TỔ THỨ BA PHÁI TRÚC LÂM
THƠ PHÚ CÒN SÓT LẠI (tt)
20. DIÊN HỰU TỰ
Âm:
Thượng phương thu dạ nhất chung lan,
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.
Xi
vẫn đảo miên phương kính lãnh,
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.
Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,
Ma
cung Phật quốc hảo sinh quan.
Dịch: CHÙA
DIÊN HỰU
Đêm thu chùa gióng tiếng chuông vang,
Sóng gợn ánh trăng, phong lá vàng.
Chim ngủ ngược hình, gương nước lạnh,
Bóng hai ngôi tháp, chót ngọc hàn.
Muôn duyên chẳng rối nào ngăn ngại,
Nửa điểm không phiền mắt rộng thang.
Tham tột thị phi tướng bình đẳng,
Cung ma, cõi Phật đẹp ngang hàng.
Lời dẫn.- Diên
là kéo dài, Hựu là lành tốt tức là tuổi thọ. Diên Hựu là muốn kéo dài tuổi
thọ nên lập chùa này để cầu nguyện. Chùa Diên Hựu cũng tên là chùa Một Cột
nhưng tên Diên Hựu là chùa lớn ở trên đất, còn Một Cột là chùa ở dưới hồ.
Vua Lý Thái Tông một hôm nằm mộng thấy Bồ-tát Quán Thế Âm đứng trên tòa
sen đưa tay muốn dắt nhà vua lên tòa. Nhà vua vừa bước lên, chợt giật mình
thức dậy, mới mời các vị tăng đến để bàn điềm mộng. Thiền sư Thiền Tuệ
khuyên nhà vua nên cất một ngôi chùa giống như cảnh đã thấy trong mộng.
Nhà vua liền ra lịnh cho đào một cái hồ lớn, xây một trụ đá ở giữa hồ,
trong trụ đá có mấy cánh để dựng ngôi chùa lên trên. Tháng mười năm Kỷ Dậu
tức 1049 vua Lý Thái Tông cho dựng chùa và để tên là chùa Diên Hựu, dùng
làm nơi cúng dường trai tăng cầu nguyện cho nhà vua sống lâu. Chùa Một Cột
còn mãi tới ngày nay (khoảng tám thế kỷ qua) là ngôi chùa rất xưa, đầy đủ
tinh thần dân tộc Việt Nam nên rất được quí trọng. Chùa đã được sửa sang
lại mấy lần, nên hiện nay không còn giữ nguyên hình dáng như xưa nữa.
Giảng:
Đêm thu chùa
gióng tiếng chuông vang. Đêm mùa thu trong chùa giọng chuông, tiếng vang
ra xa.
Sóng gợn ánh
trăng, phong lá vàng. Gió thổi mặt hồ gợn sóng, ánh trăng rọi xuống, nhìn
thấy sóng gợn ánh trăng. Bên bờ hồ những cây phong lá đã ngả vàng. Hai câu
này tả cảnh mùa thu tiếng chuông chùa vang, mặt hồ sóng gợn làm ánh trăng
xao động, bên cạnh bờ hồ có những cây phong lá vàng.
Chim ngủ ngược hình gương nước lạnh,
Bóng hai ngôi tháp, chót ngọc hàn.
Hai câu này
thật là giàu tưởng tượng. Gương nước lạnh, nước mặt hồ lạnh giống như
gương. Chim đậu ngủ trên cây phong khi rọi bóng xuống hồ, nhìn thấy như
chim ngủ đảo ngược. Hai ngôi tháp ở hai bên hồ nước trong, rọi bóng xuống
hồ, chót ngọc trên ngôi tháp ngâm dưới nước nên lạnh. Chim ngủ ngược, chót
tháp lạnh là hai hình ảnh tưởng tượng.
Muôn duyên chẳng rối nào ngăn ngại,
Nửa điểm không phiền mắt rộng thang.
Đây là đến
phần đạo lý. Nếu tu hành mà tất cả duyên, tức là cảnh bên ngoài, khi tiếp
xúc tâm chúng ta không dính mắc, không rối loạn phiền nhiễu thì nội tâm ta
được thảnh thơi nhẹ nhàng, không có chút gì ngăn ngại. Trái lại đối với
các duyên bên ngoài nếu chúng ta dính mắc, đương nhiên chúng ta phải bị
che mờ, phải phiền não. Thế nên bước đầu của người tu là muôn duyên chẳng
rối thì không có gì ngăn ngại. Tôi thường nói tất cả cảnh bên ngoài không
có cảnh nào khuấy nhiễu, phá rối sự tu hành của chúng ta. Tỉ dụ như vị
trưởng ban hoa chăm sóc ở ngoài viện, nơi đó nhiều người tới lui qua lại,
cũng có nhiều hình ảnh nhưng mình chỉ chăm sóc hoa, không bị những hình
ảnh chung quanh làm rối loạn thì có trở ngại gì không? Trái lại hình ảnh
tới, chúng ta quên hoa nhớ ảnh đó là rối. Thế nên nhiều khi chúng ta cứ đổ
cho ngoại cảnh làm chướng mình, nhưng không ngờ vì mình còn nhiều nhựa
sống quá nên dính với cảnh rồi thấy có trở ngại.
Nửa điểm không
phiền mắt rộng thang, là không còn nửa điểm để phiền thì con mắt thênh
thang, không có gì ngăn trở.
Tóm lại chỉ có
hai điều: thứ nhất là muôn duyên không dính, thứ hai là nửa điểm không
phiền, được như thế thì con người tự do, tự tại. Đó là hai việc tu của
chúng ta.
Tham tột thị
phi tướng bình đẳng. Tham là tra cứu, tìm kiếm đi sâu vào trong đạo lý.
Khi chúng ta tham cứu tột cùng thì thấy tướng thị phi tức là phải quấy đều
bình đẳng như nhau. Nếu chưa bình đẳng là tham chưa tột. Nếu tham tột thì
thấy tướng phải tướng quấy đều hư dối không thật tức là bình đẳng. Khi ấy:
Cung ma, cõi
Phật đẹp ngang hàng. Cung ma, cõi Phật đều đẹp như nhau. Chúng ta hiện nay
sợ cung ma và mến cõi Phật. Như trong kinh diễn tả cõi đức Phật Di-đà nào
là thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ v.v… đẹp làm sao, nên ai cũng
mơ ước. Còn nghe nói cung ma thì bị bỏ trong vạc dầu sôi, bị bắt trèo lên
cây kiếm v.v… rất khổ sở, nên ai cũng sợ. Như vậy chúng ta sợ cung ma,
thích cõi Phật vì chưa thấy tột tướng thị phi là bình đẳng. Nếu thấy tột
thì cung ma cõi Phật đều đẹp như nhau không khác. Đó là để chỉ cho thấy
khi mê thì cung ma là khổ, cõi Phật là vui, khi ngộ rồi thì cung ma cõi
Phật, nơi nào cũng đẹp. Nói gần nhất là vì mê nên khi được khen thì chúng
ta vui, bị chê thì chúng ta buồn, đó là tâm trạng của người mê. Trái lại
nếu tỉnh ngộ rồi chúng ta thấy rõ lời khen lời chê chỉ là giả dối tạm bợ
không thật, thì không có gì đáng mừng cũng không có gì đáng buồn, đó là
thấy được tướng bình đẳng. Thấy tướng bình đẳng thì cung ma cõi Phật cũng
bình đẳng, vì cũng đều là giả tướng không thật, chỉ cái không kẹt thị phi,
cái đó mới thật. Còn thị phi là còn có cung ma cõi Phật, mà thị phi đã là
giả thì cung ma cõi Phật cũng là tướng giả, nên cũng như nhau. Như vậy quí
vị mới hiểu rõ tinh thần tu hành.
Trong những
bài trước Ngài diễn tả cảnh nhiều hơn, đến bài này Ngài vừa tả cảnh vừa
chỉ cho chúng ta cách tu hành rất rõ ràng, đó là tinh thần người đi trước
nhắc nhở kẻ đi sau.
21. VỊNH VÂN YÊN TỰ PHÚ
Buông niềm
trần tục;
Náu tới Vân
Yên.
Chim thụy dõi
tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa
đôi bước thần tiên.
Bầu đủng đỉnh
giang hòa thế giới;
Hài thong thả
dạo khắp sơn xuyên.
Đất phúc địa
nhận xem luống kể, kể bao nhiêu dư trăm phúc địa;
Trời Thiền
thiên thập thu thửa lạ, lạ hơn ba mươi sáu Thiền thiên.
Thấy đây:
Đất tựa vàng
liền;
Cảnh bằng ngọc
đúc.
Mây năm thức
che phủ đền Nghiêu;
Núi nghìn tầng
quanh co đường Thục.
La đá tầng
thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn;
Nước suối chảy
làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc.
Cỏ chiều gió
lướt, dợn vui vui;
Non tạnh mưa
dầm, màu thúc thúc.
Ngàn cây phơi
cánh phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn;
Hang nước tưới
hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục.
Nhựa đông hổ
phách, sáng khắp rừng thông;
Da điểm đồi
mồi, giống hòa vườn trúc.
Gác vẽ tiếng
bồ lao thốc, gió vật đoành đoành;
Đền ngọc phiến
bối diệp che, mưa tuôn túc túc.
Cảnh tốt và
lành;
Đồ tựa vẽ
tranh.
Chỉn ấy trời
thiêng mẽ khéo;
Nhèn chi vua
Bụt tu hành.
Hồ sen trương
tán lục;
Suối trúc bấm
đàn tranh.
Ngự sử mai hai
hàng chầu rập;
Trượng phu
tùng mấy chạnh phò quanh.
Phỉ thúy sắp
hai hàng loan phượng;
Tử vi bày liệt
vị công khanh.
Chim óc bạn
cắn hoa nâng cúng;
Vượn bồng con
kề cửa nghe kinh.
Nương am vắng
Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ;
Kề song thưa
thầy ngồi thiền định, trăng vặc vặc, núi xanh xanh.
Huống chi,
Vân thủy bằng
lòng;
Yên hà phải
thú.
Vui thay cảnh
khác cảnh hoàng kim;
Trọng thay
đường hơn đường cẩm tú.
Phân ân ái, am
Não am Long;
Dứt nhân
duyên, làng Nường làng Mụ.
Mặc cà-sa nằm
trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;
Quên ngọc thực
bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.
Chặp tiết
dương tiếng nhạc dõi truyền;
Voi la đá tính
từ chẳng đố.
Xem phong cảnh
hơn cảnh Bà Roi;
Phóng tay cầu
chưng cầu Thằng Ngụ.
Bao nhiêu
phong nguyệt, vào cõi vô tâm;
Chơi dấu nước
non, dưỡng đời thánh thọ.
Ta nay:
Ngồi đỉnh Vân
Tiêu;
Cỡi chơi Cánh
Diều.
Coi đông sơn
tựa hòn kim lục;
Xem đông hải
tựa miệng con ngao.
Nức đài lan
nghĩ hương đan quế;
Nghe Hằng Nga
thiết khúc tiêu thiều.
Quán thất bảo
vẽ bao Bụt hiện;
Áo lục thù
tiếng gió tiên phiêu.
Thầy tu trước
đã lên Phật quả;
Tiểu tu sau
còn vị Tỳ-kheo.
Thấy đây:
Hồ thiên lẻ
lẻ;
Xem lâu có
nhẹ.
Tuy rằng học
đạo hư vô;
Ngậm ngụt hỏi
thiền ngôn nghĩ.
Mê một tấm
lòng xét chẳng cùng;
Chác tấc bóng
nghìn vàng còn rẻ.
Hẹn đến lâm
tuyền làm bạn, o o o o;
Bảo rằng o o o
o, o o ừ hễ.
Đua khoái lạc,
chân bước lăm chăm;
Nhuốm phồn
hoa, đầu đà bạc tỷ.
Chẳng những
vượn hạc thốt thề;
Lại phải cỏ
hoa cười thỉ.
Từ đến đây!
Non nước đà
quen;
Người từng mấy
phen.
Đầu khách dễ
nên biến bạc;
Mặt non hãy
một xanh đen.
Hồ nước giá
lựa là lọc nước,
Cửa tráu cây
phên trúc cài then.
Đàn khúc nhạc
tiếng khong tiêu đính.
Vỗ tay ca cách
lễ lạ liền.
Lạ những ôi!
Tây Trúc dường
nào;
Nam châu có
mấy.
Non Linh Thứu
ai đem về đây;
Cảnh Phi Lai
mặt đà thấy đấy.
Vào chưng cõi
thánh thênh thênh;
Thoát rẽ lòng
phàm phây phấy.
Bao nhiêu
phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng;
Hễ cảnh giang
sơn, ai nhìn thấy đấy.
Từ trước nhẫn
sau;
Thấy sao chép
vậy.
KỆ RẰNG:
Rũ
không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.
Khuya sớm sáng choang đèn bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
HUỆ CHI
Giảng:
Vịnh Vân Yên
tự phú là bài phú vịnh về chùa Vân Yên.
Chùa Vân Yên
hiện nay đề là Hoa Yên, đời Trần để là Vân Yên. Vân là mây, yên là khói,
vì chùa ở lưng chừng núi cao, khói mây mù mịt, nên các ngài để là Vân Yên
tự. Nhưng đến thế kỷ mười lăm, một vị vua nhà Lê lên viếng cảnh, gặp mùa
xuân hoa nở rộ quá đẹp mới đổi Vân Yên thành Hoa Yên (hoa và khói). Mãi
đến nay khi lên viếng chùa, chúng ta cũng thấy đề là Hoa Yên tự.
Buông niềm trần tục;
Náu tới Vân Yên.
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy,
Gió tiên đưa đôi bước thần tiên.
Buông niềm
trần tục, buông là bỏ, bỏ hết lòng trần tục. Náu là ở ẩn. Náu tới Vân Yên
là ở trên chùa Vân Yên. Nghĩa là người muốn ở chùa Vân Yên trước buông hết
lòng trần tục, sau mới lên ẩn ở chùa Vân Yên.
Chim thụy dõi
tiếng ca chim thụy, gió tiên đưa đôi bước thần tiên. Thụy là lành, dõi là
theo. Chim lành theo tiếng chim lành, loại chim hiền lành hót thì các con
chim lành khác hót theo. Gió thổi người mát mẻ gọi đó là gió tiên, người
ta từng bước từng bước theo ngọn gió mát đi lên gọi là gió tiên đưa đôi
bước thần tiên. Hai câu này chỉ cảnh có chim hót hiền lành, có gió mát
thổi lúc người đi lên.
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới,
Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.
Thường những
người đi du ngoạn thuở xưa hay mang theo bầu nước, bầu đủng đỉnh là bầu
nước đủng đỉnh. Giang là ca hát. Mang bầu nước vừa đi vừa ca hát tiếng
vang cả thế giới. Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên. Hài là đôi giày, thong
thả dạo khắp núi sông. Hai câu này diễn tả người đi dạo nơi chùa Hoa Yên
phải mang theo bầu nước, do có chim ca, có gió tiên thổi nên vui thích vừa
qua suối, leo núi… vừa hát vang.
Đất phúc địa nhận xem luống kể, kể bao nhiêu dư trăm phúc địa;
Trời thiền thiên thập thu thửa lạ, lạ hơn ba mươi sáu Thiền thiên.
Đất phúc địa, đất ở chùa Hoa Yên là đất phước.
Nhận xem luống kể, nhìn xem hết sức là nhiều, tính không hết.
Kể bao nhiêu
dư trăm phúc địa, những cảnh đẹp, những khu đất tốt gom lại thì hơn cả
trăm cảnh tốt đẹp. Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ là cõi trời Thiền
thiên nếu thu nhập thì xem thấy cảnh rất là kỳ đặc; lạ hơn ba mươi sáu
Thiền thiên, nhưng cảnh ở Hoa Yên còn đẹp hơn cảnh ba mươi sáu cõi trời.
Như vậy Ngài tán thán cảnh chùa Hoa Yên là nơi rất nhiều phúc địa. Nếu so
sánh với các cõi trời thì các cõi trời cũng không hơn.
Thấy đây:
Đất tựa vàng
liền;
Cảnh bằng ngọc
đúc.
Đất giống như
vàng liên tiếp nhau, cảnh giống như ngọc đúc tạo nên.
Mây năm thức
che phủ đền Nghiêu;
Núi nghìn tầng
quanh co đường Thục.
Mây năm màu
che phủ như đền vua Nghiêu. Núi cả nghìn tầng quanh co giống như đường đất
Thục.
La đá tầng
thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn;
Nước suối chảy
làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc.
La đá là đá
tảng. La đá tầng thang dốc là từng bậc từng bậc thang lót bằng đá tảng,
nên một hòn ướm vịn một hòn, bước qua hòn đá này thì phải vịn hòn đá khác
mà leo lên. Nước suối chảy làn sâu, dưới có những làn nước suối chảy sâu;
đòi khúc những dò đòi khúc, qua khúc này rồi dò khúc kia, phải đi tám,
chín khúc suối mới đến nơi. Đây là diễn tả đường đi lên, thang bằng những
bậc đá lót từng tảng, suối thì nhiều khúc quanh co phải dò mới qua được.
Cỏ chiều gió
lướt, dợn vui vui;
Non tạnh mưa
dầm, màu thúc thúc.
Buổi chiều gió
thổi lướt cỏ xanh như dợn sóng, nhìn thấy vui vui. Khi mưa dầm tạnh rồi
núi một màu tươi sáng. Đó là diễn tả vẻ đẹp của núi khi mưa tạnh.
Ngàn cây phơi
cánh phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn,
Hang nước tưới
hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục.
Ngàn cây phơi
cánh phượng, những bờ cây trải ra giống như chim phượng phơi cánh. Vườn
thượng uyển đóa tốt rờn rờn, những đóa hoa tốt, cành lá xanh rờn như trong
vườn thượng uyển. Hang nước tưới hàm rồng, hang do nước ở trên nhỏ xuống
như tưới hàm rồng. Nhả ly châu hột săn mục mục, săn là nhiều, mục mục tức
là từng giọt từng giọt miệng rồng phun ra những hạt châu đẹp. Hai câu này
diễn tả những bờ cây đẹp đẽ giống như vườn thượng uyển; nước trong hang
chảy xuống các nhũ đá như tưới miệng rồng, từ đó từng giọt nước rơi xuống
như miệng rồng nhả ra những hạt ly châu.
Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông;
Da
điểm đồi mồi, giống hòa vườn trúc.
Nhựa đông hổ
phách, rừng thông trên Yên Tử giống như rừng thông của chúng ta, khi thông
bị chặt hoặc bị nẻ ra nhựa, nhựa đọng lại như những hạt hổ phách, sáng
khắp rừng thông là sáng rực cả rừng. Da điểm đồi mồi, giống hòa vườn trúc,
trong vườn trúc, da trúc có những đốm như điểm đồi mồi. Đây là tả rừng
thông tươm nhựa giống như hổ phách, vườn trúc da có từng đốm như trổ đồi
mồi.
Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành;
Đền ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc.
Gác vẽ tiếng
bồ lao thốc. Trên chuông ở chùa thường chạm hình con bồ lao, dùi chuông
chạm hình cá kình. Tục truyền thuở xưa có một cái đảo ngoài biển, mỗi khi
cá kình nổi lên thì nước dâng tràn vào trên đảo, dân chúng hoảng sợ. Trên
đảo có con bồ lao bốn chân, khi thấy cá kình nổi lên, nó rống một tiếng,
cá kình hoảng sợ lặn xuống, nước cũng rút theo. Thế nên nhờ con bồ lao
hét, cá kình lặn, tai họa của dân ở đảo mới qua, nên người ta dùng hình cá
kình làm dùi gióng vào chuông, tiếng vang ra giống tiếng bồ lao hét để đem
lại sự bình an cho mọi người. Bồ lao thốc là bồ lao rống. Gió vật đoành
đoành, gió thổi nghe đùng đùng. Đền ngọc phiến bối diệp che, đền ngọc có
những lá bối che; mưa tuôn túc túc, mưa rơi độp độp.
Cảnh tốt và lành;
Đồ
tựa vẽ tranh.
Cảnh vừa tốt
vừa lành giống như bức tranh trong bản đồ.
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo;
Nhèn chi vua Bụt tu hành.
Chỉn ấy trời
thiêng mẽ khéo, chỉn ấy có thể hiện nay nói chỉ thế, mẽ khéo là khoe bày
vẻ đẹp. Chỉ vì trời thiêng khoe bày vẻ đẹp. Nhèn chi vua Bụt tu hành. Nhèn
chi, ở thôn quê miền Nam nói hèn chi. Hèn chi vua Phật đi tu ở đây. Vì
cảnh rất đẹp nên vua Phật mới đến đây tu.
Hồ
sen trương tán lục;
Suối trúc bấm đàn tranh.
Lá sen lớn
giống như cái tán, cái lọng. Trong hồ những cọng sen đưa lá rộng tròn lên
giống như giương tán màu xanh. Suối trúc bấm đàn tranh, trên đám trúc có
dòng suối nhỏ đổ xuống nghe như tiếng đàn tranh.
Ngự sử mai hai hàng chầu rập;
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.
Ngự sử là chức
quan trong triều, rập là cúi đầu. Hai hàng mai giống như các quan ngự sử
cúi đầu chầu vua. Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh. Mấy chạnh là mấy
cành, phò quanh là hầu chung quanh. Cây tùng như trượng phu đứng hầu chung
quanh.
Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng;
Tử
vi bày liệt vị công khanh.
Hai hàng cây
phỉ thúy giống như chim loan chim phượng. Những bụi tử vi bày la liệt như
lớp công khanh ở trước đền vua.
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng;
Vượn bồng con về cửa nghe kinh.
Chữ óc là gọi.
Chim gọi bạn tha hoa dâng cúng, vượn bồng con về trước cửa nghe kinh.
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ;
Kề
song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vặc vặc núi xanh xanh.
Đẹp làm sao!
Nương am vắng Bụt hiện từ bi. Đức Phật ngồi trong am vắng nhìn với vẻ rất
từ bi, bên ngoài gió hiu hiu, mây nhè nhẹ. Kề song thưa thầy ngồi thiền
định. Thầy ngồi thiền định bên cạnh cửa sổ, ngoài thì trăng vằng vặc, núi
xanh xanh. Đây là diễn tả vua đi tu trên núi, cảnh chung quanh tương tự
như cảnh triều đình.
Huống chi,
Vân thủy bằng lòng;
Yên hà phải thú.
Huống chi nơi
đây mây nước làm vừa lòng người, khói mây làm người thích thú.
Vui thay cảnh khác cảnh hoàng kim;
Trọng thay đường hơn đường cẩm tú.
Cảnh hoàng kim
là cảnh vàng ròng. Cảnh này vui khác cảnh hoàng kim. Đường cẩm tú là đường
gấm đẹp. Đường đi thích hơn đường cẩm tú.
Phân ân ái, am Não am Long;
Dứt nhân duyên, làng Nường làng Mụ.
Khi nhà vua đi
tu, lên đến đây cắt lìa ân ái không cho phi tần cung nữ đi theo. Các bà
phi không chịu về, cất am ở đó tu để tên là am Não am Long. Vì dứt nhân
duyên, các bà phi không theo được nữa, mới cất nhà ở tu chung quanh chân
núi nên gọi đây là làng Nường, kia là làng Mụ.
Mặc cà-sa nằm
trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;
Quên ngọc thực
bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.
Mặc cà-sa nằm
trướng giấy, nhà vua khi đi tu mặc áo cà-sa, nằm trướng bằng giấy; màng
chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương, ở triều đình châu ngọc đầy lẫm đầy rương
nhưng không màng. Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương
một hũ. Ngọc thực là thức ăn quí, hương giao là rượu thơm, cắp nạnh là
bồng bế, là mang. Nghĩa là tất cả những thức ăn ngon, những rượu quí bỏ
lại, chỉ mang theo một vò cà, một hũ tương. Ngài diễn tả rất khéo, vua ở
triều đình châu ngọc đầy dẫy nhưng không màng, lại đi tu mặc cà-sa, nằm
trướng giấy. Thức ăn ngon, rượu thơm quí đều bỏ lại, vào chùa chỉ mang
theo một vò cà (cà pháo), một hũ tương.
Chặp tiết dương tiếng nhạc dõi truyền;
Voi la đá tính từ chẳng đố.
Chặp tiết
dương là dịp tiết dương, vào mùa xuân, dịp tết; tiếng nhạc dõi truyền là
tiếng nhạc truyền đi xa. Voi la đá tính từ chẳng đố, voi đá tính hiền
lành, không chống lại với các con vật khác.
Xem phong cảnh hơn cảnh Bà Roi;
Phóng tay cầu chưng cầu Thằng Ngụ.
Xem phong cảnh
này còn hơn cảnh Bà Roi, một cảnh đẹp ở vùng Yên Tử. Phóng tay cầu là
buông tay cầu. Chưng cầu Thằng Ngụ là cũng như cái cầu của Thằng Ngụ, cũng
thuộc vùng Yên Tử.
Bao nhiêu phong nguyệt, vào cõi vô tâm;
Chơi dấu nước non, dưỡng đời thánh thọ.
Bao nhiêu
phong nguyệt vào cõi vô tâm, bao nhiêu trăng gió đẹp đẽ trong cảnh này đều
vào chỗ lòng không còn vướng bận. Dấu là yêu dấu, chơi dấu là chơi thích
thú nước non, dưỡng đời thánh thọ, là dưỡng tuổi thọ. Nghĩa là đến đây dù
có cảnh đẹp, lòng nhà vua cũng không vướng bận, Ngài chơi thích thú với
nước non để cho tuổi thọ được tăng lên.
Đoạn trên diễn
tả nhà vua đi tu, đến đây Ngài nói về Ngài:
Ta nay:
Ngồi đỉnh Vân Tiêu;
Cỡi chơi Cánh Diều.
Hiện nay Ngài
cũng ngồi chơi trên đỉnh Vân Tiêu, trên ngọn Cánh Diều. Cánh Diều là một
ngọn trên dãy Yên Tử.
Coi đông sơn tựa hòn kim lục;
Xem đông hải tựa miệng con ngao.
Trên chót núi
nhìn xuống thấy ngọn đông sơn giống hòn kim lục, biển phía đông nhỏ như
miệng con ngao.
Nức đài lan nghĩ hương đan quế;
Nghe Hằng Nga thiết khúc tiêu thiều.
Hoa lan nở
thơm nức mũi nghĩ như mùi hương hoa quế. Ngồi trên cao nhìn trăng, nghe
tiếng gió thổi tưởng như Hằng Nga đang khảy khúc tiêu thiều, một khúc nhạc
hay.
Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;
Áo
lục thù tiếng gió tiên phiêu.
Quán thất bảo
là quán bằng bảy báu, nơi trọ của những người tu, không phải của những vị
tiên, vẽ bao Bụt hiện, nơi đó đã vẽ hình bao nhiêu đức Phật. Áo lục thù
tiếng gió tiên phiêu. Hai mươi mốt thù là một lượng, sáu thù khoảng một
phần tư lượng nên áo lục thù rất nhẹ, gió tiên thổi bay phất phơ.
Thầy tu trước đã lên Phật quả;
Tiểu tu sau còn vị Tỳ-kheo.
Ngồi trên núi
thấy cảnh vật như thế, Ngài nhớ lại thầy mình tu trước, đã ngộ đạo lên
Phật quả nên gọi là vua Phật, còn mình là tiểu, là đệ tử tu sau nên còn ở
vị Tỳ-kheo.
Thấy đây:
Hồ
thiên lẻ lẻ;
Xem lâu có nhẹ.
Nhìn nơi đây,
hồ thiên lẻ lẻ, xem lâu thấy nhẹ nhàng.
Tuy rằng học đạo hư vô;
Ngậm ngụt hỏi thiền ngôn nghĩ.
Ngậm ngụt là
lời nói còn ấp úng chưa ra lời. Tỉ dụ như đến thầy muốn thưa điều gì,
nhưng còn ấp úng gọi là ngậm ngụt. Ngôn là nói, nghĩ là suy nghĩ. Tuy học
đạo hư vô nghĩa là rỗng không, nhưng muốn hỏi thiền mà trong lòng còn suy
nghĩ mở miệng nói không ra lời.
Mê
một tấm lòng xét chẳng cùng;
Chác tấc bóng nghìn vàng còn rẻ.
Một tấm lòng
mê thì xét không đến cùng tận. Chác là đổi chác. Đem tấc bóng đổi một
nghìn vàng cũng còn rẻ. Tấc bóng là khoảng nửa tiếng đồng hồ, đổi một
nghìn lượng vàng cũng không đổi, thế mà người tu chúng ta nhiều khi thả
hồn phiêu phưởng cả giờ không tỉnh, thật là giết bao nhiêu tấc bóng của
mình. Vì vậy chúng ta phải nhớ: Đổi một tấc bóng nghìn vàng còn rẻ.
Hai câu tiếp theo bị thiếu mấy chữ nên không rõ nghĩa.
Hẹn đến lâm tuyền làm bạn o o o o
Bảo rằng o o o o, o o ừ hễ.
Hai câu này thông qua.
Đua khoái lạc, chân bước lăm chăm,
Nhuốm phồn hoa, đầu đà bạc tỷ.
Đua khoái lạc
chân bước lăm chăm, nếu tu mà thích đua theo khoái lạc, chân bước lăm
chăm, tức là bước đi nhanh nhẹn, thì nhuốm phồn hoa, đầu đà bạc tỷ. Tỷ là
chút ít, nhuốm là dính. Dính theo phồn hoa, nhìn lại đầu đã có một ít tóc
bạc. Ngài cảnh tỉnh chúng ta: Nếu đuổi theo khoái lạc, tiến mãi không
dừng, dính với phồn hoa, khi nhìn lại tuổi già đã đến rồi.
Chẳng những vượn hạc thốt thề;
Lại phải cỏ hoa cười thỉ.
Tu mà có tâm
mê đuổi theo trần tục, không những con vượn con hạc phải thề thốt để nhắc
mình mà loài cỏ hoa cũng cười thỉ, tức là cười thầm.
Tóm lại đoạn
này nói nếu người tu còn mê muội thì tâm tạo không biết bao nhiêu thứ
việc, không thức tỉnh rằng mình phải quí từng tấc bóng, đừng đuổi theo
việc bên ngoài. Nếu mải đua theo khoái lạc, dính mắc với phồn hoa, khi
nhìn lại đầu đã bạc mà mình vẫn chưa tỉnh, thì chẳng những các con hạc kêu
vang nhắc nhở mà đám cỏ hoa cũng cười thầm. Tu không ra gì thì phải hổ
thẹn với tất cả chim chóc cỏ cây.
Từ
đến đây!
Non nước đà quen;
Người từng mấy phen.
Ngài đi tới
đây quen với non nước và đã mấy phen lên xuống.
Đầu khách dễ nên biến bạc;
Mặt non hãy một xanh đen.
Người khách
mấy phen lên xuống núi này, đầu nay biến thành bạc, nhưng núi vẫn còn
xanh. Những hình ảnh này rất đẹp, nhắc chúng ta: Đã mấy phen lên núi, nhìn
lại đầu đã bạc trắng núi vẫn còn xanh.
Hồ
nước giá lựa là lọc nước;
Cửa tráu cây phên trúc cài then.
Không cần phải
lọc nước, đã có sẵn hồ nước lạnh rồi. Cửa tráu tức là cửa rào bằng những
tấm phên tre làm then cài.
Đàn khúc nhạc tiếng khong tiêu đính.
Vỗ
tay ca cách lễ lạ liền.
Có hai từ ngữ
tìm nghĩa không được là tiêu đính và cách lễ, nhưng chúng ta cũng có thể
hiểu đại khái những câu này. Khong là khen. Nghĩa là đàn những khúc nhạc
được tiếng khen tiêu đính. Vỗ tay ca, tiếng hát của mình làm cho mọi người
đều thích thú, đó là tiếng hay tiếng lạ. Đây là Ngài nói về nếp sống của
Ngài khi đến Yên Tử
Lạ
những ôi!
Tây Trúc dường nào;
Nam châu có mấy.
Cảnh này lạ
làm sao, Tây Trúc cũng không hơn, Nam châu không có mấy nơi bì được.
Non Linh Thứu ai đem về đây;
Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đấy.
Ngài so sánh
núi Yên Tử giống như núi Linh Thứu từ Ấn Độ ai đem về đây. Núi Linh Thứu ở
Ấn Độ, phía đông bắc thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà, nơi Phật thuyết kinh
Pháp Hoa và các kinh Đại thừa, dưới thung lũng là thành Vương Xá. Thuở xưa
nước Ma-kiệt-đà rất tin kính Phật nên cúng dường Phật ngọn núi, Ngài lên
đó thuyết pháp, hiện nay nơi đó còn nền thất của Phật và nền thất của ngài
A-nan. Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đấy là cảnh núi Phi Lai ở đây thấy rõ
ràng. Phi Lai ở phía đông núi Linh Ẩn thuộc Hàng Châu Trung Quốc. Đời Tấn
có nhà sư Ấn Độ tên là Tuệ Lý (dịch ra tiếng Trung Hoa) lên núi này, nói
núi này giống một ngọn núi nhỏ ở giữa dãy Linh Thứu, không biết bay đến
đây từ bao giờ, nên gọi là Phi Lai (phi là bay, lai là đến). Chùa Linh Ẩn
nằm trên núi Linh Ẩn, đó là vùng đẹp nhất, trong núi người ta đục hình
tượng Phật, nên khách du lịch lên núi Linh Ẩn viếng cả ngày cũng chưa hết
cảnh.
Hai câu này
nói rằng núi Linh Thứu, cảnh Phi Lai so với núi Yên Tử cũng không hơn.
Vào chưng cõi thánh thênh thênh;
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy.
Chưng là nơi,
thênh thênh là không bờ mé. Người vào được cõi thánh rồi, lòng thấy thênh
thang không có bờ mé. Thoát rẽ lòng phàm là thoát khỏi lòng phàm, phây
phấy là phơi phới. Người thoát được lòng phàm sẽ thấy nhẹ nhàng phơi phới.
Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng;
Hễ
cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy.
Người lên đến
núi thấy cảnh trời nước, gió trăng, thì thề thốt không biết bao nhiêu lời.
Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy, nhưng cảnh núi sông này có ai thấy
được thực trạng của nó.
Từ
trước nhẫn sau;
Thấy sao chép vậy.
Từ trước đến
nay Ngài ở núi Yên Tử thấy sao chép vậy, không thêm gì cả.
Kệ rằng:
Rũ
không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.
Khuya sớm sáng choang đèn bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
Bài kết thúc
rất là đẹp.
Rũ không thay
thảy ánh phồn hoa là buông hết không còn vướng bận chuyện phồn hoa thị
thành.
Lấy chốn thiền
lâm làm cửa nhà, vào chốn rừng thiền lấy đó làm nhà cửa.
Khuya sớm sáng choang đèn bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Hôm sớm được
sáng rỡ bằng ngọn đèn bát-nhã; ngày nay, ngày mai rửa sạch tất cả bụi
trần bằng nước ma-ha. Ma-ha là tên của bát-nhã (Ma-ha bát-nhã ba-la-mật
đa). Nghĩa là thắp sáng ngọn đèn bát-nhã nơi mình, rồi mượn nước bát-nhã
rửa sạch tất cả bụi trần.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Lòng thiền
sáng vằng vặc như mặt trăng rọi lên chái nhà. Việc đời hiu hiu như gió
thổi qua mất, không dính với mình. Giả sử chúng ta đang ở trên non tu hành
bình an thanh tịnh, bất thần có người về quê thăm nhà lên báo tin cha mẹ
mình bệnh, hoặc gặp những chuyện không vui, thế sự đưa tới, chúng ta sẽ ra
sao? Lòng mình xao xuyến bất an! Còn ở đây Ngài nói thế sự hiu hiu gió
thổi qua, việc đời giống như gió thổi nhè nhẹ qua, không có gì phải bận
bịu, phải rối lòng.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
Cốc là biết.
Biết được tính ta là Phật thật thì không ngại, không sợ sệt đường xa hiểm
trở, cứ tìm đến tận nơi tận chốn mà tu cho đạt được kết quả. Như vậy bài
kệ kết thúc rất đầy đủ tinh thần chỉ dạy chúng ta tu thế nào để đạt được
kết quả tốt.
Nhân đây chúng
tôi giải thích lý do vì sao ngài Huyền Quang khiến cho dòng Trúc Lâm đến
đây xem như chấm dứt. Nhiều người thắc mắc tại sao hệ phái Trúc Lâm sau
đời ngài Huyền Quang không còn thấy tăm hơi gì nữa. Theo cái nhìn của
riêng tôi có những lý do làm phái thiền Trúc Lâm mất dạng sớm.
- Lý do thứ
nhất là Thiền sư Huyền Quang được ngài Pháp Loa trao tâm kệ và y bát để
nhận trách nhiệm làm Tổ thứ ba của hệ phái Trúc Lâm, lúc Ngài đã bảy mươi
bảy tuổi. Một con người đến tuổi đó là đã mệt mỏi rồi, không còn thích làm
việc nữa.
Trong bài kệ
“Đề Chùa Cứu Lan”, Ngài nói mình không xứng đáng tiếp nối dòng Tổ, thôi
thì bỏ về núi quách cho rồi. Đó là tâm trạng của Ngài khi lãnh một trách
nhiệm quá lớn mà tuổi đã già, không còn sức để làm nữa nên ngao ngán muốn
giao lại cho người khác để về núi ẩn tu. Lại Ngài là thi sĩ, là nghệ sĩ,
nên tâm hồn thích được tự do phóng khoáng, không thích bị ràng buộc, thì
làm sao gánh vác được việc tổ chức lớn lao của hệ phái Trúc Lâm?
- Lý do thứ
hai là vì thời đó vua Trần Nhân Tông đi tu nên ở thế gian người ta rất quí
người tu, không ai dám chạm đến chư Tăng. Vua còn đi tu thì còn trách ai
được nữa, nên khi gặp cảnh khó khổ ai cũng thích vào chùa tu cho khỏe, chớ
không phải tu để thành Phật. Vì thế thời đó có rất nhiều người đi tu. Sử
ghi năm 1344 do mất mùa đói thiếu nên có sáu ngàn một trăm hai mươi chín
người đi tu. Như vậy người tu không phải là hảo tâm xuất gia, không phải
quyết chí cầu thành Phật, mà tu để lánh nạn đói thiếu nên ở trong chùa trở
thành lôi thôi và suy sụp, đó cũng là duyên cớ để những nhà nho chỉ trích.
- Lý do thứ ba
là thời ấy đang có sự tranh chấp ý thức hệ giữa Phật và Nho. Đời Trần đã
mở khoa thi cho các nhà nho nên cuối đời Trần, các nhà nho đã giữ những
chức vụ quan trọng trong triều đình. Phật giáo lúc đó lại đang xuống thấp,
muốn cho nho gia càng được trọng dụng, các nhà nho phải chỉ trích, vạch
cho nhà vua và triều đình thấy những lỗi lầm, những điều xấu tệ của người
theo Phật để không còn tin Phật nữa, đó là lý do khiến Phật giáo càng
xuống mạnh hơn.
- Lý do thứ
tư, giáo hội thời đó là giáo hội của triều đình. Vua làm Tổ lãnh đạo, dưới
vua là ngài Pháp Loa, được triều đình cúng ruộng đất; công chúa và các
hoàng thân đi tu theo Ngài. Như vậy giáo hội xuất phát từ trong triều
đình. Nhưng qua các đời Trần Anh Tông, Trần Minh Tông… đến đời Trần Nghệ
Tông trở về sau, triều đình suy yếu dần, nhà vua mất quyền, khi chuyển qua
nhà Hồ thì Phật giáo hết chỗ tựa, nên ngang đó không còn có mặt ở triều
đình nữa. Hết nhà Hồ đến lệ thuộc nhà Minh, rồi đến nhà Lê, tất cả những
công thần của nhà Trần, nhà Hồ không thích, nhà Minh không chịu, nhà Lê
lại càng không ưa. Như vậy cả ba triều đại đều không thích những người
thân với nhà Trần, nên những vị tăng được ủy quyền để lo cho giáo hội Trúc
Lâm thời đó đương nhiên phải ẩn trong rừng núi hoặc đổi tên họ chớ không
dám lộ mặt. Đã đi ẩn thì đâu còn ai mà ghi người nối tiếp hệ Trúc Lâm. Thế
là vì ảnh hưởng chính trị nên chư Tăng thời đó tuy vẫn còn nhưng không ai
dám tự xưng là kế thừa hệ Trúc Lâm, thành ra hệ Trúc Lâm xem như mất.
Lại thêm một
điều nữa là sau này vào đời Lê, người viết sử là các nhà nho vốn không có
cảm tình với Phật giáo, nên những việc hay của đạo Phật nhưng không liên
hệ tới triều đình, các nhà viết sử không ghi. Vì thế từ cuối đời Trần đến
đời Hồ, thời Minh thuộc, đời Lê tuy cũng có nhiều việc rất hay trong Phật
pháp nhưng không được ghi lại nên thời gian đó xem như không có sự liên hệ
trước sau. Một bằng chứng cụ thể là từ xưa đến nay, đọc sử, tôi không thấy
câu chuyện vua Lê Hy Tông đuổi Tăng Ni về núi, sau được ngài Tông Viễn đến
dùng phương tiện dâng ngọc đánh thức vua Lê. Khi thức tỉnh, nhà vua hối
hận lỗi trước, xem ngài Tông Viễn như một Quốc sư và nhà vua phát tâm quì
để tượng Phật trên lưng sám hối. Hình ảnh tại chùa Hòe Nhai vẫn còn mà sử
không ghi, do đó chúng ta thấy những gì làm giảm giá trị nhà vua thì không
được ghi lại. Thế nên sử sách thời Lê đối với Phật giáo rất là thiếu,
chúng ta thấy như hệ Trúc Lâm Yên Tử ngang đó là dứt, nhưng thật ra không
phải. Sau đây là danh hiệu hai mươi ba vị Tổ truyền thừa Yên Tử từ Hiện
Quang Tổ sư đến Vô Phiền Đại sư, trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng
Tập Lục (quyển hai) của Phúc Điền Hòa thượng đính bản:
1. Hiện Quang
Tổ sư là vị Tổ đầu tiên ở Trúc Lâm.
2. Viên Chứng
Quốc sư.
3. Đại Đăng
Quốc sư.
4. Tiêu Dao Tổ
sư là Tổ thứ tư, Ngài không phải là người Trung Hoa, nhưng trong bài tựa
của Thiền sư Huệ Nguyên ghi Ngài là người Trung Hoa, đó là sai.
5. Huệ Tuệ Tổ
sư.
6. Nhân Tông
Tổ sư (như vậy Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông là vị thứ sáu).
7. Pháp Loa Tổ
sư.
8. Huyền Quang
Tổ sư (ngài Huyền Quang là vị thứ tám trong hệ đó).
9. An Tâm Quốc
sư.
10. Phù Vân
tức hiệu là Tĩnh Lự Quốc sư.
11. Vô Trước
Quốc sư.
12. Quốc Nhất
Quốc sư.
13. Viên Minh
Tổ sư.
14. Đạo Huệ Tổ
sư.
15. Viên Ngộ
Tổ sư.
16. Tổng Trì
Tổ sư.
17. Khuê Thám
Quốc sư.
18. Sơn Đằng
Quốc sư.
19. Hương Sơn
Đại sư.
20. Trí Dũng
Quốc sư.
21. Tuệ Quang
Tổ sư.
22. Chân Trú
Tổ sư.
23. Vô Phiền
Đại sư.
Như vậy sau
ngài Huyền Quang tức là đời thứ tám, còn mười lăm đời nữa chớ không phải
là dứt, nhưng sở dĩ chúng ta không thấy ghi là vì lúc đó các Ngài ẩn hết,
không xuất đầu lộ diện và không nói rõ là truyền thừa hệ nào.
Tóm lại vì
ngài Huyền Quang đã già nên Ngài vội vã truyền cho ngài An Tâm, ngài An
Tâm là người đứng ra đảm nhận trách nhiệm, nhưng vì thời Trần đã suy, các
Ngài kế thừa dòng Trúc Lâm ẩn tránh và sự ghi chép lại mất mát khiến cho
ngày nay chúng ta không thấy được sự truyền thừa liên tục rõ ràng trong sử
sách.
Học qua các
Thiền sư đời Trần chúng ta thấy có hai nét rất quan trọng về ngài Trúc Lâm
Đại Đầu-đà. Ngài là một con người mẫu mực, lúc ở triều đình là một ông vua
xứng đáng trong việc trị dân, khi đi tu quả thật là một ông thầy đầy đủ
đức tính làm cho Phật pháp được rạng rỡ. Dưới Ngài, ngài Pháp Loa cũng là
người vừa nhiệt tình, vừa mẫu mực nên sự truyền bá được rộng lớn đông đảo.
Nhưng đến ngài Huyền Quang thì do nghệ sĩ tính của Ngài và việc giáo hóa
của Ngài dường như không được kể đủ, nên việc giảng kinh hay là tham vấn,
chúng ta không thấy ghi lại, chỉ thấy những bài thơ. Thế nên chúng ta biết
ở trong đạo, nếu người tu có đủ quyết tâm, nhiệt tình và có đủ hạnh kiểm
làm mẫu mực cho chúng thì mở mang rộng. Còn nếu một nhà sư mà mang tư cách
nghệ sĩ tính, cứ truyền bá theo sở thích, tay cầm dùi mõ tay cầm sáo thì
sự truyền bá không được rộng, không được nhiều, đó là điều cụ thể. Thế nên
tôi mong dưới tôi tất cả Tăng Ni đều là những người quyết tâm tu, nhiệt
tình lo cho đạo và luôn luôn là người mẫu mực, bớt tính nghệ sĩ một chút;
nếu không, hẳn sự lo cho đạo không bền lâu. Đó là kinh nghiệm để nhắc nhở
toàn chúng.
] |