PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (tt)

Thuở xưa, ở Quý Châu thuộc huyện Tu Văn, nơi động Bạch Sơn, có một mỏ thủy ngân chảy ra. Người làng tụ đến trong động để lấy nước thủy ngân. Về sau họ bèn lập nhà cửa ở luôn tại đấy chừng hơn hai trăm gia đình. Cách động hơn vài dặm, lại có khe nước, nước cạn mà trong mát, rất tốt. Một hôm có một cô gái dung nhan rất xinh đẹp, trần truồng lội tắm trong khe. Người làng, sẵn tánh hiếu kỳ, khi hay biết thế, tất cả bà con nam nữ, lão ấu, lớn nhỏ cả hơn hai trăm gia đình đều ào ra, tranh nhau dành xem tận mặt cô gái kỳ lạ kia mới chịu. Lúc đó tại nơi họ ở, một gộp đá vĩ đại ở trên đỉnh động, bỗng thình lình sập nhào xuống. Dân cư nhờ xem cô gái tắm mà tự nhiên đều thoát nạn đá đè. Khi gộp đá sụp xong, dân chúng chẳng còn thấy cô gái trần truồng tắm nữa. Lúc bấy giờ họ mới đoán biết là Ðức Quán Thế Âm biến hiện mỹ nữ để làm kế cứu nạn cho họ. Dân chúng ở đấy thật nhờ thiện căn cảm động được như vậy. Sau ba năm có một người đến chỗ gộp đá sập ấy tìm cây cỏ thuốc. Từ trong kẻ đá có tiếng vọng ra: "Cứu tôi với!". Người hái thuốc nhận ra tiếng người, mới dám hỏi y. Ðược biết trước đây ba năm, khi tảng đá sập, y bị kẹt tại đây. Khi người làng được tin ấy, mới xúm nhau chạy đến cứu ra. Họ mới biết trước đây ba năm, khi dân chúng cùng nhau chạy đi xem mỹ nữ trần truồng tắm, thì riêng chỉ một mình y ở lại nhà tại trong động, nên mới bị nạn này. Bởi nhờ những tảng đá to sập xuống chồng chất lên nhau, nên mới có kẻ trống và y khỏi bị đá đè chết, nhưng cũng chẳng có cách nào ra được. Ðến lúc bụng đói, y chẳng biết làm sao. Nhân nhờ nhớ lại liền niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, chợt thấy có một con chuột trắng, đôi mắt nó sáng như điện, soi sáng trên một tảng đá lớn có chữ đủ toàn Phẩm Phổ Môn. Con chuột bèn lấy lưỡi liếm ăn những chữ trên tảng đá ấy, y cũng bắt chước ngày ngày cũng liếm ăn chữ như chuột, thời chẳng cảm thấy nghe đói khát gì hết. Hãy còn thừa lại hai ba hàng chữ chưa liếm ăn tới. Sau khi bà con nghe y thuật lại như thế, họ liền đến chỗ y bị kẹt cạy đá ra, xem thấy quả thật chỉ còn thừa lại hai ba hàng chữ. Phẩm Phổ Môn tức là Phẩm kinh đang giảng hôm nay đây. Ðấy là từ bi phương tiện hiện các thứ thân mà thuyết các Pháp môn đều là bất khả tư nghì vậy.

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: "Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì chúng sanh đó mà nói Pháp".

Từ đây trở xuống chính là giảng 32 ứng hóa thân của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Thân thể chúng ta có tri có giác là hữu tình, gọi là Chánh báo. Sơn hà đại địa, thế giới quốc độ, áo mặc đồ dùng là vô tình, gọi là Y báo. Chánh báo nương quốc độ và các thứ Y báo mà được tồn tại. Y báo cũng nương theo Chánh báo mà có. Chánh báo có phước thời Y báo được đầy đủ. Ngược lại, Chánh báo chẳng có phước, đương nhiên Y báo cũng xấu xa hèn kém. Chánh báo của chúng sanh có phân biệt ra mười cõi. Y báo quốc độ bởi đấy nên cũng có chia ra nhiều vô lượng. Tựu trung có thể chia ra làm bốn thứ:

1.- Cõi Phàm Thánh đồng cư: tức là chỗ nương ở của sáu phàm hữu lậu ngũ ấm chúng sanh. Như chúng ta ở cõi Ta Bà thế giới, tuy là chỗ ở sáu đạo hữu lậu chúng sanh, nhưng như núi Phổ Ðà là chốn đạo tràng của Ðức Quán Thế Âm, núi Nga My là đạo tràng của Ðức Phổ Hiền Bồ Tát, núi Ngũ Ðài là đạo tràng của Ðức Văn Thù, núi Cửu Hoa lại là thánh địa của Ðức Ðịa Tạng Bồ Tát. Tuy là nơi chốn của phàm phu nương ở, nhưng đồng thời cũng là chỗ ứng hóa của bốn vị Ðại Bồ Tát. Lại như hai núi Thiên Thai, Nhạn Ðảng đều là những chỗ ứng hóa của các vị La Hán. Lấy mắt của kẻ phàm phu mà nhìn, thì đấy bất quá chỉ là núi cao, chùa chiền thông thường mà thôi, chẳng có gì quý lắm, nhưng với trí nhãn của Thánh nhân thời đó là những thắng cảnh đặc biệt của các vị Bồ Tát, La Hán. Cho nên thế giới Y báo này, Phàm Thánh đồng cư, rồng rắn lẫn lộn. Chính như cõi trời Sắc Giới cũng có cung trời Ngũ bất hoàn tức là chỗ nương ở của Thánh nhân quả thứ ba là A Na Hàm. Cho nên gọi là cõi Phàm Thánh đồng cư vậy.

2.- Cõi Phương Tiện hữu dư: là chỗ ở của nhị thừa Thánh nhân, La Hán, Duyên Giác, gọi là Nhị thừa chúng sanh. Lại còn gọi là vô lậu ngũ ấm chúng sanh. La Hán lấy Khổ, Tập, Diệt, Ðạo bốn Ðế là cổ xe cởi đi. Duyên Giác lấy Vô Minh duyên Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, cho đến Sanh duyên Lão Tử, tất cả 12 duyên làm xe chở đi. Nhị thừa đã dứt được kiến tư phiền não, và đã ra khỏi tam giới là cõi đồng cư phân đoạn sanh tử. Cho nên thế giới Nhị thừa trang nghiêm thanh tịnh. Nhưng lại phương tiện đạo tức con đường phương tiện. Kinh gọi là thành đô biến hóa, hay hóa thành, là vậy. Nhân vì chỉ liễu được có một nửa phiền não sanh tử mà thôi, chứ chưa rốt ráo, lại còn dư thừa, nên gọi là cõi Phương Tiện hữu dư.

3.- Cõi Thật Báo trang nghiêm: là chỗ nương ở của các vị Bồ Tát đang phá vô minh. Dùng nhân chân thật cảm quả chân thật, đem nhân chân thật cảm báo chân thật. Sắc pháp, tâm pháp, y báo, chánh báo, đều trang nghiêm diệu hảo phi thường. Bởi vì Bồ Tát là Ðại Ðạo Tâm chúng sanh, phát tâm quảng đại độ thoát chúng sanh, chứa công nhóm đức và trồng hột giống Ðại phước nghiệp. Cho nên được tự tại, vô ngại. Nhỏ năng hóa lớn, ít năng hóa nhiều, chánh báo có thể làm y báo, ngược lại cũng vẫn được. Cho nên trong kinh nói: Trên đầu một mảy lông có thể hiện bảo vương sát hải, trong một hạt vi trần có thể chuyển Ðại Pháp Luân. Một lỗ chân lông có thể chứa hết cả nước của biển cả. Hạt cải đựng được cả núi Tu Di. Sắc, Tâm viên dung; Y, Chánh vô ngại. Ðấy đều là nhờ trong nhân Bồ Tát tu đủ lục độ vạn hạnh các món công đức mà được trang nghiêm. Cho nên gọi là cõi Thật Báo trang nghiêm. Từ trước đến đây là chín pháp giới của lục phàm tam thừa vậy.

4.- Cõi Thường Tịch Quang: là chỗ Phật nương ở. Phật là vô lượng chúng sanh. Bởi vì Phật đã rốt ráo hết sạch sanh tử, không ai trên hơn được, nên gọi Vô Thượng Tịch là Ðại Tịch Diệt Hải bất sanh bất diệt, yên lặng thường hằng, tức là Giải Thoát đức. Quang là Ðại quang minh tạng, thiêng liêng sáng suốt soi thông, tức là Bát Nhã đức. Thường tức là Tịch với Quang chẳng hai, suốt xưa suốt nay, đức là Pháp Thân đức. Mà gọi tên là cõi Thường Tịch Quang, tức là Mật tạng của ba Ðức ấy vậy. Ðến đấy mới thật là cõi rốt ráo. Ba cõi Ðồng Cư, Phương Tiện, Thật Báo là Sự. Duy chỉ có cõi Thường Tịch Quang là Lý.

Như quý vị đến giảng đường này nghe giảng kinh. Nếu phân biệt người trai kẻ gái, cái bàn chiếc ghế; và với trong khi nghe pháp, khởi tâm tư lường phân biệt, đấy tức là cõi Thánh Phàm đồng cư. Nếu nhất tâm nghe kinh, liễu đạt thấy không có một vật gì cả, chỉ là không cảnh hiện tiền. Chẳng phân biệt nam nữ, sắc tướng trong thính chúng này, tức là cảnh giới của cõi Phương Tiện hữu dư. Nếu trong đám ruộng tâm điền thanh tịnh trang nghiêm, phát quảng đại từ bi tâm, hy vọng mọi người đều được lợi ích thù thắng. Xem thấy giảng đường trang nghiêm diệu hảo, tức là chỗ tuyển Phật đạo tràng, đủ sanh lòng kính mong. Ðấy tức là cảnh giới trang nghiêm của cõi Thật Báo. Nếu đem tâm bình đẳng bất nhị, đến nghe hiểu kinh pháp. Năng, Sở chẳng hai; Y, Chánh chẳng hai; Tự, Tha chẳng hai; Sắc, Tâm chẳng hai. Nhất tâm thanh tịnh, khoáng thoát không dính vào đâu. Ðấy là cảnh giới của cõi Thường Tịch Quang vậy. Cùng là một cái giảng đường, với kẻ trí thấy trọn vẹn là trí, mà kẻ nhân thấy hoàn toàn là nhân. Như khi Ðức Phật thị tịch tại song lâm, mọi người đều thấy có bốn cái khác nhau chẳng đồng, tức là những lẽ đấy vậy.

Quán Thế Âm Bồ Tát, quán thấy những chúng sanh quốc độ nào, có những cơ cảm gì, nên dùng những loại thân nào cho tương đương tương xứng tức thì hiện thân ấy mà thuyết Pháp. Như có một loại chúng sanh, căn cơ thành Phật đã thành thục, một khi được thấy tướng Phật, liền được thành tựu độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền tùy cơ duyên ấy hiện thân Phật để thuyết Pháp môn thành Phật ngay, khiến đoạn hoặc chứng chân là được giải thoát. Thân Phật có 32 tướng. Trên đỉnh đầu có tướng vô kiến đỉnh, chặng giữa hai hàng lông mày có tướng bạch hào, như là Hào tưởng của Phật Thích Ca, dài hơn một trượng, chừng bằng ống kính nhỏ, trong ngoài suốt thấu, năng tung ra năng cuốn lại. Trước ngực có chữ Vạn. Dưới chân có Thiên bức luân. Lại có 80 vẻ đẹp tùy hình. Hiện thân là Thân luân. Thuyết pháp là Khẩu luân. Nên dùng thân nào hay pháp gì tức là Ý luân. Quán Thế Âm Bồ Tát, trước đã thành Phật, sớm thành tam mật tướng hải rồi. Mà thị hiện hiện Phật tướng tức là thị hiện bổn lai diện mục vậy. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện ra tam luân, thật chẳng có thể đem tâm khẩu nghĩ bàn được vậy.

Nhưng phải biết Pháp thân Quán Thế Âm vốn là vô tướng. Kinh nói: Pháp thân khắp tất cả mọi chỗ. Cũng không vì hình tướng mà khác được. Nhưng vì độ chúng sanh nên thị hiện Phật tướng. Kinh gọi: Vô tướng mà phải có tướng. Kỳ thật, Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Kinh Kim Cang nói:

            Nếu do sắc thấy Ta,

            Nơi tiếng tăm tìm Ta.

            Người ấy hành tà đạo,

            Chẳng thể thấy Như Lai.

Là đây vậy. Nhưng không sanh, không chẳng sanh, không tướng, không chẳng tướng. Do đó nên tùy cơ hiện Phật tướng cũng là việc phải làm vậy. Cho nên phải nói thêm như thế này: Nếu chẳng do sắc thấy Ta, chẳng nơi tiếng tăm tìm Ta, người ấy hành tà đạo, chẳng bao giờ thấy Ta. Vì khám phá ra lối chấp Không lưu tệ không ít, cho nên phải chuyển ngữ mới cứu vãn được vậy.

Thị hiện Phật tướng có bốn giáo nghĩa chẳng đồng:

a.- Tạng giáo Phật: Là Liệt ứng thân Phật. Cỏ tươi làm tòa ngồi dưới bóng cội Bồ đề. Thân chỉ có một trượng sáu thước. Tướng lão Tỳ kheo già, hoặc thấy cao tám thước. Nhãn quang của những kẻ phàm phu ngắn, tâm lượng nhỏ hẹp, cho nên chỉ thấy có một trượng sáu hay tám thước mà thôi.

b.- Thông giáo Phật: Là gồm Liệt thắng ứng thân Phật. Hoặc khi hiện một trượng sáu thước, hoặc hiện lớn như núi Tu Di. Năng đại năng tiểu. Nhân vì những người tu bên Thông giáo, căn tánh dung thông, tâm lượng khá lớn. Nhưng cũng có những người liệt căn nên vẫn thấy thân nhỏ.

c.- Biệt giáo Phật: Là Viên mãn báo thân. Thân Lô Xá Na Phật cao một ngàn trượng. Những người có căn tánh Bồ Tát, năng phát tâm quảng đại mới thấy được Viên mãn báo thân này. Như khi Ðức Phật Thích Ca đối với Bồ Tát thuyết kinh Hoa Nghiêm mới hiện ra thân này vậy.

d.- Viên giáo Phật: Tức là Thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Là Ðại đạo tâm chúng sanh có lợi căn thành Phật mới thấy được. Pháp thân lấy hư không làm tòa, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới.

Tạng giáo Phật, Thông giáo Phật, lấy Chân Không làm thể, gọi là Ứng hóa Phật. Biệt giáo Phật, lấy Diệu Hữu làm thể, gọi là Báo thân Phật. Viên giáo Phật, lấy Trung đạo làm thể, gọi là Pháp thân Phật. Phật vốn không có phân biệt bốn tướng của bốn giáo, nhưng vì căn cơ của chúng sanh có lanh, chậm, lớn, nhỏ, cho nên chỗ thấy biết chẳng đồng đó thôi. Ba thân của Phật, hãy lấy mặt trăng là thí dụ cho dễ hiểu. Bản thể trăng là Pháp thân Phật. Ánh sáng trăng là Báo thân Phật. Trăng dưới nước là Ứng hóa Phật. Ánh trăng trong lòng nước, có lớn có nhỏ, dụ cho thân Phật có Liệt ứng thân và Thắng ứng thân. Ðấy là thị hiện thân Phật thứ nhất.

Người đáng dùng thân Duyên Giác đặng độ thoát, liền hiện thân Duyên Giác mà vì đó nói Pháp.

Ðây là thị hiện thân Duyên Giác, thứ hai. Dưới Phật vốn có Bồ Tát, mà vì Quán Thế Âm đã là hiện thân tướng Bồ Tát rồi nên không còn hiện thân Bồ Tát nữa. Duyên Giác ra đời có Phật gặp Phật nên được lãnh thọ giáo pháp do Phật dạy. Lại gọi là Ðộc Giác vì ra đời không có Phật gặp Phật, tự mình giác ngộ. Như nay Phật Thích Ca đã nhập diệt, Phật Di Lặc chưa ra đời. Sanh tại Phật tiền hoặc Phật hậu. Lại chẳng từng học nghe kinh pháp, riêng mình ở trong núi sâu rừng rậm, am tranh vách lá mà tỉnh tu Ðạo nghiệp. Xuân xem trăm hoa nở, Thu thấy lá vàng rơi. Nhân đấy ngộ biết thế gian vạn pháp từ duyên sanh, và do duyên diệt. Rồi cũng nhân đấy mà biết tự tánh không sanh cũng không diệt. Không thầy, tự thông mà khai ngộ, gọi là Ðộc giác. Như khi Phật còn tại thế. Ðương thời Phật nói giáo pháp 12 nhân duyên. Do nhân duyên sanh diệt, mà ngộ được lý bất sanh diệt chơn không, nên gọi là Duyên Giác.

Chúng ta sanh tử do nơi Vô Minh quá khứ. Vô minh tức ái phiền não. Do ái gây nghiệp Hành, cho nên Vô minh duyên Hành. Hai chi phần này là nhân quá khứ. Do nghiệp Hành nên có nghiệp Thức đi đầu thai là Hành duyên Thức. Do đây nên mới có Danh sắc trong mẫu thai. Lục nhập danh sắc, tức là sắc tâm trong bào thai. Lục nhập tức lục căn. Ðây là Thức duyên Danh Sắc. Danh sắc duyên Lục Nhập. Sáu căn đã đầy đủ, mười tháng mãn thai mới có xúc. Nhân lúc ra thai mới có cảm xúc lạnh nóng. Cho đến lúc sáu căn cảm xúc sáu trần. Lại nhân có sáu món xúc giác, sanh sáu lãnh thọ. Ðây là Lục nhập duyên Xúc. Xúc duyên Thọ. Từ Thức đến Thọ năm chi này là quả hiện tại. Do Thọ mà sanh Ái dục, khởi ra chấp lấy, đây tức là Thọ duyên Ái. Ái duyên Thủ. Ái tức vô minh quá khứ. Do Ái với Thủ mà gây ra nghiệp, chắc chắn có nghiệp báo, tức Thủ duyên Hữu. Ba chi phần Ái, Thủ, Hữu này là nhân hiện tại, cảm Sanh ra đời sau hai chi là Lão và Tử tức là quả. Kinh nói: Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Tử. Vậy là biết chúng sanh bị sanh tử luân hồi là do nơi quá khứ Vô minh phiền não mà có.

Vô minh tức ái tâm hiện tại. Ái là cội gốc của sanh tử, nên muốn giải thoát sanh tử quyết phải đoạn dứt Ái. Cho nên mới nói: Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà. Nếu quả thật dứt được Ái tâm thời Vô minh cũng diệt. Vô minh diệt là Hành diệt theo. Hành diệt là Thức cũng diệt luôn. Cho nên Sanh, Lão, Tử chẳng do đâu mà có thể tồn tại được nữa. Như thế suy xét cho cùng cực, thuận sanh 12 nhân duyên, mà cùng tột đến ngược vòng lại cũng phải tiêu diệt 12 cái báo đời đó mới xong, đó là muốn xong sanh tử. Vậy khi biết duyên sanh duyên diệt, tức giác ngộ được lý chơn không bất sanh bất diệt, gọi là Duyên Giác. Quả Duyên Giác này cao hơn quả La Hán, vì A La Hán chỉ dứt được chánh sử kiến tư phiền não. Mà Duyên Giác kiêm dứt tập khí kiến tư phiền não. Mê lý khởi phân biệt là Kiến, đối với cảnh sanh thương ghét là Tư, tức là sai lầm do thấy và nghĩ. A La Hán chỉ mới dứt được chánh sử. Chánh là như cái bình đựng rượu; rượu tuy đã rót hết, mà hơi rượu vẫn còn. Cho nên A La Hán còn hơi hám. Duyên Giác chẳng những đã đổ hết rượu, lại còn đem chiếc bình ngâm rửa để tẩy trừ hơi rượu. Nhưng cũng chẳng sạch hết được. Bất quá là chỉ tạm cao hơn quả vị A La Hán mà thôi.

Quán Thế Âm Bồ Tát, quán sát loại chúng sanh này, nên dùng thân Duyên Giác mà độ được, bèn thị hiện thân ấy đối với họ thuyết Pháp môn sanh diệt nhân duyên và bất sanh diệt, để cho liễu thoát được sanh tử, ra khỏi luân hồi.

Người đáng dùng thân Thanh Văn đặng độ thoát, liền hiện thân Thanh Văn mà vì đó nói Pháp.

Ðây là thị hiện thân Thanh Văn, thứ ba. Thanh Văn tức là quả vị A La Hán. Do nghe âm thanh pháp Tứ Ðế mà được ngộ Ðạo, nên gọi là Thanh Văn. Tứ Ðế là gì? Tức là biết Khổ, dứt Tập, mộ Diệt. Khổ là quả khổ của ba cõi sáu đường sanh tử. Hai thứ này là nhân quả khổ của thế gian. Khổ do Tập nhân mà có Khổ quả. Nhất định phải dứt Tập nhân mới mong hết Khổ quả. Lại cần phải biết Khổ mới dứt được Tập. Cho nên "Biết Khổ" là cửa trước để tiến vào Ðạo.

Thuở xưa có một vị lão Tăng, thích tu hạnh đầu đà, nên ra đi phương xa để cầu sư tham học. Nhân lúc vừa đói bụng, mới đi khất thực vào trong một xóm có nhiều người nữ cư sĩ. Họ cũng là những người tu hành, mà không xuất gia. Các bà ấy, khi thấy vị lão Tăng đến họ mới nghĩ rằng vị Ðại đức này, chẳng mấy khi Ngài đến xóm làng ta, mà hôm nay Ngài quang lâm đến thật là hân hạnh cho chị em mình biết bao. Vì là nhất Tăng chí như nhất Phật lai. Liền đấy các bà hớn hở cùng nhau sốt sắng làm cơm chay thượng đẳng đặc biệt; đồng thời họ cũng trần thiết một pháp tọa và hương án đầy đủ hương hoa trầm trà quả trái rất là nghiêm trang. Khi đâu đấy xong, các bà tề chỉnh y phục, cung kính đảnh lễ và thỉnh lão Tăng lên pháp tọa để nhờ Ngài thuyết pháp khai thị cho chị em con chút pháp nhũ giúp cho đường lối tu hành. Nào ngờ đâu, lão Tăng này từ bé đến giờ chưa từng nghe Pháp đọc Kinh gì hết, mà giờ đây thì biết lấy cái gì mà khai thị cho ai. Ngài đăng đàn rồi, cứ ngồi yên, toát mồ hôi, xanh mặt tím tai, tâm thần vô cùng bối rối. Cuối cùng mới thốt ra lời tự than trách: "Khổ thay!". Rồi Ngài vẫn ngồi yên như một pho tượng mới vừa được khai quang điểm nhãn.

Từ nãy đến giờ các bà quỳ trước pháp tòa để đón nghe lời khai thị. Ngoài tiếng Khổ chẳng nghe Ngài ban lời gì nữa cả.

Nhưng thán khí của một tiếng Khổ bay ra trong cảnh bất giác bất tri có thần diệu phi thường khẩn thiết, nên đã lọt vào tai các bà nghe trọn vẹn. Do đấy các bà khởi nghĩ riêng thân phận của mọi người: Trước khi tu hành, lúc còn nhỏ dại chịu sự bó buộc của cha mẹ, khi lớn khôn đi lấy chồng, rồi sanh con nuôi cái, lo cho gia đình sanh sống, thiếu trước hụt sau, nhân tình thế thái lúc này lúc khác. Ðến nay tuổi đã chừng này, đầu bạc, răng long... đã từng nếm đủ mùi ngọt chua cay đắng, đã trải qua biết bao cảnh buồn vui vinh nhục... Ngày quá khứ, các bà nghĩ đến đâu là cảnh khổ nó dàn ra đến đấy đầy đủ rõ ràng nơi tâm trí. Chao ôi! Khổ ôi là khổ. Khổ biết bao. Nghĩ sao cho xiết. Về ngày tương lai, các bà lại thấy mù mù mịt mịt... Thân thể gia đình, sống còn chết mất... Ruộng dâu bãi bể nào ai dám bảo đảm cho ai được đâu! Nghĩ vậy, bất giác lòng bi ai nó hiện đến... Một bà khóc thút thít, rồi các bà khác tiếp theo ào lên khóc hu hu.

Lão Tăng chẳng hiểu mô tê ất giáp nguyên do vì sao mà các bà khóc đến thế? Ngài kinh hãi hoảng sợ, nhưng cũng chẳng làm sao mà thoát xuống pháp tòa cho được. Các bà suy nghĩ cảnh khổ đến cực độ, cho nên vong cảnh vong tình, bất ngờ các bà trọn vào Khổ đế thiền định tam muội. Bấy giờ quang cảnh im lặng như nhà không người. Lão Tăng ta mới có dịp, khẽ lén bước xuống pháp tòa, lanh lẹ nhặt chiếc bình bát lên vai, chẳng có lời từ biệt, đi thẳng một mạch luôn, chẳng dám nghĩ gì đến cơm nước cả. Vài phút sau, các bà mới lần lần tỉnh dậy, thì lão Tăng đã đi xa lắm rồi. Các bà ân hận chưa kịp cúng dường, và họ nói: "Chẳng biết ngày nào vị Ðại đức lại trở lại đây, đặng chúng mình cúng dường lên Ngài một bữa cho xứng đáng thỏa lòng, vì Ngài đã khai thị cho chị em chúng mình một chữ Khổ mà bọn mình thọ dụng chẳng biết bao giờ cho hết. Thật là quý hóa thay!"

Ðấy là biết Khổ. Còn biết bao chúng sanh hiện đang nhung nhúc lặn lội nổi chìm trong cơn biển khổ mênh mông không bờ bến, trọn đời mãn kiếp chịu khổ mà chẳng hề biết khổ. Trái lại đem khổ làm vui. Ðấy tức là có Khổ mà không có Ðế vậy. Chữ Ðế có nghĩa là chân thật chẳng hư dối. Nếu ai biết chân thật là Khổ, mới từ đó quyết tâm cần tìm xét căn nguyên của Khổ mà dứt cái Tập nhân. Nếu chẳng như thế, thì chẳng bao giờ dứt được phiền não Tập nhân, và Khổ quả trọn chẳng thể mất được.

Mà muốn dứt Tập nhân phiền não, quyết phải thực hành Ðạo đế là chân nhân xuất thế vậy. Ðạo là gì? Là Giới, Ðịnh, Huệ vậy. Như nhất tâm niệm Phật, ba nghiệp thanh tịnh, chẳng trì giới mà giới tự trì. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, yên yên lặng lặng vậy, tức là Ðịnh. Niệm được huệ chiếu hiện tiền, rõ rõ ràng ràng vậy, tức là Huệ. Tu hành Giới, Ðịnh, Huệ này, tức là Ðạo đấy. Mục đích để đối trị Tham, Sân, Si là tập nhân phiền não. Khổ nhân đã tiêu, thời khổ quả tự diệt, tức chứng được Diệu đế là chân quả xuất thế. Cho nên mộ Diệt thời phải tu Ðạo. Y theo bốn Ðế như thế, tu trọn là đoạn hoặc chứng nhân, gọi là A La Hán Thanh Văn.

Quán Thế Âm Bồ Tát quán sát đối với các loại chúng sanh, nên dùng thân Thanh Văn mà độ được, tức hiện thân Thanh Văn đối với họ mà thuyết pháp Thanh Văn Tứ Ðế, khiến họ được giải thoát. Từ trước đến đây, đã hiện ba ứng hóa thân, là hiện thân xuất thế thánh nhân. Pháp đã thuyết ra tuy đều có chẳng đồng, nhưng mục đích rốt ráo, không đâu chẳng phải vì muốn đạt đến Diệu Pháp thành Phật quả vậy.

Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói Pháp.

Cung Trời Sắc giới có vị Ðại Phạm Thiên Vương, quản lãnh đại thiên thế giới, không còn ái dục, sắc thân thanh tịnh, nên gọi là Phạm Thiên. Mà xưng là Phạm Vương là chẳng những đoạn dục lìa ái, tu ngũ giới thập thiện đầy đủ, được định lực Sơ thiền, mà còn tu Từ Bi Hỷ Xả bốn món Vô lượng tâm nữa. Như muốn sáng lập làm tất cả sự nghiệp từ thiện xã hội cho dân chúng để mưu cầu hạnh phúc cho điều vui cho chúng sanh, đấy là Từ. Vớt khổ cho chúng sanh là Bi. Mà phát tâm vui mừng là Hỷ. Ðối với ba tâm Từ, Bi, Hỷ này Phạm Vương làm xong Xả mà đi, nhất tâm vào Ðịnh. Như thế là tu bốn Vô lượng tâm, đủ đại phước huệ, mới được làm Ðại Phạm Thiên Vương. Nếu chỉ dứt Dục, tu Sơ thiền là Phạm Thiên Tử. Mà gồm tu Từ, Bi, Hỷ, Xả, tự lợi lợi tha là mới đến địa vị Phạm Vương. Quán Thế Âm Bồ Tát quán sát đối với loại chúng sanh này nên dùng thân Phạm Vương mới độ được, tức hiện thân Phạm Vương, thuyết pháp lìa ái dứt dục, từ tâm nhập Ðịnh pháp, khiến họ được giải thoát.

Người đáng dùng thân Ðế Thích đặng độ thoát, liền hiện thân Ðế Thích mà vì đó nói Pháp.

Ðế Thích, còn gọi là Thích Ðề Hoàn Nhân. Thế tục gọi là Ngọc Hoàng, Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Ðế, tức là Ðao Lợi Thiên Vương. Ðế Thích người Tàu dịch là Năng tác chủ, tức là vị Thiên chủ của 33 cung trời, như ta thường gọi là Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Thuở xưa ở chốn nhân gian này có một cô gái bần nữ, vào thời tượng Pháp của Ðức Phật Ca Diếp, trước Phật Thích Ca. Cô bần nữ này xem thấy pho tượng Phật Ca Diếp thếp vàng lâu năm nên vàng bị tróc rơi rụng, cô bèn nghĩ rằng nên làm công đức này cho tượng Phật được trang nghiêm. Tội nghiệp, cô sanh sống bằng nghề ăn mày, nên cô đi hành khất hàng ngày dành dụm được một ít tiền, đem mua vàng để thếp tượng Phật. Và cô lại thuê 32 người thợ đến làm việc sơn thếp. Sau khi công tác hoàn thành, những người thợ nhận thấy cô gái bần cùng mà làm một điều lành lớn lao, họ lấy làm kính phục và đều phát tâm cúng dường công sức, góp phần công đức với cô mà chẳng lấy tiền công. Nhờ nhân duyên này mà bọn thợ kia được làm 32 vị Thiên tử ở 32 cung trời, mà người bần nữ là vị Thiên chủ của 32 cung. Các cung trời này đều ở trên đỉnh núi Tu Di. Bốn phương đều có cung trời, trung ương có một cung tức là cung trời Ðế Thích ngự. Ðấy là cô gái nhờ công đức thếp vàng tượng Phật là một nhà hảo tâm từ thiện nên mới được làm vị ấy. Người đời thường nói tất cả mọi người được lên trời hay xuống đất đều bởi do một đấng thiêng liêng chi phối. Kỳ thật, những điều lành dữ của con người đều do người tự tác tự thọ. Thọ hay yểu, phúc hay họa, duy tự tâm vun trồng, đều do nghiệp nhân đời trước cảm rước lấy quả ngày nay, chứ chẳng phải ai có khả năng làm chủ cho ai được cả. Nếu tự mình chẳng thay cũ đổi mới lấy mình, mà chỉ một bề ỷ lại nơi đâu thời thật là một việc làm chẳng nên có.

Trời Thiên Ðế lấy một ngàn năm làm một tuổi thọ. Nhân gian một ngàn năm ở cung trời ấy là một ngày đêm. Tuổi thọ của người trời ấy so với người Tiên lâu dài hơn. Người ta nói các nhà tu Tiên đạo trường sanh bất tử. Kỳ thật sánh với đời sống của người thường có phần nào lâu hơn mà thôi. Nhưng Thiên Ðế và Tiên Ðạo đều chưa liễu sanh tử được. Tuy là cung điện các cung trời trang nghiêm, trải qua chừng vài ngàn vạn vạn năm sau vẫn bị đọa lạc như thường. Bởi vì hữu lậu phước báo. Một khi quả báo hết phải đọa lạc trở lại vào trong ác thú. Cho nên cầu sanh lên cõi trời trọn vẹn chẳng được lâu dài mấy. Kìa như các Hội: Tam Thời, Vô Vi, Tiên Thiên, Ðồng Thiện Xã tuy đều khuyên người cải ác hướng thiện, nhưng vẫn còn có chỗ sở chấp, vẫn là chẳng phải pháp môn liễu sanh tử. Cho nên các người tu hành quyết phải thật già dặn niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, qua một đời là thành Phật, hẳn chẳng trở lui, vì là pháp môn rốt ráo vậy. Quán Thế Âm Bồ Tát nhân vì nguyên do chúng sanh có tin Ðế Thích, nên chẳng ngại gì hiện thân Ðế Thích cho hợp với sở thích của chúng sanh. Nhiên hậu mới dẫn dắt dần dần vào Phật đạo. Cũng là làm phương tiện nhiếp thu dẫn dụ khiến họ được giải thoát.

Người đáng dùng thân Tự Tại Thiên đặng độ thoát, liền hiện thân Tự Tại Thiên mà vì đó nói Pháp.

Trước nói bốn cung trời Thiên Vương Thiên và Nhật cung, Nguyệt cung đồng ngang nhau ở trên nửa lưng núi Tu Di. Lại lên trên đỉnh núi Tu Di, là cung trời Ðao Lợi, đều là các cung trời còn nương ở nơi mặt đất. Lại lên trên nữa là có các cung trời: Dạ Ma, Ðẩu Xuất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại. Nói Tự Tại Thiên tức là Tha Hóa Tự Tại Thiên vậy. Trời này hay bắt các cung trời lân cận chung quanh đến hóa hiện làm nhạc sĩ đánh nhạc cho vui để tự mình hưởng thú vui thích, thu nhiếp họ làm của riêng cho mình, tự do vô ngại, nên mới gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Cũng tức là cung trời Ma Vương. Quán Thế Âm Bồ Tát, vì muốn giáo hóa loại Thiên Ma này, nên hiện thân Tự Tại Thiên mà nói pháp khiến họ được giải thoát.

Người đáng dùng thân Ðại Tự Tại Thiên đặng độ thoát, liền hiện thân Ðại Tự Tại Thiên mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Thiên Ðại Tướng Quân đặng độ thoát, liền hiện thân Thiên Ðại Tướng Quân mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ Sa Môn đặng độ thoát, liền hiện thân Tỳ Sa Môn mà vì đó nói Pháp.

Trên chót đỉnh trời Tứ Thiền là cung trời Ma Hê Thủ La, tức là Ðại Ma Vương Thiên. Trời này có tám tay, ba con mắt. Ma này lực lượng rất dữ tợn. Thiên Ðại Tướng Quân: Như Ngài Vi Ðà Thiên Tướng, nguyên là một vị Ðại Bồ Tát hóa hiện đến để làm Thần Hộ Pháp. Tỳ Sa Môn là Bắc phương Thiên Vương, một trong trời Tứ Thiên Vương. Ðông phương gọi là Trì Quốc Thiên Vương, Nam phương gọi là Tăng Trưởng Thiên Vương, Tây phương gọi là Quảng Mục Thiên Vương, Bắc phương gọi là Ða Văn Thiên Vương. Tỳ Sa Môn tức là Ða Văn Thiên Vương là thủ lãnh của Tứ Thiên Vương. Nói một, gồm cả ba kia là đủ vậy. Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc hiện Ðại Tự Tại Thiên, hoặc hiện Thiên Ðại Tướng Quân, hoặc hiện Tứ Thiên Vương. Hiện các thứ thân, không một thứ nào chẳng phải tùy loại thị hiện mà giáo hóa chúng sanh. Thường gọi là hiện thân đồng loại, dạy chỉ pháp tương đương với căn cơ mà giáo hóa vậy. Xét cho rốt ráo đều quy về mục đích duy nhất là khiến cho chúng sanh được thành Phật. Từ trước đến đây đã giảng xong sáu thứ thị hiện ứng hóa thân của Thiên đạo.

Người đáng dùng thân Tiểu Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Trưởng Giả đặng độ thoát, liền hiện thân Trưởng Giả mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Cư Sĩ đặng độ thoát, liền hiện thân Cư Sĩ mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Tể Quan đặng độ thoát, liền hiện thân Tể Quan mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Bà La Môn đặng độ thoát, liền hiện thân Bà La Môn mà vì đó nói Pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đặng độ thoát, liền hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di mà vì đó nói Pháp.

Ðoạn kinh này giảng về sự thị hiện thân Nhân đạo. Trong nhân gian có Quốc Vương, Trưởng Giả, có Tể Quan bách tánh. Tiểu Vương là Quốc vương thế gian. Chuyển Luân Thánh Vương xưng là Ðại vương. Bình thường ông vua một nước đều xưng là Tiểu vương, như Tổng Thống ngày nay, hoặc trong chế độ dân chủ là Chủ Tịch... đều là giàu có bốn biển, ngồi mà nắm lấy đại quyền của quốc gia, vì địa vị ấy rất cao sang vậy. Nếu thu nắm hết đại quyền mà biết đem Phật pháp giáo hóa cho trăm họ, trên làm dưới bắt chước, thời cả thiên hạ ai mà dám khinh lờn coi nhẹ, chắn chắn dễ dàng tuân hành tin chịu theo mệnh lệnh răm rắp vậy. Như thời nhà Ðường có Ðường Thế Tôn, nhà Nguyên có Nguyên Thế Tổ, nhà Lương có Lương Võ Ðế đều là những vị ấy. Hiện Tiểu vương là thân luân. Dạy tam cương, ngũ thường, thập thiện là khẩu luân. Soi cơ nên dùng phương tiện nào cho thích hợp mà thuyết pháp là ý luân. Ở trên đời có những người chẳng chịu tin Phật pháp, nên đem địa vị cao cả của Ðế vương, Tổng thống, Chủ tịch mà giáo hóa họ, họ mới khứng chịu tin theo. Nên Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng ngần ngại gì, tức hiện thân Tiểu vương đến thuyết pháp giáo hóa khiến họ được giải thoát.

Ðại phàm những người đạo cao đức trọng, thấy nhiều hiểu rộng, niên kỷ đức độ đều cao cả, mới được cả làng nước láng giềng, bè bạn họ hàng đều suy tôn sùng kính, đều gọi là Trưởng giả. Ông Trưởng giả ấy đã được mọi người tôn kính suy tùng, thời khi nói ra một lời là chắc chắn được nhiều người phục tùng. Nếu có chúng sanh nên dùng thân ấy mà độ được, Quán Thế Âm Bồ Tát tức khắc thị hiện thân Trưởng giả để khuyến dắt họ, cảm hóa họ và sau đó độ cho họ được giải thoát.

- Cư sĩ là người tại gia học Phật. Phật giáo Cư Sĩ Lâm tức là nơi chốn cư sĩ học Phật nhóm họp lại vậy. Như nhiều cây cối nhóm lại thành rừng, nên gọi là Cư Sĩ Lâm.

Những ai chẳng tham danh lợi, chẳng mộ phú quí, tự đam bạc giữ đời, liêm khiết an ẩn tự cư xử, sáng suốt hiểu biết lẽ đời để bảo thân, nhân cách cao thượng. Hoặc thọ Tam quy, hoặc trì Ngũ giới, thanh tịnh tự tu, chẳng bị phiền não trói buộc, kham chịu đựng mọi điều khó nhọc. Lấy ngay nơi tự thân nêu ra lẽ phải cho thiên hạ biết, đều được gọi là Cư sĩ. Hoặc có chúng sanh, nếu nói việc gì khác mà chẳng phải đạo nghĩa thời chẳng đủ cảm động tâm lý quần chúng; như quả đối chúng giảng đạo đức dạy nghĩa lý, tất được họ nghe theo. Quán Thế Âm Bồ Tát cũng chẳng phòng ngại thị hiện thân Cư sĩ để hoằng pháp lợi sanh, khiến chúng sanh được giải thoát.

- Tể, tức là Quan lại. Là bá quan đại thần, như Quận trưởng, Huyện trưởng, Ủy viên, Chủ tịch, Chuyên viên, Quan tòa, Thanh triều, Tướng quốc gọi là Tể tướng. Bá quan đại thần thống xưng là Quan, đều là những kẻ có sẵn quyền thế trong tay, chức chưởng quản lý tất cả dân chúng. Những hạng người này, nếu được họ hoằng dương Phật pháp, thời chắc có sự lợi ích lớn lao lắm. Nam Thông Từ Chuyên viên, ngày trước có ở bản Lâm này diễn giảng, ông đối với Phật pháp có nghiên cứu khá rộng rãi. Lại như Kim Huyện trưởng cũng là người có thâm tín Phật pháp. Kìa như các bạn Ðái Quý Ðào, Vu Hữu Nhậm, Cư Chánh, Trương Tỉnh Giang, Châu Tử Kiều, đều là được liệt vào hàng Tể Quan cả. Vì họ đều có thâm tín Phật pháp, có nhiều người dân nhờ đấy nên thượng hành, hạ bắt chước làm theo. Cứ như thế là khuyến hóa được hiệu lực rất lớn lao. Và lối phương tiện thị hiện này lại có dùng Tể quan để giáo hóa Tể quan nữa là khác. Lệ như các Trưởng quan bên ngành Quân chánh, vì những người quân nhân chỉ nghe theo mệnh lệnh của các cấp chỉ huy. Chớ chẳng phải những người dân tầm thường mà có thể giáo hóa họ được. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát tùy thuận cơ duyên của chúng sanh mà thị hiện làm thân Tể quan thuyết pháp để khuyến đạo cho mọi người được giải thoát.

- Bà La Môn là quý tộc ở Ấn Ðộ. Nước Tàu có Bách gia Chư tử. Ở Ấn Ðộ có tứ chủng tánh:

Sát Ðế Lợi chủng tánh: là hệ phái vua chúa quý tộc.

Bà La Môn chủng tánh: như Ðạo giáo ở Trung quốc. Chỉ tu hạnh thanh tịnh, chẳng muốn làm việc gì cả, chuyên ưa thanh nhã.

Tỳ xá chủng tánh: tức là bọn buôn bán đổi chác.

Thủ Ðà La chủng tánh: là hạng nông phu cày trồng và bọn tôi tớ.

Ấn Ðộ dùng hai dòng Sát Ðế Lợi và Bà La Môn làm tôn quý. Nếu có những người đi ở nơi núi cao hang thẳm, tu Tiên luyện Ðạo, như bản thân những vị Hòa thượng chẳng hạn, nếu đến họ mà thuyết pháp chắc là bị trở ngại, chổng chảng chẳng nghe nhau. Nếu thị hiện đồng loại bằng thân Bà La Môn, thuyết pháp đồng loại tương đương để dẫn dụ họ ngỏ hầu có thể giáo hóa thành công. Cho nên Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Bà La Môn mà thuyết pháp khiến họ được giải thoát.

- Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di là bốn chúng đệ tử của Phật giáo. Tỳ kheo là tiếng Ấn Ðộ. Trung quốc có ba ý nghĩa, cho nên dịch âm chẳng dịch nghĩa vì cả ba dịch không gọn:

1.- Khất sĩ: Ðồ đệ của Phật giáo nên mang bình bát đi khất thực thì tốt hơn. Như các nước Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan đều nhất luật y theo lời di giáo của Ðức Phật. Nhưng ở Trung quốc phong khí ấy chưa khai thác được. Cho nên chẳng thi hành chế độ này. Bên trong khất xin Phật pháp nuôi dưỡng huệ mạng, bên ngoài khất xin ăn uống nuôi dưỡng thọ mạng. Cho nên trong phạm vi bốn mươi dặm, có giảng kinh, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nhất định phải đi đến nghe giảng. Nếu như không có lý do chánh đáng mà chẳng đi nghe là chẳng cầu xin Phật pháp, tức là phạm giới, tức là chẳng biết thế nào mà dụng công tu hành, đâu đủ để thành tựu huệ mạng ư?

2.- Phá ác: Tỳ kheo nên phá hủy 10 điều ác. Nếu chẳng phá nổi ác đó, thì chỉ là kẻ tục nhân đầu láng lẫy chứ chẳng phải là Tăng nhân.

3.- Bố ma: Tỳ kheo năng khiến Ma sanh lòng khiếp sợ. Nhân vì thấy Tỳ kheo bước lên Ðàn Tỳ kheo để trải qua bốn phen thưa thỉnh, gạn hỏi rồi mới được lãnh thọ giới Tỳ kheo. Khi đó các vị Thần Hộ pháp đều đến ủng hộ giới đàn. Ðịa Hình Dạ Xoa báo cáo lên Không Hành Dạ Xoa. Cứ như thế truyền nhau lên đến trời Tứ Thiên Vương, trời Lục Dục, cho đến trời Ma vương. Thời bấy giờ trời Ma vương phát sanh lo sợ, bởi vì người đời làm ác đều là Ma con Ma cháu thuộc dòng họ của Ma chớ chẳng thể vượt khỏi ngoài phạm vi nó được vậy.

Nếu ai năng đầu đội trời chân đạp đất, lãnh thọ giới, giữ gìn giới, tu niệm Phật, giải quyết xong vấn đề sanh tử. Quay trở lại giáo hóa chúng sanh, xé quách phạm vi Ma vương, đạp đổ cung điện của Ma vương, làm cho chấn động cả hoàn vũ. Ðó mới là kẻ trượng phu xứng đáng phần nào vậy. Bởi vì cung điện và Ma vương đều ở trong tâm chúng sanh. Mà tâm bất chính là cùng với Ma vương tương thân tương thức tức là tiếp cận với nó. Nếu tâm chính trực và trau giồi sửa sang cho thành tựu kho tàng Ðại quang minh, thời cung điện của Ma vương bị lung lay và sụp đổ hoàn toàn. Cho nên vì thế mà Ma vương rất sanh lòng khiếp sợ.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM