PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (tt)

III. Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Dịch.

Ðây là dịch đề. Phẩm này nguyên là Phạn văn, do Ngài Cưu Ma La Thập dùng Hán văn dịch ra. Cưu Ma, Tàu gọi Ðồng, là họ, La Thập gọi Thọ, là tên. Thân phụ của Ngài tên Cưu Ma La Diêm. Nguyên là người xứ Trung Ấn. Ấn Ðộ chia Ðông, Tây, Nam, Bắc và Trung năm bộ. Ông Diêm đi du lịch đến nước Quy Từ, tức nay là biên địa của tỉnh Vân Nam. Quốc vương Quy Từ mến mộ đạo cao học rộng của ông, mới đem người con gái gã cho. Rồi sanh con tức là Ngài Cưu Ma La Thập. Pháp sư là người phiên dịch Phẩm kinh này. Pháp sư khi còn nhỏ đã có thông huệ hơn mọi người. Tuổi còn đồng ấu mà đã có tác phong thái độ như người kỳ lão nên gọi là Ðồng Thọ. Khi Ngài lên bảy tuổi, theo thân mẫu đi chùa. Vào chùa, thấy một cái bát bằng đồng to nặng. Thấy vậy rồi liền lấy đội trên đầu rất là nhẹ nhàng và dễ dàng. Kế đó Ngài nghĩ bát này rất to nặng mà ta thời nhỏ nhít, vì sao mà cử cất là lên được ngay? Tức thì cái bát rơi xuống đất. Rồi La Thập cất lên lần thứ hai chẳng nổi. Liền lúc ấy Ngài giác ngộ rằng vạn pháp là duy tâm. Ðối với tất cả pháp chẳng nên đem tâm tư lường phân biệt. Nặng chẳng biết tự nó là nặng, nhẹ cũng như thế vậy. Kìa, sở dĩ biết nặng nên cất lên lần thứ hai nữa chẳng nổi là vì La Thập đã trót khởi một điểm tư lường nơi tâm. Ðã có tư lường phân biệt tức là vọng tưởng nổi dậy. Vọng tưởng mà máy động một tí tức là biết nặng cất lên không nổi. Cho nên phải biết tất cả cảnh giới đều do vọng tưởng mới có sai biệt: Tâm sanh thời các pháp sanh, tâm diệt thời các pháp diệt. Nên gọi nhất thiết duy tâm tạo, vạn pháp duy thức biến là vậy. Giả như tâm pháp chẳng hai, không có sai biệt, tức chẳng sa vào trong hang thẳm của tâm ý thức thời đâu có phân nam nữ, chia tự tha mà thành nhất thể. Nên gọi là bất nhị pháp môn. Bất nhị tức là Diệu pháp.

La Thập Pháp Sư khi lên bảy tuổi, có một vị La Hán bảo với Ngài rằng: Cậu La Thập này nếu được 35 tuổi hơn mà chẳng phá giới thì chắc là làm nhân thiên đạo sư, giáo hóa vô lượng chúng sanh. Và còn phải đến nước Tàu hoằng dương đạo pháp nữa. Về sau khi Ngài lên mười tuổi hơn, muốn đi xuất gia, mẫu thân mới đem lời của vị La Hán bảo cho Ngài nghe. La Thập nói: Cần nên được hoằng dương Phật pháp và phải hy sinh tất cả, đấy là chí nguyện của con rất muốn như vậy. Ðang khi Ngài tại Quy Từ hoằng dương Phật pháp được Quốc vương kính phụng là bực Thượng Tọa mà tự đem thân mình làm Pháp tọa cho Pháp sư ngồi để lặng lẽ nghe giảng kinh. Tại sao nhà vua kính trọng đến quá mức như thế? Vì đối với Phật pháp có một phần cung kính tức là có một phần phước đức vậy. Vả lại, đấy cũng là một phương pháp mà hành trì được thời chứng đạo quả. Khi La Thập đã đại trưởng thành, đi đến đâu giảng kinh thuyết pháp là nổi danh cả toàn xứ.

Lúc bấy giờ, ở nước Tàu Trung Quốc có thời đại Ngũ Hồ, ông Phù Kiên tiếm đoạt ngôi vua tự xưng là Tần Vương, đóng đô ở Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây, quốc hiệu là Phù Tần. Một đêm hôm, quan Thái Sử Công quan sát thiên tượng nhận thấy có sao đức tinh chiếu sáng nơi trời Tây. Ðoán biết nước Thiên Trúc sắp có một vị Ðại Ðức sẽ đến Trung Quốc hoằng dương đạo pháp. Ông liền minh tấu lên Tần Vương. Mà trong lòng nhà vua cũng đã biết qua được rằng ở Ðông Ấn Ðộ có Ngài Cư Ma La Thập Pháp Sư là người đạo đức, học vấn rất thâm thúy. Tần Vương liền sai sứ thần mang lễ vật sang Quy Từ xin phụng thỉnh La Thập. Ngặt nửi quốc vương Quy Từ cất dấu La Thập để làm quốc bảo, nhất định chẳng chịu thỏa mãn cho sứ thần Trung Quốc. Thế là một phen sự bất thành, buộc lòng Phù Kiên phải sai tướng quân Lữ Quang, lần này chẳng cần đem theo lễ vật, mà lại mang theo bảy vạn đại quân tiến thẳng sang Quy Từ quốc, vây thành công hãm quyết liệt. Mục đích của Kiên là chẳng phải tham vọng đất đai, tài vật mà là chủ yếu nghinh thỉnh cho kỳ được Pháp Sư La Thập mà thôi. Ðang khi Pháp Sư còn trên đường chưa đến Thiểm Tây Trường An thì Phù Kiên chết, Dao Trành thế vị nên gọi là Dao Tần, lại xưng Hậu Tần mà Phù Tần là Tiền Tần. Sau khi Dao Trành chết, con là Dao Hưng tức vị. Hưng rất tin Phật Pháp, nên mới cung nghinh La Thập về Trường An cung phụng như thần thánh. La Thập sang Tàu vào năm 420 Tây Lịch.

Kinh điển Ấn Ðộ, đến thời này lại truyền vào Trung Quốc thêm nữa. Rồi do La Thập Pháp Sư tái hành phiên dịch, lưu truyền lại đến ngày nay gồm có ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng là tất cả Pháp môn do Phật Thích Ca nói ra, như Tâm Kinh, Kim Cang, Di Ðà, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm các Kinh. Luật là Giới Luật do Phật giảng ra, như Tứ phần luật, Thập tụng luật, đến Ngũ giới tướng kinh. Luận là do các vị Bồ Tát, các vị Tổ Sư muốn hiển dương chánh lý mà trước tác ra tất cả, như Ðại Trí Ðộ luận, Du Già Sư Ðịa luận...

La Thập Pháp Sư đem ba tạng giáo pháp hoằng dương hóa độ chúng sanh. Và tự mình cũng dùng Tam tạng Ðại pháp làm thầy; tự lợi lợi tha, nên gọi là Tam tạng Pháp Sư. Kinh điển do ngài dịch rất hay ho đẹp đẽ không ai bì kịp. Trước khi Ngài thị tịch bảo các đệ tử rằng: Những kinh tôi đã dịch nếu không sai lầm, thời thân tôi thuy hóa mà cuống lưỡi tôi chẳng hư hoại. Sau khi Ngài viên tịch, đem hỏa táng thời cuống lưỡi vẫn y nguyên chẳng hư hao chút nào!

Do đó có thể chứng biết những kinh điển Ngài phiên dịch xác thật không có chử nào sai lầm. Về sau, có Ngài Ðạo Tuyên Luật sư tu ở núi Chung Nam. Tu khổ hạnh hơn ai hết. Một hôm đi đường bị trật chân bổ nhào, bửng nhiên có vị Thiên vương tử con của Bắc phương Tỳ Sa Môn Thiên vương đến quỳ trước mặt Ngài phò hộ đỡ dậy. Chúng ta ai có thể tu trì được một giới tức có được năm vị thần bảo hộ. Ngài Ðạo Tuyên Luật Sư được vị thiên tướng ấy hộ trì bởi Ngài nghiêm trì giới luật vậy. Khi Ðạo Tuyên Luật Sư nhận thấy Thiên tướng, nhân đó hỏi rằng: Kinh điển của Trung Quốc phần nhiều do La Thập Pháp Sư phiên dịch, được mọi người vui mừng hoằng dương. Nay Ngài đã quy tịch, hiện giờ ở cõi nào? Thiên tướng đáp: La Thập kinh điển, chẳng những của Phật Thích Ca, mà kinh của bảy Ðức Phật cũng đều do Ngài đảm nhiệm phiên dịch, cho nên không có mảy may sai lầm. Cho nên được hậu thế hoằng dương. Nay phẩm kinh này là của La Thập Pháp Sư dịch, đương nhiên chính xác không sai lầm vậy.

Lúc bấy giờ Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhơn duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?"

Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm là phẩm thứ 25 trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm thứ 24 là phẩm Diệu Âm giảng về một vị Bồ Tát ở phương Ðông. Phẩm Phổ Môn này giảng về một vị Bồ Tát ở phương Tây. Tây phương Cực lạc thế giới A Di Ðà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát, xưng là Tây phương Tam Thánh. A Di Ðà Phật là giáo chủ, tương lai, khi thoái vị là Quán Thế Âm Bồ Tát thay thế. Ðức Phật mới đó hiệu là Phổ Quang Công Ðức Sơn Vương Phật. Kỳ thật Quán Thế Âm Bồ Tát ở kiếp lâu xa về trước sớm đã thành Phật, hiệu xưng là Chánh Pháp Minh Như Lai mà hiện tại Quán Thế Âm Bồ Tát chính là Chánh Pháp Minh Như Lai thị hiện vậy. Vì muốn phổ độ chúng sanh nên tùy theo cơ duyên thể hiện chẳng đồng, những tướng hiện ra cũng khác, như đồng trên sân khấu hí trường huyễn biến đủ trò, nhưng mà bản thân diễn viên vẫn chẳng hề biến chất gì cả. Lúc bấy giờ chính là lúc này vậy. Lúc mà Ðức Phật Thích Ca sắp đang giảng sự tích của Quán Thế Âm Bồ Tát ở phương Tây. Chính là lúc mà cơ giáo gặp sát nhau cảm ứng đạo giao. Lại cũng là lúc mà căn cơ của chúng sanh thành Phật đã thuần thục, cho nên mới có thể cảm đến Như Lai thuyết đại giáo và chúng hội có thể nghe được Diệu pháp vậy. Lại còn có nghĩa nữa là lúc bấy giờ là lúc mà thường gọi là: Thế giới, vị nhân, đối trị và đệ nhất nghĩa bốn món tất đàn nhân duyên. Tất là khắp cả, Ðàn là đàn thí. Khắp thí cho vậy. Phải chăng là Pháp bổn vô thuyết, Ðạo bổn vô ngôn. Nhưng muốn vì chúng sanh nên mới có bốn tất đàn nhân duyên, khiến được bốn món lợi ích, cho nên vô thuyết mà phải thuyết, vô ngôn mà phải ngôn.

1.- Thuyết về thế giới tất đàn: là khiến được lợi ích vui mừng, tuy chưa phá ác sanh thiện, nhưng pháp hỷ đã được sung mãn.

2.- Thuyết về vị nhân tất đàn: là khiến được lợi ích sanh thiện. Như sau khi nghe kinh, thời chúng thiện phụng hành.

3.- Thuyết về đối trị tất đàn: là khiến được lợi ích phá ác. Như sau khi nghe kinh thời chư ác mạc tác.

4.- Thuyết về đệ nhứt nghĩa tất đàn: là khiến được lợi ích nhập lý. Như nhờ nghe kinh Pháp mà được đại triệt ngộ chứng nhập Diệu lý.

Cho nên, Ðức Phật nói Quán Thế Âm Phổ Môn Phẩm này là vì có thực tại lợi ích của bốn món tất đàn vậy. Hoặc có người được lợi ích vui mừng mà sanh thiện, hoặc được lợi ích phá ác mà nhập lý. Mọi người đều tùy căn tánh mà được lợi ích chẳng đồng. Cho nên chúng ta nghe kinh mới phát tâm vui mừng. Rồi nhân đấy, thời kẻ nào chưa trồng căn lành trồng đi. Một khi nghe hiểu rõ ràng, đổi lỗi hướng lành từ đây sanh thiện phá ác, đấy tức là căn lành đã thuần thục. Kẻ nào chưa thuần thục phải thuần thục đi; như năng được một phen ngộ mà triệt ngộ thấu Diệu đạo. Còn những người chưa được giải thoát thời phải giải thoát đi, để vượt lên chứng đến quả Bồ Ðề. Hiện nay giảng Phẩm Phổ Môn là lúc chính thời tiết nhân duyên bốn món tất đàn đã đến, cho nên gọi là lúc bấy giờ.

Vô Tận Ý là danh hiệu một vị Bồ Tát. Vị Bồ Tát này vì sao gọi là Vô Tận ý? Vì Ngài xem thấy vô cùng tận thế giới và vô cùng tận chúng sanh đang ở những thế giới kia cảm chịu vô cùng tận sự khổ não; rồi mới phát nguyện cứu độ chúng. Tức là có rõ ràng tâm ý vô cùng tận cho nên gọi là Vô Tận Ý. Vị Bồ Tát này đã có bốn câu kệ:

            Thế giới vô biên trần nhiểu nhiểu,

            Chúng sanh vô số nghiệp mang mang,

            Ái hà vô để lãng thao thao,

            Thị cố hiệu vi Vô Tận Ý.

Nghĩa là:

            Thế giới không ngằn, bụi lăng xăng,

            Chúng sanh không số, nghiệp rộn ràng,

            Ái hà không đáy, sóng cuồn cuộn,

            Vậy nên hiệu là Vô Tận Ý.

Thế giới vô lượng vô biên, chúng sanh cũng vô cùng vô tận. Ði đến một xứ là có một xứ thế giới. Và đi đến một thế giới là có một thế giới chúng sanh. Ðấy là chúng sanh vô lượng vô tận, nó chịu trọn vẹn tình ái mê hoặc, chẳng thể đẩy lùi sanh tử được. Biển nghiệp mênh mang lộn quanh lộn quẩn không khi nào ra khỏi. Bồ Tát Vô Tận Ý chẳng nỡ ngồi mà chứng kiến những bao vô lượng vô biên chúng sanh chịu các khổ não kia. Cho nên Ngài quả quyết mà rằng: Phải độ những mớ chúng sanh ấy cho hết, rồi mới lên chứng lấy quả Bồ Ðề. Chính đấy mới là bộ mặt thật của Ðại thừa Phật Pháp vậy. Vậy nên hiệu là Vô Tận Ý.

Phát thệ nguyện của vị Bồ Tát này và là Bồ Tát Quán Thế Âm tương đồng. Vô Tận tức là cảnh Sở quán, một cảnh mà ba quán đế tức là tiếng đời của Quán Thế Âm. Ý là ý năng quán giác, tức một tâm ba đế, cũng tức quán của Quán Thế Âm vậy. Cho nên gọi là Vô Tận Ý Bồ Tát.

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy... Tất cả ba câu tức là nghi thức của đệ tử Phật, khi hướng về Phật để xin hỏi Pháp. Từ chỗ ngồi đứng dậy là đang khi Phật Thích Ca giảng, Bồ Tát này từ chỗ mình ngồi đứng dậy. Các vị Ðại Bồ Tát, Thanh Văn, đệ tử cả Pháp hội đều ngồi yên nghe Pháp. Lúc đó Vô Tận Ý Bồ Tát muốn phát vấn nên mới đứng dậy.

Trịch áo bày vai bên hữu là tỏ lòng cung kính chí thành. Các vị tăng bên Ấn Ðộ, mặc áo cà sa sắc vàng, không có cái câu cái hoàn. Mỗi khi đi khất thực, nghe giảng Pháp đều dùng đắp thân mà đắp trùm cả hai vai chẳng cho trống. Ðến khi nào hỏi xin đạo pháp thời mới cho trống vai bên hữu để tỏ lòng cung kính. Chắp hai tay mười ngón lại cho ngay thẳng sát nhau là để tỏ: Muôn ý niệm lăng xăng đều đã tiêu hết, nhất tâm bất loạn. Ðối với Ðức Phật xin hỏi Pháp mà chắp tay cũng là tỏ lòng cung kính.

Mà bạch Phật rằng tức là khởi lên nói ra như thế ấy. Thiện ác của chúng ta đều do ba nghiệp thân, khẩu, ý gây nên. Ba nghiệp ấy dùng phải chỗ tức là công đức mà trái lại là tội ác.

Khi ấy, Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai bên hữu, là thân nghiệp cung kính; chắp tay hướng về Phật là ý nghiệp cung kính; thốt ra lời hỏi là khẩu nghiệp cung kính. Ba nghiệp đều cung kính để xin thỉnh Pháp đều là vì chúng sanh vậy.

Ðức Phật hướng về là Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật là Giác. Giác mà chẳng mê gọi là Phật. Mê mà chẳng Giác gọi là chúng sanh. Kỳ thiệt Tâm, Phật, Chúng Sanh là ba không sai khác. Mà có sai khác là giác với mê đấy thôi. Giác có ba thứ là: Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Phật Thích Ca khi xưa là Thái Tử Tất Ðạt Ða, cũng là phàm phu 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành Ðạo, tức là Ðại giác, Ðại ngộ trọn chứng Phật quả. Bởi vì Phật đã thấu suốt rõ ràng tất cả muôn Phật trong thế gian không một Pháp nào chẳng hư dối. Mà bao nhiêu chúng sanh đều là mê muội mờ mịt bất tri bất giác.

Nói đến câu này, nhất định quý vị sanh nghi và bảo: Chúng ta đói nghĩ đến ăn, khát lo tới uống, mùa lạnh sắm áo, mùa hè sợ nóng, đấy chẳng phải là tri giác ư? Ðâu biết rằng những thứ tri giác ấy là vọng tri vọng giác đấy thôi. Thử hỏi thân ta từ đâu mà đến? Mọi người đều chỉ biết do nơi cha mẹ sanh ra. Nhưng trước khi cha mẹ sanh ra mặt mày của người lúc đó ra sao? Ðây chắc mọi người chẳng làm sao mà biết được. Vậy thì chúng ta sống trên đời này chỉ biết mài miệt lo rộn ràng những việc con cái gái trai, những việc đồ danh mưu lợi vậy sao? Nhưng còn đến trên cõi Ta Bà thế giới này để làm việc gì nữa lại là mọi người đều chẳng hề biết tới. Còn nữa, một mai nào đó, sau khi thân này chết, nó lại đi đến chỗ nào? Thời mọi người lại càng chẳng biết nốt! Sống còn đây mà chẳng biết từ đâu đến, chết xong rồi cũng chẳng biết đi về đâu! Ðấy chính là mê muội bất giác, sống say chết ngủ. Cho nên gọi:

            Khi đến mù mờ, lúc đi mê.

            Luống uổng đường đời chạy mệt mề.

            Sống như thây đi thịt chạy.

            Chết cùng cỏ cây đồng hủ tiêu tan.

Chúng ta đối với sự sự vật vật, đâu chẳng phải say sưa vì một chữ "Có". Vợ con, tài lộc những gì này khác nọ kia không một điều gì chẳng tồn tại bởi ngã kiến mà ra. Kỳ thiệt nhân sự như chiêm bao, tất cả cảnh như huyễn hóa thảy đều trống không.

Giống như điện ảnh, một màn qua rồi một màn nữa đến. Sau khi chiếu xong, y nhiên là một bức vải trắng, để dụ cho sau khi chúng ta đã có lẽ sống này rồi nhất nhất đều vì cái xác thân cho nó là vật sở hữu của ta. Chẳng may gặp chút nghịch cảnh xảy đến, thời tranh giành quyết liệt thời chẳng chịu nhân nhượng chút nào. Một mai sau nào đó khi thở ra chẳng hít vào được nữa, rồi đem liệm kỹ vào trong quan tài, rồi đem táng kín trong lòng đất, dần dần thịt tiêu xương tán trở lại thành tro bụi như xưa! Từ lúc này trở đi mặc cho người muốn làm chúa tể hay làm gì thì tha hồ. Cho nên mới nói cái xác thân này sống là cái thây cục cựa, chết là cái thây cứng đờ. Ðó, cái Ta chơn thật gì đâu nào? Suy rộng ra cho đến kim ngân, tài sản, tử tôn, nhà lầu xe cộ tất cả và tất cả đều thuộc về hư thiết chẳng phải những vật sở hữu của ta. Ðấy là chưa nói đến tương lai kiếp hỏa cháy suốt cả trời đất cũng đều hủy hoại, thế giới hãy không còn, thân này còn ở chỗ nào mà có? Thế nhưng người đời mê mà chẳng giác, xem chẳng thấy, hiểu chẳng thấu, cho nên mới gây tranh đấu to tác như thế này. Phải biết tứ đại đều không, ngũ uẩn chẳng có, thân thế gia quốc in như trò huyễn, lại như ma thuật; Khi thì quân thần phụ tử, khi thì lai khứ hữu vô, đều là những việc quấy rối nhau tạm thời. Một khi sau huyễn cảnh hạ màn, trọn không có một vật gì cả. Kinh Kim Cang nói: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nghĩa là những gì có tướng đều là giả dối.

Phật là đấng Ðại giác Ðại ngộ, thấu triệt rõ ràng đạo lý, sanh tử khứ lai, liễu đạt được vạn pháp duy tâm, do tâm mà thấy có, tất cả các pháp đều là y tha khởi tánh, cho nên không một pháp nào là chẳng huyễn vọng. Giác ngộ được tâm chơn thường này là bất sanh bất diệt, như thế gọi là tự giác. Giác tha là thế nào? Tuy ta đã tự giác, nhưng bao nhiêu chúng sanh còn đang trôi lăn chìm nổi trong biển khổ mù mịt mênh mông mà nó bất biết tri giác. Ta cần thiết lập phương pháp phổ độ tích cực mà cứu vớt mới xong. Bởi thế nên phát Ðồng Thể Ðại Bi Tâm, tận lực cứu vớt, đều khiến giác ngộ, bỏ vọng về chơn. Phật pháp là Không mà Bất Không, cho nên cần tự giác mà phải giác tha. Kẻ tiên giác có bổn phận giác ngộ cho người hậu giác. Tự lợi mà phải lợi tha. Thiên hạ vi công. Tất cả chúng sanh đều cùng Ta không hai không khác. Sự sự công khai đều được cộng đồng lợi ích. Ðấy là tâm trường bình đẳng bất nhị của Bồ Tát. Tự giác là tự lợi, là vô sở trụ, vô sở hữu, tức là Chơn Không pháp môn, thuộc về tiêu cực. Giác tha là lợi tha, Không mà Bất Không, tức là Diệu Hữu pháp môn, mà sanh kỳ tâm là tích cực.

Giác hạnh viên mãn nghĩa là như thế nào? Tự giác là xuất thế, giác tha là nhập thế. Viên mãn tự giác giác tha tức là trung đạo nghĩa đế. Ðã dứt sạch rốt ráo phiền não ở năm chỗ, diệt hẳn hai thứ sanh tử. Tự giác rồi lại đi làm giác tha, do tiêu cực mà tích cực, tức là xuất thế mà nhập thế vậy. Muốn giác tha trước phải tự giác đã, mới hội nhập thế nơi xuất thế, tức tích cực là tiêu cực. Tự và Tha đồng chứng được trung đạo, nên gọi đấy là giác hạnh viên mãn vậy. La Hán tự giác, Bồ Tát giác tha, mà giác hạnh viên mãn mới là Phật đấy. Giống như thành lập Cư Sĩ Lâm là mục đích muốn mọi người đều được lợi ích là liễu sanh tử, rốt ráo thành Phật quả, nên gọi là tự giác giác tha. Chúng ta tai năng văn, mắt năng kiến, biết lạnh, biết nóng, đấy là vọng tri vọng giác, vọng kiến vọng văn. Nhưng nơi bản tâm lương tri sẵn có chơn kiến chơn văn, chơn tri chơn giác. Vọng như sóng, Chơn như nước. Nhờ biết toàn nước thành sóng, toàn chơn tác vọng cho nên thành chúng sanh. Nếu ai buông thả muôn duyên sóng mòi dứt lặng, toàn sóng tức nước, tức nơi vọng quy về chơn, là rốt ráo thành Phật trọn.

Từ Thế Tôn trở xuống, lại là lời thưa hỏi của Vô Tận Ý Bồ Tát. Hai chữ Thế Tôn là Vô Tận Ý Bồ Tát xưng hô đối với Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhân vì là Thầy dẫn dắt của ba cõi, Cha lành của bốn loài. Thế gian lục đạo phàm phu, và xuất thế Tam thừa Thánh chúng không ai chẳng cung kính. Ðược tất cả thế gian và xuất thế gian tôn kính nên gọi là Thế Tôn. Chúng sanh vốn cũng là Phật, chỉ bởi điên đảo mê mờ, tự khinh tự rẻ biến thành chúng sanh.

Ðức Phật khi ban sơ cũng là phàm phu, chỉ nhờ chánh kiến phân minh, tự tôn tự trọng tâm tánh linh minh của mình, phản vọng quy chơn, từ bi hỷ xả mà được thành Phật trọn vẹn. Ai được như vậy, chúng ta cũng trọn vẹn là Phật chứ gì?

Một Ðức Phật có mười hiệu sai khác:

            Như Lai,

            Ứng Cúng,

            Chánh Biến Tri,

            Minh Hành Túc,

            Thiện Thệ,

            Thế Gian Giải,

            Vô Thượng Sĩ,

            Ðiều Ngự Trượng Phu,

            Thiên Nhân Sư,

Phật Thế Tôn. (Phật và Thế Tôn là một trong mười hiệu).

Vô Tận Ý Bồ Tát xưng Thế Tôn rồi liền hỏi Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì mà gọi là Quán Thế Âm. Nhân là hạt giống thân nhân. Duyên là trợ duyên. Tất cả các Pháp đều do nhân duyên mà sanh. Như người được sanh thế gian là bởi nhân duyên gì? Chắc quý vị nhất định biết rằng cha mẹ sanh ra. Cần phải biết cha mẹ là Duyên, nghiệp thức là Nhân. Nếu không nghiệp thức, chỉ có cha mẹ cũng chẳng sanh được. Cho nên nói: Có Duyên không Nhân, một Nhân bất thành, một Duyên khó sanh. Có cha mẹ là Duyên, có nghiệp thức là Nhân. Nhân Duyên nhóm họp mới sanh người được. Giống như ngũ cốc, trồng hạt giống xuống là Nhân, nước đất là Duyên, Nhân Duyên hòa hợp muôn vật nảy sanh. Lại như chiếc bàn gỗ này, ban sơ tâm nghĩ muốn có, rồi sau đó mua gỗ, mướn thợ mộc. Tâm nghĩ là Nhân, mua gỗ mướn thợ là Duyên.

Vậy thời ba chữ Quán Thế Âm cũng phải có nhân duyên. Lấy gì làm nhân và làm duyên? Bởi vì chúng sanh ở trong biển khổ mênh mang mù mịt, chịu bao khổ sanh tử luân hồi. Chúng sanh bị khổ cầu cứu là Nhân, Bồ Tát năng quán tiếng kêu cứu khổ xuất phát lòng từ bi là Duyên. Do đấy nhân duyên nhóm họp cảm ứng đạo giao, cho nên hiệu Ngài là Quán Thế Âm. Thế Âm tức tiếng tăm của chúng sanh ở thế gian bị khổ kêu gọi cầu cứu là Nhân. Bồ Tát liền đem linh trí quán chiếu tức quán trí từ bi cứu khổ là Duyên. Cho nên gọi Quán Thế Âm. Nhưng cũng có thể: Từ bi quán trí là Nhân, chúng sanh bị khổ là Duyên. Nên hiệu là Quán Thế Âm.

Phật bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: "Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát".

Ðã có lời thưa hỏi của Vô Tận Ý Bồ Tát như trên. Cho nên Ðức Phật mới có lời đáp này. Ðoạn này là tổng đáp. Dưới đây lại đáp riêng cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hay cầu thảy. Lời của kẻ trên nói xuống gọi là bảo. Phật nhân lời hỏi của Vô Tận Ý Bồ Tát mới đáp lại lời bảo cho biết, nên gọi là Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát. Ba chữ Thiện nam tử là Ðức Phật gọi Vô Tận Ý. Thiện là ý nghĩa tốt đẹp. Các vị nam cư sĩ gọi là Thiện nam tử, nữ cư sĩ gọi là Thiện nữ nhân. Thiện có quá khứ, hiện tai hai thứ. Quả báo đời trước là quá khứ, vun vén hiện thời là hiện tại. Thân người khó được nay đã được. Phật Pháp khó nghe nay được nghe. Quý vị đến đây nghe giảng kinh đều là đã có thiện căn, cần phải nắm lấy thời cơ nghe Pháp, rồi về vun đắp căn lành của mỗi cá nhân cho thêm tăng trưởng. Sao gọi là Nam tử? Là có chí khí đại trượng phu, quả quyết thẳng thắn, khi đau khổ, khi an vui, không có tâm chênh lệch quanh co. Bạn nữ nhân năng bình thản nghe giảng kinh chẳng áy náy ủy mỵ, tuy là nữ mà cũng là nam, cho nên cũng có thể xưng là Thiện nam tử được vậy. Thiện là điều nhu, Nam là chất trực. Cả hai đức tính ấy đầy đủ mới gọi là Thiện nam tử.

Nay giải thích nguyên do vì sao mà gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát vậy. Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh, đang khi chịu các khổ não, nhất tâm xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, liền khi đó Bồ Tát quán sát tiếng tăm ấy đều được giải thoát. Nhân vì Quán Thế Âm Bồ Tát, thần thông quảng đại, mà chúng sanh lại là chúng sanh trong tâm Bồ Tát vậy. Chúng sanh trên thế giới thọ khổ não nhiều vô số lượng. Mà thân thể của nó đều do bốn Ðại, năm Uẩn hòa hiệp lại mà thành. Năm Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, và Thức hoặc gọi là năm Ấm. Uẩn là nhóm họp, Ấm là che khuất.

1.- Sắc: tức là đất, nước, gió, lửa. Bốn món này là, thành thân thể, và năm căn, năm trần.

2.- Thọ: là năm căn lãnh thọ các điều khổ vui năm tiền trần cảnh giới. Ðấy chỉ là thọ tâm sở, cũng có thể chỉ cho tiền ngũ thức.

3.- Tưởng: là tâm niệm tư tưởng, thường thường chuyển khởi lên niệm đầu là tốt là xấu. Ðấy chỉ cho tưởng tâm sở, cũng có thể chỉ cho ý thức thứ sáu.

4.- Hành: là niệm trước đã qua, niệm sau nối sanh, một niệm rồi một niệm nối luôn, sanh diệt chẳng dứt gọi là Hành. Ðây cũng chỉ cho thức thứ bảy.

5.- Thức: là phân biệt rõ ràng nhận biết thứ này tốt, cái kia xấu. Ðây chỉ chung cho tám Thức Tâm Vương, cũng có thể chỉ riêng cho thức thứ tám. Ban đầu chúng ta thọ sanh (tức là bắt đầu đi nhận lấy một đời sống) là nghiệp thức tức là thức thứ tám tên là A Lại Da Thức. Khi sanh nó đến trước, khi chết nó đi sau. Cứ như thế từ vô lượng kiếp đến nay sanh sanh tử tử chưa hề ngừng nghĩ một khắc. Chúng ta bởi năm Uẩn này hòa hiệp mà sanh cho nên gọi là chúng sanh.

Ngàn vạn là một ức. Gọi trăm ngàn vạn ức chúng sanh là nói chúng sanh nhiều đến vô lượng vô biên. Trung quốc có trăm ngàn vạn ức chúng sanh của Trung quốc, ngoại quốc có trăm ngàn vạn ức chúng sanh của ngoại quốc. Bốn đại bộ châu, tam thiên đại thiên thế giới, cho đến súc sanh đạo là loại chim bay, thú chạy, cá, ốc, rùa, trạnh, ngạ quỷ, địa ngục... đều có vô lượng vô biên trăm ngàn ức chúng sanh. Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là chúng sanh ba ác đạo, gọi đó là ác ngũ ấm chúng sanh. Thiên đạo, Nhân đạo và A Tu La đạo, ba đạo này gọi là thiện ngũ ấm chúng sanh. Cho nên trên đến thiên đường, dưới đến địa ngục đều có trăm ngàn vạn ức hữu lậu ngũ ấm chúng sanh. Suy cho rộng ra: Nhị thừa là vô lậu ngũ ấm chúng sanh. Bồ Tát là nhị biên ngũ ấm chúng sanh, cũng đều có trăm ngàn vạn ức nhiều vô lượng vô biên.

Bị trói buộc ngoài thân là khổ, bị bức ngặt trong tâm là não. Ðịa ngục, ngạ quỷ và súc sanh ba ác đạo này, ngày ngày chịu bao nhiêu nhiều vô lượng khổ não. Chúng sanh trong đạo địa ngục có giảng nói bao nhiêu, đến bao giờ cũng chẳng xong cái khổ não vạn tử vạn sanh trong một ngày đêm. Mà khổ não của chúng sanh trong đạo súc sanh là trăm ngàn vạn ức năm chẳng nghe được tên của nước uống. Thấy thức ăn như than lửa, thấy nước uống như lửa hừng. Chúng sanh trong đạo súc sanh có vô lượng khổ não là lớn nuốt nhỏ, mạnh lấn yếu. Ðấy là những sự khổ não của chúng sanh trong ba ác đạo phải chịu lấy vậy. Nhãn quang chúng sanh cạn, tâm lượng nhỏ, nên sự thấy biết chỉ loài người và súc sanh được một phần ít thôi. Kỳ dư thiên đường địa ngục chưa từng thấy đến.

Chúng ta chẳng nên có quan niệm hẹp hòi rằng cái gì trong tròng con mắt chưa từng thấy đến cho là mê tín. Thí như các nước Anh, Pháp, Ðức, Nga chúng ta đều chưa đi đến, chẳng thấy, chẳng nên nói là chẳng có được. Lại như trước khi ông Kha Luân Bố tìm ra Tân Ðại Lục, thời các nước Tây Ban Nha, Anh Cát Lợi đều chẳng biết có Tân Ðại Lục. Mà Tân Ðại Lục chưa từng chẳng có. Lại nữa, chẳng phải khi Kha Luân Bố tìm ra nó do hư không mà thành Mỹ Châu. Do đó, đủ chứng minh rằng lối lập luận mắt chưa thấy tới là không có, chẳng có thể đứng vững được. Nhân loại chúng ta có bao nhiêu thiên tai, nhân họa dân sanh chẳng sống được: Kinh tế sụp đổ, nông thôn phá sản, tà đảng rối loạn, thủy tai, nắng hạn, đao binh chết chóc, sâu bọ ăn hại mùa màng, tiếng than thở oán sầu đày dẫy nơi đồng nội. Các việc khổ não ấy, đưa mắt ra là thấy chỗ nào cũng có nhan nhãn dẫy đầy trong một xứ. Nhưng những khổ này đây có kia không, hoặc kia có đây không mà chẳng phổ biến. Khổ não của chúng ta nhiều vô lượng vô biên ai ai cũng đều chung có đầy đủ ước lại có tám thứ khổ:

1.- Sanh khổ: Ðang khi nằm trong bụng mẹ chỗ nơi chật hẹp, hơi thở rất ngột ngạt, lại bị sanh tạng và thai tạng ép lại, tức là nằm trong thai ngục. Khi mẹ ăn những thức ăn nóng, thời thai như nằm bên núi lửa, tức là địa ngục hỏa sơn than hoạch (chảo nước sôi). Mà khi mẹ ăn thức ăn lạnh, thời thai như nằm bên núi băng sơn, tức là địa ngục hàn băng (núi lạnh). Khi mẹ cúi lưng xuống như núi đè xuống tức địa ngục yểm sơn (núi ép). Khi mẹ vòng hai tay, thời thai như treo giữa hư không, tức là địa ngục đảo huyền (treo ngược). Ðến khi sắp sanh sản, thời thai lại giống như từ giữa hai quả núi mà dùi thủng chun ra, sa xuống đất, thân thể bị khí lạnh như dao đâm vào tim. Cho nên con nít mới ra khỏi lòng mẹ, nhất định là la khóc oa oa là bởi duyên cớ này vậy. Cái thứ đau khổ này nói đây là nói chứ chẳng hết được, vì chúng ta tự nhớ lại chẳng đầy đủ được vậy. Ðấy là Sanh khổ.

2.- Lão khổ: Cảnh huống tuổi già. Mắt hoa tai điếc, răng rụng, tóc bạc, thở suyển, huyết suy, ăn nuốt, chẳng xuống, đi chẳng đến đâu, sợ lạnh, lo nóng, tức ngực, đau lưng, trời trở trở theo trời. Còn nhiều thứ khổ khác nữa. Ðấy là Lão khổ.

3.- Bệnh khổ: Thân thể chúng ta do bốn Ðại hợp lại mà thành. Một món Ðại chẳng điều hòa thời sanh ra trăm bệnh. Một ngày nào đó, một Ðại nào kia thất điều, bệnh khổ liền sanh. Ôn dịch, truyền nhiễm chóng lẹ, ác tật đeo mãi nơi thân, mủ máu nhớp cả thân thể. Khi muốn ngủ, ngủ nó chẳng đến, khi đói muốn ăn mà nuốt chẳng xuống. Ðấy là Bệnh khổ.

4.- Tử khổ: Món khổ này là khổ đặc biệt hơn hết. Khi sắp sửa giải tán cuộc sống, là thần trí mờ mịt, cả thân đau nhức, bốn chi mỏi mệt mềm nhừ, trăm khổ thay nhau nhận việc kịp thời. Ðau khổ như trâu bị lột da, dao nhọn đâm vào thân. Mà những thứ khổ này khốn nỗi buông nó chẳng nới, vứt nó chẳng rời. Thật là chẳng có thể bút mực lời lẽ nào mà diễn tả hình dung cho hết được. Ðấy là Tử khổ. Bốn món khổ trên đây, bất cứ nghèo, giàu, sang, hèn, trí, ngu, hiền, bất tiếu đều chẳng hay tránh khỏi được. Dầu cho hiếu tử hiền tôn đủ có hy vọng trân kỳ cho gia thế, nhưng chẳng may bất hạnh cho phúc nhà thời chẳng ai thay thế cho tí nào được cả. Sanh khổ thời ta chẳng nhớ được. Tử khổ thời chưa hiểu tới. Mà hai khổ Lão, Bệnh thời mọi người đều đã nếm ít nhiều rồi cả.

5.- Ái biệt ly khổ: Dù là cha mẹ anh em, vợ chồng con cái, ruộng đất nhà cửa, mọi thứ quý cần, tất cả là vật sở ái của tâm thường được ta gìn giữ chu đáo. Nhưng hoặc vì mưu sanh mà phải đi xa, cho nên chẳng thể sớm chiều đoàn tụ để gần người gần của, hoặc vì thọ số đến thời, phủi tay mà đi lặng lẽ. Hoặc bởi đao binh, thủy hỏa các tai, các nạn, rồi kẻ đông người tây, mạnh ai nấy tìm đường mà chạy chẳng ai dìu dắt được ai. Ðấy là ái biệt ly khổ.

6.- Oán tắng hội khổ: Chúng tôi cùng quý vị từ hồi nào đến giờ oan gia đối đầu chẳng biết bao nhiêu mà tính. Chẳng muốn gặp mặt, mà vẫn lệch xệch đụng đầu. Chẳng những cùng thuyền cùng hội, mà còn đồng chiếu đồng bào nữa là khác. Do đó, mà sanh ra cho nhau biết bao nhiêu là phiền não khổ sở. Ðấy là Oán tắng hội khổ.

7.- Cầu bất đắc khổ: Chính là muốn điều này chẳng được điều này, muốn việc kia chẳng được việc kia. Cầu danh lợi chẳng được danh lợi. Cầu áo cơm chẳng được áo cơm. Cầu con cái chẳng được con cái và cầu giàu sang sống lâu cũng chẳng được gì cả. Ðấy là cầu chẳng được rất nhiều, rất nhiều.

8.- Ngũ ấm xí thạnh khổ: Ngũ ấm trước đã giảng qua rồi. Ấm nghĩa là che khuất. Năm ấm này che khuất trọn vẹn bản lai diện mục tức chơn tâm chơn tánh vậy. Rồi nó khiến người mê hoặc điên đảo. Mê cảnh chạy theo trần lao, mà sanh khởi tham sân si ba độc, gây thành bao nhiêu tội ác, giống như cây khô gặp lửa, chắc chắn cháy rụi thành tro. Những tám món khổ não trên đây cố nhiên đâu những nhân loại mới có mà trên đến Tứ Thiên, Ðao Lợi sáu cung Trời ở cõi Dục vẫn còn phải bị năm món khổ não suy tướng hiển hiện. Năm suy là: Một là hoa trang điểm trên đầu bị héo, hai là áo quần nhớp nhúa vì bụi, ba là nách chảy mồ hôi, bốn là thân thể hôi uế, năm là chẳng vui muốn ngồi chỗ thường ngồi. Những người Trời ở cõi Sắc cũng còn bị khổ não ba tai nước, lửa, gió. Cho nên người ta chẳng muốn sanh làm người Trời để hưởng được phước báo. Một khi phước báo ấy hết, vẫn phải bị đọa lạc như xưa. Mà nên tu niệm Phật, vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới mới có thể khỏi bị các khổ não kia vậy.

Chữ Các là nhiều. Là nói các khổ não nhiều lắm. Cũng là chính chỉ rõ cho chúng ta biết từ nhỏ đến già đã chịu lấy biết bao nhiêu khổ não. Một người chịu một khổ, một người chịu nhiều khổ là nói về biệt nghiệp riêng của mỗi người như các khổ sanh bệnh vậy. Hoặc là nhiều người chịu nhiều khổ là nói về cộng nghiệp chung cho mọi người như cùng gặp các tai nạn giặc giã, đói kém. Nay nói trăm ngàn vạn ức vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, tức là nhiều khổ chúng sanh chịu biệt nghiệp, cộng nghiệp vô lượng khổ não. Lúc thiếu thời chúng ta phải chịu sự ràng buộc của gia đình, là khổ gia đình ngục. Khi trưởng thành lại bị danh cương, lợi tỏa là khổ danh lợi ngục. Thứ mà trói buộc chúng ta chặt chẽ hơn hết là vợ với con, khổ này lắm hơn lao ngục thế gian. Thế gian lao ngục còn có ngày phóng thích, chứ thê tử lao ngục không có một ngày giải thoát. Trừ phi chẳng cưới vợ sanh con, hoặc là vợ chết con biệt lập, may ra có thể thoát khỏi khổ này mà thôi. Chúng ta đã có những bao khổ não khó tránh như thế, vậy mà chẳng những chẳng nhìn nhận, trái lại đem khổ ấy cho là vui, thật đáng buồn cười hết chỗ nói. Như có một hạng người nào đó lao tâm khổ lực khó nhọc trọn ngày, đem mồ hôi nước mắt đổi lấy kim tiền. Khi được rồi đem dùng uống rượu, đánh bạc những việc không mấy ích. Nên có câu:

            Tân khổ tầm tiền khoái lạc dụng.

Nghĩa:

            Khoái nhọc kiếm tiền dùng khoái lạc.

Chẳng biết đem tiền của cúng dường Tam Bảo, hay dùng phóng sanh chẩn tế.

Tiếp:

            Nhiên nhi ngật tửu dung dị tý.

Là:

            Nhưng mà uống rượu say dễ dàng.

Rồi nhân đấy sanh sự bậy bạ lôi thôi. Ai cũng biết cái hại đánh bạc, một bại mất ngàn vàng, ngồi nhìn của đi khó trở về lại. Thật là khổ não thật. Càng suy nghĩ càng đau đớn, ai mà chẳng rởn gáy giật mình.

Từ trước đến đây đã nói trăm ngàn vạn ức lục đạo hữu lậu chúng sanh, cái khổ não của nó tóm lại là: Cõi Ðồng cư lục đạo hữu lậu ngũ ấm chúng sanh có những khổ não là phân đoạn sanh tử khổ, kiến tư phiền não khổ. Thanh Văn, Duyên Giác, Nhị Thừa đã xong được phân đoạn sanh tử là vô lậu ngũ ấm chúng sanh, nhưng vẫn giữ thái độ tiêu cực, chẳng chịu độ sanh. Cho nên tuy là vô lậu chúng sanh mà cứ uống rượu tam muội là thiền định, sa vào trong hố vô vi, và ở trong cõi phương tiện, vẫn còn chịu hai khổ là phương tiện biến dịch sanh tử và trần sa phiền não khổ.

Bồ Tát là nhị biên ngũ ấm chúng sanh, một bên độ người lại một bên tự tu chẳng thể viên dung được, nên còn ở trong cõi thiệt báo chịu hai khổ là vi tế biến dịch sanh tử và căn bổn vô minh phiền não khổ. Bởi vì chúng sanh Tam Thừa là niệm niệm sanh diệt, nhân dời quả đổi, lưu chú quá ư vi tế, cho nên gọi là sanh tử, tức là tâm niệm sanh diệt mà cho là sanh tử. Cõi phương tiện, cõi Thiệt báo Tam Thừa chúng sanh cũng có nhiều vô lượng trăm ngàn vạn ức, cho nên phạm vi trăm ngàn vạn ức quá ư rộng rãi, Bồ Tát, La Hán đều bao gồm trong đó cả. Quán Thế Âm Bồ Tát không khổ nào chẳng cứu, không chúng sanh nào chẳng độ; tức là thứ khổ của Bồ Tát, La Hán, Ngài cũng cứu độ. Cho nên đấy là Bồ Tát, Duyên Giác, La Hán đều cần niệm Quán Thế Âm không một hạng nào chẳng nhờ quảng đại linh cảm của Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh chín cõi pháp giới, cho nên xưng là Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Từ trước có người buôn gạo ở xứ Thượng Ngu, tỉnh Triết Giang. Trong nhà phụng thờ Ðức Quán Thế Âm rất thành kính. Nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi. Một đêm chủ nhà nằm mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát đến mách rằng: "Ngươi sắp bị đại nạn, nên Ta đến đây để cứu ngươi". Sau đó liền nói bài kệ bốn câu và dặn dò người chủ nhà phải cần nhớ cho đầy đủ rõ ràng, chắc chắn từng chữ, từng câu một. Bài kệ bốn câu:

            Gặp cầu đừng đậu ghe,

            Gặp dầu lấy xoa đầu.

            Ðấu lúa ba thưng gạo,

            Lằng xanh bu đầu bút.

Nguyên văn:

            Phùng kiều mạc đình châu,

            Ngộ du tức mạc đầu.

            Ðẩu cốc tam thăng mễ,

            Thương thằng bổng bút đầu.

Sau khi tỉnh giấc ông nhớ được rất rõ ràng và đầy đủ bốn câu cộng tất cả chữ và cho là quái lạ! Bởi thế nên nhớ rất chắc chắn chẳng quên tí nào. Qua ngày sau, nhân ông mướn ghe đi để chở lúa gạo. Ghe đi giữa đường chẳng may gặp phải gió mưa dữ dội. Người bạn ghe có ý muốn đậu ghe dưới mạn cầu để tạm tránh mưa gió. Người chủ ghe liền sực nhớ lại việc trong mộng, nhớ câu "Gặp cầu đừng đậu ghe". Ông liền đốc suất bạn ghe cho ghe lướt nhanh tới đừng nên đậu. Lúc chiếc ghe vừa lướt qua khỏi cầu thì cầu liền sập ngay, đè sát mặt nước. Hú vía, thoát chết một lần. Nhân đấy ông ta cảm nghiệm được sự linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Và từ đấy trở đi càng tụng niệm càng lễ bái nhiều hơn nữa.

Lại một đêm hôm, đang lúc ông quỳ tụng chưa đứng dậy, bỗng nhiên chiếc đèn huyền đăng treo trước bàn Phật từ trên rơi xuống, dầu trong đèn đổ ra lai láng. Do câu đầu của kệ đã có ứng nghiệm, mà giờ đây lại gặp dầu đổ và câu thứ hai trong kệ chính là nói chuyện dầu, cho nên ông liền tay hốt dầu dưới đất mà xoa lên đầu. Xong ông bái Phật, đứng dậy thản nhiên đi ngủ. Ngủ quá nửa đêm, ông thức giấc dậy nghe có mùi máu tanh, ông liền lấy đèn soi thấy người vợ bị đứt cổ họng chết ngay. Chẳng biết ai giết. Ông ta tức tốc chạy băng báo cáo cho nhạc gia biết liền lúc đó. Khi ông bà nhạc gia đến gạn hỏi cớ sự thời ông rể không trả lời được ai là kẻ giết vợ mình. Cuối cùng nhạc gia nghi, vì nguyên nhân này: Nhà này vốn có tin Phật, thờ Phật mà con mình vợ nó chẳng tin, chắc do đó nên đã có xảy ra việc gì xích mích bất thường, đến nỗi chồng mưu giết vợ, đích vậy đó rồi. Bởi không tìm đâu ra dấu vết gì là kẻ nào khác giết người. Tội cho ông rể hiền lành này chẳng biết tìm cách nào mà minh oan cho mình được. Thảm trạng vợ chồng mưu sát lẫn nhau đã có từ xưa chứ chẳng phải là không. Nhưng trường hợp hiện nay đây không có thể xảy ra được trong nhà có thắp nhang này. Vậy thì cái án mạng bị giết nằm đó là do ai? Cũng chỉ trở lại nghi vấn là do bất đồng tín ngưỡng. Cho nên nhạc gia phát đơn tố lên huyện quan để nhờ phán quyết.

Hai tên lính huyện, từ cửa huyện xuất phát với bộ dạng hăm hở vúc vắc. Một tên nắm chiếc hỏa bài có đề hai chữ Hỏa Tốc, một tên nữa cầm chiếc roi, cả hai mặt mày hầm hầm tiến thẳng đến nhà người buôn gạo và dựng tấm hỏa bài ngang tại cửa giữa trong nhà. Một trong hai tên, tay chỉ vào trong tấm hỏa bài và bảo: "Ðây, anh coi đây phải biết! Lịnh của quan lớn huyện nhà. Anh là người hiểu biết, phải tuân hành tức tốc, đừng để mất thì giờ chúng tôi, về bị quở!". Ông buôn gạo thời chuẩn bị khăn áo và bao hành lý vừa xong. Vừa trông thấy dạng hai bác lính Thập, ông liền cung kính bước qua trước bàn Phật, sau khi cắm ba cây nhang lên lư bát rồi lanh lẹ lạy lấy lạy để và vái lia vái lịa mấy vái xong. Ba người đồng bước ra khỏi nhà: Trước tấm hỏa bài, giữa đương sự, sau chiếc roi vừa đi vừa vúc vắc. Và họ lên giọng hơi hám của uy quyền: "Tại sao anh lại đi giết vợ anh? Ác chi mà ác quá vậy? Nghĩa vợ chồng, nó có dại điều gì thì ta làm hùm làm hổ năm đá ba cú cho nó biết sợ mà thôi chứ ai đời nhẫn tâm chém chết vợ? Anh không học câu Thánh Hiền đã dạy sao? Tào khang chi thê bất khả hạ đồ, mà anh chém con người ta chết. Thật anh là thằng quá ác, có phải không? Chuyến này quan lớn sẽ phạt tội cho ở tù mục gông mới đáng kiếp!". Cứ thế, hai ông lính thay phiên nhau mà mắng rủa, mà nhất là họ cứ đọc đi đọc lại câu Thánh Hiền đã dạy. Họ nói gì thì họ nói mặc, ông buôn gạo vẫn lặng thinh mà đi, tâm tâm niệm niệm cứ niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu cứu mà thôi.

Mấy giờ qua là đã đến cửa Nha. Hai lính dẫn đương sự nạp lên quan. Quan lớn bắt đầu làm việc. Ðương sự đứng thẳng lưng dưới bực thềm, quan huyện ngồi trên, hai bên có Lục sự, Thẩm phán, ấn son, bút giấy đầy đủ một phiên tòa đại hình. Sau một hồi lâu thẩm vấn khẩu cung của đương sự xong, quan lớn mới xả hơi bằng một xe thuốc bình và chén trà dũ di, rồi ngài ngắm kỷ lên trên gương mặt đương sự và thầm xét: Tướng dạng thằng này chẳng một chút gì giống những đứa sát nhân mà mình đã từng gặp. Vả lại căn cứ theo lời cung khai của nó thời của cải trong nhà nó, đêm đó chẳng mất mát chút nào. Và cũng không xảy ra việc trộm cướp gì hết. Mà cửa ngõ trong nhà vẫn kín đáo y nguyên, vách không bị đục thủng, tất cả không có dấu vết gì khả nghi. Vậy thì hung thủ tức chẳng phải những kẻ trộm cướp chắc chắn rồi vậy. Nhưng quan ngài còn ngờ nên hỏi thêm: "Bình nhật gia đình này đối với láng giềng xung quanh có gây gổ điều gì không? Và có hòa vui tốt lành không?" Ðương sự bẩm: "Cả gia đình tôi, từ xưa nay đối với lân lý đều hòa thuận tốt đẹp chứ không có oán thù gì hết. Bẩm lạy quan lớn soi xét!"

Sau hai lần thẩm vấn và nhận xét thời sự trạng đã rõ ràng nên đã đến lúc Tòa bắt đầu tuyên án: Căn cứ theo hai lần thẩm vấn của Tòa. Căn cứ theo lời cung khai của đương sự, thì sự việc đã rõ ràng như sau: Hung thủ đã chẳng phải kẻ trộm cướp, chẳng phải kẻ oán thù. Hơn nữa, sự việc xảy ra vào lúc quá nửa đêm, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà vẫn đóng chặt y nguyên. Trong nhà chỉ có hai người là mày và vợ mày. Mà vợ mày bị đứt họng chết chẳng phải mày chém nó là ai? Ðó là những nguyên nhân tạo thành án. Tòa tiếp: Cứ sự trạng như trên, Tòa chiếu theo Luật kia Lệ nọ, chiếu theo Sắc lệnh nghị định ngày nọ tháng kia. Vậy nay Tòa tuyên tội: Quả là phạm tội cố sát sát nhân. Mạng phải đền mạng. Bản án này làm tại chỗ, vào ngày giờ tháng năm. Nhân chứng có Thẩm phán mỗ, Lục sự mỗ ngồi hai ghế hai bên tả hữu chứng kiến.

Quan chánh án cầm bút sắp phê xuống bản án, bỗng nhiên một bầy lằng xanh từ đâu bay tới bu vào đầu bút. Quan chánh án ngạc nhiên cho là quái lạ. Lúc đó ông buôn gạo đứng bên xem thấy lằng xanh rõ ràng, chính hiệp với câu kệ thứ tư mà mình đã nằm mộng thấy Bồ Tát nói cho khi trước. Nhân đấy ông liền tự thốt lên rằng: "Lạ thay, quái lạ thay. Thương thằng bổng bút đầu. Thật là ứng nghiệm rõ ràng". Quan án lòng càng ngạc nhiên hơn, tay thì xua những con lằng mà nó thì vẫn nhào vào bu nơi đầu bút, mà miệng thời hỏi: "Chứ mày, cái thằng nói gì lảm nhảm vậy mày?". Và hai mắt ông ngó tròng trọc vào ông buôn gạo. Thì đương sự mới thuật đầu đuôi câu chuyện mà mình đã mộng thấy và việc đã ứng nghiệm cho quan huyện kiêm chánh án nghe. Quan nghe xong mà rằng: "Ta định phê năm ba phết và mày ký vào bản án cho xong đặng mày còn về. Mà giờ đây sự việc lại đổi qua chiều hướng khác, e ta phải nghiên cứu mấy câu kệ tụng gì đây coi đã. Rắc rối thật". Rồi quan cho mời các thầy Nha lại lại đây để làm cái việc thần bí này. Khi thầy trò xúm lại xong mới bảo ông buôn gạo đọc đủ bốn câu kệ và biên vào giấy cho rõ ràng và nhận dạng từng chữ từng nét cho đúng xác rồi mới bắt đầu nghiên cứu.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM