TAM TỔ TRÚC LÂM GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

TỔ THỨ HAI PHÁI TRÚC LÂM

CÁCH HỌC CẦN BIẾT RÕ

(Yếu minh học thuật)

DỊCH:

Người học trước phải khảo xét Kinh, Pháp, sau mới tu hành. Kinh có năm vị, Pháp có bốn pháp.

Kinh có năm vị: 1. Tư lương vị, tức là Thập tín. 2. Gia hạnh vị, tức là Thập trụ. 3. Kiến đạo vị, tức là Thập hạnh. 4. Tu đạo vị, tức là Thập hồi hướng. 5. Cứu kính vị, tức là Thập địa.

Pháp có bốn pháp: 1. Pháp chọn bạn. 2. Pháp nghe đạo. 3. Pháp giữ đạo. 4. Pháp chứng đạo.

Vị tư lương ở đầu là phước điền chung cho tất cả, bốn vị sau là tu hành riêng. Bốn vị phối hợp với bốn pháp:

A. Pháp chọn bạn có hai: a. Không nên thân cận. b. Nên thân cận.

a. Không nên thân cận.- Tăng có bốn hạng si: Tăng tham, Tăng ác, Tăng dối trá, Tăng không có lòng tin. Thầy có bốn thứ lỗi: Thầy tà, Thầy ngoại đạo, Thầy tật đố, Thầy tiểu tâm. Bạn có bốn hạng kém: Chấp pháp Tiểu thừa, tham cầu phước báo, chấp tướng ngã nhân, tâm không trí tuệ. Những vị này đều không nên thân cận.

b. Nên thân cận.- Tăng có lục hòa: thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh, ý hòa không trái (ý hòa cùng vui), hiểu biết hòa cùng giải bày, giới hòa cùng tu, lợi hòa chia đồng nhau. Thầy có bốn hạng chánh: Thầy chánh tông, Thầy chánh tâm, Thầy chánh hạnh, Thầy chánh ngữ. Bạn có bốn hạng thù thắng: Học Đại thừa, thông suốt kinh điển, thấy việc vô ích thì khuyên can, có nạn giúp đỡ nhau. Những người này nên thân cận, tức thuộc Gia hạnh vị.

B.- Pháp nghe đạo.- Vì thân cận thầy bạn nên được ngộ chánh tông, xa lìa pháp tướng, thường giữ nội tâm, tức là vị Kiến đạo.

C.- Pháp giữ đạo.- Người đã ngộ chánh tông nên chọn cảnh mà ở. Cảnh thì có núi dữ, nước (sông) dữ không nên ở. Cảnh phải đủ bốn duyên: nước, lửa, lương thực, rau quả, là đủ bốn duyên. Lại nói: Cảnh không gần nhân gian, chẳng xa nhân gian. Gần thì ồn náo, xa thì không người hộ trì, đây là cảnh nên ở. Ở cảnh này dễ dứt nghiệp, dưỡng thần nuôi trí, sanh tâm Bát-nhã, tính ghi nhớ, nuôi lớn thai thánh, ắt được chứng đạo. Đây tức thuộc vị cứu kính, tức pháp viên mãn đạo, mới được siêu phàm nhập thánh.

Kinh Pháp Hoa phẩm An Lạc Hạnh dẫn kinh A-hàm nói: Xa lìa bốn hạng bạn ác, gần gũi bốn hạng bạn lành. Xa lìa bốn hạng bạn ác là:

1. Gần gũi bạn ác bên ngoài thì sợ, mà trong lòng không thân.

2. Nói lời êm đẹp với bạn ác, lời thì thuận mà ý thì trái.

3. Kính thuận bạn ác, tâm tuy kính thuận đối với việc làm thiện ác đều hùa theo, mà không có tâm can gián nhau.

4. Đồng sự với bạn ác, là cùng bạn ác làm việc ác, như cùng uống rượu, cờ bạc, dâm dật, ca múa…

Bốn hạng bạn lành là: 1. Bạn lành dừng lỗi, mọi việc ác cùng dừng. 2. Bạn lành thương mến, gặp việc khổ thương mến nhau. 3. Bạn lành lợi người, được việc vui chia sớt nhau. 4. Bạn lành đồng sự, gặp việc lành chung nhau làm.

Thấy học giả thời nay, chưa nghe đạo tự xưng mình hành đạo. Chẳng biết họ hành cái đạo gì? Cổ đức nói: “Ăn được vài cọng rau, tự xưng là Tổ sư trai.” Lại nói “Như con trâu trọn đời ăn cỏ, mà chưa từng thành Phật”. Cho nên ngài Tuệ Trung nói: “Ăn rau cùng ăn thịt, chúng sanh mỗi sở thuộc; xuân về trăm cỏ sanh, làm sao thấy tội phước?” Lý (Linh) Nguyên nói: “Ba chục năm qua tầm kiếm khách.” Đây là nghe đạo, sau mới hành đạo vậy.

Vả Sư là người tiếp mùi thơm bủa khắp của hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, mồi đèn trao đuốc của sáu vị Tổ Trung Hoa, noi dấu tông Dương Kỳ, được yếu chỉ ngài Viên Ngộ. Thường ngày bàn thiền nói pháp, mà không một pháp có thể được. Nơi nơi tiếp độ chúng sanh, mà không phải chúng sanh, nhưng chẳng chúng sanh nào không được lợi. Ngài khi đi thì xem trâu đá rống trăng, đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì tựa gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài.

Kinh Chư Sơn Lâm nói: “Thiền tông ở nơi triều thị, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, chẳng dính nơi thấy nghe, chớ kẹt lý huyền trong ngôn cú, buông lỏng nghĩ bàn. Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi. Nếu không được vậy, ắt giống loài mọt đục sách chẳng khác.”

Tuy tôi có duyên kim cải, gặp được sách quí, hổ thẹn không có tài nhả phượng, lạm biên dấu vết Thánh Hiền, nhờ việc thiện nhỏ này, dâng lên đền đáp bốn ân. Dù cho nhiều đời nát xương, cũng khó đền được bốn ơn như trời cao lồng lộng. Nghe một câu mà lặng thần có thể thành được Chánh giác.

            Ôi!

            Kiếm vì bất bình rời vỏ báu

            Thuốc do trị bịnh thoát bình vàng.

Kệ rằng:

            Ma cường pháp nhược đạo sao côi,

            Phật Tổ khuyên răn tạo bản đồ.

            Chỉ có lời huyền làm mẫu mực,

            Ai hay thức giả giải hạnh vô.

                                    Phạm Văn Vũ ở xã Thanh Liệu khắc bản in.

GIẢNG:

Người học trước phải khảo xét Kinh, Pháp, sau mới tu hành. Kinh có năm vị, Pháp có bốn pháp.

Kinh có năm vị:

1. Tư lương vị, tức là Thập tín.

2. Gia hạnh vị, tức là Thập trụ.

3. Kiến đạo vị, tức là Thập hạnh.

4. Tu đạo vị, tức là Thập hồi hướng.

5. Cứu kính vị, tức là Thập địa.

Kinh có năm vị, mỗi vị có mười phần gọi là Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa.

Theo kinh Lăng Nghiêm, năm vị gồm có:

1. Tư lương vị tức là Thập tín. Bước vào vị Bồ-tát, Thập tín là căn bản, gồm có: 1. Tín tâm, 2. Niệm tâm, 3. Tinh tấn tâm, 4. Tuệ tâm, 5. Định tâm, 6. Bất thối tâm, 7. Hộ pháp tâm, 8. Hồi hướng tâm, 9. Giới tâm, 10. Nguyện tâm.

2. Gia hạnh vị tức là Thập trụ: 1. Phát tâm trụ, 2. Trị địa trụ, 3. Tu hành trụ, 4. Sinh quí trụ, 5. Phương tiện cụ túc trụ, 6. Chánh tâm trụ, 7. Bất thối trụ, 8. Đồng chân trụ, 9. Pháp vương tử trụ, 10. Quán đỉnh trụ.

3. Kiến đạo vị tức là Thập hạnh: 1. Hoan hỉ hạnh, 2. Nhiêu ích hạnh, 3. Vô sân hận hạnh, 4. Vô tận hạnh, 5. Ly si loạn hạnh, 6. Thiện hiện hạnh, 7. Vô trước hạnh, 8. Tôn trọng hạnh, 9. Thiện pháp hạnh, 10. Chân thật hạnh.

4. Tu đạo vị tức là Thập hồi hướng: 1. Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, 2. Bất hoại hồi hướng, 3. Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng, 4. Chí nhất thiết xứ hồi hướng, 5. Vô tận công đức tạng hồi hướng, 6. Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng, 7. Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng, 8. Chân như tướng hồi hướng, 9. Vô phược giải thoát hồi hướng, 10. Pháp giới vô lượng hồi hướng.

5. Cứu kính vị tức là Thập địa: 1. Hoan hỉ địa, 2. Ly cấu địa, 3. Phát quang địa, 4. Diệm tuệ địa, 5. Nan thắng địa, 6. Hiện tiền địa, 7. Viễn hành địa, 8. Bất động địa, 9. Thiện tuệ địa, 10. Pháp vân địa.

Đây là phối hợp năm vị trải qua năm mươi địa của chư Bồ-tát.

Pháp có bốn pháp: 1. Pháp chọn bạn, 2. Pháp nghe đạo, 3. Pháp giữ đạo, 4. Pháp chứng đạo.

Vị tư lương ở đầu là phước điền chung cho tất cả, bốn vị sau là tu hành riêng. Bốn vị phối hợp với bốn pháp.

Đây nói bốn pháp:

1. Pháp chọn bạn có hai:

a. Không nên thân cận.

 b. Nên thân cận.

Về chọn bạn thì phải biết bạn nên thân cận và bạn không nên thân cận. Đây là nói về pháp số, nhưng thật ra là chỉ cho chúng ta sống trong tùng lâm biết người nào nên gần, người nào không nên gần.

a. Không nên thân cận.

Tăng có bốn hạng si: Tăng tham, Tăng ác, Tăng dối trá, Tăng không có lòng tin. Tăng là chỉ chung cả tăng và ni.

Một là tăng tham, người tu dù tăng hay ni nhưng lòng tham muốn chứa chấp nhiều của cải tiền bạc, tăng đó chúng ta không nên thân cận, gần gũi.

Hai là tăng ác, thường gọi là ác tăng, cũng không nên gần gũi. Tại sao? Vì những người đó tuy hình thức người tu mà không có tâm từ bi hỉ xả, chỉ chứa chấp sự nóng giận hung dữ.

Ba là tăng dối trá, bên ngoài thì hình thức người tu mà trong lòng chứa chấp những điều gian giảo, dối trá, lừa bịp người chớ không thật tu.

Bốn là tăng không có lòng tin. Tuy tu Phật mà không tin Phật, lại tin những chuyện đâu đâu. Thí dụ như pháp Phật dạy phải lấy nhân quả làm căn bản, nhưng chúng ta không tin nhân quả, lại tin bùa chú… các thứ mê tín bên ngoài.

Đây là nói về tăng bạn bè ngang hàng.

Thầy có bốn thứ lỗi: Thầy tà, thầy ngoại đạo, thầy tật đố, thầy tiểu tâm.

Thầy tà là thầy dạy mình những điều không đúng chánh pháp.

Thầy ngoại đạo như ở những ngôi chùa có vị thầy dạy mình coi tay, coi tướng, bói quẻ v.v…

Thầy tật đố, tức là thầy cứ chê người này, ghét người kia, giận người nọ, nghe nói ai hơn mình thì tức tối, chống cự v.v…

Thầy tiểu tâm tức thầy tâm nhỏ, làm việc gì cũng nhắm vào sự ích kỷ của bản thân, của cá nhân.

Học những điều này có lợi cho người học trò và cả người thầy, để biết mình thuộc hạng nào mà dè dặt.

Bạn có bốn hạng kém: Chấp pháp Tiểu thừa, tham cầu phước báo, chấp tướng ngã nhân, tâm không trí tuệ.

Những người bạn nói: Làm đi có phước lắm, đời sau sanh ra giàu sang sung sướng, bạn đó là bạn tham cầu phước báo.

Bạn chấp tướng ngã nhân là người bạn khi nói chuyện luôn luôn đem người này người kia ra để phê phán khen chê.

Bạn tâm không trí tuệ, si mê không biết lẽ phải quấy, đúng sai, đó là không có trí tuệ.

Những vị này đều không nên thân cận.

Tóm lại, Ngài dạy chúng ta mỗi phần có bốn hạng không nên thân cận. Tăng là chung cho cả Tăng Ni, những vị tăng nào thuộc về tham, ác, dối trá, không có lòng tin thì chúng ta không nên gần.

Kế đến là thầy, vị thầy nào không dạy chánh đạo, lại đem pháp ngoại đạo dạy là thầy tà, thầy ngoại đạo không nên gần. Vị thầy nào khinh người này, chê người kia, hoặc ai hơn thì kiếm chuyện gièm pha, nhỏ nhen ích kỷ là thầy tật đố, thầy tiểu tâm thì không nên gần.

Còn bạn thì nhớ bạn thích pháp Tiểu thừa, bạn thích cầu phước báo, bạn nói về nhân ngã, bạn không có trí tuệ thì không nên gần.

Những điều này quí vị phải biết để chọn tăng, chọn thầy, chọn bạn không bị lầm.

b. Nên thân cận:

Tăng có lục hòa: Thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh, ý hòa không trái (ý hòa cùng vui), tức là ý hòa đồng duyệt, duyệt là vui, chẳng những không trái mà còn vui với nhau. Hiểu biết hòa cùng giải bày, giới hòa cùng tu, lợi hòa chia đồng nhau. Tăng có sáu hòa là tăng chúng ta nên thân cận.

Thầy có bốn hạng chánh: Thầy chánh tông, thầy chánh tâm, thầy chánh hạnh, thầy chánh ngữ.

Thầy chánh tông là thầy dạy chúng ta con đường tu hành đúng như Phật Tổ.

Thầy chánh tâm là thầy hướng chúng ta tu, đi thẳng vào con đường đạo chớ không quanh co.

Thầy chánh hạnh tức là thầy có hạnh chân chánh để hướng dẫn mình.

Thầy chánh ngữ tức thầy dùng lời chân chánh của Phật Tổ đem ra dạy.

Bạn có bốn hạng thù thắng: Học Đại thừa, thông suốt kinh điển, thấy việc vô ích thì khuyên can, có nạn giúp đỡ nhau.

Bốn hạng đó là nên thân cận. Quí vị nhớ bốn hạng bạn này để chọn cho kỹ và nên gần. Còn thấy chuyện vô ích mà không khuyên can để mặc làm gì làm, đó chưa phải là bạn tốt, chưa phải là bạn lành. Có tai nạn thì ngó lơ, đó cũng không phải là bạn lành.

Những người này nên thân cận, tức thuộc Gia hạnh vị.

Tóm lại tăng thì phải được lục hòa mới nên gần. Thầy thì phải chánh tông, chánh tâm, chánh hạnh, chánh ngữ mới nên gần. Bạn thì phải thông Đại thừa, suốt kinh điển, khuyên can mình điều quấy, giúp đỡ khi khó khăn, mới nên gần.

2. Pháp nghe đạo. Vì thân cận thầy bạn nên được ngộ chánh tông, xa lìa pháp tướng, thường giữ nội tâm, tức là vị Kiến đạo.

Nếu người tu được gần những vị Tăng lục hòa, những thầy chân chánh, những người bạn tốt, tức là đã tiến được một bước rồi.

3. Pháp giữ đạo. Người đã ngộ chánh tông nên chọn cảnh mà ở. Cảnh thì có núi dữ, nước (sông) dữ không nên ở. Chữ dữ này là chỗ xấu, tức là những núi hiểm nguy, những nơi nước độc v.v… không nên ở.

Cảnh phải đủ bốn duyên: nước, lửa, lương thực, rau quả, là đủ bốn duyên. Ở đâu có đủ bốn duyên đó thì nên ở, vì ở mà không có rau ăn cũng không được, không có lương thực làm sao ở? Cho nên chỗ ở phải có đủ nước, đủ lửa, đủ lương thực, đủ rau quả.

Lại nói: Cảnh không gần nhân gian, chẳng xa nhân gian. Gần thì ồn náo, xa thì không người hộ trì, đây là cảnh nên ở.

Người xưa kỹ như vậy. Chúng ta có bệnh là khi thích ồn thì đến chỗ chợ búa thật đông, khi thích vắng thì muốn vào tận rừng sâu. Chợ búa hoặc rừng sâu, thích hai nơi đó đều là bệnh. Thế nên ở đây dạy đừng gần nhân gian lắm, gần thì ồn, mà xa thì không ai ủng hộ, như vậy phải vừa chừng. Trúc Lâm rất là vừa, không gần mà không xa. Cho nên chỗ ở phải lựa kỹ, không phải muốn ở đâu là ở chỗ đó cho bằng được [Nghi là: Đây thuộc vị Tu đạo].

Ở cảnh này dễ dứt nghiệp, dưỡng thần nuôi trí, sanh tâm Bát-nhã, tính ghi nhớ, nuôi lớn thai thánh, ắt được chứng đạo. Đây tức thuộc vị cứu kính, tức pháp viên mãn đạo, mới được siêu phàm nhập thánh.

4. Pháp chứng đạo: Ở cảnh này…

Kinh Pháp Hoa phẩm An Lạc Hạnh dẫn kinh A-hàm nói: Xa lìa bốn hạng bạn ác, gần gũi bốn hạng bạn lành.

Xa lìa bốn hạng bạn ác là:

1. Gần gũi bạn ác bên ngoài thì sợ, mà trong lòng không thân. Vì họ có qui luật thì sợ chớ trong lòng không ưa.

2. Nói lời êm đẹp với bạn ác, lời thì thuận mà ý thì trái. Nói hùa, nói nịnh theo, trong ý lại không thuận.

3. Kính thuận bạn ác, tâm tuy kính thuận đối với việc làm thiện ác đều hùa theo, mà không có tâm can gián nhau. Tốt xấu gì cũng hùa làm hết, không biết can gián nhau.

4. Đồng sự với bạn ác, là cùng bạn ác làm việc ác, như cùng uống rượu, cờ bạc, dâm dật, ca múa…

Bốn hạng bạn lành là:

1. Bạn lành dừng lỗi, mọi việc ác cùng dừng. Gần bạn lành thì những lỗi lầm của mình, nhờ bạn khuyên can, nên càng ngày chúng ta càng dừng được lầm lỗi.

2. Bạn lành thương mến, gặp việc khổ thương mến nhau. Khi gặp tai nạn thì thương mến cứu giúp nhau.

3. Bạn lành lợi người, được việc vui chia sớt nhau”, nghĩa là những gì cùng vui, cùng được lợi ích thì chia sớt với nhau.

4. Bạn lành đồng sự, gặp việc lành chung nhau làm.

Ngài muốn dẫn cho chúng ta nhớ trong kinh dạy phải nên gần những người lành như vậy, chớ không nên gần những người dữ.

Thấy học giả thời nay, chưa nghe đạo tự xưng mình hành đạo.

Chưa có học mà nói hành là hành cái gì? Nói hành đạo là phải học đạo, không học đạo mà nói hành đạo, đó là nói dối không đúng sự thật.

Chẳng biết họ hành cái đạo gì? Cổ đức nói: Ăn được vài cọng rau, tự xưng là Tổ sư trai, mới ăn vài cọng rau mà xưng là Tổ rồi, Tổ sư trai.

Lại nói “Như con trâu trọn đời ăn cỏ, mà chưa từng thành Phật.” Cho nên ngài Tuệ Trung nói: “Ăn rau cùng ăn thịt, chúng sanh mỗi sở thuộc; xuân về trăm cỏ sanh, làm sao thấy tội phước?”

Lý (Linh) Nguyên nói: “Ba chục năm qua tầm kiếm khách.” Đây là nghe đạo, sau mới hành đạo vậy.

Tôi nghi Ngài lầm Linh Vân là Lý Nguyên vì câu “ba chục năm qua tầm kiếm khách”, là một câu trong bốn câu thơ của ngài Linh Vân. Khi thấy hoa đào ngộ đạo, Ngài đọc lên bài kệ:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách,

Kỷ hồi lạc diệp hựu sưu chi.

Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu,

Trực chí như kim cánh bất nghi.

Như vậy câu được dẫn là câu đầu bài thơ của ngài Linh Vân. Nguyên Thiền sư Chí Cần ở núi Linh Vân, khi nhìn thấy hoa đào Ngài ngộ đạo, làm bài kệ này, cho nên không thể nói câu này là của Lý Nguyên được. Vì thế câu này là của Linh Vân thì hợp lý hơn.

Tóm lại Ngài nói rõ rằng người muốn ngộ đạo, trước phải học đạo, nên nói ba chục năm qua tầm kiếm khách, tức là đi chỗ này chỗ kia để cầu học, tìm hiểu. Đó là ý: Đây là nghe đạo, sau mới hành đạo vậy. Nhờ tìm học, chúng ta mới thực hiện được những gì đã học, gọi đó là hành.

*

Đến phần của người khắc bản in.

Vả Sư là người tiếp mùi thơm bủa khắp của hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, mồi đèn trao đuốc của sáu vị Tổ Trung Hoa, noi dấu tông Dương Kỳ, được yếu chỉ ngài Viên Ngộ. Thường ngày bàn thiền nói pháp mà không có một pháp có thể được. Nơi nơi tiếp độ chúng sanh mà không phải chúng sanh, nhưng chẳng chúng sanh nào không được lợi. Ngài khi đi thì xem trâu đá rống trăng, đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì tựa gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài.

Kinh Chư Sơn Lâm nói: “Thiền tông ở nơi triều thị, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, chẳng dính nơi thấy nghe, chớ kẹt lý huyền trong ngôn cú, buông lỏng nghĩ bàn. Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi. Nếu không được vậy, ắt giống loài mọt đục sách chẳng khác.”

Tuy tôi có duyên kim cải, gặp được sách quí, hổ thẹn không có tài nhả phượng, lạm biên dấu vết Thánh Hiền, nhờ việc thiện nhỏ này, dâng lên đền đáp bốn ân. Dù cho nhiều đời nát xương, cũng khó đền được bốn ân như trời cao lồng lộng. Nghe một câu mà lặng thần có thể được thành Chánh giác.

            Ôi!

            Kiếm vì bất bình rời vỏ báu,

            Thuốc do trị bịnh thoát bình vàng.

Kệ rằng:

            Ma cường, pháp nhược, đạo sao côi,

            Phật Tổ khuyên răn tạo bản đồ.

Chỉ có lời huyền làm mẫu mực,

Ai hay thức giả giải hạnh vô.

            (Phạm Văn Vũ ở xã Thanh Liệu khắc bản in.)

Tôi giải thích cho quí vị thấy rõ đoạn này.

Phần trên là phần của ngài Pháp Loa dạy, phần này là phần kết thúc của người in sách. Ông cũng là người rất thâm hiểu Phật pháp, thâm hiểu thiền. Trước hết ông tán thán ngài Pháp Loa: Vả Sư (Sư là chỉ ngài Pháp Loa) là người tiếp mùi thơm bủa khắp của hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, mồi đèn trao đuốc của sáu vị Tổ Trung Hoa, noi dấu tông Dương Kỳ, được yếu chỉ ngài Viên Ngộ (Phật Quả). Đây là tán thán ngài Pháp Loa tiếp nối các vị Tổ Ấn Độ, các vị Tổ Trung Hoa cho đến những vị Tổ sau này. Phần này là nói về sự truyền thừa. Đến diệu dụng của Ngài trong sự giáo hóa:

Thường ngày bàn thiền nói pháp mà không một pháp có thể được. Khi Ngài còn sống thì luôn luôn bàn thiền nói pháp với đệ tử, với mọi người. Tuy bàn, tuy nói mà không một pháp có thể được, tức là không dính mắc một pháp nào.

Nơi nơi tiếp độ chúng sanh mà không phải chúng sanh, nghĩa là Ngài luôn luôn đi hoằng hóa, giảng dạy các nơi để tiếp độ chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh thật. Nhưng chẳng chúng sanh nào không được lợi, tuy không thấy một chúng sanh thật mà các chúng sanh đều được ơn giáo hóa của Ngài và được lợi lạc.

Đến sự sống của Ngài:

Ngài khi đi thì xem trâu đá rống trăng, đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì tựa gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng, ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài?

Đây là nói các hành động của Ngài: Đi, đứng, ngồi, nằm đều ở trong thể thanh tịnh như như, nhưng đầy đủ diệu dụng. Đi thì xem trâu đá rống trăng. Trâu đá có cử động không mà biết rống? Đó là để thấy trong thể bất động như như vẫn có diệu dụng. Đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, con ngựa gỗ hí theo các luồng gió lộng. Như vậy đi và đứng đều ở trong thể bất động mà đầy đủ diệu dụng. Ngồi thì tựa gốc cây không bóng. Có gốc cây nào không bóng, trừ trời râm, trời mát. Khi nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Tháp Vô phùng là tháp gì? Cũng có người dịch là không chăn chiếu, có người dịch là không khoác áo cà-sa. Nhưng sự thật tháp Vô phùng là do sự tích: Vào đời Đường, Quốc sư Huệ Trung được vua Đường Túc Tông thỉnh về giảng dạy ở kinh đô. Qua đến đời vua Đường Đại Tông, biết mình sắp tịch, Ngài báo tin cho vua Đường biết.

Vua hỏi: Hòa thượng tịch, đệ tử sẽ làm gì để kỷ niệm?

Ngài nói: Bệ hạ xây một ngôi tháp Vô phùng.

Vua Đường Đại Tông là một vị vua hiểu thiền, hỏi: Xin Thầy cho kiểu tháp.

Ngài lặng thinh giây lâu hỏi: Hiểu chăng?

Đáp: Không hiểu.

Ngài dạy: Tôi tịch rồi, có thị giả tên là Đam Nguyên sẽ giải cho.

Sau khi Ngài tịch, vua Đại Tông mời Thiền sư Đam Nguyên tới, nói rằng: Hòa thượng nói tháp Vô phùng, nay nhờ Thầy giải thích. Đam Nguyên liền đọc bốn câu kệ:

            Tương chi nam, đàm chi bắc,

            Trung hữu huỳnh kim sung nhất quốc.

            Vô ảnh thọ hạ hiệp đồng thuyền,

            Lưu ly điện thượng vô tri thức.

Dịch:

            Bên nam sông Tương, bên bắc cái đầm,

            Khoảng giữa vàng ròng đầy một nước.

            Dưới cây không bóng nên đồng thuyền,

Trên điện lưu ly không tri thức.

Đó là diễn tả tháp Vô phùng.

Nói rằng: “Dưới cây không bóng nên đồng thuyền”, nên ở đây mới dùng câu: Ngồi thì tựa gốc cây không bóng. Cây không bóng là diễn tả tháp Vô phùng.

Nằm thì nghỉ trong tháp Vô phùng. Trong tháp Vô phùng, chỗ nằm nghỉ được diễn tả rất hay: “Lưu ly điện thượng vô tri thức”, trên điện lưu ly không tri thức. Ai không tri thức thì nằm được trên điện lưu ly. Như vậy rõ ràng là diễn tả tháp Vô phùng.

Nhưng có người hiểu lầm, tưởng chữ phùng là vá, không ngờ Ngài muốn chỉ thể không sanh diệt, hằng trong sáng, không niệm phân biệt, đó là tháp Vô phùng của Ngài. Thế nên chúng ta đọc phải hiểu cội nguồn mới không kẹt trong lời dịch.

Như vậy lời của vị này cho thấy ngài Pháp Loa là con người đã ngộ và sống được với lý đạo, nên đi, đứng, ngồi, nằm đều ở trong thể không sanh không diệt, hằng sáng không bị một vết nhơ. Ở trong thể đó ai có thể dò xét được bờ mé của Ngài, nên không ai biết được hành tung của Ngài.

Tóm lại đây là lời khen: Một là khen sự kế thừa, hai là khen sự truyền pháp, ba là khen trong bốn oai nghi, Ngài đều sống đúng với thể chân thật đầy đủ diệu dụng.

Kinh Chư Sơn Lâm nói: Thiền tông ở nơi triều thị, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, chẳng dính nơi thấy nghe, chớ kẹt lý huyền trong ngôn cú, buông lỏng nghĩ bàn. Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi.

Ông nói trong kinh Chư Sơn Lâm dạy rằng: Thiền tông ở nơi triều thị, tức là ở nơi triều đình, thị tứ, nếu gặp được chỉ thú ngoài lời, tức là giáo ngoại biệt truyền, không dính, không mắc nơi thấy nghe, cũng không kẹt lý huyền trong ngôn cú, tức là không chấp những lý lẽ cao siêu trong lời, nên dừng hết những nghĩ bàn.

Về sau ở trong Tông môn mới được một chuyển ngữ, quyết nhận ông nắm tay nhau cùng đi, về sau ở trong nhà thiền mới được một câu thông suốt. Như vậy quyết nắm tay ngài Pháp Loa cùng đi.

Nếu không được vậy ắt giống loài mọt đục sách chẳng khác. Nếu không được vậy, giống như con mọt đục sách, đọc mãi phủng sách không có lợi gì. Đó là lời tán thán và nhắc nhở.

Tiếp đến ông nói riêng về ông:

Tuy tôi có duyên kim cải. Trong kinh Nam Bản Niết-bàn có câu: “Giới tử đầu châm phong, Phật xuất nan ư thị”, nghĩa là như hạt cải ném trên mũi nhọn cây kim là việc khó, Phật ra đời cũng khó như vậy. Thế nên ông dẫn: Tuy tôi có duyên kim cải gặp được sách quí, hổ thẹn không có tài nhả phượng, lạm biên dấu vết Thánh Hiền, nhờ việc thiện nhỏ này, dâng lên đền đáp bốn ơn. Dù cho nhiều đời nát xương, cũng khó đền được bốn ơn như trời cao lồng lộng. Ông có duyên rất hiếm, mới gặp được những quyển sách của ngài Pháp Loa, nhưng ông không có tài nhả phượng phun châu nên khó nói hết được cái hay của kinh sách. Vì thế ông chỉ ghi lại để người sau noi theo dấu vết Thánh Hiền, lấy việc đó làm công đức để đền đáp bốn ơn. Đối với ông thì bốn ơn đó dầu cho nát xương nhiều đời cũng không thể đền đáp được, vì bốn ơn to lớn như trời cao lồng lộng. Chỉ có ai: Nghe một câu mà lặng thần có thể được thành Chánh giác, như thế mới đền được bốn ơn. Ông dẫn:

            Ôi!

            Kiếm vì bất bình rời vỏ báu,

            Thuốc do trị bịnh thoát bình vàng.

Cây kiếm vì những việc trái với đạo lý, với điều lành, nên ra khỏi vỏ báu để trừng trị kẻ xấu ác. Thuốc để trong bình vàng, nhưng muốn cứu người bệnh, nên trút ra khỏi bình vàng. Hai câu này nói rằng đạo lý chân thật, quí báu, nếu không có chuyện cần thiết thì nó nằm im. Đến khi vì cứu đời, vì đem lợi ích cho chúng sanh, nó mới có những diệu dụng. Thể chân thật vốn bất động, nhưng vì chúng sanh nên phải động để làm lợi ích cho người.

Kết thúc là bài kệ than vãn của ông:

Ma cường pháp nhược đạo sao côi, ma mạnh, pháp yếu, đạo thì cô đơn quá, ít có người lưu tâm để ý.

Phật Tổ khuyên răn tạo bản đồ. Phật Tổ luôn luôn nhắc nhở khuyên răn, ghi thành sách vở, cũng như vẽ bản đồ cho chúng ta theo.

Chỉ có lời huyền làm mẫu mực. Những lời nhiệm mầu, cao cả này là để làm mẫu mực cho đời sau nương theo tu hành.

Ai hay thức giả giải hạnh vô. Ai có biết đâu, gọi là thức giả mà giải và hạnh đều không có. Nếu thật là thức giả thì hạnh giải phải tương ưng. Giải là hiểu, hạnh là hành, hiểu và hành phải tương ưng nhau. Nếu cho mình là thức giả mà không giải, không hạnh, đó là thức giả hư dối.

Bốn câu kệ là lời cảnh tỉnh những người sau. Vì chúng ta sống trong thời ma cường pháp nhược, đạo đức suy kém, nên lời khuyên của Phật Tổ là bản đồ chúng ta phải noi theo. Nương theo những lời nhiệm mầu của Phật Tổ chúng ta tu hành mới được giải thoát. Đừng cho rằng mình là người trí thức mà không giải, không hạnh. Người tu Phật phải có đủ giải, hạnh thì sự tu hành mới có kết quả.

Trên đây là lời khắc bản in của ông Phạm Văn Vũ ở xã Thanh Liệu.

Đọc sách xưa, thấy được tâm mến đạo của người xưa, chúng ta rất là kính nể. Như vị khắc bản in những quyển sách của ngài Pháp Loa, ngài Huyền Quang, khi được các bản đó ông mừng rỡ, quí trọng, đem khắc lại cho người sau tu học, đó là tâm trạng của những người kính trọng chánh pháp và muốn duy trì chánh pháp. Còn chúng ta ngày nay khi được những quyển sách đó, chúng ta đọc, chúng ta hiểu rồi cần phải tu. Có tu mới gọi là giải hạnh tương ưng. Tổ Đạt-ma có nói: “Giải hạnh tương ưng, danh vi viết Tổ.” Nghĩa là học rồi hiểu, hiểu rồi thực hành, hai điều đó kịp với nhau là Tổ. Vì học mà không hiểu, thì cái học cũng chưa có lợi, học rồi hiểu, hiểu rồi hành, hành tức là hạnh. Như đoạn trước đã nói văn, tư, rồi tu, đủ cả ba là gần được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thế nên học đạo đừng bao giờ nghĩ là chúng ta học hiểu để nói cho người khác nghe, mà phải nghĩ học hiểu để tu. Nếu học hiểu tu được rồi, thì lợi ích của chúng sanh sẽ đến. Nếu muốn học nhiều nhớ nhiều để nói cho thiên hạ nghe mà chính mình không tu thì việc lợi ích cho người rất là giới hạn. Tại sao? Ví dụ gặp Phật tử nào tôi cũng khuyên ráng tập tâm từ bi hỉ xả để tu theo hạnh Phật, hạnh Bồ-tát, như vậy cuộc sống sẽ an vui. Tôi khuyên người như vậy nhưng có ai chọc tôi giận, tôi nhớ đời đời, gặp mặt tôi không thèm ngó, như vậy người ta đánh giá tôi như thế nào? Từ bi hỉ xả đến mức nào? Tức nhiên lời Phật Tổ nói mình thuộc và đem dạy người, mà chính mình chưa tu được thì khi gặp việc, hạnh của mình vẫn là phàm phu, tuy lời nói là lời thánh giả. Lời nói thánh trong con người phàm, thì người nghe sẽ nghĩ: Ông ấy học lóm của Phật rồi nói, chớ thật ông có được gì đâu. Như vậy điều gì mình học được, hiểu được, ứng dụng được, thì đó mới xứng đáng. Còn học được hiểu được mà không ứng dụng thì chưa xứng đáng. Cho nên chúng ta nhớ chư Phật, chư Tổ luôn luôn khuyên răn chúng ta ráng học, hiểu và cũng phải ráng tu, ba việc phải theo nhau, thì việc tu mới có giá trị.

Vì lẽ đó tôi chủ trương rằng tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử chúng ta học vừa phải, nhưng những gì chúng ta học được, chúng ta phải thực hành, phải tu. Trong nhà Phật thường hay ví dụ, những đứa bé chưa biết lợi hại nên gặp những bữa cơm ngon, thức ăn ngon nó dồn vào đầy bụng, nhưng tiêu không nổi thành sanh bệnh. Trái lại nếu nó biết chừng mực, dầu ngon cũng ăn vừa phải để cho bao tử tiêu hóa, chế biến ra các chất bồi dưỡng cơ thể thì mới hữu ích. Cũng như thế, chúng ta nghe cho nhiều, học cho lắm mà không chịu tu, đó là bệnh, vì nói gì chúng ta cũng hiểu thì có ai nhắc mình được đâu? Vừa mở miệng nhắc, dẫn kinh nào chúng ta thuộc kinh nấy, thành ra đâu có nói được. Nhắc chúng ta không được, mà chúng ta không tu, đó là bệnh nặng. Thế nên học là việc đầu tiên, rồi suy gẫm cho thấm nhuần, rồi phải ứng dụng tu. Như vậy tất cả lời Phật Tổ dạy hữu ích vô cùng và đem lại cho đời tu chúng ta những điều mà người thế gian không thể lường nổi. Vì thế các ngài nói nếu được như vậy thì chúng ta cùng Tổ Phật nắm tay đồng đi, kề vai cùng đi chớ không kém.

Tóm lại tôi muốn nhắc Tăng Ni cũng như Phật tử, học kinh học đạo phải khéo ứng dụng cho được, dầu không hoàn toàn, nhưng học mười cũng ứng dụng được năm, đó mới là hữu ích. Còn nếu học cho có kiến thức để khoe với thiên hạ, thì chưa lợi ích bao nhiêu. Vậy mong tất cả học phải hành. Hành thì sẽ có lợi ích. Đó là lời tôi muốn nhắc nhở chung cho tất cả.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM