PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH

I. DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là đề chung của một bộ Kinh. Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm là mục riêng của một Phẩm vậy. Ðời nhà Dao Tần có ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch Kinh này. Ðây là dịch đề. Trước giảng đề chung, sau giải mục riêng, rồi sau mới lại giảng dịch đề.

Hiện nay giảng kinh này là Pháp vi diệu rất khó gặp được và chẳng phải dễ dàng nghe hiểu đến. Mà hôm nay quý vị hớn hở dũng mãnh đến nghe là việc tốt đẹp lắm vậy. Nhưng trong khi nghe Kinh bất cứ hiểu được thấu suốt và rõ ràng hay chăng, quý vị đều cần phải cung kính, yên lặng thành ý để mà lóng nghe. Ai nghe thấu rõ cố nhiên được đến chỗ lợi ích của Diệu pháp, còn những ai chẳng lãnh hội nổi thời chỉ nên đem lòng chí thành cung kính cũng vẫn có thể được sự lợi ích chẳng phải nhỏ, vì công đức nghe Kinh chẳng thể lường được vậy. Bởi lẽ đó, nên quý vị cần phát tâm từ bi, tâm ân trọng đặt mình trong khung cảnh vắng lặng cung kính để nghe Kinh, được vậy là có thể lãnh thọ được Diệu đạo trong Kinh Pháp Hoa này, như khi ăn nhai thật kỹ, nước miếng thấm vào thời mới nghe có ý vị. Bằng trái lại là sự lãnh hội chẳng thấu rõ được.

Phẩm Phổ Môn tuy là một phẩm trong bộ Kinh Pháp Hoa, nhưng là có thể đại diện cho toàn bộ, bởi vì Diệu Pháp đều là pháp bất khả tư nghì vậy. Kinh Pháp Hoa toàn bộ bảy quyển cộng tất cả có 28 phẩm. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn là phẩm thứ 25. Thế là đã chẳng phải toàn một bộ Kinh, mà tại sao phẩm này lại được trích riêng ra và lưu hành lẻ loi? Bởi vì phẩm kinh này đã từng có điều cảm ứng phi thường. Nguyên do như sau:

Vào khoảng đầu đời nhà Tấn cuối nhà Bắc Lương, ở xứ Trở Cừ, có ông Mông Tốn nhân bị bệnh nặng, thầy thuốc chữa không lành. Nhơn lúc bấy giờ có ngài Tôn giả Ðàm Vô Sấm, đến nhà thăm và ngài bảo: "Bệnh này là bệnh nghiệp chướng nên trì tụng Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa tức có thể lành được". Mông Tốn liền tuân theo và trì tụng chưa được hai ngày thời bệnh ông quả thật được lành ngay. Nhơn đó Mông Tốn mới phát nguyện trích riêng phẩm này và đơn hành lưu thông với hai Kinh nữa là A Di Ðà và Kim Cang gọi là bộ Kinh Tam Bảo vậy.

Cũng nhờ đó mà các nơi thường giảng giải phẩm Kinh này rất nhiều, vì Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát là Ðức Ðại Từ Ðại Bi cứu khổ cứu nạn linh cảm cùng với chúng sanh ở cõi Ta Bà, là nơi chúng ta đã có cơ duyên sâu nặng và thuần thục, vậy nên không một ai chẳng biết đến danh hiệu Ngài và cũng không có người nào mà chẳng sanh lòng cung kính đối với Ngài vậy. Vả lại đã có biết bao nhiêu người đã chứng nghiệm những việc linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Cũng vì thế cho nên hôm nay các thính chúng hớn hở dị thường dắt tay nhau đến mà nghe Kinh.

Hơn nữa, bản Lâm này (Cư sĩ Lâm) nhân ngày 19 tháng 2 mỗi năm là ngày Vía của Bồ Tát Quán Thế Âm mà thỉnh giảng Phẩm Phổ Môn thật là giáo pháp đã thích ứng với thời cơ và có Thể, có Dụng, có Sự, có Lý lắm vậy. Nay đã muốn giảng kinh, tất nhiên trước phải giải thích đề kinh. Giờ đây, trước hết là giảng năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là lấy Pháp và Dụ mà lập đề. Kinh Phật có bảy thứ lập đề gọi là: đơn có ba thứ; kép có ba thứ; đầy đủ chỉ có một.

a. Ðơn có ba là:

Ðơn Nhơn, như Phật Thuyết A Di Ðà Kinh.

Ðơn Pháp, như Niết Bàn Kinh, Bát Nhã Kinh.

Ðơn Dụ, như Phạm Võng Kinh, Anh Lạc Kinh.

b. Kép có ba là:

Nhơn và Pháp, như Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (Ðịa Tạng là Nhơn, bổn nguyện là Pháp).

Nhơn và Dụ, Như Lai Sư Tử Hẩu Kinh (Như Lai là Nhơn, Sư Tử Hẩu là Dụ. Ý nói Ðức Như Lai thuyết pháp như con sư tử rống).

Pháp và Dụ, như Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Kinh này thuộc loại Pháp và Dụ mà lập đề.

c. Ðầy đủ (cả ba) chỉ có một là:

Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Ðại Phương Quảng là Pháp, Phật là Nhơn, mà Hoa Nghiêm là Dụ).

1.- Diệu Pháp: Diệu Pháp là Pháp mà Liên Hoa là Dụ. Bởi vì Diệu Pháp khó hiểu nên mới mượn cái hoa sen để làm ví dụ cho dễ hiểu vậy. Diệu Pháp là pháp mầu nhiệm chẳng thể dùng lời nói mà nói được. Pháp ấy là pháp gì? Tức là sơn hà đại địa, thế giới quốc độ, y báo chánh báo, thế gian pháp, xuất thế gian pháp, sắc pháp, tâm pháp. Tuy là muôn trượng giăng bày đầy dẫy nhưng nói tóm lại thời chẳng ngoài ba món là: Phật pháp, tâm pháp và chúng sanh pháp. Ba pháp này vốn không sai khác nên gọi là Diệu Pháp.

Tại sao không sai khác? Trước xin giảng rõ tâm của người ta ở tại đâu. Thông thường người ta chẳng rõ, nên cho rằng trái tim nằm trong lồng ngực bảo là tâm của người ta đó. Kỳ thật đó chỉ là cái tâm của ngũ tạng chứ chẳng phải chơn tâm vậy, vì cái tâm ấy là một cục thịt. Vả lại là cái tâm tập khởi, tâm phân biệt, tâm vọng tưởng; một mai chết rồi thời nó hủ hóa tiêu tan chẳng còn tư lường phân biệt được nữa, vì đấy là cái tâm duyên lự chứ chẳng phải chơn tâm của chúng ta vậy. Nên biết rằng chơn tâm chúng ta là khắp cả hư không bao trùm pháp giới; trong kinh Lăng Nghiêm gọi hư không mười phương ở trong tâm chúng ta giống như đám mây điểm giữa thái thanh. Ta hãy xem tất cả muôn pháp đều do tâm sanh, thường gọi tâm sanh thời các pháp sanh; tâm diệt thời các pháp cũng diệt theo. Trên đến bốn bực Thánh, dưới tận thiên đường địa ngục đều do tâm mà có. Nên biết rằng ngoài tâm không có các pháp, tâm tức là bản thể của muôn pháp. Người nào thấu rõ được đạo lý này thời kẻ ấy ngộ được diệu lý hư không nhỏ nhiệm vậy. Cho nên tâm pháp gọi là Diệu Pháp.

Lại nữa, phải biết khi một ác niệm sanh khởi trong tâm tức là chỉ với một niệm sanh diệt mà đã biến thành nhân của ba đường ác đạo: Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Và một thiện niệm sanh trong tâm là liền sanh vào ba thiện đạo: Trời, Người và A Tu La. Niệm không bèn thành Nhị Thừa, Niệm từ bi bình đẳng liền thành Phật, Bồ Tát. Nên gọi là mười phương thế giới đều do tâm mà có, vì tâm đủ mười pháp giới sự lý chẳng hay vậy. Lý đủ mới tạo thành sự đều ở nơi nhất tâm vậy. Cho nên Phật giới, chúng sanh giới thảy đều ở trong tâm bao la muôn trượng, mới có mầu nhiệm bất khả tư nghì. Nếu dùng tâm phân biệt tức là quấy, nên gọi là móng tâm tức sai, động niệm tức trái; nghĩ chẳng đến, tìm chẳng gặp. Nếu như ai biết được tâm này tức là thấy chốn đại địa không có một tấc đất.

Như ngày hôm nay lý pháp hội giảng kinh thạnh đại như thế này, đầu tiên là nhân thiện tâm vị chủ trì bản Lâm máy động nghĩa là "Muốn", thế là pháp hội thạnh đại, tức thì thực hiện được ngay. Lại nữa, như các cơ giới hiện nay: nào là phi cơ, tàu thủy, xe lửa... Tất cả muôn vật đâu chẳng phải không do tâm sanh mà có sao? Những điều vừa sơ lược kể trên có thể chứng minh rằng tâm lực bất khả tư nghì, tâm bao cả thái hư, trùm khắp cả pháp giới. Cho nên Thích Ca, Di Ðà đều do tâm tạo thành, Tam Thừa, Thánh Nhân cũng là tâm ta gây nên; và lục đạo chúng sanh đâu chẳng phải như vậy hay sao?

Cho nên chúng sanh là chúng sanh trong tâm các Ðức Phật mười phương, mà mười phương chư Phật là các Ðức Phật trong tâm chúng sanh. Quán Thế Âm là Quán Thế Âm trong tâm chúng sanh, mà chúng sanh là chúng sanh trong tâm Ðức Quán Thế Âm. Nên gọi tâm này là Phật, tâm này phải làm Phật; tâm này là Bồ Tát, tâm này phải làm Bồ Tát. Chỉ cần có tu có hành thì đều có thể thành Phật thành Bồ Tát được! Cho nên mới gọi rằng "Tâm" là Diệu. Nếu ai mê muội bản tâm bèn thành lục đạo chúng sanh là Trời, Người, A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Nên gọi là tâm đủ địa ngục, tâm tạo địa ngục, tâm đủ thiên đường, tâm tạo thiên đường; và ngạ quỷ, súc sanh cũng đều như thế cả. Thiên đường, địa ngục cũng đều do tâm tự tạo tự tác cho nên gọi tâm pháp là Diệu.

Ba nghiệp thân, khẩu và ý của chúng sanh đều do phiền não tác nghiệp gây nên rồi chịu quả báo sanh tử luân hồi. Nhưng phiền não vốn là trống không, tức là liễu nhân Phật tánh. Phiền não nguyên là trí huệ, bởi lầm dụng tâm mà đem trí huệ làm thành phiền não. Trí huệ từ đâu mà có? Thể của phiền não tức là trí huệ, chẳng nên ngoại cầu. Thân, khẩu, ý có thể tạo nên thập ác, mà cũng có thể tạo thành thập thiện. Kinh Lăng Nghiêm đã nói: Sanh tử luân hồi hay là an lạc diệu thường, chẳng do ai khác, duy chỉ do sáu căn này mà thôi.

Bản tánh của chúng ta vốn là bất sanh bất diệt. Nhưng vì hư vọng nhân duyên hòa hợp mà sanh, nhân duyên tách rời hư vọng mà diệt. Như vậy là biết từ duyên mà sanh tức là chẳng sanh, do duyên mà diệt tức là chẳng diệt. Cho nên tác nghiệp duyên là giải thoát; sanh diệt tức là Pháp thân. Vì vậy nên Phật Thích Ca Mâu Ni, khi mới thành đạo, Ngài liền than rằng: "Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Như Lai trí huệ đức tướng, nhưng bởi vọng tưởng chấp đắm nên chẳng chứng được đấy thôi!". Vậy là biết trong tâm chúng sanh đủ Phật ba đức, cho nên gọi chúng sanh pháp là Diệu.

Tâm pháp, chúng sanh pháp đã Diệu, thời ông Phật đã dứt rốt ráo năm chỗ phiền não và dứt hẳn hai món sanh tử lại càng "Diệu" biết bao. Chúng sanh là chúng sanh trong tâm Phật, sơn hà đại địa muôn trượng giăng bày, không một vật nào chẳng phải ở trong tâm Phật, không có sai khác, vậy nên mới gọi Phật pháp là Diệu. Tâm, Phật và Chúng sanh là ba điều không sai khác. Pháp mà không sai khác ấy là Diệu Pháp vậy.

Diệu Pháp này người người vốn sẵn có đủ, không ai chẳng có. Phẩm Phổ Môn trong bộ Kinh này tức là Diệu Pháp không sai khác. Pháp này chẳng phải đem tư lường phân biệt mà có thể hiểu được. Sanh khởi phân biệt vọng tưởng là chẳng phải Diệu, tức Diệu mà thành thô. Như niệm Phật, niệm Quán Thế Âm, niệm được nhất tâm bất loạn, không tư lường phân biệt, tức là Diệu. Ai có thể vượt khỏi kiến chấp của phàm phu chẳng chấp có; có thể thoát khỏi kiến giải của bực Thánh, chẳng chấp không. Vượt tình thức, lìa kiến chấp tức là Diệu Pháp. Nếu mà chấp có, chấp không là rơi vào phàm tình vọng duyên là từ Diệu mà trở thành thô.

Nếu vô sở trụ mà sanh khởi tâm, lìa quá, tuyệt phi ấy là Diệu Pháp. Mà hữu sở trụ, sanh khởi tâm, tức là Diệu Pháp mà thành thô pháp. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh tức là Diệu Pháp. Vậy nên mọi người đều có Diệu Pháp, mọi người đều có thể thành Phật. Sự tu chứng của mười phương ba đời chư Phật là chứng Diệu Pháp không sai khác này mà thành Phật. Chúng sanh mê muội lầm dùng Diệu Pháp không sai khác này rồi sanh khởi phân biệt tư lường tức Diệu mà trở thành thô, thành chúng sanh khổ não.

Bởi hoặc nên gây nghiệp. Do nghiệp sanh tử; như tâm của phàm phu đều cho tất cả là có, rồi chấp có tướng nhân, ngã. Bởi đó mà khiến pháp Diệu này thành bất Diệu.

La Hán tuy liễu được sanh tử, nhưng đắm nơi không rồi ôm lấy thái độ tiêu cực mà chẳng độ sanh. Tuy là đã chứng quả La Hán, nhưng cũng là thô mà chẳng Diệu chút nào cả.

Quyền thừa Bồ Tát chấp đắm nhị biên, hoặc đãn trung, nhưng cũng chưa phải là rốt ráo, lại là thô cách nơi Diệu vậy. Duy Phật chẳng chấp không, có, nhị biên và đãn trung, lìa quá tuyệt phi siêu tình ly kiến, chứng Diệu Pháp hoàn toàn đấy là Chơn Diệu.

Nay dùng một ví dụ để nói rõ nghĩa trên: Chúng sanh sẵn đủ Diệu Pháp nhưng chẳng tương ưng như vàng còn ở trong mõ. Chư Phật chứng Diệu Pháp nên đã tương ưng như vàng đã được đem ra khỏi mõ. Vàng tại mõ và ra khỏi mõ tuy có khác nhau, nhưng bản thể nó chẳng hai, nên Kinh đã nói: Cần hết vọng duyên, tức Như Lai Phật; một niệm xoay tâm quang, liền đồng bản giác sẵn có.

Chúng sanh chỉ cần buông thả tâm phàm tình, riêng không Thánh giải. Nơi chư Phật chẳng thêm, nơi phàm phu chẳng bớt; ở chúng sanh chẳng dơ, nơi chư Phật chẳng sạch, tại chư Phật chẳng sanh, tại chúng sanh chẳng diệt. Chỉ cần một niệm quay ánh sáng trở lại thời đương thể bèn là...

Nhưng hiện tại còn vọng tưởng chấp đắm nên chưa chứng được, chỉ có Diệu Pháp Phật tánh đủ sẵn mà thôi, nên gọi là Ly tức Phật. Quý vị đến đây nghe giảng kinh, hiểu rõ được tâm thức Phật trọn đủ Diệu Pháp thời gọi là danh tự tức Phật.

Nhưng tuy biết mình sẵn đủ Diệu Pháp, nếu chẳng kiên cố tu hành thời chẳng có thể thành Phật được, như vàng chẳng gạn lọc tức chưa thành vàng ròng thuần túy Diệu. Vậy chúng ta ngay từ bây giờ hãy buông thả muôn duyên, một mảy tơ chẳng dính nơi lòng, gắng công niệm Phật, yên lặng nghe Kinh lãnh hội rõ ràng tâm cảnh đều tiêu vong chuyên tâm dụng công tu hành như thế, thời tuy chưa chứng đến Diệu Pháp mà đã có thể hàng phục được phiền não, gọi là quán hạnh tức Phật.

Nếu là niệm Phật, niệm Quán Âm, sáu căn đều nhiếp, tịnh niệm liên tục bên trong vong cả sáu căn, bên ngoài vong hết sáu trần; trong quên cả thân tâm, ngoài quên hết cả thế giới xa thoát căn trần chỉ còn một điểm linh quang sáng rực rỡ. Ðấy tức là tự tánh Quán Âm tương tự xuất hiện. Ðấy tức thường gọi là Diệu Pháp. Ðến lúc này xem mà chẳng thấy, ngóng mà chẳng nghe; đến nỗi ăn vẫn bất tri kỳ vị nữa! Vì đã được vô nhân tướng, vô ngã tướng, tâm và cảnh đều tiêu vong. Dụng công tu hành đến bực này, sáu căn mới thanh tịnh. Những phiền não bởi thấy và nghĩ mà có đều bị rơi rụng hết, gọi là tương tự tức Phật.

Tiến lên nữa, phá vỡ căn bản vô minh, đích thân chứng Diệu Pháp: Bên Thiền Tông gọi là đích thân thấy được bản lai diện mục, bộ mặt thật bị bỏ quên từ xưa nay. Bên Thiên Thai Tông thì bảo viên chứng được Tam đế quán, mà Tịnh Ðộ Tông cho là lý nhất tâm bất loạn, bất động tự tánh, chuyển thức thành trí. Trí tức là Diệu Pháp. Chúng sanh chuyển trí thành thức, chư Phật chuyển thức thành trí, nên thân kiến được bổn lai diện mục. Chẳng Diệu mà Diệu. Ðích thân thấy được tự tánh Quán Âm và còn thấy đến cha mẹ đời trước nữa là khác, tức là đã chứng được Diệu Pháp vậy. Ðến tới địa vị này là có thể phân thân ra trăm cõi để thành Phật độ chúng sanh, nên gọi là phần chứng tức Phật.

Tuy đã xác chứng đến Diệu Pháp Phật tánh, nhưng chưa rốt ráo, còn quyết phải dứt rốt ráo năm chỗ phiền não an trụ và dứt hẳn hai món sanh tử. Kiến tư, trần sa và vô minh ba thứ phiền não này thảy đều dứt rốt ráo thanh tịnh. Phân đoạn và biến dịch hai món sanh tử cũng đều giải thoát rốt ráo. Tác nghiệp đã hết, tình thức trống không mới thật chứng được Chơn giải thoát. Như Ðức Thích Ca đã chứng rốt ráo được Diệu Pháp này, nên mới gọi là cứu cánh tức Phật.

Ðây là dùng Diệu Pháp để hiển hiện sáu nghĩa, tức Phật. Nghĩa này do Tổ Thiên Thai sáng lập. Dụng ý cho người tu hành, tự biết mình đã đến bực Phật nào một trong sáu. Chữ Tức là nghĩa chẳng rời nhau vậy.

Chúng ta đối với tất cả sự vật đều dùng suy lường phân biệt. Mà suy lường là tác dụng của thức thứ bảy; phân biệt là tác dụng của thức thứ sáu. Một khi sanh khởi suy lường phân biệt là rơi vào trong hố thẳm của ý thức, che khuất tâm tánh diệu bảo. Ðấy tức là gốc rễ của sanh tử vậy.

Như chúng ta có thể chẳng sanh khởi hằng thẩm suy lường, chẳng khởi theo niệm so đo phân biệt, thời vô sở trụ nghĩa là chẳng trụ bên "Hữu" mà phân biệt; chẳng trụ bên "Không" mà so đo. Nhị biên chẳng trụ, trung đạo chẳng ở, tức thì Diệu Pháp hiển hiện. Ðến đây tức là vô trụ sanh tâm, dù có phân biệt cũng chẳng phải là ý thức vậy. Nay đem việc ăn và ngủ mà nói, tuy việc rất tầm thường nhỏ nhen, nhưng cũng vẫn là Diệu Pháp. Tức thường gọi là đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên nghĩa là gặp gì cũng là Ðạo; và hai bên thành giếng cũng gặp được mạch nước, chớ chẳng cần đào thẳng đến đáy sâu mới có mạch.

Ngày trước có ông cư sĩ tên Bàng Long Uẩn, nhà ông rất giàu có. Sau khi đã hiểu Ðạo và vì muốn tu Ðạo, nên ông đem cả gia tài giàu sang ấy mà đổ hết xuống sông Hàn dương, rồi nguyện cam phần nghèo khổ. Và ông khiến người con gái đan đồ tre để bán, người con trai cày ruộng để làm kế sanh sống cho cả gia đình. Một hôm cả gia đình họp lại để đàm Ðạo cố nhiên ông là vị chủ trì. Sau khi khai mạc ông mới bắt đầu vào nội dung rằng: "Dụng công tu hành chẳng phải dễ. Chứng được Diệu Pháp khó, khó, khó, khó. Mười hộc hột mè rãi ngọn cây (ý nói khó còn một hột dính đầu cây). Bởi vì còn tham lam ăn ngon mặc đẹp và thói quen của ân ái, nó hay phân biệt nghĩ bậy bạ từ hồi nào đến nay nó đã thành thói quen nặng nề. Ngày nay tuy đã hiểu rõ đều là Không. Nhưng trên sự thật muôn việc nó chẳng chịu Không được, vì phiền não, vọng hoặc nó đã quá quen thuộc lắm rồi, nên rất khó khởi tâm niệm Phật, tham thiền và tu quán. Nay muốn chứng Diệu Pháp là con đường sanh lộ mà chẳng dễ quen. Vậy biết tu hành là thật khó, thật khó".

Vợ ông là Bàng phu nhân, nãy giờ chăm chú nghe và ứng rằng: "Dễ, dễ, dễ. Trăm đầu ngọn cỏ ý Tổ sư, ngắt một cọng mà đưa lên đều là... Ðạo. Lũy tre xanh, hoa mai vàng thảy đều là Bát Nhã. Hạt sương mai đọng đầu cỏ và cảnh vật màu xanh màu vàng... đã có người nhân đấy mà ngộ Ðạo thì việc gì mà mình than khó". Ý của bà, như Tô Ðông Pha đã bảo: Tiếng khe róc rách lưỡi rộng dài, sắc núi xanh biếc thân thanh tịnh. Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong, Căn, Trần, Thức, Giới đều là Diệu Pháp. Phàm tình vọng duyên, tánh đó vốn không, tức nơi thô là Diệu. Không một quyền mưu nào mà chẳng phải chơn thiệt. Diệu tánh thiên nhiên xưa nay vẫn như vậy, cho nên bà ta mới nói "Dễ".

Ðến cô con gái tên Linh Chiếu thông minh dị thường, cô thưa: "Cũng chẳng khó, cũng chẳng dễ. Hễ đói thời ăn, mệt đi ngủ". Ði, đứng, ngồi, nằm đều là Diệu Pháp. Bất quá chúng ta ăn với ngủ đều chẳng thành quan trọng. Thử nghĩ khi ta ăn cơm, thường khởi vọng tưởng sanh phân biệt rau tốt rau xấu, vị ngon vị dở. Rồi tới ngon thì ham mà ăn nhiều, với dở thời chán mà ăn ít. Ðấy tức là Diệu Pháp mà thành thô pháp. Nếu như có thể nhất tâm bất loạn bình thản đến mâm cơm, chẳng khởi tư lường phân biệt. Thường gọi là trọn ngày ăn cơm mà chẳng có nhai trúng hột gạo nào hết, vì vô ý thức tác dụng vậy. Cho nên ăn cơm như vậy gọi là Ứng cúng, gọi đó là Diệu Pháp Phật sự. Ăn cơm đã như thế thời ngủ thức cũng thế.

Khi ngủ điên đảo mộng tưởng là chẳng phải ngủ thật. Ngủ thật phải như người thật ngủ, nghĩa là không mộng mới phải. Không điên đảo mộng tưởng thức hay ngủ nhất như tức là Diệu Pháp. Ngày xưa có người sư huynh của ngài Ngọc Lâm Quốc sư, cả ngày chỉ có ngủ với thức mà thôi. Người ta cho là lười biếng. Nhưng cái ngủ của Ngài chẳng đồng với cái ngủ của người khác. Trong giấc ngủ mơ mơ tỉnh tỉnh, tỉnh tỉnh mơ mơ, lối dụng công tu hành ấy của Ngài thật hơn Quốc sư Ngọc Lâm rất nhiều. Cho nên mới nói ngủ với thức như vậy cũng tức là Diệu Pháp. Ngủ và ăn đã như vậy thời tất cả các pháp đều đâu chẳng phải như thế ư? Nói tóm lại là pháp này chẳng phải dùng suy lường phân biệt mà có thể hiểu thấu. Nên gọi đó là Diệu Pháp.

Cho nên chẳng cần bỏ phân biệt và suy lường, nhất tâm lặng lẽ thoạt vậy không ghé vào đâu. Tông Thiên Thai gọi là nhất tâm tam quán, Tông Tịnh Ðộ cho là nhất tâm bất loạn. Chỉ cần chừng ấy đã có thể cùng với Diệu Pháp thấy mặt nhau được rồi. Cho nên ngày xưa Ðức Phật Thích Ca, phải mất thời gian lâu tám năm mới giảng xong hai chữ Diệu Pháp. Tổ Thiên Thai Trí Giả cũng phải ba tháng tròn mới đàm luận xong Diệu Ðạo. Nếu mở rộng ra để luận đàm thời thuyết ngang thuyết dọc thuyết cho đến cùng kiếp cũng khó mà hết được vậy. Chỉ cần một điều là do quý vị đích thân chứng nghiệm, may ra mới xong việc.

Trở lại gia đình họ Bàng. Một hôm ông hỏi cô con đã đến giờ ngọ chưa, Ta sắp nhập diệt? - Dạ chưa. - Cô con gái thưa. Rồi cô liền thượng lên pháp tòa do ông thiết sẵn mà nhập diệt. Sau khi tống táng cô con xong, ông sai người ra đồng ruộng báo tin cho cậu con biết ông sắp nhập diệt. Cậu con được tin, cậu liền nhập diệt, thân vẫn đứng, tay vẫn còn nắm cái chuôi cày. Thế là ông bị hai lần chậm trễ mới đến mình. Sau khi chôn cất hai con và chồng xong, bà Bàng nghĩ rằng còn ai nữa mà chôn lấp mình, nên bà tự vào trong hang đá mà nhập diệt. Nên có câu: Bà Bàng ẩn thạch gian.

Còn nói về tài sản: Từ hồi nào đến giờ, bị trôi lăn quanh quẩn mãi trong tam giới lục đại, nguyên do đều bởi tiền tài danh vọng nên đã gây nhiều nghiệp chướng tham lam, chấp đắm, sân si mỗi khi đắc thất. Nay muốn ra khỏi luân hồi được tự tại giải thoát, tất nhiên phải nới bỏ những thứ dây ràng buộc ấy mới được thành công chắc chắn.

Vậy thì sao chẳng đem bố thí, có phải tốt lành hơn không?

Mình đã nhận biết đó là nguồn gốc sanh ra tội lỗi mà đem cho kẻ khác thời họ tài cán gì mà tạo được hạnh phúc với những của cải đó. Cho nên cho nó xuống sông, khỏi sợ gây phiền lụy cho ai cả là tốt hơn hết.

2.- Liên Hoa: Hoa sen này chẳng đồng với hoa sen của thế gian, nhưng mượn đấy làm ví dụ để dụ Diệu Pháp vậy thôi. Hoa sen trong có hột, ngoài có hoa. Hột là quả, hoa là nhân. Hoa với quả cùng thành, ví dụ nhân quả đồng một lúc nghĩa là chẳng lìa bản giác diệu tâm. Cái gốc sen nằm kín trong bùn nước, mà hoa sen vượt hẳn lên trên nước bùn. Bùn ví cho lục đạo chấp "Hữu"; nước dụ cho nhị thừa đắm "Không". Hoa sen vượt lên trên bùn nước tức ví dụ Diệu Pháp vượt hẳn lên trên "Hữu, không" mà hiển lộ chơn lý trung đạo nghĩa là chẳng phải không cũng chẳng phải hữu. Cái gốc sen chẳng rời nơi bùn nước tức dụ Diệu Pháp song chiếu tức không tức hữu hiển lộ đạo lý viên trung diệu đế chiếu cả chơn lẫn tục; ngăn cả hai, chiếu cả hai, ngăn và chiếu chẳng hai, vì tâm trùm cái hữu của lục đạo và cái không của nhị thừa. Cho nên mới có thể rộng độ lục đạo và tam thừa. Cho nên đó là sự mầu nhiệm của dụ, pháp trong Kinh này vậy.

Lại nữa, hoa sen và hột sen hai vật ấy chẳng rời nhau. Có hoa tất có hột, tức nhân quả bất nhị. Ðức Thích Ca khi mới thành Phật, vì cơ duyên thành Phật của chúng sanh chưa thuần thục, nên chẳng thể nói ngay Diệu Pháp của Pháp Hoa được. Mà chỉ nên giảng pháp quyền môn phương tiện mà thôi: như Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Ðẳng, Bát Nhã các kinh. Trước là để khéo léo dẫn dụ, khuyến khích, dắt dìu. Nên trước tiên giảng tam quy ngũ giới, sau mới nói mười hai nhân duyên và các pháp tam thừa. Nhưng tuy dạy các đạo pháp ấy, mà kỳ thật vì Phật thừa, nên gọi là vì Thật mà phải thi thiết Quyền; tức là vì hột mà có hoa.

Sau bốn mươi năm liền liên tục ngày đêm thuyết giáo, bây giờ thời cơ đã đến, và căn cơ của chúng sanh đã thuần thục, Phật mới mở hội Pháp Hoa, mới khai quyền hiển thiệt đem tam thừa đồng quy về nơi một Phật thừa không thô nào chẳng Diệu tức như hoa nở là hột hiện. Kinh nói: Nếu có kẻ nào nghe pháp này, không một ai chẳng thành Phật. Lại nói: Một xưng Nam Mô Phật, đều cộng thành Phật Ðạo. Lại như hoa rơi hột thành dụ cho bỏ Quyền lập Thiệt. Ngoài Thiệt không có Quyền, ngoài Diệu không có Thô. Khi mà Diệu Pháp đã hoàn toàn hiển lộ không một chúng sanh nào chẳng phải là Phật. Ðấy là 14 phẩm trước của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này vậy.

Nhưng người đời chỉ biết Ðức Thích Ca trước là Thái Tử Tất Ðạt Ða, lên 19 tuổi xuất gia, tu khổ hạnh 6 năm, đi tầm đạo 5 năm, đến năm 30 tuổi mới thành Phật. Họ đâu biết rằng sự thật Ðức Thích Ca với vô lượng kiếp về trước đã thành Phật và đã chứng thấu Diệu Pháp này rồi. Thế thì tại sao phải trở lại thành Phật nữa? Vì thương xót chúng sanh còn đang chịu khổ sanh tử luân hồi, cho nên chẳng sanh mà hiện có sanh, chẳng phải diệt mà hiện ra diệt, qua qua lại lại trong cõi thế giới Ta Bà này chẳng biết bao nhiêu lần mà kể. Như Kinh Phạm Võng nói: "Ta nay đến cõi Ta Bà thế giới này lần nữa, kể cả trước sau cộng là tám ngàn lần rồi!". Ðấy cũng là căn cứ về hóa tích mà nói, chứ chơn diện mục của Ðức Phật Thích Ca là khai hóa tích để hiển bổn môn hiện thân độ sanh giống như "Ngàn sông nước trong ngàn trăng hiện".

Trăng dưới nước là hóa tích, trăng trên trời là bổn môn. Do Bổn mà giáng Tích, như vì hột nên mới có hoa. Khai Tích để hiển Bổn như hoa nở là hột hiện ra. Bỏ Tích lập Bổn thời như hoa rụng hột được thành tựu vậy. Tích Môn ba dụ, Bổn Môn ba dụ không một dụ nào chẳng là ví dụ cho Diệu Pháp. Diệu Pháp mầu nhiệm sâu sắc e quý vị khó có thể hiểu rõ ràng, nên dùng Hoa Sen làm ví dụ. Những bậc trí giả nên lấy ví dụ hoa sen để lãnh hội giác ngộ Diệu Pháp vậy.

3.- Kinh: Tiếng Phạn gọi Tu đa la, người Trung Hoa dịch là Khế Kinh. Trên là khế hợp với Phật đạo, dưới khế hợp với quần cơ, nên gọi là Kinh. Lại Kinh là thường vậy: ngàn nẻo đều quy về một gốc, thường trụ chẳng biến đổi vậy. Lại nữa, Kinh là pháp: cho nên chỉ dạy cho người ta phải dùng pháp độ phép tắc vậy. Lại thêm nữa, Kinh là đường tắt, nghĩa là con đường cho chúng ta tu hành đi thẳng vậy. Lại còn một nghĩa này, Kinh là khuôn khổ, nghĩa là làm khuôn khổ để hoằng dương Phật Pháp mà giáo hóa chúng sanh vậy. Ðây là giải thích nghĩa của chữ Kinh, có tất cả bốn nghĩa khác nhau vậy.

Từ trước đến đây giải thích năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là Tổng Ðề đã xong.

II. QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

Ðến đây giải thích Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm. Phẩm này thuộc về phần lưu thông Kinh Pháp Hoa, là để hoằng dương Diệu Pháp. Bởi vì Quán Âm hóa hiện 32 ứng hóa thân là đối với căn cơ chúng sanh mà thuyết pháp. Tùy bệnh mà cho thuốc, nghĩa là nên dùng thứ thân nào mà hóa độ được chúng sanh, tức liền hiện thân ấy mà nói Pháp. Tuy thân hiện ra có: Phật, Bồ Tát, bốn chúng đệ tử, đồng nam đồng nữ, trời, rồng và tám bộ... Chẳng đồng, nên Pháp nói ra cũng có: Thông, Viên, Quyền, Thiệt, Ðốn, Tiệm sai khác, nhưng tất cả đều là Diệu Pháp. Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm đã chứng được Diệu Pháp viên thông, cho nên có thể tùy từng loại chúng sanh mà hiện thân thuyết pháp. Chúng ta vì phải chịu luân hồi trong lục đạo mà có sanh tử, tuy đầy đủ Diệu Pháp, nhưng bị phiền não che khuất không thể hiển hiện được. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân khắp mọi cửa khai Ðạo cho chúng sanh, từ bi giáo hóa cứu giúp chúng sanh thoát khỏi trần lao đến bờ giải thoát. Cho nên mới có Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm ra đời. Nay xin theo thứ tự mà giảng giải.

Quán Thế Âm Bồ Tát là Nhân, Phổ Môn Phẩm là Pháp. Bởi vì Quán Âm đã chứng được Diệu Pháp Môn của Phổ Môn. Quán Thế Âm Bồ Tát là người năng chứng. Mà Phổ Môn là Pháp bị Người chứng. Cho nên Phẩm này lấy Nhân Pháp mà lập đề. Quán Thế Âm Bồ Tát đối với cõi Ta Bà của chúng ta cơ duyên đã thuần thục, cho nên quý vị đều hiểu được Ngài và thường tụng niệm danh hiệu của Bồ Tát. Quán Thế Âm là biệt hiệu, mà Bồ Tát là thông hiệu.

1.- Quán: là trí năng quán, Thế Âm là cơ sở quán. Quán là dùng trí quán sát. Có Tạng, Thông, Biệt, Viên bốn Giáo Pháp. Bên Tạng giáo là Pháp quán chia chẻ; bên Thông giáo là Pháp quán thể đạt; bên Biệt giáo là Pháp quán thứ tự; bên Viên giáo là Pháp quán thật tướng.

Quán có cạn có sâu. Quán tất cả các pháp sanh diệt vô thường cuối cùng chung quy về bại hoại tiêu tan. Ðây là cách quán chia chẻ. Thể đạt muôn pháp đều trống không, tức nơi sắc là không. Ðấy gọi là thể pháp không quán. Trước quán không, kế quán hữu, cuối cùng quán trung đạo Không Hữu chẳng hai, tuần tự tiến dần tới. Ðấy gọi là thứ đệ quán.

Kẻ phàm phu bất chấp Hữu nên lấy Không mà phá trừ. Tiến tới một bước nữa là không mà chẳng không, tức là diệu hữu. Chẳng không mà không tức là chơn không. Chẳng không mà không, phi hữu mà hữu, không hữu chẳng hai. Ðấy gọi là trung đạo quán.

Nếu viên quán thì: Một Không tất cả đều Không, một Hữu tất cả đều Hữu, một Trung tất cả đều Trung. Một tức là ba, ba tức là một. Viên tam quán về nơi nhất tâm. Pháp quán của Quán Âm là diệu quán ba, một chẳng hai bất tư nghì vậy.

2.- Thế: là thế gian. Một, chúng sanh ở cõi Dục; hai, chúng sanh ở cõi Sắc; ba, chúng sanh ở cõi Vô Sắc, đều là thế gian hữu lậu. Nhị thừa La Hán là thế gian vô lậu; Bồ Tát là thế gian nhị biên; Phật thời là thế gian trung đạo. Tam giới lục đạo thế gian hữu lậu tức là cõi Thánh phàm đồng cư. Thanh Văn Duyên Giác Nhị thừa thế gian vô lậu tức là cõi Phương tiện hữu dư. Bồ Tát thế gian Nhị biên tức là cõi Thật báo trang nghiêm. Phật thời là thế gian viên dung trung đạo tức là cõi Thường tịch quang vậy. Cho nên Ðức Quán Âm bèn dùng mười pháp giới thế gian và bốn cõi mà làm cảnh thế gian sở quán vậy.

3.- Âm: là âm thanh. Trong mười pháp giới thế gian có hàng bao nhiêu tiếng tăm như: Tiếng ác, tiếng thiện, tiếng hữu lậu, tiếng vô lậu, tiếng nhị biên và tiếng trung đạo đều là tiếng tăm bị quán. Quán là trí năng quán; thế gian tức là cảnh sở quán. Như trong Phẩm này nói: Nhất tâm xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán sát tiếng tăm ấy đều được giải thoát. Nghĩa là Ðức Quán Thế Âm quán sát tất cả tiếng tăm bị khổ não cầu cứu của người cõi thế gian, liền lúc đó khiến cho lìa khổ mà được vui. Và tiêu tai miễn nạn, nên có danh hiệu là Quán Thế Âm.

Nhưng tiếng tăm phải dùng tai mà nghe chứ sao gọi là quán? Bởi vì sáu căn của Bồ Tát là viên thông nên có thể dùng thay đổi nhau được, mà bọn phàm phu chúng ta là chẳng phải thế. Tai chỉ nghe mà chẳng hay xem sắc, mắt chỉ hay xem sắc mà chẳng nghe tiếng được. Nên Kinh gọi: Mắt chẳng vượt khỏi sắc, tai chẳng vượt khỏi tiếng. Quán Thế Âm Bồ Tát quán tiếng tăm của mười pháp giới rồi đến giáo hóa cứu vớt chúng sanh, không khổ nào chẳng vớt, không nạn nào chẳng cứu, nên gọi là Quán Thế Âm.

Thế gian phàm phu có 3 khổ, 8 khổ và vô lượng các khổ, cho đến khổ kiến tư phiền não. Quán Thế Âm Bồ Tát quán tiếng tăm trì danh cầu cứu khổ kia, liền được giải thoát. Kỳ dư như chúng sanh ở cõi đồng cư có khổ phân đoạn sanh tử. Thanh Văn Duyên Giác là nhị thừa chúng sanh có những khổ trần sa phiền não và khổ biến dịch sanh tử ở cõi Phương tiện hữu dư. Bồ Tát là đại đạo tâm chúng sanh, có những khổ vô minh phiền não và khổ biến dịch ở cõi Thật báo trang nghiêm. Một phen xưng danh hiệu của Bồ Tát thời những khổ phiền não sanh tử của chúng sanh đang ở trong chín giới ba cõi đều khiến thoát ly, đều được thành Phật. Cho nên danh hiệu Quán Thế Âm chẳng những phàm phu nên niệm, mà La Hán, Bồ Tát cũng cần niệm trì.

Ðức Quán Thế Âm không khổ não nào chẳng cứu vớt, không cõi nước nào chẳng hiện thân. Trí năng quán của Bồ Tát cùng với cảnh sở quán thế giới chúng sanh duy thị là nhất tâm, nên gọi Quán Thế Âm. Phải biết Quán Thế Âm Bồ Tát có bổn môn và tích môn: Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi nói: Vị Bồ Tát này có sức oai thần bất khả tư nghì, ở vô lượng kiếp về trước đã thành Phật rồi, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Ðấy là bổn môn. Ngài đã thành Phật mà sao lại thị hiện Bồ Tát? Vì đại bi nguyện lực để cứu khổ chúng sanh vậy. Ðấy lá tích môn. Kinh Quán Âm Tam Muội nói: Xưa đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, Phật Thích Ca đã từng ở dưới Pháp tòa, sung vào trong đám đệ tử khổ hạnh để mà gần gũi. Ngày nay Ðức Thích Ca thị hiện thành Phật thời Quán Thế Âm Bồ Tát trở lại làm đệ tử để mà gần gũi lại. Cho nên một Phật ra đời là ngàn Phật phò trì.

Kinh Bi Hoa nói: Ngày xưa, vô lượng kiếp về trước, khi còn là phàm phu, có Ðức Phật Bảo Tạng ra đời. Bấy giờ đệ nhất Thái Tử của vua Chuyển Luân Thánh Vương phát tâm cúng dường Phật và Tăng thời gian ba tháng. Rồi Thái Tử bèn ở trước Ðức Phật Bảo Tạng, phát bồ đề tâm và lập đại thệ nguyện rằng: Nếu có thế giới chúng sanh bị khổ não mà xưng niệm danh hiệu Ta và được thiên nhãn của Ta xem thấy, và thiên nhĩ nghe thấy, nếu kẻ ấy chẳng được cứu thoát, ta thề sẽ chẳng thành Phật. Ngay khi đó, Phật Bảo Tạng khen ngợi lời hoằng nguyện cứu khổ và cho vui chúng sanh, và Phật liền đặt cho Pháp danh là Quán Thế Âm. Lại nữa, trong Kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát tự nói rằng: Tôi nhớ lại được, Tôi ở vô lượng kiếp về trước đã từng gần gủi Ðức Cổ Phật Quán Thế Âm và Tôi là kẻ đệ tử Phật. Rồi được Ðức Phật ấy dạy cho rằng ngươi nên từ nơi nhĩ căn mà bắt đầu tu, rồi do nghe, suy nghĩ và tu thời ngươi sẽ vào được chánh định. Ban đầu Tôi ở trong tánh nghe, rồi mới vào giòng mà quên nơi chỗ.

Thông thường, nhĩ căn chúng ta hướng ngoại, dong ruỗi tìm tòi, theo tiếng mà trôi lăn. Nay chỗ dùng công phu của Quán Âm tức là dùng nhĩ căn quay ngược căn cơ trở lại mà nghe tự tánh. Cho nên mới có thể bên ngoài vong lục trần; bên trong vong lục căn. Năng sở đều vong. Ðã vong được Sở, tức vào dòng pháp giới, bèn chứng được quả viên thông bỗng nhiên siêu vượt, được hai món thù thắng, cho nên mới có 32 ứng thân, 14 vô úy, bốn bất tư nghì, vô tác diệu đức. Ðức Phật kia nhân vì Tôi mà thọ ký cho và đặt tên là Quán Thế Âm. Do đấy mà biết Ðức Quán Thế Âm thuần do tự mình quay lại quán tính nghe tức là chiếu cố tánh sẵn có. Sau khi rỗng phá ngũ uẩn là liền chứng được viên thông.

Nếu chuyên nghe bên ngoài, chẳng hay quay lại nghe tự tánh, tức là ngoài tâm cầu pháp. Cho nên Ðức Quán Thế Âm nhờ chẳng tự quán tiếng chỉ dùng quán trí để quán tánh nghe liền được giải thoát. Ðấy là y theo Kinh Lăng Nghiêm ước về tự lợi mà giải thích Quán Âm. Nếu y theo Kinh Pháp Hoa ước về phần lợi tha để giải thích Quán Âm, thì lợi tha là Bi, mà tự lợi là Trí. Cho nên danh hiệu Quán Âm có đức tự lợi lợi tha và công bi trí song vận vậy.

4.- Sao gọi là Bồ Tát? Bồ Tát là lược xưng. Tiếng Phạn là Bồ Ðề Tát Ðỏa. Bồ Ðề dịch là giác, Tát Ðỏa dịch là hữu tình. Giác tức là trên cầu giác ngộ Phật Ðạo, là tự lợi. Hữu tình tức dưới hóa độ chúng sanh hữu tình, là lợi tha. Cho nên có công thượng cầu hạ hóa và đức tự lợi lợi tha. Ðấy là danh xưng của những người tu hành theo Ðại thừa giáo. Người đời đều cho Thành Hoàng, Thổ Ðịa, Ðông Nhạc, Tài Thần... xưng là Bồ Tát. Thật là sai lầm lớn lao. Vì những vị thần vừa kể trên là thuộc về Ða Tài Quỷ trong loại Quỷ Thần, gọi đó là Thần đạo. Mà Bồ Tát là ngôi vị ở trên Trời, Người, La Hán và ở dưới Phật Ðà. Còn Thần đạo ở dưới Trời, Người đâu được lạm xưng là Bồ Tát.

Hễ ai chưa thành Phật mà trước phát tâm độ người, đấy là cảnh giới Bồ Tát, như lội qua sông vậy. Người lội do bờ bên này đến bờ bên kia mà chiếc thuyền thời ở giữa giòng. Bờ bên này dụ cho sanh tử luân hồi, bờ bên kia dụ Niết Bàn, Thánh Ðịa. Bồ Tát tự mình đã xong sanh tử mà chẳng trụ ở sanh tử như chẳng trụ ở bờ bên này. Tuy đã chứng Niết Bàn, bất sanh bất diệt mà là chẳng trụ Niết Bàn, như chẳng trụ bờ bên kia, tức là cảnh giới Bồ Tát. Và cũng là chơn diện mục của Phật giáo tích cực cứu thế. Cùng với những kẻ tu Tiểu thừa chỉ biết tự độ mà chẳng cần lợi tha thật khác xa chẳng đồng.

Phải biết Bồ Tát quý vị đều có thể làm được cả. Chúng sanh ai ai cũng đều có bổn phận, như từ bi ích vật lợi sanh, như thế cứ mà làm đi, tức là nhục thân Bồ Tát. Sau khi quý vị nghe hiểu, như tự lợi là Tiểu thừa. Nếu chẳng những tự lợi mà phát tâm vì chúng sanh nên nghe kinh. Sau khi nghe đi khuyến hóa tất cả các quyến thuộc, thân thích bằng hữu khiến cho mọi người đều hiểu biết được, đều tu trì được. Tâm đấy tức là tâm Bồ Tát. Như sáng lập Cư sĩ Lâm, nếu mỗi cá nhân đều mưu đồ quyền lợi, mong cầu danh vọng. Bề ngoài tuy làm sự nghiệp công chúng nhưng kỳ thật vẫn là cảnh giới Tiểu thừa. Nếu được quý vị đó vì mưu cầu hạnh phúc chung, khiến mọi người đều được nghe Phật pháp, có chỗ nương về. Dụng tâm như thế, thời không luận gì các viên chức trong ban đổng lý sự đều là Bồ Tát cả. Bồ Tát trọng tại xả kỷ lợi nhân là tích cực cứu đời, như tu những hạnh phóng sanh, bố thí, phần hương lễ bái, tụng kinh niệm Phật. Rồi đem công đức ấy đều hồi hướng cho pháp giới tất cả chúng sanh và phổ cập đến đại chúng đều được lợi ích; hy vọng thế giới hòa bình, mọi người đều lìa khổ được vui. Ðấy tức là pháp môn Bồ Tát vậy.

Như tu niệm Phật vì muốn độ thoát chúng sanh mà niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Niệm được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung được vãng sanh và gần gũi Ðức Phật A Di Ðà, rồi mới trở lại cõi Ta Bà mà độ sanh. Bề ngoài là cá nhân niệm Phật in tuồng tư lợi, nhưng kỳ thiệt tâm vì chúng sanh mà niệm Phật vãng sanh Tây Phương là tâm địa Bồ Tát. Tức là một mặt niệm Phật, một mặt khuyến hóa chúng sanh. Ðấy cũng là đạo Bồ Tát vậy. Nếu cao hơn nữa, cho rằng công phu tự mình hãy chưa thành tựu, mà vì muốn độ sanh vậy nên cần ở nơi nhà tranh vách lá, đạm bạc bần hàn kham tu khổ hạnh. Thân tuy ở sơn lâm chẳng hề tiếp xúc với dân chúng, nhưng lấy độ sanh làm tiền đề, thời cũng là một sự nghiệp của Bồ Tát vậy. Vì có làm thế mới đả phá được ngã kiến, hy sinh được tất cả. Cho nên mỗi khi động tĩnh đâu chẳng phải là đạo Bồ Tát?

Ngài Vĩnh Gia Ðại Sư có nói rằng: "Nhị thừa tinh tiến chẳng đạo tâm, ngoại đạo thông minh không trí huệ". Như các tổ chức Ðồng Thiện Xã, Tam Thời Hội, Lý Môn, Vô Vi, Tiên Thiên... Tuy họ siêng năng khổ hạnh, hiểu biết mọi sự, nhưng chỉ được gọi là vô ích khổ hạnh, vì đấy là thế trí biện thông, với Phật đạo hãy còn xa xôi lắm. Ðấy chính là không trí huệ, chẳng đạo tâm vậy. Người đời đối với thông minh và trí huệ thường lầm lẫn, họ chẳng phân biệt được. Thật thì sai khác nhau như trời vực. Bởi vì thông minh chẳng hay liễu sanh tử được. Kể những khoa học, triết học, vật lý học, thanh, quang, hóa, điện học... đều là bác học thông đạt. Ðấy là thế gian thông minh, do lòng tham đắm mê muội nhận cho thật có trời dài đất lâu, nên đối với muôn pháp khám phá ra không nổi, chính là có thông minh mà không trí huệ.

Ngược lại có một hạng người chẳng biết các món khoa học, không có học vấn, nhưng họ có thể hiểu rõ thế giới là huyễn hóa. Ðối với tất cả họ khám phá được, nhận thức thấu đáo, và họ an bần lạc Ðạo, chẳng mong cầu gì mà nhân phẩm tự nhiên cao khiết. Ðấy là có trí huệ mà không thông minh. Nếu với thế gian có học thức rộng cao mà biết đem dùng hoằng dương Phật Pháp tức là chuyển thế gian thông minh thành trí huệ xuất thế. Cũng như Tiểu thừa La Hán, tuy chịu đựng khổ cực nhọc nhằn, nhưng chỉ có tinh tiến dũng mãnh mà không đạo tâm. Và chỉ biết tự cố bản thân mà chẳng chịu nhở một mảy lông để làm lợi ích cho người, trời. Nếu ngược lại mà làm lợi cho kẻ khác, thế là có đạo tâm Bồ Tát vậy.

Cho nên quý vị đến đây nghe kinh, đa phần là Phật giáo đồ, phàm khi lễ Phật tụng kinh niệm Phật, cần phải phát tâm tích cực cứu đời, dù cho lực bất tòng tâm đi nữa, cũng nên phát quảng đại tâm, hễ có nguyện tất thành tựu có ngày. Ðược như thế mới là có tư cách Bồ Tát. Ðức Thích Ca và Bồ Tát Quán Thế Âm đều sớm đã thành Phật lâu rồi, nhưng vì tâm độ sanh tha thiết, cho nên tái lai thị hiện ra đời. Quán Âm thị hiện 32 ứng thân, vì đối với cơ nghi nên hoặc hiện nam thân, hoặc hiện nữ thân, do đó mà người đời bảo Quán Âm là nữ nhân, kỳ thật chẳng phải vậy.

Trên núi Ngũ Ðài có đắp tượng Quán Âm bằng một tướng thầy Tỳ kheo. Ðức Quán Thế Âm có nhiều thị hiện như: tay xách giỏ cá, bồng con nít, mặc áo trắng, ngàn tay ngàn mắt, chân đạp rùa cá... Tuy đều là nữ thân, nhưng chỉ vì cứu độ một hàng nữ nhân nào đó nên phải thị hiện đó thôi, chớ kỳ thật đồng là một bản thể Quán Âm vậy. Thuở xưa có một xứ, dân chúng chẳng chịu tin Phật Pháp, vì họ cho là mê tín. Bồ Tát Quán Thế Âm vì muốn giáo hóa bọn chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng kia, nên hoá hiện một nữ nhân, tay xách giỏ tre, trong có đựng mấy con cá, đi vào thôn xóm rao bán. Người trong thôn xóm thấy cô bán cá mà sao dung nhan mỹ mạo đẹp đẽ dị thường, nên ai cũng lấp lẻm và tranh nhau muốn cưới. Người thì xin cưới về làm dâu, người thì muốn cưới làm vợ, và có ông đòi cưới cho kỳ được dắt về làm hầu. Người ta bu quanh nơi cô càng lúc càng đông, nhất là các cậu thanh niên mò theo sát gót. Cô đi đến đâu cũng như đến đấy, cả ngày, cá bán không được vì người ta ham mua người mà thôi. Thấy đã đến lúc, cô nói: "Các ông là đông người, còn tôi chỉ có một mình tôi, làm sao làm vợ cho đủ? Nhưng tôi xin đưa một điều kiện, nếu các ông bằng lòng, là ai đọc thuộc lòng Phẩm Kinh Phổ Môn nội trong ba ngày nhất định thời tôi làm vợ kẻ đó tức thì". Liền tức tốc người làng đi khắp xứ tìm Phẩm Phổ Môn về đọc tụng. Sau ba ngày mãn hạn những người đọc thuộc lòng được bốn năm mươi người. Cô bảo: "Các ông vẫn còn số nhiều, không nói chắc các ông cũng biết, một mình tôi mà làm vợ cho nhiều người bất tiện vì nhiều lẽ. Vậy tôi xin một lần nữa là ai đọc thuộc lòng quyển Kinh Kim Cang nội trong năm ngày tròn, tôi xin chân thành phụng sự người đó là chồng duy nhất của đời tôi". Thế là người ta, một lần nữa phải khó khăn, vì văn tự của kinh này là lặp đi lặp lại, trùng điệp điệp trùng, quần quấn rắc rối chứ chưa kể chi đến nghĩa lý Bát Nhã Ba La Mật. Thế nhưng nghiệp lực nó mạnh lắm. Mãn hạn năm ngày, có được mười người trúng tuyển.

Cô ta lên tiếng: "Cũng vẫn bất tiện. Thưa các người, pháp luật hiện hành và luân lý cổ truyền của xứ ta, chính ngày hôm nay vẫn chưa cho phép một vợ mà mười chồng. Xin quý ngài một lần chót này nữa là nếu ai đọc thuộc lòng bộ Kinh Pháp Hoa trong hạn bảy ngày chẵn, thời tiện thiếp xin trân trọng tuyên bố đem danh dự của kẻ hàng tôm hàng cá ra mà bảo đảm giữ đúng lời hứa đã hứa mấy lần trước". Lần này, người ta gặp phải cái khó đặc biệt là tìm cho đủ bảy quyển và ngồi xếp bằng mà lật từng trang, từ đầu chí cuối cho hết bộ Kinh Pháp Hoa cũng đã mất bao ngày giờ, huống là học thuộc lòng. Một tuần lễ trôi qua, mãn hạn bảy ngày, vậy mà vẫn có một người đạt được mục đích cuối cùng, vẻ vang nhất đời. Ðó là chàng thiếu niên họ Mã. Chàng thông minh lịch sự, tiền nhiều sang trọng. Dĩ nhiên, cô bán cá phải nhớ lời hứa. Sau một đêm hoa đăng rực rỡ, yến tiệc linh đình, đến giờ động phòng, tân nương bỗng phát một cơn đau bụng dữ dội và chết luôn!

Ôi thôi! Mã thiếu niên, tội nghiệp cho chàng biết bao! Chết, chết, ở đời ai tránh khỏi cái chết? Mà chết như thế này nghĩa là làm sao? Ðời ai chẳng nên đáng sống! Mà sống như thế này thì sống để làm gì? Chết sống mà như thế này phải có thứ trời đất nào khác hơn để nại cho thấu tai mới nghe! Mã thiếu niên đã dùng hết tâm cơ ba khoa ứng thí đậu Hoàng Giáp cả ba, phần thưởng xứng đáng nhất là được một mỹ nhân tuyệt thế. Ðó là hạnh phúc chứ gì? Nhưng hạnh phúc đã chớp cánh bay bỗng rồi. Bay đi mà không ngày đậu lại, cách biệt vĩnh viễn. Giờ đây và tại đây chỉ còn lại một giả danh hạnh phúc và một thây chết nằm cứng đờ như những thây chết khác không hơn không kém. Sau khi tống táng xong, chàng ta tự hậu là mình bạc phước. Ðể tránh bạc phước ấy, chàng thề trọn đời chẳng màng cưới vợ nữa. Rồi chàng tự nhiên sang qua sống một đời sống của những kẻ thất tình; dấn thân đây đó như kẻ si cuồng. Một hôm bất giác chàng đi tình cờ gặp một vị lão Tăng mặc áo tím, lão nhận thấy nơi anh ta có bộ dạng âu sầu khổ não nên Ngài mới gạn hỏi. Thì Mã quân đem hết đầu đuôi chuyện mới xảy ra mà thưa. Nghe xong Ngài bảo: "Người nữ nhân ấy là Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân, vì Bồ Tát thấy bọn các ngươi chẳng tin Phật pháp nên mới thị hiện nữ nhân để giáo hóa đấy thôi".

Ngài tiếp: "Trong kinh Phật dạy: Trước lấy tình dục câu dắt nó, sau mới khiến vào Phật trí vậy". Mã quân trở về nhà và thuật lại việc mình vừa gặp lão Tăng bảo như thế cho bà con nghe. Nhưng chưa tin nên họ quật mồ, cậy nắp quan thời trong quan không có chi cả. Do đó, dân chúng mới tin, và Phật pháp cũng do đó mà được thịnh hành. Sau vụ này được minh bạch, Mã quân cho là mình làm người thế gian cũng không còn ý nghĩa gì nữa, nên ông xuất gia làm Tăng, rồi vào tu Ðạo trong một hang núi. Về sau người ta đặt tên hang này là Mã Lang Ðộng, tức là hang động của chàng họ Mã. Ðộng ấy đến nay vẫn còn.

Quán Âm mọi người đều đủ cả, đều có thể làm Bồ Tát được. Như niệm Quán Âm để cầu phước báo, tức là người, trời Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu tu phước huệ qua vô số kiếp, trăm phước tướng hảo, mà còn chấp tướng bố thí, năng thí, sở thí chẳng tiêu vong, tức là Tạng giáo thủ tướng Quán Thế Âm. Nếu thể đạt muôn Pháp đều không, đương thể tức là chơn, tuy rộng tu lục độ mà thể của ba luân trống không. Ví như tu bố thí, chẳng thấy ta là người năng thí, cũng chẳng thấy vật là sở thí, và trung gian cũng chẳng thấy có người thọ của thí. Thí như sáng lập Cư sĩ Lâm đâu chẳng phải lợi sanh ích vật, lại như thi tác Phật sự, kiến lập đạo tràng, nên coi đó là vầng trăng dưới nước, hoa đóm giữa hư không, huyễn hóa không thật, nên chẳng chấp lấy cho là thật có. Ðây tức là Thông giáo Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Không là tiêu cực, mà quán Hữu là tích cực, quán Trung đạo là tiêu cực mà tích cực. Còn quán thứ lớp trước Không, kế Hữu, sau Trung, tức là Biệt giáo Quán Thế Âm Bồ Tát vậy. Nếu viên dung ba Quán, đối với tiếng tăm của mười pháp giới đều là cảnh mà ta nhất quán: Chơn không chẳng phải không, diệu hữu chẳng phải hữu, duy là tam quán nhất tâm, tuyệt đãi viên dung. Sau khi đã chứng thấu triệt các nghĩa trên, mới từ thể trung đạo khởi dụng ứng hóa, tức là Viên giác Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tuy có Tạng, Thông, Biệt, Viên Quán Âm của bốn giáo, nhưng kỳ thật đồng là một Quán Âm, không hai không khác, vì sở kiến của mỗi người nên mới có chẳng đồng mà thôi. Nên gọi là kẻ nhân thấy là nhân, kẻ trí thấy là trí vậy. Như nước ở cõi này, người thấy là nước, mà ngạ quỷ thấy là lửa, cá ếch rùa trạnh thấy là nhà cửa, mà trời xem thấy thời là ngọc lưu ly quý đẹp lắm. Tâm lượng nhỏ thấy Quán Âm nhỏ, tâm lượng lớn thấy Quán Âm lớn. Tự như trống, chuông. Ðánh lớn kêu lớn, đánh nhỏ kêu nhỏ. Bồ Tát tự mình không có chia rẻ lớn nhỏ, nhân ngã gì hết. Vì căn cơ của chúng sanh chẳng đồng nên Quán Âm phải khắp cả pháp giới, nên có câu:

            Xứ xứ trì trung hữu minh nguyệt,

            Gia gia môn nội hữu Quán Âm.

Nghĩa là:

            Ao nào cũng có ánh trăng,

            Nhà nào cũng có Quán Âm hiện tiền.

Vì Quán Âm là Quán Âm ở trong tâm chúng sanh. Như tuy chúng sanh mê muội điên đảo, nhưng sáu căn năng duyên kiến phần, mà cái thể của nó nguyên là quán trí của Quán Thế Âm, mà sáu trần là sở duyên tướng phần, thời cái thể nó thật là thế âm của Quán Thế Âm vậy. Quán tức là trí như như, Thế Âm tức là lý như như. Sáu căn dính khít sáu trần, căn trần tiếp nhau là tự tánh bị che khuất chẳng hiển hiện được.

Quán Thế Âm như trăng mát mẻ trên trời, thường du đi giữa hư không rốt ráo. Cũng thế, chỉ cần tâm nhơ bẩn của chúng sanh được rửa sạch; căn, trần nới thoát, thời ánh trăng Bồ Tát tự nhiên ứng hiện vào trong, như nước trong thì trăng hiện vậy. Nên mới có nghĩa cảm ứng đạo giao mầu nhiệm. Phàm gặp các tai nạn giặc cướp nước lửa xảy đến, thân thời chăm lòng chí mạng niệm Quán Âm, niệm được nhất tâm bất loạn. Tâm thủy lóng trong, thời tự tánh Quán Thế Âm hiển hiện là được giáng xuống cứu thoát. Bởi đó mới có thể biết rằng đạo lý niệm Quán Âm cứu khổ rất là bình thường giản dị chẳng có gì kỳ lạ quái gỡ, vì trong tự tâm sẵn đủ mầu nhiệm ấy vậy.

Nhưng đáng tiếc thay người đời mê muội chẳng chịu hồi đầu. Nay các người là những người đến đây để nghe giảng, tuy chẳng phải mỗi người là một Quán Âm, nhưng tôi chẳng dám khinh dễ các người. Với hiện tại tuy tự mình biết mình chẳng được, vì còn trái với giác tánh, hợp với trần lao, nhận giặc làm con, mê cảnh theo vọng, chìm ngấm sát đáy. Nhưng quý vị vốn sẵn đủ Quán Âm chưa hề sứt mẻ chút nào. Ðấy gọi là lý tức Quán Thế Âm. Ngày nay thỉnh kinh nghe pháp, hiểu Ðạo rõ ràng, rồi nhờ đó dụng công tu hành, đem mỗi niệm soi tỏ tánh chơn thường, tiêu trừ trần lao vọng niệm huyễn cảnh. Như niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cứ niệm niệm nối luôn ở nơi tự tâm mà chẳng trể nhác, thời vọng kia tự dứt. Ðấy gọi là quán hạnh tức Quán Thế Âm. Niệm được sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tư lường phân biệt, gặp cảnh giới tốt chẳng ưa, gặp cảnh giới xấu chẳng nhàm, chẳng sân, dứt được kiến tư phiền não là sáu căn thanh tịnh, có tác dụng thần thông. Nhân vì sáu căn đã trở về sáu căn thanh tịnh, nên ánh sáng sạch thông. Ðấy gọi là tương tợ tức Quán Thế Âm. Niệm được Lý nhất tâm bất loạn, tiếp theo phá được căn bản vô minh, thân kiến tự tánh Quán Thế Âm. Nhận thức được bản lai diện mục. Lúc bấy giờ mới có thể hóa hiện trăm đấng Phật Ðà, phân đi khắp trăm đại thiên thế giới mà thị hiện tám tướng thành đạo, rồi giáo hóa chúng sanh... Thần thông quảng đại, lại có 32 ứng hiện thân. Ðấy gọi là phần chứng tức Quán Thế Âm. Cuối cùng dứt hẳn hai món sanh tử là phân đoạn và biến dịch, năm chỗ phiền não được rốt ráo thanh tịnh mà thành Phật đạo. Ðến bây giờ đây mới gọi là cứu cánh tức Quán Thế Âm.

Thành tâm niệm Quán Thế Âm. Niệm được nhất tâm bất loạn. Niệm cực tình không là Quán Thế Âm của tạng Thông hai giáo. Niệm được tức không tức giả, trung đạo hiện tiền là Quán Thế Âm của Biệt Viên hai giáo.

5.- Phổ Môn: Phổ là khắp cả. Môn là cửa, là nghĩa năng thông. Mười cõi không có cửa, duy người tự tạo. Như Ðịa Ngục tạo bởi ngũ nghịch, thập ác mà làm cửa, đương thể của nó là lấy sân nhuế làm cửa. Ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A La hán, phá hòa hiệp Tăng, làm cho thân Phật chảy máu. Thập ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và ngu si. Mà người tu hành đã không có ác nghịch tức chẳng đi thông vào được, nên chẳng phải Phổ Môn. Các loại súc sanh như chim bay thú chạy, bò bay máy cựa tuy cũng do cửa tạo ngũ nghịch thập ác mà tiến vào, nhưng vì đương thể lấy ngu si làm cửa; ngu si là chẳng tin nhân quả, khởi các tà kiến. Ngạ quỷ tuy cũng do cửa ngũ nghịch thập ác mà đi thông vào, nhưng vì đương thể lấy xan tham làm cửa. Của cải mình có chẳng chịu bố thí cho ai một hào; trái lại tiền của người ta, mình tham được chẳng nhàm. Cho nên bị quả báo làm loại ngạ quỷ chịu khổ não đồ uống ăn chẳng đầy đủ. Ðấy là cửa ba ác đạo tham sân si, mà chẳng những người tu hành tức chẳng đi vào cửa ác này được vì không không từ đâu mà thông đến đến đến vậy.

Ðến như tam thiện đạo thì sao? Nhân thân khó được Thiên đạo lại chẳng dễ. Vì cần phải tu trì ngũ giới thập thiện mới có thể sanh vào trong hai đạo người, trời mà phải tu thiện đạo trong hai phẩm Trung và Thượng vậy. Ngũ giới đối với ngũ thường bên Nho học gần gũi nhau: Nhân tức là bất sát, Nghĩa tức là bất đạo, Lễ tức là bất dâm, Tín tức là bất vọng ngữ và Trí tức là bất ẩm tửu. Ðấy là xét về phần cạn cợt mà nói, chứ nói nghiêm khắc chơn thật mà luận, thời ngũ giới thật là cao hơn ngũ thường vạn vạn lần.

Nhưng đem tâm sân mà tu giới thiện là thành A Tu La, có phước như trời mà không có đức như trời, bởi vì tu thiện đạo hạ phẩm vậy. Như vậy ba thiện đạo, phải lấy giới thiện làm cửa mà đi thông vào. Nhưng chúng sanh ở sáu đạo bị sanh tử luân hồi là cửa hữu lậu chẳng thể đi thông vào vô lậu được, cho nên chẳng phải Phổ Môn. Thanh Văn Duyên Giác, Nhị Thừa chấp không, lấy không làm cửa; đi lệch vào nơi thiên không niết bàn, ngưng trệ ở hóa thành, sanh tử phiền não chỉ liễu được một nửa mà thôi, biến dịch sanh tử chưa diệt trừ xong, nên cửa này chẳng gọi là khắp. Bồ Tát lấy không hữu nhị biên làm cửa, trong chuyên tu không để tự lợi, ngoài giao thiệp hữu cho lợi tha, nhưng vẫn còn chia biệt hai bên mà chẳng dung hội, cho nên cũng chẳng phải là cửa khắp. Vậy thời Phổ Môn đây là một Môn tất cả đều Môn, một Phổ tất cả đều Phổ, một Trung tất cả đều Trung. Ðấy là Trung đạo diệu môn. Y theo Nhất Thật Tướng trung đạo để khai ra có mười Phổ Môn sau đây. Tất cả các pháp đều lấy đây mà bình đẳng quán vào.

a.- Từ Bi Phổ Môn: Từ hay cho vui, Bi hay cứu khổ. Tuy người đời ai cũng có từ bi, nhưng chênh lệch nơi ái kiến từ bi. Như bố thí tiền của: Người thì chia ra có thân sơ, địa phương thì phân ranh giới xa gần, đồng hương đồng tỉnh, đồng quốc, đồng giống nòi là cứu cho, mà trái lại thời chẳng cần biết tới. Hơn nữa, đồng là nhân loại mà cứu vớt, còn gà vịt heo dê... Thì cho là dị loại rồi cứ tàn sát để nhậu ăn cho khoái bổ. Cho nên đó gọi là ái kiến từ bi. Nên biết súc sanh nguyên là người biến hiện. Nó cũng biết đau khổ, lo tìm bảo tự mạng, cùng người đâu có khác chi? Cho nên ái kiến của phàm phu có giới hạn nên chẳng phải là Phổ Môn.

Kế đây là pháp duyên từ bi. Như có một hạng người hiểu biết tất cả các pháp do duyên mà sanh; duyên sanh là vô tánh, nên mọi pháp đều trống không. Mà phàm phu cho là thật. Ðối với các pháp cho là có, rồi nơi nơi chấp lấy, gặp gì cũng chấp chắc khư khư. Các loại như thế khó mà nói hết. Cho nên tất cả các khổ não do đấy mà phát sanh, vì chấp có ngã tướng vậy. Một ngày mai hậu, cảnh nghịch nó hiện đến thân, thời chẳng còn ngỏ nào tránh khỏi, phải đưa đầu ra mà hứng chịu mặc dù khó dễ tới mức nào! Phải biết: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng". Thế giới, quốc độ, sơn hà đại địa, đâu chẳng phải là một bóng nước trong biển cả. Chúng ta sống bốn năm mươi năm ở đây, với trên cõi trời Tứ Thiên Vương chẳng bằng một ngày đêm. Chúng ta bận rộn cho sự sống một đời, với trời ấy xem là triêu sanh mộ tử, đâu có đủ quý giá gì ư? Thế giới là cái nhà trọ của chúng ta, ngày đêm là quá khách của trăm năm. Muôn pháp đã trống không, hà tất phải tranh cải là phải là quấy, gây ra muôn ngàn tội ác! Những kẻ sĩ đi ở ẩn đời xưa, phần nhiều là người đạo cao đức cả, họ đã khám phá được sự thật của thế giới bên ngoài. Mà còn đến thỉnh họ làm Ðế làm Vương cho, thì họ lại cho là lời ấy là nhớp tai dơ gáy, rồi họ phải xuống sông cào rửa cái lỗ tai cho thật sạch mới chịu đành lòng!

Lại nhận thấy muôn pháp trong thế gian, đâu thứ gì có thật. Vì thế là người học Phật chẳng nên chấp tướng, thời tất cả khổ não tự nhiên tiêu diệt, vì không dựa vào đâu để tồn tại nữa vậy. Nên kinh dạy: Muôn pháp từ duyên sanh, đương thể tức trống không. Ðem lý duyên sanh chơn không này mà khai đạo cho chúng sanh, khiến họ được vui chơn không, mới giải thoát được khổ đau vì chấp hữu. Ðấy là pháp duyên từ bi. Nhưng chỉ biết có không mà chẳng biết bất không. Cho nên vẫn chẳng phải là từ bi Phổ Môn.

Từ bi Phổ Môn là thế nào? Là phải "Vô Duyên Ðại Từ, Ðồng Thể Ðại Bi" mới nhằm. Bởi chúng sanh là chúng sanh trong tâm ta, ta là ta trong tâm chúng sanh. Người tức là ta, ta tức là người. Người, ta tự tha nguyên là đồng thể. Người được giải thoát tức ta giải thoát. Người khổ tức ta khổ, người vui tức ta vui. Nên nhà Nho nói: Vui cái vui của người, buồn cái buồn của người. Việc người tức việc mình, không chia rẽ tự tha và tướng nhân ngã chi hết. Có thế mới có thể xả kỷ tùng nhân được. Ðến đây đã tiêu vong ngã tướng cũng không có nhân tướng, thời đâu còn có ngã năng duyên, nhân sở duyên. Ðược như thế tức thành Vô Duyên Ðại Từ, Ðồng Thể Ðại Bi vậy. Lại như vì muốn cứu vật sắp bị giết cho khỏi chết, mà tu hạnh phóng sanh, vì muốn cứu giúp loài quỷ đói nên mới thiết lập đàn phóng thí mông sơn chẩn tế để phổ độ chúng, tức là ý này vậy.

Nếu như còn có ta là hay duyên, người là bị ta duyên; ta hay cứu, người là được bị ta cứu; ta là hay độ, người là được ta độ, thời chắc chẳng phải Vô Duyên Từ, Ðồng Thể Bi vậy. Lại như nhận chơn được giới sát sanh, ăn rau quả là chơn từ bi, vì đồng thể vậy. Trái lại thời trực tiếp là giết chúng nó mà kỳ thiệt là gián tiếp giết mình. Cho nên có câu:

            Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

            Ðản thính đồ môn bán dạ thanh.

            Dục miễn thế thượng đao binh kiếp,

            Trừ phi chúng sanh bất thực nhục.

Nghĩa là:

            Muốn biết do đâu có chiến tranh,

            Chỉ nghe hàng thịt tiếng nửa đêm.

            Muốn khỏi chiến tranh sống hòa bình,

            Khi nào loài người không ăn thịt.

Cần phải biết vì khoái khẩu cho ba tấc lưỡi của ta mà khiến cho chúng nó chịu đau khổ, nỡ lòng dạ nào? Và lương tâm trắc ẩn của ta thường nói tới, lúc đó có mặt nó hay không? Cho nên cần phải thể đạt chúng với ta chẳng hai chẳng khác mà giới sát phóng sanh tức là đồng thể đại bi, vô duyên đại từ vậy. Ðồng thể đại bi thông suốt thượng thánh hạ phàm, tứ Thánh lục đạo, chín giống mười loại. Ðược như vậy mới thật là: "Ðại từ đại bi thương chúng sanh. Ðại hỷ đại xả cứu muôn loài". Ðiều này rất khẩn yếu. Cần phải gia tâm chú ý cho lắm vậy.

b.- Hoằng thệ Phổ Môn: Ðã đầy đủ vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, tất nhiên phải có mục tiêu thực hành. Thế nào là mục tiêu? Là bốn hoằng thệ nguyện vậy. Thường tụng:

            Chúng sanh không ngằn, thệ nguyện độ,

            Phiền não không cùng, thệ nguyện dứt,

            Pháp môn không lường, thệ nguyện học,

            Phật đạo cao siêu, thệ nguyện thành.

Bốn đại nguyện này tức là Phổ Môn đại nguyện. Ðã biết chúng sanh là chúng sanh ở trong tự tánh của ta, cho nên phải: Thệ nguyện độ tự tánh chúng sanh, thệ nguyện dứt tự tánh phiền não, thệ nguyện học tự tánh pháp môn, và thệ nguyện thành tự tánh Phật đạo.

Như nay quý vị tại đây nghe giảng kinh xong, ra về khuyên người giới sát, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, niệm Quán Âm cho chúng nghe. Khiến tiếng niệm lọt vào tai, rồi xuống tận trong đám ruộng tám Thức của chúng để làm nhân đắc độ cho đời sau. Tâm độ sanh cần phải rộng lớn, không luận với bốn loài noãn, thai, thấp, hóa, đều nên khuyến hóa chúng. Không xứ nào chẳng phải là chỗ độ sanh. Ðấy là Phổ Môn độ sanh đại nguyện. Phiền não lắm nhiều, tóm lại có tám muôn bốn ngàn thứ. Như tham sân si, như ác độc xà tâm, mặt người tâm thú, bất trung, bất hiếu, bất tín, bất nghĩa, bại hoại tỳ khí, quen thói độc ác... Chúng ta đã muốn lìa khổ được vui đều phải dứt phiền não và cũng cần phải khuyên mọi người đều dứt nó nữa mới xong. Ðấy là Phổ Môn dứt phiền não đại nguyện.

Pháp môn như Giới, Ðịnh, Huệ... Tám muôn bốn ngàn pháp. Ba tạng, mười hai bộ kinh, năm thời, tám giáo đều cần nên học. Nhưng chúng ta căn cùng huệ cạn mà học khắp tất cả chắc không thể nào kết quả. Vậy nên do một môn nào đó mà nên học sâu vào. Cứ đi thẳng vào một, đừng rẻ hai. Sâu và lâu mãi, rỗng vậy thông suốt. Một môn đầy đủ, thời tất cả các môn cũng đều đầy đủ vậy. Như khi đã đi vào một cửa tức vào mọi cửa, vào một đường thông tức thông mọi đường. Ban sơ khởi sự, bề ngoài tuy học một pháp, mà thật thời các môn đã đồng thời đều học. Trái lại, nay học Tánh tông, mai học Tướng tông, triêu tam mộ tứ, rốt cuộc không thành quả một môn nào mà tự phí công phu trọn đời. Chư Cổ đức xưa đã dạy: "Một câu Di Ðà đọc suốt năm thời, ngang trùm tám giáo". Ai năng già dặn niệm Phật tức đã học cả các pháp môn. Ðấy tức là Phổ Môn học pháp môn đại nguyện. Phàm phu có phân đoạn sanh tử, La Hán, Bồ Tát có biến dịch sanh tử. Duy chỉ khi nào thành Phật mới rốt ráo diệt tận hai thứ sanh tử trên. Cho nên Phật đạo tuy là cao siêu vô thượng, nhưng phải thệ nguyện cho thành đạt mới xong. Ðấy tức là đại nguyện Phổ Môn thành Phật đạo vậy.

Nên biết, Ðức Quán Thế Âm khi ban sơ hưng khởi Phổ Môn từ bi, rồi sau mới phát hiện Phổ Môn hoằng thệ. Mục đích Phật giáo chẳng chuộng nói suông mà cốt quý tại thực hành. Có hiểu có làm. Hiểu là con mắt, làm là cái chân. Có hiểu không làm như có mắt không chân. Có làm không hiểu như có chân không mắt. Có mắt không chân thời đi không được. Có chân không mắt, chắc sa hố hào. Thuở xưa, có một gia đình mười nhân khẩu, mà chẳng may hai người phải một đui, một què đều là phế nhân. Hai người này chỉ ở nhà coi nhà và phụng dưỡng song thân mà thôi. Phần mấy người kia đi ra ngoài lo việc công tác sanh nhai. Một hôm nhà bếp bị phát hỏa cháy dữ dội. Cố nhiên người đui chẳng thấy gì cả, nên chẳng chạy ra. Người què tuy thấy nhưng cũng không chạy ra được. Khi lửa cháy lan tràn dữ dội hơn thời hai người bối rối. Trong khi cấp bách nguy hiểm mưu trí liền sanh là hai ta cùng nhau hợp tác. Người đui cõng đứa què. Què chỉ đường tắt, đui y theo mà cõng nhau chạy ra khỏi khu nhà cháy. Ðấy dụ cho ba cõi không yên như nhà lửa. Tám khổ giao đốt, năm trược lộn cuồng. Chỉ biết mà chẳng đi cố nhiên chẳng ra khỏi ba cõi, cũng như đi mà chẳng biết tức dễ chạy lầm đường. Rời nhau đôi bên đều bị hại, hợp tác lại hai đứa an toàn. Nghe kinh mở trí huệ là hiểu, niệm Phật, niệm Quán Âm là tu. Hiểu và tu đều song tiến, như mắt và chân đôi bên giúp đỡ lẫn nhau mới có thể chứng được Diệu Pháp, chứng được tự tánh Quán Âm. Cho nên bộ bách Luận có thí dụ đui què. Mâu Tử có nghĩa thuyết hành. Mong chư vị chú ý đừng coi nhẹ.

c.- Tu hành Phổ Môn: Hiện nay chúng tôi giảng Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, được quý vị đồng đến nghe kinh niệm Phật tức là tu hành. Như có thể hiểu được đạo lý rõ ràng hơn là sự tu hành này cũng là phổ biến Phổ Môn vậy. Bồ Tát tu hành vẫn có thiên sai vạn biệt, tức gọi là Thánh, Phạm, Thiên, Bệnh, Anh hài... Năm món hành môn. Và với Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền và Trí tức lục độ hành môn. Chúng ta tu hành, trừ ngoài nghe kinh niệm Phật, còn cần phải phát quảng đại tâm, tu bố thí để cứu tai cứu nạn khắp lợi cho quần sanh. Những ai có nhiều sức mạnh, phải phát nguyện mạnh nhiều, dốc lòng mà thi hành đi! Vả lại còn cần phải nghiêm chỉnh tu trì ngũ giới thập thiện, nhẫn nại tất cả những hoàn cảnh thuận nghịch nó đưa đến bất ngờ. Tâm chúng ta vốn là từ bi, nên tu giới nhẫn nhục được, tinh tiến dũng mãnh, chẳng nên có mảy may lùi bước.

Hôm nay trời rơi tuyết đầy đường, khí hậu rất lạnh mà quý vị đến đây nghe giảng kinh, đấy là tinh tiến dũng mãnh. Sở dĩ tôi được biết hai ngày thứ nhất thứ hai thính chúng đông đảo là vì hâm mộ Ðạo pháp mà đến. Tôi hồi tưởng lại trước đây mười năm, nhằm lúc tháng Chạp tôi đang ở tại Tô Châu giảng kinh. Bấy giờ ngày ngày tuyết rơi dữ dội, thế mà các cư sĩ Tô Châu đều đội tuyết mà đến, mà về. Các cư sĩ lúc đó và quý vị hôm nay đến đây đều thuộc về những điều vạn năng ấy. Ðấy chính là tinh thần nghị lực tinh tiến dũng mãnh mà đến mà về. Và đấy là những điều mà những người học Phật nên phải có đầy đủ vậy.

Ngày xưa, khi Ðạt Ma Tổ Sư đến Trung Quốc, lúc đó có Thần Quang Ðại sư đến cung kính lễ bái Tổ, mà Ðạt Ma chẳng đoái hoài, vẫn ngồi yên trong chùa Thiếu Lâm, xoay mặt vào vách, chẳng cần hỏi han gì hết. Ðã lâu, đến một hôm, trời xuống tuyết quá nhiều, sư Thần Quang vẫn y nhiên bình thản, từ khi mới đến tới giờ chỉ ân cần lễ bái để ra mắt Tổ mà chưa được, nên vẫn cung kính đứng sững chẳng hề lay động. Do sức tinh tấn dõng khí chẳng nản lòng thối chí, nên cảm động được Tổ Sư. Bất giác Tổ mới buông lời khen ngợi và hỏi: "Ngươi cầu việc gì?". Lúc đó Thần Quang liền làm lễ. Lúc đang cung kính thi lễ thì trong tâm Sư tự nghĩ: "Ta đến đây đã lâu hơn hai tháng rồi. Hôm nay mới nhận được Tổ một câu hỏi, chẳng ngăn nỗi cả mừng, lập tức mở lời cầu xin Tổ Sư phát lòng từ bi khai thị cho phương pháp dụng công và Phật pháp diệu đạo". Ðạt Ma trả lời: "Ngươi nên biết Diệu Ðạo của các Ðức Phật, nhiều kiếp tinh cần, phải làm được việc khó làm, phải nhẫn được điều khó nhẫn. Thậm chí có khi vì Pháp mà phải hy sinh đến thân mạng. Dễ đâu mà nói cho ngươi". Sau khi nghe trọn lời dạy ấy, Thần Quang lập tức chạy xuống nhà bếp lấy một con dao, rồi tự mình chặt đứt một cánh tay của mình mới trở lại quỳ trước Tổ Sư, cầu Ngài khai thị. Ðạt Ma thấy sư vì say sưa cầu pháp mà đã chặt đứt trọn mất một cánh tay chảy xuống thấm vào trong tuyết, tuyết lại biến thành hồng, cho nên có câu: Hồng tuyết tề yêu. Nghĩa là tuyết đỏ chảy ngang lưng. Vậy mà Huệ Khả vẫn cố sức khẩn cầu lòng từ bi của Tổ Sư ban cho mình pháp an tâm!

Ðạt Ma hỏi: "Tâm ngươi ở đâu, lấy đem đây. Ta sẽ thay ngươi mà an nó cho?". Trong một giây lát Huệ Khả suy đi nghĩ lại, phản chiếu hồi quang, đương tức khắc vong tình không thức, trong ngoài lặng lẽ, liền mau giác ngộ tâm này trọn bất khả đắc. Chính lúc đó Sư Khả, trong vong thân tâm, ngoài quên thế giới, căn thoát xa trần, vong thân vong thể. Thân tâm đã không có thời đau nhức ở đâu? Nên Khả liền đáp: "Tôi tìm tâm trọn bất khả đắc". Ðạt Ma nói: "Ngươi đã nói tâm ngươi tìm trọn bất khả đắc, thời Ta cũng đã ban cấp cho ngươi pháp an tâm rồi vậy". Cứ theo ý nghĩa trên đây là tâm trọn bất khả đắc. Nó không ngằn, không mé, đầy khắp cả pháp giới, không có chia ra chừng ngằn được. Ðấy gọi là Phổ Môn tu tự tánh vậy. Người xưa đã nói: Nếm được khổ nhất trong các khổ, mới đáng làm người trên mọi người. Lại thường nói: Hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân, nghĩa là ông Hoàng ông Thiên chẳng bao giờ bỏ những kẻ khổ tâm nhọc chí.

Cho nên người học Phật cần nếm khổ, cần chịu nhọc. Những người ngày nay đến đây là đã chí thành khẩn thiết, lại còn cần phải lặng lòng, lắng nghe. Nếu tâm nhất động là có tư lường phân biệt, thời là có tâm sanh diệt chẳng thể phổ biến được, tức là chẳng thể nghe và lãnh thọ phổ biến pháp môn được. Cho nên cần yên lặng, phải dùng vô phân biệt trí mà quán sát, mà buông thả tất cả phàm tình thánh giải, một mảy tơ chẳng rối loạn mà cứ niệm Phật, niệm Bồ Tát đi, lấy đó làm phương pháp tu hành thì các vọng hoặc đều bị tiêu vong. Giờ này mà còn chẳng phải chơn thật còn đợi lúc nào? Cho nên Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát ước về phần tự tánh và lợi tha đều dùng nhất tâm mà tu các công hạnh vậy. Nên không một công hạnh nào chẳng phổ biến. Cho nên gọi là tu hành Phổ Môn.

d.- Ðoạn hoặc Phổ Môn: Tinh tiến tu khổ hạnh mới có thể dứt các phiền não được, dễ như cầm dao trảm mè chẻ măng, một dứt tất cả đều dứt. Những người có đại trí huệ, nhất tâm dụng công tu khổ hạnh thời các thứ phiền não hoặc nghiệp tự nhiên đoạn tuyệt. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng trí viên thông phổ biến pháp giới, đoạn hoặc căn bản vô minh. Căn bản đã đoạn thời nhánh nhóc cũng phải tiêu diệt luôn. Chính là hiển trí phổ biến đoạn hoặc, nhất đoạn tất cả đều đoạn, không một hoặc nào chẳng bị đoạn. Nên gọi rằng đoạn hoặc Phổ Môn.

e.- Nhập Pháp môn Phổ Môn: Chứng được đến Trung đạo vương Tam muội thời tất cả pháp môn Tam muội không một pháp nào chẳng viên chứng. Ðức Quán Âm đã thân chứng đến nhĩ căn viên thông, rồi do nghe huân tập, do tu huân tập nơi pháp môn Kim Cang Tam Muội, và có bao nhiêu trăm ngàn Tam muội, hằng sa công đức mỗi mỗi đều phổ biến chứng nhập. Nên gọi là nhập Pháp môn Phổ Môn.

f.- Thần Thông Phổ Môn: Sau khi chứng được Pháp môn, sáu căn thanh tịnh, tức có sáu pháp thần thông. Sáu pháp thần thông là: Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Túc mạng, Tha tâm, Thần túc, và Vô lậu là sáu thông. Phàm mắt người ta thấy trước mắt mà chẳng thấy sau, thấy sáng chẳng thấy tối. Tai chỉ nghe gần mà chẳng nghe xa, chỉ nghe tiếng nói nhân loại mà chẳng hiểu tiếng nói phi nhân loại. Gặp gì cũng đều bị chướng ngại cho sự xem nghe. Nếu đủ Thiên nhãn thông thời xem trên trời dưới đất, sáu đạo quần sanh, tam thiên đại thiên thế giới và tất cả sắc pháp trong mười pháp giới như xem trái xoài nằm trong lòng bàn tay, không chỗ nào chẳng thấy biết, không chỗ nào chẳng thấy hiểu. Nếu có Thiên nhĩ thông nghe được tất cả tiếng tăm mười pháp giới, như ở một nhà chẳng cách xa gần. Chúng ta thường cho gió thuận tai thì nghe, mắt thấy được ngàn dặm thì cho là thần thông. Nhưng so sánh với Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông thời sai khác nhau nào những trời vực mà là gấp bội trăm ngàn vạn ức cũng chẳng kịp một phần. Người đời chẳng thể dụng công tu hành được, đều là vì không có Túc mạng thông, nên chẳng biết duyên do đời trước của mình. Nếu ai có đủ sáu pháp thần thông này, mới có thể hiểu được mạng sống của mỗi đời quá khứ, đời nào sanh ở đâu và sanh vào trong đạo nào là trời hay người, hoặc súc sanh chẳng hạn đều biết hết. Hơn nữa, còn hiểu được túc mạng của các chúng sanh khác nữa là khác. Những người nào biết được túc mạng tức đã hiểu rõ tiền nhân hậu quả nhất định họ nghĩ đến việc tu hành ngay.

Nói về Tha tâm thông, tức là đối với tâm lý của ngàn vạn ức chúng sanh đều có thể hiểu biết hết, nên gọi là chưa bói mà biết trước, chẳng đi đâu mà vẫn hiểu hết. Quý vị đến đây nghe kinh. Hoặc có người thân ở đây mà tâm bay đậu ở kia. Khởi tâm động niệm, vọng tưởng tạp niệm lăng xăng. Nếu quả thật ta biết được tâm người kia đang khởi vọng tưởng lăng xăng, hoặc họ chẳng chuyên tâm nghe tụng giảng kinh, tức là ta có đủ Tha tâm thông rồi vậy... Thần túc thông, tức là nhẹ bay đi xa, chẳng cần chuyến xe có thể bay đi cả thiên hạ, lên tận trời, xuống sát đất, xoi thủng núi, lội qua nước, được thần thông tự nhiên, biến hóa vô cùng tận vậy. Năm pháp thần thông trên đây, Trời, Người, Quỷ, Thần đều có thể có được, nhưng hãy chưa chứng được Vô lậu thông. Chúng ta là kẻ phàm phu, có bao nhiêu phiền não hoặc nghiệp tức là hột giống sanh tử. Sau khi dứt được kiến tư phiền hoặc mới chứng quả A La Hán, mà chỉ xong được phân đoạn sanh tử thôi. Sanh tử lậu, phiền não lậu giống như cái bình bị nứt chẳng đựng nước được. Nay đã liễu được sanh tử phiền não như chiếc bình hoàn hảo có thể đựng nước cam lồ vẫn tốt. Nói cho đúng, phải chứng đến quả vị bất sanh bất diệt mới có được Vô lậu thông. Chúng ta ai ai cũng có đủ sáu pháp thần thông này. Nhưng ngặt vì còn bị phiền não vọng tưởng chấp trước nên chưa chứng được đấy thôi. Nếu ai có thể buông thả muôn việc, dứt xong phiền não, chí thành dụng công, thần thông tự nhiên đầy đủ mà chẳng cần cầu mong bên ngoài làm chi vô ích. Nhưng phải biết, Phật pháp chẳng cho thần thông là quí, mà trọng yếu tại nơi giải thoát. Nếu chuyên dùng thần thông làm việc bất chính, thời dễ sa vào tà ma ngoại đạo mà chẳng phải là kẻ chân thật hành trì đúng hướng vậy. Thần thông của Bồ Tát khác hơn thần thông của La Hán. La Hán đối với trong lục đạo chỉ có thể thấy biết những sự vật trong phạm vi trăm vạn kiếp mà thôi. Bồ Tát thời suốt thấy biết được tất cả trong phạm vi tam thiên đại thiên thế giới và thời gian cũng thấy biết vô tận. Quán Thế Âm là sau khi chứng Phật quả thị hiện lại tu nhân Ðại Bồ Tát do hóa thiền vô ký hóa mà khởi hóa thông vô ký hóa. Cho nên thần thông của Quán Âm đương nhiên là rộng lớn vô biên. Do đó gọi là Thần thông Phổ Môn.

g.- Phương tiện Phổ Môn: Phương là pháp, tiện là nghi, tức là dùng các thứ phương pháp, nhân cơ nghi tạo ra tiện hành mà làm lợi lạc để độ thoát tất cả chúng sanh vậy. Là phương pháp gì? Tức là hoặc hiện thân nam, hiện thân nữ, hoặc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cư sĩ, Tể quan các thứ thân tùy cơ duyên mà thị hiện bất nhất định. Không lúc nào chẳng dùng phương pháp đó, không chỗ nào chẳng dùng cơ nghi ấy vì là mong muốn phổ biến để giáo hóa. Cho nên gọi là Phương tiện Phổ Môn. Nếu chẳng vậy thời như muốn độ thoát cho hạng người nào đó mà hiện ra thân người chẳng thích hợp với họ là bị trở ngại ngay, tức là chẳng phải phương tiện vậy.

h.- Thuyết pháp Phổ Môn: Giáo pháp có Ðại, Tiểu, Quyền, Thiệt, mà quý hồ thay là tùy theo căn cơ cho lợi tiện mới nói ra, vì nói pháp đâu chẳng phải độ chúng sanh, khai trí huệ mà thành Phật đạo. Nên chỉ nói Ðại pháp, Thiệt pháp mà chẳng hay nói Tiểu pháp, Quyền pháp, hoặc chỉ nói Tiểu, Quyền mà chẳng nói Ðại, Thiệt thời chẳng phải phổ biến vậy. Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đủ Ðại thần thông không luận Ðại, Tiểu, Quyền, Thiệt không một pháp môn nào chẳng thông thuyết như một trận mưa đều thấm nhuần, đều được nhờ lợi ích. Cho nên gọi là Thuyết pháp Phổ Môn.

i.- Cúng dường chư Phật Phổ Môn: Quán Thế Âm Bồ Tát, tự mình sớm đã thành Phật, nhưng lại là đáo xứ cúng dường chư Phật. Như tại Ta Bà thế giới, tức cúng dường Thích Ca. Ðến Tây phương Cực Lạc thế giới là cúng dường Phật A Di Ðà và đến Ðông phương thế giới lại cúng dường Phật A Sơ Bệ. Mười phương ba đời các Phật không một vị nào mà chẳng tận tâm cúng dường. Nên gọi là cúng dường chư Phật Phổ Môn.

j.- Thành tự chúng sanh Phổ Môn: Quán Thế Âm Bồ Tát vì độ chúng sanh, nên sau khi thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai lại thị hiện Quán Thế Âm Bồ Tát, cho nên đáo xứ đều thành tựu chúng sanh, tức là mong muốn chúng sanh đều dụng công tinh tiến. Ở trong nhân đạo là hiện tướng của người, ở trong súc sanh đạo là hiện tướng súc sanh, ở trên chư thiên tức hiện tướng chư thiên. Cho nên 32 loại ứng hóa thân đều là để thành tựu chúng sanh. Không phân biệt kẻ dỡ người giỏi, kẻ ngu người trí, kẻ hiền đứa bất tiếu gì cả, thảy đều hiện độ, tức như chúng ta thường lập đàn chẩn tế là nguyên do Quán Thế Âm Bồ Tát hóa hiện làm loài quỷ đói tên là Diện Nhiên Ðại Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương. Trong miệng các quỷ này lửa thường cháy rực, chút nước cũng chẳng uống vào được, đói khác đau khổ phi thường. Khiến Ngài A Nan thấy vậy động lòng thương xót và thưa với Phật. Phật liền dạy cho Chú pháp cúng thí ngạ quỷ Diệm Khẩu. Cho biết rằng Quán Thế Âm Bồ Tát nơi nào cũng thành tựu, nơi nào cũng giáo hóa. Cho nên gọi là Thành tựu chúng sanh Phổ Môn.

Mười điều tóm lại là: Từ bi, Hoằng thệ, Tu hành, Ðoạn hoặc, là nhân Quán Thế Âm tự hành. Nhập pháp môn là quả tự hành: Năm điều Phổ Môn này là thuộc tự hành. Thần thông, Phương tiện, Thuyết pháp: Ba điều Phổ Môn này thuộc về lợi tha. Cuối cùng, cúng Phật là tự lợi mà Thành tựu chúng sanh lại là lợi tha. Tuy có chia ra mười điều, nhưng tổng thị là Phổ Môn bao la vạn tượng quảng đại vô cùng. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát lại có danh hiệu nữa là Phổ Môn Ðại Sĩ vậy.

6.- Phẩm: là phẩm loại. Ðại phàm đồng loại hợp lại làm một phẩm. Cho nên những việc mà Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thị hiện nhóm nơi một phẩm từ đầu chí đuôi không ngoài hai đoạn vấn đáp gồm có mười nghĩa. Nay lại chia riêng ra để nói cho rõ.

a.- Nhân Pháp: Ðoạn trước vấn đáp là nói Quán Thế Âm Bồ Tát hay quán sát tiếng tăm thế gian để cứu bảy nạn, giải ba độc. Ðấy là ước về người bất tư nghì. Ðoạn sau vấn đáp là nói thị hiện 32 ứng hóa thân, tức là Pháp Phổ Môn thị hiện bất tư nghì. Cho nên gọi rằng Nhân Pháp nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

b.- Từ Bi: Quán Thế Âm Bồ Tát tìm tiếng tăm cứu nạn, vớt khổ cho chúng sanh là Ðại Bi. Phổ Môn thị hiện lợi lạc cho chúng sanh là Ðại Từ. Cho nên gọi rằng Từ Bi nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

c.- Phước Huệ: Quán Thế Âm Bồ Tát đủ đại trí huệ mà thuyết pháp, đủ đại phước đức mà thị hiện. Huệ chỉ cho Quán Âm, Phước chỉ cho Phổ Môn. Cho nên gọi rằng Phước Huệ nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

d.- Chơn Ứng: Cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hay cầu thảy đều chơn thân diệu lực Quán Thế Âm bất khả tư nghì. Mà Phổ Môn thị hiện 32 hóa thân là ứng thân bất khả tư nghì. Cho nên gọi rằng Chơn Ứng nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

e.- Dược Châu: Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn như cây thuốc Thọ vương là Dược. Phổ Môn thị hiện, tùy theo cơ cảm mà ứng với sự cầu, như Ngọc Như Ý bảo châu là Châu. Cho nên gọi rằng Dược Châu nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn. Cây thuốc Thọ vương và Như Ý bảo châu là hai thứ gì? Thuở xưa có chàng tiều phu, gánh củi vào chợ bán. Trong bó củi bỗng phát ra một ánh sáng dị thường. Vừa lúc có ông thầy thuốc tên Kỳ Vức, xem thấy cho là lạ, rồi ông mua cả bó củi đem về. Về nhà ông tìm được một nhánh Dược thọ vương trong bó củi ấy. Nhánh Dược thọ vương này đem đặt vào bên hông nơi người thân thời nó soi sáng thấu vào tạng phủ, trị được mọi bệnh, như lối soi điện ngày nay vậy. Vì trị được bệnh cứu khổ nên gọi là Dược thọ vương. Ngọc Như Ý bảo châu là nó có thể tùy theo ý muốn của người. Như người muốn có cơm áo, đồ dùng, chỉ cần trong tâm máy động lên một niệm muốn là ngọc kia tức khắc hóa ra cho người dùng, nên gọi là Như Ý bảo châu.

f.- Minh Hiển: Minh là thầm. Thầm ứng là tuy mắt ta chẳng thấy được, nhưng chủ cần nhất tâm bất loạn tinh tiến niệm Phật, thời trong chỗ âm thầm tự có sự lợi ích lớn lao, nên gọi là hiển cảm mà thầm ứng. Nếu thân ta thấy được thời đó là hiển cảm hiển ứng. Lại như có người trọn đời chẳng biết niệm kinh lễ Phật là gì, nhưng đến khi gặp tai nạn gấp rút lại được cảm ứng đến Bồ Tát cứu hộ, là vì đời trước họ đã có vun trồng căn lành cho nên nay được vậy, gọi là minh cảm mà hiển ứng là vậy. Lại còn có trường hợp minh cảm minh ứng, cứ lệ theo đây mà biết. Ðoạn trước giải thích Quán Thế Âm cứu khổ là nói lợi ích trong chỗ âm thầm, mà đoạn sau giải thích Phổ Môn thị hiện là nói sự lợi ích rõ ràng. Cho nên gọi rằng Minh Hiển nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

g.- Quyền Thiệt: Quán Thế Âm Bồ Tát Pháp thân minh ích là thật tế. Phương tiện Phổ Môn thị hiện là quyền mưu. Cho nên gọi rằng Quyền Thiệt nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

h.- Bổn Tích: Quán Thế Âm Bồ Tát đáo xứ ứng hiện giáo hóa các loại chúng sanh, rõ ràng như trăng trên trời ánh hiện dưới nước ngàn sông mà thành mặt trăng ngàn sông. Trăng trên trời như Bổn môn Pháp thân. Trăng dưới nước như Tích môn ứng hóa. Cho nên Quán Thế Âm là Bổn, Phổ Môn thị hiện là Tích. Cho nên gọi rằng Bổn Tích nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

i.- Duyên Liễu: Chúng ta nghe giảng kinh khai trí huệ, nhất tâm niệm Quán Thế Âm là hạt giống Liễu Nhân. Phổ Môn bố thí là công đức Duyên Nhân. Cho nên gọi rằng Duyên Liễu nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

j.- Trí Ðoạn: Quán Thế Âm cứu khổ là trí đức trang nghiêm. Phổ Môn thị hiện là đoạn đức trang nghiêm. Cho nên gọi rằng Trí Ðoạn nhân duyên là Quán Thế Âm Phổ Môn.

Mười pháp nhân duyên này nên kinh đề tổng quát mà gọi rằng Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM