QUI SƠN CẢNH SÁCH

H.T THÍCH THANH TỪ

 

Chánh Văn:

“Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”.

 

Dịch:

     Đi xa cần nương bạn lành để thường gạn lọc tai mắt. Trú ở cần nên chọn bạn, thường được nghe điều chưa nghe. Nên nói: sanh ta là cha mẹ, tác thành nên ta là bạn bè.

 

Giảng:

     Chúng ta ra đi tìm Thầy học đạo cốt phải nhờ bạn lành, Thầy tốt khiến tai mắt chúng ta được trong sạch, được nghe lời hay, thấy được cái đẹp. Khi dừng ở cần phải chọn bạn chọn Thầy, gần được Thầy hay bạn tốt, chúng ta mới nghe được điều lợi ích chưa từng nghe, Bằng gần ông Thầy không hơn mình, bạn lại chẳng tốt thì dầu ở chung ngàn năm cũng chẳng lợi gì, đôi khi lại còn lui sụt. Nên người tu cần phải chọn thầy, chọn bạn là như thế. “Sanh ta là cha mẹ, làm nên ta là Thầy bạn”. Đây là sự thật không nghi ngờ gì hết. Vì chúng ta có được hình vóc vẹn toàn này là từ cha mẹ mà có, nhưng chúng ta có được trí tuệ, hiểu biết những điều siêu xuất thế gian lại chính nhờ Thầy bạn nuôi dưỡng bồi đắp mà nên. Nhờ Thầy bạn chúng ta mới thành người hữu ích cho chính mình và cho chúng sanh. Riêng tôi, nay được biết đạo lý giảng dạy thế này hoàn toàn là nhờ thầy bạn, chứ cha mẹ thì không thể làm được. Có nhiều người không may khi phát tâm xuất gia mà không gặp Thầy hay, bạn tốt, nên ở chùa năm, mười năm hay hai, ba mươi năm rồi, vẫn lẩn quẩn cũng chỉ trong hai thời khóa tụng, thật là tội nghiệp! Điều này cũng do phước duyên của mỗi người, chứ thật ra lúc phát tâm đi tu, vào chùa gặp đâu ở đó, có biết đâu mà chọn. Vì thế, chúng ta có phước duyên được gặp Thầy chỉ dạy nên người hữu dụng thì công ơn ấy thật vô cùng to lớn.

 

Chánh Văn:

“Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”.

 

Dịch:

     Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không thấy ướt áo mà dần dần thấm nhuần.

 

Giảng:

     Như buổi sáng sớm có sương chúng ta đi ngoài trời, tuy không thấy sương rơi ướt áo, nhưng một lát sau cảm thấy hơi sương ướt lành lạnh. Cũng thế, được gần Thầy lành, bạn tốt, không phải chúng ta được lành tốt ngay, nhưng sống gần gũi lâu ngày tự nhiên có sự nhuần thấm. Nói đến đây tôi nhớ lại Thầy tôi là Hòa Thượng Viện Trưởng, Ngài trách tôi: “Thanh Từ thuở xưa không khác nào cục sắt do tôi mài dũa nay được thành cây kim, giờ lại không ưng ý làm việc gì hết”. Thật đúng như thế, nay tôi được hữu dụng cho Phật pháp cũng nhờ công thầy uốn nắn lo lắng hoàn toàn từ vật chất đến tinh thần. Vì thế, đời tu chúng ta nếu gặp Thầy lành bạn tốt là điều may mắn, cần thiết cho sự tiến tu của chúng ta.

 

Chánh Văn:

“Hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”.

 

Dịch:

     Gần gũi kẻ ác, thêm ác tri kiến, sớm tối tạo ác, trước mắt chịu quả báo, chết rồi phải trầm luân. Một phen mất đi thân người, muôn kiếp khó tìm lại được.

 

Giảng:

     Đây là lời cảnh cáo, nếu không chịu gần Thầy lành bạn tốt cố gắng tiến tu, mà chỉ gần gũi kẻ ác thì hậu quả sẽ thảm hại như thế, sẽ mãi mãi trầm luân chịu mọi thống khổ, một phen mất thân này muôn kiếp khó tìm lại. Tổ thật từ bi chỉ dạy chúng ta từng li từng tí, chỉ cốt mong sao chúng ta thành người hữu dụng.

 

 

Chánh Văn:

“Trung ngôn nghịch nhĩ, khởi  bất minh tâm giả tai? Tiện năng tháo tâm dục đức, hối tích thao danh, uẩn tố tinh thần, huyên hiêu chỉ tuyệt”.

 

Dịch:

     Lời thẳng trái tai, há chẳng ghi lòng đó sao? (Có thể) mới hay rửa lòng nuôi đức, ẩn tích mai danh, chứa nhóm tinh thần, xa lánh ồn náo.

 

Giảng:

     “Trung ngôn nghịch nhĩ, khởi bất minh tâm giả tai?”. Lời nói thẳng thường trái tai, tuy trái tai song phải ghi lòng, có thế mới tiến được. Bây giờ Tổ mới bắt đầu vào việc tu hành.

 

     “Tiện năng tháo tâm dục đức. Hối tích thao danh, uẩn tố tinh thần, huyên hiêu chỉ tuyệt”.Người tu trước phải rửa tâm nuôi đức, kế đến ẩn hành tung chôn vùi tên tuổi để chứa nhóm tinh thần cho trong sạch, muốn thế phải xa lìa chỗ ồn náo. Sở dĩ chúng ta không thể gội rửa tâm hồn, nuôi dưỡng đức hạnh cũng chỉ vì, một phần là hiện tướng sờ sờ, hai là tên tuổi thiên hạ đều biết. Vì hiện tướng sờ sờ nên ai thấy cũng mời, nay đi chỗ này, mai đi chỗ nọ, đi mãi thì làm sao có ngày giờ để gội rửa tâm thần? Vì thế người tu thường ở núi rừng xa vắng, cốt để người không gặp, tên tuổi chẳng ai biết đến, thì mới có cơ hội uẩn tố tinh thần. Ngay như tôi khi xưa suốt mấy năm lăng xăng làm việc này việc nọ, lúc ra đây nếu tôi không tuyên bố nhập thất chắc cũng không làm gì được. Vì ai thấy cũng mời, thì rảnh rang đâu lo việc của mình? Nhờ ẩn đi không ai biết tên thấy mặt, mới từ từ nuôi dưỡng cái cao siêu của mình, mới gội rửa dần những cấu bợn nơi mình, rồi sau mới có thể làm được đôi chút lợi ích thật sự cho người. Cứ mãi hòa trong cái ngàu đục thì biết đến bao giờ mình mới trong? Vì thế, bây giờ tôi chỉ xin hẹn với quí vị là ba năm sau đừng ai biết đến tôi. Vì mấy năm nay những gì tôi dung chứa, gột rửa tôi đã chỉ hết cho quí vị rồi, thì giờ đây tôi phải tiến nữa chứ không thể dừng một chỗ được.[1] Người tu phải khéo sắp đặt cho mình một hoàn cảnh thuận tiện để tiến tu, chứ không thì mãi lẩn quẩn trong vòng ngàu đục của thế gian mà chẳng được ích lợi gì.

 

Chánh Văn:

“Nhược dục tham thiền học đạo, đốn siêu phương tiện chi môn, tâm khế huyền tân, nghiên cơ tinh yếu, quyết trạch thâm áo, khởi ngộ chân nguyên”.

 

Dịch:

     Nếu muốn tham thiền học đạo, là môn vượt ngoài phương tiện, thì trong phải hợp với mé huyền và nghiên cứu tường tận cái tinh yếu của đạo. Chọn lựa được chỗ thâm sâu rồi mới có thể khai ngộ được nguồn chơn (tức bản tánh).

 

Giảng:

     Người tham thiền học đạo trước phải rõ đây là pháp môn vượt ngoài phương tiện. Tại sao lại thế? Như trong kinh Phật dạy quán sổ tức hoặc quán từ bi hay quán bất tịnh v.v…thì tất cả phương pháp tu ấy đều có danh ngôn hình tướng tức là phương tiện. Sao đây lại nói pháp môn không phương tiện? Tôi xin nói lược rồi sẽ chỉ kỹ ở sau. Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi sang Trung Hoa, Ngài thấy chư Tăng thời ấy chuyên về văn tự mà không rõ lý đạo, nên Ngài mới dạy một pháp môn gọi là “Giáo ngoại biệt truyền” là truyền ngoài giáo lý, để dứt khoát không còn kẹt trong văn tự nữa. Rồi: “ Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”. Kiến tánh là gì? Có phải kiến tánh là thành Phật, là có thần thông…hay không? Sao có nhiều người nói thấy tánh mà chẳng thấy có thần thông gì hết? Nếu hiểu như vậy là chúng ta đã bị chữ nghĩa làm rối rắm, sự thật không phải như vậy. Đây tôi phân tích để quý vị rõ. Như trong nhà Thiền, khi người học đạo hỏi một câu, được các Thiền sư hoặc đáp, hoặc đánh, hoặc la hét v.v…nhờ đó người hỏi được ngộ. Vậy “ngộ” là ngộ cái gì? Có thành Phật chưa?. Chính “ngộ” là thấy đạo hay “kiến tánh”, tức thấy được chân tánh bất sanh bất diệt của mình. Nhận ra mình có bản tánh bất sanh bất diệt rồi, nhìn lại thấy rõ thân này cho đến vũ trụ đều là pháp sanh diệt, huyễn hóa. Đã là huyễn hóa thì đâu có dại dột gì đắm nhiễm chạy theo.Từ đó tiến tu mãi không lùi thẳng đến quả vị Phật, chứ không phải kiến tánh là thành Phật ngay. Kiến tánh là nhơn, thành Phật là quả, thẳng một đường không trải qua một ngôi vị nào khác, nên gọi giáo lý này là tối thượng thừa. Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”, đó là sự thật. Chỉ vì chúng ta chưa tin được nên không là “Phật sẽ thành”. Kiến tánh là chủ yếu của người tu. Vì có kiến tánh mới có thể thành Phật được, nên Tổ chỉ thẳng vào tâm mà không dùng phương tiện. Chỉ cái nào sanh diệt thì đừng theo, cái nào không sanh diệt thì hằng sống, đó là không dùng phương tiện. Như trong kinh Pháp Hoa, Phật nói: Chư Phật ra đời cốt chỉ cho chúng ta nhận được “tri kiến Phật” của chính mình. Các Tổ Thiền Tông cũng chỉ cho chúng ta nhận được cái sẵn có đó. Và, chính tôi giảng kinh đây cũng cốt làm sao cho quí vị nương nơi kinh mà thấy được cái sẵn có nơi mình, chừng ấy bản hoài của tôi đã trọn. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kinh là ngón tay chỉ mặt trăng”. Như quí vị mới tập tu vào chùa, quí Thầy dạy đếm hơi thở, rồi niệm Phật trì chú hay quán bất tịnh v.v…tất cả cái đó đều là phương tiện. Nếu mình bám chặt phương tiện mà mình đang theo, rồi chỉ trích pháp “không phương tiện”, đó là lầm lỗi. Phương tiện ví như cây vịn để vịn tay lần qua cầu, người nào yếu chân sợ té thì phải nương cây để qua, còn người nào mạnh chân thì cứ thẳng mà đi, không cần nương vịn. Qua khỏi cầu là phải buông cây, chứ đâu có nắm hoài. Cũng vậy, niệm Phật đến vô niệm mới là cứu cánh, khi được nhất tâm rồi thì câu niệm Phật không cần thiết nữa. Hay như trong kinh A-Hàm Phật dạy: Người nào quán Tứ niệm xứ hoặc một ngày… cho đến bảy ngày mà không có tạp niệm thì người đó chứng quả. Còn tôi nói nếu quí vị quán Bát Nhã từ một ngày cho đến bảy ngày mà không có niệm khác thì sẽ được Bát Nhã hiện tiền. Những lời nói này đâu có khác. Đến chỗ cứu cánh thì phương tiện không còn. Thế mà, vì không thực hiểu nên chúng ta chấp cho thế này là hay, thế kia là dở. Sở dĩ không dung hội được như thế, là vì chúng ta đứng ở một khía cạnh mà nhận xét. Nếu thật thâm hiểu sẽ thấy ngôi nhà Phật pháp chỉ có một, mà cửa phương tiện bước vào thì có nhiều.

 

     Ở đây Tổ Qui Sơn nói pháp môn vượt ngoài phương tiện, lối tu này hơi khác lạ khiến người càng sợ. Thông thường, sơ cơ thì phải tụng kinh, trì chú hoặc ngồi thiền chăm bẩm kềm tâm, ngó chừng hễ thấy vọng tưởng dấy lên liền buông ngay. Luôn cầm kiếm sẵn trong tay vừa thấy ma liền nhiếp phục nó. Đến khi dẹp hết ma quân rồi thì ngồi chăm bẩm làm chi nữa? Như trâu đã thuần đâu cần cầm roi kéo mũi, khi tâm đã thuần thì chúng ta phải vận dụng qua cái khác. Nếu ngồi yên tâm được yên thì phải tập tu trong động xem nó có thật yên chưa? Chẳng hạn đi nhổ cỏ, cuốc đất v.v…Nếu trong động mà tâm yên thì mới tiến được chớ chẳng phải ngồi mãi một chỗ. Có người lầm tưởng ngồi 2 giờ, 4 giờ, 10 giờ…cho đến ngồi cả ngày quên cơm nước đó là cao, nhưng thực sự không phải vậy. Ở đây tôi chỉ cho ngồi 2 giờ là tối đa, cho đến lúc nào đó quí vị thong thả dạo chơi, xem hoa ngắm kiểng, rồi khuya dậy châm trà uống , khỏi cần ngồi thiền, mà tâm an nhiên không động, đó mới là cao. Thiền đến chỗ cứu cánh là phải như vậy, phải thiền trong tất cả thời, chứ không phải ngồi mới gọi là thiền. Bây giờ bắt quí vị ngồi thiền tạm gọi là dùng phương tiện, đến khi nào vọng tưởng lặng là xong, chỉ cần biết vọng tưởng không theo là đủ. Nếu chúng ta mượn câu trì chú hoặc niệm Phật để tu, đến chừng muốn bỏ, bỏ không nổi thì kẹt. Thành ra tu thiền thấy như khó, vì không có phương tiện, song đến cứu kính thì thật là dễ, vì không có cái gì để bỏ. Chỉ cốt vong tưởng dấy lên đừng chấp nhận, vọng tưởng hết thì tâm nhất như. Nghe như dễ, nhưng lại rất khó. Thật ra chẳng phải dễ hay khó mà chỉ do chúng ta có chí hay không.

 

Chánh Văn:

“Bác vấn tiên tri, thân cận thiện hữu. Thử tông nan đắc kỳ diệu, thiết tu tử tế dụng tâm, khả trung đốn ngộ chánh nhân, tiện thị xuất trần giai tiệm”.

 

Dịch:

     Rộng hỏi tiên tri, thân gần thiện hữu. Tông này khó đạt được chỗ nhiệm mầu, cần phải dụng tâm chính chắn. Nếu trong ấy đạt được chánh nhân, đó chính là thềm bực giải thoát.

 

Giảng:

     Nếu không khế ngộ được nguồn chơn thì phải tham vấn các bậc tiên tri. Chữ “tiên tri” đây có nghĩa là người đã học đã tu trước mình. Vì tông này rất khó mà đạt được diệu chỉ, nên cần phải dụng tâm cho chính chắn. Nếu ở trong ấy mà ngộ được chánh nhân rồi thì liền vượt khỏi cõi trần không cần theo thứ lớp. Đây là chỗ quan trọng của Thiền tông. Thiền tông là con đường tắt không quanh co, không theo thứ tự, nên khó mà nhận được yếu chỉ. Nhưng nếu khéo dụng tâm và đạt được bản nhân rồi, thì tin chắc ngay trong đời hiện tại không còn bị luân hồi lôi kéo nữa. Song đây không phải là việc dễ, phải khéo cẩn thận. Có nhiều người tu thiền cầu được những điều hay lạ, tâm chạy theo danh sắc nên đã lạc lầm đi trong sanh diệt. Có người muốn tu, đến đây nhờ tôi nói một câu chỉ thẳng yếu chỉ. Tôi biết nói thế nào, chỉ có cách là học ba năm đi rồi sẽ thấy, chớ chỉ liền không thể được. Vì đây là chỗ không hình tướng. Tuy không phải là không, nhưng khó thể chỉ bày. Quí vị chịu khó ngày nay nghe thấm một ít, ngày mai nghe thấm một ít. Cho đến hôm nào đó, chợt lãnh hội được yếu chỉ, thì sự tu hành mới bảo đảm không lầm. Dẫu đây là pháp môn không phương tiện, nhưng trình độ quí vị không thể khai thông liền, nên phải có thời gian, rồi cơ hội tốt đến, quí vị tự lãnh hội. Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi.

 

Chánh Văn:

“Thử tắc phá tam giới, nhị thập ngũ hữu”.

 

Dịch:

     Đây là phá 3 cõi 25 loài.

 

Giảng:

     Kinh Lăng Nghiêm, Phật chia ra 25 cõi, nên đây nói 25 loài. Chúng ta tu là quyết ngay đời này phải ra khỏi tam giới, dứt vòng luân hồi. Theo tinh thần Thiền tông, chúng ta phải thấy mình chỉ là mgười khách qua lại trong tam giới thôi. Chúng ta không còn bị trói buộc mà chỉ vì tùy nguyện độ sanh nên đi vào tam giới

 

Chánh Văn:

“Nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh”.

 

Dịch:

     Trong, ngoài các pháp đều biết không thật.Từ tâm biến khởi, tất thị giả danh”.

 

Giảng:

     Một câu này, quí vị nếu nhận hiểu rồi, có thể nói tu suốt kiếp cũng chưa xong. “Nội ngoại chư pháp” là các pháp bên trong và bên ngoài, tức năm uẩn và sáu trần, đối với các pháp hằng chiếu soi thấy nó không thật ấy là giải thoát. Như trong kinh nói: giả sử bố thí châu báu nhiều bằng quả đất cũng chưa chắc được giải thoát. Vì sao? Vì còn thấy mình thật, người thật, của cải thật thì đó là nhơn luân hồi ( nhưng luân hồi trong cõi lành) chứ chưa phải giải thoát. Người quyết tâm giải thoát phải luôn luôn dùng trí tuệ thấy rõ năm uẩn, sáu trần, các pháp thế gian và xuất thế gian đều không thật. Vì sao không thật? Vì “từ tâm biến khởi?”. Sở dĩ chúng ta luân hồi trong tam giới là do nghiệp gây nên, mà gốc nghiệp là thân, miệng, ý. Nhưng xét kỹ thì thân và miệng chỉ là công cụ của ý, ý chủ động. Ý có nghĩ thân mới làm, miệng mới nói. Vì thế chúng ta tu là cốt làm sao cho ý dừng lặng không còn tạo nghiệp thì còn ai lôi chúng ta vào tam giới nữa? Tất cả phương pháp tu đều quy về chỗ đó. Niệm Phật, trì chú thì phải đến chỗ nhất tâm, tham thiền phải bặt vọng tưởng, tức ý không còn hoạt động. Chúng ta không hiểu thấu đáo nên chấp cho rằng tụng kinh có phước, trì chú có linh nghiệm, tham thiền có công đức v.v…mà không biết rằng tất cả những phương tiện ấy chỉ cốt để đập tan dòng ý thức cuộn chảy trong chúng ta. Khi ý thức lặng rồi thì tâm thanh tịnh nhất như. Có người tu đến chỗ lặng vọng tưởng lặng rồi lại hoảng hốt, cho rằng: mình đâu mất! Thế là cầu thanh tịnh, được thanh tịnh lại hoảng sợ ! Chẳng khác nào chàng Cùng tử trở lại quê cha, đến chừng thấy cha lại hoảng kinh chạy trốn, buộc lòng ông cha phải dùng phương tiện dẫn dụ về làm những công việc hèn hạ, như hốt rác, đổ phân thế mà lại hài lòng. Thật đáng thương xót! Cũng vậy, Phật mượn phương tiện dạy chúng ta tu hành qua thứ lớp. Như tu thiền, quán tứ đại thì trước quán thủy đại. Quán nước trong thân lần lần tràn khắp hư không thì được cái định thứ nhứt là sơ thiền, kế đến quán gió; lửa v.v…cuối cùng xả hết đến Diệt thọ tưởng định là chận đứng dòng tâm ý. Chỉ vì chúng ta không nhận nổi cái “trực chỉ”, nên Phật phải dẫn quanh một vòng phương tiện, đến rốt cùng cũng là bặt tâm ý. Thiền tông thì chỉ thẳng, khiến cho người hoảng hốt tưởng rằng đến đó là không còn gì nữa. Đây là bịnh do mê lầm mà ra, chứ không có gì lạ. Vì chúng ta lâu nay hằng sống với cái hư giả mà cho là thật, còn đối với cái thật thì lại hồ nghi. Ví như kẻ xa quê lâu ngày muốn về thăm cha mẹ nhưng quên mất số nhà chỉ nhớ loáng thoáng con đường. Khi đến con đường ấy cứ đi tới đi lui mãi, thậm chí dừng trước cổng nhà mình mà cũng không biết, lại phải tìm người để hỏi. Chúng ta cũng vậy, khi vọng tưởng dấy lên cuồn cuộn thì ra sức dẹp, hết vọng tưởng lại thấy không ngơ, rồi sợ mà không nhận “ cái thật” trong cái không ngơ đó, nên muốn trở lại vọng tưởng nữa. Cứ lẩn quẩn, loanh quanh tu mãi chẳng đến đâu. Đó là vì không thấy rõ lối đi nên bị mắc kẹt, còn nếu chúng ta biết rõ manh mối chánh yếu của việc tu, thì đi thẳng vào nhà không còn sợ sệt gì nữa. Thế nên, Tổ dạy người tu thiền trước phải dùng trí tuệ chiếu soi thấy năm uẩn, sáu trần thảy là không thật, từ tâm biến khởi chỉ có giả danh. Đây là giai đoạn căn bản bước vào cửa thiền.

 

Chánh Văn:

“Bất dụng tương tâm thấu bạc, đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân”.

 

Dịch:

     Chẳng cần đem tâm nương gá, chỉ lòng không gá vật thì vật đâu chướng ngại được người.

 

Giảng:

     Thật là đơn giản, tu thiền là thế đó. Nếu ngồi thiền mà tâm còn nhớ việc này, nghĩ chuyện kia goi là “thấu bạc”. Điểm này có người thắc mắc, như chánh tư duy là dùng một đề tài nào đó suy tới nghĩ lui, nghiền ngẫm cho ra lý, lâu ngày nảy ra một ý kiến hay nào đó, người ta cho là phát huệ, phải không? Thiền Tông thì không dùng như vậy. Vì như vậy thì tâm mãi loạn, ý tạo nghiệp bao giờ mới dừng? Ở đây cốt đánh tan ý. Chẳng đem đề tài nào suy gẩm cả, mà chỉ không cho vọng tình chạy theo sự vật bên ngoài. Nếu ngồi thiền mà chợt nhớ ông A, ông B là tình đã gá vật rồi. “Vật” đây là người, cảnh bên ngoài. Nếu tâm mình chạy theo vật phải biết mà chận ngay. Đừng để tâm dong ruổi theo cảnh vật, đến cả danh ngôn cũng vậy, đây là cái dễ làm cho tâm loạn nhất. Lúc đầu loạn theo cái thô lần lần đến cái tế. Như những lời nói của cổ đức, hoặc trong kinh sách, cho đó là nghĩ lành nên thường đuổi theo, ấy là bệnh của người tu thiền hay mắc phải. Chúng ta vừa dấy niệm là tình đã “phụ vật” rồi. Tất cả những nghĩ tưởng của ta đều không rời danh ngôn, sắc tướng. Khi ngồi yên không thấy người, cảnh bên ngoài. Song, nếu chợt nhớ hình ảnh nào đó thì liền hiện ra, như có trước mắt. Hoặc nhớ câu nói nào đó thì liền nghe vang lên trong tâm thức. Đó gọi là pháp trần. Những lúc đó chúng ta không gá vào những vật hiện có trước mặt, nhưng gá vào bóng dáng của vật còn lưu lại trong tâm thức, như vậy cũng là “phụ vật”, vật từ tâm biến ra. Vì thế chủ yếu là chúng ta đừng để cho tâm gá vật. Nếu thấy người thấy cảnh mà tâm không duyên theo thì đâu có gì chướng ngại. Dù ngọc ngà đầy trước mặt mà tâm không dấy động, thì thử hỏi cái gì chướng ngại mình? Chướng là do ma bên trong chực sẵn cộng thêm lũ quỷ bên ngoài nữa, mới làm nội công ngoại kích mà phá tan thành trì giới luật và Thiền định của chúng ta. Cho nên, khi có người hỏi Thiền sư: “Thế nào là giải thoát”. Ngài đáp: “Tâm, cảnh không đến nhau là giải thoát”. Đây chính là nghĩa “tình không gá vật”. Như vậy, chúng ta thấy rõ giải thoát chẳng phải tìm đâu xa, chẳng phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới được. Mà chỉ “tâm cảnh không đến nhau”, chứ chẳng có gì là kỳ lạ cả. Chỉ vì tâm cảnh dính nhau nên bị trói buộc, chính vọng tưởng trói chúng ta vào vòng sanh tử, dứt vọng tưỏng thì nhân trói buộc đâu còn, đó là giải thoát ngay hiện đời. Sự tu hành đơn giản chỉ có thế.

 

Chánh Văn:

“Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục. Văn thinh kiến sắc, cái thị tầm thường. Giá biên na biên, ứng dụng bất khuyết”.

 

Dịch:

     Mặc tình pháp tánh trùm khắp, chẳng phải đoạn dứt cũng chẳng cần tiếp nối. Nghe tiếng thấy sắc là việc tầm thường. Bên này bên kia ứng dụng không thiếu.

 

Giảng:

     Đến đây Tổ chỉ cho chúng ta thấy một cái gì cao siêu rộng khắp:

     “Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục”. Khi tâm cảnh không dính nhau, chúng ta không  còn lệ thuộc vào vọng tình, cái mà hằng lâu chúng ta chấp cho nó là mình. Lúc đó cái gì là mình? Chỉ vì lâu nay chúng ta thấy hòn bọt cho đó là biển cả, đâu ngờ nay đập tan hòn bọt mới thấy biển cả mênh mông. Khi vọng tưởng hết, chừng ấy chúng ta mới thể nhập pháp tánh vô biên. Chổ này Tổ Tăng Xán gọi là “Viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư”. Khi tâm dừng, không chạy theo vọng tưởng nữa đừng tưởng là hết, mà lúc ấy là lúc đập tan hòn bọt để hòa cùng biển cả. Nơi nơi chốn chốn đều có mình. Mình không còn hạn cuộc trong cái thân nhỏ bé này nữa mà trùm khắp hư không. Vì thế, Ngài Thiện Tài đồng tử khi bước vào lầu các của Bồ Tất Di-Lặc liền thấy vô lượng vô biên chư Phật, và mỗi chỗ mỗi chỗ đều có mặt Ngài đang đảnh lễ. Khi nhập pháp tánh rồi thì nó tràn lan trùm khắp, không cắt đứt cũng đừng tiếp nối, lúc đó an nhiên tự tại. Lúc đó là sống với pháp thân. Cho nên các Tổ khi thể nhập được pháp tánh rồi thì nói một lời là một bài kệ. Đi, đứng, nói, nín đều là đạo. Không cần đợi đến chết mới nhập pháp thân, chỉ cần dứt vọng tưởng là được. Đến đó thì:

     “Văn thinh kiến sắc cái thị tầm thường”, tức nghe tiếng thấy sắc đều là tầm thường. Bởi vì khi đã thể nhập được pháp tánh, nhận được cái chân thật rồi thì tất cả sự vật ở thế gian đều là ảo ảnh không thật, không có gì đáng để chúng ta quyến luyến. Nhưng nếu chưa đến đó thì phải thận trọng. Có một số tu sĩ sắm radio, tivi để xem, rồi hút thuốc, uống bia…tự cho mình là người phá chấp, tự tại trong khi tâm còn đầy ấp vọng tưởng, thì đó là ngụy biện để che mắt thế gian. Chúng ta chỉ tự tại khi nào nhập được “pháp tánh châu lưu”, khi nào nhận được cái chân thật thì cái giả mới không màng. Ví như một em bé nhà quê được mẹ mua cho đôi bông bằng vàng giả. Em bé hí hửng đem khoe với bạn bè, tự hài lòng quí thích đôi bông, vì em tưởng nó là thật. Nhưng đối với người có đôi hoa tai bằng vàng ròng hay kim cương thì đôi bông giả kia đâu có giá trị gì. Dù cho đầy trước mắt những thứ giả ấy, họ cũng không thèm để ý huống nữa là quí thích. Khi chúng ta vượt qua khỏi lãnh vực giả dối, tìm lại được mặt thật xưa nay, thì khi ấy đối với thế gian này ta mới là người hoàn toàn không ô nhiễm. Như Ngài Phù Dung nói: “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết”. Tức là gặp thinh gặp sắc như cây trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rơi vào con mắt. Đối với người đã đạt được pháp tánh rồi thì thinh sắc danh lợi không bám được, chẳng có chi phải bận lòng. Mà lúc ấy:

     “Giá biên na biên ứng dụng bất khuyết”. Bên này bên kia ứng dụng không thiếu. Bên này bên kia là thế nào? Là đứng về mặt xuất thế gian thì không còn bị năm trần ô nhiễm. Còn đứng về mặt thế gian thì tùy cơ ứng biến diệu dụng không lường. Không chấp có, không kẹt không, không mắc trong thế gian cũng không đắm trong giải thoát.

     Tự tại qua lại trong tam giới, tùy duyên hóa độ muôn loài. Đó là chỗ cứu kính của người tu. Đoạn trên Tổ đã thố lộ chỗ chí yếu của việc tu để chúng ta không còn ngờ vực, đến đây Tổ lại khen ngợi để sách tấn.

 

Chánh Văn:

“Như tư hành chỉ, thật bất uổng phi pháp phục. Diệc nãi thù báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Sanh sanh nhược năng bất thoái, Phật giai quyết định khả kỳ. Vãng lai tam giới chi tân, xuất một vị tha tác tắc”.

 

Dịch:

     Nếu làm được như thế, mới thật không uổng mặc áo pháp, cũng là đền đáp bốn ân cứu giúp ba cõi. Đời đời nếu không thối chuyển thì quả Phật quyết chắc được nên. Làm người khách qua lại trong ba cõi, ra vào làm phép tắc cho người.

 

Giảng:

     Nếu đi đúng đường lối Thiền Tông như trên, tức “ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa”, mới thật không uổng mặc áo pháp trong nhà Phật. Chủ trương của chúng tôi ở đây là ngu dân. Ngu dân bằng cách loại bỏ tất cả kiến thức, vì còn kiến thức là còn vọng tưởng. Nếu khi ngồi thiền nảy ra ý gì hay liền ghi thành sách, như thế thì chẳng bao giờ vào cửa “pháp tánh châu lưu” được. Vì thế chúng ta phải gan dạ loại bỏ các kiến thức tạp nhạp kia ra, càng nhiều kiến thức càng tầm thường. Muốn vượt khỏi sự tầm thường ấy thì chỉ nên đi thẳng theo một con đường cho đến nơi đến chốn. Ví như, người đánh máy cũng biết, đào mương cũng biết, hội họa cũng biết, làm bếp cũng biết…cái gì cũng biết hết thì chắc chắn sẽ không giỏi hẳn một môn nào. Người ấy chỉ có thể tùy thân hữu dụng chứ không thể thành người tài giỏi được. Muốn thành người tài giỏi thì phải bỏ hết mà chỉ chuyên một ngành nào đó thôi. Tất cả kiến thức khôn ngoan của thế gian hay trong đạo đều là vọng tưởng, chẳng phải là cái chơn thật, đó chỉ là những hòn bọt ngoài bể cả nào có nghĩa lý gì. Chúng ta phải gan dạ đập nát hết những hòn bọt kia đi, mới thấy mình bất sanh bất diệt. Mới thấy được cái diệu dụng khôn lường của mình và chừng đó mới có khả năng gánh vác việc lớn, đỡ nâng Phật pháp.

 

Chánh Văn:

“Thử chi nhất học tối diệu tối huyền. Đãn biện khẳng tâm, tất bất tương trám”.

 

Dịch:

     Môn thiền này rất diệu rất huyền. Chỉ cần có đủ quyết tâm, mới biết Phật Tổ không dối.

 

Giảng:

     Có một thiền khách đến hỏi Thiền sư:

-        Vì sao nói “Như-Lai có mật ngữ mà không có mật tàng?” Thiền sư liền đưa tay lên, hỏi:

-        Hội không?

-        Thưa không hội.

-        Nếu ông không hội thì Như-Lai có mật ngữ, nếu ông hội thì Như-Lai có mật tàng.

Lại nữa, một hôm ở trên hội Linh-Sơn Phật đưa cành hoa sen lên, cả chúng hội đều ngơ ngác. Chỉ có Ngài Ca-Diếp đắc ý chúm chím cười.

Điều Phật muốn nói, muốn chỉ vượt ra ngoài tầm hiểu biết theo vọng tưởng của mình, nên chúng ta nghe như bí mật. Vì chúng ta không lãnh hội được nên thấy như Phật có “mật tàng”. Còn đối với Ngài Ca-Diếp thì Như-Lai có mật ngữ, song không có mật tàng. Khi chưa lãnh hội được thì nghi ngờ lời Phật Tổ, khi lãnh hội được rồi thì hết nghi. Mới thấy môn thiền này rất là diệu huyền. Ai tu thiền cũng phải cố gắng mà nhận ra “cái chân thật” mới thấy Phật Tổ không dối gạt mình. Nhất là quý vị đang nghi ngờ: nếu dẹp hết kiến thức rồi còn gì? Chẳng lẽ tu rồi không biết gì hết, cứ ngơ ngơ sao? Đừng lo chuyện ấy, chỉ lo trong lòng chưa được trống không thôi. Chứ khi dứt hết vọng tưởng điên đảo rồi thì: “bên này bên kia ứng dụng không thiếu”, đừng lo đến đó rồi hết. Có lắm vị ngồi Thiền được yên tĩnh giây lát, sanh nghi ngại: tới chỗ yên rồi hết sao? Thật ra được yên chốc lát làm sao có diệu dụng? Chừng nào đi, đứng, nằm, ngồi đều như như, như Ngài Triệu Châu suốt ngày không có tạp niệm, trừ hai thời cơm cháo là còn phải quán tưởng, thì chừng ấy mới “pháp tánh châu lưu”. Còn chúng ta thì không yên được nữa ngày, sáng cạo râu, trưa hớt móng tay, chiều sửa soạn đi dạo…chưa có được 5 phút như như, thì làm thế nào có diệu dụng? Chỉ khi không còn vọng tưởng mới thấy mình chẳng phải là cái thân bé nhỏ mong manh này mà là cái bất diệt vĩnh cửu. Đó là chỗ cứu kính của người tu. Đâu chỉ riêng Thiền tông thấy như vậy mà bên Tịnh độ cũng thế. Trong một buổi tiếp khách của một Thiền sư Nhật Bổn, có một vi Tăng đến, Thiền sư hỏi:

-        Thầy tu pháp môn nào?

-        Tôi tu pháp môn Tịnh độ.

-        Đức A-Di-Đà bao nhiêu tuổi?

-        Bằng tuổi của tôi.

Câu đáp này chứng tỏ vị Tăng đó đã nhập được pháp tánh, không còn thấy Phật A-Di-Đà là một vị Phật ở cõi xa xôi nào mà chính là tự tánh của mình nên mới nói: “Bằng tuổi của tôi”. Nghe qua, thấy như ông Tăng này phạm thượng dám so sánh tuổi mình bằng tuổi Phật, nhưng người thật tu, hiểu thấu đáo rồi mới thấy đó là sự thật.

     Sau khi dạy tu Thiền xong Tổ e có người đối với giáo lý cao siêu như thế không kham lãnh nổi, nên Ngài hạ xuống một nấc, dạy phương pháp khác.

 

 

 

Chánh Văn:

“Nhược hữu trung lưu chi sĩ, vị năng đốn siêu, thả ư giáo pháp lưu tâm, ôn tầm bối diệp. Tinh sưu nghĩa lý, truyền xướng phu dương, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

 

Dịch:

     Nếu có kẻ bậc trung, chưa thể vượt qua được (phương tiện). Thì phải, đối với giáo pháp lưu tâm, ôn tầm kinh luận. Tinh thông nghĩa lý truyền bá mở mang, tiếp dẫn hậu lai, báo ân đức Phật.

 

Giảng:

     Nếu người đốn siêu được thì ngay trong đời này có thể cứu giúp chúng ta trong ba cõi đền đáp bốn ân. Còn chúng ta không được như thế thì phải nghiên cứu kinh điển cho tinh thông để đem ra truyền bá, hầu tiếp dẫn người sau, đáp đền ơn Phật. Như thế cũng là tốt vậy.

 

Chánh Văn:

“Thời quang diệc bất hư khí, tất tu dĩ thử phù trì. Trú chỉ uy nghi, tiện thị tăng trung pháp khí”.

 

Dịch:

     Thời giờ chớ nên luống bỏ, phải dùng giáo pháp để phò trì. Đi đứng oai nghi, mới là pháp khí Tăng bảo.

 

Giảng:

     Nếu chúng ta không phải là người nhất thời thấu suốt về thiền thì cũng không nên luống bỏ thì giờ, bằng cách nghiên cứu kinh điển cho thâm sâu để dạy dỗ người sau, giữ gìn nề nếp, đi đứng oai nghi…Như vậy, cũng đã là mẫu mực cho Tăng chúng và đền đáp ơn Phật rồi.

 

Chánh Văn:

“Khởi bất kiến ỷ tùng chi cát, thượng tủng thiên tầm, phụ thác thắng nhân phương năng quảng ích”.

 

Dịch:

     Há chẳng thấy, dây sắn nương cây tùng mà vượt cao lên ngàn trượng. Nương gá nhân lành thù thắng thì mới được lợi ích rộng nhiều.

 

Giảng:

     Đoạn này ý nói dây sắn dây bìm nhờ nương quấn cây tùng mà vượt lên cao ngàn trượng. Cũng vậy, chúng ta là kẻ tầm thường thì phải nương nhờ kinh luật để tu. Vì sao? Vì kinh giáo ví như chiếc bè để qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng. Nương ngón tay mà thấy mặt trăng, nhân kinh mà ngộ được bản tánh. Dầu cho đời này không tỏ ngộ được thì cũng chứa nhóm thiện căn, nuôi dưỡng hạt giống Phật. Đồng thời nghiên cứu kinh điển mới nắm vững đường lối tu để hướng dẫn cho người khiến cho mọi người cũng bớt khổ được vui. Thế nên người tu phải khéo léo linh động để được lợi ích cho mình và cho người.

 

Chánh Văn:

“Khẩn tu trai giới, mạc man khuy du. Thế thế sanh sanh, thù diệu nhơn quả”.

 

Dịch:

     Phải nên thiết tha tu hành trai giới cho thanh tịnh, chớ nên khinh dối bỏ qua. (Như thế) đời đời kiếp kiếp sẽ được nhân quả tốt đẹp.

 

Giảng:

     “Khẩn tu trai giới, mạc man khuy du”. Ở trên Tổ đã khuyên học kinh, nhưng sợ chúng ta chấp lý bỏ sự, hạnh giải không tương ưng nên đến đây Ngài dạy phải nghiêm trì giới luật, chớ nên thiếu sót bỏ qua (khuy: thiếu sót, du: bỏ qua) giữ giới là sự, học kinh là lý, sự lý phải viên dung. Như chim có hai cánh thiếu một thì không thể bay được. Như người có hai chân, thiếu một thì không thể đi được. Thế nên Tổ Ca Diếp trọn đời tu hạnh đầu đà. Ngài Vĩnh Gia không ăn rau dưới đầu cuốc ( vì cuốc đất làm chết trùng kiến). Ngài Khuê Phong quanh năm không rời đãy lọc nước…Chư Tổ đã ngộ đạo mà đối với giới luật còn không dám coi thường, huống người nay học hiểu được chút ít lý Thiền đã vội buông lung phá chấp, đó là bịnh.

 

     “Thế thế sanh sanh, thù diệu nhơn quả”. Giữ giới thì hiện đời tâm được trong sạch, đời sau được báo thân đoan chính trang nghiêm. Cho đến thân 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật cũng do nhiều đời giữ giới mà được thành tựu. Nên nói “đời đời kiếp kiếp nhân quả tốt đẹp”.

 

Chánh Văn:

“Bất khả đẳng nhàn quá nhật, ngột ngột độ thời, khả tích quang âm, bất cầu thăng tiến. Đồ tiêu thập phương tín thí, diệc nãi cô phụ tứ ân. Tích lụy chuyển thâm, tâm trần dị ủng, xúc đồ thành trệ, nhân sở khinh khi”.

 

Dịch:

     Chẳng nên thong thả qua ngày, ngẩn ngơ hết buổi. Thì giờ đáng tiếc sao chẳng cầu tu tiến. (Như thế thật là) luống hao của tín thí, cũng là cô phụ bốn ân. Tích chứa càng nhiều tâm trần dễ lấp, gặp việc ngăn bít, bị người chê cười.

 

Giảng:

     “Bất khả đẳng nhàn quá nhựt, ngột ngột độ thời”. Tổ quở chúng ta không nên lửng lơ thong thả qua ngày, ngây thơ cho hết tháng. Chữ “ngột ngột” có chỗ dùng để chỉ cho người trong lòng không còn một chút kiến giải nào tâm nhất như, người này cũng ngáo nhưng không phải là cái ngơ ngơ ngáo của người không hiểu đạo lý. Còn ở đây Tổ dùng chữ “ngột ngột” để chỉ cho người lo ăn chơi theo thế tục, cứ ngơ ngơ để ngày tháng trôi qua vô ích.

 

     “Khả tích quang âm bất cầu thăng tiến. Đồ tiêu thập phương tín thí, diệc nãi cô phụ tứ ân”. Chúng ta phải biết quý tiếc thời giờ mà nổ lực tiến tu. Nếu không thì đã luống tiêu hao của tín thí mà cũng là cô phụ bốn ân.

 

     “Tích lụy chuyển thâm, tâm trần dị ủng, xúc đồ thành trệ, nhân sở khinh khi”. Tích chứa tiền của càng nhiều thì tâm dễ bị bụi trần che lấp. Như khi chúng ta không có một xu dính túi thì đâu có nghĩ gì, nếu có ai cho vài ngàn thì lúc đó nghĩ phải mua gì đây? Tức vọng tưởng dấy lên. Tiền ít thì vọng tưởng ít, tiền nhiều thì vọng tưởng càng nhiều. Người có bạc tỷ thì thật khó tu vì phải nghĩ làm sao cho khỏi mất mát, làm sao để sanh lợi? Tâm lúc nào cũng bất an, tức đã bị bụi trần phủ che. Nên người nào chứa nhóm càng nhiều thì càng bị chướng ngại, đối với việc Phật pháp không sáng tỏ được. Tuy có tiền của nhiều, song vẫn bị người khinh vì tu mà đạo lý không biết gì cả. Đến đây Tổ lại an ủi:

 

Chánh Văn:

“Cổ vân: Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất. Nhược bất như thử, đồ tại tri môn, nhẫm nhiễm nhất sanh, thù vô sở ích”.

 

Dịch:

     Người xưa nói: Kia trượng phu ta đây cũng thế, chớ tự khinh mình mà lui sụt. Nếu chẳng như thế, luống ở trong cửa đạo dần dà hết một đời, trọn không có lợi ích.

 

Giảng:

     “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh khi thoái khuất”. Trong kinh A Hàm có kể chuyện Ngài La Hầu La, Ngài đi tu lúc còn bé, nên hơi khỉ. Có lần thấy các vị Tỳ Kheo ngủ, Ngài đến chọc léc. Các Tỳ Kheo mách lên Phật, Phật quở:

-        Sao ông không học theo những vị trưởng lão đằm thắm nghiêm chỉnh, lại đi trửng giỡn như thế?

La Hầu La thưa:

-     Bạch Thế Tôn, con đâu dám bì với các hàng Trưởng lão.

 Phật dạy:

“Kia là trượng phu, mình cũng thế. Cớ sao lại tự khinh mình, lại có những tánh xấu như vậy?”

     Từ đó, câu “ Bỉ ký Trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất” luôn được nhắc nhở đến. Chúng ta thường có cái bịnh là tự ti mặc cảm. Nghe nói đến Phật thì tưởng như Phật ngồi trên mây cao, còn mình thì ở dưới đất. Biết thế nên Phật đã hạ thấp Ngài xuống để hòa với chúng ta và bảo: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tức Phật đã nâng chúng ta lên mà chúng ta vẫn không dám, nên xem chuyện thành Phật quá cao xa, không làm nổi. Tu là tu vậy, chớ không dám tin là mình sẽ thành Phật. Cứ thầm tưởng như vậy nên thay vì cố gắng mười phần chỉ ráng năm, sáu phần thôi. Như anh học trò sắp thi Tú Tài mà lại mang mặc cảm là sẽ rớt, nên đến trường học cầm chừng thôi, bạn bè có rủ đi chơi liền đi. Từ ý niệm thiếu tự tin dẫn đến bê tha. Nếu anh đinh ninh thế nào cũng đậu thì sẽ cố học, ai rủ ren cũng không đi chơi, nhờ thế mà trong suốt niên học siêng năng cần mẫn. Vậy bê tha hay cần mẫn đều do tự tin hay không tự tin. Hiện nay đại đa số người tu chúng ta hầu như mất tự tin. Vì nghĩ mình tu không thành Phật nên thôi thong thả tu, chớ cố gắng làm chi cho nhọc. Có ai rủ đi giải trí thì đi cho khuây khỏa một chút, chắc cũng không phạm tội gì. Cứ thế từ lỗi nhỏ dẫn dần đến lỗi lớn, rồi càng ngày càng xa đạo. Gốc là do thiếu tự tin.

     Trong kinh Pháp Hoa có phẩm đáng chú ý là phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát. Bồ Tát Thường Bất Khinh thường làm một việc có vẻ như đùa, đến đâu gặp ai, Ngài cũng nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều có khả năng thành Phật”. Ngài không tu hành gì hết, chỉ thường nói một câu ấy thôi, thế mà Phật kết luận rằng: “Thường Bất Khinh Bồ Tát là tiền thân của ta, nhờ tu hạnh ấy mà bây giờ ta được thành Phật. Còn những người mà ta gieo hạt giống thời đó, hiện tại đang ở trong hội chúng đây, có người là Bồ Tát, có người là La Hán”. Như vậy chỉ một câu nói “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều sẽ thành Phật”, mà quan trọng vô cùng. Câu nói này đã gieo vào lòng người một niềm tin, tin mình có hạt giống Phật. Chủ yếu của kinh Pháp Hoa là ở phẩm này. Chỉ vì chúng ta mất niềm tin, nên đối với quả Phật cảm thấy vô phần, trong khi mỗi người chúng ta đều có Phật tánh. Mà đã có hạt giống Phật thì quyết định sẽ có ngày thành Phật. Nên ở trên Tổ đã nói: “Phật giai quyết định khả kỳ” tức quả Phật chắc chắn sẽ có ngày thành tựu. Phật Tổ cũng là người như chúng ta, nếu chúng ta đi đúng theo gót chân các Ngài thì chúng ta cũng thành Phật thành Tổ. Nếu chúng ta chưa ra gì mà tự xưng là Tổ thì đó là ngã mạn. Còn nói: “quyết định sẽ thành Tổ”, thì đâu phải ngã mạn. Chúng ta nên hiểu rõ như thế để cố gắng vươn lên.

    

     “Nhược bất như thử đồ tại tri môn, nhẫm nhiễm nhất sanh, thù vô sở ích”. Nếu không được như vậy thì luống ở trong dòng họ nhà tu, lơ lửng một đời trọn không có lợi ích. Tới đây Tổ vừa nhắc nhở vừa quở rầy mà chúng ta đâu đó vẫn y nguyên, mới biết mình nghiệp chướng thật sâu dầy.

 

Chánh Văn:

“Phục vọng hưng quyết liệt chi chí, khai đặc đạt chi hoài. Cử thố khán tha thượng lưu, mạc thiện tùy ư dung bỉ. Kim sanh tiện tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân. Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. Tâm không cảnh tịch chỉ vị cửu trệ bất thông”.

 

Dịch:

     Trông mong (các ông) phát chí dũng mãnh, mở lòng rộng xa. Việc làm phải noi gương hàng Thượng đức chớ học kẻ tầm thường. Đời này tự mình quyết đoán, chẳng do người khác liệu giùm. Dứt ý quên duyên, đừng với các trần làm bạn. Tâm không cảnh lặng, chỉ vì hằng lâu ngăn trệ chẳng thông.

 

Giảng:

     “Phục vọng hưng quyết liệt chi chí, khai đặc đạt chi hoài. Cử thố khán tha thượng lưu, mạc thiện tùy ư dung bỉ. Kim sanh tiện tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân”. Tổ trông mong chúng ta hãy khởi ý chí quyết liệt, mở tâm rông rãi, phàm làm việc gì phải noi gương các bậc tiền bối (Phật Tổ) chớ duyên theo những kẻ tầm thường. Đời này phải chính mình lo giải quyết lấy việc sanh tử của chính mình chớ trông cậy vào người khác. Như thế mới xứng đáng và không uổng phí một đời tu. Tổ đã thúc đẩy mạnh mẽ để chúng ta một bề thẳng tiến, kế đây Ngài dạy tu:

 

     “Tức ý vong duyên bất dữ chư trần tác đối. Tâm không cảnh tịch, chỉ vị cửu trệ bất thông”. Dứt ý quên duyên đừng cùng với trần cảnh làm đối đãi, tức “tâm cảnh không đến nhau”. Chữ “cảnh tịch” ở đây có nghĩa tâm không duyên theo cảnh. Nếu ở giữa chợ mà tâm không duyên theo cảnh thì đó là “cảnh tịch”. Còn nếu ở núi non vắng vẻ mà tâm cứ nhớ đây nhớ kia thì đó là cảnh ồn. Cảnh vắng hay ồn là do tâm duyên hay không duyên vậy. Xưa nay, tâm vốn rỗng rang, trần cảnh vốn lặng lẽ. Chỉ vì quên chơn theo vọng lâu ngày bị các duyên che lấp, mất bản tâm khiến phải lăng xăng trong sáu nẻo. Bây giờ chỉ cần dừng vọng tưởng là dừng bước luân hồi. Đến đây Ngài nhắc:

 

Chánh Văn:

“Thục lãm tư văn, thời thời cảnh sách, cưỡng tác chủ tể, mạc tuẫn nhân tình. Nghiệp quả sở khiên, thành nan đào tỵ. Thanh hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan, nhân quả lịch nhiên, khởi vô ưu cụ”.

 

Dịch:

     Hãy đọc kỹ văn này, thường tự nhắc nhở. Cố gắng làm chủ chớ theo tình người. Nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh. Tiếng hòa thì vang thuận; hình thẳng thì bóng ngay. Nhân quả rõ ràng há không lo sợ.

 

Giảng:

     “Thục lãm tư văn, thời thời cảnh sách, cưỡng tác chủ tể, mạc tuẫn nhân tình”. Tổ dạy chúng ta phải thường đọc lại bản văn này cho thuộc lòng để luôn tự đánh thức mình. Phải cố gắng tự chủ đừng chạy theo tình người. Tình người là sao? Là nay, chỗ này thỉnh Thầy đi tụng giùm con một thời kinh. Mai, chỗ nọ thỉnh Thầy đi cúng giùm con một đám v.v…không đi sợ Phật tử buồn cứ như vậy xách gói đi hoài thì làm sao có thì giờ để tu? Cho nên mình phải tự chủ đừng chạy theo tình người, mới có thể tiến tu được.

 

     “Nghiệp quả sở khiên, thành nan đào tỵ. Thanh hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan, nhân quả lịch nhiên, khởi vô ưu cụ”, một khi nghiệp quả đã buộc ràng thì khó mà trốn tránh. Gây nhơn lành thì được quả tốt, cũng như tiếng êm ái thì âm vang cũng nhẹ nhàng, hình ngay thì bóng thẳng. Nhơn quả theo nhau rõ ràng như vậy. Nếu đời này tu hành chưa giải thoát được thì biết chúng ta gây nhân gì phải gặt quả nấy. Thế nên người biết tu phải dè dặt.

 

Chánh Văn:

“Cố kinh vân, giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”.

 

Dịch:

     Cho nên kinh nói: “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo không bao giờ mất. Nhân duyên khi gặp gỡ, quả báo lại phải chịu.

 

Giảng:

     Đây là Tổ dẫn trong kinh Nhân Quả. Giả sử chúng ta đã tạo nghiệp, dù trãi qua trăm ngàn kiếp, nghiệp đó cũng không mất. Khi hội đủ duyên thì quả báo sẽ đến và chúng ta phải nhận chịu. Đôi khi chúng ta tưởng những việc chúng ta đã làm sẽ qua mất theo thời gian, nhưng thật sự nó không mất mà âm hưởng vẫn còn. Như tiếng nói phát ra chúng ta tưởng là mất, nhưng thật sự nó vang ra và còn lưu lại đâu đó. Điều này bây giờ khoa học đã giúp chúng ta thấy rõ. Những hành động của chúng ta cũng thế. Tuy nhiên, không mất mà mất, mất mà không mất. Giả sử như khi chúng ta có quyền thế, đối với những người xung quanh lắm lúc ta có những lời lẽ hay hành động khinh miệt đối với họ. Lúc đó tuy bên ngoài vì sợ uy lực của ta nên họ không dám buồn trách, nhưng trong lòng họ nhớ mãi. Đến một ngày nào đó, chúng ta sa cơ thất thế, người kia có uy thế hơn, bấy giờ họ sẽ trả thù. Chừng ấy mới thấy nhơn quả rõ ràng. Là người tu biết rõ lý nhân quả thì chúng ta phải dè dặt từng hành động, từng lời nói vậy.

 

Chánh Văn:

“Cố tri tam giới hình phạt oanh bạn sát nhân. Nổ lực cần tu mạc không quá nhật”.

Dịch:

     Nên biết, ba cõi hình phạt trói buộc hại người. Gắng sức lo tu chớ luống qua ngày tháng.

 

Giảng:

     Ba cõi là chỗ chúng sanh thọ quả báo, nên nói: “Ba cõi hình phạt”. Phiền não vọng tưởng là sợi dây trói buộc, là giặc thù cướp mất huệ mạng (hay như trong nhà Thiền gọi là “gia bảo”) của chúng ta, nên nói “trói buộc hại người”. Đến đây Tổ kết thúc và nhắc nhở hết sức thiết tha.

 

Chánh Văn:

“Thâm tri quá hoạn, phương nãi tương khuyến hành trì. Nguyện bách kiếp thiên sanh, xứ xứ đồng vi pháp lữ, nãi vi minh viết:”

 

Dịch:

     Biết rõ lỗi lầm nên mới khuyên nhau tu tập. Nguyện trăm kiếp ngàn đời, chỗ chỗ cùng (nhau) làm bạn pháp, bèn làm bài minh rằng:

 

Giảng:

     Sở dĩ Tổ khuyên như vậy, vì Ngài đã thấy rõ lỗi lầm đó nên mới khuyên chúng ta tu tập theo lời Tổ dạy. Ngài nguyện trăm kiếp ngàn đời nơi nơi chỗ chỗ đồng làm bạn pháp với chúng ta để nhắc chúng ta cùng tu cùng sớm thành Phật đạo. Và đây cũng là sở nguyện của tất cả người tu vậy. Để toát yếu lại Ngài làm bài minh:


 


[1] Sở nguyện như thế mà hoàn cảnh không cho phép thực hiện

 

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM