SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM
THI PHÚ HÁN NÔM (tt)
GIẢNG (tt)
HỘI THỨ NĂM
Vậy mới hay!
Bụt ở cong
nhà;
Chẳng phải tìm
xa.
Nhân khuây bản
nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay
chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm
câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu;
Kinh xem ba
bận, ngồi ngơi mái quốc Tân La.
Trong đạo
nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường Kinh cửa Tổ;
Lánh thị phi,
ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi,
mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu
khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn
đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo
đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức,
nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền,
nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu
huyền, xá đàn dấu xoang vô sanh khúc;
Địch chăng có
lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẫy cội tìm
cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chớp
bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyện kim
cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật
cức, nào tay phải xước tượng da.
“Vậy mới hay”
là câu khơi mào.
Bụt ở cong
nhà;
Chẳng phải tìm
xa.
Từ đời Trần
trở về trước không gọi Phật mà gọi là Bụt. Bụt ở cong nhà, tức là chỉ cho
Phật ở trong nhà, chớ không phải ở đâu xa. Bởi chúng ta quen lúc nào cũng
mơ ước được gặp Phật, thấy Phật, nhưng khi nghĩ được gặp Phật, thấy Phật
thì cho rằng Phật ở đâu xa xôi khó tìm, khó gặp, nên mới mong được gặp.
Song với tinh thần Thiền tông, Phật không phải ở đâu xa, mà ở ngay trong
nhà của mình. Là nhà nào? - Nhà ngũ ấm hay ngũ uẩn. Ở ngay trong thân ngũ
ấm này đã có Phật, không phải tìm đâu xa nữa. Vì Phật là giác, nơi tâm
chúng ta sẵn có tánh giác tức là Phật, vậy Phật chẳng phải ở đâu xa xôi mà
tìm kiếm.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Nhân khuây
bản. Chữ nhân là bởi vì, chữ khuây là xao lãng, bản là gốc. Nghĩa là vì
mình xao lãng cái gốc tức là Phật nên mới tìm Bụt ở nơi khác. Như vậy đã
biết Phật ở trong nhà mà mình lơ là, bỏ quên nên mất gốc, lo đi tìm ngọn,
tức là tìm Phật ở bên ngoài.
Đến cốc hay
chỉn Bụt là ta. Chữ cốc là biết được, chỉn là chính. Nếu đến đó, biết được
rõ ràng Phật chính là mình.
Như vậy bốn
câu này chúng ta thấy Ngài xác nhận cụ thể, người tu Phật phải nhận ngay
nơi mình có Phật, chớ không tìm Phật ở bên ngoài hoặc ở đâu xa. Bởi vì
mình quên tâm mới chạy tìm Phật ở bên ngoài. Một phen nhớ lại, mới biết rõ
thấy rõ chính tâm mình là Phật, Phật chính là ta chớ không ở đâu xa. Vì
vậy chúng ta phải hiểu rõ để tu cho không lầm.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân La.
Thiền ngỏ năm
câu. Tức là chúng ta thấu suốt được những câu nói của chư Tổ trong nhà
thiền. Chữ nhãng có nghĩa là thong dong tự tại. Như vậy thiền mà thấy rõ
được năm câu, thì nằm thong dong ở nơi quê Hà hữu, tức là không có chỗ
nơi. Đây là trích một câu trong các bài của Trang Tử. Theo Trang Tử nói:
“Nếu người đã đạt đạo thì sẽ thong dong nơi chỗ không có nơi chốn, bến
bờ.” Vì nơi đó không có ngằn mé nên nói là quê Hà hữu. Như vậy khi chúng
ta thấu suốt được lời nói của chư Tổ thì chúng ta sẽ nằm thong dong ở nơi
không có giới hạn, không ngằn mé mà thênh thang vô cùng vô tận.
Kinh xem ba
bận. Ba bận là ba lần. Ngồi ngơi mái quốc Tân La. Ngồi ngơi là ngồi nghỉ
ngơi, mái là mé, Tân La là Triều Tiên. Xưa ở Trung Hoa thường nói Tân La
là nơi thong thả an lành. Như vậy nếu người xem kinh chừng đôi ba lần mà
thông suốt được thì người ấy ngồi nghỉ chơi nơi mé nước Tân La, là được
thong thả tự tại. Tóm lại hai câu này nói rõ ý nghĩa: Nếu người học đạo
thấu suốt được lý huyền thì sẽ được thong dong ở chỗ không còn bờ mé,
không còn nơi chốn, tức là chỗ vô cùng vô tận. Còn người xem kinh mà thông
được nghĩa kinh thì cũng được thảnh thơi dạo chơi ở nước Tân La.
Trong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường Kinh cửa Tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Ở đây có tánh
cách dạy chúng ta ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chữ đạo nghĩa trong
đây có hai mặt: Một là đối với người xuất gia thấu suốt được ý nghĩa trong
kinh điển, trong đạo để ứng dụng cho sự tu. Hai là đối với thế gian, con
người sống đúng đạo nghĩa là con người đầy đủ đạo đức và tình nghĩa đối
với mọi người.
Khoảng cơ
quan. Chữ khoảng có nghĩa là rộng, cơ quan là chỉ cho năm căn của chúng
ta, mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với
vị, thân đối với xúc. Nếu năm căn tiếp xúc năm trần mà chúng ta không bị
cột trói, đó gọi là mở rộng.
Đã lọt lẫn
trường kinh cửa Tổ. Chữ lọt là rơi vào, trong trường để học kinh, nghe
kinh. Cửa Tổ là con đường hay cổng bước vào trong nhà Tổ.
Nếu người tu
biết sống trọng đạo nghĩa, mở rộng năm căn không dính với năm trần, hẳn
người đó đã bước vào nơi giảng kinh, đã tiến vào cửa của chư Tổ, không còn
nghi ngờ nữa. Như vậy ý nghĩa dạy tu của Ngài tuy đơn giản nhưng đầy đủ.
Lánh thị phi,
ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa. Chữ lánh là tránh. Tại
sao chúng ta phải tránh thị phi? Vì thị phi là lời phê bình phải quấy, đó
là bệnh. Vừa thấy ai thì vội phê bình, người đó dễ thương hay dễ ghét,
hoặc người đó có vẻ đạo đức hay lôi thôi. Như vậy phê bình, phán xét đều
là lối thị phi. Người là người, mình là mình, đừng bận bịu, đừng vội phê
phán. Chắc gì cái nghĩ, cái nhìn của mình là đúng. Cho nên thị phi nên
tránh, không nên gần. Vì vậy người biết tu phải ít nói, phải giữ gìn miệng
cho lên meo như cây quạt mùa đông.
Ghê thanh sắc.
Chữ ghê là sợ, thanh là âm thanh, sắc là sắc tướng. Những lời nói qua lại
của kẻ này, người kia chúng ta nên sợ, phải dè dặt, đừng vội nghe, đừng
bắt chước. Đối với đẹp xấu cũng không để tâm xao xuyến, bận lòng, đó là
gốc của sự tu.
Ngại chơi bời,
dặm liễu đường hoa. Chữ ngại là dè dặt. Phải dè dặt không nên đi vào đường
hoa dặm liễu e sẽ bị hư thân mất nết.
Hai câu này
Ngài nhắc chúng ta phải biết sống đúng đạo nghĩa của một người đức hạnh và
không để cho năm căn dính với năm trần. Được vậy là người thấu suốt lời
Phật dạy, người đó đã bước vào cửa Tổ, gặp được chư Tổ. Lại phải dè dặt
tránh xa thị phi, ghê sợ thanh sắc và không bao giờ dẫm chân lên đường hoa
dặm liễu, đó mới thật là người biết tu.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn
Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Đức Phật từ bi
vô hạn, nên chúng ta thệ nguyện nhiều đời nhiều kiếp luôn luôn được gần
Phật. Vì Phật là đấng giác ngộ, là đấng từ bi, nên chúng ta muốn được giác
ngộ, muốn học hạnh từ bi thì phải gần gũi Ngài.
Ơn Nghiêu
khoáng cả. Tức là ơn vua Nghiêu vua Thuấn rất rộng lớn. Lọt toàn thân phô
việc đã tha. Nếu đã bước vào cửa Khổng thì bày ra nhiều việc nhưng đều
không gặp khó khăn. Như vậy câu trên là tán thán đức Phật từ bi, câu dưới
là khen Nghiêu Thuấn rộng rãi.
Áo
miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Bốn mùa xuân,
hạ, thu, đông, nhất là mùa đông ở nơi lạnh lẽo có áo có chăn để được ấm áp
qua mùa. Nếu áo chăn chỉ dùng để được ấm áp thì đâu cần phải có áo đẹp
chăn xinh. Hoặc chằm hoặc xể là áo chăn chằm vá gì cũng được miễn ấm áp
cho qua ngày chớ không chê khen.
Cơm cùng cháo
đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa. Ở trên là áo miễn chăn, dưới là cơm cùng
cháo, trên là đầm ấm qua mùa, dưới là đói no đòi bữa, trên là hoặc chằm
hoặc xể dưới đối lại là dầu bạc dầu thoa. Nghĩa là có cơm cháo đói no cho
qua ngày qua bữa, chớ không đòi hỏi gì cả, dù là cơm trắng hay cơm hẩm
cũng được. Chữ bạc là trắng, thoa là hẩm. Chỉ cần hai câu này, nếu ứng
dụng được, đời tu chúng ta cũng đẹp lắm rồi. Câu trên chỉ cho mặc, câu
dưới chỉ cho ăn. Cuộc sống ở thế gian ăn mặc là điều thiết yếu, áo chăn
chỉ ấm qua mùa, nên chằm vá gì cũng không chê khen tốt xấu. Còn ăn thì mặc
tình cơm hẩm cơm trắng cũng ngon cũng tốt. Qua hai câu này, nếu khéo ứng
dụng chúng ta sẽ thấy trong đời sống sự ăn mặc của mình thật đơn giản,
thật dễ chịu.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Ngăn bát thức.
Bát thức là tám thức gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân
thức, ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức. Thức thứ bảy là Mạt-na thức
còn có tên là Truyền tống thức. Thức thứ tám là A-lại-da thức còn gọi là
Tàng thức. Trong Phật giáo nhất là Phật giáo Đại thừa công nhận nơi con
người chúng ta có tám thức. Thức là phân biệt. Mắt thấy hình sắc, liền
phân biệt đẹp xấu, là công dụng của nhãn thức. Tai nghe tiếng liền phân
biệt tiếng hay, dở, là công dụng của nhĩ thức. Mũi ngửi mùi liền phân biệt
mùi thơm, hôi là công dụng của tỹ thức. Lưỡi nếm vị liền phân biệt vị
ngon, dở, là công dụng của thiệt thức. Thân xúc chạm, liền phân biệt nóng,
lạnh, hoặc êm ái hay nhám cứng v.v… là công dụng của thân thức. Ý vừa nghĩ
đến việc này, việc nọ, việc kia, liền phê phán phải, quấy, hay, dở, là
công dụng của ý thức. Sáu thức trước chúng ta dễ phân biệt, dễ thấy được
công dụng của nó. Đến thức thứ bảy ẩn kín, thường ở thế gian không biết,
nhưng nó liên hệ với thức thứ tám. Thức thứ tám là tàng thức, thức này
giống như cái kho chứa đựng tất cả hạt giống, do mắt thấy, tai nghe, mũi
ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm. Thức thứ bảy đem bóng dáng những gì hay,
những gì thích đưa vào tàng thức, nó cũng giống như người đem thơ nên còn
gọi là Truyền tống thức. Còn thức thứ tám là cái kho chứa, nó không ra
ngoài để lượm lặt vào. Sáu thức trước cũng có công dụng riêng của nó, chỉ
có thức thứ bảy tiếp xúc với sáu thức trước để đưa mọi thứ cất giữ vào
tàng thức, vì vậy có chỗ gọi nó là truyền thống thức, chỗ khác cũng gọi là
“Ý căn”. Tại sao gọi là “Ý căn”? Bởi vì khi chúng ta dấy nghĩ về những
hình tướng quá khứ vị lai thì cái dấy nghĩ đó là dụng của ý. Nhưng khi
không dấy nghĩ, lúc đó ý ở đâu? Như con mắt thì có nhãn thức, nên nhãn
thức tựa vào mắt. Còn ý không có chỗ tựa, nó chỉ duyên theo mấy thức trước
mà khởi phân biệt, nhưng khi không khởi phân biệt thì nó trở về cái gốc
của nó là “Ý căn”. Ý căn là gốc của ý thức, mà gốc của ý thức là chỗ cho
nó nương, đó là thức thứ bảy, còn gọi là Mạt-na thức. Thức này làm chỗ tựa
cho ý thức. Vì ý thức có khi hoạt động, khi không hoạt động, vậy khi không
hoạt động nó ở chỗ nào? Như nhãn thức khi không hoạt động, thì núp trong
nhãn căn, nhĩ thức không hoạt động thì núp trong nhĩ căn. Còn ý thức khi
không hoạt động phải có chỗ tựa chỗ ẩn núp để khi gặp duyên nó mới phát ra
được. Do đó ý thức phải núp trong ý căn, vì vậy thức thứ bảy cũng gọi là
“Ý căn”. Tóm lại ý căn có hai công dụng, một là làm chỗ tựa cho ý thức,
hai là mang chủng tử ở ngoài đem vào tàng thức. Theo khoa học ngày nay nói
tất cả những gì mình ghi nhớ là do các tế bào ở trong não ghi chép. Nhưng
với tinh thần của Duy thức học lại nói khác hơn. Duy thức nói rằng chúng
ta có một cái kho chứa đựng những hình bóng của tiền trần đầy đủ trong đó,
vì vậy nên gặp duyên nó liền phát ra. Thí dụ, hôm nào quí vị ra chợ thấy
một đóa hoa lạ nhất chưa từng thấy. Khi thấy nó rồi, quí vị có chú ý
không? Quí vị sẽ chú ý nhìn kỹ nó đẹp làm sao, lạ ở chỗ nào? Ngắm nhìn kỹ
rồi, khi về nhà ngồi thong thả chơi, bất thần quí vị nhớ lại hình ảnh đóa
hoa ban sáng, như vậy đóa hoa mình ngắm nó đã chun vô kho lúc nào rồi. Con
mắt chúng ta ngắm những gì mình chú ý, sẽ được ý thức tiếp lấy phân biệt,
rồi từ ý thức phân biệt nên có chủng tử. Nó chuyển qua Mạt-na thức, thức
này đem chứa vào trong kho tàng thức, khi đủ duyên nó phát ra. Như vậy,
những gì mình ưa thích đều có chủng tử chứa trong tàng thức, nên người ưa
làm điều thiện thì những hành động, lời nói, ý nghĩ thiện của họ, đều có
chủng tử được đem vô tàng thức, đến khi người ấy gần chết, chủng tử thiện
mạnh sẽ thành nghiệp dẫn tàng thức đi thọ sanh theo đường thiện. Còn người
thích làm ác, tạo các duyên ác dữ, thì chủng tử dữ được đem vô tàng thức
nuôi dưỡng, đến lúc gần chết, nghiệp dữ ác dẫn người ấy đi theo đường ác.
Vì vậy trong kinh thường dạy, khi sắp lâm chung, người làm lành thấy cảnh
vui đến, nên họ mỉm cười, hoặc vẻ mặt họ tươi sáng. Còn người làm ác khi
gần chết những chủng tử ác hiện ra, hoặc thấy có người đến đòi nợ, hoặc
đánh đập, nên hoảng sợ, gương mặt hiện vẻ kinh hoàng. Vì vậy nhìn vẻ mặt
người sắp tắt thở, chúng ta có thể đoán biết họ đi theo đường nào? Tóm lại
Duy thức học cho chúng ta biết có tàng thức để chứa hết chủng tử. Các
chủng tử đó là những hạt giống do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xúc chạm năm
trần, rồi ý thức phân biệt và ý căn mang vào chứa trong tàng thức. Chủng
tử đó là cái bóng, chớ không phải hình thức vật chất. Thế nên, khi chúng
ta chết, chủng tử có sức mạnh lôi chúng ta qua đời khác, còn nếu tất cả
ghi nhớ đó được ghi vào não bộ, khi chết não bộ cũng hoại thì lấy gì mà đi
thọ sanh, trong khi chủng tử thiện ác không phải là hết. Nên nói tàng thức
chứa đựng chủng tử lành dữ, rồi nó mang chủng tử đó sang đời khác. Bởi vậy
nhiều khi chúng ta cứ nghĩ mình làm việc thiện, việc ác trong đời này thì
phải có quả báo cho mình thấy. Song có người cả đời làm ác hoặc làm thiện
sao không thấy quả báo ngay trong hiện đời. Sự thật không phải thế, người
làm ác hiện đời nhưng họ có chủng tử lành đời trước quá nhiều, nên họ
hưởng những phước lành cũ, khi chủng tử thiện hết, chủng tử ác sẽ hiện ra
sau. Còn người làm thiện mà hiện đời vẫn bị tai nạn dồn dập, đến khi chết
cũng không thấy sung sướng chi hết, tưởng đâu như mất. Nhưng không phải,
chủng tử lành đó sẽ tiếp tục hiện ra trong đời kế. Như tất cả biết, chúng
ta ra đời không ai lựa chọn cha mẹ cho mình cả, mà do nghiệp cũ thúc đẩy
chúng ta đến chỗ tốt hoặc xấu, tùy chủng tử thiện ác trong tàng thức mà
thọ sanh. Thí dụ thuở xưa mình có gian lận của người nào, làm cho họ phải
tiêu tan hết sự nghiệp, nên họ oán hận mình, khi mình chết nợ nần oan
khiên xưa đẩy mình đến chỗ người ấy thọ sanh. Sanh ra nơi đó để mình trả
nợ cũ. Ngược lại, trước đây chúng ta đã làm những điều lành, điều tốt, đã
giúp đỡ ai đó, người ấy cũng là người lành, khi chết đi mình sanh vào chỗ
người lành đó, được vui hưởng sung sướng. Như vậy nghiệp quá khứ không
mất, vì có tàng thức chứa đựng, rồi dẫn đi thọ sanh, chớ không phải ngẫu
nhiên, không phải do ai sắp đặt cho mình cả, mà chính do nghiệp thiện ác
của mình gieo trong tàng thức từ trước vậy. Vì thế đối với bát thức chúng
ta phải biết rõ, ngăn ngừa những chủng tử xấu ác, không cho đem vô thức
thứ tám. Nói cách khác, không cho tám thức tạo những chủng tử xấu ác để
đời sau phải chịu quả chẳng lành. Đó là ngăn bát thức.
Nén bát phong.
Bát phong tức là tám gió, nén là đè nén, đừng để nó lôi cuốn mình đi. Tám
gió là: 1. Lợi. 2. Suy. 3. Hủy. 4. Dự. 5. Xưng. 6. Cơ. 7. Khổ. 8. Lạc. Tám
gió này thường làm cho chúng ta bị xao xuyến.
1. Thí dụ hôm
nào quí vị mua vé số, đến ngày xổ số dò thấy trúng số độc đắc năm hay mười
triệu, quí vị có ngủ được không? Ngủ không được là bị gió lợi thổi bay
rồi. Khi nào biết trúng số độc đắc mà vẫn nằm ngáy khò khò, là không bị
gió lợi thổi. Như vậy, gió lợi rất mạnh, lợi đến thì tâm xao xuyến, náo
động không an.
2. Gió thứ hai
là suy. Như trong công ăn việc làm của quí vị, bất thần bị suy sụp thua lỗ
mất phân nửa hoặc hai phần vốn, quí vị có nằm yên không? Không yên, vậy là
bị gió suy làm cho xao xuyến bất an. Hai cơn gió này cũng đủ thấy tu rất
khó rồi.
3. Hủy tức là
hủy nhục. Như người đứng đắn, đàng hoàng, bỗng dưng có người trong xóm đến
chỉ mặt người đó chửi mắng thậm tệ, thì ông có buồn không? Như vậy gió thứ
ba cũng không phải dễ, bị người hủy nhục thì lòng mình cũng bị chao đảo
bất an.
4. Dự: ngược
lại, dự là đề cao. Giả sử trong buổi họp có năm bảy trăm người, có người
nêu tên mình ra để đề cao hơn người, khi ấy mọi người đều vỗ tay hoan
nghinh vang dội, đến trưa về nhà mình nằm ngủ có được không? Như vậy được
đề cao quá, cũng ngủ không được, tức là đã động, bị gió dự thổi.
5. Xưng là tán
thán, ca ngợi. Được tán thán ca ngợi, vui quá cũng ngủ không được. Đó là
gió xưng thổi.
6. Cơ là cơ
hiềm, có nghĩa là chê bai. Ví dụ ở trước chỗ đông người, mình bị đưa ra
chỉ trích những cái xấu, dở của mình, lúc đó về nhà mình có yên không?
Không yên là đã bị gió cơ thổi.
7. Khổ: Gặp
những điều đau khổ đến lòng mình cũng bị dao động.
8. Lạc: Là
vui, vui được tăng trưởng thì tốt nhất. Nhưng thật tình, nếu quí vị có
người thân đi đâu thật xa, đến lúc trở về có hẹn ngày để gặp, khi gần đến
ngày đó mình có thao thức, mong đợi không? Nghĩa là cái vui sẽ đến mình
vẫn bất an. Thế nên, người tu thiền, dù gặp việc hay, dở, được, mất, khen,
chê, chúng ta phải nén xuống, không để cho sự bất an, náo động, nổi dậy
trong lòng mình, đó mới thật biết tu. Còn nếu nói thiền, nói đạo thao thao
bất tuyệt mà một gió thổi đến đã muốn bay bổng thì không phải thật tu rồi.
Gặp một gió ta vượt qua thì những gió khác lần lần cũng thắng được. Vì vậy
trong nhà thiền những vị thầy thường thử đệ tử xem đạo lực có khá hay
không, nên gặp mặt không nói gì lại chửi mắng thậm tệ, nếu làm như thế mà
người đệ tử vẫn thản nhiên không thay đổi sắc diện, thì biết đó là hạng
khá. Còn mới nói vài câu mà vị ấy khóc la, thì biết là yếu kém. Vì bình
thường ai cũng tỏ ra mình là người đạo đức thâm hậu, nhưng gặp việc mới
thấy có thật hay không? Thế nên ở đây Ngài muốn nhắc chúng ta phải nén bát
phong.
Càng đè càng
bội. Nhưng càng đè chừng nào nó lại càng phát lên nhiều chừng nấy nữa.
Lẫy tam huyền,
nong tam yếu, một cắt một ma. Chữ tam huyền, tam yếu là ngôn từ do Tổ Lâm
Tế thường dạy môn đồ. Lẫy tức là bật ra, lảy. Nong là làm rộng ra. Hai câu
này muốn nói đối với tam huyền, tam yếu chúng ta phải thông suốt, phải
thấu rõ tường tận. Một cắt một ma. Một bên cắt, một bên mài, phải mài giũa
đừng để nó mờ tối. Thật ra Tổ Lâm Tế nói tam huyền tam yếu nhưng không có
giải nghĩa, sau này đồ đệ Ngài mới giải đại khái như sau:
Tam huyền gồm:
1. Thể trung
huyền là câu nói phải chất phác, ngay thật, không trau chuốt.
2. Cú trung
huyền là lời nói không mắc kẹt tình thức, phân biệt. Thí dụ: Hỏi: “Thế nào
là Phật?” Đáp: Ba cân gai. Nói ba cân gai là có nằm trong tình thức phân
biệt không? Câu nói đó không bị kẹt trong tình thức phân biệt.
3. Huyền trung
huyền là câu nói lìa đối đãi hai bên. Đó là tam huyền.
Tam yếu, người
sau giải thích là:
1. Trong lời
nói không phân biệt tạo tác.
2. Cốt vì ngàn
Thánh thẳng vào chỗ huyền áo, chớ không phải nói theo nghĩa thường của thế
gian .
3. Cốt dứt bặt
đường ngôn ngữ. Nói mà ngăn nói, nói để dứt nói, không phải nói để cho
người suy gẫm. Đó là tam yếu.
Sau này, Thiền
sư Thiện Chiêu có làm bài kệ về tam huyền, tam yếu như sau:
Tam huyền tam
yếu sự nan phân,
Đắc ý vong
ngôn đạo vị thân.
Nhất cú minh
minh siêu vạn tượng,
Trùng dương
cửu nhật cúc hoa tân.
Ngài nói về
nghĩa “Tam huyền tam yếu” khó phân biệt được. Phải làm sao “Đắc ý vong
ngôn đạo vị thân”, mình phải lột được ý nghĩa ở trong mà quên lời nói đi
thì đối với đạo mới gần gũi được. “Nhất cú minh minh siêu vạn tượng.” Một
câu rõ ràng vượt mọi hình thức thế gian. “Trùng dương cửu nhật cúc hoa
tân.” Ngày mùng chín tháng chín hoa cúc nở tươi đẹp. Đây Ngài muốn nói yếu
nghĩa không thể phân biệt, hoặc giải thích bằng hình thức, mà phải đắc ý
vong ngôn, nghĩa là phải nhận ý quên lời, mới có thể thấu suốt được một
câu nói của chư Tổ thật rõ ràng, không còn mắc kẹt trong hình tướng nữa.
Người nào nhận được điều đó cũng như ngày mùng chín tháng chín hoa cúc nở,
nghĩa là đến thời tiết nhân duyên liền bừng sáng.
Tóm lại, câu
“Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma” nghĩa là đối với tam huyền
tam yếu, chúng ta phải thông suốt để dẹp hết mọi ngôn từ, không còn mắc
kẹt, không còn bị dính nữa.
Cầm vốn thiếu
huyền, xá đàn dấu xoang vô sanh khúc;
Địch chăng có
lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Cầm là cây
đàn, thiếu huyền là thiếu dây, chữ xá là hãy, xoang là xướng hay tấu.
Nghĩa là đàn không dây hãy tấu lên một khúc nhạc vô sanh thích thú.
Địch là sáo.
Sáo không lỗ cũng thổi một bài ca thái bình.
Hai câu này
muốn nói, người đạt đạo giống như người có khả năng sử dụng cây đàn không
dây mà vẫn khảy được khúc nhạc vô sanh. Sáo không lỗ mà vẫn thổi được bài
ca thái bình. Như vậy người đạt đạo thấu suốt rồi thì có được diệu dụng vô
cùng, sống trong cảnh thái bình, trong chốn vô sanh, không còn bị lang
thang khổ sở nữa.
Lẫy cội tìm
cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chấp
bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.
Lẫy là bẻ,
lặt, hái. Trưởng lão Câu Chi là tên một vị Thiền sư đời Đường. Bình thường
có ai đến hỏi đạo, Ngài đều không đáp chỉ giơ một ngón tay lên. Vì vậy ở
đây muốn nói hành động đưa ngón tay của Ngài đó là lẫy cội tìm cành, là
còn hình thức nên đáng tiếc.
Diễn-nhã-đạt-đa. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có dụ: Ngày xưa có anh
chàng tên Diễn-nhã-đạt-đa. Một buổi sáng mai dậy, anh đến trước gương để
rửa mặt, soi mặt vào gương anh thấy đầu, bóng trong gương rất đẹp, anh
thích quá. Nhưng khi úp mặt gương lại, anh không thấy đầu mặt mình đâu
nữa, liền ôm đầu chạy la: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi!” Như vậy anh
la mất đầu là tại sao? - Vì anh quên đầu chấp bóng. Cái đầu thật sờ sờ ở
ngoài, nhưng vì anh thấy bóng trong gương, anh cho là đầu mặt của anh. Khi
úp gương lại thì anh cho mất đầu. Đầu mặt trong gương chỉ là cái bóng, chớ
mất đầu mặt thật thì ai ôm đầu chạy la mất đầu. Như vậy còn biết la mất
đầu thì cái đầu vẫn còn. Qua thí dụ này Phật muốn dạy tất cả chúng sanh ai
cũng có chân tâm, Phật tánh nhưng vì ý thức dấy động phân biệt sự vật ở
bên ngoài, rồi mang pháp trần vào tàng thức để chúng ta dính kẹt. Ý thức
đó, pháp trần đó là bóng dáng không thật, nhưng người nào chưa khéo tu khi
ý thức lặng, không còn nhớ chuyện này chuyện kia thì nghĩ “Tôi không có
tâm, tâm tôi mất rồi”. Không nghĩ suy thì nói mất tâm, vậy mất tâm hay mất
cái bóng của tâm? Thật ra, khi không suy nghĩ, cái bóng không dấy động,
không khởi lên, chớ không phải là mất. Khi không nghĩ mà chúng ta hằng
biết thì cái tâm còn rõ ràng. Cũng vậy, cái bóng đó là ví dụ như đầu, mặt
ở trong gương, còn đầu mặt thật là chỉ cho tâm chân thật, mà anh chàng
Diễn-nhã-đạt-đa chỉ nhớ bóng lại quên đầu. Cũng như chúng ta chỉ nhớ cái
suy nghĩ phải quấy, hơn thua, lợi hại v.v… mà quên cái tâm hằng hữu của
chính mình, như vậy chúng ta có điên không? Cái điên của anh chàng
Diễn-nhã-đạt-đa với cái điên của chúng ta có khác nhau không? Cả ngày
chúng ta cứ chạy theo cái suy nghĩ tính toán, chấp đó là mình, rồi quên
mất cái tâm chân thật, thì không phải điên đảo là gì?
Như vậy hai
câu này muốn dạy chúng ta nhớ: Chúng ta tu phải nhận ra cái thật, chớ đừng
mắc kẹt cái bóng, đừng mắc kẹt cành lá bên ngoài v.v…
Lọt quyện kim
cương, há mặt hầu thông nên bóng;
Nuốt bồng lật
cức, nào tay phải xước tượng da.
Quyện có chỗ
cũng đọc là quyển, quyện kim cương tức là cái lồng bằng kim cương. Kim
cương là loại cứng chắc, không có gì đập bể được nó. Vậy mà Ngài bảo lọt
quyện kim cương, tức là lọt phủng được lồng kim cương, mà mặt vẫn bình
thản, không nóng, cũng không thấy khó khăn.
Nuốt bồng lật
cức. Lật cức là loại tre gai, nuốt nó mà không bị xước da.
Ý của hai câu
này là để nói người tu khi đạt được chỗ cứu kính rồi thì vượt qua mọi khó
khăn như tay chọc phủng lồng kim cương, hoặc nuốt trộng gai góc cũng không
bị trầy da họng. Đó là chỗ diệu dụng khi đã được tự tại.
HỘI THỨ SÁU
Thật thế!
Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp
đạo.
Dừng tam
nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng
thì thông Tổ giáo.
Nhận văn giải
nghĩa, lạc lài nên Thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri
cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu,
han vô lậu, bảo cho hay: the lọt, duộc thưng;
Hỏi Đại thừa,
hỏi Tiểu thừa, thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo.
Nhận biết làu
làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc
vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết
quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn;
Lộc chẳng còn
tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới
lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa,
thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén
bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ
thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Thật thế!
Hãy xá vô
tâm;
Tự nhiên hợp
đạo.
Chữ xá là nên.
Hãy nên vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Người tu tuy có nhiều phương pháp, nhiều
lối ứng dụng tu, nhưng chỗ tột cùng vẫn là vô tâm. Vậy là vô tâm nào? - Vô
tâm vọng tưởng, vô tâm phân biệt chạy theo sáu trần. Khi tâm đó lặng đi,
tự nhiên hợp đạo, chớ không có gì khác. Đạo tức là thể chân thật của chân
tâm, khi ngộ được chân tâm gọi đó là ngộ đạo. Vì vậy muốn ngộ được chân
tâm thì phải không có tâm hư vọng. Tâm hư vọng lặng rồi, thì chân tâm hiện
tiền, cho nên nói: Hãy xá vô tâm, tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam
nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng
thì thông Tổ giáo.
Dừng tam
nghiệp tức là dừng nghiệp ác, nghiệp xấu của thân, khẩu, ý, thì thân tâm
mình mới an tĩnh, mới trong sáng.
Đạt một lòng
thì thông Tổ giáo. Chúng ta tu cốt đạt được một lòng, một lòng là nhất
tâm. Được vậy, chúng ta mới thông suốt giáo lý của Phật Tổ. Ngược lại,
chúng ta sẽ mờ mịt trong rừng đạo lý cao siêu của chư Phật Tổ. Nhất tâm
tức là còn một tâm chân thật, không có những thứ lăng xăng, lộn xộn xen
vào. Bởi thế nên, tu Tịnh độ Phật dạy niệm Phật phải nhất tâm, tu thiền
phải lặng vọng tưởng. Hai bên tuy từ ngữ có khác, nhưng chủ yếu không hai.
Nhất tâm tức là không còn vọng tưởng.
Như vậy hai
câu này dạy chúng ta tu, trước hết phải dừng ba nghiệp, kế phải được nhất
tâm thì mới mong đạt đến chỗ tột cùng của Phật Tổ.
Nhận văn giải
nghĩa, lạc lài nên Thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri
cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Người tu nếu
chấp từng câu văn, chấp vào nghĩa lý, rồi cứ theo đó mà mắc kẹt, như vậy
là người bị lạc loài, là Thiền khách bơ vơ không thấy được nghĩa lý cứu
kính của Phật Tổ dạy. Cũng như người đưa ngón tay chỉ mặt trăng, không
nương theo ngón tay để thấy mặt trăng, lại cứ chấp vào đầu ngón tay cho là
lớn, nhỏ, đẹp, xấu v.v…, người ấy sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng.
Cũng vậy, người tu thiền cứ mắc kẹt trên văn nghĩa, không bao giờ đạt được
chỗ cứu kính. Đức Phật nói bao nhiêu kinh cốt chỉ cho chúng ta nhận được
ông Phật của chính mình. Đó là tánh giác hay chân tâm của chúng ta. Nhưng
chúng ta cứ bám vào kinh, vào nghĩa mà không chịu nhìn lại, để nhận ra
tánh giác nơi mình, chẳng khác nào chỉ phân biệt đầu ngón tay mà không
thấy mặt trăng thật. Như tu Tịnh độ, trong kinh Di-đà Phật dạy, người nào
niệm Phật từ một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, mới
được sanh về cõi Phật. Nhưng hiện nay, phần nhiều người tu không chịu niệm
Phật nhất tâm, mà cứ đem kinh ra tụng hoài mỗi đêm. Tụng như vậy chừng nào
mới đến Cực lạc? Còn người tu thiền tụng kinh Bát-nhã, Phật dạy phải quán
năm uẩn không thật thì qua hết khổ ách. Tối nào cũng tụng “ngũ uẩn giai
không” thuộc lòng, mà năm uẩn thấy thật, thì chừng nào người ấy giác ngộ?
Như vậy kinh Phật chỉ dạy chúng ta phương pháp phá dẹp những sai lầm cố
chấp để được nhất tâm, mà chúng ta không ứng dụng lại cứ đem ra đọc tụng
suông, chẳng khác nào con két, nghe ai dạy câu nào lập lại y câu đó, chớ
không hiểu biết và thực hành gì cả. Người tu mà như vậy, Ngài cho là những
Thiền khách bơ vơ, lạc loài không biết lang thang đến đâu.
Chứng lý tri
cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo. Nạp tăng là ông thầy mặc áo vá, hay
nói cách khác nạp tăng là chỉ cho người tu thiền. Câu trên dùng chữ Thiền
khách, câu dưới dùng chữ nạp tăng đối nhau, tuy khác chữ nhưng ý không
khác. Người tu thiền phải chứng được lý của Phật Tổ, biết rõ căn cơ của
mình, đó là người cứng cát, là vị tăng khôn khéo, là người tu hành chân
thật.
Hai câu này
dạy chúng ta phải làm sao đúng nghĩa của một người tu hành có đủ bản lãnh,
vượt qua những thứ tầm thường, để đạt đến chỗ cứu kính, chớ không nên mắc
kẹt vào hình thức văn tự, chữ nghĩa.
Han hữu lậu,
han vô lậu, bảo cho hay: the lọt, duộc thưng;
Hỏi Đại thừa,
hỏi Tiểu thừa, thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo.
Chữ han cũng
như chữ hỏi, nên thường nói là hỏi han. Hỏi hay han cũng đồng nghĩa với
nhau, nhưng vì muốn đổi chữ cho thành câu hay nên câu trên dùng chữ han,
câu dưới dùng chữ hỏi.
Hữu lậu, vô
lậu. Chúng ta thường nghe trong nhà Phật hay dùng hai từ ngữ hữu lậu và vô
lậu, nói tu thế này chỉ được công đức hữu lậu, tu thế kia được công đức vô
lậu. Như vậy tu làm sao được công đức hữu lậu và tu làm sao được công đức
vô lậu? Trước hết chúng ta phải hiểu nghĩa hữu lậu, vô lậu. Theo chữ Hán,
lậu là lọt, là rơi rớt, hữu lậu là còn rơi rớt, còn lọt xuống; vô lậu là
không còn rơi rớt. Vậy rơi rớt cái gì? Rơi rớt lại trong ba cõi. Như trong
kinh thường dạy, chúng ta tu hành nếu được giải thoát sanh tử là ra khỏi
tam giới. Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người nào tu đạt
đạo cứu kính được ra khỏi tam giới, đó là vô lậu. Còn người nào tu chỉ có
phước báo nhân thiên thì sanh lại trong tam giới hay sanh lại trong cõi
đời này để hưởng phước, gọi đó là hữu lậu. Như vậy ra khỏi tam giới gọi là
vô lậu, còn lọt, còn rớt lại trong tam giới gọi là hữu lậu. Ở đây hỏi hữu
lậu hay hỏi vô lậu thì bảo cho hay tức là cho họ biết the lọt, duộc thưng,
chữ the tức là vải the. Nếu chúng ta đổ cám hay cát trên vải the rồi lắc
một hồi nó rơi xuống hết nên gọi là the lọt. Chữ “duộc thưng”, duộc là cái
cán, thưng là cái gáo, nhưng ở đây duộc thưng là tấm vách ngăn chận lại.
Vì vậy hữu lậu là còn rơi rớt lại cũng như vải the còn rớt cám, rớt cát
xuống. Nói về vô lậu ví như tấm vách ngăn chận lại, không bị rơi rớt.
Nhưng có chỗ lại nói như cái gáo múc nước tương, khi múc lên không bị chảy
hay bị rớt lại. Đó là ý giải thích về hữu lậu và vô lậu.
Hỏi Đại thừa,
hỏi Tiểu thừa, thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo. Chữ lòi tiền là sợi chỉ
xâu tiền thành chuỗi. Ngày xưa dùng tiền có loại là đồng điếu có lỗ ở giữa
muốn đi đâu người ta lấy chỉ xâu lại thành từng xâu hoặc mười đồng, hay
một trăm đồng thì gọi là lòi tiền. Tơ gáo là sợi dây kéo gàu múc nước. Như
vậy sợi chỉ xâu tiền và sợi dây kéo gàu múc nước, hai cái có công dụng thế
nào? Ở đây muốn nói Tiểu thừa giống như sợi chỉ xâu tiền, Đại thừa giống
như sợi dây kéo gàu múc nước, hai thứ có khác nhau.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Nhận biết làu
làu lòng vốn, là chúng ta nhận rõ nơi nội tâm mình có tánh giác hay chân
tâm, nó vẫn sáng làu làu không bao giờ mờ tối. Nhận biết rõ như vậy thì
chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên, là đừng nên hỏi “tôi tu đến bao giờ
mới ngộ đạo”? Câu hỏi đó đã dư thừa rồi. Vì đã biết mình có tánh sáng, thì
nó đã sẵn có còn hỏi chi nữa, chỉ cần đúng thời tiết, đủ nhân duyên thì
được trọn vẹn.
Chùi cho vặc
vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo. Tánh giác giống như gương
sáng, còn những thứ phiền não nhiễm ô của trần thế giống như bụi bặm. Như
vậy chúng ta phải làm sao cho tánh giác của mình luôn luôn sáng, không bị
căn trần làm nhơ nhiễm, làm mờ tối.
Hai câu này
nói thẳng cho chúng ta biết rằng, người nào nhận ra nơi mình có sẵn chân
tâm, Phật tánh thì chớ lo tu bao lâu mới ngộ đạo. Nó đã sẵn có chỉ cần
đừng cho bụi bặm dính vào mặt gương thì nó sáng, đâu cần phải hỏi thời
tiết nhân duyên làm gì? Chúng ta cứ tự hỏi lại mình xem hôm nay gió thổi
mình có bay không, bụi có dính không? Nếu gió thổi không bay, bụi không
dính thì đạo sờ sờ đó chớ kiếm tìm chi! Đây là một lẽ thật. Vậy mà chúng
ta cứ để cho bụi phủ, gió thổi liền bay, không chút nào yên, mà hỏi chừng
nào ngộ đạo, dù cho Phật cũng trả lời không được.
Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Nếu biết rõ
vàng của mình lọc chưa hết quặng, thì xá tua tức là hãy nên chín phen đúc
chín phen rèn, có nghĩa là phải nấu luyện, lọc cho hết quặng ra mới được
vàng ròng.
Lộc chẳng còn
tham. Đối với tài lộc của thế gian chẳng còn tham, chữ thì đây là thời hay
bữa cũng vậy. Miễn một bữa chay, một bữa cháo được rồi. Nếu chúng ta chẳng
màng lợi lộc, thì chỉ cần bữa cơm hay bữa cháo cũng đủ. Hay nói cách khác
là bữa rau bữa cháo cũng được, đâu có gì quan trọng!
Như vậy, người
tu nếu biết rõ nội tâm của mình chưa thuần thục, thì phải cố gắng rèn
luyện cho được thuần thục. Nếu thấy lòng mình không còn tham đắm lợi lộc
thế gian thì thôi một bữa cơm chay, một bữa cháo cũng tạm no, đâu cần gì
nữa.
Sạch giới
lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa,
thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Câu trên nhắc
cho người xuất gia, câu dưới nói cho người cư sĩ. Sạch giới lòng là sạch
giới tâm. Giới tâm mình phải giữ cho sạch. Cũng như mỗi tháng chúng ta đọc
giới của ngài Pháp Loa dạy phải tịnh giới. Tịnh giới nghĩa là mắt đối với
sắc, tai đối với tiếng v.v… không cho dính nhiễm. Chùi giới tướng là giữ
gìn giới tướng như mười giới Sa-di hay mấy trăm giới của Tỳ-kheo chẳng
hạn. Nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm là ở trong thì giới lòng, ngoài thì
giới tướng đều thành tựu, đó là trang nghiêm Bồ-tát.
Ngay thờ chúa,
ở thế gian thì ngay với chúa tức là trung thành với người lãnh đạo. Thảo
với cha, là hiếu thảo với cha mẹ. Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. Chữ đỗ
là đứng, đi đứng mới đúng là bậc trượng phu trung hiếu.
Như vậy, đối
với người xuất gia phải giữ giới lòng, trì giới tướng mới tròn bổn phận
của người xuất gia. Người cư sĩ phải trung thành với cấp lãnh đạo, và hiếu
thảo với cha mẹ mới gọi là người trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Hai câu này
Ngài nói thẳng thâm ân trong đạo. Chúng ta tham thiền học đạo phải nên kén
chọn bạn lành. Đã được bạn lành, được thiện hữu tri thức thì dầu cho nát
thân, chúng ta cũng chưa chắc đã đền ơn bậc thiện tri thức được, cho nên
nói nát thân mình mới khá hồi ân. Hồi ân tức là đền ơn.
Học đạo thờ
thầy. Khi chúng ta xuất gia học đạo thờ các bậc sư trưởng, hay thờ thầy,
thì dầu dọt xương óc chưa thông của báo. Chữ dọt là nghiền nát. Dù cho
nghiền nát xương óc của chúng ta cũng vẫn chưa đủ để đền đáp ân sâu của
thầy Tổ. Như vậy, tuy Ngài chưa xuất gia nhưng Ngài đã nói lên được cái
cao quí tột trong đạo. Chúng ta học đạo thờ thầy dù cho nát thân cũng chưa
đủ báo đáp thâm ân, huống nữa chỉ cực khổ chút ít lại gọi là đền đáp ơn
thầy, ơn thiện tri thức đó ư!
Học đến đây
mới thấy rõ giá trị của người tu. Nếu chúng ta chỉ tu cầm chừng, tu lấy
có, thì không bao giờ biết ơn thầy, biết ơn thiện hữu tri thức. Còn người
tu đạt được đạo, thấy rõ chỗ giác ngộ cứu kính của mình thì mới hiểu thấu
đáo mấy câu này nát thân và dọt xương óc mới đền ơn thầy Tổ. Cha mẹ sanh
ra ta, thì cái thân cha mẹ sanh chỉ sống được bảy, tám mươi năm, rồi cũng
hoại. Còn chúng ta học đạo, ngộ được thể chân thật, thì muôn kiếp không
mất. Như vậy người chỉ cho chúng ta nhận ra cái muôn đời, muôn kiếp không
hoại, không mất thì ơn ấy nặng biết bao!
* |