SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM
THAM VẤN (tt)
Đến ngài Pháp
Loa hỏi: Nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim, đều thuộc thứ nói đùa, một
câu không kẹt trong ngôn ngữ làm sao nói được? Hí luận là nói đùa. Nói xưa
nói nay, nói gì cũng là nói đùa thôi, không đến lẽ thật. Nay một câu không
kẹt trong ngôn ngữ làm sao nói, nói thử xem. Ngôn ngữ là lời chúng ta nói
ra, mà nói không kẹt lời làm sao nói được!
Ngài liền đáp:
Gió đông dìu dịu ngàn hoa nở,
Lách cách vành xe một tiếng vang.
Câu đáp này
vừa thi vị vừa hay đáo để. Gió đông là gió từ hướng đông về, tức là sang
mùa xuân. Khi gió đông nhè nhẹ thổi mát thì các cành cây nở hoa, gió đông
đâu có muốn vuốt ve cho hoa nở, nhưng gió thổi nhè nhẹ thì hoa nở.
Lách cách vành
xe một tiếng vang, vành xe lăn khua nghe lách cách, nó không muốn làm
tiếng vang mà phát ra tiếng vang. Như vậy không phải vành xe muốn làm
thành tiếng vang hay gió đông muốn an ủi cho hoa nở, nhưng vì gió đông
thổi nên hoa nở, vì vành xe lách cách nên thành tiếng vang. Vậy câu không
kẹt trong ngôn ngữ là câu gì? Có ngôn ngữ tức là có phân biệt, có suy
tính, còn nói mà không phân biệt suy tính, thì tuy có nói nhưng không kẹt
trong ngôn ngữ, cũng như gió đông thổi đúng thời tiết thì hoa nở, vành xe
khua nghe tiếng vang. Những cái đó tuy có công dụng nhưng không có ý tạo
tác, như thế đâu có lỗi lầm. Thế nên chúng ta thấy dù có ngôn ngữ nhưng
không kẹt trong suy tính, thì không có lỗi lầm. Nếu bảo không nói mới đúng
là sai. Nếu không nói làm sao đức Phật đã giảng bao nhiêu kinh điển, các
Thiền sư để lại bao nhiêu quyển Ngữ lục? Như vậy để thấy rằng nói không
kẹt trong ngôn ngữ thì lời nói không có lỗi. Vì thế Ngài dùng hai câu thơ
này đáp rất rõ ràng.
Pháp Loa toan
mở miệng nói, Ngài liền bảo:
Chim hót máu tuôn vẫn vô dụng,
Non tây như trước phủ mây chiều.
Khi Pháp Loa
muốn hỏi thêm thì Ngài bảo: Dầu cho chim hót, hót mãi đến ra máu cổ cũng
không ai quan tâm đến nó, ngọn núi phía tây buổi chiều mây đã phủ che. Đó
là để nói chỗ cứu kính này ông cố hỏi, cố nói cũng không đến đâu, chỉ là
luống công vô ích thôi.
Ngài Pháp Loa
liền hỏi: Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?
Ngài đáp: Mưa
tầm tã.
Hỏi: Khi muôn
dặm mây che kín thì thế nào?
Ngài đáp:
Trăng vằng vặc.
Hỏi thêm: Cứu
kính thế nào?
Ngài nói: Chớ
động đến, động đến ăn ba mươi gậy.
Những câu trả
lời này thấy lạ nhưng không khó. Tại sao?
Khi hỏi: Khi
muôn dặm mây tạnh thì thế nào, Ngài đáp: Mưa tầm tã, tức là nói ngược lại.
Hỏi: Khi muôn
dặm mây che kín thì thế nào, Ngài đáp: Trăng vằng vặc, nghĩa là hỏi trắng
lấy đen đáp, hỏi sáng lấy tối đáp. Đó là thuật mà Lục Tổ đã dạy(*), để
thấy rằng mưa, mây, trăng… tất cả đều là những giả tướng từ duyên mà có,
do tối nên có sáng, vì mây che mới nói trăng tối… Đó là những đối đãi
không thật, vì thế khi hỏi cứu kính thế nào, Ngài đáp rằng: Chớ động đến,
động đến ăn ba mươi gậy. Nghĩa là chỗ cứu kính chân thật không dùng ngôn
ngữ, không dùng trí suy nghĩ mà đến được. Nếu dùng ngôn ngữ, dùng trí suy
nghĩ thì bị đòn.
[Giải nghĩa(*)
Lục Tổ dạy ba mươi sáu pháp đối:
- Ngoại cảnh
vô tình có năm đối: Trời cùng đất đối, mặt trời cùng mặt trăng đối, sáng
cùng tối đối, âm cùng dương đối, nước cùng lửa đối.
- Pháp tướng
ngữ ngôn có mười hai đối: Ngữ cùng pháp đối, có cùng không đối, có sắc
cùng không sắc đối, có tướng cùng không tướng đối, hữu lậu cùng vô lậu
đối, sắc cùng không đối, động cùng tịnh đối, trong cùng đục đối, phàm cùng
thánh đối, tăng cùng tục đối, già cùng trẻ đối, lớn cùng nhỏ đối.
- Tự tánh khởi
dụng có mười chín đối: Dài cùng ngắn đối, tà cùng chánh đối, si cùng tuệ
đối, ngu cùng trí đối, loạn cùng định đối, từ cùng độc đối, giới cùng lỗi
đối, thẳng cùng cong đối, thật cùng hư đối, hiểm cùng bình đối, phiền não
cùng bồ-đề đối, thường cùng vô thường đối, bi cùng hại đối, hỉ cùng sân
đối, xả cùng bỏn sẻn đối, tiến cùng thối đối, sanh cùng diệt đối, pháp
thân cùng sắc thân đối, hóa thân cùng báo thân đối.]
Lại hỏi thêm:
Thế nào là bản lai diện mục? Đây là câu hỏi mà người tu thiền thường chú ý
và thắc mắc. Bản lai diện mục là mặt thật xưa nay của chính mình. Mặt hiện
tại chúng ta đang mang là thật hay giả? Mặt này không thật nên lúc trẻ nó
tươi hồng mịn màng, già thì nhăn nheo đen nám. Nếu thật thì nó đâu có đổi
thay. Có đổi thay thì không thật. Quí vị thấy mặt của chúng ta hiện nay
như có ai quen chúng ta thuở mười tám, mười chín tuổi, đến ba mươi năm sau
gặp lại, họ còn nhớ không? Hẳn là không. Tại sao? Tại mặt chúng ta đổi
rồi. Nếu khoảng ba mươi năm sau gặp lại lần nữa thì hẳn là không nhớ nổi.
Nó luôn luôn đổi thay, như vậy sao gọi là thật được? Còn mặt thật xưa nay
thì ngàn đời không đổi, nghĩa là ai nhận được thì thấy nó không đổi thay
bao giờ. Hỏi bản lai diện mục như thế nào? Đến chỗ đó thì Ngài im lặng
giây lâu, nhưng không phải im lặng rồi thôi, mà Ngài hỏi lại: Hiểu chăng?
Pháp Loa thưa chẳng hiểu, liền bị đánh đòn. Như vậy Ngài đã chỉ mặt thật
xưa nay chưa? Nếu đã biết có chỉ rồi thì phải thấy, nếu không thấy cũng
như chưa chỉ. Chỗ này phải ráng thấy chớ tôi cũng không chỉ được.
Pháp Loa hỏi:
Thế nào là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?
Ba mươi hai
tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp là chỉ báo thân hay ứng thân Phật. Phật do tu
nên có những phước báo, hiện thân có tướng tốt. Ngài đáp:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Đây là Ngài
dẫn trong kinh Kim Cang ở đoạn Phật giải thích về pháp thân. Chữ “ta”
trong bài kệ là chỉ cho Như Lai, mà Như Lai là chỉ cho pháp thân. Chúng ta
học đạo là cốt đạt được pháp thân chớ không phải trọng tâm ở báo thân hay
hóa thân, vì hai thân này có tướng nên thuộc về sanh diệt. Dù tướng tốt
như Phật, hiện nay cũng không còn, chỉ có những tượng trên bàn chúng ta
thờ lạy. Pháp thân mới là không sanh không diệt. Thế nên ngài Pháp Loa hỏi
về ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của báo thân thì Ngài liền dẫn
kinh Kim Cang giải thích về pháp thân. Nghĩa là nếu còn nặng về báo thân
hóa thân đó là hành đạo tà, không thấy được Phật pháp thân.
Pháp Loa hỏi:
Thế nào là Phật?
Ngài đáp: Tấm
cám ở dưới cối. Câu nói nghe thật lạ lùng. Nếu là chúng ta chắc hẳn sẽ
giải thích rõ Phật là giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chúng
ta trả lời có vẻ thông suốt hơn Ngài. Ngài đáp nghe lạ, không dính với câu
hỏi. Tại sao hỏi Phật lại trả lời tấm cám ở dưới cối? Nếu hỏi gạo trắng
gạo lức mới chỉ như thế. Thật ra từ lâu chúng ta thường quen định nghĩa mà
không nhận chân cái thật. Như đoạn trước đã nói nếu ngộ, nếu thấy được thì
không có gì ngoài Phật, tức là ngoài tâm. Ngoài tâm không có Phật, ngoài
tâm cũng không có vật. Vật không ngoài tâm, tâm không rời vật, tâm vật
không hai, nên nói tấm cám dưới cối tức là nói đến tâm, mà tâm đó là tâm
Phật. Đó là đã trả lời về ý Phật.
Lại hỏi: Thế
nào là ý Tổ sư từ Ấn sang?
Ngài đáp: Bánh
vẽ.
Bánh vẽ có no
bụng không? Chúng ta cứ tìm ý Tổ sư từ Ấn Độ sang mà không tìm lại nơi
mình xem cái gì là chân thật, nên Ngài bảo: Bánh vẽ.
Pháp Loa hỏi
thêm: Thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài đáp: Cùng
hầm, đất không khác.
Nếu hỏi ngài
Hoàng Bá câu này thì bị đánh ba gậy. Ngài Trúc Lâm Đại đầu-đà trả lời:
Cùng hầm, đất không khác. Câu này nói điều gì? Như chúng ta đào đất dưới
hầm, thì trong hầm hòn đất thứ nhất, thứ hai, thứ ba không khác nhau. Cũng
như vậy hai câu hỏi “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang” và “Thế nào là đại
ý Phật pháp” không khác nhau, đều là bánh vẽ. Cả hai câu hỏi giống như đất
cùng một hầm, không có ý nghĩa khác, chỉ câu trả lời bánh vẽ ở trên là đủ.
Ngài Pháp Loa
lại hỏi thêm: Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu “con chó có Phật tánh không”,
Triệu Châu nói “không”, ý chỉ thế nào?
Ngài đáp: Chất
muối ở trong nước,
Keo xanh ở trong sắc.
Nước biển mặn,
chất mặn không ở ngoài nước biển. Trong các thứ màu pha trộn để vẽ, màu
được dính bền lâu là nhờ chất keo trộn ở trong. Vậy trong nước biển có sẵn
chất muối, trong màu sẵn có chất keo. Câu trả lời “không” đó không phải là
cái không suông mà đã ẩn sẵn cái có giống như trong nước biển không thấy
chất muối nhưng đã ẩn sẵn chất muối, trong sắc không thấy chất keo nhưng
đã ẩn sẵn chất keo, không cần tìm ở đâu khác. Đó là để chỉ tất cả sự vật,
tất cả các pháp không có hai bên, không thuộc về có, không thuộc về không.
Trong cái không có cái có, trong cái có đã có cái không. Như vậy đúng là
tinh thần Bát-nhã.
Ngài Pháp Loa
hỏi thêm: Hữu cú vô cú như bìm leo cây, khi ấy thế nào?
Nguyên ngài Sơ
Sơn đến hỏi ngài Qui Sơn: Hữu cú vô cú như bìm leo cây, khi cây ngã bìm
khô thì thế nào? Ngài Qui Sơn cười ha hả rồi thôi.
Hữu cú là câu
có, vô cú là câu không. Tất cả ngôn ngữ của chúng ta đều lập trong đối
đãi, hoặc có không, hoặc phải quấy, hơn thua, xấu tốt… Quí vị thử nói một
câu không đối đãi nghĩa là đừng mắc kẹt bên này, bên kia, thử nói xem!
Chúng ta luôn luôn có bệnh khi nói thì hỏi phải không, tức là phải đối với
quấy, hoặc hỏi có không là có đối với không, đúng không là đúng đối với
sai. Nghĩa là ai nói chuyện với chúng ta cũng đều trông đợi mình đáp lại
hoặc là đồng hoặc không đồng với quan niệm của họ, nhưng trả lời đồng hay
không đồng cũng đều không đúng. Như vậy tất cả chúng ta cả ngày luôn luôn
là nói hai bên, mà càng nói hai bên thì càng xa chân lý, nhưng vì quen
trong đối đãi nên chúng ta cứ nói theo lối hai bên. Thế nên Ngài làm một
bài kệ dài để chê trách lối nói này:
Âm: Hữu cú
vô cú,
Đằng khô thọ đảo,
Cơ
cá nạp tăng,
Chàng đầu khái não.
Hữu cú vô cú,
Thể lộ kim phong,
Hằng hà sa số,
Phạm nhẫn thương phong.
Hữu cú vô cú,
Lập tông lập chỉ,
Đả
ngõa toản qui,
Đăng sơn thiệp thủy.
Hữu cú vô cú,
Phi hữu phi vô,
Khắc chu cầu kiếm,
Sách ký án đồ.
Hữu cú vô cú,
Hỗ
bất hồi hỗ,
Lạp tuyết hài hoa,
Thủ chu đãi thố.
Hữu cú vô cú,
Tự
cổ tự kim,
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú,
Như thị như thị,
Bát tự đả khai,
Toàn vô bả tỹ.
Hữu cú vô cú,
Cố
tả cố hữu,
A
thích thích địa,
Náo quát quát địa.
Hữu cú vô cú,
Đao đao phạ phạ,
Tiệt đoạn cát đằng,
Bỉ
thử khoái hoạt.
Hữu cú vô cú,
Bìm khô cây ngã,
Mấy kẻ nạp tăng,
U
đầu sứt trán.
Hữu cú vô cú
là câu có câu không. Nói có nói không là đại biểu cho tất cả lời nói đối
đãi có không, phải quấy, hơn thua…; những gì hai bên đều nằm trong nghĩa
có và không này. Bìm khô cây ngã, câu có câu không giống như dây bìm leo
trên cây vì nó chỉ là tạm không phải thật. Nếu cây ngã thì thế nào? Bìm và
cây đều tiêu tan, nhưng mấy kẻ nạp tăng tức là những người xuất gia xuất
gia u đầu sứt trán vì cây ngã trúng! Chúng ta lúc nào cũng đeo dây có, dây
không, nên nó ngã rồi u đầu sứt trán. Đó là để nói người tu chúng ta vì
kẹt nơi có, nơi không mà khiến đời tu của mình phải nhọc nhằn khổ sở, khó
thành công. Nếu cả ngày từ sáng đến chiều chúng ta đừng nói câu nào kẹt
vào hai bên có không thì chúng ta thảnh thơi như là sống với Niết-bàn hiện
tại, Niết-bàn ngay trước mắt. Trái lại thì Niết-bàn ở tít mù xa tìm không
ra nên u đầu sứt trán. Thế nên đây là chỗ dứt ngôn ngữ vậy.
Hữu cú vô cú,
Thể lộ gió thu,
Hằng hà sa số,
Va
đao chạm bén.
Ở các nơi thời
tiết rõ ràng có bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa thu là mùa lá đổ, gió thu
thổi lá vàng rơi, thân cây bày ra trơ trọi trước gió thu nên nói thể lộ
gió thu. Khi người ta chấp câu có câu không tức là chấp hai bên, thì cái
chân thật hiện tiền người ta không bao giờ thấy, cũng như vào mùa thu lá
rụng hết thân cây bày trơ trọi nhưng không ai thấy rõ. Rồi hằng hà sa số,
bao nhiêu hạng người luôn kẹt bên này bên kia nên gọi là va đao chạm bén,
tức là bị sầy da không được bình an lành lặn.
Hữu cú vô cú,
Lập tông lập chỉ,
Đập ngói dùi rùa,
Trèo non lôäi nước.
Lập tông lập
chỉ: Trong đạo Phật có nhiều vị tu cũng lập tông nói về hữu (Hữu tông) nói
về vô (Không tông). Như vậy lập tông lập chỉ để thừa nhận lý lẽ đối đãi
như là chân thật. Nếu làm như thế chẳng khác nào kẻ đập ngói dùi rùa. Thuở
xưa khi muốn nấu cơm người ta lấy cây dùi dùi thanh củi cho nó nóng phát
khói rồi để bổi vào cho cháy. Dùi củi khô lấy lửa thì được, nếu dùi mai
rùa để lấy lửa là việc làm tốn công vô ích. Lại muốn nấu cơm người ta phải
giã gạo, nếu bỏ ngói vào cối giã hẳn không thành gạo. Như thế đập ngói dùi
rùa là hai hành động ngu xuẩn không bao giờ được kết quả, chỉ là khổ sở
thôi, nên nói là trèo non lội nước để chỉ sự cực nhọc mà không có lợi ích.
Vậy bốn câu này nói nếu đứng bên có bên không rồi chủ trương tông chỉ của
mình là có là không… thì chẳng khác nào đập ngói nấu cơm hay dùi mai rùa
lấy lửa là những chuyện nhọc công vô ích.
Hữu cú vô cú,
Chẳng cóù chẳng không,
Khắc thuyền tìm kiếm,
Tìm ngựa cứ hình (bản đồ).
Ngày xưa người
ta thường dùng tứ cú bách phi. Tứ cú là có không, chẳng phải có chẳng phải
không, cũng có cũng không, cũng chẳng phải có cũng chẳng phải không. Trong
bài chỉ dẫn hai vế đầu: có không, chẳng có chẳng không. Chẳng có tức thuộc
về không, chẳng không thuộc về có, nên nói có không là đủ rồi, những vế
sau chỉ làm rối thêm thôi. Nếu chúng ta mắc kẹt hai bên, hoặc thấy có,
hoặc thấy không thì chẳng khác nào người khắc thuyền tìm kiếm. Trong sách
Lã Thị Xuân Thu ghi: Có một người ngồi trên thuyền qua sông, khi thuyền
đến giữa sông anh cầm kiếm quơ dưới nước, sẩy tay rớt kiếm xuống nước, anh
khắc vào mạn thuyền làm dấu chỗ rớt kiếm. Khi thuyền đến bờ anh nhảy xuống
nước, ngay chỗ khắc dấu ở mạn thuyền để mò tìm cây kiếm, như vậy không thể
nào anh tìm được. Đó là để nói hạng người cố chấp ngu si.
Tìm ngựa cứ
hình, hình là bản đồ. Sách xưa kể Bá Nhạc là một người giỏi xem tướng
ngựa, ông viết một quyển sách tên là Tướng mã kinh nói về tướng ngựa. Khi
ấy con ông muốn mua một con ngựa giỏi, nên theo lời chỉ dẫn trong quyển
sách để đi tìm mua ngựa, cứ đối chiếu theo những gì trong sách tả, rốt
cuộc chỉ mua được một con ngựa tồi. Ông cha thấy vậy mới bảo con ông là kẻ
“án đồ sách ký”, tức là căn cứ bản đồ mà tìm ngựa là ngu. Hai điển tích
này nói lên sự sai lầm của người cố chấp khờ dại, căn cứ vào một điều gì
mà điều đó không đúng.
Hữu cú vô cú,
Hồi hỗ hay không,
Nón tuyết giày hoa,
Ôm
cây đợi thỏ.
Hồi hỗ là cái
này lẫn cái kia, cái kia lẫn cái này. Nếu ai chấp chặt vào câu có câu
không, có lẫn hay không lẫn nhau, cả hai giống như nón tuyết giày hoa, ôm
cây đợi thỏ. Ở các nước có tuyết nhiều như Canada chẳng hạn, chúng ta hốt
tuyết làm thành nón đội, hoặc lấy hoa sứ v.v… kết làm giày đi, có bền
không? Nón tuyết giày hoa, nghe có giày, nón chúng ta tưởng là thật nhưng
chỉ là hư dối tạm bợ.
Ôm cây đợi
thỏ, trong sách Hàn Phi Tử kể câu chuyện: Có anh nông dân đi làm ruộng,
một hôm chợt có con thỏ từ trong rừng chạy ra gấp, đụng phải gốc cây, nhào
xuống chết, anh mừng quá lượm đem về làm thịt. Anh nghĩ chuyện xảy ra hôm
đó có thể sẽ xảy ra như vậy nữa, nên anh ngồi chờ ở gốc cây suốt mấy ngày,
rốt cuộc không được con thỏ nào cả. Đó là để nói sự việc hi hữu bất thần
xảy ra một lần, kẻ ngu lại tưởng là chuyện thường rồi bám vào đó chờ đợi,
rốt cuộc chỉ là vô ích thôi. Chúng ta thường có bệnh ôm cây đợi thỏ. Thình
lình có chuyện gì xảy ra một lần, chúng ta lại tưởng sẽ xảy ra nữa nên chờ
đợi suốt đời. Như những người mua vé số được trúng một lần, đó là việc bất
thần, nhưng lại đi mua tiếp để đợi trúng nữa, có khi suốt đời không trúng
thêm lần nào.
Tóm lại đoạn
này nói người chấp có chấp không hoặëc lẫn có lẫn không, giống như kẻ đội
nón tuyết, mang giày hoa, hay kẻ ngồi chờ thỏ đụng vào gốc cây chết. Đó là
những người rất khờ dại.
Hữu cú vô cú,
Tự
xưa tự nay,
Chấp tay quên trăng,
Đất bằng chết chìm.
Người chấp câu
có câu không hoặc chấp xưa chấp nay, cũng giống như người chấp ngón tay mà
quên mặt trăng. Câu này xuất xứ từ hai bộ kinh Viên Giác và Lăng Nghiêm.
Trong kinhViên Giác có câu: “Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ.” Tất cả
kinh Phật dạy giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Câu này chỉ có đạo Phật
dám nói chớ tôn giáo khác không dám. Câu nào của các vị Giáo chủ nói ra,
người tín đồ đều xem như khuôn vàng thước ngọc, không bao giờ dám xem
thường, thế mà Phật dạy tất cả kinh Phật nói ra giống như ngón tay chỉ mặt
trăng. Vào đêm mùng ba mùng bốn, mặt trăng lưỡi liềm ở hướng tây, có người
nghe nói đêm nay có trăng liền nhìn bốn phía nhưng không thấy, hỏi trăng ở
đâu. Người thấy mới lấy tay chỉ, người muốn tìm mặt trăng không phải nhìn
đầu ngón tay mà phải nương đầu ngón tay nhìn thấy mặt trăng ở chân trời.
Như vậy ngón tay không phải là mục đích mà là phương tiện hướng cho người
nhìn theo để thấy mặt trăng, mặt trăng mới là cứu kính. Cũng thế không
phải chúng ta chấp lời Phật dạy làm cứu kính mà phải nương lời dạy để thấy
được cái chân thật của chính mình. Cái chân thật đó không nằm trong kinh
mà ở ngay nơi con người, nơi bản tâm bản tánh của chúng ta. Như vậy ai chỉ
thấy kinh là cứu kính thì lầm ý Phật. Thế mà ngày nay đa số người tu chỉ
biết tụng kinh, cho tụng kinh là tu, chớ không nhân nơi kinh để nhận ra
cái Phật muốn chỉ. Đó là một điều lầm lẫn. Việc này đã sẵn trong lời Phật
dạy, không phải mới đặt ra sau này. Nếu chúng ta chấp có chấp không, chấp
xưa chấp nay cũng giống như người chấp ngón tay là mặt trăng nên không
thấy được mặt trăng thật. Như vậy là “đất bằng chết chìm”. Người ta xuống
sông xuống biển bị chết chìm, còn người chấp chặt có không ngay trên đất
bằng đã chết chìm rồi, cũng như giữa ban ngày mà không thấy được ánh sáng
vì đã bị mù.
Hữu cú vô cú,
Như thế như thế,
Chữ bát mở ra,
Sao không nắm mũi?
Chữ bát mở ra
nguyên chữ Hán là Bát tự đả khai. Bát tự là chữ bát nhưng có chỗ giải
nghĩa bát tự là tám chữ, rồi dẫn kinh Niết-bàn câu “sanh diệt diệt dĩ,
tịch diệt vi lạc”. Đây là một lầm lẫn vì không hiểu được ý nhà thiền. Hai
chân mày chúng ta nằm hai bên, ở giữa hở giống hình chữ bát ( ) của chữ
Hán. Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi,
tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu kính. Lỗ mũi là
nguồn sống của chúng ta, nó nằm sẵn trên mặt nhưng ít ai thấy rõ lỗ mũi
mình, chỉ lo nhìn người, nhìn vật, nhìn tất cả bên ngoài. Mũi là cái chân
thật, là sự sống của thân này mà chúng ta không thấy, chỉ thấy những vật
bên ngoài rồi tưởng là hay, là đủ, nhưng sự thật mạch sống của mình lại
không thấy.
Trong đoạn này
Ngài muốn nói câu có câu không, những cái đó như thế như thế, tức là đã
chỉ bày ở trên rồi, đã thấy rõ nó là không thật, chấp có không là khờ dại,
là không đúng… Biết rõ như thế thì phương tiện đã chỉ bày giống như chữ
bát đã mở liền nắm mũi tức là ngay đó nhận ra chân lý, không phải tìm kiếm
ở đâu nữa. Đó là Ngài nhắc cho chúng ta thấy rõ Ngài đã chỉ bày cụ thể
rồi.
Hữu cú vô cú,
Ngó tả ngó hữu,
Lau chau mồm mép,
Ồn
ào náo động.
Chấp có chấp
không, ngó bên này bên kia, bên phải bên trái..., bày ra các thứ ngôn ngữ
lăng xăng, cãi vã nhau phải quấy, hay dở nên ồn ào náo động cả ngày. Hiện
nay chúng ta hay cãi nhau, hay phân trần là tại chấp hai bên, tôi phải
người quấy… Thế nên ai nói mình quấy người phải thì nổi giận phân trần với
người này người khác thành ồn ào cả ngày. Nếu người nào không chấp phải
quấy có không thì hẳn là không cãi rầy với ai. Trái lại nếu chấp phải quấy
có không thì khờ dại đến độ nào? Hiện nay tất cả chúng ta là người tu,
người tỉnh giác, không lẽ lại khờ dại đến độ giống như kẻ ôm cây đợi thỏ,
khắc thuyền mò kiếm? Sở dĩ thiên hạ cãi nhau ồn ào cũng là vì có không
phải quấy. Nếu biết những cái đó không thật là nón tuyết, là giày hoa thì
cười thôi. Giả sử hai người cãi nhau rồi hỏi ai đúng ai sai, chúng ta sẽ
nói thế nào? Hẳn là cười trừ chớ không nói đúng nói sai được, nhưng nếu
chúng ta chỉ cười thì thiên hạ nói mình ba phải. Thiên hạ đều bắt chúng ta
ở một bên, hoặc đồng quan niệm với họ hoặc là phía đối nghịch, mà một bên
nào cũng là không đúng. Vì thế trong cuộc sống, một người mê dẫn những
người khác đi theo trong mê, nên bao nhiêu thưa kiện, bao nhiêu cãi vã đi
đến đánh nhau đều tại chấp hai bên.
Hữu cú vô cú,
Đau đáu lo sợ,
Cắt đứt sắn bìm,
Đó
đây vui thích.
Nếu còn kẹt ở
có không thì luôn hồi hộp lo âu sợ sệt. Nay cắt đứt sắn bìm tức là cắt đứt
có không thì tự nhiên đó đây vui thích, mình vui, người cũng vui.
Như vậy chúng
ta thấy việc tu hết sức là giản đơn. Nói thì nhiều kinh sách nhưng đều gốc
ở không chấp hai bên có không phải quấy. Vậy nếu trong chúng có ai làm gì
trái ý nhau, lên thưa kiện nhờ phân xử, người lớn phải xử thế nào cho đúng
đạo lý? Chỉ xử một câu: “Hai gã ngu đi xuống đi” là xong việc. Câu đó là
đúng nhất chớ không còn xử thế nào nữa, vì đó là những kẻû khắc thuyền mò
kiếm, ôm cây đợi thỏ, xử làm sao được!
Thiết nghĩ khi
người đến tham vấn, chỉ hỏi một câu mà ngài Trúc Lâm đầu-đà đọc một mạch
cả bao nhiêu câu như thế này, nếu không thông minh sáng suốt làm sao Ngài
nói được như vậy. Chúng ta giỏi lắm chỉ nói bốn câu là hết ý. Như vậy mới
thấy khi giác ngộ rồi thì ngôn ngữ không có giới hạn.
Nói đến đây
Ngài bèn bước xuống tòa.
] |