TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

TỔ THỨ HAI PHÁI TRÚC LÂM

THAM VẤN

Một hôm mở hội thuyết pháp, Sư lên tòa nói:

- Đại chúng! Nếu nhắm thẳng vào đệ nhất nghĩa đế mà nói, thì động niệm liền sai, mở miệng là lầm, làm sao mà xét, làm sao mà quán? Hôm nay căn cứ vào đầu thứ hai mà nói, cũng không được thế ấy.

Sư bèn nhìn hai bên nói:

Trong đây có người nào đầy đủ con mắt lớn chăng? Nếu có, hai cặp chân mày chẳng cần vén lên. Bằng không, bần đạo chẳng khỏi miệng nói ba hoa, đề ra những điều hủ mục, đáp những lời tạp nhạp. Chỉ vì các ông nhồi lại thành một khối hỗn độn. Lắng nghe! Lắng nghe!

Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, bản tánh lặng lẽ không thiện không ác. Bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu kính nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Phật tánh pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng ly. Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày nằm ngang mặt, ở trên mặt mà không dễ gì nhìn thấy. Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”, nên nói: Cửa giới cửa định cửa tuệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình. Phàm những tiếng ho tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này ấy là tâm gì? Tâm tánh rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải? Pháp tức là tánh, Phật tức là tâm. Tánh nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp. Pháp vốn chẳng phải pháp, pháp tức là tâm. Tâm vốn chẳng phải tâm, tâm tức là Phật.

Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo ăn cơm mà chẳng rõ việc bát việc muỗng? Tham!

*

Có vị Tăng bước ra nói:

- Mặc áo ăn cơm là việc tầm thường, đâu cần phải sanh nghi ngờ?

Ông lễ bái xong, đứng dậy hỏi:

- Cõi thiền không dục, là khỏi hỏi, cõi dục không thiền xin nói cho một câu.

Sư lấy tay điểm trong hư không.

Vị Tăng nói:

- Dùng đàm dãi cổ nhân làm gì?

- Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.

Vị Tăng thưa:

- Cổ nhân đều hỏi: “Thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng”, chỉ đây thế nào? Việc ấy thế nào?

Sư đáp:

- Thế nào? Việc ấy thế nào?

Vị Tăng thưa:

            Dây đờn đã đứt tri âm ít,

            Cao vút tiếng đờn cha con hòa…

            (Một huyền cầm thượng tri âm thiểu

            Phụ tử đàn lai cách điệu cao…)

Một hôm Sư nghe đồ chúng tụng kinh, bèn hỏi:- Chúng làm gì?

Có vị Tăng ra thưa:- Chúng niệm Phật tâm.

Sư bảo:- Nếu nói là tâm, tâm tức không Phật. Nếu bảo là Phật, Phật tức không tâm. Thế gọi cái gì là tâm?

Vị Tăng ấy đáp không được.

Sư lại hỏi vị Tăng khác:- Chúng làm gì?

Tăng thưa:- Niệm Phật.

Sư bảo:- Phật vốn không tâm thì niệm cái gì?

Tăng thưa:- Chẳng biết.

Sư bảo:- Ngươi đã chẳng biết, vậy nói đó là ai?

Tăng không đáp được.

Sư nói kệ:

Âm:     Nghị khổng hội đề,

            Tiêm trần ế mục.

            Nhất hạnh tài thất,

            Bách hạnh câu khuynh.

            Trân trọng!

Dịch:   Hang kiến vỡ đê,

            Mảy bụi che mắt.

            Một hạnh vừa mất,

            Trăm hạnh đều nghiêng.

            Trân trọng!

Giảng:

Một hôm mở hội thuyết pháp, Sư lên tòa nói:

- Đại chúng! Nếu nhắm thẳng vào đệ nhất nghĩa đế mà nói, thì động niệm liền sai, mở miệng là lầm, làm sao mà xét, làm sao mà quán? Hôm nay căn cứ vào đầu thứ hai mà nói, cũng không được thế ấy.

Căn cứ vào đệ nhất nghĩa đế, chỗ cứu kính chân thật, thì dấy niệm là sai, mở miệng là lầm, làm gì có quán có chiếu. Nay muốn diễn đạt cho người thấy được chỗ cao siêu của Phật pháp, tức là căn cứ vào đầu thứ hai mà nói, cũng không được thế ấy. Đầu thứ nhất là không đối đãi, đầu thứ hai là có đối đãi. Căn cứ vào đối đãi mà nói, cũng chưa đến được chỗ cứu kính.

Sư bèn nhìn hai bên nói:

Trong đây có người nào đầy đủ con mắt lớn chăng? Nếu có, hai cặp chân mày chẳng cần vén lên. Bằng không, bần đạo chẳng khỏi miệng nói ba hoa, đề ra những điều hủ mục, đáp những lời tạp nhạp. Chỉ vì các ông nhồi lại thành một khối hỗn độn. Lắng nghe! Lắng nghe!

 Trước hết Ngài gạn lại trong chúng có người nào có con mắt lớn không? Mắt lớn là con mắt thấy được chỗ cứu kính, chỗ cùng tột. Nói con mắt là nói sự giác ngộ, nếu có mắt lớn thì cặp chân mày chẳng cần vén lên cũng nhìn thấy. Những vị lớn tuổi chân mày lần lần dài ra phủ mắt, muốn thấy phải vén chân mày. Còn con mắt lớn khỏi cần vén chân mày cũng tự thấy.

Nếu không được như vậy, bần đạo chẳng khỏi miệng nói ba hoa tức là nói lăng xăng lộn xộn, đề ra những điều hủ mục là những điều tầm thường không đáng, đáp những lời tạp nhạp không có giá trị.

Chỉ vì các ông nhồi lại thành một khối hỗn độn. Lắng nghe! Lắng nghe! Như vậy những gì giảng được nói được cho tất cả nghe, chỉ là cái hỗn độn không chân thật. Thế nên nghe thì cũng ráng nghe, nương cái hư dối để nhận ra cái chân thật, đừng bảo rằng lời giảng dạy đến được chỗ rốt ráo cứu kính, điều này không thể được.

Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, bản tánh lặng lẽ không thiện không ác. Bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu kính nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Phật tánh pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng ly. Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày nằm ngang mặt, ở trên mặt mà không dễ gì nhìn thấy. Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”, nên nói: Cửa giới cửa định cửa tuệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình. Phàm những tiếng ho tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này ấy là tâm gì? Tâm tánh rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải? Pháp tức là tánh, Phật tức là tâm. Tánh nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp. Pháp vốn chẳng phải pháp, pháp tức là tâm. Tâm vốn chẳng phải tâm, tâm tức là Phật.

Đoạn này rất là khó hiểu.

Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc. Đại đạo có phải là chỉ con đường lớn ở bên ngoài chăng? Thật ra chữ đại đạo là chỉ tâm chân thật sẵn có của tất cả chúng ta, tâm thể thanh tịnh đó rộng lớn không có gì buộc ràng.

Bản tánh lặng lẽ không thiện không ác. Bản tánh, đại đạo tuy là hai tên, thật ra chỉ một thể, thể ấy lặng lẽ không thiện không ác. Như Lục Tổ bảo Thượng tọa Minh: “Nếu muốn thấy được chỗ chân thật thì phải im lặng nghe tôi hỏi: ‘Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?’ ” Vậy bản lai diện mục là từ dùng để chỉ bản tánh hay đại đạo. Nó không bị buộc ràng, không bị kẹt ở thiện ở ác. Hiểu như vậy chúng ta mới không bị từ ngữ làm chướng ngại.

Bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Trong Tín Tâm Minh hai câu đầu là:

Chí đạo vô nan,

Duy hiềm giản trạch.

Chữ đại đạo ở đây chính là chữ “chí đạo” trong Tín Tâm Minh. Sở dĩ có lỗi lầm là vì giản trạch, vì chọn lựa. Vừa khởi mảy may tức là vừa có một niệm rất nhỏ dấy lên đã cách xa đại đạo như trời với đất.

Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Phàm thánh đồng một mối, đó là mối đại đạo, hay mối bản tánh. Phàm thánh đều có đại đạo, đều có bản tánh hay bản lai diện mục. Phải quấy đâu có hai đường. Khi mê thì phải quấy khác nhau, nếu tỉnh, phải quấy đều là hư dối, từ mê lầm phát ra, không có thật. Cho nên nói không có hai đường, tức là đều nằm trong hư dối không thật. Như trong chùa, khi bàn luận nói thế này là phải, thế kia là quấy, rốt cuộc cả hai đều hư dối!

Cho nên biết tội phước vốn không, cứu kính nhân quả chẳng thật. Câu này thật là khó hiểu, nếu không khéo chúng ta sanh chấp, gây thành nghiệp tội vô cùng. Tội phước vốn không, tại sao? Tội là những điều đau khổ, phước là những điều an lạc. Vậy đau khổ an lạc khác nhau, tại sao ở đây lại nói tội phước vốn không? Thật ra với con mắt mê muội, chúng ta thấy tội phước khác nhau rõ ràng. Thí dụ như chúng ta được khen là giỏi là tốt, hoặc bị chê là dở là xấu, thì giỏi dở có khác, tốt xấu có khác. Nhưng lời khen, lời chê là thật hay là hư dối? Chỉ là lời rỗng thôi, không có lẽ thật. Tùy theo trường hợp mà chúng ta phát ra những ngôn ngữ hoặc tán thán hoặc chê bai. Làm điều gì hợp sở thích thì chúng ta khen, không hợp thì chúng ta chê. Nhưng sở thích mỗi người mỗi khác, cho nên cùng làm một việc mà được người này khen, bị người kia chê. Vì vậy tiếng khen tiếng chê không có giá trị thật, tùy tâm ưa ghét của người mà phát ra. Tiếng khen chê đã không thật, thì tội phước có thật đâu! Thế mà ai có tội thì buồn khổ, ai có phước thì vui mừng, làm sao nói là không thật được!

Thông thường trên thế gian người mê thì sợ khổ thích vui; còn người tỉnh thì thấy khổ vui không có hai, vì khổ vui chỉ là tướng tạm bợ giả dối bên ngoài. Như khi vào rạp hát xem các chú hề nói giễu, chúng ta vui cười hỉ hạ, nhưng lúc ra khỏi rạp thì còn vui không? Cái vui chỉ trong chốc lát rồi hết đi. Cái khổ cũng vậy, như chúng ta có điều gì bất an trong lòng, thì thật là khổ, nếu có ai giải giùm cái bất an đó, thì chúng ta vui ngay. Như vậy khổ vui cũng là tạm bợ, tùy duyên không có thật, thì tội phước cũng không thật.

Cứu kính nhân quả chẳng thật. Tại sao? Vì nhân quả là sự biến chuyển sanh diệt. Như hạt lúa gieo xuống đất, có phân, đất, nước, ánh nắng lần lần phát triển thành cây lúa, trổ ra bông lúa. Đó là chiều sanh diệt biến chuyển từ nhân đến quả, nên nói nhân quả chẳng thật. Chẳng thật là đối với người ngộ, còn với người mê thì có nhân có quả rõ ràng, không tránh được.

Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Người người sẵn đủ, tức là ai ai cũng có bản lai diện mục hay mặt thật muôn đời của mình. Kẻ kẻ trọn thành, tức là biết hướng về cái sẵn đủ thì đều thành tựu. Thế nhưng có người biết hướng về, có người không. Như trong kinh Pháp Hoa Phật có thí dụ: Có kẻ nghèo khổ thiếu đói được người bạn tặng cho một viên ngọc quí, nếu đem ra bán để tiêu xài thì thành cự phú. Khi chúng ta được viên ngọc đó bán ra thành cự phú, nhìn lại những người bạn thân nghèo khó của mình, ai cũng được tặng viên ngọc quí đang cột trong chéo áo mà không hay biết, lúc đó do lòng từ bi chúng ta phải làm gì? Trọng trách chúng ta như thế nào? Không cần đi quyên tiền để mua gạo mua cơm, không cần cất nhà cất cửa cho họ, chỉ cần khéo nhắc cho họ nhớ có viên ngọc quí đang cột trong chéo áo. Nếu nhắc mà họ không nhớ, chúng ta phải tìm đủ phương cách chỉ cho họ thấy, đó là thương họ, là cứu họ. Nếu cho cơm gạo, vật dùng mà không chỉ viên ngọc là chưa thật lòng thương. Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: “Nói pháp còn trong đối đãi, hay còn trong Nhị thừa là bị lỗi bỏn sẻn.” Tại sao chúng ta có viên ngọc đem ra xài thành giầu có mà không chỉ thẳng viên ngọc cho người đem ra dùng, lại nói loanh quanh những điều không cần thiết, không xứng đáng, có phải là bỏn sẻn không? Thế nên người tu khi biết mình có hòn ngọc quí và hưởng được sự an lạc do ngọc quí đem lại thì điều quan trọng tối thượng là phải chỉ hòn ngọc đó cho mọi người biết, còn những điều chung quanh là phụ thuộc không đáng kể.

Phật tánh pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng ly. Phật tánh pháp thân đối với thân này như hình với bóng không có rời nhau, nhưng tùy duyên khi ẩn khi hiện. Như khi chúng ta đi ra nắng, thấy bóng rõ ràng, còn vào trong chỗ mát thì không thấy bóng. Thấy bóng là hiện, không thấy là ẩn. Cũng vậy chúng ta tu khi tâm an ổn đôi phần, thấy mình có cái chân thật trùm khắp, không phải chỉ có vọng tưởng suy nghĩ hơn thua phải quấy là tâm, mà còn có cái gì cao siêu hơn nữa. Cái chân thật cao siêu đó tùy duyên có khi ẩn có khi hiện, nó không phải là mình, cũng không phải rời mình. Ngài Động Sơn khi qua cầu ngộ chỗ chẳng phải tức, chẳng phải ly. Tại sao chẳng phải tức? Vì hình không phải tức là bóng. Cũng chẳng phải ly, vì rời hình thì không có bóng. Cho nên nói: “Ta không phải là y, mà y chính là ta.” Vì thân này không phải là cái bóng, mà cái bóng từ thân này mới có.

Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày nằm ngang mặt, ở trên mặt mà không dễ gì nhìn thấy. Chân mày nằm ngang, mũi duỗi thẳng xuống, mày ngang mũi dọc ở trên mặt luôn luôn mà không nhìn thấy, chỉ thấy thiên hạ, không thấy lỗ mũi của mình. Đó là để nói cái chân thật hiện tiền, không thiếu vắng một phút giây nào, chúng ta lại không thấy không nhận, vì cứ đuổi theo vọng cảnh bên ngoài nên quên mất cái thật của chính mình, giống như quên chân mày và lỗ mũi vậy.

Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm.”

Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông. Tấc vuông là chỉ chữ tâm (tấc vuông Tàu ngày xưa, đó là chữ tâm). Như vậy tất cả pháp môn gốc từ tâm, không từ nơi nào khác.

Hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm. Diệu dụng nhiều vô số như cát dưới sông, cũng từ nguồn tâm.

Nên nói: Cửa giới cửa định cửa tuệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình. Giới định tuệ chúng ta đều đủ, không thiếu sót. Tuy nhiên chúng ta cần phải phản quan lại mình mới nhận thấy được. Nếu không phản quan, tuy có mà không hay không biết.

Phàm những tiếng ho tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm chân đi, ấy là tánh gì? Một câu hỏi này là đủ, quí vị phải tự trả lời. Nói gì thêm nữa là dư.

Biết được tánh này ấy là tâm gì? Tâm gì biết được tánh này?

Tâm tánh rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải? Như vậy tâm tánh rỗng sáng, có cái gì là phải chẳng phải?

Pháp tức là tánh, Phật tức là tâm. Cho nên nói: Pháp tánh, Phật tâm, tâm tánh không hai.

Tánh nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tất cả tâm là chỉ cho Phật, tất cả tánh là chỉ cho pháp, Phật pháp không có rời chính mình, nên nói:

Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp.

Tâm là Phật nếu đừng mắc kẹt hai bên, nếu còn kẹt hai bên thì tâm đó là phàm phu. Vậy muốn làm Phật thì phải bỏ hai bên, chuyện dễ như trở bàn tay, không có gì khó khăn. Không phải do ai, không phải nhờ ai, chính mình đừng dính hai bên thì đó là Phật. Việc tu có khó lắm chăng mà chúng ta phải luân hồi vô số kiếp? Chỉ vì mở miệng thì nói phải quấy, hơn thua, tốt xấu! Thế nên người xưa chỉ hét hoặc hư hư thôi, không có gì phải nói. Người xưa đã tha thiết chỉ cái thật mà chúng ta đâu có hiểu, thấy hư hư, không biết cái gì, nghĩ rằng vị này không nói được, hoặc nghe hét thì nói vị kia dữ quá không nói lời gì cho có đạo lý. Vì thế chúng ta thường kẹt hai bên, nên càng xa tâm Phật. Không có hai bên tức tâm là Phật, tức tâm là pháp.

Pháp vốn chẳng phải pháp, pháp tức là tâm. Phật cũng không phải Phật, pháp cũng không phải pháp, vì chỉ là một thể chân thật. Nói có Phật có pháp, có phàm có Thánh, đều là hai bên. Thế nên cuối cùng:

Tâm vốn chẳng phải tâm, tâm tức là Phật. Tâm không phải là tâm, mà tâm tức Phật, khi nào đừng mắc kẹt hai bên. Bây giờ chúng ta ngồi suy nghĩ cái gì đừng dính hai bên thì suy nghĩ suốt ngày cũng được, nếu còn dính thì đừng suy nghĩ. Sở dĩ chúng ta chạy ngược chạy xuôi vì cái hai bên, dừng lại thì đạo lý hiện tiền. Vì vậy định tức là dừng hai bên. Đó là lời dạy chí lý của Ngài, tuy chí lý nhưng Ngài vẫn cho là lời hỗn độn, chưa phải là thật.

Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo ăn cơm mà chẳng rõ việc bát việc muỗng? Tham! Chỉ biết ăn cháo ăn cơm, mà không biết rõ cái bát cái muỗng đựng cháo đựng cơm! Phải tham cứu cho ra. Đó là lời dạy rất chí yếu của Ngài.

*

 Có vị Tăng bước ra nói:

- Mặc áo ăn cơm là việc tầm thường, đâu cần phải sanh nghi ngờ?

Ông lễ bái xong, đứng dậy hỏi:

- Cõi thiền không dục, là khỏi hỏi, cõi dục không thiền, xin nói cho một câu.

Sư lấy tay điểm trong hư không.

Vị Tăng nói:

- Dùng đàm dãi cổ nhân làm gì?

- Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.

Thế giới chúng ta đang ở gọi là cõi dục (dục giới). Tăng hỏi: Xin nói cho một câu: Tại sao cõi dục không thiền? Ngài lấy tay điểm trong hư không. Trong cõi ta-bà, nếu chúng ta đuổi theo ngũ dục thì có thiền không? Muốn có thiền thì ngay trong cõi này đừng dính mắc cái gì. Điểm hư không, đừng dính cái gì, đó là thiền.

Thấy Ngài điểm hư không, vị Tăng nói:

- Dùng đàm dãi cổ nhân làm gì?

Người xưa đã làm như vậy, Ngài bắt chước theo làm chi? Ngài nói:

- Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới.

Tuy người xưa đã làm, nhưng hiện nay ông hỏi, tôi phải nhắc lại cho ông, tôi làm đó là cái mới, chớ không phải cái cũ của cổ nhân.

Vị Tăng thưa:

- Cổ nhân đều hỏi: “Thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng”, chỉ đây thế nào? Việc ấy thế nào?

Sư đáp:

- Thế nào? Việc ấy thế nào?

Khi vị Tăng hỏi: “việc ấy thế nào”, Ngài hỏi lại “thế nào”, chớ không đáp thêm nữa.

            Vị Tăng thưa:

            Dây đờn đã đứt tri âm ít,

            Cao vút tiếng đờn cha con hòa…

            (Một huyền cầm thượng tri âm thiểu,

            Phụ tử đàn lai cách điệu cao…)

Vị Tăng tỏ rằng ông đã ngộ, đã hiểu.

Một hôm Sư nghe đồ chúng tụng kinh, bèn hỏi:

- Chúng làm gì?

Có vị Tăng ra thưa:

- Chúng niệm Phật tâm.

Sư bảo:

- Nếu nói là tâm, tâm tức không Phật. Nếu bảo là Phật, Phật tức không tâm. Thế gọi cái gì là tâm?

Vị Tăng ấy đáp không được.

Vì vị Tăng thưa: chúng niệm Phật tâm, nên Ngài hỏi lại: nếu nói là tâm, tâm tức không Phật. Nếu bảo là Phật, Phật tức không tâm. Thế gọi cái gì là tâm? Vị Tăng không đáp được.

Sư lại hỏi vị Tăng khác:

- Chúng làm gì?

Tăng thưa:

- Niệm Phật.

Sư bảo:

- Phật vốn không tâm thì niệm cái gì?

Tăng thưa:

- Chẳng biết.

Sư bảo:

- Ngươi đã chẳng biết, vậy nói đó là ai?

Tăng không đáp được.

Ngài bảo: Phật vốn không tâm thì niệm cái gì? Tăng thưa: Chẳng biết. Tưởng đáp như vậy là ổn.

Nhưng Ngài hỏi lại: Ngươi nói chẳng biết, vậy nói đó là ai? Nói chẳng biết thì nói đó là ai nói? Vị Tăng không đáp được.

Sư nói kệ:

            Nghị khổng hội đề,

            Tiêm trần ế mục.

            Nhất hạnh tài thất,

            Bách hạnh câu khuynh.

            Trân trọng!

Dịch:   Hang kiến vỡ đê,

            Mảy bụi che mắt.

            Một hạnh vừa mất,

            Trăm hạnh đều nghiêng.

            Trân trọng!

Nghị khổng hội đề: Hang kiến có thể làm vỡ đê. Hang kiến bao lớn, cái đê bao lớn, mà hang kiến có thể làm vỡ đê? Hang kiến rất nhỏ chưa bằng ngón tay út, song nếu chúng ta coi thường, đến mùa lũ lụt có thể làm vỡ đê.

Tiêm trần ế mục: Chỉ một hạt bụi nhỏ tí ti, nếu rơi vào tròng mắt, mắt cũng bị mờ.

Nhất hạnh tài thất: Một hạnh vừa mất.

Bách hạnh câu khuynh: Trăm hạnh đều nghiêng. Tại sao? Thí dụ người cư sĩ tại gia giữ năm giới là hạnh của cư sĩ: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Giả sử trong năm hạnh mất đi một hạnh, thì các hạnh kia tất phải rung rinh nghiêng theo. Nếu người cư sĩ phạm giới trộm cắp, tuy không nói dối, không tà dâm, không uống rượu, không sát sanh nhưng cũng bị nhiễm dơ. Người xuất gia cũng thế, nếu trong mười giới Sa-di mà phạm phải một giới nặng thì các giới kia cũng nghiêng ngả theo.

Qua bốn câu kệ này, Ngài nhắc nhở tất cả người tu chúng ta, cư sĩ cũng như xuất gia, luôn luôn phải dè dặt, dù một lỗi nhỏ cũng không nên xem thường, vì phạm một lỗi nhỏ có thể làm hại việc lớn. Như một hang kiến ở trong bờ đê, hang kiến rất nhỏ chúng ta xem thường, nhưng đến mùa lũ lụt nước dâng lên tràn ngập thì hang kiến nhỏ sẽ thành lỗ mội, có thể làm cho đê bị vỡ. Vì thế không bao giờ chúng ta xem thường những lỗi nhỏ của mình, tuy nhỏ chưa đáng gì, nhưng nếu để nó phát triển thì một ngày kia có thể hại tất cả hạnh lớn của mình. Đó là nói các hạnh về hình tướng.

Còn về nội tâm, một ý niệm xấu vừa dấy lên chưa thành vấn đề, nhưng nếu chúng ta không kịp thời ngăn chận thì nó có thể lôi kéo chúng ta tạo thành những tội lỗi lớn. Thế nên một ý niệm nhơ xấu dấy lên, phải kịp thời chận đón nó lại, nếu để nó thành hình thì nguy hiểm sẽ đến. Cũng như một mảy bụi tí ti đối với con mắt không thấm vào đâu, nhưng nếu rơi vào tròng mắt thì mắt bị mờ tối. Con người cũng thế, về đạo đức chúng ta cố giữ mọi việc cho tốt đẹp, nhưng nếu một ý niệm xấu dấy lên, chúng ta coi thường, nó có thể làm cho các niệm tốt kia bị mờ xấu theo.            

Phần kết thúc bài kệ, Ngài nói một hạnh mất đi, thì trăm hạnh khác cũng bị nghiêng đổ, không phải chỉ mất một hạnh thôi mà những hạnh kia cũng không nguyên vẹn. Như người xuất gia chúng ta nếu phạm một giới trong những giới nặng, thì bao nhiêu giới khác tuy không phạm cũng mất luôn, không phải phạm giới nào là có tội giới đó thôi, mà còn ảnh hưởng đến những giới khác. Thế nên người tu phải dè dặt tối đa, giữ gìn từng ý niệm từng hành động, một ý niệm dở xấu vừa dấy khởi chúng ta phải ngăn chận ngay, đừng cho nó thành hình, vì những tội lớn khởi mầm từ cái nhỏ. Thí dụ: Thấy một món đồ tốt của người, chưa thành tội, vừa dấy niệm lén lấy, tuy niệm này nhỏ, nhưng nó khiến cái tay lượm món vật và giấu đi. Thế là thành tội ăn cắp. Vậy tội ăn cắp không phải bỗng dưng thành, mà từ niệm nhỏ dấy lên không kịp thời ngăn lại, nên thành tội lớn. Cho nên tất cả cái lớn không tự có mà từ cái nhỏ tạo thành. Vì thế người tu phải luôn luôn ngăn ngừa không cho niệm đầu dấy khởi, rồi nó dẫn chúng ta đi trong đường tội lỗi, hư cả một đời tu. Đó là điều ngài Pháp Loa muốn nhắc nhở toàn chúng phải ráng nhớ tu đừng để một đời qua suông, thật là uổng phí.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM