TỔ THỨ HAI PHÁI TRÚC LÂM
NÓI CHỖ CỐT YẾU CỦA ĐẠI THỪA
(Đại thừa yếu
thuyết)
DỊCH:
Nếu người học
cần yếu phải từ cạn đến sâu. Tức là gồm ba môn tuệ học, Văn Tư Tu, ba môn
này thảy đều là Bát-nhã (trí tuệ). Giải rằng: Trước cần nghe pháp sanh tri
giải, gọi là Văn tuệ. Kế suy gẫm pháp đã nghe, nhận định yếu lý rõ ràng,
do suy gẫm nhập tâm mình, gọi là Tư tuệ. Rốt sau, như chỗ đã nghe, đã suy
gẫm, căn cứ vào đó tu hành không cho sai chạy, gọi là Tu tuệ. Hai tuệ
trước thuộc về hữu lậu, một tuệ sau thuộc vô lậu. Trước thì cạn, sau thì
sâu. Tuy cạn sâu có khác, đều gọi chung là tuệ.
Kinh Pháp Hoa
nói: “Nếu người được nghe hiểu, suy gẫm tu hành, ắt biết người ấy được gần
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Anuttara-Samyak-Sambodhi). Lại nói Giáo
Lý Hạnh Quả rằng: “Do suy tầm Giáo nên ngộ được Lý, nhân ngộ Lý khởi Hạnh,
Hạnh thành thì chứng quả. Cho nên gọi là Giáo, Lý, Hạnh, Quả.
Nay lược nêu
ít điều để chỉ bày cho người học, nếu khéo nhận rõ được chỗ này thì sẽ
thông suốt chỗ kia. Cổ đức nói: “Học một quyển kinh được thông thì muôn
quyển kinh đều hiểu.” Đây là chỗ tôi nhắc, người học phải thẩm tra tường
tận.
GIẢNG:
Bài trước Ngài
nói về Tam vô lậu học giới, định, tuệ, ở đây Ngài nói về Tam tuệ học văn,
tư, tu. Chúng ta cần nắm vững trên đường tu cái nào quan trọng, phải biết
cho thật rõ.
Nếu người học
cần yếu phải từ cạn đến sâu. Tức là gồm ba môn tuệ học, Văn Tư Tu, ba môn
này thảy đều là Bát-nhã (trí tuệ). Giải rằng: Trước cần nghe pháp sanh tri
giải, gọi là Văn tuệ. Kế suy gẫm pháp đã nghe, nhận định yếu lý rõ ràng,
do suy gẫm nhập tâm mình, gọi là Tư tuệ. Rốt sau, như chỗ đã nghe, đã suy
gẫm, căn cứ vào đó tu hành không cho sai chạy, gọi là Tu tuệ. Hai tuệ
trước thuộc về hữu lậu, một tuệ sau thuộc vô lậu. Trước thì cạn, sau thì
sâu. Tuy cạn sâu có khác, đều gọi chung là tuệ.
Chúng tôi sẽ
giải thích cho quí vị thấy Tam tuệ học này rất thiết yếu đối với người tu
học. Trước là Văn tuệ, kế là Tư tuệ, sau là Tu tuệ. Nếu người nào học đạo
mà thiếu ba môn này, đó là người không biết học đạo.
Trước hết tôi
nói về Văn tuệ, văn là nghe. Ví dụ như nghe giảng về các pháp vô thường,
quí vị hiểu được, đó là Văn tuệ.
Nếu chúng ta
nghe hiểu rồi thôi, thì cái hiểu đó chỉ là cạn cợt ngoài da, không thấm
vào tâm tư mình, nên phải có tư, nghĩa là chúng ta phải ngồi lại suy gẫm
cho thấu đáo xem các pháp vô thường như thế nào. Căn cứ vào thân mình từ
nhỏ đến lớn, rồi già và chết, vậy thân mình là vô thường. Cái nhà khi nào
mới xây cất, nay cũ rồi hư hoại, căn nhà là vô thường. Đến cây cối chúng
ta trồng, từ một mầm nhỏ, lớn thành cây rồi già, khô cành gãy nhánh và
chết rụi. Suy gẫm từ con người đến sự vật chung quanh như cái nhà, cây cối
v.v…, chúng ta thấy tất cả đều vô thường, suy gẫm như thế gọi là Tư tuệ.
Chúng tôi
thường trách Tăng Ni chỉ nghe giảng kinh dạy sử, rồi về xếp lại không suy
gẫm xem những lời Phật tổ chỉ dạy ý nghĩa như thế nào, rồi tìm từ sự vật
chung quanh cho đến bản thân mình xem những lời Phật tổ dạy có đúng như
thật hay không?
Suy gẫm kỹ,
thấy tường tận gọi là tư, như vậy mới là trí tuệ của mình.
Nghe và hiểu
được những lời Phật tổ dạy là hay, là đã có trí tuệ rồi, nhưng phải suy tư
thật kỹ mới thấm. Khi thấm được, biết đó là chân lý, thì phải ứng dụng tu,
đó là Tu tuệ.
Đa số người
học đạo chỉ có văn mà không có tư, nên hiểu cạn ngoài da. Chỉ khi nào làm
thầy dạy người mới có tư một chút, suy gẫm lời Phật dạy, phải hiểu thế nào
để giải cho người hiểu, nhờ đó mới thấm. Thế nên người học nhiều kinh mà
không dạy người khác thì không có Tư tuệ, nên dễ quên. Nhờ dạy mà chúng ta
nhớ lâu, nhìn được tường tận.
Lúc xưa khi
viết về ba môn tuệ này, chúng tôi nói: Phật dạy ba môn tuệ rất khoa học,
thích hợp với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Ở thế gian bất cứ ai đi
học, muốn giỏi và thành nghề, đều phải qua ba phần: Thứ nhất là lý thuyết,
tức là văn. Thứ hai là thí nghiệm hay nghiền ngẫm, tức là tư. Thứ ba là
thực hành, tức là tu. Trong đạo nói văn, tư, tu, ngoài đời gọi là lý
thuyết, thí nghiệm và thực hành. Vậy người học Phật không phải nghe rồi
tin, mà phải nghe rồi hiểu, hiểu rồi suy gẫm cho tường tận, đối chiếu từ
cái này đến cái kia coi đúng như thật hay không. Chừng nào suy gẫm đúng,
chừng đó mới ứng dụng tu.
Như vậy văn,
tư, tu là ba môn rất thiết yếu trong nhà Phật. Trong đây chia ra hai cái
trước là trí tuệ cạn, cái thứ ba mới là sâu. Tại sao? Vì thực hành rồi,
mới là cái thật chứng của mình, còn chưa thực hành thì chưa thật chứng.
Kinh Pháp Hoa
nói: “Nếu người được nghe hiểu, suy gẫm tu hành, ắt biết người ấy được gần
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Nếu người nào có đủ ba môn văn, tư, tu
thì người đó gần với Phật, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nói Giáo
Lý Hạnh Quả rằng: “Do suy tầm Giáo nên ngộ được Lý, nhân ngộ Lý khởi Hạnh,
Hạnh thành thì chứng quả.” Cho nên gọi là Giáo, Lý, Hạnh, Quả.
Trong kinh
Phật luôn luôn đặt ra giáo, lý, hạnh, quả. Từ giáo chúng ta được lý, nếu
khéo tu thì từ lý sẽ đi tới hành, mà hành tức nhiên đạt được quả. Chúng
tôi dẫn một câu trong kinh Kim Cang Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị
hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” “Phàm sở hữu
tướng giai thị hư vọng”, phàm cái gì có tướng đều là hư dối, biết rõ được
lời Phật dạy như thế gọi là giáo. Khi nghe như vậy, chúng ta phải suy gẫm,
do suy gẫm mà ngộ được lý: Tất cả pháp đều là hư vọng. Vậy nương nơi giáo
suy gẫm mà đạt lý, là các pháp như huyễn, hư dối, không thật.
Đến câu “nhược
kiến chư tướng phi tướng” là biết các pháp duyên hợp hư huyễn. Hiểu rõ như
vậy, chúng ta nhìn pháp nào cũng biết là hư huyễn, nên các tướng của nó
đều không phải tướng, tức là hư dối, huyễn hóa. Thấy tường tận như vậy gọi
là hạnh. Thấy các pháp là huyễn hóa không thật, dù thiên hạ khen pháp đó
là đẹp là quí, chúng ta cũng biết nó là huyễn, tức là “kiến chư tuớng phi
tướng”, chừng đó liền được quả “tức kiến Như Lai”, nghĩa là thấy Phật.
Như vậy từ nơi
giáo chúng ta ngộ lý, từ lý mà quán chiếu thực hành, do thực hành nên được
kết quả. Chỉ trong một câu kinh của Phật gồm đủ cả giáo, lý, hạnh, quả.
Nếu chúng ta khéo tu thì sẽ được kết quả tốt đẹp không nghi ngờ, còn không
khéo tu thì khó biết được kết quả như thế nào!
Nay lược nêu
ít điều để chỉ bày cho người học, nếu khéo nhận rõ chỗ này thì sẽ thông
suốt chỗ kia. Nếu hiểu được chỗ này tường tận thì chỗ kia chúng ta cũng
thấu suốt.
Cổ đức nói:
“Học một quyển kinh được thông thì muôn quyển kinh đều hiểu.” Đây là chỗ
tôi nhắc, người học phải thẩm tra tường tận.
Học một quyển
kinh mà thông suốt, thâm nhập được thì đọc những quyển khác chúng ta đều
hiểu. Còn đọc quyển nào cũng qua loa, dù đọc một ngàn quyển cũng không
hiểu gì cả. Đó là ý nghĩa của đoạn này.
] |