THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG

Thiền sư Chân Không tên thật là Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng huyện Tiên Du dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 16. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam, trang 137 cùng tác giả.

Sau đây là một đoạn đối đáp giữa Ngài với các thiền tăng đến hỏi đạo:

Khi Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại, có vị tăng đến hỏi:

- Thế nào là diệu đạo?

Sư đáp:

- Sau khi giác rồi mới biết.

Tăng hỏi:

- Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?

Sư đáp:

            Nếu đến tiên gia trong động sâu,

            Hoàn đan hoán cốt được mang về.

Tăng hỏi:

- Thế nào là hoàn đan?

Sư đáp:

            Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu,

            Hôm nay chợt ngộ được khai minh.

Tăng hỏi:

- Thế nào là khai minh?

Sư đáp:

            Khai minh chiếu khắp cõi Ta bà,

            Tất cả chúng sanh chung một nhà.

Tăng lại thưa:

- Tuy nhiên không biện rõ.

Sư đáp:

- Chốn chốn đều gặp y.

Tăng hỏi:

- Cái gì là y?

Sư đáp:

            Kiếp hoả cháy tan mảy may sạch,

            Núi xanh như cũ, mây trắng bay.

Tăng hỏi:

- Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?

Sư đáp:

            Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,

            Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.

Tăng suy nghĩ. Sư quát rằng:

            Đất bằng sau nhiều năm,

            Thực vật đều thơm ngát.

Tăng lễ bái.

Giảng:

“Khi Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại, vị Tăng hỏi: Thế nào là diệu đạo? Sư đáp: Sau khi giác rồi mới biết”. Nếu có người hỏi chúng ta thế nào là diệu đạo thì chúng ta giải nghĩa diệu là mầu nhiệm, diệu đạo là đạo mầu nhiệm, căn cứ trên chữ nghĩa giải thích, người nghe không làm sao nhận ra diệu đạo được. Ở đây Ngài đáp sau khi giác ngộ rồi thì biết. Ngài nói ra lẽ thật để cho vị tăng này nhận, nhưng vị tăng ngày không nhận mới thưa tiếp:

“Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?” Vị tăng này nói từ trước tới giờ thầy chỉ dạy con còn chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao con hội được? Ngài bảo:”Nếu đến tiên gia trong động sâu, hoàn đan hoán cốt được mang về”. Hoàn đan là viên thuốc, hoán cốt là đổi xương. Nếu đến động sâu của các ông tiên thì sẽ được thuốc cải lão hoàn đồng, uống vô xương cốt biến già thành trẻ. Vị tăng này muốn hiểu diệu đạo, Ngài bảo tu giác ngộ rồi sẽ biết. Nhưng ông chưa nhận ra nên thưa “Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?” Ngài mới dạy, nếu ông đến các động tiên thì sẽ thấy được hoàn đan. Câu này lặp lại ý trên là ông muốn biết niệu đạo thì hãy tu cho đến chỗ giác ngộ rồi sẽ biết. Nhưng vị tăng nghe nói hoàn đan liền hỏi:

“Thế nào là hoàn đan?” Tăng không hiểu diệu đạo mới hỏi, Ngài trả lời hoàn đan. Tăng hỏi thế nào là hoàn đan, Ngài lại đáp:”Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu, hôm nay chợt ngộ được khai minh”. Nghĩa là nhiều kiếp ông mê muội quá, nếu ngộ trồi thì ông sẽ sáng mắt ra, không cần giải thích. Vị tăng lại càng lúng túng hỏi thêm:

“Thế nào là khai minh?” Ngài đáp : “Khai minh chiếu khắp cõi Ta bà, tất cả chúng sanh chung một nhà”. Nghĩa là tu đến lúc giác ngộ thì tâm thanh tịnh sáng suốt chiếu khắp Tà bà, thấy tất cả chúng sanh đều có tâm thể thanh tịnh như nhau, nên nói chung một nhà. Đó là lời đáp rất khéo của Ngài.

Tăng lại thưa: “Tuy nhiên không hiện rõ”. Ngài đáp:”Chốn chốn đều gặp y”. Vị tăng vẫn còn mù mịt nên nói con vẫn chưa hiện rõ. Ngài khai thị tiếp nên nói nơi nào chốn nào cũng đều có y, y không bao giờ thiếu vắng. Vị tăng lại càng mờ mịt, thưa:

“Cái gì là y?” Sư đáp: “ Kiếp hoả cháy tan mây may sạch, núi xanh như cũ mây trăngs bay”. Vị tăng muốn biết cái gì là y, Ngài đáp:”Kiếp hoả cháy tan mảy may sạch, núi xanh như cũ, mây trắng bay”. Kiếp hoả là chỉ có kiếp hoại. Kinh Phật nói thế giới này trải qua bốn thời ký thánh, trụ hoại, không. Ngài nói tuy kiếp hoả thiêu rụi thế giới này thành tro bụi không còn gì cả, nhưng còn mây trắng bay qua ngọn núi xanh. “Y” là chỉ cho thể chân thật. Vị tăng muốn biết thể chân thật là gì. Ngài đáp, dù cho thế gian có bị luật vô thường làm cho tan hoại, nhưng thể chân thật vẫn nguyên vẹn không mất. Thể chân thật biểu trưng qua ngọn núi xanh sừng sững còn mãi với thời gian không gian.

Tăng hỏi: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?” Sư đáp: “Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết, hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”. Với cái nhìn của phàm phu thì thấy thân bại hoại là hết, nhưng với Ngài thì thời gian có đến có đi, trăm hoa có nở có tàn, nhưng thể chân thật lúc nào cũng tươi nhần, nên nói “chỉ là xuân”. Như vậy nếu chúng ta tu hành đắc lực thì lúc nào cũng có mùa xuân, chẳng phải đợi lúc hoa mai nở mới có xuân, hay hoa tàn là hết xuân, mà lúc nào cũng “chỉ là xuân”. Nếu chúng ta chịu khó tu hành thì hạnh phúc an lạc có sẵn trong tầm tay không tìm kiếm đâu xa cả.

Ở thế gian những gì mà người đời cho là hạnh phúc đó chỉ là tạm bợ mong manh. Như thấy người giàu có của cải có vợ đẹp con xinh, chúng ta cho rằng người đó đầy đủ hạnh phúc. Nhưng của cải tồn tại lâu dài, hay nay ở trong tay người này mai sang tay người khác? Vợ đẹp con xinh có đẹp xinh mãi, hay mai kia cũng ốm đâu bệnh tật nhan sắc tàn phai? Người có địa vị cao sang có được hạnh phúc hoàn toàn không? Chẳng hạn như ông vua uy quyền cao sanh nhất thiên hạ, cũng có khi bị phế làm thường dân, hoặc bị giết hay tù đày khổ sở v.v.. Như vậy hạnh phúc ở thế gian có gì bền chắc? Thế mà người đời cứ mãi đeo đuổi kiếm tìm, không biết mặt trái của hạnh phúc trong cuộc đời có ngầm ngầm đau khổ. Quá thất suốt lẽ này nên đức Phật, vua Trần Nhân Tông v.v... từ bỏ hết những danh vọng cao sang để đi tu, tìm hạnh phúc chân thật cho mình và cho tất cả chúng sanh.

Vậy hiện tại chúng ta đi tu bỏ hạnh phúc thế gian để mong cầu những gì? Chúng ta bỏ hạnh phúc tạm bợ của thế gian thì phải sống được với thể chân thật của chính mình mới đúng nghĩa của người xuất gia. Đi tu không phải từ bỏ cái nhà thế tục, vào đạo lập cái chùa, có một số đệ tử, rồi lo bảo vệ đồ đệ, cứ loanh quanh lẩn quẩn lo giữa cái chùa, giữ đệ tử. Qua một thời gian, chùa sập, đệ tử mỗi người một nơi, rồi cũng phiền não khổ đau như người thế gian. Tu như vậy hạnh phúc chân thật không có, giống như người thế gian chỉ đua nhau đuổi bắt những cái tạm bợ giả dối bên ngoài. Vậy thì người tu hành muốn hưởng hạnh phúc miên viễn, lúc nào cũng “chỉ là xuân” thì phải giác ngộ nơi mình có thể chân thật, hằng sống với nó để cứu khổ mình và cứu khổ mọi người. Tu như thế mới hưởng được hạnh phúc lâu dài. Đó là giá trị chân thật cao tột của sự tu hành.

Ngài đáp như vậy mà vị tăng không nhận ra.

“Tăng suy nghĩ. Sư quát rằng: “Đất bằng sau nhiều năm, thực vật đều thơm ngát”. Tăng lễ bái”. Vị tăng nghe Ngài nói “Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết, hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”. Ông không nhận ra lại suy nghĩ. Khi khởi nghĩ suy là tâm đã dậy sóng gió rồi, nên Ngài quở: “Đất bằng sau nhiều năm, thực vật đều thơm ngát”. Câu này Ngài chỉ cho vị tăng cách thức tu hành là phải giữ cho tâm thanh tịnh trong một thời gian dài thì trí tuệ sáng ra, đừng suy nghĩ kiếm tìm khiến cho tâm thêm động loạn. Những câu đáp của thiền sư Chân Không đã dẫn vị tới chỗ rốt ráo chân thật là bặt hết suy tư. Có lẽ vị tăng này lãnh hội nên lễ bái.

Kệ Thị Tịch:

Âm:

            Diệu bổn hư vô minh tự khoa,

            Hoà phong xuy khởi biến Ta bà.

            Nhân nhân tận thức vô vi lạc,

            Nhược đắc vô vi thuỷ thị gia.

Dịch:

            Diệu bổn thênh thang rõ tự bày,

            Gió hoà thổi dậy khắp Ta bà.

            Người người nhận được vô vi lạc,

            Nếu được vô vi mới là nhà.

Giảng:

“Diệu bổn hư vô minh tự khoa, hoà phong xuy khởi khiến Ta bà”. Nghĩa là cái gốc nhiệm mầu sáng suốt tự bày ra, gió mát khởi dậy thổi khắp cỏi Ta bà. Gió mát chỉ cho niềm vui tươi lành mạnh, hay chỉ cho tâm từ bi của Bồ Tát. Người đã giác ngộ thì niềm vui tươi lành mạnh, hay tâm từ bi của họ bao trùm khắp mọi người ở cỏi Ta bà này.

“Nhân nhân tận thức vô vi lạc, nhược đắc vô vi thuỷ thị gia”. Nghĩa là người người đều nhận ra cái vui vô vi, đó mới là nhà của mình. Tại sao nhận ra cái vui vô vi mới là nhà của mình? Vô vi chỉ cho trạng thái Niết bàn. Khi phật giáo truyền đến Trung Hoa các nhà dịch kinh mượn từ vô vi của đạo Lão để dịch chữ Niết Bàn. Từ vô vi đối đãi với từ hữu vi. Hữu vi chỉ cho các pháp có hình tướng trải qua ba giai đoạn sanh, trụ, diệt. Còn pháp không sanh không diệt thì gọi là vô vi. Như vậy được cái vui vô vi là đạt đến trạng thái an lạc của Niết bàn mới gọi là nhà của mình. Ở đây ngài gọi là nhà ở chỗ khác gọi là quê hương hay cố hương. Chúng ta tu khi nào tâm không còn niệm sanh diệt thì mới tới nhà, nhà của mình là chổ vui chứ không phải chổ buồn. Thí dụ khi quý vị ngồi thiền, hoặc ngồi dưới cội thông hay đi tới đi lui, tâm không khởi một niệm, lúc đó quý vị rất an ổn. Tâm an ổn thì gương mặt vui tươi, đây là chuyện đương nhiên không chối cải được. Sở dĩ chúng ta mất vui tươi trên gương mặt, là vì chúng ta dấy đủ thứ niệm khiến cho tâm bất an. Nếu những tạp niệm lặng hết thì tâm thanh tịnh, khinh an. Tâm thanh tịnh, khinh an thì vui bất tận, đó là đạt được cái vui vô vi mà Ngài nói ở trên. Và ai đạt được cái vui vô vi thì không còn trải qua ba giai đoạn sanh, trụ, diệt.

Khi Ngài tịch, có công bộ thượng thơ đoàn văn khâm cảm ơn giáo hoá của Ngài làm bài thơ điếu.

Thơ Truy Điệu Sư:

Âm:

            Hạnh cao triều dã chấn thanh phong,

            Tích trụ như vân mộ tập long.

            Nhân vũ hốt kinh băng huệ đống,

            Đạo lâm trường thán yển trinh tòng,

            Phần oanh bích thảo thiêm tân pháp,

            Thuỷ trám thanh sơn nhận tạ dung.

            Thịch thịch thiền quan thuỳ cánh khấu,

            Kinh qua sầu thính mộ thiên chung.

Dịch:

            Trong triều, ngoài nội kính gia phong,

            Chống gậy đường mây quyện bóng rồng.

            Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ,

            Rừng đạo bùi ngùi cột thông long.

            Cỏ biết quanh mồ thêm tháp mới.

            Non xanh nước thấm gởi thân trong.

            Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ,

            Văng vẳng chuông chiều nát cỏi lòng.

Giàng:

 Qua bài thơ này chúng ta thấy Ngài là một vị thiền sư tu hành được các quan trong triều cũng như dân dã quý trọng kính mến, nên khi Ngài tịch ai cũng tiếc thương.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM