TỔ THỨ BA PHÁI TRÚC LÂM
THƠ PHÚ CÒN SÓT LẠI
1.
CÚC HOA
I.
Âm:
Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
Dịch: CÚC
HOA
Bẵng quên thân thế chẳng hề vương,
Lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường.
Năm hết trong non không sẵn lịch,
Nhìn xem cúc nở biết trùng dương.
Giảng:
Bài thơ này có thể Ngài làm lúc ở trên Hoa Yên.
Bẵng quên thân
thế chẳng hề vương tức là quên hết cuộc đời của mình, không còn chút gì
vương vấn.
Lặng lẽ ngồi
lâu lạnh thấu giường. Thường thường ngồi lâu thì ấm giường, vì sao lại
lạnh thấu giường? Đây là tâm niệm tu hành được trong sáng. Khi ngồi tâm
yên, yên thì lặng lẽ nên dường như lạnh. Cái lặng lẽ đó không phải chỉ ở
người mà ảnh hưởng luôn cả sự vật chung quanh. Người tâm an, muôn vật theo
đó an, nên nói lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường.
Năm hết trong
non không sẵn lịch. Cuối năm rồi, nhưng vì trên núi không có lịch nên
không biết ngày.
Nhìn xem cúc
nở biết trùng dương. Có sách ghi là tiết trùng dương, tiết hay biết cũng
đều hợp lý. Nhìn thấy hoa cúc trước sân chùa nở thì biết là tiết trùng
dương. Tiết trùng dương là ngày mùng chín tháng chín âm lịch. Như vậy
Thiền sư ở núi, buông bỏ tất cả thân thế, cuộc đời, không còn gì bận bịu,
không còn một niệm vương vấn. Tâm, thân và cảnh đều tịch tĩnh nên quên hết
tháng ngày. Nhưng sở dĩ có nhớ được là do nhìn thấy hoa cúc trước chùa nở
nên biết là tiết trùng dương. Còn quí vị có nhớ năm nay ở đây (Trúc Lâm)
là năm thứ mấy không? Tại sao phải nhớ? - Để được về thăm quê hương! Đọc
bài thơ này chúng ta thấy được tâm hồn của người tu hành ở núi.
II.
Âm: Niên
niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài.
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ,
Mãn đầu tùy đáo tháp qui lai.
Dịch: Năm
năm nở đúng tiết thu qua,
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà.
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu,
Khi về mái tóc giắt đầy hoa.
NGUYỄN LANG
Giảng:
Ngài ca ngợi hoa cúc.
Năm năm nở
đúng tiết thu qua. Mỗi năm đúng tiết mùa thu thì hoa cúc nở.
Gió dịu trăng
thanh ý mặn mà. Lúc đó gió nhè nhẹ thổi, ánh trăng trong, cảnh rất đẹp.
Cười kẻ không
hay hoa huyền diệu. Người tu nhìn thấy hoa, thấy cây đều mầu nhiệm. Tại
sao? Vì hoa và người tuy hai mà không phải hai. Nó không rời mình và mình
cũng không ngoài nó, không tách rời nhau được nên nó huyền diệu. Nhưng có
những người không biết sự huyền diệu đó nên:
Khi về mái tóc
giắt đầy hoa. Khi đi về trên tóc họ giắt đầy hoa. Sử xưa có ghi câu
chuyện: Đời Đường có ông Trân không rõ họ, là một nhà văn, vợ ông rất
nghiêm nghị, ba năm không cười một lần. Ông đem chuyện đó than thở với bạn
bè, các bạn ông bày cho ông là nhân tiết trùng dương hoa cúc nở, đi chơi
núi về nên hái hoa cúc giắt đầy đầu, khi về thấy ngộ nghĩnh chắc bà cười.
Ông nghe lời bạn hái hoa giắt đầy đầu, ngày xưa bới tóc nên nhìn đầu ông
giống như quả chưng, bà vợ nhìn thấy bật cười. Nhà thơ Đỗ Mục nhân đó làm
một bài thơ tuyệt cú trong đó có hai câu:
Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu,
Cúc hoa tu tháp mãn đầu qui.
Nghĩa là trên
đời này khó gặp mở miệng cười, vậy phải hái hoa cúc giắt đầy đầu trở về.
Ở đây ngài
Huyền Quang muốn dẫn chuyện xưa để nói rằng đáng tức cười cho người không
biết hoa cúc huyền diệu quí báu, rồi vì nụ cười của bà vợ mà phải hái hoa
cúc giắt đầy đầu.
III.
Âm: Tùng
thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính,
Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia.
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp,
Cố
viên tùy xứ thổ hoàng hoa.
Dịch:
Đường nhà Tưởng Hủ thông reo gió,
Lều ẩn Tây Hồ mai gội sương.
Nghĩa khí khác nhau đành khác cảnh,
Vưòn xưa sau trước rộ hoa vàng.
LÊ HỮU NHIỆM
Giảng:
Bài thơ này có
hai chỗ giải thích khác nhau.
1. Tưởng Hủ
thích cây thông nên đất của ông trồng thông đầy đường đi, còn Tây Hồ xử sĩ
lại thích mai nên nhà ông trồng toàn mai. Đây là nói hai nhà nho, mỗi
người thích mỗi cách.
2. Nhưng có
chỗ giải thích: Tưởng Hủ là người đời Hán ở đất Đỗ Lăng, làm Thứ sử Vệ
Châu thời Ai Đế. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, Tưởng Hủ cáo quan về
nghỉ. Dưới hàng trúc trước nhà (đúng ra đây nói là thông), ông mở ba lối
hẹp dành riêng cho hai bạn tri kỷ là Cầu Trọng và Dương Trọng vào chơi nên
nói tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính. Kính là lối tắt.
Tây Hồ xử sĩ
là Hàn Thế Trung đời Tống, người Diên An, tự Lương Thần, có nhiều võ công.
Trong cuộc kháng chiến chống nước Kim, thấy Tần Cối chủ hòa, triều đình
nhu nhược ông bỏ quan, mang rượu cỡi lừa đi ngao du ở Tây Hồ, nên người
đời gọi là xử sĩ Tây Hồ.
Như thế lại
mất nghĩa tùng và mai vì trong bài thơ nói Tưởng Hủ thích nghe tiếng tùng,
còn Tây Hồ xử sĩ thì thích hoa mai, nếu theo sự tích trên (giải thích 2)
thì không nói đến tùng và mai, chỉ nói đường rẽ để bạn tới và đi dạo chơi
Tây Hồ. Tôi nghĩ nghĩa thứ nhất đúng hơn vì cả hai đều là nhà nho có tài,
nhưng không thích làm quan, một người thích tùng, một người thích mai nên
nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp, do nghĩa khí khác nhau nên không thể hợp
với nhau.
Cố viên tùy xứ
thổ hoàng hoa, vườn xưa đã ra hoa vàng. Tôi đọc lại bài dịch.
Đường nhà
Tưởng Hủ thông reo gió là dịch theo nghĩa câu đầu.
Lều ẩn Tây Hồ
mai gội sương, như vậy đặt nặng thông và mai.
Nghĩa khí khác
nhau đành khác cảnh, mỗi người có nghĩa khí khác nên tâm trạng và hoàn
cảnh khác nhau.
Vườn xưa sau
trước rộ hoa vàng. Tuy tâm niệm khác nhau, ý khí khác nhau, nhưng ở vườn
xưa hoa cúc mùa thu cùng nở rộ, chớ không vì người này thích mà hoa trổ
sớm, người kia không ưa mà hoa nở muộn. Dù con người có những tâm trạng
khác nhau, những sở thích khác nhau, nhưng hoa cúc vẫn bình đẳng, đến khi
hợp thời tiết thì nở. Đó là vừa tả cảnh vừa nói đạo. Đạo ở điểm nào? Người
biết tu thì biết mình có tâm chân thật, còn người không biết tu thì không
biết, nhưng tâm chân thật đâu có rời họ. Tất cả chúng ta đều sẵn có thể
chân thật bình đẳng chớ không vì tâm niệm khác nhau mà nó hiện hữu hay
không hiện hữu.
IV.
Âm: Đại
giang vô mộng cán khô tràng,
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang.
Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn,
Thi biều thực vị cúc hoa mang.
Dịch: Ngàn
sông không đủ thấm lòng già,
Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa.
Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn,
Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta.
NGUYỄN LANG
Giảng:
-
Bài chữ Hán:
Đại giang vô
mộng cán khô tràng. Vô mộng là không có mong ước. Cán khô tràng là tẩy hay
rửa ruột khô, tức là tâm trạng khô khan. Dầu cho đem cả nước con sông lớn
rửa, lòng khô khan của mình cũng không tươi được.
Bách vịnh mai
hoa nhượng hảo trang. Dầu đem cả trăm bài thơ vịnh hoa mai, cũng không
bằng vẻ đẹp của hoa.
Lão khứ sầu
thu ngâm vị ổn. Già rồi nên cái buồn mùa thu ngâm hoài mà ngâm không được
vừa ý.
Thi biều thực
vị cúc hoa mang. Bầu thơ thật vì hoa cúc mà làm rối lòng mình.
-
Bài dịch:
Ngàn sông
không đủ thấm lòng già. Chữ đại giang dịch là ngàn con sông, con sông lớn
cũng bằng ngàn con sông nhỏ. Nghĩa là đem nước ngàn con sông cũng không đủ
làm cho lòng già tươi lại.
Bách vịnh mai
hoa vẫn kém xa. Dù cho trăm bài thơ vịnh hoa mai đối với hoa mai hiện tại
vẫn còn kém xa. Vì hoa mai nở, tất cả vẻ đẹp của nó dù chúng ta có ngâm
vịnh thế mấy cũng không bì được.
Đầu bạc ngâm
hoài vần chưa ổn. Đầu đã bạc tức là đã già rồi mà tìm đủ cách ngâm vịnh
hoa mai nhưng vần cũng chưa được ổn.
Thấy hoa cúc
nở rộn lòng ta, nhìn thấy hoa cúc nở mà trong lòng mình còn bận rộn.
Những bài thơ
này người đọc thấy Ngài chỉ tả cảnh bên ngoài chớ không có đạo lý gì,
nhưng với người hiểu đạo, nhất là người thâm nhập được thiền, mới thấy mỗi
bài đều nói lên thiền vị của người tu. Ở đây Ngài không dùng những từ
trong đạo Phật hay trong nhà thiền mà chỉ mượn hình ảnh cỏ hoa, nhất là
hoa mai, có lẽ Ngài thích hoa mai vì hoa mai nở đúng thời tiết lại không
sợ mưa gió. Ngài nói rằng muốn tẩy rửa tâm trạng người già làm cho nó tươi
lại thì dầu cho nước ngàn sông cũng không thể làm được vì nó đã khô héo
rồi. Về hoa mai thì dầu cho ai có tài làm trăm bài vịnh hoa mai cũng không
bằng nhìn thấy hoa mai. Câu này có đạo lý gì? Bao nhiêu ngôn ngữ chúng ta
tán thán, bàn luận không bao giờ bằng cái hiện tiền chúng ta thấy, đó mới
là cái giá trị chân thật. Giá trị chân thật đó là giá trị của đạo, vì thấy
hoa mai mà tâm không lăng xăng suy tính thì chính hoa mai đã đủ tất cả đạo
lý. Thế nên ngâm đến già mà diễn tả hoa mai cũng không hết được. Tại sao?
Vì cái đó nói không được nên tất cả bầu thơ để diễn tả hoa mai cũng chưa
được ổn. Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta. Thấy hoa cúc nở, muốn diễn tả cho
người biết được cái thật của hoa cúc nhưng không tài nào diễn tả được nên
trong lòng băn khoăn mãi.
Như vậy những
người hiểu đạo nói ngài Huyền Quang đối với cảnh không còn hai. Tại sao?
Vì khi thấy tâm mình trùm muôn vật thì tâm và cảnh không hai, nói cảnh tức
là nói tâm, thấy cảnh tức là thấy tâm. Thế nên đối với Ngài không cần diễn
tả cái gì đạo lý vì từ cảnh đã hiện tiền tất cả cái chân thật của mình
rồi.
V.
Âm: Hoa
tại trung đình, nhân tại lâu,
Phần hương độc tọa tự vong ưu.
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh,
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
Dịch:
Người ở trên lầu hoa dưới sân,
Vô
ưu ngồi ngắm khói trầm xông.
Hồn nhiên người với hoa vô biệt,
Một đóa hoa vừa mới nở tung.
NGUYỄN LANG
Giảng:
Bài kệ này rất là thấm.
Hoa tại trung
đình nhân tại lâu là hoa ở giữa sân, người ở trên lầu.
Phần hương độc
tọa tự vong ưu. Thắp hương ngồi một mình rồi tự quên hết mọi lo phiền.
Chủ nhân dữ
vật hồn vô cạnh. Chủ nhân là người, vật là hoa, hồn vô cạnh là lẫn nhau
không có chống đối riêng biệt.
Hoa hướng quần
phương xuất nhất đầu tức là hoa đẹp xinh tươi nở tung một đóa. Đây là một
điều tôi cho là rất xuất sắc trong bài thơ này. Chúng ta thấy người và hoa
không còn hai, không còn hai là khi nào? Tức là khi chúng ta thắp hương
ngồi một mình, không còn một ý niệm lo phiền. Bấy giờ chúng ta mới thấy
người và vật hay người và hoa đều lẫn nhau không còn riêng biệt nữa, khi
ấy bỗng dưng có một đóa hoa đẹp hiện ra. Nghĩa là khi tâm chúng ta yên
lặng trong sáng, thấy mình và vật không còn hai nữa thì lúc đó có một cái
mà chúng ta không bao giờ biết, không bao giờ thấy bỗng dưng nó nổ tung
ra, phát sáng lên, chúng ta gọi là một cơn đột biến của nội tâm, hay là
một thức tỉnh của nội tại. Tóm lại bài này diễn tả khi chúng ta được tâm
trạng người cảnh không hai thì lúc đó sẽ thấy được một cái lạ nơi mình
hiện ra.
VI.
Âm: Xuân
lai hoàng bạch các phương phi,
Ái
diễm liên hương diệc tự thì.
Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly.
Dịch: Xuân
đến trăm hoa đua sắc thắm,
Một thời hương sắc kém chi nhau.
Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,
Riêng cúc đông ly vẫn đượm màu.
BĂNG THANH
Giảng:
Xuân lai hoàng
bạch các phương phi là xuân đến trăm hoa đua sắc thắm, lời dịch rất sát.
Ái diễm liên
hương diệc tự thì là một thời hương sắc kém chi nhau. Trăm hoa đua nhau
nở, đua nhau khoe sắc, không hoa nào kém hoa nào.
Biến giới phồn
hoa toàn trụy địa là vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng. Đến mùa thu, các hoa
đều rụng hết.
Hậu điêu nhan
sắc thuộc đông ly là riêng cúc đông ly vẫn đượm màu. Đông ly là giậu phía
đông.
Qua bài này
Ngài muốn nói rằng mùa xuân thì trăm hoa đua nở, khoe sắc khoe hương,
nhưng đến mùa thu mưa gió lạnh, các hoa đều rụng. Tuy nhiên bên giậu đông
hoa cúc vẫn thắm tươi.
Như vậy bài kệ
này ý nói là trong khi tất cả sự vật đều bị vô thường chi phối, bao nhiêu
hình tướng đều đổi thay, thì có một cái không bao giờ thay đổi, vô thường.
Đó là hình ảnh xem như không nói đạo, mà thật đầy đạo lý.
2. SƠN VŨ
Âm: Thu
phong ngọ dạ phất thiềm nha,
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.
Dĩ
hỉ thành thiền tâm nhất phiến,
Cung thanh tức tức vị thùy đa.
Dịch: CHÙA
NÚI
Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài,
Chùa núi im lìm gối cỏ may.
Đã
được thành thiền tâm một khối,
Rè
rè tiếng dế gọi kêu ai?
Giảng:
Vũ là chùa,
sơn vũ là chùa núi. Bài này vừa tả cảnh vừa nói thiền.
Thu phong ngọ
dạ phất thiềm nha. Thiềm nha là ngoài hiên. Gió thu đêm vắng thổi hiên
ngoài.
Sơn vũ tiêu
nhiên chẩm lục la là trên chùa núi tất cả đều im lìm, nằm gối đầu trên cỏ
may.
Dĩ hỉ thành
thiền tâm nhất phiến tức là ở trên chùa núi, nằm gối đầu trên cỏ, mà đã
thành thiền, tâm một mảnh. Một mảnh đây là một khối, nghĩa là tâm không
còn một tướng riêng biệt nào nên nói là một khối (nhất phiến).
Cung thanh tức
tức vị thùy đa. Gối đầu trên cỏ mà thiền, tâm đã thành một khối, khi ấy
nghe tiếng dế gáy rè rè một bên, là nó đang gọi ai? Ở đây cho thấy rõ khi
tất cả chúng ta tu, tâm đã lóng lặng không còn một niệm thứ hai, đó gọi là
một khối thì mọi cảnh chung quanh dù đẹp dù xấu, dù động dù tịnh cũng
không có nghĩa lý gì đối với mình. Nếu là thi sĩ, nằm ở bãi cỏ nghe dế gáy
rè rè thì nói dế ngâm sầu v.v…, vì tâm họ hay nghĩ suy nên nghe tiếng gì
họ cũng suy nghĩ. Còn nếu tâm mình một khối rồi thì dế gáy là vì ai? Mặc
nó mặc mình, không dính dáng gì với nhau, không có gì phải rung động, phải
suy nghĩ. Đó là điểm đặc biệt của người tu.
3. THẠCH THẤT
Âm: Bán
gian thạch thất hòa vân trụ,
Nhất lĩnh thuế y kinh tuế hàn.
Tăng tại thiền sàng kinh tại án,
Lô
tàn cốt đột nhật tam can.
Dịch: THẤT
ĐÁ
Nửa gian nhà đá lẫn trong mây,
Một mảnh áo lông trải tháng ngày.
Tăng ở trên giường, kinh tại án,
Lò
hương tàn lụn, mặt trời lên.
Giảng:
Ở đây (Trúc
Lâm) mai kia tôi sẽ đổi thành mộc thất, bán gian mộc thất hòa vân trụ phải
không?
Nhất lĩnh thuế
y kinh tuế hàn là một chiếc áo lông trải qua những năm tháng lạnh. Ngài
thì áo lông, chúng ta thì áo len.
Tăng tại thiền
sàng kinh tại án, tăng đang ngồi trên giường thiền, quyển kinh ở trên bàn.
Lô tàn cốt đột
nhật tam can là lò hương đốt đã tàn lụn, mặt trời lên đã ba sào. Tam can
là ba sào.
Quí vị thấy
bài thơ này đạo lý ở điểm nào?
Hai câu đầu
diễn tả cảnh thất ở trên núi cao lạnh lẽo. Hai câu sau diễn tả tăng ngồi
trên giường thiền, kinh để trên bàn không ai mở ra. Kinh trên án, tăng
ngồi thiền, lò hương tàn, mặt trời lên, bốn thứ không dính gì nhau, tất cả
đều ở trong tĩnh lặng. Như vậy cả thất mang một bầu không khí tịch tĩnh,
an tịnh vô cùng. Vậy khi quí vị vào thất phải nhớ như thế, thứ nào ở chỗ
ấy, đừng có lộn xộn. Đừng ngồi thiền một lát rồi nhìn xem nhang tàn chưa
để biết mình ngồi hết giờ chưa, rồi nhìn bên ngoài xem mặt trời lên chưa
để xả thiền. Còn Ngài thì mặt trời lên mặc mặt trời, nhang tàn mặc nhang,
kinh mặc kinh, ngồi thiền cứ lặng lẽ. Đó là tâm trạng rất thanh tĩnh của
người tu.
4. TẶNG SĨ ĐỒ TỬ ĐỆ
Âm: Phú
quí phù vân trì vị đáo,
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.
Hà
như tiểu ẩn lâm tuyền hạ,
Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi.
Dịch: TẶNG
CON EM LÀM QUAN
Giàu sang mây nổi đến dần dà,
Ngày tháng trôi nhanh chẳng đợi mà.
Chi bằng tiểu ẩn nơi rừng suối,
Một giường gió mát, một chung trà.
Giảng:
Giàu sang mây
nổi đến dần dà, phú quí công danh giống như mây nổi, hợp rồi tan, không có
gì bền lâu vững chắc. Thế mà sự giàu sang đến rất chậm, lại khó tìm.
Ngày tháng
trôi nhanh chẳng đợi mà. Nhưng tháng ngày lại trôi nhanh, nó không chờ đợi
ai cả. Thời gian không đợi mà muốn thỏa mãn sự giàu sang thì thỏa mãn được
không? Đó là hai điều để chỉ bao nhiêu danh vọng tài sắc trong cuộc đời
chỉ là tạm bợ, mà người đời đuổi theo giành giật, trong khi đó năm tháng
trôi qua nhanh mà không nhớ.
Chi bằng tiểu
ẩn nơi rừng suối. Theo nhà nho, tiểu ẩn là về ẩn ở nơi vắng vẻ, còn đại ẩn
là ẩn ở giữa thành thị. Về ẩn nơi rừng núi làm gì?
Một giường gió
mát, một chung trà. Thật đẹp làm sao! Ngồi trên giường gió thổi mát rồi
uống một chung trà là đủ. Cuộc đời thanh đạm và an lành làm sao! Đuổi theo
đám mây nổi làm chi cho khổ. Đó là lời Ngài nhắc nhở những người còn hiếu
danh hiếu lợi.
5. YÊN TỬ SƠN AM CƯ
Âm: Am
bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng tầng.
Dĩ
can Long Động nhật,
Do
xích Hổ Khê băng,
Bảo chuyết vô dư sách,
Phù suy hữu sấu đằng.
Trúc Lâm đa túc điểu,
Quá bán bạn nhàn tăng.
Dịch: Ở AM
YÊN TỬ
Cao ngất am lạnh lẽo,
Cửa mở tận từng mây.
Mặt trời soi Long Động,
Tuyết dầy che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược,
Nương gậy đỡ thân gầy.
Trúc Lâm nhiều chim ngủ,
Quá nửa bạn với thầy.
Giảng:
Đoạn đầu diễn
tả am trên núi Yên Tử.
Cao ngất am
lạnh lẽo, vì núi Yên Tử trên ngọn có tuyết phủ nên rất lạnh.
Cửa mở tận
từng mây. Am như hiện ra tận trên mây, vì mây luôn luôn ấp núi.
Mặt trời soi
Long Động. Mặt trời lên soi sáng Long Động, một động trên Yên Tử.
Tuyết dầy che
Hổ Khê, Hổ Khê cũng là một cái khe ở núi Yên Tử.
Vụng về không
mưu lược, người tu vụng về không có mưu lược gì cả.
Nương gậy đỡ
thân gầy. Già rồi khi đi nhờ cây gậy đỡ tấm thân gầy.
Trúc Lâm nhiều
chim ngủ, tối nào chim cũng bay về ngủ rất đông đảo.
Quá nửa bạn
với thầy, hơn phân nửa số chim đều là bạn với thầy. Hai câu này thật là
vui. Chẳng những cỏ cây không có riêng biệt với người mà cả chim chóc cũng
không hai, không khác, đều là thân thích. Thế thì người tu đến khi tâm và
cảnh vật đều không hai, đó là đến chỗ tâm rất thanh tĩnh, an lành.
6. NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ
Âm: Đức
bạc thường tàm kế Tổ đăng,
Không giao Hàn Thập khởi oan tăng.
Tranh như trục bạn qui sơn khứ,
Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng.
Dịch: Nhân
việc đề chùa cứu lan
Đức mỏng thẹn mình nối Tổ đăng,
Luống cho Hàn, Thập dấy hờn căm.
Chi bằng theo bạn về non quách,
Núi chất chập chùng muôn vạn tầng.
Giảng:
Bài này nói về
tâm tình Ngài sau khi ngài Pháp Loa tịch rồi giao Ngài chịu trách nhiệm
điều khiển cả Giáo hội.
Đức mỏng thẹn
mình nối Tổ đăng. Đức của mình kém nên hổ thẹn khi được trao cho trách
nhiệm nối ngọn đèn Tổ.
Luống cho Hàn,
Thập dấy hờn căm, luống làm cho Hàn Sơn, Thập Đắc nổi giận. Tại sao? Tôi
thuật sơ lược sự tích Hàn Sơn, Thập Đắc. Đời Đường tại tỉnh Chiết Giang,
huyện Thủy Phong, núi Thiên Thai, ở phía tây cách bốn mươi cây số có cái
hang tối tại núi Hàn Nham, có một người không biết danh tánh tự xưng là
Hàn Sơn, hoặc Hàn Sơn tử hoặc Bần tử. Ngài thường đi đến chùa Quốc Thanh,
trong chùa có vị tăng tên là Thập Đắc coi về việc dọn bàn cơm cho chư
Tăng. Hai người kết bạn thân với nhau, Thập Đắc mót những thức ăn dư của
chúng để vào trong thúng, Hàn Sơn đến thì hai vị cõng nhau đi chơi, ăn
những thức ăn thừa đó. Thích sử Thai Châu là Lư Khâu Dận được Hòa thượng
Phong Can giới thiệu hai vị Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền là Hàn Sơn và Thập
Đắc, nên đến chùa Quốc Thanh để lễ bái. Khi Lư Khâu Dận đến chùa Quốc
Thanh hỏi, người ta mới dẫn hai ngài Hàn Sơn Thập Đắc ra, Lư Khâu Dận lễ
bái, hai vị liền nói “giặc, giặc!” rồi cõng nhau chạy mất.
Lại một sách
khác ghi hơi khác một chút. Nguyên Thiền sư Phong Can có một cái thất
trong khu chùa Quốc Thanh, ông thường ngao du nơi này nơi kia, có khi cỡi
cọp đi về. Một hôm khi đi dạo ông gặp một đứa bé bị bỏ rơi ngoài đường,
ông lượm đem về gởi chùa Quốc Thanh nuôi và đặt tên là Thập Đắc (Thập là
lượm, Đắc là được). Đứa bé lần lần lớn lên, lo việc săn sóc chơm cháo cho
chư Tăng và lượm những thức ăn thừa của chư Tăng gom lại ăn. Gặp Hàn Sơn,
hai người kết bạn với nhau, khi cõng nhau chạy, khi kinh hành, khi nhìn
trời mây chửi mắng om sòm, ăn thì ăn thức ăn thừa, mặc thì mặc y phục rách
rưới, nên chư Tăng trong chùa cũng bực bội, cho hai vị là điên. Khi Hòa
thượng Phong Can tịch, ông Lư Khâu Dận được bổ nhậm về đó. Ông đau nặng,
thuốc thang điều trị không khỏi, một đêm ông nằm mộng thấy Hòa thượng
Phong Can chỉ cho phương thuốc, ông dùng thuốc đó trị thì lành bệnh. Sau
khi lành bệnh, ông cầu nguyện ngài Phong Can chỉ cho ông các vị Bồ-tát để
ông đảnh lễ đền ơn. Ngài Phong Can bảo: Trong chùa Quốc Thanh có hai vị
Hàn Sơn là Bồ-tát Văn-thù, Thập Đắc là Bồ-tát Phổ Hiền, hãy đến đó đảnh
lễ. Khi ông tìm đến đảnh lễ hai ngài, thì hai ngài cõng nhau chạy vào núi.
Trong bài dẫn:
Hàn Thập khởi oan tăng, là e Hàn Sơn Thập Đắc bực bội vì hai vị đều không
ưa thích danh lợi, thế mà nay Ngài lãnh trách nhiệm này tức là kẹt trong
danh lợi, e hai vị giận mình.
Chi bằng theo
bạn về non quách là về núi ở luôn cho xong.
Núi chất chập
chùng muôn vạn tầng.
Tóm lại đây là
bài kệ tâm tình của ngài Huyền Quang khi Ngài tự thấy không đủ sức gánh
vác việc lớn. Lúc ngài Pháp Loa tịch, ngài Huyền Quang đã bảy mươi bảy
tuổi. Thấy mình quá già, không làm được việc gì nên Ngài trao trách nhiệm
cho những người nhỏ, rồi trở về núi yên tu.
* |