TỔ THỨ HAI PHÁI TRÚC LÂM
LỜI KHUYÊN XUẤT GIA TIẾN ĐẠO
(Khuyến Xuất
Gia Tiến Đạo Ngôn)
DỊCH:
Kính khuyên
chúng xuất gia học đạo, hãy xét kỹ những lời này: Chúng ta nghiệp dầy
phước mỏng, ra đời chẳng gặp thời chánh pháp, đức Thích-ca đã nhập diệt,
đức Di-lặc chưa sanh, Thánh Hiền ẩn bóng, tà pháp thạnh hành, than ôi buồn
thay!
Những vị xuất
gia, vốn vì đền đáp bốn trọng ân, nghĩ cứu giúp ba đường khổ. Nếu muốn đạt
được tâm Phật ý Tổ, biết sanh hiểu tử, trước phải học hai pháp. Thế nào là
hai? Một, phải học ba thứ pháp. Hai, phải học pháp cầu thầy.
Ba thứ pháp
là: 1. Rõ tông sư. 2. Biện pháp chân ngụy. 3. Biết thiện ác.
1.- Rõ tông
sư.- Kinh Bản Hạnh nói: Từ trước Tổ Sư thuyết pháp những gì? Có bao nhiêu
người đắc đạo nối pháp truyền tông, đến nay thầy nào, chúng nào đáng học?
2.- Biện pháp
chân ngụy.- Nếu pháp chân là thường giữ giới luật, y pháp tiến tu. Nếu
pháp ngụy, như trong lời lục của Đại Huệ nói: Bàn luận ngoại đạo, phỏng
đoán nghĩa lý, lập làm tông chỉ, rồi trao truyền cho nhau.
3.- Biết thiện
ác.- Nếu gần gũi bạn lành là thường khuyên mình sám hối để diệt những tội
lỗi trước, siêng năng tìm thiện tri thức, tu hành tinh tấn… nếu gần gũi
bạn ác thì miệng nói xuất gia mà tâm làm theo nghiệp thế tục, tự làm và
dạy người làm, tâm không biết hổ thẹn.
Trên là ba
pháp nên gần gũi và không nên gần gũi.
Hai, phải học
pháp cầu thầy.- Như trong Lễ Tán nói: “Thường ở trong tùng lâm của thiện
tri thức, hằng nằm trong khuôn vức của Tổ Sư. Đó là phương pháp chọn bạn
tìm thầy vậy.”
Nếu người đầy
đủ cả hai pháp trên, tức là đã đạt được tâm Phật ý Tổ và biết sanh hiểu
tử.
Này các người!
Bên trong đã bỏ cha mẹ, bên ngoài thì không thông Phật pháp, tự xưng là tu
hành, vậy tu hành là cái đạo gì? Các người nên xét kỹ lời nói này. Trong
kinh Đại Báo Phụ Mẫu Ân nói: “Mười tháng mang thai, ba năm bú sú, ân nào
sánh bằng” mà các người còn bỏ được, huống là những kẻ bên ngoài? Thế lại
bo bo chấp tình thầy trò, không thể cổi bỏ, không phược trở lại tìm phược,
không trói lại cầu trói. Chỉ vì tham cầu lợi dưỡng, chẳng sợ trầm luân.
Hoặc đắm mê danh vọng ở đời, hoặc tự mình không hiểu không biết, ấy đều là
bọn vô minh vậy.
Từ trước, các
Tổ Sư hành đạo tu thiền, tâm đồng với hư không, mặc đến mặc đi, hoặc nam
hoặc bắc, tham thiền hỏi đạo, nhân duyên hội ngộ thì tự lợi lợi tha, ấy
mới thật là Phật pháp.
GIẢNG:
Kính khuyên
chúng xuất gia học đạo, hãy xét kỹ những lời này: Chúng ta nghiệp dầy
phước mỏng, ra đời chẳng gặp thời chánh pháp, đức Thích-ca đã nhập diệt,
đức Di-lặc chưa sanh, Thánh Hiền ẩn bóng, tà pháp thạnh hành, than ôi buồn
thay!
Qua lời mở
đầu, chúng ta ý thức được thân phận của mình sanh nhằm thời nào. Vì chúng
ta nghiệp dầy phước mỏng, nên khi ra đời, đức Phật Thích-ca đã nhập diệt,
chẳng gặp thời chánh pháp. Đức Phật chia giáo pháp Ngài ra ba thời: chánh
pháp, tượng pháp và mạt pháp. Thời chánh pháp là năm trăm năm đầu từ khi
Phật còn tại thế, thời tượng pháp là năm trăm năm kế tiếp, và sau đó là
thời mạt pháp. Hiện nay chúng ta sanh ra nhằm thời mạt pháp, việc đi tu
thật quá muộn màng. Phật Thích-ca đã nhập diệt, Phật Di-lặc chưa sanh, ở
khoảng giữa này Thánh Hiền ẩn bóng, tà pháp thạnh hành, than ôi buồn thay!
Các bậc Thánh Hiền đã ẩn, pháp tà lại thạnh, thật đáng buồn cho thân phận
người xuất gia trong thời này. Giờ đây ý thức được phận mình, chúng ta
phải cố gắng làm những gì?
Những vị xuất
gia, vốn vì đền đáp bốn trọng ân, nghĩ cứu giúp ba đường khổ.
Là người xuất
gia, chúng ta phải hiểu rõ vì sao chúng ta đi tu? Lý tưởng của người tu là
muốn trên đền đáp bốn trọng ân, dưới cứu giúp ba đường khổ.
Bốn trọng ân
là:
Ơn
cha mẹ,
Ơn
Thầy Tổ (hay là ơn Tam Bảo),
Ơn
quốc gia,
Ơn
đàn-na thí chủ.
Ơn cha mẹ - Ơn
cha mẹ rất là sâu nặng, người đời còn hiếu kính cha mẹ, huống là chúng ta
biết đạo đi tu mà không biết đền ơn cha mẹ hay sao? Cha mẹ có công ơn sanh
thành dưỡng dục, chúng ta đi tu không sớm hôm phụng dưỡng mẹ cha, nếu đi
tu vì sự an vui thảnh thơi cá nhân thì thật là tội lớn vô kể. Để đền ơn
cha mẹ, chúng ta phải tu cho đạt đạo, trở về hướng dẫn cha mẹ cùng tu. Đó
mới là người con chí hiếu.
Khi xưa bà Di
mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề xin Phật xuất gia, Phật từ chối. Ngài A-nan xót xa
mới vào bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, khi xưa Ngài sanh ra mới có bảy hôm thì
Hoàng hậu băng hà, Di mẫu nuôi Ngài từ thuở bé đến ngày khôn lớn, công ơn
bà rất nặng, vì sao Thế Tôn không cho bà xuất gia? Như vậy Ngài không biết
đền ơn người có công lớn với mình hay sao?”
Đức Phật bảo:
“Ta đã đền ơn Phụ vương và Di mẫu rồi. Sau khi thành đạo, ta trở về thành
Ca-tỳ-la-vệ giáo hóa Phụ vương và Di mẫu thọ trì Tam qui Ngũ giới, đó là
ta đã đền ơn.”
Vậy sự đền ơn
của người tu khác với người cư sĩ là giáo hóa cho cha mẹ biết được đạo
đức, biết thọ trì Tam qui Ngũ giới để thoát khỏi ba đường khổ, đồng thời
có chủng tử lành để sau này gặp lại Phật pháp tiến tu. Đền ơn cha mẹ là
cứu cha mẹ khỏi rơi trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), hoặc
hơn thế nữa là hướng dẫn cha mẹ tu Thập thiện, hay là xuất gia tu Phật để
thoát khỏi trầm luân trong sanh tử. Thế nên vì cứu cha mẹ mà chúng ta đi
tu, nếu đời này chưa tròn bản nguyện, thì đời vị lai chúng ta cố gắng làm
tròn bổn phận của mình. Đi tu không phải là quên cha mẹ, không phải vì sự
an vui của bản thân mình, mà chính vì muốn đền đáp công ơn cha mẹ.
Ơn Thầy Tổ –
Thầy Tổ là những bậc đã chỉ dẫn cho mình con đường tu hành để tiếp nối
ngọn đèn chánh pháp, soi sáng cho mọi người khỏi bị tối tăm trong sanh tử.
Muốn đền ơn Phật Tổ, chúng ta phải hiểu thông đạo lý, tu hành có đạo lực
mới có thể nối tiếp ngọn đèn chánh pháp được.
Ơn quốc gia –
Sống trong đất nước, dù ít dù nhiều chúng ta cũng phải nhớ công ơn những
người đã gìn giữ đất nước được thanh bình an ổn, để chúng ta ngồi yên tu
hành. Không nên nghĩ rằng chúng ta đi tu rồi ai làm gì cũng mặc, không cần
biết tới. Công ơn người giúp mình yên ổn ngồi tu không bị loạn lạc, đói
thiếu, đó là công ơn quốc gia.
Ơn đàn-na thí
chủ – Các Phật tử cúng dường là để quí thầy quí cô được yên tu, làm Phật
sự, rồi sau này độ lại Phật tử, chớ không phải để Tăng Ni xài chơi thỏa
thích. Đây là món nợ, đâu phải là chuyện bỗng dưng. Thế nên mỗi khi nhận
lãnh sự cúng dường, chúng ta phải cố gắng tu để đền ơn đàn-na thí chủ.
Như vậy muốn
đền đáp bốn ơn, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải tu làm sao cho thấy
đạo, cho đủ công đức để sau này đáp lại công ơn sâu nặng đối với người đã
sanh ra mình, đã nuôi dưỡng mình bằng chánh pháp, bằng tiền của và tạo cho
mình điều kiện được an ổn tu hành.
Lại nữa chúng
sanh ngày đêm đang đau khổ trong ba đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cho
nên chúng ta phải thấy đạo, hiểu rõ chánh pháp để giáo hóa cho mọi người
trong hiện tại biết tu, không tạo nhân rơi vào ba đường khổ. Và mỗi ngày
mỗi đêm tu, chúng ta hồi hướng công đức, nguyện họ sớm thức tỉnh để mau
thoát khỏi ba đường ác. Muốn được như thế, chúng ta phải có tài có đức,
bằng không thì chẳng bao giờ chúng ta làm tròn được bổn phận của mình.
Tóm lại lý
tưởng của người xuất gia là phải trên đền đáp bốn ơn, dưới cứu giúp ba
đường khổ. Đừng nghĩ rằng chúng ta đi tu để giải thoát đời này, rồi nhập
Niết-bàn cho yên, không nghĩ tới công ơn cha mẹ, thầy Tổ và đàn-na thí
chủ. Vô tình chúng ta thành người ích kỷ, không thấy được cái khổ của
chúng sanh, của những người đã đem bao nhiêu công của để lo cho mình. Thế
nên chúng ta phải hiểu thật kỹ, thấy thật rõ bổn phận người tu phải làm
gì, để đừng bao giờ lãng quên, đừng bao giờ phai nhạt ý nghĩa xuất gia.
Nếu muốn đạt
được tâm Phật ý Tổ, biết sanh hiểu tử, trước phải học hai pháp. Thế nào là
hai? Một, phải học ba thứ pháp. Hai, phải học pháp cầu thầy.
I. BA THỨ
PHÁP LÀ:
1. Rõ tông sư.
2. Biện pháp chân ngụy. 3. Biết thiện ác.
1. Rõ tông
sư.
Kinh Bản Hạnh
nói: Từ trước Tổ Sư thuyết pháp những gì? Có bao nhiêu người đắc đạo nối
pháp truyền tông, đến nay thầy nào, chúng nào đáng học?
Chúng ta là
người học Phật, mà Phật đã nhập Niết-bàn hơn hai ngàn năm, làm sao học với
Phật được? Học Phật có nghĩa là học với thầy. Vậy phải học với thầy nào?
Nếu thầy không hiểu đạo, không nắm vững đường lối của Phật Tổ dạy, thì
chúng ta có nên học không? Cho nên muốn học Phật thì phải tìm thầy. Ngài
không nói ý riêng mà dẫn kinh làm chứng. Trong kinh Bản Hạnh, Phật dạy:
“Từ trước Tổ sư thuyết pháp những gì? Có bao nhiêu người đắc đạo nối pháp
truyền tông, đến nay thầy nào, chúng nào đáng học?”
Chúng ta phải
hiểu từ đức Phật đến chư Tổ truyền đạo thế nào, và hiện nay thầy nào chúng
nào đáng cho mình đến học. Chúng đáng cho mình đến học là chúng có sự thừa
kế từ chư Phật, chư Tổ nối tiếp mãi đến ngày nay. Nếu những người không
biết gốc nguồn, không biết chỗ chân thật của Phật Tổ mà chúng ta nương
theo, thì sẽ bị lệch lạc. Thế nên bước đầu vào đạo là phải tìm ra những
bậc tông sư đã hiểu được đường lối của Phật Tổ chỉ dạy, thế mới đúng là
người biết lựa chọn bậc thầy. Đó là nền tảng của người tu chớ không phải
là thường. Nhiều khi người học đạo đi tìm thầy, gặp người ăn nói nhỏ nhẹ
hiền lành, tiếp đãi tử tế liền tôn làm thầy xin vào tu học, thế là mãn
nguyện rồi mà không biết vị đó đã học với ai, tu như thế nào, hiểu đạo hay
không? Đó là không biết chọn tông sư. Tông sư phải là bậc kế thừa đạo lý,
nắm vững đường lối của Phật Tổ để chúng ta nương theo đó tiến tu.
2. Biện
pháp chân ngụy.
Nếu pháp chân
là thường giữ giới luật, y pháp tiến tu.
Nếu là pháp
chân thật, thì pháp đó dạy chúng ta phải giữ gìn giới luật, y theo chánh
pháp tiến tu. Luật và pháp là hai môn chúng ta phải nắm cho vững, đó gọi
là pháp chân.
Nếu pháp ngụy,
như trong lời lục của Đại Huệ nói: Bàn luận ngoại đạo, phỏng đoán nghĩa
lý, lập làm tông chỉ, rồi trao truyền cho nhau.
Luận bàn giáo
lý của ngoại đạo, rồi phóng đại nghĩa lý, nghĩ thế nào nói thế ấy mà không
y cứ vào kinh điển, vào giới luật, đó là pháp ngụy. Rồi cứ như vậy mà
truyền dạy cho nhau, điều này hiện nay rất là phổ biến.
Muốn biện chân
ngụy, chúng ta phải nhớ chân là y cứ theo giới luật của Phật mà gìn giữ, y
cứ theo pháp của Phật để tiến tu; ngụy là bàn luận hay học hỏi theo ngoại
đạo, rồi tự ý đặt ra nghĩa này, lý kia truyền dạy cho nhau.
3. Biết
thiện ác.
Nếu gần gũi
bạn lành là thường khuyên mình sám hối để diệt những tội lỗi trước, siêng
năng tìm thiện tri thức, tu hành tinh tấn.
Bạn lành
thường khuyên mình ăn năn sám hối, chừa những lỗi trước. Siêng năng tìm
thiện tri thức là siêng năng tìm những người bạn lành, những người thầy
giỏi khuyến khích mình tu hành tinh tấn. Vậy chúng ta phải kiểm tra lại
những người bạn chung quanh mình xem ai là bạn lành giúp chúng ta trên
đường tu.
Nếu gần gũi
bạn ác thì miệng nói xuất gia mà tâm làm theo nghiệp thế tục, tự làm và
dạy người làm, tâm không biết hổ thẹn.
Bạn ác là
những người tuy nói là xuất gia mà tâm làm theo nghiệp thế tục. Thí dụ như
chúng ta tu có chùa có bổn đạo, nên còn dư chút đỉnh, có người cũng xuất
gia như mình đến rủ mở mang việc làm ăn, hay cho vay lấy lời, xem như
thương mình lắm, nhưng sự thật thì họ xui mình làm giống người thế tục.
Đồng tiền của Phật tử cúng dường chỉ để nuôi Tăng Ni tu học, ngoài ra là
làm việc từ thiện, chớ không cầu lợi theo thế gian. Nếu hùn hạp làm ăn có
lời rồi cố gắng kinh doanh mãi sẽ thành người thế tục, chớ không phải là
nhà tu nữa! Thế nên người xuất gia chúng ta phải dè dặt đừng sống theo
nghiệp thế gian. Tự làm và dạy người làm, mình đã làm chuyện thế tục, còn
dạy người khác làm theo mà tâm không biết hổ thẹn, lại thấy hài lòng thỏa
mãn, đó là trái với đạo lý.
Trên là ba
pháp nên gần gũi và không nên gần gũi.
Thử kiểm
nghiệm lại xem, trên đường tu chúng ta có thực thi đúng ba pháp nên gần
gũi và ngăn chừa các pháp không nên gần gũi hay không? Nếu người tu ở
riêng rẽ dễ bị khuyên dụ làm những việc theo thế tục, còn nếu ở tập thể
như trong Thiền viện thì chắc chắn tránh được điều này.
II. PHẢI
HỌC PHÁP CẦU THẦY.
Như trong Lễ
Tán nói: “Thường ở trong tùng lâm của thiện tri thức, hằng nằm trong khuôn
vức của Tổ Sư. Đó là phương pháp chọn bạn tìm thầy vậy.”
Về pháp cầu
thầy, Ngài không có đặt ra tiêu chuẩn riêng, mà bảo chúng ta phải học theo
trong Lễ Tán dạy:
Thường ở trong
tùng lâm của thiện tri thức tức là phải luôn luôn ở trong chỗ đông đảo có
những bậc thầy đáng tin tưởng để hướng dẫn mình.
Hằng nằm trong
khuôn vức của Tổ sư là ở trong phạm vi chùa chiền của các Tổ sư.
Đó là phương
pháp chọn bạn tìm thầy vậy.
Chúng ta nên
nhớ người tu ở những nơi có bậc thầy lo lắng chỉ dạy, hướng dẫn tu hành
thì dễ tu hơn. Nếu chúng ta ở chỗ riêng rẽ rất là khó tu, vì có đủ các thứ
duyên ràng buộc, duyên tốt duyên xấu đều có, duyên tốt thì được, duyên xấu
thì hỏng. Thế nên người tu phải ở nơi tùng lâm của thiện tri thức, phải ở
trong khuôn vức của Tổ sư. Đó là gốc của người biết học pháp và biết chọn
thầy.
Để kết thúc
Ngài dạy:
Nếu người đầy
đủ cả hai pháp trên, tức là đã đạt được tâm Phật ý Tổ và biết sanh hiểu
tử.
Nếu chưa đầy
đủ hai pháp trên thì chưa xứng đáng là người xuất gia.
Này các người!
Bên trong đã bỏ cha mẹ, bên ngoài thì không thông Phật pháp, tự xưng là tu
hành, vậy tu hành là cái đạo gì?
Ngài hỏi câu
này thật là đau. Như người chí thân bên trong là cha mẹ, chúng ta đã bỏ,
bên ngoài là đạo lý chúng ta học cũng không thông, thế mà chúng ta xưng là
tu hành, vậy tu cái đạo gì? Nếu nói tu Phật thì phải thông hiểu Phật
pháp. Nếu không hiểu thì tu cái gì. Câu hỏi này phải đáp như thế nào?
Các người nên
xét kỹ lời nói này, các người phải tự vấn và tự trả lời, chúng tôi không
trả lời thế được.
Trong kinh Đại
Báo Phụ Mẫu Ân nói: “Mười tháng mang thai, ba năm bú sú, ân nào sánh bằng”
mà các người còn bỏ được, huống là những kẻ bên ngoài? Thế lại bo bo chấp
tình thầy trò, không thể cổi bỏ, không phược trở lại tìm phược, không trói
lại cầu trói.
Công ơn cha mẹ
sâu dầy, người xuất gia còn bỏ, huống là kẻ bên ngoài. Thế lại chấp tình
thầy trò, chấp tình huynh đệ, không thể cổi bỏ, không bị buộc trói trở lại
tìm cầu buộc trói! Chúng ta vào đạo tu hành với mục đích là giải thoát
sanh tử, thế mà vào đạo rồi trói cột với người này người kia thì giải
thoát chỗ nào? Thật là đáng trách! Chúng ta phản bội lại lý tưởng của
mình, phản bội lại lời hứa với cha mẹ. Có người nào xin đi tu mà thưa với
cha mẹ là ở nhà con buồn quá, cho con vô chùa kiếm huynh đệ chơi cho vui,
có nói như vậy không? Hay là thưa ở nhà tình cảm gia đình trói buộc tu
hành khó, con vào đạo để chuyên tu cầu giải thoát sanh tử, sau này về độ
cha mẹ tu hành, có phải thưa như vậy không? Chuyên tu cầu giải thoát mà
vào chùa rồi trói buộc với huynh đệ thì làm sao giải thoát? Thật là điều
đáng trách!
Chỉ vì tham
cầu lợi dưỡng, chẳng sợ trầm luân. Hoặc đắm mê danh vọng ở đời, hoặc tự
mình không hiểu không biết, ấy đều là bọn vô minh vậy.
Đi tu chỉ vì
tham cầu lợi dưỡng, chỉ muốn kết bè bạn đặng làm ra nhiều tiền nhiều của,
mà không sợ rơi trong ba đường khổ, hay trầm luân trong tam giới. Đi tu mà
chỉ tham danh tham lợi, không hiểu biết chi cả. Ấy đều là bọn vô minh, chớ
không phải là người giác ngộ tu hành. Chúng ta phải kiểm lại xem mình có
rơi vào bọn vô minh đó không? Người xưa thật đã đắng miệng khô môi chỉ dạy
chúng ta làm sao cho xứng đáng là người tu cầu đạo giải thoát.
Từ trước, các
Tổ Sư hành đạo tu thiền, tâm đồng với hư không, mặc đến mặc đi, hoặc nam
hoặc bắc, tham thiền hỏi đạo, nhân duyên hội ngộ thì tự lợi lợi tha, ấy
mới thật là Phật pháp.
Các Tổ sư ngày
xưa tu hành, tâm các ngài giống như hư không, không có dính mắc, cho nên
mặc tình đến mặc tình đi, không có gì ràng buộc. Hoặc đi phương nam, hoặc
đi phương bắc, cốt làm sao tìm hỏi cho ra đạo lý, nhân duyên hội ngộ thì
tự lợi lợi tha. Được như vậy mới thật là người ở trong Phật pháp, bằng
không tức là bọn vô minh.
Bài học này
tuy ngắn mà rất thấm thía. Ngài Pháp Loa nói thẳng cho toàn chúng thấy rõ
trọng trách của người tu. Nếu không thực hiện được thì việc tu của chúng
ta còn nhiều lệch lạc.
] |