TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM

THAM VẤN

Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy v.v… rồi Ngài nói:

- Thích-ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?

Ngồi giây lâu, Ngài ngâm:

ÂM:    Thân như hô hấp tỹ trung khí,

            Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.

            Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

            Bất thị tầm thường không quá xuân.

DỊCH: Thân như hơi thở ra vào mũi,

            Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

            Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,

            Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Ngài vỗ bàn một cái nói:- Không có gì sao? Ra đây! Ra đây!

*

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là Phật?

Ngài đáp:- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

- Thế nào là pháp?

- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

- Thế nào là Tăng?

- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.

- Cứu kính thế nào?

Đáp:    Chữ bát đã bày trao hết sạch,

            Đâu còn có việc nói cùng ngươi.

            (Bát tự đả khai phân phó liễu

            Cánh vô dư sự khả trình quân)

Lại hỏi:- Thế nào là một việc hướng thượng?

Ngài đáp:- Đầu gậy khêu nhật nguyệt.

- Dùng công án cũ làm gì?   

- Một lần nhắc lại một lần mới.

- Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?

- Ễnh ương nhảy không khỏi đấu.

- Sau khi ra khỏi đấu thì thế nào?

- Lại theo con ếch nhảy xuống bùn.

- Vẫn là nhảy chẳng khỏi.

Ngài bèn lớn tiếng nạt:- Kẻ mù! Thấy cái gì?

- Đại Tôn đức lừa người làm gì?

Ngài liền “hừ, hừ”.

Vị Tăng suy nghĩ.

Ngài liền đánh. Vị tăng lại suy nghĩ để hỏi.

Ngài liền hét. Vị tăng cũng hét.

Ngài hỏi:

- Lão tăng bị một cái hét, hai cái hét của ngươi, rốt cuộc thế nào? Nói mau! Nói mau!

Vị tăng suy nghĩ.

Ngài lại hét một tiếng, nói:

- Con chồn hoang quỉ quái! Vừa rồi tinh lanh, giờ ở chỗ nào?

Vị tăng lễ bái lui ra.

*

Tăng hỏi:

- Đại tôn đức khổ nhọc tu hành, đã trải qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông?

Ngài đáp:

- Cũng được sáu thông.

- Năm thông kia gác qua, thế nào là tha tâm thông?

- Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy.   

Vị tăng liền đưa nắm tay lên nói:

- Đã biết hết thấy hết, vậy biết cái này có vật gì?

Ngài đáp:

- Như có như không, chẳng phải không chẳng phải sắc.

- Xưa tăng hỏi Hòa thượng Lang Gia: “Thanh tịnh bản nhiên, vì sao chợt sanh sơn hà đại địa?” Ý chỉ thế nào?

- Thật giống thuyền chài ra biển.

- Ý này thế nào?

- Ai biết nơi chốn khói sóng xa khơi kia, riêng có chỗ nên suy nghĩ.

*

Hỏi:- Thế nào là gia phong Phật quá khứ?

Đáp:    Vườn rừng vắng vẻ ai xem sóc

            Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên.

Hỏi:- Thế nào là gia phong Phật hiện tại?

Đáp:    Gia phong sóng bạc mê yến sớm

            Tiên uyển đào hồng say gió xuân.

Hỏi:- Thế nào là gia phong Phật vị lai?

Đáp:    Bãi biển chờ triều trời đợi nguyệt

            Xóm chài nghe sáo khách nhớ nhà.

Hỏi:- Gia phong Hòa thượng thế nào?

Đáp:    Áo rách che mây, sáng ăn cháo

            Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.

Lại hỏi:- Ngài Linh Vân khi xem hoa đào ngộ thì thế nào?

Đáp:    Tự nở tự tàn theo thời tiết

            Đông quân bị hỏi cũng khôn lời.

Hỏi:- Khi giết người không nhìn lại thì sao?

Đáp: - Gan dạ cùng mình.

Hỏi:- Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả hay không?

Đáp:    Miệng dường chậu máu chê Phật Tổ

            Răng như kiếm bén gặm rừng thiền.

            Một mai chết đọa A-tỳ ngục,

            Cười ngất Nam-mô Quán Thế Âm.

Hỏi:    Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết

            Trên cây oanh đậu một cành hoa,

            Thì thế nào?

Đáp:- Lầm!

Hỏi:- Theo Đại tôn đức thì thế nào?

Đáp:    Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết

            Trên cây oanh đậu một cành hoa.

Tăng nói:- Đó là câu nói của tôi.

Đáp:    Muốn biết thần tiên lò luyện thuốc

            Linh đơn vốn thiệt tử châu sa.

Hỏi:- Thế nào là thanh tịnh pháp thân?

Đáp:    Đục vàng rơi trong phân sư tử

            Người đen đúa vác bó hương thơm.

Tăng thưa:- Học nhân không hiểu.

Đáp:    Chớ học thói hồ đồ trả giá

            Cười người chân thật dối lầm nhau.

Hỏi:- Thế nào là viên mãn báo thân?

Đáp:    Cánh bằng bay bổng dừng cơn gió

            Ly châu lắng lạnh biển trong ngần.

            Vị tăng lễ bái.

Ngài bảo:Nguyên lai đầy đủ nhiều công dụng

            Bởi chú quàng xiên chẳng được thành.

Hỏi:- Thế nào là thiên bách ức hóa thân?

Đáp:    Mây dồn sương phủ trời mù mịt

            Tấc nước như xưa trước đỉnh đầu.

Tăng nói:- Đúng thế.

Ngài bảo:Cười ngất kẻ gom mây dưới đảnh

            Bốn bề nuốt lấy hòn sắt tròn.

Vị tăng lễ bái lui ra.

*

Pháp Loa hỏi:- Nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim, đều thuộc thứ nói đùa, một câu không kẹt trong ngôn ngữ làm sao nói được?

Ngài đáp:Gió đông dìu dịu ngàn hoa nở

            Lách cách vành xe một tiếng vang.

Pháp Loa toan mở miệng nói, Ngài liền bảo:

            Chim hót máu tuôn vẫn vô dụng

            Non tây như trước phủ mây chiều.

Pháp Loa: Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?

Ngài: Mưa tầm tã.

Hỏi:- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?

Đáp:- Trăng vằng vặc.

            - Cứu kính thế nào?

            - Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.

            - Thế nào là bản lai diện mục?

Ngài im lặng giây lâu hỏi:- Hiểu chăng?

Đáp:- Chẳng hiểu.

Ngài liền đánh.

Pháp Loa hỏi: Thế nào là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp?

Ngài đáp:Nếu dùng sắc thấy ta,

            Dùng âm thanh cầu ta,

            Người ấy hành đạo tà,

            Không thể thấy Như Lai.

Pháp Loa: Thế nào là Phật?

Ngài đáp: Tấm cám ở dưới cối.

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang?

- Bánh vẽ.

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

- Cùng hầm, đất không khác.

- Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu “con chó có Phật tánh không”, Triệu Châu nói “không”, ý chỉ thế nào?

Đáp:Chất muối ở trong nước

            Keo xanh ở trong sắc.

Hỏi:- Hữu cú vô cú như bìm leo cây, khi ấy thế nào?

Ngài bèn nói kệ:

            Hữu cú vô cú

            Đằng khô thọ đảo

            Cơ cá nạp tăng

            Chàng đầu khái não.

            Hữu cú vô cú

            Thể lộ kim phong

            Hằng hà sa số

            Phạm nhẫn thương phong.

            Hữu cú vô cú

            Lập tông lập chỉ

            Đả ngõa toản qui

            Đăng sơn thiệp thủy.

            Hữu cú vô cú

            Phi hữu phi vô

            Khắc chu cầu kiếm

            Sách ký án đồ.

            Hữu cú vô cú

            Hỗ bất hồi hỗ

            Lạp tuyết hài hoa

            Thủ chu đãi thố.

            Hữu cú vô cú

            Tự cổ tự kim

            Chấp chỉ vong nguyệt

            Bình địa lục trầm.

            Hữu cú vô cú

            Như thị như thị

            Bát tự đả khai

            Toàn vô bả tỹ.

            Hữu cú vô cú

            Cố tả cố hữu

            A thích thích địa

            Náo quát quát địa.

            Hữu cú vô cú

            Đao đao phạ phạ

            Tiệt đoạn cát đằng    

            Bỉ thử khoái hoạt.

DỊCH:

            Hữu cú vô cú

            Bìm khô cây ngã

            Mấy kẻ nạp tăng

            U đầu sứt trán.

            Hữu cú vô cú

            Thể lộ gió thu

            Hằng hà sa số

            Va đao chạm bén.

            Hữu cú vô cú

            Lập tông lập chỉ

            Đập ngói dùi rùa

            Trèo non lội nước.

            Hữu cú vô cú

            Chẳng có chẳng không

            Khắc thuyền tìm kiếm

            Tìm ngựa cứ hình (bản đồ).

            Hữu cú vô cú

            Hồi hỗ, hay không

            Nón tuyết giày hoa

            Ôm cây đợi thỏ.

            Hữu cú vô cú

            Tự xưa tự nay

            Chấp tay quên trăng

            Đất bằng chết chìm.

            Hữu cú vô cú

            Như thế như thế        

            Chữ bát mở ra

            Sao không nắm mũi?

            Hữu cú vô cú

            Ngó tả ngó hữu

            Lau chau mồm mép

            Ồn ào náo động.

            Hữu cú vô cú

            Đau đáu lo sợ

            Cắt đứt sắn bìm         

            Đó đây vui thích.

            Ngài bèn bước xuống tòa.

GIẢNG:

Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy v.v… rồi Ngài nói:

- Thích-ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?

            Ngồi giây lâu, Ngài ngâm:

            Thân như hô hấp tỹ trung khí,

            Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.   

            Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

            Bất thị tầm thường không quá xuân.

DỊCH:

            Thân như hơi thở ra vào mũi,

            Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

            Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,

            Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Ngài vỗ bàn một cái nói:- Không có gì sao? Ra đây! Ra đây!

Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân. (Niêm hương chớ không phải niệm hương.) Niêm hương tức là cầm cây hương đưa lên, rồi Ngài nguyện đem công đức truyền bá chánh pháp hồi hướng về tứ ân là ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân quốc gia và ân thí chủ.

Niêm hương xong Ngài bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy, tức là đánh kiểng.

Mở đầu buổi tham vấn, Ngài nói:

Thích-ca Văn Phật (tức là đức Phật Thích-ca) vì một đại sự mà xuất hiện ở giữa cõi đời này. Đại sự đó là gì? Nếu nói theo kinh Pháp Hoa, đại sự là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, tức là chỉ cho con người ngộ được tri kiến Phật hay là Phật tánh của mình.

Suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi, mà chưa từng nói một lời. Chuyển động đôi môi tức là nói, sao lại bảo chưa từng nói một lời? Chưa từng nói một lời, mà sao ghi lại thành Tam tạng Kinh điển? Như vậy là có nói hay không có nói? Cũng như hiện giờ tôi giảng rất nhiều, đến khi tôi tịch, quí vị sẽ nói tôi bao nhiêu năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Tại sao? Vì bao nhiêu ngôn ngữ được dùng đều là phương tiện để giảng dạy cho mọi người hiểu thấu đạo lý, mà đạo lý cuối cùng, theo kinh Lăng-già, là chỉ tâm Phật của chính mình. Song tâm Phật không thể nói tới được, vì tất cả ngôn ngữ là tướng động, tướng sanh diệt, còn tâm Phật là bất động, không sanh diệt. Lấy cái động sanh diệt để nói cái bất động không sanh diệt, thì không thể được.

Lại nữa có nói là có khởi nghĩ. Khởi nghĩ tức là động, mà động thì mất tâm Phật, cho nên nói: “Bốn mươi chín năm thuyết pháp mà chưa từng nói một lời”, vì tâm Phật hoàn toàn thanh tịnh. Muốn chỉ con người nhận biết được cái chân thật nhưng không thể dùng cái sanh diệt hư dối để diễn tả, nên không nói một lời. Khi xưa Phật không nói, thì bây giờ Ngài biết nói gì đây?

Ngồi giây lâu, Ngài ngâm:

            Thân như hô hấp tỹ trung khí,

            Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.

            Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

            Bất thị tầm thường không quá xuân.

DỊCH:

            Thân như hơi thở ra vào mũi,

            Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

            Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,

            Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Bài kệ có bốn câu, song trong Tam Tổ Thực Lục chỉ ghi có hai câu sau, bỏ hai câu trước. Vậy hai câu trước xuất xứ từ đâu? Khi trước chúng tôi dịch cũng y cứ theo bản Tam Tổ Thực Lục và những bản dịch khác nên chỉ thấy có hai câu sau. Nhưng khi tra lại trong Thiền Tông Bản Hạnh của Thiền sư Chân Nguyên, chúng tôi mới thấy trong đó có bốn câu, nên mới bổ túc thêm hai câu trước. Thiền Tông Bản Hạnh là một quyển sách bằng chữ nôm, nhưng mấy câu thơ thì ngài Chân Nguyên vẫn để nguyên chữ Hán. Có đủ bốn câu, chúng ta mới thấy nghĩa của bài kệ thật hay, nếu chỉ có hai câu sau thì không biết làm sao giải thích.

            Thân như hơi thở ra vào mũi.

Thân của chúng ta hiện giờ mỏng manh tạm bợ giống như hơi thở hít vào thở ra nơi mũi, không có bền, không có thật. Hít vào rồi phải thở ra, thở ra rồi nếu không hít vào là chết, nên nói mạng sống của thân này mỏng manh như hơi thở ra vào.

            Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

Cuộc đời hay thế gian này không bền lâu vừng chắc, giống như gió thổi mây trôi trên đỉnh núi xa xôi kia. Những đám mây trôi không dừng lại một chỗ, mây theo chiều gió cứ trôi trôi mãi. Đây là diễn tả cái vô thường trôi chảy không dừng. Đám mây trôi, rồi nó tan từ từ không có thật, không có bền. Gió thổi mây trôi là những hiện tượng luôn luôn di chuyển tạm bợ, còn mất bất thường.

Vậy hai câu kệ đầu nói lên thân con người mỏng manh tạm bợ như hơi thở, không có gì lâu dài. Cuộc đời trên thế gian này luôn luôn dời đổi, không dừng một phút giây nào, sự đổi dời chuyển dịch cũng là hư dối tạm bợ, như cụm mây trôi tụ tán vô thường. Thân người và ngoại cảnh không có gì bền lâu, không có gì chắc chắn. Hiểu như vậy chúng ta phải làm sao?

            Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng.

Nếu chỉ có hai câu kệ đầu thì buồn bã làm sao, vì thấy thân vô thường, cuộc đời vô thường không có gì bền chắc. Song trong cái vô thường đó vẫn còn có cái diệu dụng phi thường. Cái diệu dụng nằm sẵn trong thể chân thường hằng hữu. Thế nên tiếng chim quốc kêu (đỗ quyên là chim quốc hay chim cuốc) và mặt trăng sáng như ban ngày. Trăng sáng là tĩnh, chim kêu là động, động tĩnh đầy dẫy trên nhân gian này, đây là chỉ cái mầu nhiệm vi diệu sẵn có, không thiếu vắng bao giờ. Chúng ta không thấy, để nó trôi qua đi, cho nên nói:

            Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Không phải tầm thường mà để qua hết một mùa xuân. Cuộc sống của chúng ta trên thế gian này giống như một mùa xuân tươi đẹp, song chúng ta không biết hưởng, để nó qua mất thì uổng đi một cuộc đời.

Tóm tắt bài kệ, hai câu đầu diễn tả thân phận con người là tạm bợ, cuộc đời là giả trá. Hai câu sau chỉ cho chúng ta hiện có sẵn cái chân thật nhiệm mầu, động tĩnh thường hằng, mà chúng ta không nhận ra được, để một cuộc đời trôi qua suông, rất là đáng tiếc. Chẳng lẽ chúng ta sống để rồi chờ chết sao? Chúng ta phải làm thế nào nhận cho ra cái chân thật đó, để hưởng một mùa xuân vĩnh cửu. Bốn câu thơ lý thú vô cùng, nếu thiếu hai câu đầu chỉ còn hai câu sau thì mất hết ý nghĩa.

Ngài ngâm bốn câu thơ rồi bắt đầu vào vấn đáp.

Ngài vỗ bàn một cái, nói: Không có gì sao? Ra đây, ra đây!

Lên tham vấn mà ngồi ngó nhau, không ai thưa hỏi gì, nên Ngài mới vỗ bàn nói: Không có gì sao? Ra đây, ra đây. Tức là có gì nghi, nên ra hỏi.

*

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM