SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM
THI PHÚ HÁN NÔM (tt)
GIẢNG (tt)
HỘI HỘI THỨ
BA
Nếu mà cốc,
Tội ắt đã
không;
Phép học lại
thông.
Gìn tánh sáng,
mựa lạc tà đạo;
Sửa mình học,
cho phải chánh tông.
Chỉn Bụt là
lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;
Vong tài đối
sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Áng tư tài
tánh sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử;
Răn thanh sắc
niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà
nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;
Sơn lâm chẳng
cốc, họa kia thực cả đồ công.
Nguyền mong
thân cận minh sư, quả bồ-đề một đêm mà chín;
Phúc gặp tình
cờ tri thức, hoa ưu-đàm mấy kiếp đơm bông.
Nếu mà cốc,
Tội ắt đã
không;
Phép học lại
thông.
Nếu mà cốc
nghĩa là nếu mà biết. Như vậy nếu mà biết được như trên thì tội ắt đã
không, mà việc học việc tu lại thông suốt.
Gìn tánh sáng, mựa lạc tà đạo;
Sửa mình học, cho phải chánh tông.
Chúng ta tu
theo Phật giáo cốt lấy tánh giác làm trọng tâm, cho nên phải giữ gìn tánh
giác, chớ để rơi vào tà đạo. Chữ mựa là chớ, là chẳng. Hiện nay người tu
theo Phật bị lạc vào tà đạo rất nhiều. Tuy họ tu rất công phu, nhưng chỉ
mong được phép thần thông, mong được quả báo tốt, hay những ơn huệ ban
cho, chớ họ không biết xoay lại tánh giác, không biết tu Phật cốt để giác
ngộ. Tu là dẹp sạch tham sân si cho tánh giác của mình hiện bày, đó là gốc
của đạo Phật.
Sửa mình học,
cho phải chánh tông. Chúng ta tu học thế nào cho đúng chánh tông của đạo
Phật, đừng để sai lệch. Đạo Phật là đạo giác ngộ nên phải lấy giác ngộ làm
gốc, làm chủ yếu, mà lấy giác ngộ làm chủ yếu thì đâu cần có thần thông
hay huyền bí. Sở dĩ chúng ta tu lệch lạc sai lầm là vì cứ mong cầu những
gì không đúng gốc của đạo Phật. Chính đức Phật đi tu được thành Phật cũng
do nơi giác ngộ. Đức Phật là vị giáo chủ, là thầy của chúng ta. Ngài tu
được giác ngộ thành Phật, thì ngày nay chúng ta tu phải lấy giác ngộ làm
chủ đích. Như vậy mới theo đúng con đường chân chánh của người tu Phật, đó
mới là chánh tông.
Chỉn bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;
Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Chỉn Bụt là
lòng. Chữ chỉn là chỉ, Bụt là Phật, lòng là tâm. Nghĩa là chỉ Phật là tâm,
Phật tức tâm. Vì vậy trong từ chữ Hán có câu: “Tức tâm tức Phật.”
Xá ướm hỏi đòi
cơ Mã Tổ. Chữ xá là hãy, ướm hỏi cũng như gạn hỏi. Vì Mã Tổ chủ trương
“Tức tâm tức Phật”; nếu chúng ta biết Phật là tâm thì phải hỏi han theo
gương của Mã Tổ.
Vong tài đối
sắc. Chữ vong tài là quên hết tiền bạc, của cải, đối sắc là đối với tất cả
hình tướng bên ngoài.
Ắt tìm cho
phải thói Bàng công. Chữ thói là lề lối. Ắt là phải quyết tìm cho đúng con
đường noi theo gương ông Bàng Long Uẩn. Ông Bàng Long Uẩn là một nhà nho,
trước làm quan thuộc hàng khá giả, nhưng sau khi ngộ được lý Phật, ông chở
hết tiền bạc của cải đổ xuống sông Tương. Từ đó gia đình ông sống cuộc đời
đạm bạc. Ông đan sáo, bà trông coi nhà cửa, con trai đi cày ruộng, còn
người con gái là cô Linh Chiếu đi bán sáo. Như vậy Ngài dạy chúng ta đối
với tiền bạc của cải đừng có ham mê, phải quên đi và phải học theo gương,
theo tư cách của ông Bàng Long Uẩn.
Áng tư tài
tánh sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử;
Răn thanh sắc
niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Chữ áng có
nghĩa là đám hay nhóm, tư tài là tiền của. Đối với nhóm tiền của, tánh
sáng chúng ta không tham đắm. Tánh sáng không tham đắm tiền của thì đâu
cần ở Cánh Diều Yên Tử. Cánh Diều Yên Tử tức là trên dãy Yên Tử có một
ngọn núi tên Cánh Diều. Nếu đối với tiền bạc của cải, lòng chúng ta không
một chút tham đắm, dính mắc, thì đâu cần phải lên tận trên núi Yên Tử mà ở
chi cho xa.
Chữ thanh là
tiếng, sắc là hình sắc, không chuyển là không chạy theo. Lọ chi là cần gì,
am Sạn non Đông là tên một am trên ngọn núi Yên Tử ở về phía Đông. Nghĩa
là răn chắc lòng mình không còn những niệm đuổi theo thanh sắc nữa, thì
cần gì phải lên ở am Sạn non Đông.
Tóm lại, hai
câu này Ngài muốn dạy cho chúng ta thấy rõ rằng người tu hành chân chánh
phải giữ tâm mình trong sáng, không tham tiền bạc của cải, thì không cần
phải lên ở Cánh Diều Yên Tử. Ngay đây mà tu, đừng để vọng tưởng chạy theo
thanh sắc, thì khỏi cần phải tìm kiếm nơi nào thanh vắng yên ở nữa, mà
chúng ta vẫn được an ổn như thường.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.
Hai câu này
thật là Ngài nói hết tình với chúng ta vậy. Trần tục mà nên, phúc ấy càng
yêu hết tấc. Nghĩa là ở ngay nơi trần tục này mà nên, mà tốt, thì phước ấy
càng quí rất mực. Chữ hết tấc là rất mực. Nếu chúng ta ở ngay cõi trần tục
này mà được hay được tốt, thì cái phước của mình đáng cho người ta yêu quí
rất mực hay tột cùng.
Sơn lâm chẳng
cốc, họa kia thực cả đồ công. Ở trên rừng trên núi mà chẳng biết, chẳng
hiểu đạo lý, không thấy được lẽ thật, thì cái họa đó chỉ làm uổng công của
mình mà thôi. Chữ đồ là luống uổng. Như vậy Ngài dạy thật rõ ràng, dù
chúng ta thích tu ở nơi nào cũng phải quyết chí tu cho đúng, thì tuy ở
trần tục cũng được người quí kính. Còn trốn chạy vào rừng núi nhưng không
biết đúng lẽ thật thì cái họa chỉ là uổng công vô ích mà thôi. Tuy nhiên
khi đã lên sơn lâm rồi thì cũng phải “thực cốc” là thực biết thì chẳng
phải họa mà là phước, chẳng phải đồ công mà là kỳ công. Nếu chúng ta ở sơn
lâm mà có được cái biết thật thì phước của ta thật là công lớn, công kỳ
đặc chớ không phải thường. Như vậy chúng ta lên sơn lâm mà phải thực cốc,
thực cốc không phải nghĩa là ăn lúa mà là thật biết thì mới không uổng
công mà trở lại kỳ công. Đây chủ yếu Ngài dạy chúng ta trọng tâm của sự tu
là hiểu đúng, tu đúng, biết đúng, chớ không quan trọng ở chỗ nơi. Tuy
nhiên, nếu ở sơn lâm mà tu được thì càng quí.
Nguyền mong
thân cận minh sư, quả bồ-đề một đêm mà chín;
Phúc gặp tình
cờ tri thức, hoa ưu-đàm mấy kiếp đơm bông.
Hai câu này
rất đẹp, mong sao cho mình được gần gũi với bậc minh sư, do gần với minh
sư nên quả bồ-đề một đêm được chín. Như trường hợp ngài Nhất Túc Giác tức
là ngài Huyền Giác chỉ qua một đêm mà được chín, là được giác ngộ. Như vậy
gần gũi được minh sư thì quả bồ-đề nhất định sẽ đến, sẽ kết quả. Nếu chúng
ta có phước, tình cờ gặp được hàng thiện tri thức thì hoa ưu-đàm của chúng
ta đơm bông. Hoa ưu-đàm là tiếng Phạn, Việt Nam tạm dịch là hoa sung. Hoa
sung rất hiếm thấy, thấy được rất quí. Hoa ưu-đàm này cũng ít thấy ít gặp.
Vì vậy người nào có phúc gặp thiện tri thức cũng giống như hoa ưu-đàm đã
lâu không trổ bông, bây giờ mới đơm bông.
Hai câu này
nói lên sự cần yếu của bậc minh sư, thiện hữu tri thức. Trên đường tu nếu
không có minh sư, không thiện hữu tri thức, thì sự tu hành của chúng ta
chỉ tốn công mà không đi đến đâu hết.
HỘI THỨ TƯ
Tin xem;
Miễn cốc một
lòng;
Thì rồi mọi
hoặc.
Chuyển tam độc
mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn
nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán
cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân
không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như,
tin Bát-nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông;
Chứng thật
tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Xem Tam tạng
giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh qui;
Đốt ngũ phần
hương, chẳng tốn đến chiên-đàn chiêm-bặc.
Tích nhân
nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh,
đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di-lặc.
“Tin xem” là
câu mở đầu của hội.
Miễn cốc một
lòng,
Thì rồi mọi
hoặc.
Chữ một lòng
tức là nhất tâm. Cốt biết một lòng, thì rảnh hết mọi phiền lụy, mọi mê
hoặc. Nghĩa là chỉ nhận được một tâm thì dứt hết mọi mê lầm. Hai câu này
thật chí lý, nhắc cho chúng ta hiểu người tu phải làm sao ngộ được bản tâm
thì tất cả mọi thứ mê hoặc mới hết được. Nếu không ngộ bản tâm thì mê hoặc
không bao giờ hết.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Chúng ta phải
chuyển tam độc mới chứng được tam thân. Tam độc là gì? - Là tham, thân,
si. Ba thứ này là nhân dẫn chúng ta đi trong lục đạo luân hồi, nhất là
trong tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Trong các cảnh khổ đó do từ
tam độc mà ra, vì vậy nên nói ba thứ này là ba thứ độc, mà ở thế gian
không biết nó tối độc. Như khi nghe ai nói một lời trái tai, chúng ta nổi
sân đỏ mặt lên, đó là nhân xuống địa ngục. Vậy ở đây quí vị có sợ nó không
hay là nuôi dưỡng, bênh vực nó. Thí dụ nếu ai nói trái tai, nổi giận lên
rồi phân bua với người khác nói vậy là đáng giận, mà đáng giận tức là nên
giận. Đó là lối bênh mình để nuôi dưỡng cái giận. Vì vậy nếu chúng ta biết
tu thì dù có bị ai chửi mắng cũng không đáng giận, vì giận là nhân xuống
địa ngục, còn bị họ chửi mắng, mình đâu có xuống địa ngục. Như vậy lời
chửi mắng không quan trọng, vì là lời nói rỗng, qua rồi mất, còn cái sân
giận mới đưa mình đến đường khổ. Do vậy chúng ta thấy ba thứ độc: tham,
sân, si chính từ nội tâm mình dấy khởi, rồi dẫn chúng ta mê đắm trong các
đường dữ: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Bây giờ biết tu, chúng ta phải làm
sao? - Phải chuyển ba độc mới chứng được ba thân. Ba thân là: Pháp thân,
báo thân và hóa thân. Từ ba cái hiểm nguy đi vào ba đường ác, chúng ta lại
chuyển thành ba thứ tốt đẹp, được làm Phật, làm đấng giác ngộ để lợi ích
cho chúng sanh.
Đoạn lục căn
nên trừ lục tặc. Chữ đoạn là dứt. Làm sao dứt lục căn? Quí vị đừng hiểu
lầm, chữ đoạn lục căn không có nghĩa làm hỏng các căn, như tự dụi mắt cho
mù, móc tai cho điếc v.v… mà sáu căn đừng cho dính với sáu trần. Nghĩa là
nơi mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với
vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp không cho hai bên dính kẹt nhau, có
dính nhau thì dừng lại. Đó là đoạn, chớ không phải đoạn là phá hoại sáu
căn. Nói thì dễ, nhưng trên thực tế chúng ta cứ bị dính mắc. Tỉ dụ mắt
thấy sắc đẹp thì dính, bởi dính nên khi về nhà hoặc ngồi chỗ vắng thì nó
hiện ra. Tai nghe người nói lời khen hay tiếng chê mình, câu nói từ miệng
người phát ra, đã bay đâu mất nhưng lỗ tai mình lại dính, trong tâm cũng
dính nên nghe mà chưa trả lời được, về nhà ngồi đứng không yên, cứ bực bội
tức tối mãi, đó là đã dính. Còn nếu họ nói gì mặc họ, mình vẫn thản nhiên
tươi cười thì đâu có dính. Như vậy sự việc hết sức giản đơn, nghĩa là
chúng ta chỉ cần buông đừng cho nó dính thì mọi việc an lành, mà buông tức
là đoạn. Đó là điều mà chúng ta phải cố gắng sao cho sáu căn dứt trừ thì
lục tặc tự trừ. Lục tặc là sáu đứa giặc. Sáu đứa giặc là những gì? - Cũng
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng nếu sáu căn không dính với sáu trần,
đó là lục thông. Ngược lại nó sẽ thành lục tặc. Vì vậy thế gian thường nói
“Tam bành lục tặc”. Chữ tam bành trong nhà Phật gọi là tam độc, lục tặc là
sáu đứa giặc. Nghĩa là nghe người ta nói điều gì mà mình dính mắc là bị
lục tặc lôi, còn không dính, không kẹt là mình đã được lục thông rồi, chớ
đừng đòi thần thông chi nữa. Như vậy quí vị thấy lục thông với lục tặc
cách nhau bao xa? Chỉ một mảy tơ thôi, nếu để dính thì thành lục tặc,
không dính trở thành lục thông. Vì vậy việc tu rất đơn giản, không quanh
co nhiêu khê gì cả. Chỉ cần không cho dính mắc thì mọi việc được an nhàn,
tự tại. Như vậy, chúng ta cốt làm sao chuyển tam độc, đoạn lục căn, trừ
lục tặc, đó là gốc của sự tu.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Người thích tu
tiên, muốn đổi xương cho nhẹ để dễ bay, thì chỉn xá là chỉ nên hay uống
thuốc và luyện đơn, tức là uống linh dược và luyện linh đơn để đổi xương,
để biết bay. Còn người muốn đạt được pháp chân không, thì hề chi lánh
nghĩa là không ngại, không chấp chi hết. Như vậy muốn đạt được lý chân
không thì không cần gì phải lánh ngại thanh chấp sắc, nghĩa là đối với
thanh sắc, chúng ta không cần tránh chỉ đừng cho nó dính là đủ. Thanh sắc
không dính là chúng ta tu đúng pháp chân không. Như vậy trong hai câu này,
câu trên dành cho người muốn tu tiên phải chịu khó uống thuốc trường sanh
và luyện linh đơn. Câu dưới chỉ cho người muốn tu Phật thì không để cho
thanh sắc dính mắc nơi mình.
Biết chân như, tin Bát-nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông;
Chứng thật tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Biết chân như
là người tu phải nhận ra cái gì là chân như. Tin Bát-nhã là phải thấu lý
Bát-nhã. Chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông, nghĩa là không cần sang Tây Trúc
hay đến Đông Độ để tìm Phật Tổ, mà chúng ta phải nhận ra chân như, thấu
suốt được lý Bát-nhã.
Chứng thật
tướng là chứng được tính chân thật của chính mình. Ngỏ tức là suốt, là
thấy rõ lý vô vi. Khi thấy rõ lý vô vi thì không còn nhọc gì hỏi đến kinh
thiền Nam tông, Bắc tông chi cả. Chữ Nam, Bắc theo Trung Hoa thì phương
Bắc là ngài Thần Tú và phương Nam là Tổ Huệ Năng. Chủ yếu chúng ta chứng
được thật tướng, thông suốt lý vô vi chớ không cần hỏi Thiền Nam tông hay
Thiền Bắc tông chi nữa.
Xem Tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển Thanh qui;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên-đàn chiêm-bặc.
Chúng ta phải
xem kinh điển, phải học theo những Thiền uyển thanh qui để biết nếp sống
hợp với giáo lý.
Đốt ngũ phần
hương là đốt năm phần pháp thân hương. Ngũ phần hương là giới, định, tuệ,
giải thoát, giải thoát tri kiến hương. Chúng ta tu phải luôn giữ giới cho
được trong sạch, đó là giới hương. Phải làm sao cho tâm an định, đó là
định hương. Phải mở sáng trí tuệ, đó là tuệ hương. Phải được giải thoát,
đó là giải thoát hương và phải thoát luôn những cố chấp tế nhị của mình
nữa, đó là giải thoát tri kiến hương. Được năm điều đó đủ cúng dường Phật
Tổ, khỏi phải mua hương chiên-đàn hay chiêm-bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di-lặc.
Chữ tích là
chứa. Nếu người tu biết chứa đầy nhân nghĩa, tu đạo đức là tích công lũy
đức, để khởi tâm từ bi làm lợi ích cho tất cả chúng sanh thì người này
chính là đức Thích-ca chớ không ai khác. Như vậy ngay trong đời này, chúng
ta biết chứa nhóm tâm từ bi và làm lợi ích chúng sanh tức làm lợi ích đầy
đủ cho mọi người thì chẳng khác nào Phật Thích-ca.
Cầm giới hạnh.
Cầm là gìn giữ, giữ được giới hạnh. Đoạn ghen tham. Ghen là tật đố, tham
là tham lam. Đoạn dứt tâm tật đố, tâm tham lam, đó chính là đức Di-lặc.
Quí vị nhớ đức Phật Di-lặc Ngài buồn hay vui? Ngài luôn luôn vui, bởi
Ngài đã tu “Tứ vô lượng tâm”: từ, bi, hỉ, xả. Có ai chọc ghẹo Ngài đều tha
thứ. Ngài luôn thương yêu và giúp đỡ mọi người nên hạnh từ bi hỉ xả tràn
đầy nơi Ngài, vì vậy lúc nào Ngài cũng cười, cũng vui. Còn chúng ta không
cười vui được, vì chúng ta hay tật đố, tham lam. Bởi tham lam tật đố nên
thấy ai hơn mình thì tức, đó là tật đố. Song ở thế gian này, chúng ta muốn
cho mọi người đừng hơn mình có được không? Trong năm, bảy người đã có năm,
ba người hơn mình, vì vậy mình có tâm tật đố thì lúc nào cũng bực bội,
không bao giờ hài lòng. Thấy ai hơn mình thì mình không vui, thấy ai được
người khác khen mà mình không được khen thì tức, thấy ai được thiên hạ
thương mà mình không được thương thì buồn phiền v.v… Như vậy cả ngày chúng
ta phải khổ. Dứt được tâm tật đố, tâm tham lam thì còn gì mà khổ. Nếu biết
ứng dụng đúng như vậy chúng ta sẽ là Phật Thích-ca, Phật Di-lặc chớ không
đâu xa.
Tóm lại, học
qua những hội này rồi, chúng ta thấy con người của Ngài khi đã ngộ đạo, dù
ở địa vị giàu sang, ở ngôi hoàng đế nhưng tâm hồn Ngài rất trong sáng,
không bị nhiễm nhơ, vì vậy rất đáng cho chúng ta quí kính.
* |