PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (tt)

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá Lợi Phất đang tu Bồ Tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà la môn đến thử Ngài. Họ nói: Người tu hành Bồ Tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến để nhờ người phụ giúp cho tôi. Nhân vì mẫu thân tôi bị bệnh, thầy thuốc bảo cần có tròng mắt bên tả của người để làm thuốc mới có thể chữa lành được. Xá Lợi Phất nghe thế tức thì móc tròng mắt bên tả tặng ngay cho. Khách lại nói: Tôi vừa nói lầm, tròng mắt bên hữu mới dùng được chứ chẳng phải mắt bên tả. Ngài Xá Lợi Phất lại khoét mắt bên hữu biếu luôn, Người Bà la môn cầm hai tròng mắt đưa lên mũi ngửi và nói: Tròng mắt này có mùi tanh hôi chẳng dùng được gì. Rồi y vứt xuống đất, lấy chân đạp chà lên hai tròng mắt. Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất ý sanh phiền não. Vì mình muốn cứu bệnh khổ cho mẹ nó nên chẳng tiếc thân thể khoét cả đôi mắt mà nó còn vứt đi và lấy chân dẫm lên, tàn nhẫn thật đáng xung tức. Rồi Ngài nổi sân nộ dữ dội tức giận mà rằng: Tốt hơn, chúng sanh như thế này, ta chẳng thèm tu hạnh Bồ Tát đạo nữa. Cho nên Xá Lợi Phất hoàn toàn thối lui hạnh nguyện Bồ Tát về làm kẻ phàm tiểu. Về sau lại gặp hoàn cảnh ác nghịch khởi độc tâm giận dữ nên bị quả báo đọa làm thân rắn độc. Sanh một niệm giận dữ là đọa vào trong loại độc tánh động vật súc sanh. Mỗi khi phát nộ động hỏa tức quên mình, quên người, bất cố gì cả, mặt đỏ tía tai, đấy tức là mặt người mà tâm A Tu La. Cho nên chúng ta cần phải nhẫn nại khiêm nhượng hòa bình mới phải lẽ.

Thử xem người xưa tranh nhau, hiện nay chiến nhau; địa phương tan nát, nhân dân đồ thán, kỳ thủy đều bất quá là do sân tâm của một vài cá nhân phát ra mà kết quả tai hại thật chẳng muốn nghe muốn hỏi đến làm gì cho phiền. Nay nên dùng phương pháp này để ngăn dứt nó là nên tu Từ bi quán. Từ là năng cho vui, Bi là năng cứu khổ. Xét kỹ, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay phải sanh sanh tử tử không xiết nổi. Chúng sanh ở thế gian, tất cả nam nhân đời trước, hoặc đã từng làm phụ thân ta, tất cả nữ nhân đời trước, hoặc đã từng làm mẫu thân ta; hoặc đã từng làm anh em, chị em, con cái, thân tộc, bà con nội ngoại và bạn bè thân thuộc. Nhưng ngày nay chỉ vì thay mặt đổi mày, nên cả đám người chúng ta chẳng ai biết ngày trước đã từng có tương quan với nhau như thế nào được. Cho nên mỗi khi gặp có kẻ phản đối ta, chọc tức ta, làm ta chẳng vừa ý, thời ta nên xem đãi họ là phụ mẫu huynh đệ của ta đời quá khứ, tự nhiên sanh tâm hiếu thuận cung kính, nào đâu rảnh mà động nộ phát hỏa sân giận. Muốn khiến tâm sân nhuế dần dần uốn dẹp và dứt hẳn, thời nên dùng đức từ bi quán chiếu mà bồi dưỡng nó. Nhưng e người căn tánh đần độn, tu quán từ bi sợ quán không nổi, tốt hơn nên dùng phương pháp là thường thường nhất tâm cung kính xưng niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát bèn được lìa giận hờn, như một cơn gió mát mẻ thổi phất ngang trên đống lửa nóng hừng chắc chắn là sẽ bị tắt ngay tức thì.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa ngu si.

Có một hạng chúng sanh, tuy chẳng tham dục, cũng chẳng giận hờn. Nhưng bị phải mù mờ hôn mê ngu ngốc si ám. Hoặc tuy có học vấn, nhưng khốn nổi bất tín nhân quả thiện ác. Họ cho rằng người chết là xong, trở về với thái hư. Ðấy gọi là đoạn diệt kiến. Lại có số đông ngoại đạo, đối với tất cả chuyện nhận xem xét là không, cho rằng làm ác không có ác báo. Ðấy gọi là không kiến. Ðều là ngu si. Ngược lại, tuy không học thức, nhưng minh đạt lẽ nhân quả, lòng chịu niệm Phật tu hành. Ðấy là người có trí huệ. Người đời cho là hễ thứ gì mắt chưa thấy đến tức là chẳng tin. Cũng là ngu si. Cho nên phạm vi của ngu si rất rộng. Nếu mà ngu si lắm nên tu nhân duyên quán, tức có thể minh đạt được lý nhân quả nhân duyên của ba đời. Phải biết hiện nay chúng ta hưởng sung sướng là quả do đời trước đã có tu hành thiện nhân mới được thế. Ðời nay làm ác nhân, đời sau rước lấy chịu ác báo là quả.

Lại như gạt ép người lành, tóm thâu máu mỡ của người dồn vào túi cho nặng. Nhân đấy nên gia nghiệp được giàu có, hưởng thụ phước báo. Ngược lại có người vui tu bố thí, ưa làm lành mà gia đình bị suy bại đồi tệ. Người đời thấy thế sanh lòng nghi hoặc, cho là những người làm lành hoặc làm dữ cảm được kết quả trái ngược lại nhau. Họ đâu biết được luật nhân quả thông suốt ba đời. Thử xem kia những kẻ dối gạt người lành, khinh dễ người trên, tuy là gia đạo hưng thịnh thật đấy. Nhưng mà sự hưng thịnh này do đời trước họ đã tạo nhân lành hiện nay đã thành thục, cho nên hưởng sự thịnh vượng chính là nhân lành đời trước cảm hiện phước quả ngày nay vậy. Cũng chính họ đời nay làm những điều dối gạt thâu tóm của người, khinh rẻ người trên, làm các việc ác là nhân, đời sau họ quyết phải chịu khổ quả. Còn những người ưa làm lành, vui tu bố thí mà trái lại trong gia đạo bị sa sút. Sự suy bại sa sút ấy là do đời trước họ đã gây ác nghiệp khổ báo đến ngày nay đã thành thục. Tức là nghiệp đời trước cảm đến quả cho họ ngày nay. Mà đời nay làm lành là nhân, đời sau chắc được hưởng quả vui. Cho nên kinh Nhân Quả nói: Muốn biết nhân đời trước, là nay hưởng quả đấy. Muốn biết quả đời sau, là hành động nay đấy. Nhân quả có ba thứ:

1.- Hiện báo: Tức hiện nay làm lành, đời này hưởng phước báo; hiện tại làm ác, hiện tai chịu khổ.

2.- Sanh báo: Tức đời nay làm lành làm dữ, qua đời sau mới hưởng chịu quả báo vui hoặc khổ.

3.- Hậu báo: Tức đời nay làm lành làm dữ, qua đến đời thứ hai hoặc thứ ba, cho đến trăm nghìn muôn ức kiếp về sau chẳng nhứt định là đời nào mới chịu báo lành hay báo dữ. Cho nên nhân quả ba đời báo ứng rõ ràng. Người đời thường thường chẳng rõ thấu đạo lý này, đến nỗi oán trời trách người. Họ cho là Phật pháp chẳng linh, giai do vì ngu si che khuất. Xét cội gốc của ngu si chẳng ngoài hai thứ kiến chấp Ðoạn và Thường. Ðoạn kiến, tức cho là sau khi chết về lại thái hư, sau khi chết không quả báo, làm lành không trời thiên đường, làm dữ không đất địa ngục.

Thường kiến, tức cho là người chết cũng vẫn làm người lại, súc sanh chết cũng cứ làm súc sanh nữa, nghĩa là sau khi chết loại nào vẫn sanh lại loại nấy. Ðấy cũng gọi là tà kiến. Cho nên chúng ta cần phải bình tâm tỉnh trí mới suy xét chiêm nghiệm kỹ càng đạo lý nhân quả ba đời này, mới tin nổi chắc chắn chẳng nghi hoặc gì nữa. Ðược như thế là có thể phá ngu si, liền chuyển thành con người có trí huệ. Nhưng pháp nhân duyên quán này chẳng dễ dàng gì mà thựïc hành cho mau có kết quả được, chẳng bằng như thường thường cung kính xưng danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát là đấng Ðại Từ Ðại Bi, tùy mãn chỗ sở cầu của chúng ta vậy. Dưới đây là đã có một vài chứng nghiệm:

- Thuở trước có một vị Tiểu Tăng. Thầy truyền dạy y tụng kinh. Khuôn phép mỗi khi tụng kinh rất là nghiêm chỉnh. Nhưng tiểu Tăng lại ngu si, tuy suốt ngày cặm cụi khổ tụng mà chẳng am thuộc gì cả. Vị Bổn sư liền dạy cho tiểu Tăng ngày nào cũng phải lễ bái và xưng niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, để cho tiêu nghiệp chướng và cầu trí huệ. Cứ mỗi ngày lấy một cây hương đốt để làm hạn định thời gian khi lễ niệm, đợi đến khi nào Bổn sư báo hiệu bằng mấy tiếng khánh, thời tiểu Tăng mới nghĩ lễ niệm và đi vào phòng ngủ được. Tiểu Tăng thi hành như thế đã được ba năm liền. Một hôm vị Bổn sư quên báo hiệu bằng mấy tiếng khánh, mà chiếc khánh tự nhiên có kêu, tiểu Tăng bèn nghỉ lễ niệm và đi ngủ. Bị thầy quở trách, chẳng nghe hiệu khánh mà tự tiện đi ngủ. Tiểu Tăng lại khóc và thưa: Con thật có nghe tiếng khánh, con mới dám thôi lễ niệm và đi ngủ. Qua ngày hôm sau, đến giờ thường lệ ấy, vị Bổn sư rảo đi thám thính, quả nhiên chẳng đánh chiếc khánh mà tự nó có tiếng kêu. Nhân đấy mới biết kẻ tiểu Tăng đệ tử lễ bái khẩn cầu đã có linh ứng. Và tiểu Tăng cũng đã chẳng dùng theo hiệu lệnh nữa tức thành được sự tụng niệm. Nên biết rằng chân thật niệm bái, chắc chắn được lợi ích bất khả tư nghì vậy.

- Lại có vị Tăng tên gọi là Chú Am. Tánh chất ác liệt và phải thêm bệnh ngu si, tệ hơn nữa là thường chửi lộn với người ta. Y sắp bị nhà chùa trục xuất. Một đêm hôm, y tự suy nghĩ liền sanh lòng xấu hổ, tự xét mình duy có đóng cửa mà tu hành mới may ra... Sáng ngày rất sớm, sau khi tề chỉnh y phục, y đến vị trụ trì cầu xin Ngài từ bi hỷ xả cho mình được nhập thất đóng cửa để được thanh tịnh tu ttrì. Vị trụ trì hoan hỷ thỏa mãn lời thỉnh cầu của y. Thế là thầy Tăng ta được vào ở trong tịnh thất đóng cửa, nhất tâm tu hành: Cấm ngữ, chuyên trì chú Ðại Bi, niệm Quán Âm, lễ bái Quán Âm, ba năm mới mở cửa ra, và đắc đại trí huệ, và có thể giảng giải được diệu lý trong kinh điển mà các sách thế gian Tứ Thư, Ngũ Kinh không thứ nào chẳng thông hiểu. Ngày xưa là kẻ bất thức tự, mà nay như hai người xưa nay khác hẳn nhau. Nên biết rằng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm có thể phá được ngu si mà khai trí huệ vậy.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có những sức oai thần lớn nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ.

Văn này là câu kết. Phải biết niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng những phá được sự tam độc của lục đạo phàm phu, mà có thể phá được lý tam độc của La Hán và Bồ Tát nữa. Người Nhị Thừa một bề say đắm nơi không. Ðấy là dục ái. Chán nãn thế gian coi như hầm lửa, một bề ôm thái độ tiêu cực, khinh thị thế gian là đáng nhàm đáng ghét. Ðấy là sân nhuế. Họ chẳng biết Phật pháp không mà chẳng không, tức trung đạo diệu hữu. Say đắm nơi không, ngưng trệ nơi tịch, cho là rốt ráo. Ðấy là ngu si. Ðấy tức là lý tam độc của Thanh Văn Duyên Giác nhị thừa. Bồ Tát ưa thích thần thông, dạo chơi thế giới, yêu đời, xem ngắm thế gian, chấp tướng độ sanh, cho đến trung đạo pháp ái. Ðấy là dục ái. Nhàm chán tiêu cực chấp không của Nhị thừa, cho đến nới bỏ hai bên, chán ghét Không, Hữu. Ðấy là sân nhuế. Chẳng thấu rõ trung đạo cũng không cũng có, phi không phi có. Không mà chẳng không là diệu hữu, có mà chẳng có là chơn không. Chẳng hiểu rõ chơn không bất không, diệu hữu phi hữu tức là diệu nghĩa trung đạo viên dung tuyệt đãi. Ðấy là ngu si. Ðấy tức là lý tam độc của Bồ Tát. Nếu xưng danh hiệu Quán Thế Âm, niệm đến chân đế sự nhất tâm bất loạn, có thể phá sự tam độc kiến tư hoặc của phàm phu, thấy được chơn không Quán Thế Âm Bồ Tát. Niệm đến tục đế sự nhất tâm bất loạn phá được sự tam độc trần sa phiền não của Nhị thừa, thấy được diệu hữu Quán Thế Âm. Niệm đến trung đạo lý nhất tâm bất loạn, phá được lý tam độc căn bản vô minh thấy đến trung đạo Quán Thế Âm. Ðến đấy tức có thể thành Phật xong.

Nhưng đã dạy người niệm Quán Âm được thành Phật, mà sao Quán Âm, tự mình lại là Bồ Tát? Bởi vì muốn độ chúng sanh mà thị hiện tướng Bồ Tát vậy thôi. Tam độc đã bị phá tức thành tựu Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát ba đức mật tạng. Cho nên Phật Thích Ca mới gọi Vô Tận Ý Bồ Tát rằng người xem Quán Thế Âm Bồ Tát có sức Ðại oai đức thần thông như thế mới ban cấp cho chúng sanh các món lợi lạc. Ðấy là nguyên do. Cho nên chúng ta cần phải thường thường tâm niệm. Ðại đa số những người niệm Phật, niệm Quán Âm chỉ có ở lỗ miệng mà tâm chẳng niệm nghĩa là chẳng nhớ mình đang niệm Quán Âm hay niệm Ðức Phật nào đây. Quyết định phải như vầy: Tâm nghĩ nhớ, miệng ra tiếng, và tai lóng nghe cho rõ ràng, chẳng nên tư lường phân biệt. Ðược sức lực vĩ đại như thế thời cảm ứng đạo giao vẫn dễ dàng mãn nguyện. Chữ niệm: Trên chữ Kim là Nay, dưới chữ Tâm là Lòng. Tấm lòng hiện nay. Ý dạy: Khi người niệm Quán Âm chẳng nên dùng tâm quá khứ mà niệm, chẳng nên dùng tâm vị lai mà niệm, chỉ nên dùng nhất tâm hiện tại không lệch về khứ lai mà niệm, mới gọi là chánh niệm. Trong kinh nói: Tâm quá khứ đã diệt rồi; tâm vị lai chưa sanh. Chính đương lúc đó thẳng tiến mà niệm đi, mới được lợi ích lớn lao vậy.

Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, liền sanh con trai phước đức, trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai thần như thế. Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ Tát thời phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ðoạn văn này là nói cầu nam cầu nữ đều được nam nữ, gọi là thỏa mãn hai điều mong cầu. Tại sao chỗ này độc nói chỉ nữ nhân mới có hai điều mong cầu ấy ư? Bởi vì tâm của nữ nhân mong cầu con trai con gái so với nam nhân có lắm phần quan hệ và tha thiết hơn. Nữ nhân chẳng sinh con trai, nuôi được con gái, là bị cha mẹ chồng hiềm nghi và bị chồng khinh bỏ, lại phải bè bạn chê cười. Vả lại, pháp thế gian có ba điều bất hiếu mà vô hậu là trọng đại hơn cả. Cho nên tâm niệm nữ nhân cầu con trai mong con gái rất là tha thiết. Nếu nữ nhân muốn cầu con trai, thời lễ bái cúng dường Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát là bèn sinh cậu trai có đủ phước đức và trí huệ. Y theo Phật pháp mà nói là sanh con gái trai là bồi thêm phiền não. Nhưng y theo Pháp thế gian, lại chú trọng việc nối tiếp dòng dõi gọi là truyền tử lưu tôn, cho nên cũng chẳng ngại gì nữ nhân cầu con trai gái. Lòng từ bi nên Ðức Quán Thế Âm cũng thị hiện để thỏa mãn cho hai nguyện vọng khẩn cầu kia vậy. Một lòng đầu lạy, năm vóc gieo xuống sát đất gọi là lễ bái. Hương, hoa, đang, đồ, quả, trà, thực, bửu, châu và áo. Ðấy là mười món cúng dường vậy.

Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đâu còn nhu cầu những thứ ấy nữa mà đem cúng dường? Bởi vì chúng ta, sở dĩ cúng dường là cầu phước vậy. Như vô lực sắm đồ cúng không nổi, thời đem thân thể cung kính lễ bái, miệng xưng niệm danh hiệu, trong tâm ý quán tưởng hình ảnh của Bồ Tát cũng tức là ba nghiệp cúng dường đấy. Như năng cung kính chăm lòng kính thành cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, tức Ngài tống cấp cho người một nam nhi cả phước huệ đầy đủ. Như Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện Bạch Y Quán Âm, Tống Tử Quán Âm vậy. Có phước mà không huệ gọi là si phước, như những cậu ngu tử con của những người nhà giàu có vậy. Có huệ mà không phước gọi là cuồng huệ, như những cậu tài tử con của những người nhà nghèo cùng. Kiếp xưa biết niệm Phật, hiểu đạo lý, đời nay có trí huệ. Thuở trước hay bố thí, tu giới sát, phóng sanh, đời nay có phước lộc. Hai điều đều song tu thời phước huệ đầy đủ. Quý vị đến đây, nghe giảng kinh cung kính yên lặng, tức là cầu phước. Hiểu rõ đạo lý, biết rõ thâm nghĩa tức là cầu huệ. Lệ như khi niệm Phật, không vọng tưởng, không tạp niệm, nhất tâm bất loạn, tức là cầu phước. Niệm trước niệm sau nối nhau không hở, chữ nào chữ nấy rõ ràng minh bạch, tức là cầu huệ. Lại như sáng lập Cư Sĩ Lâm, ấn định hai thời khóa tụng sáng chiều, đấy là cầu phước. Nghe giảng kinh Pháp, hiểu rõ đạo lý, tu trì thiền quán, đấy là cầu huệ. Nếu có người nữ nhân thành khẩn tha thiết nhất tâm niệm Quán Thế Âm chắc sanh được một nam nhi tuấn tú phước đức và trí huệ đầy đủ. Chứ chẳng sanh cậu nam nhi si phước hay cuồng huệ đâu. Ðấy gọi là cầu con trai được con trai.

Thuở trước có ông Ðàm Hiến Khanh, nhà giàu có. Ðã năm mươi tuổi mà không có con trai gái gì cả. Con cháu trong tộc tranh nhau thừa kế và chia của. Lòng ông Ðàm chẳng vui. Do đó nên ông tận lực khẩn cầu Ðức Từ Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ông mới xuất ra năm ngàn đồng bạc để thiết lập đàn Ðại Bi Sám. Tu Sám bốn mươi chín ngày.

Quả nhiên bà tiểu thiếp sanh một cậu con trai, nằm trong bọc trắng mà sanh ra. Mặt mày tuấn tú khôi ngô, thông minh lanh lợi. Thấy vậy bà vợ chính lại xuất ra một ngàn đồng để kiến thiết lầu Bạch Y Các, phụng thờ Ðức Bạch Y Quán Âm. Rồi bà cũng sanh được một cậu con trai nữa. Hai đứa con này đều sáng sủa thông minh. Lại như Nam Thông Trương Hiếu Nhược cũng là do thân phụ của ông là Trương Sắc Ông tiên sinh cầu tự nơi Quán Âm Nham ở núi Lang Sơn mà sanh được ra ông vậy. Lại ngày xưa có người nữ nhân không con. Vợ chồng mới cầu tự trước tượng Quán Âm. Ðêm nằm mộng thấy Ðức Quán Âm lấy mâm đựng đứa con trai đem cho. Chính lúc người nữ nhân sắp tiếp nhận, bỗng nhiên có một con bò chạy xốc đến, nên chưa kịp tiếp lấy thì giật mình thức giấc, liền có mang. Rồi bà sanh được đứa con trai, nhưng chưa được mấy ngày, đã bị yểu vong. Bởi vì bình nhật vợ chồng ưa ăn thịt bò vậy. Từ đấy về sau vợ chồng cùng nhau trai giới, nhất tâm ăn chay. Về sau quả thật sanh được một cậu con trai và nuôi được. Vậy là biết muốn cầu con trai gái, vẫn phải thường niệm, cúng dường lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, lại càng phải giữ giới sát, phóng sanh, bố thí, hành thiện, trì trai cầu phước, mới được sự cảm ứng như tiếng vái vang, ứng niệm liền thành.

Nếu muốn cầu nữ, bèn sanh nữ tử có tướng mạo đoan chính, vì đời trước đã có trồng cội phước đức, nên nay được mọi người kính mến. Nữ nhân cầu nam nhi thời có nam nhi, sao lại muốn cầu nữ nhi làm gì? Hiện nay nam nữ bình đẳng, nữ quyền được phô trương, nam nữ chính không còn cao thấp nữa. Thử xem thời gian gần đây, nữ nhân gia nhập các chính đảng, tòng sự các cơ quan chính quyền, và tòng học mọi ngành học vấn, kỳ số kể chẳng xiết. Vả lại nam tử hay tại ngoại, sanh được nữ tử khả dĩ cùng với bà mẫu thân mai chiều mẹ con thủ thỉ hay hủ hỉ. Cho nên đã có cậu con trai lại còn muốn cầu thêm cô con gái nữa cho ấm cúng và vui tươi gia đình nữa, và vì nó còn có sức hấp dẫn phi thường vậy. Nữ tử chẳng cần đài các, mà cần phẩm hạnh đoan chính, tướng mạo trang trọng, nhất vọng thì biết ngay là người ấy có phước đức, trí huệ. Ngũ quan chẳng khuyết, diện mạo nhã chính, gọi là đoan chính. Nếu đoan chính mà vô tướng thời chẳng được người kính mến. Trái lại có tướng mà chẳng đoan chính, chắc chắn bị người khinh rẻ. Cho nên nhất định là phải đoan chính mới được người mến, có tướng mạo người chịu kính trọng. Ðời trước trồng cội đức, tức là đời trước đã vun trồng cội gốc hiền đức, hiện nay lại thành kính nghe kinh niệm Phật là vun trồng cội đức, là thêm cho gốc sâu rễ chắc, mới có thể cảm sanh được thân nữ tử tài đức song toàn và được nhiều người yêu kính. Phải biết nữ tử được người yêu mà chẳng được người kính, gọi là khinh rẻ, kính mà chẳng yêu mến gọi là xa bỏ. Cho nên quyết phải đầy đủ cả hai phương diện ấy mới thật được nhiều người ái kính.

Nhưng y theo Phật Pháp mà giảng, thời thế gian vạn pháp đều là huyễn hóa. Con gái xinh lịch là trả nợ đời, mà con cái xấu xí là đòi nợ tiền khiên. Nhiều hay ít con cái tức là ít hay nhiều phiền não. Những người tu hành cho việc có con cái là sợi dậy buộc lụy, mà không có tự tai. Thuyết này với thế gian pháp tất nhiên là trái ngược nhau. Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng những làm thỏa mãn nguyện cầu nam nữ trên thế giới này, mà còn làm thỏa mãn những người học Phật nguyện cầu pháp môn nam nữ nữa. Nam tiêu biểu trí huệ, nữ tiêu biểu thiền định. Chúng sanh ở cõi Dục, tâm nhiều tán loạn, nên chỉ có huệ mà không định, gọi là cuồng nam. Chúng sanh ở cõi Vô Sắc chỉ say đắm thiền định, nên có định mà không huệ, gọi là si nữ. Tứ thiền thiên, ở cõi Sắc, có định có huệ, bình đẳng song song. Nhưng định nữ này chẳng hay xuất sanh được vô lậu huệ nam, chẳng thể dứt phiền não được, cho nên gọi là hữu lậu định huệ, và cũng bất quá là si nam thạch nữ vậy thôi. Ðấy chẳng phải là chỗ sở cầu pháp môn nam nữ. Người tu Nhị thừa, định huệ đã có thể siêu sanh thoát tử được, nên gọi là vô lậu định huệ, khả dĩ sanh được pháp vô lậu, dứt được kiến tư phiền não, liễu được sanh tử vậy. Nhưng huệ nam này cũng chỉ dứt được kiến tư phiền não, mà chẳng dứt được căn bản vô minh. Ðịnh nữ tuy sanh được vô lậu, mà chẳng thể vào trung đạo được.

Cho nên chúng ta cầu trung đạo trí huệ nam, cầu trung đạo phước đức nữ. Chẳng say đắm nơi không và hữu; là huệ tức nơi định, gọi là hữu phước huệ nam; là định tức nơi huệ, gọi là hữ huệ phước nữ. Huệ là trí đức trang nghiêm, định là phước đức trang nghiêm. Ðến quả vị Phật mới đầy đủ phước huệ, cho nên xưng là Lưỡng Túc Tôn. Thân là Kim sắc, với tướng hảo Quang minh không ai sánh bằng, đấy tức là Phước Túc. Bốn pháp biện tài, tám thứ tiếng, soi căn cơ mới thi thiết giáo pháp, đấy tức là Huệ Túc. Bởi vì chúng ta không có trung đạo phước huệ trang nghiêm, cho nên bị trôi lăn vào sanh tử mà làm chúng sanh. Lời tục ngữ: Người cần áo trang điểm, Phật phải vàng sơn thếp. Cho nên trang nghiêm rất là trọng yếu. Vì thế phải quyết tâm cầu phước cầu huệ. Và phước huệ cần phải song tu. Tự tánh là Sở trang nghiêm, Phước huệ là Năng trang nghiêm. Năng sở chẳng hai đấy gọi là Diệu nam Diệu nữ đầy đủ Diệu trang nghiêm. Muốn cầu huệ nam, định nữ, duy có thân lễ, khẩu xưng và ý niệm, đem ba nghiệp cúng dường Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, mới có thể thành công chắc chắn.

Vì vậy, Phật Thích Ca đã một lần nữa, gọi Ngài Vô Tận Ý mà bảo rằng: "Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai lực như vậy đó, chúng sanh nào năng cung kính lễ bái, phước chẳng luống bỏ". Ý nói chúng sanh lễ bái cúng dường quyết chẳng luống mất. Cầu nam cầu nữ chắc có thù ứng cho sở nguyện của mình. Dù cho bất đắc dĩ gặp những điều chưa có ứng nghiệm tức khắc, nhưng đã trồng căn lành, một mai kia khi nhân duyên thành thục, quyết chẳng luống mất vậy.

Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn đó có nhiều không?

Vô Tận Ý thưa: "Bạch Thế Tôn! Rất nhiều." Phật nói: " Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thời phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong năm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.

Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đặng vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế".

Ðoạn văn này là so sánh công đức trì niệm danh hiệu Quán Âm. Hằng ngày chúng ta trì niệm danh hiệu Quán Âm đáo để nhưng có bao nhiêu công đức? Ðức Phật bảo Ngài Vô Tận Ý rằng, thảng hoặc có người đại trí huệ niệm một danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát so sánh với danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, thì công đức ấy đều ngang nhau.

Sáu mươi hai ức hằng sa là số mục, nói những vị Bồ Tát được niệm rất nhiều. Hằng hà là tên một con sông ở Ấn Ðộ, phát nguyên từ trên dãy Tuyết Sơn, tại nơi ao A Nậu Ðạt. Tuyết Sơn rất cao, tức là Hy Mã Lạp Sơn ngày nay. Do từ trên đỉnh núi chảy xuống một đường thẳng như từ trên thiên đường chảy đến, nên lại có tên là Thiên Ðường Lai Hà. Sông Hằng bề dài ngàn trăm dặm, bề rộng bốn mươi dặm, mà nước rất cạn. Ðáy sông có kim sa, cát vàng, lại có bùn cát. Cát nó sáng lóng lánh và mịn như bột phấn. So với cát ở các sông nước ta rất là khác nhau. Bốc một nắm cát ấy thì chẳng thể đếm kết được nhưng hạt cát, huống là cát của cả dòng sông dài hàng trăm dặm, rộng bốn mươi dặm thời còn nói gì nữa. Mỗi khi Phật giảng đến số mục nhiều chẳng thể tính toán được liền nói hằng hà sa. Trong cõi Ta Bà thế giới, có bao nhiêu Bồ Tát, hoặc hiện hoặc ẩn, hoặc quyền hoặc thiệt, có nhiều như số cát của sáu mươi hai ức con sông Hằng.

Thực phẩm, áo mặc, thuốc men, đồ nằm gọi là bốn món cúng dường. La Hán tuy liễu sanh tử, nhưng cũng có khi sanh tiểu bệnh, vì xác thân này là ái thể do cha mẹ để lại. Ðã có quả báo sanh thân, cho nên phải có bệnh. Ngoại trừ các vị Bồ Tát thị hiện, kỳ dư những thiệt hành Bồ Tát thời cũng có tiểu bệnh như cảm gió, ho, khạc nhổ, chứ chẳng phải đại bệnh nghiệp chướng. Phật Thích Ca cũng có việc đau lưng, cho nên cũng dùng thuốc men cúng dường để chữa cho lành bệnh. Phải biết, Phật, Bồ Tát, La Hán, đã có thân thể (ứng hóa thân, chẳng phải hai thân Pháp và Báo) tức có quả báo, vì muốn thị hiện ra bệnh tướng để giáo hóa chúng sanh cho chúng sanh biết rằng nghiệp báo chẳng bao giờ mất. Nên đã nói: Tuy không tạo nghiệp và kẻ chịu quả báo, nhưng một khi nghiệp đã gây ra nhất định chẳng mất. Một khi nhân duyên hội ngộ, tự chịu lấy quả báo mà mình đã tạo.

Cúng dường người xuất gia không ngoài bốn thứ kể trên. Nhưng đến địa vị Bồ Tát tài bảo đầy đủ, vốn chẳng cần dùng, uống ăn, áo mặc, thuốc men của thế gian nữa, nhưng chẳng qua người có thể phát tâm cúng dường, khả dỉ để cầu phước mà thôi. Bởi vì hằng tu tâm bố thí quyết cảm thọ được phước báo phong phú như vậy. Cúng dường có chia ra nội ngoại hai phần: Tứ cúng, ngũ cúng, hoặc thập cúng dường... đều là ngoại cúng dường; cung kính lễ bái, khẩu niệm danh hiệu, tâm quán tưởng thánh dung, đấy gọi là thân, khẩu, ý ba nghiệp là nội cúng dường. Nếu được khẩn thiết chí thành, công đức thật là bất khả tư nghì.

Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát và dùng thân này cúng dường cho đến chết mới thôi. Người này thọ trì danh hiệu nhiều như thế, đấy là Ðại công đức thứ nhất. Sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, như thế là phước điền rất nhiều, đấy là Ðại công đức thứ hai. Lại cúng dường rộng lớn như thế, đấy là Ðại công đức thứ ba. Phát tâm cúng dường đến cả trọn một đời sống, thời gian lâu dài, đấy là Ðại công đức thứ tư. Vô Tận Ý! Này người nghĩ xem công đức của người ấy như thế nhiều hay ít? Ngài Vô Tận Ý thưa: "Bạch Thế Tôn. Công đức ấy nhiều lắm, nhiều lắm, thật không thể nói hết được".

Ðức Phật giảng: Công đức của người ấy cố nhiên là nhiều lắm đấy. Nhưng lại nếu có một người chỉ đơn trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mà chẳng thọ trì danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, và cũng chẳng tứ sự cúng dường trọn cả một đời người, mà chỉ lễ bái cúng dường nhất thời mà thôi. Vậy thời công đức của người này đã làm được đem mà so sánh là như thế nào? Người đời lễ bái đầu trán chẳng đến đất, lạy xuống ngóc lên, là tâm gián đoạn khinh dễ, không được ích lợi. Cần phải như quả núi lớn sụp đổ: Năm vóc gieo xuống đất, cốt là để bẻ gãy tâm cống cao ngã mạn. Lại còn cần phải buông thả muôn duyên, nhất tâm đảnh lễ. Tuyệt đối chẳng nên tham khoái tham nhiều là vọng tưởng, có tư lường phân biệt, thời tâm bị rối loạn ngay.

Vả lại, Bồ Tát là Bồ Tát ở trong tâm chúng sanh, tức là lễ bái Bồ Tát nợi tự tánh; chúng sanh là chúng sanh ở trong tâm Bồ Tát. Ðem chúng sanh ở trong tâm Bồ Tát mà đảnh lễ Bồ Tát ở trong tâm chúng sanh. Nên phải quán sát Năng lễ Sở lễ tánh đều vắng lặng, trọn chẳng nói được. Ðược như thế mới là đem chân tâm lễ bái, chân thật cúng dường Bồ Tát, tự có cảm ứng bất khả tư nghì. Ðấy là điều mà những người học Phật chẳng khá chẳng biết vậy. Cho nên nói người này ở trong một ngày 24 giờ đồng hồ, dành riêng một giờ lễ bái, thời gian chẳng lâu như trọn cả đời sống, đấy là thời gian ít. Chỉ đơn hướng về một Ðức Quán Âm, đấy là phước điền ít. Chỉ trì một danh hiệu Quán Âm, mà chẳng thọ trì nhiều danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, đấy là trì danh ít. Cũng không có tứ sự cúng dường cho đầy đủ, đấy là cúng dường ít. Thói quen của người đời căn cứ theo mặt nổi ở bên ngoài mà đem so sánh cho kẻ trước là công đức lớn lao, nhưng kỳ thiệt, phước của hai người ấy kia, đây ngang nhau sít soát chẳng ai hơn kém hào ly nào cả.

Nhân vì Quán Thế Âm Bồ Tát, từ vô lượng kiếp đến nay, đã sớm thành Phật. Mà hiện tại thị hiện Bồ Tát với mục đích để độ người, cho nên công đức cao cả bất khả tư nghì. Cho nên ai thường hay lễ bái cúng dường mười phương chư Phật Như Lai. Hy sinh thời gian chỉ một tiếng đồng hồ trong mỗi ngày để lễ bái cúng dường Quán Thế Âm được công đức ngang bằng với công đức của một người trọn đời trì niệm, tứ sự cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát. Trì danh hiệu Quán Thế Âm có phước đức lợi ích vô lượng vô biên như thế, cho nên công đức Quán Thế Âm Bồ Tát chừng một mảy lông mà Ngài Phổ Hiền Bồ Tát chẳng lường biết cho rốt ráo được.

Vì như một lượng vàng ròng giá trị quá hơn một trăm kí lô bông dệt vải. Chỉ đơn trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm như trì một lượng vàng ròng. Thọ trì danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát, giống như một bao bông dệt vải hai trăm kí lô, tính số tuy nhiều, mà giá trị trọn chẳng thể cao hơn một lượng vàng ròng được. Lại như ngọc Ma ni bửu châu, một viên giá trị hơn cả ngàn vạn vạn thứ ngọc hải bửu như ngọc xa cừ, san hô. Lại như việc bố thí: Bố thí ngàn vạn người ác, chẳng bằng bố thí một người thiện. Cúng dường ngàn ông Tăng phàm phu, chẳng bằng cúng dường một vị La Hán. Cúng dường ngàn La Hán, chẳng bằng cúng dường một vị Bồ Tát. Bởi vì Tăng phàm phu chưa xong sanh tử, A La Hán chẳng chịu độ sanh, cho nên công đức có lớn nhỏ chẳng đồng đều được là vậy.

Thuở xưa đã từng có một vị La Hán đi ra ngoài, trao cho tên đệ tử vai mang khăn gói theo sau, đồng đi. Ðệ tử đi giữa đường, xem thấy những người nông phu trong những đám ruộng đang làm lụng lam lũ, khổ nhọc, người đệ tử bèn phát Bồ Tát tâm, muốn rộng độ bọn người ấy. Vị La Hán đã chứng được tha tâm thông, nên biết đệ tử của mình đã phát tâm Bồ Tát. Ngài liền khiến đệ tử phải đi trước, và lấy khăn gói lại tự mang đi theo sau. Một lần phát tâm. Thầy trò đi chưa lâu, đệ tử nghĩ: Tu Bồ Tát đạo phải chịu bao khổ nhọc, bị bao oán thù, đâu phải dễ gì mà mình kham gánh vác sao nổi? Nghĩ vậy bèn thối lui, phát tâm Tiểu thừa. Lại bị thầy biết được. Khiến trò mang gói đi theo sau. Một lần thối tâm. Thầy trò đi chừng hai ba dặm, đệ tử lại nghĩ rằng: Tu Bồ Tát tuy khó tu, nhưng mà sẽ được thành Phật. Vậy thì ta nên quyết phải phát Bồ Tát tâm, rồi sẽ gắng sức tu cho kỳ được. Hai lần phát tâm. Lại được thầy mời đi trước và cũng khỏi mang khăn gói. Thầy cứ khiến trò hoặc đi trước, hoặc đi sau, nên làm cho người đệ tử mù mịt chẳng hiểu Thầy của mình muốn làm diệu thuật gì đây, mà khiển mình rắc rối trở tráo như thế, nên mới bạo dạn thưa hỏi. Thầy giảng: Khi ngươi phát tâm Bồ Tát là cao hơn La Hán, nên Thầy dạy ngươi đi trước. Rồi khi ngươi thối lui tâm Bồ Tát xuống nơi La Hán là ngươi đi sau mang gói. Ngươi đối với tâm Bồ Tát, khi phát ra hoặc lui về, cho nên trên đường đi, ngươi hoặc được đi trước thong thả, khi phải đi sau và mang gói gọi là phục kỳ lao, chớ sao?

Cho nên Bồ Tát tâm chẳng nên không phát. Vả lại phát được càng sớm càng tốt. Ðừng nghĩ là sức của mình không làm nổi, không đủ sức, rồi từ đó mà tự khinh tự tiện. Ðức A Di Ðà, lúc ban sơ khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo, phát 48 lời thệ nguyện, bị người thời bấy giờ chê là điên là cuồng. Cuối cùng vẫn nhờ phát nguyện chẳng thối lui mà được thành Phật đạo. Quý vị đem công đức nghe kinh đem hồi hướng phổ lợi chúng sanh, nguyện đồng chúng sanh đồng thành Phật đạo. Ðến nơi nào cũng lấy chúng sanh làm tiền đề. Bởi vì chúng sanh là chúng sanh ở trong tâm của ta, niệm niệm phát nguyện như thế tức là âm thầm un đúc trong pháp giới vô hình để kết pháp duyên cùng với chúng sanh. Quán Thế Âm Bồ Tát, có tinh thần cứu thế từ bi độ nhân hoằng đại này. Cho nên công đức của Ngài chính như công đức mười phương chư Phật. Cho nên dù đơn độc lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như đã lễ bái cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát. Hơn nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát lại còn có danh hiệu là Phổ Môn Ðại Sĩ, là Pháp Giới Tánh. Cho nên sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát cũng chẳng phải là chẳng bao gồm trong đó. Công phu tu hành của chúng ta nhiều niệm đầu tức là nhiều vọng tưởng. Quý vị cho là niệm được càng nhiều càng hay. Kỳ thật chẳng phải vậy. Phật Pháp duy giản chuyên, duy hằng cần, tâm một chẳng hai, tức là khắp cùng Pháp giới, cho nên bất tất phải tham nhiều: Khi thì tụng kinh này, lúc lại đọc kinh kia, lúc thì lễ sám, khi lại trì chú, bận rộn lăng xăng chẳng lúc nào rảnh. Tuy chẳng phải không có công đức, nhưng có thể làm cho tâm dễ bị tán loạn bất định. Lại có một hạng người, mai ba chiều bốn, ưa mới chán cũ, tự mình chẳng có bản lãnh gì cả. Chẳng bằng chí thành khẩn thiết, chuyên một chẳng hai trì tụng Phẩm Phổ Môn, hoặc chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thời chắc được lợi ích nhiều đến vô lượng vô biên vậy.

Thuở trước có người tên là Cao Phiền, tư chất thông minh, có thiên tài học giỏi, mới lên mười bốn tuổi đã đậu Tú Tài. Anh Tú lấy vợ người họ Phàn, tự là Giang Thành. Người vợ có nhan sắc đẹp đẽ, nhưng lại phải tính tình bạo ác bướng bỉnh. Thế là Cao tú tài gặp phải sự đau khổ thầm kín bên trong là cô vợ sư tử hà đông, như con thú dữ ở xứ Hà Ðông. Gây đau khổ cho anh đến nổi thân thể gầy mòn ốm như khúc củi khô. Bà nhạc mẫu lại là người rất hiền lành, nhân thấy con gái mình đối đãi với chồng chẳng được tử tế đẹp lành lắm, nên bà lấy làm lo âu. Rồi bà mới thiết lễ cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát xin gia hộ.

Một đêm bà mộng thấy Ðức Quán Thế Âm nói rằng: Con gái của ngươi kiếp trước là một con chuột trường sanh đã sống ở trong một ngôi chùa lâu năm, do một vị hòa thượng chùa ấy nuôi dưỡng. Kiếp trước Tú tài còn là tên học trò đã từng ở nhờ trong chùa ấy để đọc sách, y đã làm chết con chuột kia. Với hiện tại tức một quả báo trả lại đền một quả báo, cho đến khi nào chết mới xong. Nhưng nếu niệm Phẩm Phổ Môn, có thể cứu được. Bà nhạc mẫu liền bảo cho con rể và anh với chị nhà bển hay việc mình đã vừa mộng thấy. Sau đó toàn gia trì niệm hơn vài tháng nhưng chưa thấy có hiệu quả gì. Họ mới bảo anh Tú tài, khiến anh cũng phải cùng nhau phát tâm hằng thường, đồng tâm trì niệm. Bỗng nhiên một hôm có một vị lão Tăng đến. Lão Tăng này lại kiêm chuyên môn tướng thuật rất tinh tường và minh đạt lẽ nhân quả nữa. Bấy giờ, dân làng tranh nhau đến cầu hỏi những việc cát hung đủ thứa. Phàn thị, vợ thầy Tú cũng cùng đi đến hỏi vị Thầy tăng. Khi lão Tăng thấy cô. Ngài liền nhìn thẳng mặt cô mà đọc một bài kệ sáu câu. Rồi vị lão Tăng dùng một chén nước và ngậm phun lên cả trên mặt cô. Chính lúc ấy mọi người lấy làm ngạc nhiên đều cho là khốn rồi. E rằng vị lão Tăng này chắc sẽ bị Phàn thị nó hành hung cho mà biết, vì bình nhật tính nó nóng nảy, hể trái ý nó thì phải biết. Nhưng trái lại, ai ngờ cô Tú vẫn điềm nhiên, mặc cho vị lão Tăng phun nước làm phép tắc gì thì làm chẳng ai thấy cô có chút giận dữ gì hết. Sáu câu của Ngài nói như sau: Này, đừng nên giận, đừng nên giận nữa. Kiếp trước cũng chẳng giả, việc nay cũng chẳng thiệt. Khốn nạn, chuột mi cắm đầu chạy đừng cho mèo đuổi bắt. Cô Tú nghe xong tức thì tỉnh ngộ, và cũng từ đấy về sau, cải đổi hoàn toàn tính nết. Cô gắng sức ăn năn thay đổi những lỗi lầm ngày trước, và sau đó dĩ nhiên là trở thành một người vợ hiền lương, người dâu hiếu thuận. Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát oai đức thật bất khả tư nghì, vô lượng vô biên phước đức lợi ích vậy. Thường thường có như thế.

Ngài Vô Tận ÝBồ Tát bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát đi dạo trong cõi Ta Bà như thế nào? Nói Pháp cho chúng sanh như thế nào? Sức phương tiện việc đó như thế nào? "

Phẩm này có hai lần vấn đáp. Từ trước đến đây là lần vấn đáp thứ nhất. Là giải thích nguyên do lập tên Quán Thế Âm. Ðoạn này là lần vấn đáp thứ hai. Là hỏi vì lý do gì mà có Phổ Môn thị hiện. Ngài Vô Tận Ý lại một lần nữa xin bẩm bạch Phật Thích Ca rằng: "Quán Thế Âm Bồ Tát ở Tây phương Cực lạc thế giới sau Phật A Di Ðà sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Ðức Sơn Vương Phật. Vậy là hiện nay Ngài là một vị Bồ Tát ở Tây phương, mà tại sao đi dạo trong khắp cõi Ta Bà thế giới này?". Chúng ta nương ở trên thế giới này, gọi là thế giới Ta Bà. Ta Bà là tiếng Ấn Ðộ. Người Tàu dịch là kham nhẫn. Là nói chúng sanh kham năng nhẫn chịu tất cả ngũ trược ác thế, ba khổ, tám khổ, tất cả khổ não. Lại thêm sống say chết mộng, đem khổ làm vui, chẳng tự giác ngộ, chẳng muốn giải thoát sanh tử. Cho nên gọi là thế giới Ta Bà.

Phật pháp cốt muốn chỉ dạy cho chúng sanh thấu rõ các khổ não, sanh, lão, bệnh, tử để xé cái bọc vô minh mê mờ của chúng sanh. Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đi dạo trong thế giới Ta Bà rốt ráo nói những pháp gì ư? Dùng pháp phương tiện và việc giáo hóa chúng sanh như thế nào? Quán Thế Âm Bồ Tát đến thế giới Ta Bà là đến mà chẳng đến. Vì Quán Thế Âm ở Cực lạc thế giới thật chưa từng động, như ánh sáng mặt trăng trên trời, còn Quán Thế Âm ở thế giới Ta Bà như trăng nước ngàn sông. Có thần thông biến hóa trăm ngàn vạn ức hóa thân, mà bất động bổn tế, vẫn đi dạo trong cõi Ta Bà, gọi là Thân luân giáo hóa bất khả tư nghì. Quán Thế Âm Bồ Tát vì chúng sanh, vô thuyết mà thuyết, Ðại, Tiểu, Quyền, Thiệt, Thiên, Viên các phương pháp Pháp môn, gọi là Khẩu luân giáo hóa bất khả tư nghì. Tùy căn cơ ứng biến, gặp cơ duyên hóa hiện. Bởi tài năng thi thiết giáo pháp, như đối với các chứng bệnh mà kê đơn cho thuốc, nên dùng phương pháp nào mới được tiện nghi, tức dùng ngay phương pháp ấy mà hiện thân thuyết pháp. Gọi là Ý luân giáo hóa bất khả tư nghì.

Quán Thế Âm Bồ Tát như vị Ðại Y Vương. Chúng sanh đều có thói quen, quyết phải nhân nơi tiện nghi mà lập ra phương pháp mới có thể trị trừ được chứng bệnh của thói quen kia. Tóm lại mà nói, gọi là ba Luân giáo hóa bất khả tư nghì. Luân có nghĩa là cái bánh xe, có khả năng lăn chạy làm lợi ích cho người và vật. Ở nơi chúng sanh thì gọi là ba nghiệp, mà nơi Quán Thế Âm Bồ Tát thời là ba Luân cũng gọi là ba Mật. Hoặc hiện Phật, hoặc hiện Bồ Tát, hoặc hiện Tỳ Kheo, hiện nữ nhân... Do tam luân thân, khẩu, ý đến giáo hóa chúng sanh có thiên sai vạn biệt. Như một tấm gương lớn trong sáng, bản thể nó vốn thanh tịnh, vốn không có một vật gì cả, nhưng tùy sở dụng mà hiện ra vậy.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM