PHẦN 1
Người ta
thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này
thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia
Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập
trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn
nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi
muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng
Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các
Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học
với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự
đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi
tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ
Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là
3 năm:
1/ Phát Bồ Đề
Tâm Văn (của Ngài Thật Hiền).
2/ Kinh Di
Giáo.
3/ Kinh Pháp
Bảo Đàn.
4/ Kinh Kim
Cang.
5/ Kinh Lăng
Nghiêm.
6/ Kinh Thắng
Man.
7/ Kinh Pháp
Hoa.
8/ Duy Thức
Học (hay Thắng Pháp Tập Yếu Luận cũng được)
9/ Kinh Duy Ma
Cật.
Thứ tự không
cần theo đúng miễn là khi học xong 1 bộ kinh nào thì có một người đại diện
Chúng trình bày lại quá trình tu học như thế nào cho các Anh nghe. Hồi đó
muốn đến nhà nào buổi tối mà trên 3 người thì chủ nhà phải báo cho Công An
khu vực biết. Chúng tôi có tới 10 anh chị em, mỗi tuần học Phật pháp một
lần, vào tối thứ Năm, thay đổi địa điểm luôn để khỏi phải báo cáo. Chúng
tôi nghĩ rằng mình tu học thì cần gì phải báo cáo. Vả lại nếu mình báo
cáo, mấy ổng tới ngồi nghe có thể xảy ra nhiều cái nguy hiểm không lường
trước được. Ví dụ hồi anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ đi dự trại ở Phan Thiết,
ảnh nhắc lại câu nói của Đức Phật :"Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà
đi" vậy mà Công An Phan Thiết bắt ảnh bỏ tù mấy năm vì cho rằng ảnh xúi
giục thanh niên phản động. Họ nói mình chê ngọn đuốc của đảng Cộng Sản nên
mới tự thắp đuốc lên mà đi. Thật là một sự hiểu lầm tai hại và câu chuyện
giống như câu chuyện tiếu lâm nhưng mà đó là sự thật 100%. Do đó chúng tôi
rút kinh nghiệm là học Phật pháp không có gì phải báo cáo cả. Thế là anh
chị em chúng tôi cứ thay phiên nhau phụ trách chỗ tu học của Chúng mình.
Khi thì ở nhà anh A, khi thì nhà chị B, khi thì sân chùa Vạn Hạnh, Già
Lam....
Tôi vẫn nghĩ
rằng khi nào có dịp tôi sẽ viết lại những kỷ niệm về các buổi học này.
Giai đoạn sinh hoạt khó khăn của người Htr GĐPT nhưng cũng là giai đoạn
đáng nhớ nhất vì hình như trong gian khó nguy nan chúng ta cáng thương
yêu, hiểu biết nhau hơn, cũng như chia ngọt xẻ đắng với nhau trong mọi
lúc, có khi còn hơn cả tình ruột thịt. Có những buổi trưa nắng gắt, vài
anh chị em chúng tôi phải chạy qua Vạn Hạnh "cầu cứu" Thầy Chơn Thiện vì
"Duy Thức" quá khó, "tối nay phải học Duy Thức rồi mà bây giờ tụi con chưa
hiểu rõ về 30 bài tụng Thầy ơi". Thế là Thầy bỏ giấc ngủ trưa ra sức giảng
"Duy Thức tam thập tụng" ra tiếng Việt cho chúng tôi nắm bắt kịp. Chúng
tôi thật vất vả theo cho kịp những lời giảng của Thầy về sự "triển chuyển
của Nghiệp", mồ hôi nhễ nhại trong buổi trưa Hè cúp điện (nên không có
quạt). Ôi, những kỷ niệm thật tuyệt vời, về Thầy, về bạn, về các Anh Chị
..v..v...
Trở lại với
chuyện tu học của Chúng Cổ Pháp: chúng tôi lập ra 1 bản danh sách về sách
Phật pháp, kinh điển, rồi coi thử trong Chúng ai có bộ nào. Bộ nào cả
Chúng không ai có thì để mượn quý Thầy hay các Anh sau và sẽ học sau cùng.
Thật là may, gần như bộ kinh nào cũng có 2, 3 anh chị đều có. Kinh Pháp
Hoa thì hầu hết mọi người đều có và chỉ có kinh Thắng Man là mọi người đều
không có nhưng biết tên người có sách này nên tất cả đều thật là hoan hỷ.
Chúng tôi bắt
đầu bằng bộ kinh Pháp Hoa. Kinh gồm 28 phẩm, chúng tôi quyết định mỗi tuần
phải học xong một phẩm. Pháp Hoa nhiều bạn có cả kinh lẫn sách chú
giải..v...v... cụ thể như sách của các Thầy Thiện Hoa, Thanh Từ, Từ Thông,
Thông Bửu, Chơn Thiện, Trí Quảng, bác Tâm Minh Lê Đình Thám, cụ Chánh Trí
Mai Thọ Truyền...v..v... nên tương đối khi học kinh Pháp Hoa chúng tôi
không phải "khổ sở chạy đôn chạy đáo" như các bộ kinh khác (Thắng Man hay
Duy Thức chẳng hạn).
Khó khăn ban
đầu (và còn mãi về sau này) là khi gặp từ ngữ nào ít dùng, chúng tôi
thường dừng lại rất lâu, không ai nhường ai, mạnh ai nấy nói, nhất là khi
anh chị nào đã được đọc sách hay nghe quý Thấy giảng về chữ đó. Cuối cùng
chúng tôi cũng khắc phục được một phần nào là đưa ra một luật chung: bất
cứ bàn luận sôi nổi như thế nào cũng phải chấm dứt bàn luận trước giờ tan
lớp học là nửa giờ để mỗi người nói ra trước Chúng bài học mà mình đã nhận
được trong buổi học này, và đã áp dụng bài học ấy trong cuộc sống như thế
nào. Từ đó chúng tôi bớt tranh cãi về từ ngữ để hướng đến cốt tủy của câu
kinh mình vừa đọc. Tất nhiên ai nấy đều đọc trước ở nhà, đến lớp chỉ là để
được soi sáng thêm những chỗ mình còn thắc mắc. Đôi khi có anh chị đã nghe
quý Thầy giảng rồi hay nghe băng kinh rồi nhưng khi anh chị em bàn cãi,
thảo luận, mình vẫn được sáng thêm. Trong giai đoạn này câu nói "Tam ngu
thành hiền" tôi ngẫm nghĩ thấy thật thấm thía. Bây giờ xin đi vào những
bài học mà anh chị em chúng tôi đã thu lượm được sau khi học xong phẩm Tựa
của kinh Pháp Hoa.
Phẩm này chúng
tôi tranh cãi nhiều về cách xếp đặt các phẩm. Phẩm nào mới thêm vào sau,
phẩm nào đã có sẵn, lý do...v...v.... Sau đó mỗi người nói lên sự thu nhận
của mình như sau: (chúng tôi chỉ xin đưa ra những bài học không trùng nhau
thôi)
1/ Phẩm này
cho ta nhìn được thông suốt 2 phần: phần bản môn (chân lý muôn đời vượt
không gian và thời gian) và phần tích môn (lịch sử). Ví dụ khi nói Đức
Phật Thích Ca sắp nói kinh Pháp Hoa: đó là nói về 1 sự kiện lịch sử (Tích
môn); khi nói rằng Đức Phật đã giảng nói kinh này trong nhiều đời xa xưa
hay nói Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng đã từng giảng kinh Pháp Hoa
thì đó là bản môn (chân lý đã có tự muôn đời). Từ đó chúng ta có cái nhìn
rộng rãi hơn khi học kinh cũng như khi dạy Phật pháp cho các em: không
chấp thủ như trước đây. Ta dễ dàng giảng cho các em hiểu khi các em thắc
mắc đôi khi rất ngây thơ và ngây ngô "Phật là đàn ông hay đàn bà?", "Đức
Phật Thích Ca và Đức Phật A Di Đà ai lớn hơn?", "Sao nói Đức Phật Thích Ca
ra đời để đưa đạo Phật vào đời mà lại nói có nhiều Đức Phật đã ra đời
trước Đức Phật Thích Ca?" ...v...v..
2/ Học Pháp
Hoa ta thấy Đức Phật không nhập Niết Bàn, Phật còn ở ngay bên chúng ta.
Nếu ta đừng thấy sinh diệt thì tức là thấy Phật. Và chúng ta nhận ra được
"tính không thực có của thời gian và không gian".
3/ Ngôn ngữ
Pháp Hoa là ngôn ngữ biểu tượng. Do vậy, tên của các vị Bồ Tát, Thanh Văn,
các vị thái tử, vương tử ..v...v... đều có ý nghĩa đặc biệt, từ đây chúng
ta có thể hiểu được nhiều hơn về các "ẩn nghĩa" khi đọc các bản văn của
các tác giả Ấn ngày xưa, ví dụ như kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư chẳng hạn.
4/ Ý nghĩa tên
kinh: Diệu Pháp Liên Hoa thật là đúng là kỳ diệu. Những đức tính của Hoa
Sen thật là nhiều nhưng tôi tâm đắc nhất là "trong Nhân đã có sẵn Quả" của
nó. Học phẩm này tôi nhớ lời Phật dạy: khi đang phân vân không biết có nên
đem Phật pháp giảng cho chúng sanh hay không thì Ngài nhìn thấy một hồ
sen: hình ảnh những hoa sen đã trồi lên mặt nước, những cái còn là đà trên
mặt nước, có cái còn ở dưới nước ..v...v... làm cho Ngài nghĩ đến căn cơ
của chúng sinh cũng y như vậy. Chúng ta bây giờ cũng phải nhớ đến hình ảnh
này để biết các em của chúng ta cũng y như vậy, căn cơ khác nhau, trình độ
không đều, đòi hỏi chúng ta nhiều kiên nhẫn và sáng suốt trong việc giảng
dạy Phật pháp cho các em.
5/ Nguyên nhân
ra đời của mọi Đức Phật, trong quá khứ cũng vậy mà trong tương lai cũng
vậy, chỉ vì một đại sự nhân duyên là "Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri
kiến Phật". Đức Phật Thích Ca cũng vậy, Ngài thị hiện đản sanh ở cõi Ta Bà
này, ấy là Ngài cho ta thấy Ngài cũng là người, sinh ra từ loài người,
chịu khó tu tập và Ngài đã thành Phật. Vậy chúng ta, những con người trong
cõi Ta Bà này, rồi cũng sẽ thành Phật trong tương lai. Từ đó ta có niềm
tin ở Phật tánh trong ta và trong mọi người, ta có thể tự rèn luyện để một
ngày nào đó vị Phật trong ta có thể hiển lộ.
6/ Học Pháp
Hoa mới biết rõ nghĩa của mấy chữ như các bậc "Hữu học" và "Vô học". Không
phải như nghĩa thông thường của thế gian là "vô học = không có học, không
có giáo dục" đâu!. Vô học đây là những bậc không cần học với ai nữa cả,
còn gọi là học đã đạt đến "vô sư trí" nghĩa là trí tuệ của họ tự đầy đủ,
không cần phải học hỏi từ một bậc thầy nào nữa. Từ đây ta không bao giờ tự
hào là nếu mình biết Hán tự thì nhất định mình hiểu rõ được các từ ngữ
trong kinh. Ta phải luôn thận trọng trong việc học kinh điển và luôn nhắc
nhở mình bằng câu nói "Y kinh liễu nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự
tức tùng ma thuyết".
7/ Tại sao
Ngài Bồ tát Di Lặc lại phải hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi để giải mối nghi của
mình? Tại vì chỉ có thật trí (Ngài Văn Thù Sư Lợi là biểu tượng của trí
huệ Phật) mới hiểu biết được những hiện tượng lạ như đã tả trong kinh
(phẩm Tựa này) trước khi Phật giảng nói Pháp Hoa. Ngài Di Lặc trong một
kiếp trước rất xa xôi kia là Bồ tát Cầu Danh trong khi Ngài Văn Thù là Bồ
tát Diệu Quang là thầy của Bồ tát Cầu Danh và vô số các đệ tử khác. Bồ tát
Văn Thù đã từng trì tụng, giảng nói kinh Pháp Hoa cho chúng sanh trong 80
tiểu kiếp. Cầu Danh ham thích danh lợi, tuy cùng đọc tụng kinh nhưng chỉ
làm cho có và không tinh tấn tu tập nên không đạt trí tuệ vô thượng và
không thành Phật được. Đây cũng bài học cho chúng ta hôm nay vì trong
chúng ta có thể có nhiều vị Bồ tát Cầu Danh lắm đó. Nếu chúng ta đọc kinh
sách rất nhiều nhưng cũng như là đọc tiểu thuyết (nghĩa là đọc để giải trí
mà không tu tập), nếu chúng ta làm việc Gia Đình Phật Tử với tâm mong cầu
được nổi tiếng, được có các em để nhờ vả, sai bảo, dùng danh nghĩa của tổ
chức để thực hiện nguyện vọng hay tham vọng riêng tư của mình ..v...v....
thì rõ ràng chúng ta có "tu" vô lượng kiếp theo kiểu này đi nữa, chúng ta
cũng không bao giờ "ngộ nhập tri kiến Phật" được cả.
8/ Trong câu
chuyện kể của Ngài Văn Thù Sư Lợi có tên của 8 vị vương tử con vua (mà sau
này xuất gia thành Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh) cũng có ý nghĩa là 8 thức
đó là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na và a lai da (thức). Chúng ta
phải gìn giữ 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần (thế giới bên ngoài) và coi
chừng "anh chàng thứ 7 mạt na" sinh tâm phân biệt, ưa ghét, thị
phi...v...v... Làm sao để - trong mọi lúc- "cái nghe cứ là cái nghe, cái
thấy cứ là cái thấy" thì lúc đó ta mới thực sự bước vào ngưỡng "cửa giải
thoát" mọi khổ đau phiền não được.
Đó là những
bài học trong buổi học chung đầu tiên của anh chị em chúng tôi. Sau này
khi học kinh Thắng Man, Duy Thức, chúng tôi còn có những hiểu biết sâu sắc
hơn về những bài học đơn sơ trên đây. Dù sao, những buổi học Phật pháp
không có quý Thầy giảng, không ngồi trong điện Phật hay trong giảng đường
và trong giai đoạn khó khăn của đạo pháp và dân tộc, đã để lại trong lòng
chúng tôi những kỷ niệm khó quên và hình như rằng những gì chúng tôi thu
nhận được từ những ngày này đã in sâu vào đầu óc mình hơn bất cứ lần nào
được học hỏi trong những điều kiện tốt hơn. Tôi sẽ còn viết cho tới khi
qua hết các bộ kinh mà chúng tôi đã cùng nhau học như một cuốn nhật ký
thân thiết nhất. Mỗi bài viết tôi đều hướng về các bạn hiện còn ở quê nhà
với ước mong rằng nhóm chúng mình vẫn tinh tấn tu học như ngày nào, và ở
đây nơi xa các bạn cả nửa vòng trái đất, mỗi ngày khi ngồi thiền, đi dạo,
đọc kinh sách..v..v... tôi cũng đều nghiêm túc như khi cùng với các bạn tu
học. Mong rằng chúng ta có thể "thấy" nhau trong tâm thức như Thắng Man
phu nhân vừa nghĩ tới Đức Phật thì thấy Phật hiện tiền mặc dù Ngài chưa
từng đi ra khỏi chỗ ngồi của mình và Thắng Man phu nhân cũng chưa ra khỏi
hoàng cung.
] |