TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM

THI PHÚ HÁN NÔM

Đây là phần thi phú của ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà, phần thi phú này tôi chọn lọc những bài có tính cách Phật pháp để học hiểu tinh thần đạo đức của Ngài. Còn chuyện xử thế, chuyện trong triều chánh chúng ta không cần học.

Bài đầu trong phần thi phú này là “Đăng Bảo Đài Sơn”.

1. ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN

ÂM:    Địa tịch đài du cổ,  

            Thời lai xuân vị thâm.

            Vân sơn tương viễn cận,

            Hoa kính bán tình âm.

            Vạn sự thủy lưu thủy,

            Bách niên tâm ngữ tâm.

            Ỷ lan hoành ngọc địch,

            Minh nguyệt mãn hung khâm.

Dịch: LÊN NÚI BẢO ĐÀI

            Đất vắng đài thêm cổ,

            Ngày qua xuân chửa nồng.

            Gần xa mây núi ngất,

            Nắng rợp ngõ hoa thông.

            Muôn việc nước trôi nước,

            Trăm năm lòng nhủ lòng.

            Tựa lan, nâng ống sáo,

            Đầy ngực ánh trăng lồng.

                                    NGÔ TẤT TỐ

Giảng:

Bài này vừa tả cảnh Bảo Đài Sơn, vừa nói lên tâm hồn đạo đức của một con người đã sống trong đạo. Bảo Đài Sơn, theo sử ghi có ba chỗ: 1. Bảo Đài Sơn thuộc về Bảo Lộc ở Châu Ái, 2. Bảo Đài Sơn ở xã Đông Mạc huyện Vọng Danh, 3. Bảo Đài Sơn là một ngọn trong dãy núi Yên Tử. Theo đây chúng ta có thể hiểu Bảo Đài Sơn này, là một ngọn trong dãy núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Lời dịch của ông Ngô Tất Tố được các nơi công nhận là hay, nên chúng ta không cần sửa lại.

            Đất vắng đài thêm cổ,

            Ngày qua xuân chửa nồng.

Hai câu này nói lên cảnh vắng vẻ tô điểm thêm cho Đài. Nếu Đài xưa nằm ở chỗ nhộn nhịp sẽ mất đi vẻ cổ kính của nó. Và khi Ngài lên thăm Bảo Đài Sơn chưa phải vào cuối mùa xuân.

            Gần xa mây núi ngất,

            Nắng rợp ngõ hoa thông.

Nghĩa là mây phủ trên đầu núi, ở xa trông thấy mờ mịt và khi trời nắng những con đường leo lên núi, hoa nở nhiều rợp bóng. Đó là bốn câu diễn tả hình ảnh đẹp của Bảo Đài Sơn.

            Muôn việc nước trôi nước,

            Trăm năm lòng nhủ lòng.

Khi nhìn xuống dòng nước hay dòng suối chúng ta sẽ thấy từng đợt nước chảy qua, đợt sau nối tiếp liên tục không dừng. Sự việc ở đời cũng vậy, cứ việc này nối tiếp việc khác liên miên trôi mãi không bao giờ dừng lại một chỗ. Con người của chúng ta cũng vậy, như ngay giờ phút này chúng ta đang như thế này, qua một, hai phút sau nó đã đổi thay, rồi hai, ba phút sau lại đổi, đổi mãi, từ con người trẻ lần đến già, ai cũng như ai đều như thế cả. Như vậy mọi sự vật trên thế gian này luôn luôn biến chuyển, biến chuyển tức là không dừng đứng ở một chỗ nào, nhưng chúng ta cứ nghĩ mình trẻ mãi chớ không dám nghĩ mình đang già và từ từ đi đến chỗ cuối cùng là chết.

Vì vậy tôi thường dùng thí dụ “Chiếc xe định mệnh”: Có một số người bước lên chiếc xe lửa tự động, mà cuối đường xe lửa chạy là biển. Lúc đầu xe chạy chúng ta thấy cảnh thành phố, nhà cửa, người, vật… nên cảm thấy vui. Khi xe chạy gần biển mới hốt hoảng muốn nó dừng, nhưng xe tự động làm sao dừng được. Nó cứ chạy, chạy mãi và đến cuối đường là rơi xuống biển, thế là hết một đời. Chuyến xe định mệnh đó cũng giống câu “Muôn việc nước trôi nước” là muôn sự việc cứ trôi qua mãi, muốn dừng lại cũng không được. Con người cũng vậy, đang sống an ổn bình thường, cảm thấy đời cũng vui, không có gì phải lo sợ. Nhưng khi già yếu bệnh hoạn mới bắt đầu lo cái chết sắp đến, lúc đó lại muốn sống. Cầu trời khẩn Phật sao cho sống thêm năm, mười tuổi nữa, nhưng cầu vẫn không được. Đến phút chót cũng phải đành tắt thở thôi, không ai thối thác, không ai trốn tránh được sự việc như thế cả. Vậy mà trong lúc xe đang chạy chưa gần biển, ai cũng hỉ hả vui cười, còn giành chỗ ngồi của nhau nữa chứ. Thấy chỗ ngồi người khác tốt hơn lại muốn giành. Người bị ngồi dưới sập, dưới gầm xe thì trách hờn, chửi rủa, người được chỗ tốt thì ngồi tréo chân nhịp đùi, hát chơi. Nhưng trong số người bước lên xe đó, có vài người sáng suốt biết số phận mình sớm chầy cũng rơi xuống biển. Vì ý thức được như thế nên khi lên xe, dù có ai giành chỗ, ai cãi vã, ai chê ngu cũng mặc, họ cứ cặm cụi tìm những miếng nylon kết lại thành phao. Những người ngồi tréo chân ở trên cho những người này ngu si kỳ lạ, không ngồi chơi ngắm cảnh có phải sướng hơn là cặm cụi kết phao làm gì. Đến khi xe chạy gần biển, họ mới hoảng sợ mong nó đừng chạy tới nữa, nhưng nó vẫn chạy và cuối cùng phải rơi xuống biển. Khi ấy những người biết lo kết phao, nhờ ôm phao họ nổi và trôi giạt vào bờ, còn những người chỉ lo ăn chơi cười giỡn khi rớt xuống biển thì không cứu được. Như vậy thí dụ những người biết lo kết phao đó giống như ai? Không biết quí vị có chịu ngồi cặm cụi kết phao, hay nghe ai nói trái ý, hoặc chê mình ngu dại rồi cũng nổi giận cãi lại với họ, thì thời giờ kết phao đã muộn, phao kết không kịp lúc xe rớt xuống biển không làm sao thoát nguy được. Vì vậy chúng ta tu là đã thấy xa, biết số phận mình dài lắm cũng chỉ tám, chín mươi tuổi thôi, nhưng bây giờ nhìn lại mỗi người thì có người được một phần tư, người được phân nửa, có người đã hai phần đường rồi. Thế mà có người biết lo, người chưa biết lo, chưa biết được số phận của mình. Do đó người tu là người biết lo xa có cái nhìn tường tận thấy rõ thân phận con người từ buổi đầu cho đến lúc cuối, nên chuẩn bị những gì sắp đến cho mình chớ không phải tu là tiêu cực, là buồn nản. Nếu chúng ta giỏi kết được nhiều phao, khi gần xuống biển thấy ai sợ thì bố thí cho họ, như vậy là tiếp cứu thêm một số người chung quanh. Còn nếu dở chỉ kết được một phao thì chỉ giúp mình thoát nạn cũng là quí rồi. Đó là dẫn ý câu “Vạn sự thủy lưu thủy” hay “Muôn việc nước trôi nước”.

Trăm năm lòng nhủ lòng. Nghĩa là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm khi thấy việc gì ở thế gian có vẻ quyến rũ, chúng ta liền tự nhủ: Ta là người xuất gia tu đạo giải thoát, là người có trách nhiệm cứu vớt chúng sanh, thì không nên vướng bận chuyện tầm thường thế tục. Những gì làm cho ô nhiễm, làm cho chúng ta lơi lỏng trên con đường tu, chúng ta phải dừng, phải ngăn chận không cho tiến tới nữa. Chúng ta phải tự nhắc nhở mãi như vậy, chớ không đợi Thầy Tổ nhắc. Giả sử chúng ta đi đâu xa, gặp duyên lôi kéo, nếu chờ thầy nhắc e muộn mất đi. Vì vậy chúng ta phải ghi nhớ những gì đã phát nguyện và giải quyết tâm thực hành không nên xao lãng. Vừa có một chút lơi lỏng là phải cảnh tỉnh ngay, không để nó trôi qua mất đi một đời vô ích. Như vậy hai câu này đã mang hết ý nghĩa nhắc nhở đời tu của chúng ta rồi.

            Tựa lan nâng ống sáo,

            Đầy ngực ánh trăng lồng.

Ngài tu sao thấy nhàn quá! Đứng tựa lan can, cầm ống sáo thổi, trong lúc đó nhìn ánh trăng rọi sáng đầy cả ngực. Đây Ngài diễn tả, khi đứng trên ngọn núi, tựa lan can đài cổ, cầm ống sáo thổi, nhìn lại ánh trăng đã rọi sáng đầy cả lồng ngực mình. Đó là hình ảnh đẹp đẽ sau hình ảnh đen tối ở trước. Hình ảnh đen tối ở trước đưa chúng ta đến đường cùng, ngõ cụt. Hai câu này diễn tả trên chỗ an tịnh của ngọn núi, tựa đài cổ, cầm sáo thổi, đó là một hiện tượng vui vẻ. Không phải thổi sáo để cho tâm hồn phiêu diêu nơi này nơi kia, mà khi cầm sáo lên thổi, thấy cả lồng ngực sáng ngời. Đây để diễn tả tâm người đạt đạo nhìn thấy muôn sự muôn vật bị vô thường cuốn hút mà các ngài vẫn an nhiên tự tại. Các ngài được an nhiên tự tại vì nội tâm các ngài đã sáng ngời, đã giác.

Cho nên người đến chỗ này không còn sợ vô thường, không còn phải nhắc nhở ráng tu nữa. Vì đã giác ngộ nên mới tự tại. Ở đây người nào được như vậy có cầm sáo thổi cũng không tội, còn chưa được thì xin miễn, vì thổi sáo thì phải nhịp ca, mà ca toàn những bài tình tứ thế gian là có lỗi làm cho tâm mình phiêu bạt, phóng túng. Vì vậy nếu thật giác ngộ, thật thấy đạo thì trước cảnh vô thường chúng ta vẫn thong dong tự tại vì tâm hồn đã trong sáng rồi. Tóm lại bài này chúng ta thấy tuy Ngài tả cảnh mà rất là đạo lý.

2. ĐẠI LÃM THẦN QUANG TỰ

Âm:    Thần quang tự liễu hứng thiên u,

            Sanh thố phi ô thiên thượng du.

            Thập nhị lâu đài khai họa trục,

            Tam thiên thế giới nhập thi mâu.

            Tục đa biến thái vân thương cẩu,

            Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.

            Trừ khước chú hương tham Phật sự,

            Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.

Dịch: CHÙA THẦN QUANG NÚI ĐẠI LÃM

            Thần Quang chùa vắng hứng u nhàn,

            Thỏ ngọc, vầng ô dạo khắp trời.

            Mười mấy lâu đài bày tranh vẽ,

            Ba ngàn thế giới mắt thơ trùm.

            Thói đời thay đổi dường mây nổi,

            Tùng chẳng biết năm, sư bạc đầu.

            Ngoài tuần hương đốt tham Phật sự,

            Bao nhiêu niệm lự thảy thôi thôi.

Giảng:

Mỗi bài tả cảnh, Ngài dùng bốn câu để tả cảnh, còn bốn câu có ý nghĩa đạo lý. Tựa bài Đại Lãm Thần Quang Tự là chùa Thần Quang ở trên núi Đại Lãm thuộc huyện Quế Dương, được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông, ngày nay vua Trần Nhân Tông hay nói cách khác là Điều Ngự Giác Hoàng hoặc ngài Trúc Lâm đại đầu-đà mới lên viếng. Khi đến viếng ngôi chùa này Ngài nhìn thấy cảnh u tịch của nó nên tức cảnh đề thơ.

            Thần Quang tự liễu hứng thiên u,

            Sanh thố phi ô thiên thượng du.

Hai câu này diễn tả cảnh chùa u tịch làm cho lòng người cảm thấy thích thú, thêm vào trí tưởng tượng là cỡi mặt trăng, mặt trời ngao du trong cõi hư không.

            Thập nhị lâu đài khai họa trục,

            Tam thiên thế giới nhập thi mâu.

Họa trục là bức tranh vẽ. Mười hai lâu đài mở bày bức tranh vẽ. Ba ngàn thế giới vào trong con mắt của nhà thơ.

            Tục đa biến thái vân thương cẩu,

Thế tục có nhiều đổi thay kỳ lạ giống như mây hiện ra hình chó xanh. Ý nói sự đời thay đổi không lường.

            Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.

Cây tùng không biết bao nhiêu tuổi mà nhìn vị tăng đã bạc đầu rồi.

            Trừ khước chú hương tham Phật sự,

Nghĩa là trừ bỏû việc thắp hương để thưa hỏi Phật sự.

            Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.

Nghĩa là bao nhiêu niệm lự hãy buông đi.

Như vậy chúng ta thấy bốn câu đầu Ngài diễn tả Thần Quang chùa vắng hứng u nhàn. Cảnh chùa Thần Quang là nơi vắng vẻ u nhàn. Thỏ ngọc, vầng ô dạo khắp trời. Mặt trăng, mặt trời qua lại trong hư không, Ngài tưởng như được cỡi trên mặt trăng mặt trời dạo khắp bầu hư không. Mười mấy lâu đài bày tranh vẽ. Những lâu đài ở trên chùa hiện ra giống như một bức tranh vẽ. Ba ngàn thế giới mắt thơ trùm. Tam thiên đại thiên thế giới nằm trong con mắt của nhà thơ. Đây là nói lên tâm hồn thi sĩ của Ngài.

Thói đời thay đổi dường mây nổi. Chỗ nói vân thương cẩu là khi những cụm mây trắng tụ lại chúng ta thấy nó như con chó, cái nhà, hoặc cây cối. Như khi mây mờ hiện trên nền trời xanh thì giống hình con chó xanh, khi mây trắng nổi thì giống như con chó trắng, tùy theo sự thay đổi của cụm mây. Ở đây muốn nói tình đời thay đổi dường như mây nổi lúc thấy hình này, khi thì dạng khác không cố định, không dừng một chỗ. Quí vị thấy tình đời có đổi thay không? Chúng ta thấy những người chung quanh có khi rất thương mến chúng ta có khi lại không thương. Nêáu ôn lại bao nhiêu năm qua chúng ta sẽ thấy tình đời đổi thay. Khi mình ở địa vị quyền thế thì người chung quanh đối với chúng ta rấát tốt. Khi thất thời thất vận không làm gì được, thì những người chung quanh sẽ đối xử với mình ra sao? Chắc là tình thương và sự quí kính của ngày xưa biến thành ghét và khinh thường của ngày nay, chẳng khác nào chùm mây nổi đổi thay luôn luôn. Nghe như thế quí vị sẽ trách đời sao không có thủy chung, một lòng một dạ, nhưng quí vị trách vậy có được không? Trách đời hay trách mình, mình có vậy không? Mình tự hỏi mình có đổi thay hay không? Ngay như tôi đã khác xưa lắm rồi, nhờ có khác nên mới tiến bộ. Như vậy đứng trên lãnh vực người tu khi mới xuất gia tâm hồn mình khác. Tỷ dụ lúc mới tu nghe bà con thân nhân đến thăm thì mừng vì được người thân đến thăm. Khi tu lâu rồi mới thấy càng bị trói buộc trong tình thế gian, tình gia đình thì sự tu hành bị ngưng trệ. Vì một người thân đến thăm có bao giờ nói thầy tu tốt lắm, ráng tu đi, chẳng lẽ chỉ nói câu đó thôi sao. Ban đầu hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm ba má anh em. Sau được nghe kể người này giận người kia làm sao, xử sự tốt xấu thế nào, mình nghe rồi cũng bận lòng không yên. Như vậy càng được thăm càng rối rắm. Thế nên, ngày xưa mình muốn được nhiều người thân thăm viếng, nhưng lâu rồi không muốn ai thăm để an ổn tu hành cho có kết quả, đó là đổi thay rõ ràng. Chính lòng người tu cũng đổi thay huống nữa người đời. Tuy nhiên người tu đổi thay theo chiều tiến, còn người đời đổi thay bất thường. Mới ngày nào thân, bất thần có sự việc gì xảy ra rồi trở thành thù. Do đó người ta hay trách nhân tình thế thái là như vậy. Còn người tu luôn luôn chuyển hướng từ chỗ sơ cơ tầm thường tiến đến chỗ thâm thúy cao siêu, đó là chuyện thường của người tu. Tóm lại lòng người luôn luôn thay đổi kể cả lòng người tu, chớ không phải dừng ở một chỗ mãi.

Tùng chẳng biết năm sư bạc đầu. Như những cây thông có biết nó bao nhiêu tuổi không? Nó không biết, nhưng lâu lâu nhìn lại những vị tu thấy đầu bạc trắng. Như vậy tất cả sự vật chung quanh tuy có đổi thay nhưng nó không ý thức được nó đổi thay, chỉ có con người biết nhìn lại mới thức tỉnh, biết rằng thân này sẽ đi lần đến cái già, cái chết. Vì vậy chỉ có người tu mới biết được sự chuyển biến đó. Hai câu kết thật là lý thú:

            Ngoài tuần hương đốt tham Phật sự,

            Bao nhiêu niệm lự thảy thôi thôi.

Nghĩa là ngoài tuần hương đốt để tham vấn hay học kinh ra, còn bao nhiêu niệm lự khác xin hãy thôi đi, đừng nuôi dưỡng chứa chấp nó. Quí vị có ưng ý câu đó không?

Như vậy chúng ta thấy cái nhìn hay đường lối tu của vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm đại đầu-đà thật rõ ràng, Ngài dạy hay Ngài nói lên tâm niệm tu hành, ngoài sự lễ bái, tọa thiền, lúc nào có một niệm lự dấy lên đều phải thôi, phải dừng, phải buông, không nên giữ, không nên chứa chấp. Đó là lời Ngài nhắc nhở sự tu hành cho chúng ta.

3. XUÂN HIỂU

Âm:    Thụy khởi khải song phi,

            Bất tri xuân dĩ qui.

            Nhất song bạch hồ điệp,

            Phách phách sấn hoa phi.

Dịch: BUỔI SỚM MÙA XUÂN

            Ngủ dậy mở cửa sổ,

            A, xuân về rồi đây!

            Kìa một đôi bướm trắng,

            Nhằm hoa phơi phới bay.

                                                TRẦN LÊ VĂN

Bài này nói về buổi sáng mùa xuân, Ngài diễn tả rất hay, rất khéo nhưng chỉ tả cảnh chớ không có ý nghĩa đạo lý nên tôi không phải giảng.

4. XUÂN CẢNH

Âm:    Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

            Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

            Khách lai bất vấn nhân gian sự,

            Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Dịch: 

            Dương liễu hoa dầy, chim hót thưa,

            Bóng thềm, nhà vẽ, cụm mây chiều.

            Khách sang chẳng hỏi việc nhân thế,

            Cùng tựa lan can ngắm bầu trời.

Giảng:

            Dương liễu hoa dầy chim hót thưa,

Cảnh xuân này thật là xuân đạo vị, chẳng phải xuân thường. Nhìn thấy cảnh xuân qua cây dương liễu trổ hoa dầy mịch với tiếng chim hót trên cành thưa từng tiếng.

            Bóng thềm, nhà vẽ, cụm mây chiều.

Bóng thềm ở đây nói là thường vào buổi chiều, những bụi tre gần nhà khi gió thổi đong đưa thì thấy như bóng tre quét thềm. Nhà vẽ đây có hai ý. Nhà vẽ là nhà không thật do người ta vẽ, hay là nhà có những trang trí như vẽ hoa, vẽ cảnh trên tường. Cụm mây chiều bay qua rồi mất. Vì vậy theo cái nhìn của tôi thì nhà vẽ là nhà do người ta vẽ ra không phải thật. Như vậy ý này mới hợp với bóng thềm, nhà vẽ và cụm mây cả ba đều không thật. Do đó tôi dịch là bóng thềm, nhà vẽ, cụm mây chiều. Nghĩa là dù cho mùa xuân đã về có dương liễu trổ hoa, có chim hót nhưng chung quanh chỉ là bóng thềm, nhà vẽ với cụm mây chiều là những hiện tượng vô thường giả tạm, không thật có.   

            Khách sang chẳng hỏi việc nhân thế,

            Cùng tựa lan can ngắm bầu trời.

Nếu có khách đến thăm không đem việc đời ra hỏi, chẳng hạn hỏi huynh đệ ở nhà có mạnh khỏe không? Năm nay làm ăn có phát đạt không? Thường gặp chuyện như ý không? v.v… mà chỉ cùng khách đứng ngắm bầu trời đủ rồi. Nhưng ít ai chịu như thế, nếu khách đến mình chỉ dẫn lên lan can để ngắm bầu trời thì chắc người đó ra về sẽ không bao giờ trở lại thăm nữa. Họ sẽ cho mình không biết lịch sự, tiếp khách mà không nói được một câu nào! Nhưng thật ra tất cả cảnh đã nói hết rồi, nào là hoa liễu nở, nào là chim hót, thêm vào đó những hình bóng tạm bợ vô thường không có gì thật hết, nhìn thấy cảnh liền tỉnh, nói chi nữa cho dư. Đó là ý nghĩa rất thâm trầm mà người đời ít ai chấp nhận. Khi gặp khách đến tiếp đón nồng hậu cười nói líu lo họ mới chịu, nếu không họ sẽ không vui.

5. XUÂN VÃN

Âm:    Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

            Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.

            Như kim khám phá Đông hoàng diện,

            Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Dịch: CUỐI XUÂN

            Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

            Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

            Chúa xuân nay bị ta khám phá,

            Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Giảng:

Bài này nói theo từ ngày xưa là đắc ý nhất, nói theo từ thời nay là tâm đắc nhất của tôi, nên tôi đã từng giải thích qua nhiều bài rồi.

            Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

Ý nói lúc còn nhỏ về lý Bát-nhã “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” mình chưa biết, cho nên:

            Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Mùa xuân đã về thấy hoa nở lòng mình cũng rộn ràng thích thú, cũng vui tươi cười giỡn mừng đón xuân.

            Chúa xuân nay bị ta khám phá,

Chúa xuân là dịch chữ Đông hoàng diện, là chỉ vị thần của mùa xuân, nhưng nói chúa xuân thì nghe rõ hơn. Chúa xuân đây không phải là vị thần ở bên ngoài mà để chỉ tâm chân thật của chính mình, ngày nay mình đã nhận ra được nó rồi.

            Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Khi đã nhận ra có cái chân thật ở ngay nơi mình, thì lúc đó trải chiếu ngồi trên giường thiền ngắm bao nhiêu thứ hoa nở hoa tàn rơi rụng từng cánh lòng vẫn an nhiên không động. Quí vị thấy cũng cảnh xuân đó mà khi mê thì có những thích thú, vui mừng nhộn nhịp theo cảnh xuân. Khi đạt được đạo lý chân thật rồi, thì dù cho thấy hoa nở hoa tàn, lòng mình vẫn bình thản không rộn rã, không dính kẹt nó nữa. Nghĩa là không vì cảnh đẹp xấu, hoa nở hay tàn mà tâm xao xuyến. Chẳng qua khi mê tâm bị cảnh chuyển, lúc tỉnh cảnh phải tùy tâm. Quí vị thấy có được phần nào điều này hay chưa? Hay là xuân đến cũng vui mừng rộn rã, xuân tàn cũng buồn bã, cũng se thắt trong lòng chớ không thản nhiên nhìn hoa tàn, hoa rụng. Vì vậy chúng ta tu khi mê với lúc tỉnh có khác, cùng một cảnh mà hai cái nhìn khác nhau. Thế nên cổ nhân có câu:

            Như nhau dọc mũi ngang mày,

            Lòng phàm, lòng thánh khác nhau muôn trùng.

Về hình thức thì ai cũng như ai, nhưng trong lòng khi mê khi ngộ có khác. Không những người này khác với người kia mà chính bản thâân mình lúc mê lúc ngộ cũng khác. Đó là để nói lên tâm hồn của con người khi chưa hiểu đạo thấy cuộc đời cách khác, lúc hiểu đạo rồi lại thấy khác hơn. Như vậy quí vị đã tu chắc nhìn đời phải hơn người chưa tu chứ! Nếu chúng ta đã tu mà nhìn cuộc đời không khác với người chưa tu thì tâm chúng ta chưa đổi chút nào, vì nếu tâm đã đổi thì phải thấy khác. Bài này tôi thích nhất là ngài Trúc Lâm đại đầu-đà diễn tả lúc mình còn nhỏ và khi đã hiểu đạo, hai tâm trạng đó hết sức cụ thể chỉ trong bốn câu thơ ngắn gọn. Hồi chưa rõ lý sắc không là chưa hiểu đạo cho nên khi xuân về nhìn thấy hoa nở rộ, lòng mình cũng rộn rã, bồi hồi. Ở đây tuy nói mùa xuân nhưng cũng muốn nói lên tất cả. Khi gặp cảnh vui, cảnh ưa thích thì tâm hồn cũng xao xuyến loạn động. Ngày nay đã đạt đạo rồi thì tất cả những gì ngày xưa mình mến thích bây giờ đến, mình vẫn thản nhiên, giả sử nó có bị tàn phai cũng không bận bịu, bồn chồn. Đó là tâm hồn của người tu. Làm sao trong một, hai, ba hoặc mười năm tất cả Tăng Ni đều được như hai câu cuối của bài thơ này. Ngồi trên giường thiền nhìn cảnh đến, đi, vui buồn mà lòng vẫn bình thản không vướng bận, không rộn rã nữa.

6. SƠN PHÒNG MẠN HỨNG

Âm:    I. Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

            Bấp hàm hà tất mích thần tiên.

            Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,  

            Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

            Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

            Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

            Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

            Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Dịch: PHÒNG NÚI KHỞI HỨNG

            I. Ai trói lại mong cầu giải thoát,

            Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.

            Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,

            Như cũ vân trang một chõng thiền.

            Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm,

            Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.

            Mưa tạnh, hoa trơ non vắng lặng,

            Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

Giảng:

Hai bài thơ này tôi cho là rất lý thú và thật thiết yếu đối với người tu.

            Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

Thùy phược là ai trói buộc, cánh là lại, tương cầu giải thoát là tìm cầu giải thoát. Nghĩa là ai trói buộc, mình lại đi tìm cầu giải thoát. Quí vị tu có phải cầu giải thoát không? Chúng ta tu là để cầu giải thoát. Như vậy giải thoát là nghĩa gì? Giải là mở, thoát là ra khỏi trói buộc, cho nên giải thoát là mở trói cho mình. Vậy thì chúng ta bị ai trói mà mong cầu mở. Thí dụ như mắt thấy sắc đẹp, thích sắc đẹp thì bị nó trói. Tai nghe tiếng hay thích tiếng hay, bị tiếng hay trói, mũi ngửi mùi thơm thích mùi thơm, bị mùi thơm trói, lưỡi nếm vị ngon thích vị ngon, bị vị ngon trói, thân xúc chạm vật mềm mại ưa thích, bị cái mềm mại trói. Nghĩa là tất cả sáu căn bị sáu trần trói buộc. Như vậy sáu trần trói buộc mình hay mình tự trói buộc? Hầu hết mọi người thường nói: “Tôi bị nghiệp trói, nên tu để giải nghiệp.” Nghiệp trói bằng cách nào quí vị có thấy không? Nếu mắt thấy sắc đẹp không nhiễm thì nó có trói được không? Tai nghe tiếng hay không dính mắc, bận bịu nó có buộc được không? Đâu có gì trói buộc, trói buộc là do lòng mình nhiễm trước. Như vậy có ai trói buộc mình không? Phật Tổ hay ma vương có trói mình không? Rõ ràng Phật Tổ thì mở cho mình, còn ma vương có trói không? Đó là lối nói do tưởng tượng. Thực tế không ai trói mà mình tự trói nên ở đây nói: Ai trói lại mong cầu giải thoát? Như vậy chúng ta tu cầu giải thoát hay cầu không nhiễm, cầu giải thoát là thực tế hay cầu không nhiễm là thực tế? Nghĩa là chính chúng ta nhiễm thì bị trói, không nhiễm thì ai trói. Vì vậy chúng ta không thể cầu bên ngoài cứu mình mà chỉ cầu sao mình thường tỉnh không bị nhiễm sáu trần, đó là gốc. Đây tôi dẫn câu chuyện Tổ Tăng Xán gặp một Sa-di mới mười bốn tuổi là ngài Đạo Tín. Ngài Đạo Tín biết Tổ là người đạt đạo liền chắp tay bạch: bạch Hòa thượng dạy cho con pháp môn giải thoát. Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt ngài Đạo Tín nói: Ai trói buộc ngươi? Câu hỏi của Tổ làm cho ngài Đạo Tín sửng sốt, tìm kỹ lại một lúc rồi Ngài thưa với Tổ: Không ai trói buộc con. Tổ bảo: Không ai trói buộc cầu giải thoát làm gì? Ngay câu nói đó ngài Đạo Tín ngộ đạo. Thật giản đơn làm sao? Quí vị thấy rõ chưa? Không ai trói buộc, mình không cầu giải thoát, có giải thoát được không? Nếu không nhiễm thì không cần cầu, còn nhiễm dù ít vẫn bị trói, vì vậy phải cầu giải thoát. Từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta cái nào nhiễm đều bị trói, nếu không nhiễm thì được giải thoát tự tại. Như vậy trọng tâm của giải thoát là do mình, không nhiễm, không bị trói buộc mà cầu giải thoát là dư, là thừa, nên nói: Ai trói buộc mong cầu giải thoát.

            Bất phàm hà tất mích thần tiên.

Nghĩa là không phải phàm thì đâu cần tìm kiếm thần tiên làm gì? Như vậy quí vị nghĩ tất cả chúng ta có mặt ở đây là phàm hay thánh. Ai cũng nói tôi là kẻ phàm phu, nếu tu thì nói là phàm tăng không ai dám nói là thánh tăng cả. Mình đã nhận mình là phàm tại sao Ngài lại nói bất phàm tức là không phàm. Trên thực tế thấy mình là phàm nhưng xét kỹ đến chỗ cứu kính thì tất cả chúng ta không ai phàm hết. Nếu nói như thế quí vị sẽ thầm nghĩ mình là Thánh, nhưng nếu nói là Thánh ắt có tội vì mình còn nhiều xấu xa phiền não. Vậy tại sao Ngài nói “bất phàm hà tất mích thần tiên”? Chỗ này quí vị nhớ trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy rất rõ: Chỉ sạch phàm tình không cầu thánh giải. (Đản tận phàm tình bất cầu thánh giải.) Thế nên chúng ta tu chỉ dứt hết những cái xấu dở của tình phàm. Khi sạch hết rồi tức hết phàm là Thánh. Như vậy Thánh đâu ngoài con người phàm này. Đây tôi nói thực tế cho quí vị thấy như chúng ta hiện nay thấy cái gì tốt thì ham muốn gọi đó là tham. Ai nói trái tai nổi giận gọi đó là sân. Thấy ai hơn thì ganh tị, thấy ai có tài có đức hơn, mình không ưa v.v… Tất cả những thứ sam, sân, si, ganh tị, oán hờn… đó là phàm tình. Bây giờ quí vị chịu khó bỏ đi, bỏ từng cái, khi những cái đó hết sạch thì quí vị là Thánh rồi. Như vậy Thánh không ở ngoài đến với mình, Thánh là do hết tâm phàm trở thành Thánh. Thế nên đâu cần tìm thần tiên làm gì. Chính mình hãy gạt bỏ sạch hết những thứ xấu dở hư của con người hay của tâm niệm phàm tục thì cái sáng suốt trong lành của tâm Thánh hiện ra. Như vậy tâm Thánh đã có sẵn nơi mình. Do đó Ngài không nói Thánh mà nói bất phàm. Bởi vì mình có sẵn tâm Thánh rồi nên tất cả tâm phàm bỏ đi thì tâm Thánh hiện. Vì vậy chúng ta có thể tạm nói mình là nửa phàm nửa Thánh, nếu sống với nửa phàm thì Thánh ẩn, Thánh đã sẵn trong con người chúng ta chớ không phải từ nơi nào đến. Thế nên chúng ta tu không cần bên ngoài, bên ngoài không làm cho chúng ta thành Thánh, chính chúng ta bỏ được cái phàm thì chúng ta là Thánh chớ không tìm đâu xa. Bởi vậy tu là gạt bỏ những cái hư xấu dở mà mình đã chứa chấp từ lâu nay, đến khi nó sạch hết thì Thánh hiện đầy đủ. Do đó trong nhà thiền không nói chúng ta tu phải cầu được cái này, cái kia, nếu cầu được là không phải chúng ta rồi. Chỉ cần dẹp bỏ những cái phàm thì Thánh hiện, đó mới thật là chính mình. Như vậy quí vị có dám tự hào chúng ta là bất phàm hay vẫn cho mình là phàm phu không khác? Thật ra mỗi người đều có phàm Thánh lẫn lộn. Vì vậy người tu mà nói chờ ai điểm đạo cho mình mới thành Thánh là nói gạt. Nếu có người điểm đạo mà mình còn tham, sân, si, tật đố, kiêu mạn… mà được thành Thánh là chuyện vô lý vì không có ông Thánh nào còn tham, sân… chẳng lẽ điểm đạo cho mình hết tham, hết sân liền sao? Mà chính mình phải dẹp sạch những tham, sân, si, xấu dở của mình rồi thì tự cái thánh sẽ hiện bày ra không cần tìm ở đâu. Như vậy chúng ta mới thật hiểu được Phật pháp, nếu khác đi là hiểu sai lầm. Vậy thì chỉ cần hai câu chúng ta thấy bao nhiêu đạo lý trong đó: Không ai trói buộc thì không cần cầu giải thoát, chẳng phải phàm thì tìm thần tiên làm gì?

            Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,

            Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Viên nhàn là con vượn nhàn, mã quyện là ngựa mệt, nhân ưng lão là người đã già. Vượn nhàn đây tức là mỏi mệt được dừng nghỉ, ngựa thì nhọc, người thì già. Vượn, ngựa, người tất cả đều hiện tướng nhọc nhằn, mệt mỏi do sự biến chuyển đưa đến gần chỗ cuối cùng là tướng già. Nói tóm lại ba hình ảnh trên nói lên sự vô thường của cuộc đời. Tuy cuộc đời luôn luôn bị vô thường thúc bách con người đến chỗ già, chỗ chết. Nhưng mà y cựu là như xưa, vân trang tức là cái nhà ở trên núi, nhất tháp thiền là một giường thiền. Như vậy để nói lên rằng dù cho cuộc đời biến chuyển, dù cho con người bị đổi thay từ trẻ thành già, nhưng nơi vân trang ngày xưa người ngồi trên giường thiền không có gì đổi thay. Đó là để nói mặc cho cuộc đời có muôn ngàn biến chuyển, nhưng người đạt được tâm chân thật thì trước sau như một không chút đổi thay, như xưa ở vân trang không có gì thay đổi. Đó là tinh thần của người tu.

            Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

            Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Thị phi là phải quấy, niệm trục là niệm đi theo, triêu hoa lạc là sáng sớm hoa rơi rụng. Nghĩa là sáng sớm nhìn ở ngoài sơn phòng thấy các đóa hoa rơi từng cánh xuống đất thì niệm thị phi của chúng ta cũng theo đó mà rụng. Tâm danh lợi cũng theo trận mưa đêm lạnh mà lạnh đi.

Như vậy hai câu này Ngài diễn tả ở trên sơn phòng tức là căn phòng trên núi để tu, khi sáng ra thấy hoa trước cửa thất rơi rụng thì tâm thị phi cũng theo đó mà rụng. Tối mưa đêm lạnh thì tâm danh lợi cũng lạnh theo mưa đêm.

            Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

            Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Hoa đã hết, mưa đã tạnh nhưng ngọn núi vẫn lặng lẽ. Rồi có con chim kêu lên một tiếng, nhìn thấy mùa xuân đã qua. Hai câu này nghe khó hiểu nhưng ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vì khi niệm thị phi của chúng ta rơi rụng hết, tâm danh lợi của chúng ta tan nát rồi lúc đó cũng giống như là hoa hết, mưa tạnh chỉ còn ngọn núi lặng lẽ. Như vậy khi tâm thị phi hết, tâm danh lợi cạn thì lúc đó còn một tâm thể nguyên vẹn lặng lẽ, cho nên dùng hình ảnh một ngọn núi lặng lẽ dường như vô tình, nhưng đây: Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn, trong ngọn núi tịch tĩnh đó lại có tiếng chim hót lên là mùa xuân đã qua. Như vậy để thấy niệm thị phi đã sạch, tâm danh lợi đã hết thì chúng ta còn một tâm thể thanh tịnh, tâm thể không phải vô tri, vô giác mà tính giác bừng khởi ở trong đó không còn bị chi phối bởi thời gian cho nên nói mùa xuân tàn. Đó là chỗ kỳ đặc của Ngài chỉ cho chúng ta thấy vậy. Nói tóm lại hai bài thơ này Ngài chỉ dạy thật thiết yếu cho người tu.

*

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM