TIN TỨC & SỰ KIỆN
THIỀN TÔNG VIỆT NAM


       

LƯỢC TIỂU SỬ TAM TỔ TRÚC LÂM
THAY DIỄN VĂN
KHÁNH THÀNH TỔ ĐƯỜNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM


Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni,


Cung kính ngưỡng bạch Hòa thượng Ân sư,
Kính Bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni,
Kính thưa quí Đạo tràng Phật tử,
Kính thưa quí liệt vị,


Thiền viện Trúc Lâm từ ngày khai sơn cho đến nay đã được mười ba năm. Nương nơi uy đức và sự giáo dưỡng của Hòa thượng Ân sư, thiền viện mỗi ngày một đổi mới, tất cả đều tiến triển và ngày một trang nghiêm thanh tịnh. Hòa thượng Ân sư luôn mang hoài bão khôi phục Thiền tông đời Trần, ngài đã đem hết tâm huyết dẫn dạy cho Tăng Ni Phật tử tu thiền, đúng theo tinh thần của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nước Việt. Một dòng thiền hoàn toàn Việt Nam, nhưng vẫn mang dấu ấn Phật Tổ từ bao đời đến nay.


Mãi tới bây giờ mới đủ duyên, Hòa thượng cho khởi công xây dựng ngôi Tổ đường này với mục đích trước là có nơi thờ phụng chiêm bái Sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử, kế đến là để cho chư Tăng Ni tưởng nhớ tới ý chí tu hành lẫm liệt của các ngài, noi gương người xưa mà nỗ lực công phu cho xứng đáng với tâm nguyện của mình, xứng đáng với hoài bão giáo dưỡng của Ân sư.


Hôm nay ngôi Tổ đường đã được hoàn thành viên mãn, vâng lời Hòa thượng Ân sư, chúng con xin được thay nhọc Ngài, cúi đầu cẩn mình nhắc lại đôi nét hành trạng của Tam Tổ Trúc Lâm Việt Nam.
Ngưỡng bạch chư tôn thiền đức,
Cách đây hơn 700 năm, giống như thái tử Tất Đạt Đa, vua Trần Nhân Tông thấm thía nỗi khổ đau của con người, Ngài từ bỏ ngai vàng vào núi Yên Tử tu hành được ngộ đạo. Đức Phật và chư Tổ Trúc Lâm Yên Tử cùng một nguyện vọng, một tâm tư vì giải thoát sanh tử cho chính mình và độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân muôn kiếp nên đi tu. Ngót hai mươi năm Tổ Nhân Tông đi truyền bá Phật pháp khắp nơi, lập thành hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Nối pháp Ngài là Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang. Ba vị Tổ sư Việt Nam với tâm đức sáng ngời đã đưa dòng thiền Trúc Lâm đi vào lòng lịch sử Phật giáo Việt Nam với vầng hào quang tỏa rạng bất diệt. Đây là giá trị chân thật cũng là danh dự lớn lao của Phật giáo nước ta.

I. SƠ TỔ TRÚC LÂM - TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308):

Vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, sanh ngày 11-11 năm Mậu Ngọ (1258). Tuy ở địa vị sang cả, nhưng tâm Ngài hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Ngài cố từ để nhường lại cho em, mà vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu cho Ngài, tức là Khâm Từ Thái hậu sau này. Sống trong cảnh nhung lụa ấy mà Ngài vẫn thích đi tu. Một hôm Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử tu nhưng vua cha hay tin, sai các quan đi tìm, bất đắc dĩ Ngài phải trở về.
Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế. Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển và ngoại điển. Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông, tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.


Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, vua phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Ngài đã hai lần đánh đuổi quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia của mình.
Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia tu ở núi Yên Tử. Nơi đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà. Sau đó lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng tăng. Học chúng đua nhau đến tham học rất đông. Đến năm Giáp Thìn (1304), Ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ quỷ thần không chánh đáng), và dạy họ tu hành thập thiện.


Ngày 17-10 năm Mậu Thân, Ngài dừng nghỉ ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Tuyên Từ Hoàng thái hậu thỉnh Ngài vào am Bình Dương cúng trai. Ngài vui vẻ nói: Đây là bữa cúng dường rốt sau. Ngày 18, Ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn An Kỳ Sinh. Nghe nhức đầu, Ngài gọi hai vị Tỳ-kheo trong chùa bảo: Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà chân không thể leo nổi, phải làm sao? Hai vị Tỳ-kheo bạch: Hai đệ tử có thể giúp được. Đến am Ngọa Vân, Ngài tạ hai vị Tỳ-kheo rằng: Xuống núi tu hành đi, chớ xem thường việc sanh tử.


Ngày 19, Ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến gấp. Ngày 21, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Ngài trông thấy mỉm cười bảo: Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy nói mau.
Bảo Sát hỏi:
- Như khi Mã Tổ bệnh, Viện chủ hỏi: Những ngày gần đây Tôn đức thế nào? Mã Tổ bảo: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật. Nói thế ý chỉ làm sao?
Ngài lớn tiếng đáp:
- Ngũ đế tam hoàng là vật gì?
Bảo Sát lại hỏi:
- Chỉ như Hoa sum sê chừ gấm sum sê, tre đất nam chừ cây đất bắc, lại là sao?
Ngài đáp:
- Làm mù mắt ngươi.
Bảo Sát bèn thôi.
Suốt mấy hôm trời đất u ám, chim vượn kêu hót rất bi thảm.
Đến ngày 1-11, trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát bạch: Giờ Tý. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: Đến giờ ta đi. Bảo Sát hỏi: Tôn đức đi đến chỗ nào? Ngài nói kệ đáp:


ÂM:
Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền.


DỊCH:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi ấy vậy.


Bảo Sát hỏi:
- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?
Ngài liền nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:
- Chớ nói mớ.
Nói xong, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, vào niên hiệu Hưng Long thứ mười sáu (1308), thọ năm mươi mốt tuổi.
Ngài còn lưu lại những tác phẩm:
1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục
2. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập
3. Tăng-già Toái Sự
4. Thạch Thất Mị Ngữ, do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.
II. NHỊ TỔ PHÁP LOA (1284 - 1330)

Sư tên thật là Đồng Kiên Cương, sanh năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284) ngày mùng 7 tháng 5, quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Trước khi sanh Sư, thân mẫu nằm mộng thấy có người trao cho thanh thần kiếm, bà thích lắm nhận lấy. Từ đó, bà biết có thai. Khi sanh ra Sư, bà đặt tên là Kiên Cương. Sư thiên tư đỉnh ngộ, miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá.
Niên hiệu Hưng Long thứ hai (1304), Điều Ngự (Nhân Tông) dạo đi các nơi phá dâm từ và ban pháp dược, đến mạn sông Nam Sách, Sư đến lễ bái xin xuất gia. Điều Ngự trông thấy bằng lòng nói: Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây. Ngài bèn cho hiệu là Thiện Lai, dẫn về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn cạo tóc và cho thọ giới Sa-di. Năm này Sư được 21 tuổi.
Gặp lúc Điều Ngự thượng đường, Sư ra thưa hỏi liền được tỉnh. Điều Ngự nhận biết bèn cho Sư theo hầu hạ. Một hôm, Sư trình cả ba bài tụng, bị Điều Ngự chê cả ba. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, trông thấy bông đèn tàn rụng xuống. Sư chợt đại ngộ. Sư đem chỗ ngộ trình lên Điều Ngự. Ngài thầm nhận ấn khả. Từ đây, Sư thệ tu theo mười hai hạnh Đầu-đà. Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305), Sư thọ giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát. Thấy chỗ tham học của Sư đã thành đạt, Điều Ngự cho hiệu là Pháp Loa.
Năm Sư 24 tuổi, Điều Ngự trụ ở am Thiên Bảo Quan có bảy tám người thị giả mà Sư là đứng đầu. Điều Ngự vì Sư giảng Đại Huệ Ngữ Lục. Đến tháng năm, Điều Ngự lên ở am trên đảnh Ngọa Vân Phong. Ngày rằm làm lễ Bố-tát xong, Điều Ngự đuổi mọi người xuống, lấy y bát và viết tâm kệ trao cho Sư dạy khéo gìn giữ.
Năm Hưng Long thứ 16 (1308) vào ngày mùng 1 tháng giêng, Sư vâng lệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp Trụ trì tại nhà Cam Lồ chùa Siêu Loại, làm chủ sơn môn Yên Tử, là đời thứ hai của phái Trúc Lâm. Điều Ngự còn trao cho Sư hơn hai trăm bộ kinh sử và bảo Anh Tông sung cúng vào chùa cả trăm khoảnh ruộng.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Sư phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh. Năm Hưng Long thứ 21 (1313) vào tháng chín, Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang định chức cho tăng đồ. Chúng tăng từ đây mới có sổ bộ, chính Sư là người cầm sổ bộ ấy. Lúc đó, Sư độ hơn một ngàn vị tăng. Về sau cứ ba năm một lần độ tăng như thế.
Năm Đại Khánh thứ tư (1317) đời Trần Minh Tông, vào tháng hai, Sư bệnh nặng nên đem y của Điều Ngự và viết bài tâm kệ trao cho Huyền Quang, sau ít hôm bệnh được lành.
Năm đầu Khai Hựu (1329), đời Trần Hiến Tông, Sư mở thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn, làm thành danh lam thắng cảnh. Sư có làm bài thơ đề là Luyến Thanh Sơn:


Âm:
Sơ sấu cùng thu thủy
Sàm nham lạc chiếu trung
Ngang đầu khán bất tận
Lai lộ hựu trùng trùng.


Dịch:
Thưa gầy làn nước vút,
Chót vót ánh soi trong.
Ngẩng đầu coi chẳng hết,
Đường tới lại trùng trùng.


Năm Khai Hựu thứ hai (1330) ngày mùng 5 tháng 2, Sư phát bệnh trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện. Đến ngày mùng 1 tháng 3, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh và gọi Thái y đến trị cho Sư.
Đến tối mùng ba, bệnh Sư trở lại nặng.
Huyền Quang thưa:
- Xưa nay đến chỗ ấy, buông đi là tốt hay nắm lại là tốt?
Sư bảo:
- Thảy đều không can hệ.
Huyền Quang thưa:
- Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?
Sư bảo:
- Tùy xứ tát-bà-ha.
Đệ tử đồng đến thỉnh:
- Người xưa lúc sắp tịch đều có để kệ dạy đệ tử sao riêng Thầy không có?
Sư quở trách họ. Giây lâu bèn ngồi dậy bảo đem giấy viết lại. Sư viết một bài kệ:


Âm:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh man khoan.


Dịch:
Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.


Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Sư, đem nhục thể lên nhập tháp tại Thanh Mai Sơn. Đến ngày 11-03, Thái thượng hoàng ngự bút ban hiệu Sư là TỊNH TRÍ TÔN GIẢ, tháp tên VIÊN THÔNG, tặng mười lượng vàng để xây tháp và đề một bài thi vãn.
Những tác phẩm của Sư còn lưu truyền lại có:
- Đoạn sách lục.
- Tham thiền chỉ yếu
- Kim Cương đạo tràng đà-la-ni kinh.
- Tán Pháp Hoa kinh khoa số.
- Bát-nhã tâm kinh khoa.
- Và một bài kệ thị tịch…

III. TAM TỔ HUYỀN QUANG (1254 - 1334)

Sư tên Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành, mà ông không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức.
Thuở nhỏ Sư dung nhan kỳ lạ, ý chí xa vời, cha mẹ mến yêu dạy các học thuật. Sư học một biết mười, biện tài hiển Thánh. Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), đời vua Trần Thánh Tông, Sư thi đỗ Trạng nguyên, lúc ấy được 21 tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho Sư, nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả công chúa cho, Sư vẫn từ chối. Sư được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của Sư vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục.
Một hôm, Sư theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Sư chợt tỉnh ngộ duyên trước, tự than: Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà, đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới tây thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến? Sư mấy phen dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Nhà vua rất mến trọng Phật giáo nên sau cùng mới cho. Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Sư xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang.
Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Sư theo hầu Pháp Loa y theo lời phó chúc của Điều Ngự. Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Sư thường phụng chiếu đi giảng kinh dạy các nơi và tuyển Chư phẩm kinh, Công văn v.v… Những khoa giáo trong nhà thiền mỗi mỗi đều phải qua tay Sư cả.
Ngày rằm tháng giêng năm Quí Sửu (1313) Vua Anh Tông mời Sư về kinh ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Sư dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đây, lập ngôi chùa phía tây nhà Sư để hiệu là chùa Đại Bi.
Năm Đại Khánh thứ tư (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Điều Ngự và tâm kệ. Năm 1330, khi Tổ Pháp Loa tịch, Sư kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bấy giờ đã 77 tuổi. Tuy nhận trọng trách lãnh đạo Giáo hội, song vì già yếu nên Ngài ủy thác mọi việc cho Quốc sư An Tâm, trở về trụ trì ở Côn Sơn. Sư trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm. Kế sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Đến ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ 80 tuổi.
Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Những tác phẩm của Sư:
- Ngọc tiên tập
- Chư phẩm kinh
- Công văn tập
- Phổ Tuệ Ngữ Lục.

Ngưỡng bạch chư tôn thiền đức,


Chúng tôi vừa nêu đại lược về hành trạng Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử. Các Ngài là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo tu hành được giác ngộ viên mãn. Giờ này trước Tổ đường trang nghiêm thanh tịnh, chúng tôi xin nguyện vâng theo sự chỉ dạy của Hòa thượng Ân sư: Muốn cho đạo pháp trường tồn và sáng sủa nơi đời để mọi người noi theo, thì không gì hơn là Tăng Ni phải tu cho được sáng đạo. Có sáng đạo thì chánh pháp mới trường cửu. Chánh pháp có trường cửu thì Tăng Ni mới có thể phần nào đền đáp được ân sâu của Phật Tổ và đàn na tín thí.
Sau cùng chúng con kính nguyện từ lực chư Phật gia bị cho Hòa thượng Ân sư tứ đại nhu hòa, pháp thể an khang, trí tuệ viên mãn, Thầy sống lâu nơi đời để chúng con có nơi nương tựa, theo gót chân Thầy tu hành cho tới ngày viên mãn. Chúng tôi cũng không quên chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Tổ đường của chính quyền sở tại, cảm niệm công đức của chư huynh đệ, sự nhiệt tình của các anh em thợ, tấm lòng của quí Phật tử gần xa đã đồng tâm hiệp lực đóng góp công của vào Phật sự này, nên Tổ đường thiền viện Trúc Lâm mới có được thành tựu mỹ mãn như ngày hôm nay. Xin kính chúc toàn thể quí vị thân tâm thường lạc.


Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.