LỜI DẪN
Trước khi
giảng về Tam Tổ Trúc Lâm, chúng tôi nói sơ lược vài điều. Những bài giảng
về Tam Tổ khác hơn những bài giảng về ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuệ Trung
Thượng Sĩ Ngữ Lục là nguyên một tập chữ Hán chuyển thành chữ Việt, nên
chúng tôi để luôn bản chữ Hán cho quí vị nghiên cứu. Còn các bài về Tam Tổ
Trúc Lâm thì khác hơn vì có tánh cách lịch sử nhiều, và những tài liệu thi
văn của các ngài tản mác ở những bộ sách khác nhau, cho nên chúng tôi cần
phải đối chiếu nhiều quyển mới soạn được chương trình Tam Tổ.
Có rất nhiều
sách nói về Tam Tổ Trúc Lâm, những quyển chúng tôi chú ý nhất là: Tam Tổ
Thực Lục, Tam Tổ Hành Trạng, Thiền Tông Bản Hạnh và Thánh Đăng Lục. Đó là
những bộ sách chuyên về các vị Tổ đời Trần, nhưng mỗi quyển có chỗ nói
khác nhau, nên chúng tôi không thể dùng một bản làm chuẩn để giảng được.
Lại nữa ngài
Trần Nhân Tông, tức Sơ Tổ Trúc Lâm (Điều Ngự Giác Hoàng), là một ông vua
đi tu, cho nên đời của Ngài có nhiều liên hệ đến cuộc sống ở triều chính.
Song trong Tam Tổ Thực Lục hay Tam Tổ Hành Trạng không có kể lại những sự
việc liên quan đến cuộc sống đó. Học về Ngài, không phải chúng ta chỉ học
khoảng thời gian Ngài đi tu thôi, mà chúng ta cần phải biết rõ từ đầu đến
cuối, tức là từ lúc Ngài sanh ra, đến khi làm vua, rồi đi tu và nhập
Niết-bàn. Vì thế chúng tôi phải đối chiếu những quyển sử Việt Nam để thâu
thập thêm tài liệu đầy đủ nói về cuộc sống của Ngài khi còn ở tại gia.
Theo Tam Tổ Thực Lục hay Tam Tổ Hành Trạng, chỉ thấy nói về phần xuất gia,
còn phần tại gia rất là đơn sơ.
Đến như Tổ
Huyền Quang, Ngài là một thi sĩ, một Trạng nguyên giỏi văn chương đi xuất
gia, cho nên đời của Ngài về mặt thi văn rất là phong phú. Nhưng trong Tam
Tổ Hành Trạng hay Tam Tổ Thực Lục chỉ nói đơn giản không có dẫn chứng
những thi văn của Ngài. Chúng tôi phải soạn qua các quyển thi văn cổ Việt
Nam để tìm gom lại những bài văn Ngài đã làm, do đó chúng ta không có một
tập sách nhất định làm căn bản để học. Tuy nhiên những bài thi văn nào
quan trọng chúng tôi đều có dẫn kèm bản chữ Hán theo từng bài, chớ không
phải là toàn quyển.
] |