Âm:
Ngã hữu nhất sự kỳ đặc,
Phi thanh huỳnh xích bạch hắc.
Thiên hạ tại gia xuất gia,
Thân sanh ố tử vi tặc.
Bất tri sanh tử dị lộ,
Sanh tử chỉ thị thất đắc.
Nhược ngôn sanh tử dị đồ,
Trám trước Thích Ca Di Lặc.
Nhược tri sanh tử, sanh tử,
Phương hội lão tăng xứ nặc.
Nhử đẳng hậu học môn nhân
Mạc nhận bàn tinh quỹ tắc.
Dịch:
Ta có một việc kỳ đặc,
Chẳng sanh vàng đen đỏ trắng.
Cả người tại gia xuất gia,
Thích sanh chán tử là giặc.
Chẳng rõ sanh tử khác đường,
Sanh tử chỉ là được mất.
Nếu cho sanh tử khác đường,
Lừa cả Thích Ca Di Lăïc.
Ví biết sanh tử, sanh tử,
Mới hiểu lão tăng chỗ náu.
Môn nhơn, hậu học, các người,
Chớ nhận khuôn mẫu pháp tắc.
Giảng:
“Ngã hữu nhất sự kỳ đặc, phi thanh huỳnh
xích bạch hắc”. Nghĩa là ta có một việc kỳ đặc, chẳng phải xanh vàng đỏ
trắng đen. Kỳ đặc là lạ lùng đặc biệt. Sở dĩ nó đặc biệt là vì không phải
màu xanh, không phải màu vàng, không phải màu đỏ… nó không có tất cả màu
sắc. Vậy vật ấy là cái gì?
“Thiên hạ tại gia xuất gia, thân sanh ố tử
vi tặc”. Mọi người tại gia xuất gia, thích sống ghét chết là giặc. Ý nói
cho người trên cõi đời này từ tại gia đến xuật gia, nếu có tâm tham sanh
ghét tử đều là giặc. Dưới mắt của Ngài thì tất cả chúng ta ở đây ai cũng
là giặc hết. Vì ai cũng tham sống sợ chết, ai ai cũng thấy được sanh ra là
tốt là hạnh phúc, thấy chết là mất mát là khổ đau. Thế nên người ta ăn
mừng sinh nhật và để tang khi có thân nhân chết. Tại sao là giặc, đoạn sau
sẽ giải rõ.
“Bất tri sanh tử dị lộ, sanh tử chỉ thị thất
đắc”. Chẳng rõ sanh tử khác đường, sanh tử chỉ là được mất. Vì chúng ta
không biết mới thấy sanh và tử là hai đường khác nhau, sanh là ở thế giới
bên này, tử là ở thế giới bên kia. Song đối với Ngài thì sanh tử chỉ là sự
được mất. Tại sao? Vì chúng ta đang đi trên con đường dài sanh tử, do
nghiệp dắt dẫn nên chúng ta phải chịu sanh tử luân hồi. Sanh ra ví như hòn
bọt tụ lại tan ra trên mặt biể, bọt tụ gọi là được, bọt tan gọi là mất.
Nhưng hòn bọt tụ lại và tan đều ở trên mặt biển. Bọt tụ tan gọi là được
mất, còn mặt biển có được mất bao giờ. Sanh tử như hòn bọt tụ tan, thể
chân thật không sanh diệt dụ như mặt biển. Đối với giả tướng thì thấy có
sanh có diệt, đối với thể tánh chân thật thì chẳng có gì được mất. Bọt tan
về biển chớ có đi đâu! Bọt tụ tan, mặt biển đâu có thêm bớt. Cũng vậy nhìn
vào giả tướng của thân thấy có sanh có tử, sanh thì thích, tử thì sợ nên
nói “thân sanh ố tử”. Nhưng khi nhận ra nơi mình có thể chân thật tức là
cái kỳ đặc mà Ngài nói ở trên thì sự sống chết của thân này giống như trò
chơi không có gì quan trọng nên không sợ. Ai đến chỗ này rồi thì không bị
Ngài không gọi là kẻ giặc nữa. Vậy chúng ta thích làm kẻ giặc hay thích
làm người lương thiện?
“Nhược ngôn sanh tử dị đồ, trám khước Thích
Ca Di Lặc”. Nếu nói sanh tử khác đường là lừa Phật Thích Ca và Phật Di
Lặc. Tại sao lừa? Vì Phật Thích Ca và Phật Di Lặc thấy sanh tử không hai,
chúng ta thấy hai là trái với các Ngài, là lừa dối các Ngài. Nếu ai cũng
biết mình có tâm thể muôn kiếp không sanh diệt và biết tướng sanh diệt của
thân này như hòn bọt trên biển, thì chết hay sanh đều cười chứ không lo
mừng. Việc sống chết đối với thiền sư giống như trò đùa, nên ngài Từ Minh
nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Khoẻ làm sao! Hôm nào trời
nóng nực chúng ta mặc nhiều áo mà được cởi bớt ra, thì mát mẻ khoẻ khoắn
vô cùng! Đó là tử. Hôm nào trời lạnh lẽo mà ai cho cái chăn bông đắp vào
thì ấm áp biết bao! Đó là sanh. Vậy đối với việc sanh tử có sợ không? Nếu
không sợ thì có trái với lời Phật dạy là “sanh tử sự đại, vô thường tấn
tốc” không? Vì khi chúng ta còn mê nên Phật phải nói như vậy để sách tấn
tu hành và khi chúng ta đã giác ngộ thấy sanh tử như trò chơi đâu có gì là
lớn. Thế nên các vị Bồ Tát sẵn sàng đi trong sanh tử để giáo hoá chúng
sanh, còn người thế gian thì theo nghiệp dắt dẫn mà sanh ra trong cõi đời.
Đa số người tu sợ cái khổ sanh tử luân hồi, nên muốn tu cho ngộ đạo rồi
nhập Niết Bàn hoặc về Cực lạc. Tu như vậy thì ai độ cho những người mê
muội ở cõi đời này? Mình tỉnh và hết khổ rồi thì ai khổ mặc ai sao? Do đó
Bồ Tát không sợ sanh tử, đi vào sanh tử để cứu độ chúng sanh. Giống như
người đứng trên bờ nhìn xuống mặt biển, thấy những chùm bọt tụ tan như trò
chơi không quan trọng, không chướng ngại. mặc dù bọt tụ tan bao nhiêu lần
cũng được, không có gì ngại. do thấy như thế nên các thiền sư ra đi tự tại
không buồn không sợ. Người đời ra đi thì sợ đủthứ nên mới khổ. Người tu
nếu thấu được đạo lý rồi thì thấy sanh tử như trò chơi nên không có gì lo
sợ.
“Nhược tri sanh tử, sanh tử, phương hội lão
tăng xứ nặc”. Nếu biết sanh tử chỉ là sanh tử, không có sanh khác tử khác
là hai lối sai biệt thì mới biết chỗ ẩn của lão tăng. Chỗ ẩn của Ngài là
chỗ nào? Là chỗ bọt tan về biển!
“Nhử đẳng hậu học môn nhân, mạc nhận bàn
tinh quỹ tắc”. Các ông là kẻ hậu học trong nhà đạo chớ nhận những quy cũ
phép tắc. Bàn tinh là trái cân bàn, người đời lấy nó làm chuẩn mực đo
lường, chỉ cho những nguyên tắc cố định. Quy củ phép tắc ở thế gian không
cố định, thấy sắc cho sắc là cố định, thấy không cho không là cố định,
thấy sanh cho sanh là cố định, thấy tử cho tử là cố định. Do đó ngài
khuyên chúng ta đừng nhìn sự vật với cái nhìn cố định, mà phải vận dụng
trí tuệ để thấy rõ thế nào là mê, thế nào là giác, cái nào đáng sợ và cái
nào không đáng sợ, thấy rõ các pháp ở thế gian này không riêng biệt không
tách rời nhau, mà nó dung thông, nên không đặt cái gì thành nguyên tắc cố
định cả. |