và ở đâu. Chúng đến nhanh hơn nhiều so với thời gian ta tìm kinh để hóa giải, đem kinh tới là không kịp, là thua rồi. Ngồi thiền chưa kịp kéo chân lên là đã nổi giận rồi. Có khi suốt thời thiền chỉ thấy bất an, phiền não không tu được gì hết. Người tu thiền mà cứ như thế, không hóa giải nổi, thì không gọi là tu thiền.

Cho nên làm sao chúng ta giữ mình đừng để bị lầm mê, mới có thể vượt qua tất cả những phiền não. Thật sự phiền não từ trong chúng ta mà ra, chớ không phải từ bên ngoài tới. Cho nên phiền não là gốc của sanh tử luân hồi, là gốc của mọi vấn đề bất an bất ổn, khiến ta không tu hành được. Phiền não vốn không thật có, nhưng nếu chúng ta không tỉnh giác, nếu đủ duyên thì nó sẽ dấy khởi làm rối loạn, làm mất đi trật tự an toàn cho sự tu hành. Khi nào chúng ta hoàn toàn làm chủ được, không bị mắc mứu bởi những thứ gì thì phiền não mới rút lui. Chứ ta còn thấy, còn nghe, còn những cảm nhận gì gì đó thì khó mà không có phiền não. Khi ta không đủ sức làm chủ thì nó gây trở ngại cho bước tu tập của mình. Một giấc ngủ yên không khi nào phiền não len lỏi vào được. Nếu chúng ta muốn có một giấc ngủ yên thì xin quí vị đừng để phiền não vo ve mãi trong đầu, phải vất nó đi thì mới ngủ được.

Trong kinh nói phiền não tương tợ như một loại lửa than, nó nung nấu thiêu đốt tâm của chúng ta. Quí vị thấy rõ ràng, một chút phiền não tới thì gương mặt chúng ta bất thường, cử chỉ bất thường, ngôn ngữ bất thường. Từ đó gây đủ thứ chuyện để chúng ta loay hoay lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Nên nhớ phiền não kéo dẫn chúng ta đi xuống, chứ không bao giờ đi lên. Cho nên chỗ Phật, Bồ-tát ngồi không có phiền não, do vậy gương mặt các ngài luôn tươi tắn. Những hình thức bên ngoài cũng phần nào thể hiện được trong nội tâm đã bình ổn hay chưa.

Chúng ta bị thúc đẩy quá nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Sở dĩ như thế là do mình không làm chủ được. Ngoại duyên đẩy tới cũng được, thúc lui cũng được, đàng nào cũng được hết, chúng ta không phải là loại bất động nên thiên hạ làm gì cũng được hết. Mình giống như cái trống, ai đánh cũng kêu thùng thùng. Sở dĩ nó kêu thùng thùng là vì bên trong bọng. Bây giờ làm sao chúng ta cho nó đầy lại, đừng để bọng rỗng như cái trống, nếu để như thế thì ai đụng tới nó cũng khua hết. Đầy là đầy cái gì? Đầy sự thanh tịnh, đầy đạo lực. Nói như thế là một cách nói, chớ sự bình an thanh tịnh đâu phải là cái gì mà đầy. Tuy nhiên đạo lực đã đầy thì tất cả phiền não lui hết, sự thanh tịnh trong tâm mới hiện bày. Việc này đòi hỏi nơi sự nỗ lực của mỗi chúng ta.

Tóm lại, chúng ta phải giữ mình làm sao đừng u mê, đừng lầm lẫn, đừng mắc mứu bởi những sự kiện chung quanh thì sẽ gỡ rối và giảm thiểu dần những bất an bất ổn. Phiền não sẽ hết, bởi vì phiền não vốn không, chúng sẽ không làm gì được ta nếu mình không lầm nó. Có người lý giải thế này: Ở niệm đầu chúng ta bị phiền não, nhưng sang niệm thứ hai, chúng ta làm chủ được, không bị phiền não lôi dẫn nữa. Nói chiến thắng trong niệm thứ hai, thứ ba thì qua mất rồi, muộn rồi, đâu thể gọi là làm chủ được. Tuy nhiên như thế, sự tỉnh thức có mặt lúc nào là ta an ổn lúc đó. Ta không làm chủ hoàn toàn như chư Tổ, nhưng mình tập làm chủ từng phần. Niệm nào mê thì mê, niệm nào tỉnh thì tỉnh. Còn hơn là mê suốt mặc tình cho phiền não lôi đi đâu thì đi. Đây là lời nhắc từ những kinh nghiệm của những người đi trước. Các ngài dặn chúng ta phải gắng tự làm chủ lấy. Việc đó không thể ỷ lại, không thể trông cậy vào người khác, mà tự mình phải làm chủ, tự mình gắng sức. Lúc đầu thua, sau đó phải thắng; lúc đầu hơi mờ mờ, sau đó phải sáng; lúc đầu chưa tự chủ được, sau đó phải tự chủ được. Đó là cách thức tu trong giai đoạn thực hiện công phu.

Nên biết tâm còn phiền não thì còn khổ đau. Ở chỗ giác ngộ hay bến bờ giác ngộ thì không có phiền não. Không có phiền não thì hết đau khổ. Là người tu hành, hơn ai hết chúng ta phải xốc xáo kiểm nghiệm những vấn đề này. Chúng được thể hiện rõ ngay trong từng hơi thở, trong cuộc sống của chúng ta. Ta đang ngồi tu, đang tụng niệm, đang làm việc, ta thừa biết phiền não tồn tại trong ta như thế nào và ta cũng biết rõ chính phiền não là gốc của khổ đau. Biết rõ như vậy nên ta giữ mình. Giữ mình bằng đạo lực, giữ mình bằng giới tuệ, giữ mình bằng tất cả những kinh nghiệm tu hành thường ngày. Bằng những năng lực ấy chúng ta có thể ngăn chặn được mọi khổ đau. Từ nhiều kiếp rồi chúng ta bị khổ đau thật nhiều, nên kiếp này hãy vất bỏ chúng đi. Nặng nề lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi, không cần đeo mang nó nữa. Chúng ta phải luôn luôn tâm niệm như vậy.

Muốn thế, huynh đệ phải dè dặt trong từng li từng tí. Không phải nói như thế là mình bình yên ngay đâu. Phiền não không có tha ai hết. Nó hoang đến độ ta ngồi như ông Phật mà nó cũng tới quậy mình nữa. Không ai muốn có phiền não, cho nên phải nhớ giữ sự tỉnh giác, để phiền não không có cơ hội ló đầu lên quậy chúng ta. Bây giờ giữ làm sao? Chúng ta luôn luôn bị chao đảo, mất thăng bằng là vì để ngoại duyên chi phối nhiều quá. Con người có bệnh luôn hướng ngoại, ít ai chịu xoay lại mình, phiền não từ đó phát sanh và lấn áp lại mình. Vì thế  chúng ta mất tự chủ, mất mình.

Như buổi sáng hôm nay, ta vừa kéo chân ngồi thiền với tâm niệm vững vàng, biết rõ phiền não là gốc của khổ đau, do vậy không chấp nhận phiền não. Nhưng ngay từ phút giây đầu cho tới chuông báo xả thiền, phiền não luôn tới thăm viếng mình. Chúng cứ thập thò, đứa vô nhà, đứa đứng ngoài cửa. Có đứa chưa vô được, còn đứng ngoài cửa canh ta sơ hở, có đứa bị mình hất nhào chổng  gọng, có đứa vô nhà được rồi, nó đứng sát bên mình, có đứa nhập vô mình luôn… Một hồi hơi là ngà mất cảnh giác thì phiền não tức là mình, chứ không phải phiền não tức Bồ-đề.

Có người đang gõ mõ tụng kinh, nghe ai chửi mình liền ngừng mõ chửi lại. Đang ngồi niệm Phật nghe mấy đứa nhỏ chọc nó phá này kia thì hắng giọng bảo: “Bà đang tu, bà đang niệm Phật nghe con. Lát bà nghỉ thì chết à!”. Không ít Phật tử chúng ta đã tu như thế. Phật tổ dạy hết lời hết ý “Phiền não không thật, phiền não vốn không, mọi thứ đều là giả tạm”. Chúng ta không đem theo thứ nào được hết, không giữ gìn được thứ nào hết. Những gì mình gầy dựng dù to lớn, quí báu đến đâu nó vẫn không thật, nó sẽ không còn mãi với mình. Như vậy đeo mang chúng làm chi cho khổ đau?

Như tôi rất thích những cây kiểng. Có nhiều gốc nguyệt quế hằng mấy chục năm tuổi, nó ta bà thế giới ở đâu tận miền đông miền tây, được khiêng về đây, chăm bón thêm một thời gian khá lâu nữa, uốn qua uốn lại cong tới cong lui, giữ cho gốc to, đầu nhỏ… Tôi có bao giờ muốn nó khô chết đâu, nhưng bất thần một buổi sáng ra thăm, thấy nó buồn buồn hết một nhánh. Thầy trò tìm kiếm hết sức, coi có con sâu nào chơi xấu đục thân nó không? Tìm không ra. Thế là ngày sau ảnh rũ rượi và lăn ra chết. Có gì đâu, nó cũng như mình thôi, tất cả đều tuân theo định luật vô thường, có sanh thì có diệt. Đứng trước những sự việc tất yếu như thế mà buồn đau thì có lợi ích gì. Chúng ta biết rõ thế thôi, giữ tâm bình thường. Đó là tu.

Cho nên chúng ta nhớ, phiền não là cái không cần thiết, vì nó không thật. Bến bờ giác ngộ không có phiền não. Chúng ta phải hiểu như vậy thì tu pháp nào của Phật cũng thành công hết. Đừng tưởng mình tu sơ sơ hoặc nhớ Phật là Ngài đem ta về nơi nào đó được yên ổn, không có đâu. Phải giác ngộ thực sự, chớ hồi này giác, hồi kia không giác, Phật cũng không thể cứu mình nổi. Nếu Phật có khuân chúng ta đem qua bên kia, mà mình nổi khùng lên thì không biết phải chất vô cái contener nào để đem trả về nữa. Việc tu hành cần phải có đạo lực thực sự mới được.

Chúng ta có bệnh muốn tất cả sự vật, hoàn cảnh bên ngoài phải theo đúng ý mình. Như một cái cây đang phát triển lớn mạnh như thế, ta muốn làm ngắn lại nên đùn nó vào một cái chậu nhỏ. Nó đang suôn, ta muốn nó cong queo xù xì. Đau đớn nó biết là bao nhiêu. Cái đầu của mình, cái quan điểm của mình để vào trong da thịt của nó nhiều quá thành ra mất hết cả hai. Rõ ràng những gì ta thích thú hoàn toàn không cần thiết, hay nói một cách thẳng thắn hơn là không nên như vậy.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cái nhìn sai lầm của mình đối với tất cả sự vật bên ngoài. Ngoài đời người ta nói nghệ thuật, kỹ thuật v.v… nên phải làm như thế. Như bây giờ quí vị thấy có trái cây mùa nghịch, chớ như hồi bà già của tôi, cách đây vài mươi năm, làm gì có trái cây mùa nghịch. Mùa nào trái nấy thôi. Vì muốn chìu theo lòng ham muốn của con người, nên thiên hạ chế biến đủ thứ. Đôi khi sự chế biến ấy khiến cho sự vật phải chịu thương tổn khá nhiều.

Tôi mới đi Bến Tre, thấy đợt nhãn này vừa chín tới thì đợt nhãn khác có bông, chôm chôm hái chưa hết thì chôm chôm có bông nữa. Thật là đặc biệt. Nhưng xin thưa, nói theo kiểu người tu hành, những sự việc ấy làm cho con người vất vả nhiều lắm. Tôi không dám nói là sai, nhưng thực sự những thay đổi bất thường kéo theo một chuỗi những kết quả cũng bất thường. Thành ra khi chúng ta nhìn sự vật một cách sai lầm, sinh ra những tư tưởng sai lầm thì sẽ dẫn đến những sai lầm về nhân quả.

Bởi con người có thể tác tạo được sự vật theo ý muốn của mình, nên họ không cần đến luật nhân quả. Từ tâm niệm đó dẫn đến lỗi khinh xuất luật nhân quả, làm mất đi cái chuẩn nhân quả. Một khi con người đã không tôn trọng luật nhân quả thì nguy hiểm vô cùng. Cho nên đối với người tu chúng ta phải cần thận trọng đối với luật nhân quả. Làm chi thì làm vẫn phải giữ đúng luật nhân quả. Làm được cái nào thì hay cái nấy, chớ đừng tự hào tôi có thể sắp xếp mọi thứ theo ý muốn của tôi, như vậy e không tốt đâu. Chúng ta không thể khẳng định được các pháp phải thế này thế kia, bởi vì chúng luôn thay đổi theo duyên, luôn sanh diệt theo luật vô thường. Vì thế luôn sống với trí tuệ, hằng quán sát thật tướng của sự vật để không bị lầm lẫn dẫn đến phiền não khổ đau, là thái độ sống đúng với chánh pháp của người con Phật.

Những thứ phiền não sanh khởi từ việc xem thường nhân quả nguy hiểm vô cùng. Khi nó xảy ra dẫn đến những bất an bất ổn, khổ đau vô cùng vô tận. Với người tu chúng ta cũng còn phiền não, nhưng nó nhẹ hơn người đời nhờ vào năng lực tu hành của mình. Chư Phật thường dạy “phiền não không thật”. Nhất thời ta nhìn phiền não, chưa thấy nó không thật, nhưng hướng tu hành của chúng ta tiến đến là phải thấy rõ phiền não không thật. Đó là mục đích chính của người tu.

Thêm một điều nữa, như nói tất cả các pháp ở thế gian đều không thật. Bây giờ chúng ta chưa hoàn toàn triệt để nhìn thấy như thế, nhưng trên đường tu, với người thực sự có công phu, có hành trì, nhất định sẽ đến giai đoạn ấy thôi. Dù chậm dù mau, ta thực hiện đúng như lời dạy của Phật tổ thì kết quả tuệ giác phát sanh và ta thấy rõ được thật tướng của muôn pháp. Sự tu tập của chúng ta là như vậy. Cho nên dù hiện tại, giả như huynh đệ có người nào đang bị phiền não phanh phui, cấu xé, nó làm điêu đứng khổ sở vô cùng, nhưng bản thân huynh đệ đó cũng biết rõ phiền não không thật, nhất định là như thế.

Chúng ta phải tu tập để lắng yên phiền não. Cụ thể chúng ta phải buông bỏ, phải làm chủ được mình trong sinh hoạt thường nhật. Hòa thượng ấn định mỗi ngày mỗi đêm chúng ta phải có bao nhiêu thời gian để hành trì, để giữ vững sự tiến tu, với mục đích hóa giải được, buông bỏ được tất cả những thứ phiền não đó. Nhất định việc làm của chúng ta phải đi thẳng theo hướng ấy, chứ không có con đường nào khác. Nếu chúng ta có niềm tin như vậy, có pháp hành như vậy, dù hiện tại gặp phải những trở ngại, mình cũng vui vẻ phấn khởi, vì biết rõ nó không thật, rồi tất cả sẽ qua đi. Nhờ hiểu thấu như vậy, chúng ta nỗ lực phấn đấu, cuối cùng cũng tiến được.

Bây giờ trong giấc ngủ quí vị lắng dịu phiền não bằng cách nào? Có người không lắng dịu mà còn tăng cường nữa. Vừa muốn suy nghĩ gì đó, quí vị gác tay lên trán, mở quạt máy lên cho êm dịu để mà suy nghĩ, theo dõi coi hồi sáng giờ mình làm gì, nói gì. Đó là một cách tăng trưởng phiền não. Ngay những lúc ấy, quí vị ngồi dậy đốt nhang lạy Phật, rồi nói với phiền não “cấm không cho mày tới cửa tao nữa”. Sau đó, ngồi thiền nhìn trừng trợn lên, làm dữ lên coi có phiền não nào dám vô không? Vô sao được, con mắt mình mở thao láo, trước mặt mình là Phật, là ánh sáng làm sao vô được. Chỉ khi nào quí vị lờ mờ, sự tỉnh giác yếu đi thì nó mới tấn công.

Có thể nói cách lắng dịu là một thủ thuật của công phu tu trong sinh hoạt đời thường. Quí vị nấu ăn, tiếp khách, làm việc, ngồi thiền, tụng kinh, với tất cả những sự liên hệ chung quanh bạn hữu, làm sao cố gắng làm chủ, đừng bị động bởi bất cứ thứ gì hết. Giống như ta đi qua đường, qua rồi thôi, không lưu lại vết tích. Khi cảm nhận như vậy, có cái nhìn như vậy chúng ta thấy vui lắm. Suốt một buổi sáng, huynh đệ làm việc cho tới trưa, rửa tay rửa mặt, lên quá đường dùng cơm, quí vị kiểm lại, từ hồi sáng tới giờ ta không lưu lại dấu vết gì trong ngực trong bụng mình. Bây giờ cái bụng trống rồi, để vào đó một ít thức ăn, nó sẽ tiếp nhận dễ dàng và tiêu hóa bình thường. Chiều lại huynh đệ cũng bắt đầu công việc một cách bình thường. Do vậy nên tối, mình lễ Phật bình thường, sau đó ngồi thiền tụng kinh bình thường. Ngồi thiền tụng kinh xong rồi đi kinh hành, bình thường. Sau khi đi kinh hành rồi, chúng ta vào nghỉ ngơi, nằm theo thế kiết tường, thở điều hòa, thoải mái. Như vậy chắc chắn quí vị sẽ có một giấc ngủ an lành.

Tới giờ thức dậy, quí vị cũng bắt đầu làm việc bình thường. Phiền não không có chỗ vô. Không đứa nào xâm nhập mình được hết. Lúc đó chúng ta tỉnh sáng bình yên rõ ràng, không có bất cứ một lầm lẫn hay niệm nào tăm tối hiện đến. Cho nên khi tất cả phiền não lắng yên, bấy giờ tất cả giác quan của chúng ta sẽ thanh tịnh. Giác quan là những gì? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Quí vị có thể thấy người không có phiền não thì hình dung của họ tươi tắn lắm.

Hồi mới vào đạo, chúng ta được học với thầy những điều này, nhưng do năng lực, trí lực của mình chưa hoàn chỉnh nên cái hiểu nhận của chúng ta chưa thấu đáo. Một lúc nào đó, qua quá trình tu hành nhiều năm, công phu phát triển cộng với sự hướng dẫn của thầy, hòa nhập với kinh nghiệm của mình, nhất định chúng ta sẽ thấy rõ lợi ích thiết thực và lớn lao của nó. Nói như thế có hơi lệch với cái nhìn của nhà thiền. Nhà thiền là trực chỉ, trực ngộ, thẳng đó là như vậy, hồn nhiên như thế. Nhưng xin thưa, hành giả trước khi đến được giai đoạn đó, cũng phải qua một quá trình tu hành nỗ lực mới được.

Nếu chúng ta muốn cho những dây mơ rễ má phiền não không làm gì được ta, thì tự chúng ta phải chính chắn. Dù chưa thành Phật thành Tổ, nhưng pháp hành của chúng ta đúng đắn rồi, thì có thể tháo gỡ được mọi phiền não gây ngổn ngang cho sự tu hành của mình. Chúng ta có thể hóa giải được tất cả nếu hiểu biết và thực hành đúng đạo lý. Thành ra tư tưởng đúng đắn thì tránh xa mọi sai lầm, không khởi ý tham tưởng dục lạc. Đối với các vật dụng, ta an nhiên bình thường, sống và nỗ lực tu dễ dàng. Được vậy tức là chúng ta đã giải thoát được những cố chấp, những cù cặn trong tâm. Là con Phật mà lọt vào thế cố chấp, cố thủ, không tháo gỡ được thì thật là nguy vô cùng.

Cho nên ở đây tôi nhấn mạnh đến sự nỗ lực tu hành. Nỗ lực tu hành để làm gì? Để sống thực với tinh thần viễn ly tất cả, cứu kính Niết-bàn. Vị trí các pháp là như thế, trả lui hết. Chúng ta không uốn nắn, không bẻ cong, không có nhìn như vầy như khác. Cây mùa này lá xinh, chúng ta không có quyền bắt nó phải lá úa, nó cao lớn năm mét, ta không có quyền bắt nó ba mét, hai mét. Chúng ta không có quyền năng bắt buộc như vậy. Đổi được, bỏ được, cởi được những tâm trạng như thế thì phiền não vơi đi. Ta cứ cầu Phật cầu Bồ-tát cho con được giác ngộ, hết phiền não, an ổn, mà ta cứ đem vô trong mình những thứ phiền não thì Phật, Bồ-tát nào có thể phá vỡ cho được.

Có nhiều vị hồi bốn mươi, năm mươi tuổi, muốn thể hiện quyền uy tiền của một cách tuyệt đối, nên lúc nào họ cũng cảm thấy bất an. Cái gì đối với họ cũng không được hết, họ rầy rà thế này thế khác. Nhưng qua đó một thời gian, tới lúc có cháu nội, cháu ngoại, cháu cố… tự nhiên họ cởi mở. Bấy giờ có thể ngồi nói chuyện một cách hồn nhiên với những đứa bé chạy lửng tửng té lên té xuống, nghe nó nói lõm bõm ông nội bà ngoại gì đó, không ra chi hết, cảm thấy vui vui. Lúc cởi mở được như vậy thì đã trải qua không biết bao nhiêu va chạm trầy da tróc vảy rồi. Trong đó phạm cũng không ít sai lầm.

Quí vị nghĩ xem như có người mua cho con chiếc xe Dream chạy 200 km/h. Tôi nói giả dụ như thế. Sắm xe Dream với vận tốc 200 km/h nhưng biểu nó chạy 50 km/h thôi. Do đó nó than phiền ông bà già tôi thật là lỗi thời, chạy 50 km/h thì sắm xe chạy 50 km/h thôi. Cái xe để chạy 200 km/h mà biểu người ta chạy 50 km/h. Mình chạy chừng trăm mấy thì bị rầy, sướng không? Quí vị nghiệm lại xem cái rầy đó mình trúng hay tụi nó trúng. Tụi nó nói: “Con chạy chưa hết ga mà ba, nó để tới hai trăm mà con chạy mới có trăm mấy”.  Quí vị thấy, chưa chắc cái rầy của mình là trúng. Nhiều thứ khác cũng như thế. Nên cuối cùng mình nhìn cho thật kỹ, thật là bình thường, các pháp cứ theo duyên lưu chuyển. Nghe con nó nói như thế, quí vị chỉ cần “Thế à!” là xong, cần gì phải phiền não?

Tu là trong tâm phải có sự cởi mở, cái nhìn phải chín chắn. Từ đó, dây mơ rễ má, gốc gác của phiền não sẽ giảm. Tôi nói giả dụ như trong Thiền viện 11 giờ thọ trai, 12 giờ chỉ tịnh. Thế thì từ 12 giờ cho tới 1 giờ, từ ông thầy lớn cho tới ông thầy nhỏ phải nghỉ ngơi, không có việc gì khác. Nhưng hai ba bữa nay, giờ chỉ tịnh tôi thấy ông Tri sự vác xe Honda của chùa chạy ào ào. Nếu thắc mắc tôi sẽ càm ràm tại sao giờ chỉ tịnh mà ông thầy này chạy ào ào ngoài trời. Nhưng nếu xét lại, chắc có việc gì bận lắm nên ổng mới bỏ ngủ chạy sảng như thế. Nếu không tội gì giờ này chạy ngoài trời nắng chi cho cực. Ít khi nào chúng ta cảm thông với người khác, cho nên ta tự chuốc lấy phiền não và làm cho mọi người chung quanh cũng khổ theo.

Người xưa thường dạy với mình thì phải nghiêm khắc, với người phải khoan dung. Trái lại chúng ta nghiêm khắc với người, khoan dung với mình. Giờ nghỉ trưa ta ngủ, không biết sự việc ra sao, nghe ông thầy chạy ngoài kia liền phiền não lên: “Giờ này mà tại sao chạy xe như vậy.” Chúng ta ít có sự cảm thông với người quá. Tôi nói như thế không có nghĩa là phá luật đâu, mà thực ra muốn nhắc nhở chúng ta phải tùy trường hợp xét nét, không nên quá cố chấp mà gây đau khổ cho mình và người. Việc nào nên giữ đúng luật thì giữ, còn gặp những trường hợp ngoại lệ, chúng ta không nên cố chấp. Như vậy những phiền não, những mắc mứu cuồn cuộn mới có thể tháo gỡ được.

Thêm một điều nữa, người tu hành phải nhẫn nại, chịu đựng mới yên được. Ví dụ mỗi đêm mình giăng mùng ngủ, không giăng mùng thì muỗi cắn chết. Nhưng có hôm giăng mùng, tấn mùng thật kỹ, không hiểu sao mới vừa nằm vô có con muỗi vo ve ở lỗ tai. Chẳng hay ảnh lẻn đi ngã nào mà tài tình vậy? Nhưng ta cứ kệ, vo ve thì vo ve, mình lấy đồ trùm lỗ tai lại ngủ. Bất quá nó cắn một bụng thôi, chứ có rủ thằng khác vô nữa đâu mà sợ. Mà nếu nó có rủ thêm vài thằng nữa cũng không sao, tụi nó cắn đâu có hết máu mình nổi. Tôi có kinh nghiệm rồi, nó cắn no thì kiếm chỗ ngủ, không vo ve nữa. Tới sáng thấy nó no đầy, đi hết nổi luôn. Lúc đó muốn hất nó đi đâu, nó cũng chịu thôi, không phản đối tí nào cả. Nhưng nếu đầu đêm, nghe nó vo ve, mình nói “mày vo ve tao ngủ không được” rồi mình đập nó. Thế là càng tức càng đuổi theo nó thì càng ồn cho mình, cuối cùng nó cũng thoát thôi. Trong cuộc đời này, những việc chút chút như vậy cũng đủ làm cho phiền não đầy tràn. Vì thế chúng ta luôn sống trong bất an bất ổn. Cho nên người tu phải có sự nhẫn nại. Nhẫn nại là một đức tánh rất quan trọng. Trong lúc ăn, lúc nghỉ, lúc làm việc… phải có sự nhẫn nại thì chúng ta mới thành công. Cho nên đức nhẫn nại không thể nào thiếu được.

Thêm điều này nữa, trong giai đoạn mới công phu, chúng ta nên tránh bớt duyên cảnh để giảm thiểu phiền não. Điều này tất cả chúng ta phải ghi nhớ. Mình chưa làm chủ được mà cứ cụng đầu với phiền não hoài thì không làm sao hết phiền não được. Phải tránh phiền não, tránh bằng cách nào là tùy mình. Đây là phát minh phát kiến của mỗi người. Do sự kiện phát sinh chung quanh công phu tu hành, mà chúng ta có được thủ thuật riêng. Cho nên trong mỗi chúng ta, người tu thì phải có đức nhẫn nại, có cái nhìn thống khoáng, có sự bao dung. Muốn cho công phu tu hành tăng tiến thì phải có sức làm chủ, khó với mình, khoan dung với người. Cuối cùng phải biết mình biết người, biết tránh duyên mới yên ổn được.

Ví dụ như quí vị biết bữa nay huynh đệ có tiệc tùng, thức ăn ngon, mình là khách được mời. Biết bụng mình mấy bữa nay hơi đau, được mời tới đó, dù thức ăn hợp khẩu vị nhưng mình cũng ăn vừa phải, cười vừa phải, nói vừa phải, vui vừa phải thôi. Để làm gì? Để cái bụng bình yên, nó không quá tải. Bữa nay là ngày vui vẻ, nhưng vui vẻ trong giới hạn đạo đức nên vui vừa phải thôi. Không đến đỗi phải cười sặc sụa, cười đến độ nín thở, chết luôn. Cho nên vui quá cũng không ổn, buồn quá cũng không ổn, ăn nhiều quá cũng không ổn, đói quá cũng không ổn, cái gì vừa phải là tốt. Mức độ công phu trong thế quân bình là yên ổn nhất, tăng tiến nhất.

Tóm lại, người tu phải sáng suốt, không để cho những cù cặn bất an bất ổn nhiễu loạn chúng ta. Khẳng định như thế rồi thì ta phải làm sao cho nó lắng yên, các giác quan thanh tĩnh. Những tiếp cận chung quanh là tiếp cận trong tri thức, vừa phải, điều độ thì chúng ta sẽ được bình yên, công phu sẽ tăng tiến. Kinh nghiệm này sẽ giúp cho quí vị đủ sức hướng dẫn lại người sau. Cái khéo là ở chỗ đó. Từ sự xây dựng, từ cách sắp xếp trong công phu tu tập, chúng ta sẽ thành công bằng sự sáng suốt qua hiểu biết đạo lý. Chúng ta cảm nhận được sự hướng dẫn của bậc thầy tổ vô cùng quí báu. Nhất là từ tâm tha thiết tu hành chân thật của chúng ta, dù tu chậm tu mau gì, nhất định phiền não cũng sẽ lui về tánh không.

Phật nói thân này không thật, hoàn cảnh không thật, con người không thật, chúng ta phải hành trì như thế, không có cách khác. Công phu của chúng ta tiến đều theo hướng như vậy. Trong quá trình sự sống hằng ngày, chúng ta phải có những phương thức như vậy để sống. Nếu không có sự tu tập như thế thì mọi thứ hỗn độn, làm sao định tĩnh sáng suốt được. Là người tu chúng ta phải cởi mở, hiểu biết và hơn ai hết, không chấp nhận phiền não. Hóa giải tiêu dung phiền não, để rồi làm chủ được mình, giải thoát khỏi mọi khổ đau. Đó chính là mục đích duy nhất của chúng ta.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM