SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM
THI PHÚ HÁN NÔM (tt)
GIẢNG
Trong bài phú
này chia ra làm mười hội, từ hội thứ nhất đến thứ mười. Ở đây tôi tuần tự
giải thích cho quí vị thấy ý nghĩa của từng bài.
HỘI THỨ
NHẤT
Mình ngồi
thành thị;
Nết dùng sơn
lâm.
Muôn nghiệp
lặng an nhàn thể tánh;
Nửa ngày rồi
tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn
dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí;
Thị phi tiếng
lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước
biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng,
hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc
vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa
tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt,
ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường
sanh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.
Sách Dịch xem
chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc
dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Hội thứ nhất
có cả thảy mười bốn câu. Mười bốn câu này Ngài diễn tả tâm trạng của Ngài
trong lúc làm Thái thượng hoàng.
Mình ngồi
thành thị, tức là ở tại triều đình, làm Thái thượng hoàng hướng dẫn cho
con trông coi việc nước.
Nết dùng sơn
lâm. Theo bản dịch của ông Hoàng Xuân Hãn thì “Dùng nết sơn lâm”. Chữ
“Dùng nết” hay “Nết dùng” cũng giống như nhau. Nghĩa là tư cách dùng theo
tinh thần của người ở núi rừng.
Như vậy thân
ngồi ở thành thị mà tinh thần hay hành động giống như người ở núi rừng.
Hai câu này nói lên ý nghĩa Cư trần lạc đạo, vì ở thành thị là ở trong
trần, lạc đạo là giống như người ở trong rừng núi, không bị nhiễm nhơ bởi
thành thị.
Muôn nghiệp
lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi
tự tại thân tâm.
Tuy là ở thành
thị mà các nghiệp đều lặng. Bởi nghiệp lặng nên thể tánh được an nhàn tự
tại. Sở dĩ chúng ta ở thành thị mà không được an nhàn là vì do nghiệp cứ
trói lôi, còn Ngài ngồi tại thành thị mà các nghiệp đã yên lặng cho nên
thể tánh an nhàn thanh tịnh.
Nửa ngày rồi
nghĩa là sao? Chữ “rồi” là rảnh rỗi chớ không phải rồi là hết. Nửa ngày
rồi tức là được nửa ngày rảnh rỗi rồi thân tâm rất tự tại. Bởi vì Thái
thượng hoàng làm việc cho triều đình một buổi, còn một buổi được thảnh
thơi nên Ngài nói thế.
Đó là bốn câu
đầu diễn tả thời gian đang ở địa vị Thái thượng hoàng, còn lo cho dân cho
nước mà Ngài vẫn thảnh thơi tự tại.
Tham ái nguồn
dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí.
Châu ngọc là
những thứ người thế gian mến yêu quí trọng, nhưng đối với Ngài lòng tham
ái đã cạn, nên Ngài không còn nhớ nghĩ tới nữa. Như vậy Ngài ngồi tại
triều đình mà không ngó nghĩ tới châu ngọc, chúng ta thấy thật là một điều
rất ít có.
Thị phi tiếng
lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Những tiếng
thị phi đối với tâm Ngài đã lóng lặng, cho nên được “dầu”, chữ “dầu” ở đây
có nghĩa là mặc tình. Được dầu là mặc tình được nghe tiếng yến thốt, tiếng
oanh ngâm. Tiếng yến thốt oanh ngâm này ý nghĩa thế nào? Đây không phải là
tiếng chim kêu mà là tiếng của các phi tần. Vì các bà ở trong cung luôn
luôn ưa người này, ghét người kia, nên gặp vua lúc nào cũng kiếm chuyện
chỉ trích người này, phê phán người nọ. Đối với tâm thị phi Ngài đã lặng,
nên dầu các bà có tâu hót thì lòng Ngài vẫn yên tịnh, chớ không phải nghe
than thở trách móc rồi lòng Ngài rối động.
Hai câu này
giúp chúng ta thấy rõ tâm hồn của Ngài rất cao thượng. Tuy còn ở địa vị
cao sang mà đối với châu ngọc vẫn không màng. Tuy còn ở trong cung triều,
có bao nhiêu người hầu kẻ hạ, bao nhiêu chuyện thưa tâu thị phi, mà Ngài
vẫn thản nhiên không mắc kẹt. Đó là nói lên tâm trạng của một ông hoàng
đang còn ở tại triều mà không dính kẹt vào của quí, vào lời thị phi của
những người thân.
Chơi nước
biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý. Đi chơi nước biếc hoặc
ẩn trên non xanh, thì ở thế gian có lắm người đắc ý. (Theo ông Hoàng Xuân
Hãn gọi là đắc chí, chữ ý bên kia đọc là chí). Người thế gian đi chơi ngắm
nước biếc, nhìn non xanh thì thích lắm. Thí dụ như chúng ta đi về miền
Tây, xuống thuyền ngồi, ngắm dòng sông xanh, hoặc lên cao nguyên nhìn
những ngọn núi biếc, những rặng thông gió thổi reo vi vu nghe rất thích.
Đó là cái thích thú của người thế gian.
Biết đào hồng,
hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm. Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì
ghi “mấy chú” còn ở đây là “mấy chủ”, vì chữ nôm nguyên là chữ “chủ”, có
thể đọc là “chú”, nhưng đây giữ nguyên là “chủ”. Nhìn cây đào trổ hoa màu
hồng, thấy cây liễu lá xanh, hay nói cách khác nhìn thấy hoa thấy cảnh
đúng như thật của nó, thiên hạ trên thế gian này có mấy người được! Người
thích cảnh đẹp, nhìn nước biếc non xanh thì ưa, đó là chuyện thường tình.
Còn nhìn đóa hoa, cây liễu mà thấy được chỗ tường tận, thấu đáo được lẽ
thật của nó thì thật ít có người tri âm, ít có người hiểu thấu. Như vậy
hai câu này nói lên tâm trạng của người thế gian chỉ chạy theo cảnh, theo
những nét đẹp bên ngoài, còn người học đạo thấy được như thật từ đóa hoa,
cành liễu thì cũng rất ít có vậy! Như tất cả Tăng Ni ở đây có thấy được
đào hồng, biết được liễu lục, nhưng thấy biết như thật hiện tướng của nó
thì chắc ít có. Vì vậy những cây đào, cây liễu ít có được tri âm.
Nguyệt bạc
vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng. Nguyệt bạc tức là mặt trăng
sáng, vừng xanh, chữ vừng nguyên là chữ vầng, có nghĩa bầu trời xanh, soi
mọi chỗ thiền hà lai láng là soi mọi chỗ trên dòng sông thiền lai láng. Vì
sao lại lai láng? Quí vị thấy nếu đêm rằm trời trong trăng sáng, ánh sáng
mặt trăng chiếu rọi xuống hồ, xuống suối thì chúng ta thấy có ánh sáng
trong rọi lại thành một dòng lai láng vậy. Đây muốn nói nhìn mặt trăng
sáng, bầu trời xanh, rồi nhìn xuống các dòng sông hay các mặt hồ thấy như
có dòng thiền tràn khắp hay lai láng mọi nơi. Đó là chỉ cho chúng ta thấy
cảnh mặt trăng, thấy được bầu trời trong ấy toàn là những hình ảnh thiền
trùm khắp chớ không có gì khác.
Liễu mềm hoa
tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm. Cây liễu mềm, hoa tốt, chữ “ngất” là
khắp cả, trùm hết quần sanh. Tuệ nhật sâm lâm nghĩa là bao nhiêu quần sanh
được mặt trời trí tuệ bao trùm khắp cả.
Hai câu này
diễn tả đạo lý thật lênh láng, tràn đầy. Mặt trăng sáng, bầu trời xanh cho
nên mọi dòng sông đều tràn trề nguồn thiền. Cây liễu mềm, đóa hoa tốt, hay
tất cả quần sanh đều được mặt trời trí tuệ trùm khắp. Như vậy trí tuệ và
tâm thiền trùm cả bầu trời và muôn vật. Đó là hai hình ảnh rất đẹp của
người tu. Khi nào chúng ta nhìn thấy tất cả đều là “thiền hà”, đều là “tuệ
nhật” thì đạo đức tràn trề. Còn nếu nhìn dòng sông, nhìn mặt trăng sáng,
bầu trời xanh mà nhớ những thi văn thế gian thì không có “thiền hà”. Hoặc
nhìn liễu mềm hoa tốt mà nhớ theo tâm hồn thi sĩ thì cũng không có mặt
trời trí tuệ bao trùm. Ở đây với cái nhìn của Ngài thì tất cả đều hiện thể
của thiền, của trí tuệ nên cái gì cũng là thiền, là trí tuệ.
Lo
hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường sanh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.
Người nào muốn
đổi xương của mình cho được nhẹ nhàng để có thể bay đi như các ông tiên
cỡi hạc, thì phải uống linh đơn, thần dược của tiên. Ai muốn sống mãi mãi
không chết và được lên thượng giới thì nên dùng thuốc thỏ hay thuốc đâm.
Chữ ngọc thố là con thỏ ở trên cung trăng. Theo trong sử nói, Hằng Nga
trộm thuốc trường sanh uống vào thì được sống mãi. Vì vậy nên nói ai muốn
được trường sanh, được lên thượng giới tức là cung trăng, thì phải đâm
thuốc ở cung trăng mà uống. Như vậy hai câu này để nói đến những người
muốn được bay đi nhẹ nhàng thì phải uống thuốc tiên, người muốn sống lâu,
muốn lên thượng giới phải uống thuốc trường sanh ở trên cung trăng.
Sách Dịch xem chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Sách Dịch tức
là kinh Dịch của nhà Nho Ngài chỉ xem chơi, chớ không lấy đó làm chuẩn,
làm mục đích chánh. Tuy xem sách Dịch, nhưng yêu thì yêu tánh sáng của
chính mình. Tánh sáng là gì? - Là tánh Phật. Chỉ yêu tánh Phật hơn yêu
châu báu. Quí vị nghĩ chúng ta xuất gia rồi mà có yêu tánh sáng hơn yêu
châu báu không? Chắc quí vị cũng không biết nó ở đâu mà yêu, nên chưa lưu
tâm để ý. Còn Ngài biết được nó, nên tuy tay cầm sách Dịch đọc chơi, nhưng
thật ra trong lòng chỉ thích tánh giác của mình. Đó là cái cao quí nhất mà
trọn đời Ngài quí trọng.
Kinh nhàn đọc
dấu, chữ dấu là thích thú. Sách Dịch xem chơi, còn kinh Phật thì đọc rất
thích. Vì thích kinh Phật cho nên trọng lòng rồi, chữ “rồi” có nghĩa là
rỗi, trọng lòng rảnh rỗi thanh thản nhẹ nhàng của mình nói cho dễ hiểu tức
là tâm vô sự. Chữ “nữa” là hơn, trọng nữa hoàng kim nghĩa là trọng còn hơn
vàng ròng. Câu này có nghĩa là đọc kinh Phật Ngài rất thích, quí tâm vô sự
còn hơn là vàng ròng. Như vậy quí vị thấy chỉ có bấy nhiêu câu, chúng ta
thấy tâm hồn của Ngài như thế nào? Còn chúng ta đã xuất gia mà so với cái
nhìn của Ngài, mình còn kém xa.
Tóm lại, chúng
ta thấy một con người đang làm vua, làm Thái thượng hoàng mà tâm đạo tràn
trề. Đối với thiền, với trí tuệ, Ngài lúc nào cũng thấy nó trùm khắp. Đối
với chỗ vô tâm Ngài thấy quí nhất trong đời. Như vậy hội thứ nhất này diễn
tả tâm trạng của Ngài trong thời gian đang làm Thái thượng hoàng mà yêu
đạo, quí đạo và sống được với đạo.
HỘI THỨ HAI
Biết vậy!
Miễn được lòng
rồi;
Chẳng còn phép
khác.
Gìn tánh sáng
tánh mới hầu an;
Nén niềm vọng,
niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân
ngã thì ra tướng thật kim cang;
Dừng hết tham
sân mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là
lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di-đà là tánh
sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Xét thân tâm,
rèn tánh thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh,
địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn
trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận
sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui
bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung;
Dầu hay mến
thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Hội thứ hai
Ngài diễn tả sự tu hành, so sánh sự tu hành đó đối với những cái quí của
thế gian. Chữ “Biết vậy!” là để mở đầu của hội cho nên không nằm trong mấy
câu đối đãi ở sau.
Miễn được lòng
rồi; chẳng còn phép khác.
Chữ miễn có
nghĩa là cốt, chữ lòng là tâm. Người tu cốt nhận ra được tâm của mình. Khi
nhận được bản tâm rồi thì không cần phép nào khác hơn, nên nói thiền là
Tâm tông. Tâm tông là chủ yếu hướng về tâm. Vì vậy chúng ta tu cốt sao
nhận được tâm rỗng rang an tịnh của mình. Như vậy hai câu này chỉ thẳng
mục đích của người tu thiền.
Gìn tánh sáng, tánh mới hầu an;
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Hai câu này là
đúng với tinh thần mà chúng ta đang ứng dụng tu. Gìn tánh sáng tức là gìn
giữ tánh sáng của mình, thì tánh sáng đó mới được an ổn mà hằng chiếu soi,
nếu không nó sẽ bị che khuất. Nhưng muốn gìn tánh sáng phải làm sao? Nén
niềm vọng, chữ “niềm” tức là niệm. Những niệm vọng tưởng chúng ta phải
buông bỏ nó, niệm vọng tưởng dừng rồi thì không còn lầm lẫn. Chữ “thác” là
lầm lẫn. Người tu muốn cho trí tuệ hay tánh giác của mình luôn luôn hiển
bày thì phải buông xả những niệm vọng tưởng. Những niệm vọng tưởng đã lặng
rồi thì sẽ thấy lẽ thật không còn lầm lẫn, không còn sai chạy nữa. Như vậy
để thấy chủ trương của Ngài và chúng ta không khác nhau.
Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thật kim cang;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác.
Ở đây Ngài dẫn
trong kinh ra để nói, nếu chúng ta tu muốn đạt được trí kim cang, tức là
trí không có gì phá hoại được, thì chúng ta phải dứt trừ nhân và ngã. Thật
ra trong kinh Kim Cang nói đến tứ tướng là tướng ngã, nhân, chúng sanh,
thọ giả. Tuy nói bốn tướng nhưng chỉ nằm trong hai tướng, vì chúng sanh ở
trong tướng ngã và nhân. Thọ giả cũng là sanh mạng của chúng sanh, sanh
mạng của ngã và nhân, nên nói ngã nhân là trùm hết. Chúng ta tu muốn đạt
được trí kim cang hay thật tướng kim cang, tức là trí tuệ chân thật bất
sanh bất diệt thì phải trừ hai tướng là tướng ngã và tướng nhân. Ngã là
ai? và nhân là ai? Ngã là ta, là mình, nhân là người, là kẻ khác. Làm sao
để đối với mình với người chúng ta không còn dính kẹt trong tướng ngã nhân
nữa? Trong kinh Kim Cang, đức Phật phân tích cho chúng ta thấy rõ, ngã
nhân là tướng duyên hợp không thật, vì không thật nên không chấp ngã,
không chấp nhân. Hiện giờ chúng ta sống mà nếu có ngã không có nhân thì
sống có vui không? Sống một mình đơn độc ở trong rừng chắc chịu không nổi,
vì vậy có ngã tự nhiên đòi hỏi phải có nhân. Có mình có người mới vui chứ!
Nhưng ở đây Phật dạy không có hai tướng nhân ngã mới được thể thật kim
cang là nghĩa làm sao? Bởi vì sống thấy có mình, có người là cuộc sống
bình thường của người phàm phu. Người phàm phu phải có đủ hai mặt đó họ
mới sống được, nhưng khi có ngã, có nhân rồi thì còn có gì nữa? Có ngã thì
có ngã chấp, có ngã chấp thì muốn cái ngã mình hơn. Có nhân thì có nhân
chấp, muốn mình hơn người. Chấp ta là thật, ta là quí, ta là hơn hết, cho
nên muốn ta hơn người mà hơn người cái gì? Hơn từ cái ăn, mặc, ở, cho đến
hình dáng, ngôn ngữ đều muốn hơn hết. Nếu có ai hơn mình thì mình buồn.
Như vậy cuộc sống có ngã có nhân thì bao nhiêu thứ phiền não theo đó nổi
dậy, vì chúng ta mê lầm chấp ngã là thật, nhân là thật rồi muốn cho ngã
mình cao, cái nhân của người phải thua, phải thấp mà trở thành tạo nghiệp
dẫy đầy. Vì vậy nếu chúng ta thấy ngã không thật, nhân không thật, tức là
mình không thật, người không thật thì mới đến chỗ bình đẳng không còn chấp
mình hơn, người thua v.v… do đó được trí tuệ chân thật kim cang. Nhưng ở
thế gian có sự mâu thuẫn lạ kỳ, khi sống một mình thì cô đơn chịu không
nổi, mà sống có người thứ hai thì có sự rầy rà, cãi vã. Tại sao lạ vậy?
Nếu sống một mình chịu không nổi thì lẽ ra có người khác mình mừng, mình
quí người ta chớ sao lại sanh đố kỵ? Nghĩa là thấy mình xấu, người đó đẹp,
hoặc lời nói mình ấp úng, ngập ngừng, người đó suôn sẻ, thông thạo, hay
mình bị người ghét người đó được thương thì mình bực bội. Như vậy không có
ai thì thấy cô đơn, buồn bã, có người thì sanh ganh tỵ, tật đố, đủ thứ tật
xấu, đủ thứ phiền não. Nếu theo lẽ công bằng, ở một mình đơn độc, buồn tẻ
thì khi được hai người lẽ ra vui được một chút, ba người thì vui thêm chút
nữa, một trăm người, một ngàn người thì vui vô kể phải không? Vì càng đông
càng vui mới phải, nhưng không biết tại sao có nhiều thì phiền não thêm
nhiều. Một mình thì khổ, nhiều người lại phiền, như vậy rốt cuộc muốn cái
gì? Thật ra vì chúng sanh mê muội, nên Phật thường dùng từ điên đảo để chỉ
người không thấy đúng lẽ thật. Vì vậy ở đây Ngài chỉ cho chúng ta thấy
muốn đạt được trí tuệ cứu kính thì phải dứt tâm chấp ngã, chấp nhân, để
thấy mình và người bình đẳng. Được như thế, dù hòa hợp với trăm ngàn muôn
người cũng không có gì trở ngại, không có gì ngăn cách. Còn thấy mình khác
người khác, có tâm phân chia nhân ngã thì càng đông, phiền não càng lắm
chớ không an ổn.
Dừng hết tham
sân mới lảu lòng mầu viên giác. Chữ lảu tức là làu làu, chữ viên giác đây
cũng nói kinh Viên Giác, mà cũng chỉ tánh viên giác của mình, là giác ngộ
viên mãn hay tánh giác tròn đầy ai cũng sẵn có. Nghĩa là người nào dừng
được lòng tham, thói nóng giận của mình thì lòng mới hợp với cái nhiệm mầu
của viên giác. Như vậy muốn được giác ngộ viên mãn, chúng ta phải bỏ hết
tham sân, thì tánh viên giác mới hiển hiện, mới mầu nhiệm được. Bởi vậy
chúng ta nói tu lâu sao không thấy gì hết. Vì tham, sân, si còn đầy bên
trong thì làm sao thấy được tâm viên giác. Khi nào tham, sân hết rồi thì
làu làu tâm viên giác hiện tiền. Như vậy quí vị đừng hỏi tôi chừng nào con
mới giác ngộ. Chỉ cần hết tham sân si thì tâm viên giác hiện tiền. Tôi ví
dụ như có một cái gương để trong bụi mười năm, hai mươi năm, nếu đem gương
đó ra cho mọi người soi, khi soi không thấy mặt, có một đứa bé ngây thơ
hỏi: “Chừng nào mình soi gương này được thấy mặt?” Người biết chuyện sẽ
đáp: “Chừng nào lau sạch bụi thì soi gương mới thấy mặt được.” Vì lau sạch
bụi thì gương mới sáng. Tuy ánh sáng đã có sẵn mà nếu không lau chùi bụi
phủ trên gương, thì dù cho ngàn năm cũng không thấy mặt được. Cũng như
thế, chúng ta tu là cốt làm sao cho tâm được giác ngộ tròn sáng, mà muốn
được vậy thì phải phủi hết những cái gì làm che khuất tâm giác ngộ của
mình, đó là tham sân si. Vì tham sân si là điều thực tế mình có quyền làm,
và mình có quyền biết đúng như thật. Như vậy nếu có ai động đến mình, hãy
nhìn lại xem mình còn tham sân si không? Nếu còn thì chưa được. Quí vị cứ
tự kiểm điểm hằng ngày để biết được chừng nào mình có lòng mầu viên giác
hiện. Nếu còn nuôi dưỡng tham sân si thì dù có hỏi đến cả ngàn lần, tôi
cũng lắc đầu, không biết làm sao trả lời được câu đó. Như vậy ai là người
có khả năng giải quyết cho chúng ta giác ngộ? Phật hay thiện tri thức phải
không? Không, chính mỗi chúng ta vậy! Chúng ta phải can đảm nhận lấy trách
nhiệm, để trên đường tu không còn ỷ lại, trông cậy vào người khác nữa.
Hiểu được hai câu này quí vị sẽ thấy con đường tu của chúng ta thật cụ
thể, không có gì huyền hoặc, không có gì xa lạ trong sự tu hành của mình
cả.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di-đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Hai câu này
Ngài giải thích Tịnh độ một cách rành rẽ. Tịnh độ là gì? Tịnh độ là lòng
trong sạch. Trong kinh Duy-ma-cật có giảng Tịnh độ là “Tâm tịnh tức độ
tịnh”. Như vậy tâm mình trong sạch là Tịnh độ. Chớ còn ngờ hỏi đến Tây
phương. Đừng có nghi ngờ, đừng hỏi đến Tây phương ở đâu cả, tìm hỏi chi
cho mất thì giờ, khi tâm mình trong sạch đó là Tịnh độ rồi. Sự thật điều
này nếu chúng ta có tu thì chắc chắn không còn nghi ngờ. Bởi vậy ở trong
chúng đây, có vị tăng hay ni nào tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi thì nhìn
người, nhìn cảnh, nhìn mọi sự vật có cái gì là uế, là buồn không? Như vậy
uế độ hay cõi Ta-bà khổ là vì tâm mình chưa thanh tịnh. Nếu tâm đã thanh
tịnh thì Ta-bà khổ không còn khổ, uế độ cũng không còn uế, đâu đâu cũng
đều thanh tịnh hết. Thế nên nhiều người tu thấy thật đáng thương. Tham sân
si không chịu bỏ mà cứ mong Phật rước con về Cực Lạc, về Tịnh độ. Như vậy
Tịnh độ dành cho ai? Dành cho người tâm thanh tịnh, chớ đâu phải dành cho
những người tâm tham sân si. Tham sân si không chịu bỏ mà đòi về Tịnh độ,
làm sao về được phải không? Vì vậy phải hiểu rõ, khi tâm chúng ta trong
sạch thì ngay nơi thế gian này là cõi uế cũng trở thành cõi tịnh, cõi
Ta-bà khổ cũng trở thành Cực Lạc. Nếu người tâm hoàn toàn thanh tịnh, cả
ngày có buồn không? Không buồn tức là vui, là cực lạc rồi. Người tâm thanh
tịnh nhìn cái gì cũng trong sáng, cũng tốt đẹp. Như vậy uế độ hay Tịnh độ
tùy tâm của mình. Tâm chúng ta uế thì cõi nước thành uế, tâm chúng ta
thanh tịnh thì cõi nước thành tịnh. Tâm còn chấp nê thì cõi nước là đau
khổ, tâm trong sạch thì cõi nước an vui. Như chúng ta thường thấy trong
các kinh Tịnh độ có câu: “Ta-bà khổ, Ta-bà khổ, Cực Lạc vui, Cực Lạc vui”,
nên nhiều người thích được về Cực Lạc mà không nhớ tham sân si là gốc của
khổ. Nếu hết tham sân si dù ở Ta-bà vẫn không khổ, còn tham sân si thì về
Cực Lạc vẫn chưa được vui. Vì sao? Vì Cực Lạc có chia thượng phẩm thượng
sanh, trung phẩm trung sanh, hạ phẩm hạ sanh, nên người ở hạ phẩm thế nào
cũng đố kỵ với người ở thượng và trung phẩm. Tại sao người ta ở cấp trên,
tôi ở cấp dưới, vì còn thấy có giai cấp, mà còn giai cấp thì còn đấu
tranh, như vậy đâu có vui. Hiểu cho tường tận chúng ta mới thấy ý nghĩa
tu, dù cho phương pháp Tịnh độ hay Thiền, cốt phải sạch ở trong tâm mới
được.
Di-đà là tánh
sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Tánh sáng hay
tánh giác của mình chính là Phật Di-đà chớ không có gì khác, cho nên nói
“Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ” hay “Tâm tịnh thì độ tịnh” là vậy. Tại
sao tánh giác mình là Phật Di-đà? Bởi vì quí vị thấy trong kinh định nghĩa
Di-đà là gì? Di-đà có nghĩa là vô lượng thọ, vô lượng quang. Vô lượng thọ
là sống lâu vô lượng, vô lượng quang là sáng suốt vô lượng. Sống lâu vô
lượng và sáng suốt vô lượng là để nói tự tánh hay tánh giác của mình. Tánh
giác của mình trùm khắp, cho nên sự sáng suốt cũng trùm khắp. Tánh giác
của mình bất sanh bất diệt nên gọi là vô lượng thọ. Tánh giác mình sáng
suốt khắp hết nên là vô lượng quang. Vì vậy trong kinh Di-đà có một câu
rất sâu: “Nếu người nào niệm Phật từ một ngày, hai ngày đến bảy ngày, nhất
tâm bất loạn thì người đó khi lâm chung sẽ thấy Phật A-di-đà hiện ngay
trước mắt.” Nhất tâm bất loạn tức là không còn niệm vọng tưởng nào, mà
không còn niệm vọng tưởng thì làm gì có niệm tham sân si. Không còn những
thứ đó thì nhắm mắt thấy Phật hiện tiền, tức là tánh giác hiện tiền không
còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy nếu chúng ta ngộ được tánh giác, tu hành buông
xả được niệm vọng tưởng của mình, đến lúc tâm trong sáng hoàn toàn thì
“Mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”, là không cần phải tìm về Cực Lạc làm gì!
Đó là điều tôi thấy rõ ràng, nhưng có nhiều người nghĩ về Tịnh độ bằng
cách tin có cõi Cực Lạc ở bên Tây phương. Nếu nói theo kinh Di-đà thì cõi
Cực Lạc cách thế giới chúng ta mười muôn ức thế giới. Mười muôn ức thế
giới chừng bao xa? Chỉ trong một hành tinh này mà từ phương đông qua
phương tây chúng ta đi phải có người hướng dẫn mới có thể tới được. Còn
cách mười muôn ức cõi mà nếu niệm Phật lơ mơ, đến khi nhắm mắt Phật không
đến rước thì biết làm sao đi. Bởi vậy chúng ta cứ sống trong tưởng tượng
nhiều hơn là thực tế. Thực tế tâm tịnh thì độ tịnh, tâm tịnh thì hết khổ
được vui, đó là Cực Lạc rõ ràng như vậy. Tánh mình sáng tự nhiên thấy Phật
Di-đà hiện tiền, chớ không phải đi đâu hết. Như vậy hai câu này nói lên
tinh thần của ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà, khi còn là cư sĩ mà Ngài đã thấy
được ý nghĩa Tịnh độ rất thực tế.
Xét thân tâm,
rèn tánh thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh,
địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Nghĩa là hằng
ngày chúng ta kiểm soát thân tâm xem có hành động nào của thân sai phạm, ý
niệm nào của tâm dấy lỗi, phải biết rõ để sửa chữa. Lại phải tập rèn tánh
thức tức là những thói quen, những hiểu biết phân biệt của mình đừng để đi
xa hay lệch lạc. Chữ “há” là đâu, chữ “phô” là bày ra. Đâu phải mình mong
muốn được nhiều quả báo để khoe khoang với thiên hạ. Như vậy theo đúng
tinh thần người tu là phải thường xuyên kiểm điểm thân tâm, luyện tập tánh
thức của mình cho thuần thục, để luôn luôn được tốt, được thiện. Mục đích
chánh là dứt sạch những cái nhơ xấu trong tâm, để trở thành trong sạch
sáng suốt, chớ không phải để khoe khoang với người. Vậy mà lâu lâu chúng
ta cũng hiện chút chút vẻ khoe khoang. Ví dụ đi dạo chơi một mình ở dưới
rặng thông, có thể mình vừa đi, mắt vừa liếc ngó bên này bên kia, nhưng
bất chợt thấy có người Phật tử đi phía sau, lúc đó mình không còn nhìn
đông ngó tây nữa, mà nhìn xuống ra vẻ đạo mạo lắm lắm. Đó là có ý muốn
khoe mình tu hành nghiêm chỉnh chớ gì. Hoặc khi ngồi thiền không ai để ý
đến mình thì ngồi chừng nửa giờ mỏi quá bắt đầu trở chân qua lại, nhưng
nếu hôm nào có Phật tử đứng ở ngoài nhìn vào thì sao? Ngồi im bất động.
Như vậy rõ ràng là có ý khoe rồi phải không? Thế nên đi sâu trong tâm lý,
Ngài nhắc chúng ta tu hành phải chín chắn, đàng hoàng là thế, chớ không
phải để khoe với mọi người là tôi ngồi thiền hay giỏi, hoặc đi lúc nào
cũng nhìn xuống chăm chăm, không buông lung phóng dật…
Cầm giới hạnh,
địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác. Nghĩa là giữ gìn giới hạnh
cho trong sạch, để chống lại với quỉ vô thường, khi cơn vô thường đến
chúng ta được tự tại, không bị nó chi phối hay làm cho đau khổ, chớ không
phải để cầu danh hay bán chác gì cả.
Hai câu này để
chỉ chúng ta thấy rõ tinh thần của người tu chân thật là hằng ngày phải
kiểm điểm thân tâm, rèn luyện tánh thức trở thành trong sáng. Việc làm này
cốt lợi ích cho mình, chớ không phải mong cầu được quả báo để khoe với mọi
người. Cũng như chúng ta giữ giới thanh tịnh để chống với cơn vô thường
đến, chớ không phải để cầu danh hay mua bán với ai hết. Vì cầu danh thì có
cầu lợi, nên có bán chác. Như vậy hai câu này có tác dụng đánh thức chẳng
những cho người thế gian, người Phật tử mà kể cả người xuất gia cũng phải
thấy tường tận trách nhiệm của mình tu là phải như thế. Gần đây tôi thấy
có nhiều người tu trì chú. Trì chú là cốt làm sao cho tâm mình định, trí
mình sáng, nhưng có người trì chú mong được linh hiển. Rồi có ai bệnh đến
thì trì câu thần chú vào nước lạnh đem cho bệnh nhân uống hết bệnh liền.
Như vậy trì chú để tu hay để trị bệnh, để nổi danh ông thầy linh, ông thầy
giỏi. Đó là vô tình rơi vào vòng danh lợi rồi. Thế nên người tu phải thật
chín chắn, thấy rõ mục đích của mình, đừng để cho phai nhạt, mất gốc.
Ăn rau ăn
trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận
sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Hai câu này
thật tha thiết làm sao! Theo quan niệm của Ngài, người tu hành chỉ nên ăn
rau ăn trái, nghĩa là có thứ gì ăn thứ nấy, không đòi hỏi món ngon vật
quí. Cho nên “nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay”. Chẳng hiềm tức là
chẳng ghét, chữ thửa là điều. Nghiệp miệng mình chẳng ghét những điều đắng
cay, miễn có rau, có trái ăn qua ngày thôi, chớ không chê khen thứ này
đắng, thứ kia cay, vì ăn cốt để sống. Câu này cho chúng ta rõ được ý nghĩa
người tu cốt ăn đơn giản, đạm bạc, rau trái hay cơm hẩm v.v… miễn sao cho
được khỏe mạnh để yên ổn tu hành, chớ không khen chê ngon dở.
Nói về mặc,
chữ vận tức là mặc, hay khoác, chữ sồi là chỉ một loại tơ thô, tơ cặn hay
tơ gốc, những loại tơ nhuyễn được lấy hết rồi, còn lại loại tơ gốc, tơ
cặn, nó xùi xùi nên gọi là sồi, may thành áo mặc lù xù, xấu xa. Vì vậy
thân mặc áo bằng giấy hay bằng vải thô vẫn không thấy đen trắng hay xấu
đẹp. Hai câu này nhắc nhở chúng ta tu về miệng về thân.
Nhược chỉn vui
bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung;
Dầu hay mến
thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Hai câu cuối
nghe hay làm sao! Nhược chỉn vui bề đạo đức. Chữ chỉn là chỉ, nếu chỉ vui
bề đạo đức, nghĩa là sống luôn luôn lấy đạo đức làm trên, làm mục tiêu
hướng tới. Nửa gian lều quí nữa thiên cung. Chữ nữa là hơn. Như vậy nếu
người chỉ vui bề đạo đức, thì dù cho có nửa gian lều cũng còn quí hơn cung
trời. Dầu hay mến thửa nhân nghì. Chữ nghì là nghĩa. Người hay mến nghĩa,
dù nhà chỉ có ba miếng ngói cũng yêu hơn lầu gác.
Tóm lại, chỉ
mới hai hội đầu quí vị thấy chúng ta tu cũng chưa xong. Thật sâu xa, thật
quí báu, để cho chúng ta thấy con đường tu rõ ràng như vậy.
* |