TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM

THI PHÚ HÁN NÔM (tt)

GIẢNG (tt)

HỘI THỨ BẢY

Vậy mới hay;

Phép Bụt trọng thay;

Rèn cốc mới hay.

 Vô minh hết bồ-đề thêm sáng;

Phiền não rồi đạo đức càng say.

Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu;

Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay (nơi).

Cùng căn bản, rủa trần duyên mựa để mấy hào ly đương mặt;

Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.

Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;

Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh thức thuở nay.

Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;

Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;

Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.

Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;

Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.

“Vậy mới hay” là câu mở đầu.

Phép Bụt trọng thay;

Rèn cốc mới hay.

Chữ cốc là biết, rèn là rèn luyện. Như vậy phép Phật rất quí trọng, nhưng người nào có tu mới biết được cái hay cái quí của phép Phật.

            Vô minh hết bồ-đề thêm sáng;

            Phiền não rồi đạo đức càng say.

Người tu dẹp sạch vô minh mới thấy được bồ-đề. Bồ-đề tức là tánh giác. Tánh giác càng ngày càng sáng sủa thêm. Phiền não rồi tức là phiền não nhẹ hay rảnh rỗi thì đối với việc tu càng ngày càng say mê, thích thú hơn. Vì vậy, ai tu mà cứ ôm ấp phiền não hoài thì việc tu cứ bị lui sụt, không tiến lên được. Còn người phiền não nhẹ, phiền não hết thì tu càng ngày càng say mê đạo đức, không còn ham muốn những gì ở thế gian  nữa.

Như vậy hai câu này nói rõ rằng, người tu nếu dẹp sạch vô minh, thì bồ-đề hay tánh giác càng thêm sáng. Nếu dứt trừ được phiền não thì đạo đức càng ngày càng thấm nhuần.

            Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu;

            Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay (nơi).

Xem phỏng lòng kinh, là xem kinh ở ngay trong tâm mình, tức là hướng về tâm. Nếu chúng ta xem kinh mà biết hướng về nội tâm, hướng về nơi mình thì mới biết được dấu vết của lời Phật dạy. Chữ sá là con đường, không khôn là không khó. Nghĩa là chúng ta học đòi theo căn cơ của chư Tổ thì con đường thiền không khó biết được nơi chốn.

Như vậy người học đạo nếu biết được lời Phật dạy là chỉ cho ta cái tâm thì sẽ dễ thấy được dấu vết của Phật. Người học thiền rõ được căn cơ chư Tổ vì người chỉ dạy thì sẽ thấy được nơi chốn không khó khăn.

            Cùng căn bản, rủa trần duyên mựa để mấy hào ly đương mặt;

            Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.

Cùng căn bản là phải thấu suốt tột cùng cội gốc. Đương mặt là hiện tại hay hiện tiền. Rửa sạch hết duyên trần không còn một mảy may.

Ngã thắng chàng. Chữ chàng là cây cờ. Phải đập ngã cây cờ chiến thắng hay cờ của giặc.

            Viên tri kiến là tri kiến mới tròn.

Chớ cho còn họa trữ cong tay, chẳng cho một chút họa nào còn vướng lại trong lòng.

Hai câu này Ngài dạy chúng ta tu hành muốn tột cùng chỗ căn bản phải rửa sạch không để một chút trần duyên nào vướng bận. Phải thắng ngoại đạo, tà giáo để tri kiến được tròn đủ, chúng ta không nên chứa chấp một chút phiền não nào ở bên trong.

            Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;

            Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh thức thuở nay.

Trước kia, vì theo tà giáo ngoại đạo nên chúng ta mờ mịt tối tăm, ngày nay đã tỉnh thức nên dùng lửa giác ngộ để đốt hết rừng tà ngụy ngày trước. Kế đến, cầm kiếm trí tuệ tức là trí Bát-nhã, quét sạch hết những tánh thức là tánh hay phân biệt hơn thua, phải quấy hay nói gọn là những thị phi từ thuở nào.

            Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;

            Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

Chữ Thánh ở đây là chỉ cho đạo Khổng. Đạo Khổng chỉ dạy con người phải hiếu thảo với mẹ cha, kính thờ bậc sư trưởng. Mến đức Cồ, chữ Cồ ở đây chỉ Cồ-đàm tức là đức Phật. Người mến đức Phật phải kiêng bùi ngọt là kiêng thịt cá, giữ giới ăn chay lạt.

Trong hai câu này, câu trước dạy cho người theo đạo Khổng. Câu sau chỉ dạy tư cách người tu xuất gia theo đạo Phật.

            Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;

            Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.

Vì cảm đức từ bi của Phật, nên chúng ta nguyện nhiều kiếp gần gũi Phật để tiếp tục tu hành.

Đội ơn cứu độ tức là nhớ ơn những bậc thầy cứu độ mình từ một kẻ mê thành người tỉnh, thì dù cho nát muôn thân là thân này chết đi sống lại muôn ngàn lần, chịu khổ sở đến đâu cũng chưa đủ để đáp đền.

Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;

Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.   

Nghĩa hãy nhớ. Nghĩa tức là đức hạnh tốt, hành động đúng với đạo nghĩa. Đạo chẳng quên là đối với đạo không lơ là. Người sống như thế dầu chỉ cúng hương cúng hoa vẫn được xem là người hiền thảo.

Miệng rằng tin là tuy miệng nói tin Phật, kính Phật, nhưng trong lòng lại mưu tính đủ thứ, làm những điều tà bậy, thì dù cho người đó có đem vàng ngọc dâng cúng cũng chưa ngay, chưa đúng nữa.

Hai câu này, Ngài dặn dò người học đạo chân thật phải sống đúng nghĩa đạo đức thì dù cho người ấy cúng Phật ít cũng là người thảo ngay. Còn người tuy miệng nói đạo đức mà trong lòng lại nghĩ tà vạy, thì dù có đem vàng ngọc dâng cúng, cũng chưa phải là người chân chánh, thảo ngay. Do đó người học đạo phải khéo hiểu như vậy.

HỘI THỨ TÁM

Chưng ấy:

Chỉn xá tua rèn;

Chớ nên tuyệt học.

Lay ý thức chớ chấp chằng chằng;

Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.

Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;

Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;

Săn hỉ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;

Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa  lọc.

Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay;

Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.

Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;

Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

“Chưng ấy” là bởi ấy hay bởi thế, chỉ là câu mở đầu.

Chỉn xá tua rèn;

Chớ nên tuyệt học.

Chỉn xá tua rèn. Chữ chỉn là chỉ, xá là hãy, tua là nên, tức là chỉ nên rèn luyện thân tâm của mình. Chớ nên tuyệt học là chớ nên buông hết mọi học tập. Như trong bài “Chứng Đạo Ca” của ngài Huyền Giác có câu: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”, nghĩa là bặt hết mọi học tập, sống theo tinh thần vô vi làm vị đạo nhân nhàn. Nhưng trong thời gian chúng ta đang tu thì không nên tuyệt học.

Hai câu này khuyến khích chúng ta hằng ngày chỉ nên rèn luyện thân tâm, không nên buông xuôi việc học tập, bởi vì chúng ta đang trong giai đoạn tu học, nếu thả trôi sự học hành thì khó tiến được.

            Lay ý thức chớ chấp chằng chằng;

            Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.

Lay ý thức tức là lay chuyển ý thức. Chằng chằng là bám chặt. Chúng ta phải lay chuyển ý thức của mình để chuyển hóa từ từ, không cho nó chấp chặt hay bám chặt vào những thói quen xưa cũ.

Nén niềm vọng là những niệm vọng tưởng nên buông bỏ đi. Mựa là chớ, xóc xóc là vọng động hay vọng tưởng. Chúng ta phải nén hết các thứ niệm vọng tưởng, đừng để chúng dấy động lăng xăng.

Hai câu này, Ngài dạy chúng ta tu phải nhắm thẳng vào nội tâm của mình và phải buông bỏ hết những ý thức chấp trước ngày xưa, chớ bám chặt vào những niệm vọng tưởng, đừng để chúng dấy động lăng xăng. Đấy là hai câu khuyến tu.

            Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;

            Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.

Chữ mảng là mê say. Nếu chúng ta mải đắm mê theo công danh là ngây thơ, khờ dại, chưa thấy được lẽ thật.

Phúc tuệ gồm no là phúc tuệ đầy đủ. Mới khá là mới được. Thực cốc là thực biết. Người tu Phật phải đủ hai phần phúc và tuệ, vì vậy trong kinh thường hay nhắc nhở chúng ta phải tu phúc và tu tuệ. Trong kinh Phật dụ, phúc tuệ đầy đủ như con chim có hai cánh mới bay được. Chúng ta có phúc mà không có tuệ giống như con chim mất đi một cánh, không thể nào bay được. Phúc là những điều tốt, điều thiện. Chúng ta làm những điều lành, điều tốt cho mình cho người đó là được phúc. Tuệ là do mình tu để có trí tuệ càng ngày càng sáng, từ hữu sư trí đi đến vô sư trí, như vậy mới là người tu theo Phật, nên Ngài dùng câu “Phúc tuệ gồm no”. Người tu Phật thực biết là người có đủ phúc và tuệ.

Hai câu này Ngài chỉ cho chúng ta rõ thế nào là kẻ phàm tục, thế nào là người tu? Kẻ phàm tục là kẻ đắm mê công danh phú quí, Ngài cho đó là những người ngây thơ. Còn người tu hành biết thực thì phải đầy đủ phúc và tuệ mới đáng là người tu theo đạo Phật.

            Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;

            Săn hỉ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

Người tu đứng về mặt sự tướng cần phải tạo phước như bắc cầu, bồi lộ. Bắc cầu, bồi lộ là chuyện tu phước. Giồi là trang nghiêm, sửa đổi hay xây dựng, chiền là chùa. Giồi chiền tháp là xây dựng chùa tháp. Như vậy đứng về thế gian, làm những việc từ thiện như bắc cầu, bồi lộ, đưa đò v.v…, còn đứng về mặt đạo, thì xây dựng chùa chiền, tháp miếu, đó là trang nghiêm sự tướng bên ngoài của người tu.

Săn hỉ xả, nhuyễn từ bi. Tức là luôn luôn tập tâm hỉ xả, nhuần nhuyễn tánh từ bi. Như vậy, ở nội tâm phải tập đức hỉ xả, luyện lòng từ bi. Nội tự tại kinh lòng hằng đọc là tự tại ở bên trong, hằng đọc kinh lòng tức là tâm kinh hằng nhớ không quên lãng, không lơ là.

Trong hai câu này, câu trên Ngài chỉ cho chúng ta làm việc thiện về sự tướng ở thế gian. Câu dưới Ngài dạy phải rèn luyện nội tâm của mình, có đức hỉ xả, lòng từ bi và nhớ mãi tâm kinh. Tâm kinh ở đây có hai nghĩa. Tâm kinh Bát-nhã như chúng ta thường đọc tụng. Còn một nghĩa nữa, tâm kinh là tức Phật tức tâm, nghĩa là mình biết quay về tâm mình, tức là trở về với Phật. Bao nhiêu kinh Phật dạy đều cốt quay về tâm mình, cho nên mình biết quay về đó là đọc tâm kinh.

            Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;

            Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.

Muốn làm Bụt tức là làm Phật, chúng ta phải rèn luyện tâm mình cho thuần thục, trong sáng. Đây là điều rất thiết yếu của người tu. Nếu tu mà không biết rèn lòng, sửa nết cho tâm tánh trong sáng thì khó làm Phật được. Vậy thì chỉn xá tua một sức dồi mài. Chữ một ở đây không phải là một đối với hai mà một là chuyên. Nghĩa là chỉ hãy nên chuyên sức dồi mài. Chuyên sức dồi mài là không để cho tâm sơ hở, buông lung.

Đãi cát kén vàng. Người tu cũng giống như người đi bòn vàng. Họ hốt một thúng cát rồi đãi từ từ, lựa bỏ hết cát ra chỉ còn lại một ít mạt vàng mới lấy được, gọi là đãi cát kén vàng. Còn lại phải nhiều phen lựa lọc, tức là phải lắm phen lựa lọc đãi cát tìm vàng thì mới có thể thành công.

Hai câu này Ngài chỉ cho chúng ta ai muốn tu được thành Phật thì phải hết lòng, hết sức dồi mài tâm tánh của mình như người đãi cát bòn vàng, vì phải lắm phen lược qua, lọc lại mới tìm thấy được vàng. Nếu còn cát thì chưa thể gọi là vàng.

Cũng vậy, nếu những tâm niệm phiền não xấu xa còn ẩn náu trong nội tâm không được lược lọc kỹ thì chúng ta khó đến Phật quả. Đó là lời khuyên dạy của Ngài, ai có chí tu cầu thành Phật thì phải cố gắng.

            Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay;

            Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.

Chữ lục là ngữ lục của các Thiền sư, chữ hay là hiểu biết, thửa là điều. Nghĩa là chúng ta phải xem kinh Phật, phải đọc ngữ lục của các Thiền sư rồi những điều đã thấy, đã biết chúng ta phải thực hành cho được. Như vậy chúng ta nương theo kinh Phật dạy, nương ngữ lục của chư Tổ để ứng dụng tu chớ không phải chỉ thấy hiểu suông thôi.

Trọng Bụt tức là trọng Phật, tu thân là tu tập nơi thân tâm. Vì kính trọng Phật nên chúng ta mới tu theo Phật cốt để thành Phật, mà muốn thành Phật thì dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Chữ mựa là chớ. Khi ứng dụng tu chớ để còn một lỗi nhỏ bằng sợi tơ, sợi tóc.

Hai câu này Ngài dạy rất là chí thiết. Bởi vì chúng ta là người học Phật, tu Phật thì trước hết phải xem kinh Phật, đọc ngữ lục của chư Tổ, để thấy hiểu và ứng dụng tu cho kỳ được, chớ không phải chỉ hiểu biết suông. Trong khi tu muốn tiến lên Phật quả, chúng ta phải tránh dù một lỗi nhỏ bằng mảy tơ sợi tóc cũng không cho phạm, huống nữa là lỗi lớn.

            Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;

            Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

Cùng nơi ngôn cú là phải thấu suốt những ngôn cú của Phật Tổ dạy. Chỉn chăng hề một phút ngại lo. Chỉn là chỉ, chăng là chẳng. Chỉ chẳng hề để một phút ngại lo. Nghĩa là đối với lời Phật Tổ dạy đã thấu suốt rồi thì không còn một tí nào khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, trở ngại. Đó là tinh thần của người học đạo phải học cho thấu suốt, chớ không phải học cầm chừng, học lấy có.

Rất thửa cơ quan. Chữ thửa ở trên là điều, chữ thửa ở dưới là chỗ, nơi. Cơ quan là sáu căn.

Mựa còn để tám hơi lọt lọc. Tám hơi là tám gió. Chữ lọt lọc là lọt ra rớt vào hay là trở tới trở lui. Ngay nơi sáu căn tiếp xúc với sáu trần phải cẩn thận, phải dè dặt đừng để cho tám gió thổi lọt vào. Thí dụ mắt thấy sắc đừng cho gió động con mắt, tai nghe tiếng đừng cho gió động lỗ tai v.v… Mắt thấy sắc, nếu khởi tâm mến sắc, yêu sắc, đó là động con mắt. Tai nghe tiếng hoặc khen, hoặc chê, lòng sanh vui buồn là động lỗ tai. Như vậy người tu phải giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với ngoại cảnh mà tám gió thổi không động, đó là người khéo tu. Chúng ta vì không làm chủ được sáu căn, bị gió thổi lọt ra lọt vô mãi cho nên bị xao động. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc đều bị động, sáu cơ quan cứ động mãi nên tâm không an tĩnh. Tâm không an tĩnh thì sự tu hành khó đạt được đạo quả. Vì vậy hai câu chót Ngài khuyên chúng ta hai việc. Việc thứ nhất là học thì phải thấu suốt được lời Phật Tổ dạy, không còn chút nghi ngờ. Việc thứ hai là giữ sáu căn đừng cho tám gió thổi động, đó là tu. Ngài nghe nói rất bình dị, nhưng thật ra sự tu hành không giản đơn, chúng ta cần phải quyết chí, gan dạ, bền vững lắm mới được.

Bây giờ nếu quí vị muốn thử thì sẽ biết liền. Giả sử mình đang ở trong chùa, vừa bước ra cổng có người kêu tên mình chửi hoặc chỉ vào mặt mắng mình ngu, lúc đó nhìn sắc diện mình có đổi thay hay không thì biết là gió có lọt vào tai hay chưa? Như vậy muốn cho gió đừng lọt vào là cả một vấn đề không đơn giản. Nhưng nếu sáu căn này, không bị tám gió thổi lọt vào chút nào, đó là Thánh mất rồi. Thế nên tu để thành Thánh là ở chỗ đó, chớ không phải tụng kinh giỏi, ngồi thiền hay là thành Thánh. Chỉ cần sáu cơ quan không bị gió thổi lọt vào làm dấy động lung lay, đó mới là người đạt đạo thật sự.

*

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM