Âm :
Mộc trung nguyên hữu
hỏa,
Hữu hỏa, hỏa hoàn
sanh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh.
Dịch :
Trong cây sẵn có lửa,
Có lửa, lửa lại sanh.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát làm gì sanh.
Giảng :
“Mộc trung nguyên hữu hỏa, hữu hỏa, hỏa hoàn
sanh”. Lửa vốn có sẵn trong cây, nên khi cọ xát cây thì lửa phát cháy. Trong
cây khô chúng ta dùng phương tiện kéo lửa, cọ xát vào thân cây một thời
gian, thấy nóng dần rồi bốc khói và sau đó phát lửa. Do trong cây có sẵn lửa
nên cọ xát mới phát lửa.
“Nhược vị mộc vô hỏa, toản toại hà do
manh”.Nếu trong cây không có lửa, khi cọ xát làm sao phát ra lửa ? Dù cho
chúng ta có cọ kéo nghiền nát cả cây cũng không có lửa. Trong cây sẵn có lửa
dụ cho mọi người chúng ta ai ai cũng có sẵn tánh Phật. Cọ xát cây lửa phát
sanh, dụ cho tu hành được giác ngộ thành Phật. Ý Ngài muốn nói nơi mỗi người
chúng ta ai ai cũng sẵn có tánh Phật, nếu khéo ứng dụng lời Phật dạy để tu
thì sẽ thành Phật. Và, nếu chúng ta không có sẵn tánh Phật dù cho có tu đến
đâu cũng không giác ngộ được. Bài kệ này có hai phần quan trọng chúng ta cần
phải biết để vững lòng tin trên đường tu tiến.
1. Đức Phật do tu mà được giác ngộ thành Phật.
Nếu không có sẵn tánh Phật dù cho Ngài thiền định bao lâu tánh Phật của Ngài
cũng không hiển lộ. Do có sẵn tánh Phật, Ngài thiền định tâm thanh tịnh tánh
Phật hiện tiền gọi là thành Phật. Như vậy, Ngài là một con người có sẵn tánh
Phật, khéo tu nên được giác ngộ thành Phật. Chúng ta cũng là một con người
cũng có sẵn tánh Phật, nếu chúng ta khéo ứng dụng lời Ngài dạy để tu, thì
cũng được giác ngộ thành phật như Ngài. Sở dĩ chúng ta ngày nay tu mà không
thành Phật là vì chúng ta không khéo tu. Cũng giống như cây khô người ta cọ
ra lửa, mình cũng theo phương pháp cọ của người ta, cọ cây khô của mình cho
ra lửa để xài, nhưng vì cọ sơ sơ nên không có lửa. Biết rõ điều này chúng ta
không mặc cảm chỉ có Phật mới tu tah2nh Phật, còn chúng ta không phải Phật
dù có tu đến đâu cũng không thành. Phật có tánh Phật Ngài tu thành Phật,
chúng ta có tánh Phật nếu tu như Ngài thì cũng thành Phật. Ngôi vị Phật
không phải dành riêng cho đức Thích Ca Mâu Ni, mà ai ai cũng có quyền đạt
đến quả Phật. Thành Phật hay không thành Phật là do biết biết ứng dụng đúng
pháp Phật dạy hay không Nếu thực hành đúng pháp thì tánh Phật hiển lộ thành
Phật, nếu không biết ứng dụng, hoặc ứng dụng sai pháp Phật dạy thì tánh Phật
không hiển lộ, không thành Phật. Chớ mặc cảm chúng ta tu không thể thành
Phật, vì trước khi thành Phật Ngài cũng là con người, từ con người do tu mà
Ngài thành Phật. Cũng vậy, mọi người chúng ta nếu khéo tu thì cũng thành
Phật như Ngài. Song chúng ta có cái bệnh mặc cảm nữa là, Phật tu nhiều đời
nhiều kiếp, còn kiếp chót Ngài tu mới thành Phật, chúng ta tu chưa bao nhiêu
làm sao thành Phật được ! Vì chúng ta quá yếu đuối nên mới có những mặc cảm
như thế.
2. Đức Phật sinh hoạt y hệt chúng ta. Ngài
sanh ra trong một gia đình có cha mẹ lớn lên có vợ con, Ngài cũng hưởng dục
lạc như mọi người thế gian. Khi tận mắt nhìn thấy người già, người bệnh,
người chết, ngang đây Ngài thức tỉnh đi tu. Ngài cũng là người phàm như
chúng ta, nhưng khi thức tỉnh Ngài đi tìm phương pháp để tu hành. Do ứng
dụng những phương pháp tu, lần lần Ngài đạt được đạo quả. Lúc chưa thức tỉnh
Ngài cũng là phàm phu, khi thức tỉnh rồi, do tu Ngài mới thành Phật. Chúng
ta ngày nay cũng là phàm phu, dám cạo bỏ râu tóc vào chùa, sống phạm hạnh
theo quy củ của Thiền môn là đã có tỉnh rồi. Tuy có tỉnh, nhưng chưa khéo
tu, tu chưa đúng mức, tu lai rai nên chưa thành Phật. Thái tử Sĩ-đạt-ta sau
khi dứt khoát rời bỏ hoàng cung vào rừng tu, tâm không do dự luyến tiếc cảnh
đời, chỉ một bản hoài là phải tu cho sáng đạo, nên khi tu Ngài quyết tâm vì
đạo quên thân. Chúng ta ngày nay xuất gia vào chùa, thỉnh thoảng nghe ở nhà
có chuyện vui buồn là xin phép về để dự, để sắp đặt... Đó là duyên ngoài
chưa dứt khoát cắt đứt, còn duyên trong tức là hạ thủ công phu cũng chưa
quyết liệt, chưa dám quên ăn quên ngủ, chưa dám xem thường thân mạng. Xưa
Phật ngồi Thiền một mình suốt ngày đêm, đâu có ai giám Thiền. Ngày nay chúng
ta ngồi Thiền có người giám Thiền giúp đỡ, thế mà vẫn ngủ gà ngủ gật, có khi
xả Thiền sớm đi ra. Đó là chúng ta chưa đúng mức. Xưa đức Phật tu có một
thời gian ngắn là thành đạo. Ngày nay chúng ta tu khá lâu, nhiều người tu
hơn mười năm, hai mươi năm... vẫn chưa đạt được kết quả, và nếu có kết quả
thì cũng giới hạn. Đó là tại công phu chua đúng mức, chớ không phải chúng ta
không có khả năng thành Phật.
Tóm lại bài kệ này Ngài dạy người tu, xuất gia
cũng như tại gia, ai cũng có tánh Phật và ai cũng có khả năng thành Phật như
nhau, không ai kém ai. Nếu thực hành đúng như lời Phật dạy thì có kết quả
như Ngài, nếu thực hành chưa đúng mức thì kết quả kém hơn. Đó là do công phu
chưa viên mãn, không phải quả Phật chỉ dành cho Phật, còn phàm phu thì không
có phần. Hiểu như vậy thì trên đường tu vững lòng tin, tự tin nơi mình có
tánh Phật tu đúng pháp sẽ thành Phật không nghi.
|