PHỔ MÔN GIẢNG LỤC

Biên soạn và giảng giải:Pháp Sư Bảo Tịnh

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

PHỔ MÔN GIẢNG LỤC DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (tt)

Trong đời không có con người ngàn tuổi, ngôi nhà muôn năm. Tất cả đều sanh diệt đổi dời đâu có thật tại. Kinh dạy: Không những gì đã có. Nhưng Không mà bất Không là Diệu hữu. Trong Không ấy vốn có đủ tất cả các Pháp chứ chẳng phải là cái Không đoạn diệt. Cho nên cần phải mau mau tu thiện, tích đức, tổn mình lợi người, rộng độ chúng sanh. Ðấy tức là Diệu hữu quán.

- Sao gọi là Thanh tịnh quán? Người đời làm việc từ thiện, công đức, nếu hợp ý ta thì làm, mà trái lại là bỏ, thuận đưa đến vui thích, nghịch thì sinh ra giận dữ. Sẵn có tâm ý tốt, xấu, ưa, ghét, hoài tồn, tri kiến, nên, hư, được, mất. Chỉ biết thật có mà không biết bản thể vạn pháp vốn là không. Rồi đụng đâu cũng chấp đắm, nhiễm ô như mủ mít, chẳng chịu buông xả, gột rửa cho được trong sạch. Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát trọn ngày ở trong trần lao độ sanh, mà thật không có tướng trần lao. Tâm lợi sanh chẳng phải có mà có, có mà chẳng phải có. Như trăng dưới nước, như hoa giữa hư không. Không chấp đắm, không an trụ vào đâu cả. Cho nên tuy tích cực cứu đời vào cõi độ sanh, mà vẫn thanh tịnh không nhơ bẩn, như hoa sen vương khỏi đáy bùn và mặt nước vậy. Lại như câu: Dạo vườn hoa trăm thứ, thân chẳng động một cành. Nhưng là vô tâm giới vạn vật, ngại gì vạn vật thường danh vậy. Cho nên mới gọi là Thanh tịnh quán.

Chơn không quán là ra xuất thế, Thanh tịnh quán là nhập thế. Do xuất thế mà nhập thế là Chơn lợi nhân. Do nhập thế mà xuất thế là Chơn tự lợi. Chơn và Tịnh đều viên thông. Tức Không tức Có. Không và Có chẳng hai, là vào nơi Trung đạo. Mà Trung đạo quán trí chẳng dừng nơi hai bên Không và Có. Cho nên mới dạo khắp cả pháp giới, rộng lớn không gì chướng ngại, mới gọi là Trí huệ quán.

Tu Chơn không quán, phá được kiến tư phiền não, chứng được Bát nhã đức. Tu Diệu hữu Thanh tịnh quán, phá được trần sa phiền não, chứng được Giải thoát đức. Tu Quảng đại Trí huệ quán, phá được vô minh phiền não, chứng được Pháp thân đức. Ba pháp Quán này, cử một tức đủ ba, nói ba tức là một. Chẳng phải trước sau, chẳng phải chung riêng. Vì ba pháp Quán này là tuyệt đãi viên dung, tức là ý nghĩa chữ Quán của danh hiện Quán Thế Âm. Ðấy là ba pháp Quán tự lợi cũng tức là căn bản lợi tha vậy.

- Từ quán và Bi quán là hai quán lợi tha, mà cũng là tự lợi vậy. Quán Thế Âm Bồ Tát là Quán Thế Âm trong tâm chúng sanh. Vì Bồ Tát với chúng sanh đồng một thể chẳng hai. Cứu khổ chúng sanh tức là cứu khổ cho tự chính mình, khiến chúng sanh thoát ly khỏi tất cả các thống khổ ngũ trụ, nhị tử, giải trừ tất cả các tai nạn lục phàm, tam thừa. Không một hạng nào là chẳng phải nhiếp tha về tự, để làm việc cần thiết nơi thân mình. Cho nên gọi là Ðồng thể Ðại bi quán.

Từ, là khiến chúng sanh được vui Chơn không, vui Diệu hữu, cho đến vui Trung đạo vô thượng Niết bàn bất sanh bất diệt. Tịch diệt là Vui, và cái Vui vô thượng Bồ đề, bất cấu bất tịnh: Giác pháp lạc. Trọn ngày cho vui mà không có tướng cho vui. Không có Bồ Tát là Năng duyên, cũng không có chúng sanh là Sở duyên. Năng với Sở vốn là nhất tâm. Nên gọi là Vô duyên Ðại từ. Cho nên chúng ta thường nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi cứu vớt cho, thường mong Phổ Môn Ðại Sĩ Diệu Tướng Trang Nghiêm đảnh lễ ngưỡng trông cầu xin soi nhiếp.

            Sáng thanh tịnh không nhơ,

            Tuệ nhựt phá các tối.

            Hay tiêu tai khói lửa,

            Khắp soi sáng thế gian.

Quán Thế Âm Bồ Tát với ba quán Pháp trước đã đầy đủ, phá trừ tất cả phiền não được trong sạch, không còn nhơ bẩn nên gọi là không nhơ. Tâm chúng ta vốn là thanh tịnh, như gương sáng trong sạch không nhơ. Ðức Lục Tổ đã nói: "Xưa nay không một vật." Chỉ vì tham, sân, si ba độc nhơ bẩn ngăn ngại, như bụi bẩn làm lu mờ sự trong sáng của gương. Cũng vì thế mà chúng ta phải làm chúng sanh muôn đời. Quán Thế Âm Bồ Tát khi ban sơ cũng là phàm phu, nhờ dùng công phu tam quán, mới gột rửa nhơ bẩn để được trong sạch, suốt đến trong sạch rốt ráo là bất sanh bất diệt. Sạch cùng cực là sáng thông suốt. Hết nhơ liền hiện sáng. Nhờ đó trong ngoài sáng rực rỡ thấu suốt, nên gọi là Sáng thanh tịnh không nhơ. Sáng như thế tức là Ðại trí huệ quang. Huệ quang chiếu sáng, giống như ánh sáng mặt Nhựt giữa không trung có thể phá trừ tất cả màn đen tối. Chúng ta tuy sống ở dưới mặt Nhựt thanh thiên, nhưng tất cả đều mờ mịt bởi tự tâm ác liệt, nên cũng như đang ở trong thế giới đen tối mù mịt vậy. Nhưng ngày hôm nay, quý vị đến đây nghe kinh, hiểu rõ đạo lý, mở mang trí huệ, nhất tâm niệm Phật tức được tâm trong sáng, chuyển đổi thế giới đen tối, biến thành thế giới quang minh.

Bồ Tát dùng Chơn không quán, chứng Nhất thiết trí quang, đem phá tối tăm kiến tư phiền não cho chúng sanh. Dùng Thanh tịnh quán chứng Ðạo chủng trí quang, đem phá tối tăm trần sa phiền não cho chúng sanh. Dùng Quảng đại Trí huệ quán chứng Nhất thiết chủng trí quang, đem phá tối tăm vô minh phiền não cho chúng sanh. Cho nên gọi là phá các Tối. Phiền não tối tăm là nhân khổ của chúng sanh đã bị phá hết, thời tất cả các tai nạn là quả khổ cũng bị tiêu diệt theo, cho nên gọi là: Hay tiêu tai bảy nạn, tất cả gió, nước, lửa, binh, đạo, tai kiếp mênh mông và giặc cướp các nạn bị diệt trừ trong âm thầm vô hình.

Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát dùng Huệ nhật ba Quán pháp, ba Trí quang, phóng bủa Ðại quang minh soi khắp cả thế gian khiến chúng sanh lìa khổ được vui. Dùng Huệ nhật Nhất thiết Trí quang phóng bủa Chơn không quang minh, soi khắp cõi lục phàm Ðồng Cư thế gian; dùng Huệ nhật Ðạo chủng Trí quang phóng bủa Diệu hữu quang minh soi khắp cõi Nhị thừa Phương Tiện thế gian; dùng Huệ nhật Nhất thiết chủng Trí quang phóng bủa Trung đạo quang minh soi khắp cõi Bồ Tát Thật Báo thế gian. Cho nên gọi là Khắp soi sáng thế gian.

            Lòng Bi răn như sấm,

            Ý Từ diệu dường mây.

            Xối mưa pháp Cam lồ,

            Dứt trừ lửa phiền não.

Bốn câu nầy là khen ngợi ba Luân bất khả tư nghì của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu đầu, khen ngợi Thân luân là thể Pháp thân Ðại Từ Bi. Ðại Bi pháp thể do trì giới mà chứng được. Quán Thế Âm Bồ Tát mới dùng Ðại Từ Bi giới thể, thân luân hiện thông, thị hiện 32 ứng hóa thân, để hiển ra Ðại thần thông, làm kinh động cả cõi đại thiên thế giới như sấm sét để cảnh tỉnh những người mê mộng. Cho nên gọi là Lòng Bi răn như sấm.

Câu thứ hai là khen Ý luân. Dụng tâm của Bồ Tát, không đâu chẳng phải là lòng dạ Ðại Từ Ðại Bi để soi xét các cơ nghi, dùng các thứ phương tiện, với bản hoài là mong tất cả chúng sanh đều được lợi ích. Lối dụng ý thâm diệu như đám mây che khuất ánh nắng mặt trời, tiêu trừ cơn nóng bức để chúng sanh được mát mẻ. Cho nên gọi là Ý Từ diệu dường mây.

Hai câu ba và bốn là khen Khẩu luân. Cam lồ là thuốc trường sanh bất tử trên đời, chỉ cho Diệu pháp bất sanh bất diệt. Bồ Tát dùng khẩu luân thuyết pháp, pháp nào cũng đều thấm nhuần vào chúng sanh, tam thảo nhị mộc đều được tăng trưởng, diệt trừ được lửa phiền não, mới chứng được đất mát mẻ là Niết bàn bất sanh bất diệt vậy.

            Cãi kiện qua chỗ quan,

            Trong quân trận sợ sệt.

            Do sức niệm Quán Âm,

            Cừu oán đều lui tan.

Nếu gặp phải việc tranh chấp, kiện cáo mà đến quan nha nguy hiểm. Hoặc bị binh tai, chiến họa kinh khủng nguy nan, khi niệm danh Quán Âm thì tất cả oan gia đối đầu đều có thể lui tan. Như trường hợp của cư sĩ Phí Phạm Cửu ở huyện Bình Hồ này. Trước đây khi chiến cuộc đang diễn ra, lúc đó cư sĩ đang ở Thượng Hải phục vụ cho thương vụ ấn thư quán. Vì chiến cuộc quá ác liệt, nên một buổi sáng ông phải bỏ sở ra đi. Sau năm ngày, ông đến thôn Kiệm Ðức Tân, thì chiến cuộc lại lan dần đến đấy, và nơi đó lại là trung tâm của hỏa pháo. Khi đó ông quyết định đi sang tô giới để tránh khỏi chiến nạn. Nhưng ngặt nỗi vượt qua sông Tô Châu không được, vì quân lính bố phòng quá nghiêm mật. Ðang lúc Phi cư sĩ lưỡng lự chưa biết nên đi về hướng nào, thời có một em bé đến nói với ông rằng: "Cứ đi thẳng tới trước, đàng sau có người đang đuổi bắt ông". Nghe bảo thế, cư sĩ vội vàng dắt bà nhạc mẫu cùng vợ và đứa con, tất cả bốn người chạy nhanh tới phía trước, thời thấy hàng rào dây kẽm gai vừa mở trống chừng một người chui qua lọt. Cả gia đình vừa chạy qua xong liền gặp hai người lính ngoại quốc. Ðến lúc ấy, ông mới nhìn lại thì chẳng thấy em bé khi nảy đâu cả. Cả gia đình mới dìu dắt nhau đến ngụ ở xóm Nguyên Nguyên một thời gian, chiến sự mới chấm dứt. Lúc trở về bốn phía xóm nhà ông đều biến thành gạch vụn, duy có căn nhà của ông là còn nguyên vẹn mà thôi. Ðấy là nhờ Phí cư sĩ cùng toàn gia đã hằng ngày thành kính tu niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát mới được sự gia hộ bất khả tư nghì như vậy.

            Diệu âm Quán Thế Âm,

            Phạm âm, Hải Triều âm.

            Tiếng hơn thế gian kia,

            Cho nên thường phải niệm.

Phần trước nói Chơn quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại Trí huệ quán, Bi quán và Từ quán là giải thích chữ Quán của Quán Thế Âm. Ðến đây là giải thích chữ Âm. Do đấy hợp lại để giải thích lý do thành lập hồng danh Quán Âm Bồ Tát. Chữ Diệu là Diệu âm tức là ý nghĩa bất khả tư nghì. Tuy Bồ Tát đến đâu cũng vẫn tùy duyên giáo hóa, thi thiết Pháp âm quyền mưu phương tiện, nhưng tức nơi Quyền là Thiệt. Nguyên lai chẳng đổi dời, chẳng lay động. Cho nên là Tùy duyên mà thường Bất biến. Tức nơi Dụng là Thể, nên gọi là Diệu âm. Xét soi tất cả tiếng tăm của thế gian cầu cứu, tức là không cõi nào chẳng hiện thân để tìm tiếng tăm ấy đến mà cứu khổ chúng sanh. Trăng trời chẳng động mà cùng hiện khắp ngàn sông. Chẳng rời khỏi Bản hiệu mà khắp cửa cứu nạn cứu tai. Tức nơi Thật mà thi thiết Quyền mưu; bất biến mà vẫn tùy duyên, phát khởi các Diệu dụng, nên gọi là Quán Thế Âm. Diệu âm là Quán Thế Âm, bất biến thường tùy duyên; cũng có thể Quán Thế Âm là Diệu âm, tùy duyên tức bất biến.

Chữ Phạm có nghĩa là thanh tịnh, khiết bạch. Tiếng Quán Âm chẳng rơi vào không và hữu, không nhiễm ô hai bên. Bên trên là hợp lý với Trung đạo thật tướng với mười phương chư Phật, nên gọi là Phạm âm. Diệu âm Bồ Tát thuyết pháp phổ biến mà lại chẳng mất thời cơ nữa. Bên dưới thì mỗi lời nói là hợp với cơ duyên chúng sanh. Chúng sanh nào được nghe trọn Pháp âm thì không một ai mà chẳng vui sướng, như tiếng Hải triều vang khắp cả nhưng lại lui ra, chạy vào có thời khắc nhất định. Khi mà cơ duyên chúng sanh đã thành thục và thời đã đến là Bồ Tát hiện thân thuyết pháp hóa độ tức thì. Cơ nghi đã xong, thời ứng tích chẳng ẩn mà ẩn, nên gọi là Hải triều âm. Phạm âm, trên cầu Phật đạo; Hải triều âm, dưới hợp cơ nghi của chúng sanh. Cho nên vượt khỏi tất cả các tiếng thế gian là Ðồng Cư, Phương Tiện, Thật Báo. Bởi duyên cớ này nên chúng ta phải thường xuyên xưng niệm danh hiệu mới được lợi ích thật sự.

            Niệm niệm chớ sanh nghi,

            Quán Âm bậc Tịnh Thánh.

            Nơi khổ não nạn chết,

            Hay vì làm nương cậy.

            Ðủ tất cả công đức,

            Mắt lành trông chúng sanh.

            Biển phước lớn không lường,

            Cho nên phải đảnh lễ.

Chúng ta trì niệm Thánh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát tuyệt đối chẳng nên mống sanh một mảy may nghi ngờ. Nghi ngờ là chướng ngại lớn lao cho lòng tin, khó có được sự cảm ứng. Cho nên trong mỗi niệm đừng nên sanh tâm nghi ngờ, cứ thành tâm mà niệm đi thời được lợi lạc vô cùng. Vả lại, Quán Thế Âm Bồ Tát đã dứt hết phiền não, chẳng đồng như những vị Bồ Tát chưa dứt hết vô minh phiền não, cũng như chẳng đồng với La Hán chưa dứt hết được trần sa phiền não, huống là vô minh. Cho nên Quyền thừa Bồ Tát và La Hán tuy là Thánh nhân, nhưng là bậc Hiền trong Thánh. Chỉ có Quán Thế Âm Bồ Tát là Thánh trong bậc Thánh. Bởi vì ngũ trụ phiền não đã dứt rốt ráo, hai thứ chết đã tiêu vong hẳn, thanh tịnh rốt ráo nên gọi là Tịnh Thánh.

Phải biết rằng chúng ta hiện đang còn ở trong sanh tử khổ não, lúc gặp tai nạn nên nhất tâm bất loạn xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thời Bồ Tát sẽ là vị Từ Phụ cho chúng ta nương tựa, làm vị Từ Mẫu cho chúng ta cậy nhờ. Bởi vì Quán Thế Âm Bồ Tát đầy đủ tất cả các công đức nhiều vô lượng, đem con mắt Ðại Từ Bi bình đẳng xem tất cả đại chúng sanh không có sai khác, như cha mẹ thương yêu chăm lo con cái với tấm lòng vô bờ bến. Cho nên khi gặp đại nạn chúng ta phải tìm chỗ nương nhờ. Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã dồn công chứa đức, phước lớn như một đống ngọc báu, rộng như biển cả vô bờ. Vì những điều ấy, nên chúng sanh cần phải thành tâm lễ bái thờ phượng.

Bấy giờ Ngài Trì Ðịa Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát đạo nghiệp tự tại, phổ môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết người đó công đức chẳng ít".

Khi Ðức Phật nói kệ tụng vừa xong, có một vị Bồ Tát tên là Trì Ðịa, từ chỗ ngồi đứng dậy thưa Ðức Phật xin ngợi khen Phẩm Phổ Môn này, để chứng minh công đức. Ngài Trì Ðịa Bồ Tát, ở vô lượng kiếp về trước, là một con người khổ não, không học thức mấy, nhưng mà Ngài mang hoài bảo với tấm lòng giúp người rất tha thiết, khác hẳn với mọi người bình thường. Nên Ngài vui lòng làm những công việc từ thiện một cách vô tư lợi để giúp ích cho thế gian. Và có thể là tổn mình, lợi người Ngài vẫn làm đầy đủ với tấm lòng Bồ Tát. Nên Ngài phải chịu thiệt thòi về phần văn kinh thính pháp, đương nhiên là con đường lý trí Ngài vẫn còn lờ mờ. Phàm những điều gì mà ích vật lợi nhân bởi thiên tánh tự nhiên là ứng hợp với hành vi Bồ Tát. Sống mà đem sức mạnh của kẻ vũ phu, trọn ngày Ngài ở tại đầu cầu mé đường, đợi gặp những kẻ mang gánh nặng nề, thời Ngài ra sức mang thay gánh giúp cho họ qua khỏi cầu đường, hoặc gặp xe chở nặng nề khó đẩy lên dốc là Ngài nhất định giúp họ đẩy xe. Và Ngài chẳng nhận một thù lao nào hay lời cám ơn gì cả. Một điều Ngài thường xuyên làm nữa cũng đáng kể là nếu thấy khúc đường nào sụp lỡ, lồi lỏm, chỗ cao chỗ thấp là Ngài mang đất đến lấp bằng, và cầu cống bị hư hỏng là Ngài ra sức tu bổ lại chắc chắn. Nên thời bấy giờ thiên hạ gọi Ngài là Trì Ðịa tức ông gánh đất. Tuy Ngài đến đâu vẫn khổ tâm lo việc mình làm mình biết chẳng cần ai để ý, là dụng tâm hết sức lương thiện và cặm cụi làm như vậy đã lâu rồi, nhưng chưa hế thấy hiệu quả đến như thế nào?

Một hôm Ngài gặp Ðức Phật Kỳ Xá Phù đi ngang qua, liền cung kính lễ bái. Ðức Phật dạy: "Ngươi làm công việc ích, từ thiện giúp khắp mọi người, cố nhiên là việc làm tốt lành. Nhưng ngươi cứ một mặt trên vật chất mà làm là thành công chẳng tròn, chẳng biết muôn vật là duy Tâm. Ngươi phải biết thế giới đại địa là từ trong Tâm hiện ra. Ðất có cao thấp là do tâm bất bình. Cho nên nếu tâm người bình thì thế giới bình theo. Vì tâm là chủ nhân muôn vật, nhân bình thời quả mới bình, lẽ phải như thế. Cho nên muốn bình đại địa, trước tiên phải bình Tâm đã". Sau một hồi được Ðức Phật khai thị, Ngài Trì Ðịa Bồ Tát liền từ nơi sự việc đã làm mà vào quán lý. Và cứ như thế mà gắng công tu hành mới phá được vô minh chứng Pháp tánh, thành Ðại Bồ Tát.

Khi Ðức Thích Tôn giảng Phẩm Phổ Môn, thời Trì Ðịa Bồ Tát cũng được tham dự, khi nghe xong mới đứng dậy ra trước chúng hội chứng minh để thuật sự đắc ích của đại chúng rằng: Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh năng nghe Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn này, thời Bồ Tát đầy đủ sức tự tại tam nghiệp, không chướng không ngại năng khắp cửa tùy loại thị hiện Thần thông oai đức, thời người ấy được công đức nghe Pháp rất là rộng lớn mênh mông, chứ chẳng nhỏ nhen vậy".

Lúc Phật nói Phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm vô đẳng đẳng vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Ðức Phật Thích Ca giảng Phẩm Phổ Môn, đại chúng nghe giảng tại hội có bốn Chúng đệ tử, Trời, Rồng và tám bộ chúng cả thảy, số lượng quá nhiều chẳng thế kể xiết. Nội bên trong có tám muôn bốn ngàn chúng sanh. Mỗi mỗi người đều phát đại tâm. Luận về trong một tấm thân của một con người chúng ta đều có tám muôn bốn ngàn chúng sanh. Cho nên một người nghe kinh được lợi ích là tám muôn bốn ngàn chúng sanh ấy đều được lợi ích theo. Ðấy là cứ trên một cái thân mà nói, chứ tâm bao gồm cả thái hư, lượng khắp cả sa giới, mười phương pháp giới đều ở trong tâm. Cho nên người phát khởi Bồ đề tâm tức là cả pháp giới đều duyên đấy mà phát khời theo. Một cái động là động tất cả. Vì lẽ đó nên trong tự tâm ta có vô lượng đại chúng đều đã phát tâm rồi vậy.

Phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là phát tâm thành Phật. Hiện tiền chúng sanh có giác tri, nhưng là vọng giác vọng tri. Nếu giác ngộ được muôn pháp đều không, trọn không có gì, chẳng đắm nơi có gọi là chánh giác. Tuy Chánh giác rồi đấy, nhưng một bên chấp đắm là không, lại chẳng bình đẳng. Cho nên điều tiên quyết phải là đem tự tri mà tri cho kẻ vị tri, đem tiên giác mà giác cho kẻ hậu giác. Từ bi mà giác ngộ cho chúng sanh, tích cực mà cứu giúp cho đời. Ðược như thế, đã chẳng chênh lệch nơi ngoan không, lại cũng chẳng ngưng trệ về giả hữu, thời "Không và hữu" bình đẳng, gọi là chánh đẳng. Tự giác giác tha, hai giác này đều tròn đầy vượt lên trên tất cả các công đức khác, nên gọi là vô thượng.

Chánh giác là tự lợi, Chơn không là tiêu cực, xuất thế. Chánh đẳng là lợi tha, Diệu hữu là tích cực, nhập thế. Vô thượng là Tự với Tha chẳng hai, bình đẳng Nhất như. Dung thông cả xuất thế và nhập thế hội quy cả tiêu cực và tích cực, viên dung vô ngại, tức là Trung Ðạo, Không và Hữu bình đẳng bất nhị. Diệu hữu phi hữu là Chơn không. Chơn không bất không là Diệu hữu. Gọi đó là Phật tánh Viên tuyệt Diệu trung. Khi thành Phật tức là chứng Tánh này đây vậy. Người đời thường hay ngộ nhận, cho Phật giáo là Không môn, chẳng phải chơn nghĩa. Cần phải hiểu rõ hai nghĩa Không và Bất không: Chẳng chấp đắm nơi Không nên mới làm lợi tha, tức là Chánh đẳng. Và phải biết Hữu tức là Phi hữu, chẳng chấp đắm nơi Hữu mà sanh ích kỷ, mới được giác ngộ Chơn không, tức là Chánh giác. Như thế lìa Năng và Sở, tuyệt đối đãi, đây là Trung đạo bình đẳng bất nhị, tức là Vô thượng.

Ðược như vậy thời mới vượt lên trên tất cả phàm phu, La Hán, Bồ Tát, chẳng có thể ngang hàng với ba hạng trên, nên gọi là Vô đẳng, tức không ngang hàng. Không ngang mà ngang; ngang với tất cả: Một sắc một hương. Không một thứ nào chẳng phải là trung đạo, nên gọi là vô đẳng đẳng. Nghĩa là pháp ấy bình đẳng không có cao thấp.

Người người đều sẽ thành Phật, đều có thể ngang hàng với Tâm Bồ đề Vô đẳng này. Cho nên đời gọi là Ông Thuấn là người thế nào? Ta là người ra sao? Phải chăng có làm như ông ấy thời cũng là ngang hàng với các ông ấy vậy. Cho nên quý vị cần phát tâm quãng đại bồ đề. Chúng ta đã thấu rõ chân nghĩa Phật pháp, nếu chẳng phát tâm hành trì, thời như kể món ăn, hay đếm hộ tiền cho người khác, và như chiếc bánh vẽ chẳng lợi ích gì cho bụng đói. Rốt cuộc đến cùng, tự mình chẳng được một điểm thọ dụng nào cả.

Cho nên cứ mỗi buổi sáng tinh sương, khi mới thức dậy, liền niệm Quán Thế Âm Bồ Tát bảy tiếng. Ðấy là y theo giải mà khởi hành - mắt và chân đều có công dụng đồng thời. Hy vọng quý vị buông thả muôn duyên, chơn thật tiến tu, bỏ lìa tình nhiễm, và vượt khỏi sự thấy biết tầm thường, lão thiệt trì niệm, khắc kỳ mà chứng lấy, mong sao được sự lợi ích thù thắng. Ðược như vậy mới xứng đáng là Chơn Phật tử. Nguyện chư Phật tử cố gắng, xin đừng khinh thường mà bỏ qua cơ hội.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM