THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

QUỐC SƯ THÔNG BIỆN

Quốc sư Thông Biện quê ở Đan Phượng, họ Ngô đời thứ 8 dòng Vô Thông Ngôn, không rõ năm sanh, tịch năm 1134. tiểu sử của ngài được in trong Thiền Sư Việt Nam cùng tác giả. Quốc sư Thông Biện là một thiền sư rất thông suốt về lịch sử Thiền Tông. Thái Hậu Ỷ Lan hỏi Ngài về lai lịch của hai hệ phái thiền ở Việt Nam, Ngài giải thích rất rành rẽ. Do đó bà cảm phục theo học thiền với Ngài. Sau này bà ngộ đạo làm kệ trình Ngài:

Âm:

            Sắc thị không, không tức sắc,

            Không thị sắc, sắc tức không.

            Sắc không câu bất quản,

            Phương đắc khế chân tông.

Dịch:

            Sắc là không, không tức sắc,

            Không là sắc, sắc tức không.

            Sắc không đều chẳng quản,

            Mới được hợp chân tông.

Giảng:

Bài kệ này hàm chứa lý đạo rất là sâu xa. Lý sắc không là lý Bá Nhã, chưa nhận định thấu đáo về sự vật, nên thấy sắc là một hình thức cố định, không là một hình thức cố định. Sắc và không hai cái đối đãi nhau. Sắc là thật sắc, không là thật không. Nhưng, “Sắc thị không, không tức sắc, không thị sắc, sắc tức không”. Nghĩa là sắc là không, không tức sắc không là sắc, sắc tức không, hai cái không rời nhau. Lý này chúng ta có thể chấp nhận được không? Như nhìn cái bàn chúng ta nói cái bàn là sắc, vì nó có hình tướng, hư không là không vì nó không có hình tướng. Nhưng theo lý Bát Nhã thì những hình sắc chúng ta hiện thấy như cái bàn, sắc đó không cố định là sắc mà do duyên gỗ, đinh, cưa, bào, đục, công thợ hợp thành cái bàn. Giả tướng duyên hợp này không có thật thể cố định cho nên là không. Ví dụ bàn tay có năm ngón lại thành nắm tay, nắm tay này gọi là sắc. Nhưng nắm tay này có thật thể không? Nếu nó có thật thể thì đâu đợi phải co năm ngón lại mới có nắm tay. Nắm tay này có là do duyên hợp thành sắc, nó không có thật thể cố định, nên gọi là không. Ngay nơi sắc nói là không, chớ chẳng phải trống rỗng gọi là không. Như vậy “Sắc thị không, không tức sắc” là ngay nơi sắc mà biết nó không thật thể, ngay nơi không mà biết duyên hợp nên thành sắc, sắc không chẳng rời nhau. Đó là chỗ sâu xa của lý Bát Nhã. Thâm nhập được lý này rồi thì:

“Sắc không câu bất quản, phương đắc khế chân tông”. Sắc không đều chẳng quản, mới được hợp chân tông. Nghĩa là không kẹt vào hai bên sắc và không thì mới khế hợp với chủ thể chân thật.

Qua bốn câu kệ này, chúng ta thấy Thái hậu Ỷ Lan nhìn sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, nên thấy rõ mọi sự vật đều là tướng duyên hợp, do duyên hợp nên không có thật thể. Duyên hợp thành tướng gọi là sắc, tướng đó không có thật thể gọi là không, nên nói sắc tức là không, không tức là sắc. Tuy lập giả danh thấy có sắc và không, nhưng nó không rời nhau. Do đó chúng ta đừng mắc kẹt vào sắc và không để thấu suốt lý cức cánh chân thật. Muốn thấu suốt lý cứu cánh chân thật bất sanh bất diệt, thì phải thấu triệt được lý sắc không của Bát Nhã. Bài kệ này của Thái hậu Ỷ Lan, do bà học đạo và ngộ đạo với Quốc Sư Thông Biện, nên có liên hệ với tư tưởng và đạo phong của Ngài. Do đó tôi đem ra giảng trong phần này.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM