PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (tt)

Thuở xưa có một quốc gia ở gần bên một nước quỷ La Sát. Ðương nhiên đôi bên phải có tình bang giao. Nhưng quỷ La Sát cứ thường đến bắt người ăn thịt. Quốc vương không còn biện pháp nào hơn là phải thương thuyết với quỷ La Sát và hứa mỗi ngày phải tống một mạng dân ra đến đồng nội gọi là cung cấp lương thực. Từ nay trở về sau, cứ mỗi gia đình phải nạp mạng một đứa con nít mỗi ngày theo một phương pháp nhất định là chu nhi phục thủy, chẳng một gia đình nào tránh khỏi. Một hôm đến lượt gia đình chỉ có một đứa con. Gia chủ nghĩ rằng nhà mình hiếm hoi mà nay công bình thi hành theo ác lệ này chắc là phải tuyệt tự. Nghĩ vậy rồi lén chạy đến Quốc vương để điều đình, may ra nhờ ơn thánh lượng hải hà chăng? Quốc vương cho là: Nhân dân ai chẳng tham sống sợ chết, đâu nên thiên vị một ai. Gia chủ vạn bất đắc dĩ, nát gan đứt ruột, dắt "Viên ngọc quý" mà đem tống ra ngoài gò xa, vào lúc ban đêm. Nhà ông này vốn bình nhật rất tin Quán Thế Âm Bồ Tát, nên chính khi dắt con đi ông có bảo rằng: Con gắng xưng niệm danh hiệu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát cho nhiều thật nhiều, may ra phúc nhà mình chưa đến nỗi, thời nhờ Ngài cứu thoát được nạn quỷ quái này! Tuy nhỏ mà cậu con biết nghe, nên cậu làm theo lời cha dạy. Sau khi vứt viên ngọc minh châu ra gò rồi, về nhà ông ta tụng Phổ Môn, niệm Bồ Tát suốt đêm ấy. Nhờ đấy nên quỷ chẳng làm hại cậu được. Sáng sớm ông mò ra thám thính thăm dò tin tức, thời Phật Tổ tái sinh một lần nữa: Cậu con bình yên vô sự. Cha con dắt nhau vừa mừng quýnh vừa chạy nhanh, và chạy thẳng đến chỗ Quốc vương. Sau khi Quốc vương nghe cha con ông đại phúc thuật lại đầu đuôi vụ thoát nạn, thời nhà vua truyền lệnh cho toàn quốc nhất luật trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát và kinh Phổ Môn. Từ đấy về sau được thoát ly nạn quỷ La Sát. Chung niên thái bình vô ưu sự, là nhờ vậy đấy.

Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thảy đều đứt rã, liền đặng thoát khỏi.

Ðoạn văn này là nói khỏi nạn gông cùm xiềng xích và tai nạn lao ngục. Nếu có phạm quốc pháp nên mới có tội lỗi, hoặc không tội mà bị người khác vu khống oan uổng. Khi trót gặp bị gông cùm xiềng xích là hình phạt trói buộc thân thể. Nếu năng trì niệm danh Quán Âm cũng có thể khỏi tai nạn này được. Có tội là do ác nghiệp đời trước hoặc đời này mà cảm đến. Mà bị oan ức, tuy hiện nay chẳng có ác nghiệp nhưng cũng bởi ác nhân đời trước mà ra, thế cũng chẳng nên oán trời trách người. Phàm bị xiềng tay, gông cổ, dây sắt dắt đi, đến lao ngục cùm chân, đều là do ác nghiệp chiêu cảm, tức là ác cơ. Năng xưng thánh hiệu là thiện cơ. Hai động cơ thiện ác là năng cảm. Thảy đều đứt gãy liền được giải thoát là sở cảm.

Thuở trước có đôi vợ chồng đã có quy y Tam Bảo, nhà có thờ phụng Ðức Quán Âm. Chồng bị người ta vu khống là ăn trộm. Khi nghe có tiếng động, anh chồng lanh chân tránh thoát. Chị vợ bị lính nhà quan bắt hạ ngục, gông cùm đủ thứ vào thân và bị đánh đập tra tấn tàn nhẫn. Một hôm nhà ngục bị phát hỏa, họ di chuyển phạm nhân ra đường lộ để tránh hỏa hoạn. Vừa may gặp một vị tăng đi ngang qua, bà ta nhìn thấy van lạy cầu cứu. Vị tăng nhìn thấy người đàn bà ấy chính là đệ tử đã quy y với mình ngày trước. Ngài nói: Không có phương pháp nào khác cứu cho nhau được, nay con nên thâm tín Ðức Quán Âm, chỉ cần nhất tâm trì niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ chắc có cảm ứng bất khả tư nghì. Bà ta tuân lời dạy của Thầy, niệm suốt đến ba ngày đêm, xiềng cùm bỗng nhiên đứt rời. Nhưng người canh giữ còn lại đấy nên bà ta không dám tẩu thoát. Bỗng nhiên trên không trung có tiếng người kêu: Ngươi mau chạy thoát đi! Bà nghe và mở mạnh đôi mắt, dòm ngay ra thấy cửa mở trống. Bà tức tốc nhanh chân từ trong ngục phóng ra và chạy bán sống bán chết. Chạy đến hai ba mươi dặm đường mới gặp được một người chính là người chồng. Hú vía hoàn hồn. Hai người gặp nhau mừng rỡ khôn xiết. Thế là họ đã được đoàn tụ. Ðấy là nhờ xưng hiệu Quán Âm mới được sự thật linh ứng giải thoát nạn gông cùm lao ngục vậy.

Lại ngày xưa, khi Hoàng Sào gây phản loạn, đời gọi là giặc chít khăn vàng. Tại Hàng Châu có hơn mười người bị bắt, gán là Hoàng Sào dư đảng. Khi bắt xong, nhân vì trời tối, nên chưa kịp giải về Nha, bèn cho tạm trú tại một ngôi chùa. Họ đem các phạm nhân nhốt vào trong một cái lồng rất chặt kín. Trong bọn có một người bị oan uổng. Trong chùa ấy có một vị Hòa thượng, đêm trăng sáng mát mẻ, Ngài rảo bước tản bộ dưới bóng nguyệt tà, khẩu niệm Quán Âm. Người bị oan uổng ấy, tuy ở trong lồng kín, nhưng thoáng thấy bóng Hòa thượng liền chìa đầu ra cầu cứu với Ngài. Hòa thượng dạy: Các người nên nhất tâm xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tức có thể giải thoát được. Khi nghe, bọn chúng đa số là ác tâm nên họ bảo: Anh em ta hè nhau phá quách cái lồng gỗ này đi, có hơn không? Chứ niệm Quán Âm là thứ gì mà được khỏi? Chỉ có người bị oan tin theo lời Hòa thượng. Nhân đấy chăm lòng thành kính mà xưng niệm. Sáng ngày trao xiềng gông cho mọi người thì thiếu mất một bộ, vô hình trung người niệm Quán Âm được khỏi khổ xiềng gông ở tay và cổ. Khi dẫn về Nha thẩm vấn xong, Pháp quan biết người ấy bị oan uổng bèn phóng thích cho về nhà.

Lại xiềng cùm bởi bị oan, hoặc phạm pháp nên bị trói buộc nơi thân thể lại là thứ hữu hình. Còn thứ xiềng cùm vô hình nữa là khác. Quý vị hiện nay đều tuy là những người lương thiện, nhưng lại còn phải phiền lụy về gia thất, về tình con cái, gái trai ràng buộc chẳng rời, giống như chim ở trong lồng, chẳng thể bay nhảy tự do xa rộng được. Muốn làm sao thoát khỏi gia đình là lao ngục vô hình, muốn giải thoát xiềng cùm thê tử lợi danh, thì cũng chỉ có nhất tâm xưng niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, may ra được mãn nguyện phần nào. Nhưng cũng chẳng cần phải xuất gia, hoặc phải ly khai gia đình mới là thoát tục. Mà chỉ nên tâm thường nêu duyên nơi Phật đạo vẫn quý lắm rồi. Cho nên có câu: Chẳng lìa trần lao mà làm Phật sự. Hay hoa sen trong lửa. Ðấy mới thật là xuất gia chơn chính. Nếu hiện nay tuy là tướng Tỳ kheo mà trong tâm phiền não, hoặc nghiệp y nhiên chẳng mòn bớt chút nào, trần lao tệ chướng buộc ràng chặt chẽ thời với thứ xiềng cùm vô hình này vẫn chưa thoát được, đâu có lợi ích gì cho lắm ru! Quý vị đến đây nghe giảng kinh. Từ đây trở đi nhất tâm biện Ðạo, thân tuy còn tại tục, nhưng đã sùng tín Phật pháp, quy y Tam Bảo, đạm bạc với cuộc sống hằng ngày, bèn là tâm đã xuất gia rồi vậy. Ðấy là thuộc về những việc phi thường chứ chẳng phải dễ được đâu. Cứ một mức thẳng mà ti hành đi. Cực lạc thế giới vốn là gia lương của ta đấy, một phen cất bước tức thì tới ngay. Chính là:

            Thân tuy chưa đến ao Liên hoa,

            Tâm này đã về quê Cực lạc.

Nguyên văn:

            Thân tuy vị đáo Liên hoa trì,

            Thử tâm dĩ tống Cực lạc hương.

Nếu có kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu trải qua nơi đường hiểm trở, trong có có một người xướng rằng: "Các Thiện nam tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát đó hay đem pháp vô úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thời sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này." Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát!" vì xưng danh hiệu Bồ Tát nên liền thoát khỏi.

Ðây là nạn thứ bảy gọi là nạn oán tặc. Những nạn ở cõi chúng sanh nhiều không kể xiết, đâu là những bảy nạn. Mà Phẩm kinh này ước chia có bảy nạn là chẳng qua bởi bảy nạn này nó hay xảy ra. Chúng ta thường thấy nghe. Cho nên nó có thể bao quát hết tất cả mọi tai nạn khác. Tam thiên đại thiên quốc độ, văn trước đã giải xong: Trăm ức núi Tu Di, trăm ức tứ đại bộ châu, làm một tam thiên đại thiên quốc độ, quanh tròn rộng lớn. Trong đó đầy dẫy hằng bao nhiêu oán tặc chứ chẳng phải là một số ít. Hại mạng là oán, đoạt của là tặc. Ðã giết nhân mạng mà lại đoạt của người, gọi là oán tặc. Nếu chỉ hại mạng mà chẳng đoạt của là oán chẳng phải tặc, hoặc đoạt của mà chẳng hại mạng là tặc chẳng phải oán. Thứ oán tặc này ở đầy dẫy trọn trong một tam thiên đại thiên thế giới làm thành đầy dẫy một thế giới oán tặc. Có một thương chủ tức là người lãnh tụ của một bọn thương nhân, của cải phong phú, lão luyện nghề buôn, tục xưng Lão cầm, lãnh đem hướng dẫn số đông các bạn thương nhân. Trong đãy hành lý chứa đựng bao nhiêu của cải báu quý, đem đi và giữ gìn. Những của cải quý báu ấy giá trị đáng ngàn vạn bạc vàng là những loại thất bảo. Ði vượt qua bao dặm lộ trình là đã gặp phải bao nhiêu oán tặc rất đỗi nguy hiểm. Cả bọn thương nhân ai ai cũng đều sinh lòng kinh sợ cho sanh mạng khó bề bảo đảm. Trong đó, có chừng một người, bình nhật có lòng thâm tín tam Bảo, cung kính Phật pháp. Ở vào lúc nguy hiểm ấy, y đối trước mặt đồng bọn mà cao giọng xướng lên rằng: "Bà con ơi! Bà con chúng ta đều là những người đem của vốn cho phóng ra để mà cầu thu lấy của lãi lợi tức vào, chính là khuôn thước công minh của nghề thương mãi doanh nghiệp.Vậy chúng ta đều là Thiện nam tử. Trên con đường này, tuy nhiều nguy hiểm thật đấy, nhưng có thể là chúng ta không nên kinh hãi, bất cần run sợ, chẳng hề e ngại gì cả. Mà các bạn cần nên nhất tâm xưng danh hiệu của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, nhân vì Bồ Tát năng làm chỗ cho chúng ta nương tựa. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát tự nhiên ban cấp cho chúng ta một sự an úy, và một sự bảo hựu rất cực trọng vĩ đại vững vàng. Và Ngài đã đem oai đức vô úy mà bố thí cho chúng ta vậy." Quán Thế Âm Bồ Tát, năng dùng oai đức vô úy thí cho chúng sanh. Cho nên lại có hiệu là Vô Úy Thí Giả nữa. Bố thí có ba thứ:

1.- Tài thí: Tài có nội tài và ngoại tài. Tiền vật, áo mặc, cơm ăn, khí cụ cần dùng, cho đến vợ con, thành nước là những tài vật ngoài thân, đem bố thí cho người, gọi là ngoại tài bố thí. Nếu bố thí cái đầu, tròng mắt, tay chân như những việc đốt ngón tay, cánh tay để làm hương cúng, khoét thân thể, múc tròng con mắt, thời gọi là nội tài bố thí. Các đệ tử Phật bất cứ tại gia hay xuất gia đều có thể tu hành bố thí như thế được cả. Lục độ Vạn hạnh của Bồ Tát tu, đứng đầu là bố thí. Không luận bố thí nội tài hay ngoại tài đều là đối trị được lòng tham lam. Bố thí nội tài cố nhiên là cao siêu hơn ngoại tài. Nhưng bố thí ngoại tài vẫn cũng chẳng phải là việc dễ đâu. Cái thói quen keo rít của người đời nó sâu sắc bền chắc lắm, một sợi lông chân vẫn chẳng chịu nhổ, lòng tham như biển cả. Chấp đắm rất bền chắc, xả nó chẳng rời, phóng nó chẳng xuống. Cho nên chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay bị sanh tử luân hồi không ngày mãn nhiệm. Bố thí ngoại tài đã chẳng dễ dàng tu được, cho nên bố thí nội tài lại càng khó khăn biết bao. Bởi vậy cho nên trước hết phải dẫn dụ đạm bạc với tình đời, dần dần coi nhẹ của cải, để phá dần chấp tâm tham đắm, mới phát đại nguyện khẳng khái mà tu bố thí ngoại tài trước đã. Tiến lên một bước nữa, chẳng những bố thí của cải ngoài thân mà nếu cần, tứ cho ngũ quan chính tại thân thể cũng bố thí luôn. Bố thí như thế cho lâu, tức những vọng tưởng phiền não nơi nội tâm cũng cần bố thí bỏ luôn đi. Như thế mới dần dần uốn dẹp và cắt đứt nó đi được. Kinh nói: Nhất xả nhất thiết xả. Nhất bố thí nhất thiết bố thí. Bố thí cho đến được một sợi tơ chẳng vướng; luôn cả một sợi tơ chẳng vướng đó cũng thí xả cho sạch hết, mới đòi lại được cái bộ mặt thật của chúng ta bị mai một từ hồi nào đến giờ.

2.- Pháp thí: Bố thí của cải chỉ cứu thân xác thịt. Mà bố thí đạo pháp mới có thể dứt phiền não. Tất cả bố thí cúng dường lấy pháp cúng dường là đệ nhất. Như hiện nay tuyên giảng Phẩm Phổ Môn; Cư Sĩ Lâm thỉnh tạng kinh, ấn tống những sách lành mạnh. Và quý vị đến đây nghe giảng, khi về cũng chuyển bảo lại cho kẻ khác, không điều nào chẳng phải là Pháp thí vậy. Bố thí đạo pháp có thể dứt được phiền não của chúng sanh. Phá ngu si, khai trí huệ và minh tâm địa cho nó. Cho nên công đức Pháp thí rất là vĩ đại.

3.- Vô Úy thí: Tức lực bố thí. Ðại phàm những vị quan trưởng, thân hào nhân sĩ là những người giàu có, có thế lực. Với tất cả các công việc công ích của địa phương mình, quý vị ấy đều nhiệt tâm tán trợ, để khiến cho bao nhiêu người trực tiếp đứng ra phụ trách công việc họ sanh lòng hào hứng thú vị mạnh dạn làm lên không chút e dè lui trụt gì cả. Ðấy tức là vô úy bố thí vậy. Lại như sáng lập các pháp hội, ai năng xuất lực bảo hộ, khiến cho quần chúng an tâm biện đạo. Nếu chẳng may gặp các tai nạn thủy hỏa, chịu xuất tài lực ra cứu giúp, hoặc gặp giặc cướp chịu xuất lực ra cán ngự khiến cho mọi người không còn lo sợ, đều là vô úy bố thí vậy. Có của cải đem của bố thí, biết Phật pháp đem pháp bố thí. Nếu cả hai đều không có, thời có thể đem sức mạnh bố thí. Công đức này thật bất khả tư nghì. Vì đem sức mà bố thí rất là giản tiện. Như tự mình có thân thể khỏe, thấy người qua sông, qua cầu mà chẳng qua nổi được, ta liền thay thế họ dắt đỡ hoặc cõng vác thay họ mà chẳng lấy món thù lao, tức là lực bố thí. Lại nữa, như dọn bỏ những hòn gạch đá giữa đường, chẳng làm trở ngại và khổ chân những hành nhân. Hoặc đem bát nước giải khát cho người. Và nhỏ mọn như cái nhọc của dơ tay lên cũng đều là lực bố thí đấy vậy.

Thuở quá khứ xa xưa có Ngài Trì Ðịa Bồ Tát thường ở bên đường gánh gánh thay người. Tức là chứng minh lực bố thí. Phạm vi bố thí rất rộng rãi, đều tùy theo sức lực của mình có thể làm được gì thì làm, chẳng luận nhiều ít. Chỉ nên đem tâm thành thật, tâm chơn thật làm chủ là được. Ngày xưa có một đứa con gái nhà nghèo, đi ăn xin mà sống qua ngày. Dành dụm được ít tiền, mua một bình dầu mè đem cúng dường chùa Thầy. Thầy Tăng ta khai thị đại môn trung ương ra để nghinh rước, vì cô ta đem tâm chơn thật. So sánh với người giàu, tùy lực mà cúng thí thì vượt cao hơn vạn vạn bội lần. Lại như Ðức Phật khi còn tại thế, có một người nghèo cùng làm nghề gánh nước, người đem đến một chén nước cúng dường vị La Hán. La Hán nói: Ðời sau người sẽ được phước báo rất lớn, hẳn không còn nghèo cùng nữa. Bố thí khả dĩ cầu phước, được quả báo giàu sang. Thử xem những người giàu sang hiện nay đâu chẳng phải đời trước không bố thí mà có. Ngược lại, đời trước bủn xỉn tức đời nay bị quả báo nghèo khổ.

Nhân sanh vốn là không, tiền của là vật ngoài thân, lại thuộc về huyễn hóa: Khi đến với tay không, khi lui hai tay buông thả, chẳng đem gì theo được. Cho nên những ai có tiền của nên vui tu bố thí để rộng kết đại duyên với mọi người. Người nào hiểu được Phật pháp nên tận tâm giảng giải cho mọi người nghe. Người nghe tuy lãnh hội được một câu hay nửa bài kệ, vẫn khiến cho họ được tâm khai ý giải, dần đến đoạn phiền não, chứng chơn thường. Cho nên những vị đem đạo pháp bố thí, tương lai chắc có đầy đủ trí huệ học vấn, giáo hóa cho quần chúng, khắp làm lợi ích cho người trời. Còn những người đem vô úy bố thí cho kẻ khác, đời sau chắc được là người oai mãnh hơn mọi người, buông ra một lời nói, được cả thiên hạ phục tùng theo răm rắp. Cho nên chúng ta là người học Phật, nên cần tu bố thí. Như Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát trong Phẩm này, đem chuỗi Anh lạc qua cúng dường Ðức Quán Âm. Ngài Quán Thế Âm lại đem cúng dường lên Phật Thích Ca và Phật Ða Bảo, tức là tài thí. Như thuyết pháp để dứt trừ ba món độc cho người, tức là pháp thí. Cứu khổ bảy nạn, khiến người chẳng sanh lòng sợ hãi, tức là vô úy thí. Quán Thế Âm Bồ Tát đầy đủ ba món thứ này, cho nên Ngài năng cứu khổ cứu nạn cho mọi loài chúng sanh. Mà với sức vô úy thí lại càng vĩ đại năng khiến chúng sanh xa lìa sợ hãi. Cho nên chúng ta khi phải trải qua những dặm đường dù cho có bao nhiêu oán tặc nguy hiểm khó khăn, nên nhất tâm xưng niệm thánh hiệu thời chắc chắn là không xảy ra việc gì đáng tiếc.

Lúc bấy giờ ông chủ buôn và bao nhiêu các bạn đồng nghiệp đang lâm vào cảnh cực kỳ nguy hiểm lo âu tài bảo và tánh mạng chẳng có chút gì bảo đảm cả, nên lòng dạ kinh hãi lo sợ hoảng hốt đến mức. Khi chợt nghe một lời đề xướng của bạn, thời cả bọn nhất tề đồng thanh xưng niệm: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Tức thì Quán Âm đem sức oai thần, khiến chiếc thương thuyền này giải thoát được cơn nguy khốn hiểm nạn trên đường hải lộ, và giải trừ luôn nỗi lo sợ trong tâm của bọn chúng nữa. Nam Mô tức Na Mô là tiếng Phạn. Tàu dịch là quy y hay quy mạng nghĩa là đem thân thể và tánh mạng gởi đầu quy về nơi Bồ Tát nên gọi là Na Mô.

Năm dân quốc thứ 17, nơi đại lộ Thiên Ðồng ở Thượng Hải có tiệm chuyên bán gương, chủ tiệm tên Thái Nhân Sơ, nhà rất giàu có, nên bọn lưu manh đạo phỉ chúng dòm ngó thèm nhễu nước miếng đã từ lâu rồi. Một hôm nọ, Thái Nhân Sơ tự lái chiếc xe hơi vừa ra khỏi cổng, cũng vừa gặp tụi chúng bốn thằng, chận xe trèo lên và bắt buộc, uy hiếp ông ta phải lái chạy theo hướng mà chúng muốn dẫn đến. Chính lúc nguy hiểm kinh hoảng, ông Thái liền nhất tâm xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Chiếc xe hơi do ông lái vừa chạy đến chỗ có đông đảo thời bánh xe trước sau đều nổ vỡ, xe hết chạy được. Nhưng bọn chúng buộc ông đi bộ. Ông trù trừ bước chậm rãi. Chúng nó e rằng ông ta sẽ hô hoán lên là nguy cho chúng, nên chúng bắt đầu hành hung với ba phát súng lục bắn vào ông liên tiếp. Ba phát súng chúng bắn ra liền khi thì chân ông nhảy vọt lên khỏi mặt đất cũng liền lúc, nên chẳng trúng ông phát nào. Nhưng ông Thái tự nghĩ mình hoàn toàn chẳng biết vì sao mà nhảy vọt bổng lên ba lần như thế? Phải chăng vì nhờ sức oai thần Quán Thế Âm Bồ Tát khiến như vậy ư? Ông Thái Nhân Sơ hiện nay vẫn còn khỏe mạnh, ai muốn tìm hiểu, khi nào đến đấy mà hỏi thì biết. Vụ này cũng đã chép vào trong tập Quán Âm linh cảm lục.

Hiện nay quý vị được nghe giảng kinh, chắc có trực tiếp hoặc gián tiếp thọ ơn cảm ứng của Ðức Quán Thế Âm. Cho nên ngày nào cũng như ngày nấy hơn vài trăm người đến nghe. Nên phải biết, chúng ta chẳng may gặp các thứ tai nạn đều bởi quả báo ác nghiệp đời trước cảm đến, mảy may chẳng sai mất. Ai đã gây oán thù giết hại mắc nợ mạng đền mạng, ai đã vay mượn tiền của mắc nợ của phải hoàn trả. Nay gặp nạn oán tặc cũng là quả báo tiền khiên oan trái. Vậy nên phải bình tâm suy xét cho rõ ràng những thứ nhân quả ấy, mới có thể chẳng oán trời, chẳng trách người được. Tuy nhiên, nên năng nhất tâm niệm Phật, niệm Quán Âm thời ác nghiệp này tức nhờ công đức niệm Phật, niệm Quán Âm cũng vẫn có thể vãn hồi ngay. Nếu được nhất tâm bất loạn, tâm thủy lóng trong, tai nạn tự nhiên tiêu diệt. Thuật vụ đã xảy ra có tương quan với đạo lý vừa kể trên, nên lưu ý.

Thuở trước có một cư sĩ ở Dương Châu, gia nhân có 17 người tất cả. Ðương khi tặc phỉ làm loạn, cả gia đình đều nhất tâm xưng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Cư sĩ đêm mộng thấy Ðức Quán Thế Âm đứng trước mặt nói rằng: "Các ngươi nên thành tâm trì niệm. Mười sáu người kia khá khỏi nạn giặc này. Chỉ một mình ngươi vì định nghiệp đời trước nay đã đến thời, ác báo khó tránh khỏi, chẳng phải dễ dàng gì mà cứu vãng. Sáng ngày mai giặc sẽ đến, trong bọn chúng có một người tên Vương Ma Tử, đời trước nó đã từng bị ngươi giết nó 16 lát dao. Hiện nay nhân duyên đã hội hợp, ngày mai sẽ gặp nhau, ngươi chắc sẽ bị Vương Ma Tử giết 16 dao lại mà chết. Nhưng may chăng là do ngươi chân thành cảm cách, hoặc có thể cứu nhau được". Sáng ngày lại, Cư sĩ liền khiến cả gia nhân đi tránh ở các gian nhà chung quanh, chỉ một mình Cư sĩ ngồi chính giữa nhà chính để chờ, và ông có chuẩn bị sẵn một bàn cơm chay rất tử tế. Quả nhiên, đúng giờ Ngọ bè lũ của Vương Ma Tử kéo đến. Tức thì Cư sĩ hỏi Vương Ma Tử trước rằng: Anh có phải Vương Ma Tử không? Ðời trước tôi có mắc nợ anh 16 lát dao, ngày nay tôi chắc phải chết vì bàn tay anh! Tử ngạc nhiên hỏi: Tại sao anh lại biết tên họ tôi? Cư sĩ liền đem việc Quán Âm trong mộng mà thuật lại tường tận. Ma Tử nghe xong và nói: Ðời trước đã có quả báo với nhau như thế thì đời sau oan oan tương báo trọn không khi nào rồi xong được. Mà oan nghiệt thời nghi giải bất nghi kết. Nghĩa là nên cởi mở rời nhau, chẳng nên buộc gút dính đùm lại nhau. Ma Tử bèn lấy con dao trở sống dao bầm vào thân Cư sĩ 16 dao để làm phép gọi là đòi lại 16 dao nợ mà y đã mắc của mình đời trước mà thôi, chứ chẳng giết chết y làm chi. Sau khi việc giải oan xong mới đến bàn cơm chay, vui vẻ mát mẻ và giải thoát.

Thế nên biết rằng oán tặc là bởi ác nghiệp từ đời trước theo dõi đòi hỏi đến đời này. Lại nhờ nhất tâm xưng niệm nên định nghiệp ấy mới có thể cứu vãng được giải thoát. Chúng ta từ vô thủy đến nay oan gia đối đầu nhiều lắm lắm nhiều, cần phổ biến phương pháp siêu độ cho họ. Làm được thế thời tất cả oan gia từ vô thủy đến nay đều có thể chuyển kẻ thù thành là ân nhân. Oan nghiệt đã được mở gút buông thả thời tự có thể chẳng còn gặp chịu tai nạn theo đòi món nợ hoàn báo nữa.

Ðoạn kinh này, nếu ước về Tâm pháp từng cá nhân mà nói, mỗi người có tám Thức. Trong thế giới tam thiên đại thiên, trên trời dưới đất, ngang khắp mười phương, dụ cho Thức thứ tám. Ðứng cùng ngang khắp, kẻ oán tặc đầy dẫy trong toàn thế giới, dụ cho trong Thức thứ tám bao chứa tất cả những hạt giống thiện ác. Oán tặc cướp của cải, hại sanh mạng rất là nguy hiểm, dụ như chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, làm người sống một đời tức có một đời phiền não. Bởi đó mà gây ra bao nhiêu ác nghiệp, trồng xuống biết bao nhiêu hạt giống ác. Một ngày mai nào đó khi mà nhân duyên hội ngộ gặp gỡ nhau, bị sức mạnh của ác nghiệp dắt dẫn, sa vào trong tam đồ. Thế là tan mất pháp thân, dứt xong huệ mạng. Mãi chịu sanh tử luân hồi không ngày giải thoát. Rất đáng ghê sợ hơn hết.

Trong tám Thức của chúng ta, Thức A Lại Gia, thứ tám, dụ như một vị lão ông đông gia đại thương chủ trong một hiệu buôn, tức là người quản lý bao quát toàn sở hiệu. Nếu không có Lão ông đại thương chủ thời không do đâu mà thành lập và khai trương cửa hiệu buôn được. Nếu không có Thức thứ tám, trọn không có gì tất cả. Cũng như không có tam thiên đại thiên thế giới và gọi là thương chủ cùng là oán tặc nữa. Có vị thương chủ tức là người lãnh tụ của các bạn thương nhân, dụ cho đệ lục ý thức như người làm chủ tể trong một gia đình, cũng như kinh lý trong một hiệu buôn tổng lý tất cả sự vụ. Nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, năm thức này dụ như năm vị điếm viên, gọi là ngũ cá môn tiền tác mãi mại, nghĩa là năm cái cửa trước làm việc mua vào bán ra. Mà thức thứ bảy là Truyền Tống thức, tức là truyền rước vào, hay dọn tống ra, thời giống như trong một hiệu buôn có một nhân viên xuất nộp, hay một người quản hóa xuất nhập vậy. Trong văn kinh nói các người buôn dụ như các thiện tâm sở dưới quyền sáu Thức Tâm vương. Ðem của báo, dụ cho nghe kinh, tu quán, lạy Phật, niệm Phật, trì chú cho đến tu trì các pháp môn tam thừa.

Ðường hiểm, dụ cho nhà lửa ba cõi và hiểm đạo sanh tử phiền não. Một người bảo nhiều người niệm Quán Âm, dụ cho huệ tâm sở trong ngôi thiện tâm sở biết bảo niệm Phật, niệm danh hiệu Quán Âm có thể liễu được sanh tử. Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xướng rằng: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát tức là dụ cho tâm vương tâm sở cả đại gia đình hợp tác, nhất tâm nhất đức niệm danh hiệu Quán Âm. Do đấy mới phá được phiền não oán tặc là hột giống ác nghiệp tức có thể ra khỏi đường hiểm sanh tử luân hồi trong ba cõi mà đoạn được hoặc, chứng chơn vậy.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Ðại Bồ Tát, Sức Oai Thần Cao Lớn Như Thế.

Ðoạn này là tổng kết văn bảy nạn trước. Bảy nạn chính có thể phối hợp với lục đại: Thủy nạn phối với thủy đại, hỏa nạn phối với hỏa đại, hắc phong nạn phối với phong đại, đao trượng già tỏa nạn phối với địa đại, La Sát oán tặc nạn phối với thức đại, tam thiên đại thiên thế giới phối với không đại. Nay đã tổng kết để khiến Ngài Vô Tận Ý lưu ý. Cho nên Ðức Phật gọi Vô Tận Ý Bồ Tát nói một lần nữa. Chúng sanh bị chịu khổ bảy nạn, nhất tâm xưng danh liền được giải thoát, là nhờ Quán Âm có sức oai thần bất khả tư nghì vậy.

Ðại tức đại tâm. Quán Thế Âm Bồ Tát đã xả kỷ lợi tha, đủ đại đạo tâm, đại hành môn, 32 ứng hóa thân, 14 vô úy thí. Cho nên: Nghìn xứ khẩn cầu nghìn xứ ứng. Rộng lớn vô ngại, chẳng đồng với bình thường phàm phu, cho nên gọi là Ðại Tâm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát cứu bảy nạn là đem cho cảm ứng tự nhiên như trăng trời ánh nước mà thành trăng dưới nước. Nước chưa hề bay lên, trăng chưa hề giáng xuống, thế mà có cảm ứng tự nhiên. Trăm ngàn vạn ức chúng sanh niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức được trăm ngàn vạn ức cảm ứng. Quán Âm chưa đến chúng sanh, mà chúng sanh cũng chưa đến Quán Âm. Có cầu tất ứng là duyên cớ oai lực bất khả tư nghì vậy. Như có vô tuyến điện, đây phát kia nghe, mà máy điện chưa từng đi đâu hết, nó vẫn nằm yên duỗi chân trong một sở nhà. Cao lớn là sức công đức Quán Âm vượt khỏi sáu phàm, tam thừa, chín giới gọi là Cao. Danh rạng ba cõi là Ðồng cư, Phương tiện, và Thật báo gọi là Lớn. Từ trước đến đây đã giải thích xong bảy nạn.

Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng ly dục.

Ðoạn này giảng giải trừ khổ ba món độc. Trước đã cứu bảy nạn. Nhưng chúng sanh hãy còn tham sân si nơi ý nghiệp là phiền não trong tự tâm, cho nên lại phải nói giải trừ ba món độc đó nữa. Ðấy là cảm cơ của ý nghiệp. Ba món độc này so với ăn món độc trì, uống món độc trấm lại càng lợi hại hơn thứ độc dược ấy nữa. Vì rằng ăn Trì uống Trấm cái độc của nó chỉ hại cho thân thể, cái hại ấy bất quá một đời mà thôi. Chứ ba món độc này năng hại pháp thân, dứt huệ mạng, và đọa vào địa ngục vĩnh viễn không ngày ra khỏi, thật là thứ độc đáng sợ đến mức. Ðối trị ba độc này, y theo trong giáo lý mà giảng nói:

Nhiều dâm dục phải tu phép quán bất tịnh; nhiều giận dữ nên tu phép quán từ bi; nhiều ngu si cần tu phép quán nhân duyên. Chúng sanh nào cũng đều có ba độc này cả, nhưng bất quá kẻ ít người nhiều đấy thôi. Có người nhiều tham dục, có người nhiều sân nhuế, có người chẳng tin nhân quả tức nhiều ngu si, ai ai cũng đều có thói quen của ba độc nhiều hoặc ít, dày hoặc mỏng chẳng đồng đều đấy thôi. Ba món tâm bịnh này phải công nhận là y dược của thế gian điều trị hoàn toàn bất lực. Vì chúng sanh dâm dục mù mờ thầm kín, thói quen nặng nề khó rời bỏ, khó buông thả xuống được. Chính tự mình vẫn biết nó là bất hảo, thế mà cũng khó lấy lý lẽ để ngăn dứt nó. Nên phải biết ái căn của chúng ta nó sâu sắc bền chắc rất đỗi nguy hiểm. Kinh Viên Giác nói: " Tất cả chúng sanh đều do dâm dục mà chứng lấy sanh mạng". Dâm dục là cội gốc của sanh tử. Vậy mà có người nói: Lòng tôi thanh tịnh không có ái dục. Quả thật không có tham dục thời chẳng gặp nhân duyên đầu thai sanh về thế giới Ta Bà này. Chúng ta nương ở trên quả địa cầu này là ở trong phạm vi cõi Dục, nên mới có tham dục trai gái, ăn uống, chẳng qua nghiệp chướng nhẹ thời lòng dâm dục mỏng, nghiệp chướng nặng thời lòng dâm dục dày mà thôi.

Phàm người, từ khi mới chết trở về sau, tám Thức lìa khỏi xác thân, là tiền ấm đã thoát mà hậu ấm chưa thành, vẫn chưa đầu thai để tìm lấy một đời sống khác được. Thời gian trung gian giữa hai tiền ấm và hậu ấm đó, gọi là trung ấm thân. Người đời lầm cho rằng người chết là thành quỷ. Họ chẳng biết đấy là trung ấm thân. Bất cứ trong bốn loại sanh bằng: Thai, trứng, ẩm thấp, biến hóa, địa ngục, quỷ, súc sanh, người và trời đều do trung ấm thân mà đi đầu sanh cả. Thân trung ấm cứ mỗi bảy ngày qua một phen biến đổi. Bảy ngày thứ nhất, bảy ngày thứ nhì cho đến bảy ngày thứ năm, gặp cơ duyên thích hợp tức liền nương nghiệp lực của kẻ khác mà đầu sanh một trong sáu đạo bốn loại sanh. Thời gian tồn tại của nó lâu lắm cũng không ngoài bốn mươi chín ngày. Thân này cao độ ba thước, có mắt mà chẳng thấy, có tai cũng chẳng nghe vì bị vỏ vô minh bao bọc. Nó ở trong những chỗ tối đen mờ mịt lại càng mờ mịt thêm. Khi nó có nhân duyên với cha mẹ nào đó. Chính khi hai cha mẹ giao hiệp, nó phát sanh ánh sáng dâm dục, liền bị hữu duyên trung ấm thân cảm mắc đến. Dù cho cách xa ngoài ngàn vạn dặm cũng không thể làm trở ngại được, nó nương ánh sáng dâm dục mà nhanh đến. Nó xem đôi vợ chồng đang giao hiệp đó đều chẳng phải là cha mẹ. Mà chỉ như thế này: Nó là trai thời ưa người vợ, như nó là gái thời ưa người chồng. Nên kinh gọi là dị tánh thành ái, đồng tánh thành tắng. Nói cho dễ hiểu: Nó trai ưa gái, ghét trai tức ghét đồng tánh ưa dị tánh; nó gái ưa trai, ghét gái tức ghét đồng tánh ưa dị tánh. Chảy tư tưởng làm thai, nạp nhận ái nhiễm làm hạt giống tức tâm ái nhiễm. Ðấy tức là nguyên do đầu thai chịu lấy sanh tử. Như gió mưa vào nhà tức liền thành thai. Cho nên muốn sanh về Tây phương Cực lạc thế giới phải quyết dứt ái. Kinh gọi:

            Ái bất trọng bất sanh Ta Bà,

            Niệm bất nhất bất sanh Cực lạc.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Nếu chẳng dứt dâm dục, dù cho vào được thâm thiền định cũng trọn thành ma nghiệp. Thử xem từ xưa đến nay những hạng quân vương, tể quan, anh hùng, hào kiệt đa phần tránh chẳng khỏi cái rọ ái tình, khiến đến nỗi thân bại, danh hư, nước đổ, nhà tan, thật đáng tiếc hơn tiếc gì hết, đáng sợ hơn sợ gì hết. Ðại phàm chúng ta là những người học Phật, tuy ai cũng vẫn có thói quen ái dục, biết nó là xấu, nhưng mà nhất thời buông nó chẳng rơi xuống, rảy nó chẳng rớt đi, cho nên phải dần dần và dần dần dứt hẳn nó mới thành công. Phương pháp đoạn dục phải theo giáo lý dưới đây mà tu phép bất tịnh quán. Mỗi khi tình ái phát sanh liền khởi lên tư tưởng dâm dục. Phải biết dù cho má phấn môi son, răng ngà mày nguyệt, hồng nhan tuyệt mỹ tuyệt trần cũng chẳng được bao lâu, thân tứ đại này phân ly chung quy về cõi tử vong, đâu có còn gì đáng yêu đáng mến nữa. Ðấy gọi là tân tư tưởng. Chẳng mấy hôm, toàn thây xanh tím thành máu bầm, rất đáng kinh tởm ghê gớm. Ðấy gọi là thanh ý tưởng. Lâu thêm mấy hôm nữa, sình chướng phá bì, bẫy rửa, chảy nước như mủ. Ðấy gọi là nồng huyết tưởng. Sau khi thể đã tán nát, máu mủ chảy tùa lua tứ tung, thối hôi chẳng thể nào ngửi nghe được. Ðấy là tưởng chảy nước đỏ. Từ đấy mới sanh ra những thứ giòi lúc nhúc đục khoét ăn chì chẹt. Ðấy là trùng hám tưởng. Cuối cùng là còn một đống xương khô. Ðấy là khô cốt tưởng. Ngày xưa hồng nhan má phấn hôm nay đâu còn? Chúng ta vốn là một cái đãy đựng: Mắt tai mũi miệng, lỗ nào cũng chảy ra toàn vật bất tịnh. Ðến như đại tiểu tiện lại nhơ nhớp chẳng cần nói ai cũng hiểu. Vậy thì bất quá một lớp da mỏng giả diện cụ bao đựng để gạt đời mà thôi.

Thử xem hạt giống khi mới nhỏ xuống túc tinh cha huyết mẹ vốn là vật bất tịnh, đấy gọi là chủng tử bất tịnh. Người đời mù mù mờ mờ chẳng hiểu thấu được. Nếu ai tu được phép quán bất tịnh này là khả dĩ phá được lòng dâm dục. Nhưng quán pháp tế nhị mà tâm niệm thô phù, nên những kẻ căn trí đần độn chẳng dễ dàng gì mà tu được. Quán Thế Âm Bồ Tát là bậc đại y vương, tức nương những lời đã dạy trong Phẩm Phổ Môn, thường niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liền được ly dục, tuyệt dục. Dâm dục là một tên đầu sõ đứng đầu muôn tội ác và cũng là cội gốc các điều khổ não ai mà chẳng run run e sợ, nên thường phải phát tâm dũng mãnh, phát tâm hằng thường lắm phần khó khăn nhiều. Tâm hằng thường thế nào? Tức là niệm tại đây nó phải có mặt tại đây. Ngày ngày như thế, đi đứng ngồi nằm, chánh niệm thuần nhứt, duy niệm Quán Âm không có niệm gì xen lẫn, mới có thể được cảm ứng đạo giao. Như cưa cây lấy lửa, như gà ấp trứng một lát rất ngắn cũng chẳng được ngừng nghỉ. Gọi là Ðạo ấy vậy, chẳng khá giây lát rời vậy. Nếu có thể rời được giây lát tức chẳng phải Ðạo vậy. Nếu một ngày ấm mà mười ngày lạnh, tức hẳn không có thuốc gì cứu chữa được.

Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa lòng giận.

Giận là tỳ khí bạo phát, phát lửa vô minh, chẳng hay dung thọ nghịch cảnh được. Hờn là não loạn sanh nộ. Nay có một người phẩm hạnh đoan chính, chẳng tham dâm dục; hiểu rõ nhân quả, chẳng rơi vào hạng người ngu si. Nhưng phải trọng bịnh giận hờn. Người ấy bình thường có nghe kinh, niệm Phật, trì giới, tu bố thí, phóng sanh làm các công đức nhiều như đám rừng rậm tốt cây. Nhưng chẳng may lúc nào đó bị giận hờn nổi lên tức lửa vô minh phát hỏa đốt cháy rụi tức khắc, Cho nên gọi là sân hỏa hừng hừng đốt cháy hết rừng công đức, tức là năng diệt hạt giống rồi vậy. Lại nữa, khởi một niệm sân tâm, mở tám vạn cửa chướng. Cho nên đối với tất cả đều cần quan niệm cho là không, chẳng nên vọng tự buồn phiền, động hỏa phát tỳ khí. Cần phải biết, sanh một sân tâm: Giết người, đốt nhà, đánh đập, tranh đấu, kiện cáo mọi thứ không một ác nào chẳng làm được. Bình nhật đã tương ưng với sân tâm nghĩa là sống với sân tâm, đến khi mạng chết, tâm ấy chắc chắn đọa làm loài rắn độc, rắn hổ mang độc, rít trăm cái chân, bồ cạp các loại súc sanh. Giận hờn có chia ra ba thứ: Thuận lý, phi lý, tranh luận.

1.- Thuận lý: Nhân bị mắng chửi, phỉ báng, phá hoại, nên phát lên tỳ khí. Tỳ khí này sở dĩ phát ra với lý lẽ gần nhau, hợp với đạo lý, thuận với lý mà sanh, gọi là giận thuận lý.

2.- Phi lý: Không có đạo lý gì đáng kể, vô cớ mà phát lửa vô minh. Thứ giận hờn này toàn vô lý do, gọi là phi lý sân. Ví như các người xuất gia, cạo tóc làm Tăng, đầu tròn áo vuông, rõ biết tứ đại đều không, ngũ uẩn vô ngã; vẫn không có bệnh tham dục, năng hiểu nhân quả, tụng kinh lễ Phật, cũng ít ngu si. Nhưng là thói quen giận hờn vẫn thường có đó. Ðã từng có một ông già tu tâm, ông gặp phải chút việc chẳng vừa lòng, bèn phát sanh đại hỏa vô minh cao ba trượng nghĩa là giận hờn chẳng tương xứng với việc vừa xảy ra. Lại có một hạng ông già tu tâm nữa. Cam ở nhà tranh vách lá, tự nấu tự đun lấy thức ăn uống, không dùng một người để sai bảo gì cả. Nhưng một hôm gặp phải trời mưa bất thình lình, củi rác bị ướt nên nấu đun không được, vì thế nổi buồn rầu, phát tỳ khí. Thậm chí phát khí sao mà luôn cả cơm nước cũng chẳng ăn uống. Ðại khái như thế đều được gọi là phi lý sân.

3.- Tranh luận: Lệ như khi đàm thuyết thảo luận một điều gì. Ban sơ thời tình đầu ý hiệp, dần dần kế đến anh phải tôi trái, thêm nữa ta phải ngươi trái. Rồi bên nào cũng tự ái bảo thủ, ý kiến tự cho mình là phải mà đối phương đều là quấy hết. Nhân đấy mới mở ra tranh luận sôi nổi, cho đến nổi chưởng nhau, đấu nhau chẳng còn coi nhau ra gì nữa. Tình trạng này cũng thường thấy xảy ra khá nhiều. Ðấy là tranh luận sân. Tất cả giận hờn không ngoài ba thứ như trên.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM