SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM
THI PHÚ HÁN NÔM (tt)
PHẦN PHỤ GIẢNG
Trong quyển
Thiền tông Bản Hạnh của Thiền sư Chân Nguyên, dưới hội thứ tư của bài phú
Cư Trần Lạc Đạo, có ghi một đoạn chú thích ở sau. Thấy đây là căn bản
Thiền của Phật giáo Việt Nam, cho nên chúng tôi dẫn ra để giảng cho quí
vị. Phần phụ này gồm có những câu hỏi, câu trả lời và hai bài kệ bằng chữ
Hán. Chúng tôi dịch nghĩa và giải thích từng phần để quí vị thấy rõ tinh
thần Thiền tông Việt Nam.
Câu 1.
Vấn: Hà giả
thị chân như?
Thị vân: Trạm tịch viên minh khước thái hư.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân như?
Đáp: Lặng lẽ tròn sáng rực thái hư.
Câu 2.
Vấn: Như hà
thị Bát-nhã?
Thị vân: Căn nguyên trí tuệ tự kỷ giả.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là Bát-nhã?
Đáp: Cội nguồn trí tuệ chính mình vậy.
Câu 3.
Vấn: Như hà
thị chân Phật?
Thị vân: Đương cơ đối đáp thị thùy vật?
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân Phật?
Đáp: Đang khi đối đáp là vật gì?
Câu 4.
Vấn: Như hà
thị chân kinh?
Thị vân: Đương cơ cử khởi thái phân minh.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân kinh?
Đáp: Đang khi đề khởi rất phân minh.
Câu 5.
Vấn: Như hà
thị truyền phó?
Thị vân: Sư đệ tứ mục giao tương cố.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là truyền trao?
Đáp: Thầy trò bốn mắt cùng nhìn nhau.
Câu 6.
Vấn: Như hà
thị lãnh chỉ?
Thị vân: Phản bản hoàn nguyên vô nghĩ nghị,
Nhược sanh nghĩ nghị sai quá liễu dã.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là lãnh chỉ?
Đáp: Trở về nguồn gốc không nghĩ bàn,
Nếu sanh nghĩ bàn sai lầm mất.
1.Kệ vân:
Cừ
kim chính thị ngã,
Ngã kim bất thị cừ,
Nhược năng như thị hội,
Phương đắc khế chân như.
Ngộ tự tâm thị Phật,
Cố
danh liễu đạt chân như.
Ngộ tự tâm thị pháp,
Cố
danh nhất tự pháp môn.
Vạn pháp qui nhất,
Cố
danh nhất thể Như Lai.
Dịch: Nó nay
chính là ta,
Ta
nay không phải nó.
Nếu hay hiểu như thế,
Mới khế hợp chân như.
Ngộ tâm mình là Phật,
Gọi liễu đạt chân như.
Ngộ tâm mình là pháp,
Gọi nhất tự pháp môn.
Muôn pháp trở về một,
Gọi nhất thể Như Lai.
2.Kệ vân:
Đường đường chân diện mục,
Lộ
lộ chủ nhân ông,
Bao hàm thiên địa ngoại,
Quán triệt sát hải trung.
Dụng thời thành diệu hữu,
Tĩnh xứ thái hư không.
Nhân nhân giai cụ túc,
Vật vật tổng viên thông.
Tùng tư lãnh ngộ đắc,
Liễu hưu tẩu tây đông.
Dịch: Rành
rành chân diện mục,
Lồ
lộ chủ nhân ông,
Bao trùm ngoài trời đất,
Xuyên suốt cõi nước trong.
Khi dùng thành diệu hữu,
Chỗ lặng khắp hư không.
Người người đều đầy đủ,
Vật vật thảy viên thông.
Từ
đây lãnh ngộ được,
Đâu còn chạy tây đông.
Đây là tinh
thần Thiền tông Việt Nam, các ngài gom lại qua các câu hỏi và hai bài kệ
trên. Chúng tôi sẽ giải thích từng phần.
Câu
1:
Vấn: Hà giả thị chân như?
Đáp: Trạm tịch viên minh khước thái hư.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân như?
Đáp: Lặng lẽ tròn sáng rực thái hư.
Lâu nay chúng
ta thường nghe từ ngữ chân như, Phật tánh, nhưng muốn biết chân như là gì,
chúng ta giải nghĩa chân là chân thật, như là như như không biến đổi.
Nhưng với Thiền sư Chân Nguyên, Ngài nhìn thấy rõ chân như là cái lặng lẽ
tròn sáng, rực rỡ cả thái hư, chớ không phải cái lặng lẽ im lìm không có
gì. Nói như vậy để chúng ta hiểu khi tu đạt đến chân như, mới biết nó là
một cái lặng lẽ sáng rực trùm khắp cả hư không.
Câu 2
Vấn: Như hà thị Bát-nhã?
Đáp: Căn nguyên trí tuệ tự kỷ giả.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là Bát-nhã?
Đáp: Cội nguồn trí tuệ chính mình vậy.
Chúng ta
thường học kinh Bát-nhã, hay trì tụng Bát-nhã Tâm kinh v.v…, vậy Bát-nhã
nghĩa là gì. Ở đây đáp rất rõ ràng: Bát-nhã là cội nguồn trí tuệ của chính
mình vậy. Tại sao dùng chữ cội nguồn? Vì ở thế gian ai học hỏi thông minh
được gọi là người trí tuệ. Nhưng trí đó đối với trong đạo là thế trí hay
trí thế gian, chưa phải là trí cội nguồn, trí cội nguồn tức là trí căn bản
bên trong của chính mình. Trí này không phải là cái lanh lẹ sáng suốt bình
thường của người thế gian, mà trí này thấu suốt được lẽ thật của con người
và vũ trụ cho nên nói là cội nguồn trí tuệ chính mình vậy.
Câu 3
Vấn: Như hà thị chân Phật?
Đáp: Đương cơ đối đáp thị thùy vật?
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân Phật?
Đáp: Đang khi đối đáp là vật gì?
Câu này nghe
rất khó hiểu. Hỏi: Thế nào là chân Phật? Tức là hỏi: Thế nào là Phật thật?
Đáp rằng: Chính khi đối đáp qua lại là Phật, chớ không gì khác. Như vậy dễ
quá, ai mà không có đối đáp. ai cũng nhanh miệng, hỏi đâu đáp đó, đâu có
ai ngu xuẩn không đối đáp được, thế thì ai cũng là Phật sao? Khi đối đáp
có những lời mỉa mai, những lời lấn lướt châm biếm v.v… vậy Phật là như
thế sao? Chính chỗ này khiến cho mọi người nghi. Chúng tôi dẫn câu chuyện
Thiền sư Huệ Hải đến tham vấn Mã Tổ.
Huệ Hải hỏi:
Thế nào là Phật?
Mã Tổ bảo: Kho
báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà đi tìm cái gì?
Huệ Hải thưa:
Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
Mã Tổ bảo:
Chính cái ngươi hỏi ta đó là kho báu của ngươi.
Như thế là
đúng với câu: Đang khi đối đáp là vật gì? Vậy trong khi đối đáp có phải là
Phật không? Vì lâu nay chúng ta có lầm lớn là mong tìm Phật, mà tìm bên
ngoài, cứ nghĩ rằng Phật ở Ấn Độ hay ở các ngọn núi cao bên Trung Quốc như
Ngũ Đài Sơn v.v… chúng ta không nhớ Phật là cái hiện thực ngay nơi mình,
mà cái hiện thực đó là cái gì? Tức là cái tri giác đang biết, đang nói,
đang trả lời, chính cái đó là Phật chớ không phải tìm ở đâu. Nhưng đang
nói, đang trả lời, chớ không phải đang suy nghĩ, nếu suy nghĩ thì mất
Phật. Tuy rằng có đối đáp mà không phải là cái suy nghĩ, như vậy mới là
Phật thật. Còn Phật ngồi trên bàn là Phật hình tướng để chúng ta nương
thôi, chớ không phải Phật thật. Phật thật là Phật của chính mình.
Câu 4
Vấn: Như hà thị chân kinh?
Đáp: Đương cơ cử khởi thái phân minh.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là chân kinh?
Đáp: Đang khi đề khởi rất phân minh.
Như vậy Phật
là lúc chúng ta đối đáp, kinh là khi chúng ta đề khởi. Chân kinh tức là
kinh chân thật, còn gọi là tâm kinh. Kinh đó là khi chúng ta dấy khởi nó
rõ ràng, chỗ đó là kinh chớ không phải ở đâu khác. Vì sao? Vì Phật là tâm
hiện hữu của chúng ta, không phải hiện hữu trong sanh diệt, mà hiện hữu
sẵn ở mắt tai mũi lưỡi thân. Còn kinh là từ cái hiện hữu đó dấy khởi lên
lời hay lẽ đẹp. Thế nên ngộ được tâm thì các lời nói chúng ta đều là kinh.
Câu 5
Vấn: Như hà thị truyền phó?
Đáp: Sư đệ tứ mục giao tương cố.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là truyền trao?
Đáp: Thầy trò bốn mắt cùng nhìn nhau.
Chỗ này hơi lạ
đối với đạo, lại dễ lầm lẫn đối với đời. Khi hỏi: thế nào là truyền trao,
tức là người thầy truyền tâm ấn cho người trò như thế nào? Đáp rằng: Thầy
trò bốn mắt cùng nhìn nhau. Câu đáp này có nguồn gốc từ xưa: Trên hội Linh
Sơn, khi thuyết pháp xong, Phật cầm cành hoa đưa lên, đồng thời mắt Ngài
nhìn khắp đại chúng, nhìn đến Ca-diếp, Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười. Ngay đó
Phật liền truyền tâm ấn, nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu
tâm v.v… nay trao cho Ca-diếp”, đó là truyền trao. Như vậy có phải là thầy
trò bốn mắt cùng nhìn nhau không? Tại sao ngày nay chúng ta cùng nhìn nhau
mà không có ai ngộ? Không có truyền trao?
Khi xưa ở
Trung Hoa có Thiền sư Tỉnh Niệm đệ tử ngài Phong Huyệt, đi đứng nằm ngồi
đều thầm tụng kinh Pháp Hoa, nên có hiệu là Niệm Pháp Hoa. Một hôm trong
hội chúng tám trăm người, ngài Phong Huyệt ngồi khóc.
Tỉnh Niệm hỏi:
Tại sao Hòa thượng khóc?
Phong Huyệt
nói: Ta lo rằng mai kia ta tịch không còn ai kế thừa, giáo pháp của tông
Lâm Tế e ngang đây phải dứt.
Tỉnh Niệm
thưa: Hòa thượng thấy con thế nào?
Phong Huyệt
bảo: Ta trông mong ở ngươi đã lâu, nhưng e ngươi còn đắm mê kinh quá,
không thể buông rời.
Tỉnh Niệm
thưa: Việc này không khó, nếu con hiểu được yếu chỉ thì con bỏ rất dễ.
Hôm sau ngài
Phong Huyệt lên tòa, ở dưới hội chúng Tỉnh Niệm ngồi chờ nghe pháp, nhưng
Phong Huyệt không thuyết gì cả, Ngài nhìn sững đại chúng từng người, nhìn
đến Tỉnh Niệm, Tỉnh Niệm liền ngộ, phủi áo đứng dậy đi ra. Ngay đó Phong
Huyệt xuống tòa trở về phương trượng.
Như vậy có
phải tứ mục giao tương cố không? Kinh Pháp Hoa gọi là tri kiến Phật, tức
cái thấy biết Phật. Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị
chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Vậy tri kiến Phật ở đâu? Ở ngay nơi
tánh thấy của chính mình, không có đâu xa. Ngay nơi tánh thấy mà nhận ra
tri kiến Phật, trong nhà thiền gọi là truyền tâm. Phong Huyệt chỉ cần nhìn
tứ chúng, khi nhìn tới Tỉnh Niệm, Tỉnh Niệm nhận ra được, thay vì mỉm cười
như ngài Ca-diếp, Tỉnh Niệm đứng dậy phủi áo đi. Hành động này tỏ rằng
mình đã thâm nhập được yếu chỉ kinh Pháp Hoa, cho nên từ đó Tỉnh Niệm
không còn trì kinh nữa và được Phong Huyệt truyền tâm ấn để kế thừa.
Thế nên từ
Phật ở Ấn Độ cho đến Tổ ở Trung Hoa và ở Việt Nam có Thiền sư Chân Nguyên
đời Lê, sự truyền tâm và ngộ đạo đều từ “tứ mục tương cố”. Vì vậy nói đến
thiền, nói đến sự truyền trao là nói chỗ tứ mục tương cố.
Trên hội Linh
Sơn đức Phật đưa cành hoa sen rồi nhìn đại chúng, Ca-diếp lãnh hội được
nên mỉm cười gọi là “Niêm hoa vi tiếu”. Tại sao bao nhiêu người trong
chúng không ai lãnh hội được, chỉ có ngài Ca-diếp lãnh hội? Là vì những
người kia chưa có nhóm đầy đủ những hạt giống trong thâm tâm, cho nên khi
Phật nhìn không biết Phật muốn nói gì. Còn khi Phật nhìn tới Ca-diếp,
Ca-diếp lãnh hội được ngay, tức là thâm nhập được điều Phật muốn chỉ.
Truyền tâm là như vậy.
Lại trong hội
chúng tám trăm người, ngài Phong Huyệt lên tòa ngồi nhìn khắp chúng, Tỉnh
Niệm liền ngộ. Tại sao? Là vì những người kia không có uẩn tích, không có
nuôi dưỡng sâu đậm hạt giống trong tâm cho nên nhìn mà không có dính dáng
gì cả. Chỉ có Tỉnh Niệm đã tích lũy hạt giống sâu đậm rồi nên khi thầy
nhìn đến, Tỉnh Niệm hiểu được ý của thầy liền ngộ. Vậy ngộ này không phải
bốn mắt nhìn nhau rồi ngộ, mà ngộ từ cái tích lũy đầy đủ ở trong tâm mình,
cho nên khi gợi đến liền bừng sáng. Chúng ta đừng có hiểu lầm tưởng là lấy
mắt nhìn nhau là ngộ, không phải như vậy.
Ở ngoài thế
gian, khi có tình ý với nhau người ta cũng dùng mắt nhìn nhau thông cảm,
còn nếu không có tình ý thì không có thông cảm nhau.
Trong đạo vì
hạt giống đã nuôi dưỡng đến thời kỳ khai mầm cho nên một phen nhìn là cảm
thông ngay, như thế mới hiểu được câu “tứ mục tương cố”. Vậy truyền trao
không phải là đưa một vật, mà chính khi người thầy muốn chỉ điều gì, người
trò liền thông cảm lãnh hội được ý của thầy, đó gọi là truyền trao tâm ấn.
Câu 6
Vấn: Như hà thị lãnh chỉ?
Đáp: Phản bản hoàn nguyên vô nghĩ nghị,
Nhược sanh nghĩ nghị sai quá liễu dã.
Dịch: Hỏi:
Thế nào là lãnh chỉ?
Đáp: Trở về nguồn gốc không nghĩ bàn,
Nếu sanh nghĩ bàn sai lầm mất.
Lãnh chỉ là
lãnh hội được yếu chỉ thiền. Sở dĩ chúng ta lãnh hội được yếu chỉ thiền là
vì chúng ta biết quay lại soi sáng tâm mình, không chạy theo suy nghĩ luận
bàn, mà trở về nguồn gốc của tâm. Còn nếu dấy niệm suy nghĩ luận bàn thì
sai lầm mất yếu chỉ rồi.
BÀI KỆ I
Cừ
kim chính thị ngã,
Ngã kim bất thị cừ.
Nhược năng như thị hội,
Phương đắc khế chân như (hay như như).
Bốn câu này là
trích từ bài kệ của ngài Động Sơn. Khi đi qua cầu nhìn thấy bóng mình ở
dưới nước Ngài ngộ, nên có làm bài kệ tám câu, ở đây là trích bốn câu sau.
Cừ kim chính
thị ngã. Khi đứng trên cầu nhìn xuống nước ngài Động Sơn thấy cái bóng của
mình nên nói: Nó nay chính là ta. Cừ là nó, nó là bóng của mình, cho nên
nó chính là mình. Nếu nói cái bóng chính là mình, vậy cái thật này không
phải là mình sao? Cho nên câu thứ hai nói:
Ngã kim bất
thị cừ, tức là ta nay không phải nó. Tuy cái bóng chính là mình, nhưng
mình không phải là cái bóng. Nói cái bóng mà cũng muốn nói những niệm
trong nội tâm của mình. Niệm dấy lên duyên theo cảnh, đó là bóng, nhưng
cái bóng đó của mình chớ không phải của ai khác. Nếu cái bóng đó là mình,
thì mình là bóng mất rồi! Nếu tâm thể là cái nghĩ suy duyên theo ngoại
cảnh, thì cái nghĩ suy đó chợt có chợt không, chợt sanh chợt diệt. Nếu ta
là cái chợt có chợt không thì khi không duyên theo ngoại cảnh lúc đó mất
ta rồi sao? Thế nên cái nghĩ suy là bóng của mình chớ không phải thật
mình, thấy như vậy là thấy đúng lẽ thật. Nếu nhận bóng là mình, thì mình
thành ảo ảnh không thật. Nhưng mình còn có cái thật ở trong.
Hai câu kệ
trên vừa diễn tả cái bóng ở dưới dòng suối, vừa chỉ những vọng tưởng ở nội
tâm đang chạy theo ngoại cảnh. Những suy nghĩ vọng tưởng đó chỉ là cái
bóng của mình chớ không phải thật mình, cái thật mình luôn luôn hiện hữu ở
mắt, ở tai… Như mắt nhìn thì thấy, có thấy là có biết, thấy trắng biết
trắng, thấy xanh biết xanh v.v… Thấy màu sắc đâu có suy nghĩ, không suy
nghĩ mà vẫn biết, thì cái biết đó không có động. Thí dụ chúng ta đang đi
trên con đường, mở mắt nhìn thấy cây cối biết cây cối, thấy người vật biết
người vật, thấy cái gì biết cái ấy mà không cần suy nghĩ, cái biết này là
hằng hữu. Nơi tai chúng ta cũng vậy, lúc nào cũng đang nghe, nghe tiếng
trống biết là trống, nghe tiếng chuông biết là chuông… Nghe tiếng trống
tiếng chuông mà không cần suy nghĩ, tuy không suy nghĩ mà vẫn nghe vẫn
biết. Cái thấy nghe luôn luôn hiện tiền không đợi suy nghĩ, cho nên cái
hiện tiền là cái thật mình, còn cái suy nghĩ là bóng của mình.
Lâu nay chúng
ta theo bóng mà quên mình, đó là mê, cái mê muôn đời cho bóng là mình,
nên cứ chấp mình suy nghĩ thế này là đúng, người kia suy nghĩ thế kia là
sai v.v…, cứ chấp như vậy mà tranh cãi hơn thua phải quấy, không nhận ra
cái biết hiện tiền không cần suy nghĩ mà bao giờ cũng sẵn có. Như trong
kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói con mắt lúc nào cũng thấy, ngài A-nan nghi
như vậy lúc ngủ hay lúc nhắm mắt thì đâu có thấy. Chúng ta ai cũng đồng ý
như ngài A-nan là khi nhắm mắt thì không thấy.
Phật hỏi
A-nan: Như ông đi vào trong nhà tối không có đèn, ông thấy cái gì?
A-nan thưa:
Con thấy tối đen.
Phật nói: Nếu
ông hỏi người mù ở ngoài đường: Anh thấy cái gì, người mù đáp: Tôi thấy
tối đen. Như vậy người mù thấy tối đen cũng như ông vào trong nhà tối thấy
tối đen, có khác nhau không? Ông thấy tối đen là có thấy, người mù thấy
tối đen cũng có thấy. Ông thấy tối vì ở trong nhà không có đèn, nên không
thấy cảnh vật, nếu đốt đèn lên liền thấy ngay. Như vậy khi thấy tối là tại
cảnh tối chớ cái thấy vẫn có. Người mù thấy tối vì màng mây che mắt, không
thấy được cảnh bên ngoài, nếu chữa trị lột màng mây đi, làm cho mắt sáng
lại thì cũng thấy cảnh vật, như vậy cái thấy đâu có mất bao giờ! Ngay khi
ngủ chúng ta nhắm mắt lại, nhưng vẫn thấy, giả sử có ai bật đèn sáng lên,
chúng ta cảm thấy chói mắt, như vậy cái thấy lúc nào cũng sẵn có ở mắt.
Ở tai cũng
thế, lúc nào cũng sẵn có cái nghe. Bình thường chúng ta nói có tiếng mới
nghe, còn không tiếng thì không nghe, như vậy là quên mình theo vật. Thí
dụ như có tiếng động, như tiếng chuông tiếng trống, thì nghe tiếng chuông
tiếng trống, còn nếu không có tiếng chuông tiếng trống thì nghe không
tiếng. Tại sao nói không nghe? Vậy mà chúng ta cứ lầm khi nghe không tiếng
lại nói là không nghe! Nhưng cái nghe lúc nào cũng sẵn, có tiếng nghe có
tiếng, không tiếng nghe không tiếng, có lúc nào là không nghe đâu. Thế nên
Phật nói chúng sanh quên mình chạy theo vật. Có vật bên ngoài thì nói có
mình, không vật thì nói không có mình, nhưng không ngờ mình là hiện hữu
không bao giờ vắng mặt, chỉ có ngoại cảnh là khi có khi không mà thôi. Nếu
chấp ngoại cảnh là mình, đó là si mê, không thấy đúng lẽ thật.
Tóm lại ý
nghĩa hai câu kệ là cái bóng suy nghĩ là ta, tức là cái suy nghĩ đó chính
là mình, không phải ai khác. Nhưng ta không phải là nó, tức là cái ta chân
thật không phải là cái bóng.
Nhược năng như thị hội,
Phương đắc khế chân như.
Nếu người nào
hiểu được như thế, mới có thể khế hợp với chân như. Chúng ta nghe mà lãnh
hội được, đó là khế hợp với chân như, còn không hiểu là không khế hợp vậy.
Ngộ tự tâm thị Phật,
Cố
danh liễu đạt chân như.
Ngộ tâm mình
chính là Phật, gọi là thấu suốt được chân như. Chân như không phải cái gì
bên ngoài mà là tâm chân thật của chính mình. Ngộ được tâm đó gọi là Phật,
gọi là thấu suốt được chân như.
Ngộ tự tâm thị pháp,
Cố
danh nhất tự pháp môn.
Ngộ tâm mình
là pháp, gọi là nhất tự pháp môn, tức là pháp môn một chữ, một chữ tâm, vì
tất cả pháp đều từ tâm lưu xuất. Khi đức Phật giác ngộ tự tâm rồi, Ngài
nói pháp cho chúng ta nghe, tất cả pháp Ngài nói là từ tâm mà ra. Khi nghe
pháp chúng ta nhận được tự tâm, vậy chỉ có một chữ tâm thôi. Thế nên từ
một chữ tâm mà lưu xuất, rồi ngộ được cũng trở về một chữ tâm, gọi là nhất
tự pháp môn.
Khi xưa Thiền
sư Thanh Nguyên sai đệ tử đem thơ sang Thiền sư Nam Nhạc, trong lá thơ chỉ
viết có một chữ Tâm. Như vậy người xưa cũng ngộ ở nhất tự pháp môn. Còn
chúng ta ngày nay có tới Tam tạng Kinh điển, thành ra chúng ta cứ đi loanh
quanh mãi không ngộ được.
Vạn pháp qui nhất,
Cố
danh nhất thể Như Lai.
Muôn pháp trở
về một, hiểu được như vậy gọi là nhất thể Như Lai, tức là chân như một
thể. Như vậy muôn pháp không ngoài thể chân như, cho nên nói là muôn pháp
trở về một.
BÀI KỆ II
Đường đường chân diện mục,
Lộ
lộ chủ nhân ông.
Đường đường
chân diện mục, đường đường là rành rành, chân diện mục là mặt mắt thật xưa
nay của mình. Mặt mắt thật xưa nay hiện rành rành ra đó, chớ không có giấu
giếm.
Lộ lộ chủ nhân
ông, ông chủ nhân bày ra rõ ràng mà chúng ta không nhận thấy. Xin hỏi tất
cả quí vị ở đây, có người nào không thấy chăng? Tất cả ai cũng thấy, vậy
cái thấy đó là cái gì? Quí vị có nghe chúng tôi giảng không? Có nghe! Như
vậy ai cũng thấy, ai cũng nghe, nó hiện rành rành, nó bày lồ lộ ra chớ gì.
Thế mà chúng ta không chấp nhận cái đó, chỉ theo cái lăng xăng suy nghĩ
cho là mình, còn cái đang thấy đang nghe lại quên mất. Nếu chúng ta sống
với cái đang thấy đang nghe, lúc đó tâm chúng ta có tịnh không? Nghe thì
cứ lắng nghe không nghĩ suy gì cả, thấy thì cứ nhìn thấy không phân biệt
gì hết, đó là cái chân thật hiện tiền có giấu giếm đâu, cho nên nói rành
rành chân diện mục, lồ lộ chủ nhân ông.
Bao hàm thiên địa ngoại,
Quán triệt sát hải trung.
Chân diện mục
và chủ nhân ông bao hàm thiên địa ngoại, tức là bao trùm ngoài trời đất và
quán triệt sát hải trung, là xuyên suốt cả muôn cõi, sát hải là những cõi
nước nhiều như biển. Vậy chân diện mục và chủ nhân ông bao trùm tất cả
trời đất và muôn cõi, chớ không phải là cái gì riêng nhỏ. Như hiện giờ
chúng ta khởi nghĩ về người thì tâm duyên ở người, khởi nghĩ về vật thì
tâm duyên theo vật… Thế nên khi tâm khởi nghĩ thì nó duyên theo từng mảnh
vụn của thế gian. Còn nếu chúng ta không nghĩ gì cả thì cái thấy cái nghe
của chúng ta trùm khắp không có dính vào đâu, nên nơi nào cũng thấy, nơi
nào cũng nghe. Vì vậy cái không tướng và không bị cột trong hình tướng,
thì không có giới hạn, còn cái gì có tướng và cột trong hình tướng thì bị
giới hạn. Như cái nhà, ngọn núi hay con sông vì có tướng nên có giới hạn.
Còn hư không không tướng nên chỗ nào cũng có hư không, cũng như tâm thể
không có tướng nên bao trùm tất cả.
Dụng thời thành diệu hữu,
Tĩnh xứ thái hư không.
Khi khởi dụng,
tức là khởi tâm làm Phật sự, thì thành diệu hữu tức là có đủ các phương
tiện, đủ thứ công dụng để hành sử. Còn chỗ lặng lẽ thì rộng lớn như hư
không. Giả sử như khi tôi nghĩ phải thuyết pháp, thì tôi có những công
dụng để thuyết pháp. Khi tôi không thuyết pháp, không có nghĩ gì cả, thì
tâm tôi ở đâu? Tôi có tâm không? Tôi vẫn thấy vẫn nghe thường xuyên không
thiếu, cái đó đồng với hư không rộng lớn thênh thang.
Nhân nhân giai cụ túc,
Vật vật tổng viên thông.
Người người
đều đầy đủ, có ai mà không có cái thấy cái nghe. Ai cũng thấy, cũng nghe,
cũng biết, đâu có người nào thiếu. Vật vật thảy viên thông, mỗi vật mỗi
vật đều bao trùm thông suốt với nhau. Thí dụ như hiện giờ quí vị nhìn lên,
có thấy tôi không? Những cái thấy của quí vị có chọi nhau, có chướng ngại
nhau không? Nếu cái thấy có hình tướng, thì cái thấy này làm trở ngại cái
thấy kia, nhưng tất cả quí vị đều thấy tôi, không ai bị ngăn ngại cả. Đó
gọi là viên thông không chướng ngăn. Như vậy mới thấy tất cả đều dung
thông nhau không có trở ngại.
Tùng tư lãnh ngộ đắc,
Liễu hưu tẩu tây đông.
Nếu từ đây mà
lãnh ngộ được, thì đâu còn phải chạy đông chạy tây để tìm kiếm Phật, vì
Phật chính sẵn nơi mình. Đây là tinh thần Thiền tông Việt Nam.
Trong hai bài
kệ này, các Thiền sư Việt Nam tóm tắt cho chúng ta hiểu cội gốc của sự tu
thiền. Tu thiền là trở về chính mình để nhận rõ ai ai cũng sẵn có cái chân
thật. Chỉ vì chúng ta mê lầm nên chạy theo cái giả mà quên đi cái thật.
Một khi nhận ra cái thật rồi, không còn mê lầm nữa, chúng ta sẽ yên lòng
ngồi tu không có gì phải thắc mắc, không cần phải tìm kiếm nơi đâu.
Chúng tôi nghĩ
rằng bài này là do Thiền sư Chân Nguyên viết ra, để nói lên đường hướng tu
thiền của Phật giáo Việt Nam.
* |