THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ BỔN TỊNH

Thiền sư Bổn Tịnh sinh năm 1100, tịch năm 1167, đời thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 153 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :

Âm :

            Huyễn thân bổn tự không tịch sanh,

            Du như cảnh hình tượng.

            Giác liễu nhất thết không huyễn thân,

            Tu du chứng thật tướng.

Dịch :

            Thân huyễn vốn từ không tịch sanh,

            Dường tợ trong gương hiện bóng hình.

            Giác rành tất cả không thân huyễn,

            Chớp mắt liền hay chứng tướng chân.

Giảng :

“Huyễn thân bổn tự không tịch sanh, du như cảnh hình tượng”. Sắc thân huyễn hóa vốn từ chỗ rỗng lặng sanh ra, như tấm gương hiện hình tượng, Ngài nói thân tứ đại của chúng ta hiện có đây, gốc từ bản thể rỗng lặng sáng suốt mà ra, nó không tự riêng có, giống như tấm gương hiện hình tượng. Ví dụ chúng ta để tấm gương to trước mặt, nhìn vào gương thấy bóng mình và cảnh ở ngoài hiện trong đó. Người và cảnh thì động mà mặt gương thì sáng không động. Không động mà sáng nói là rỗng lặng. Người cảnh hiện trong gương là bóng, không phải người cảnh thật, cái gương mới thật (thật trên tuơng đối). Bóng là do người cảnh bên ngoài phản ảnh vào trong gương, nếu không có gương thì không có hình bóng. Vậy hình bóng trong gương không thật, nên Ngài dụ sắc thân tứ đại huyễn hóa không thật này như bóng hiện trong gương. Hiện giờ thân quý vị nặng năn sáu mươi ký là thân huyễn hay thân thật ? Thân huyễn lẽ ra nó rỗng không, không có gì, tại sao nặng tới năm sáu mươi ký ? Ở đây nói huyễn là chỉ cho thân có tạm một thời gian rồi mất,cũng như hình bóng trong gương hiện rồi mất không còn hoài, nên nói là hguyễn. Đối với thể rỗng lặng thì thân này là huyễn, dù có nặng năm sáu mươi ký cũng là huyễn, vì nó tạm bợ, có đó rồi sẽ mất không còn hoài, còn thể rỗng lặng thì hằng hữu  bất sanh bất diệt. Cũng vậy bóng hiện trong gương là huyễn mà gương là thật, bóng chợt hiện chợt mất, mặt gương thì trong suốt. Tóm lại đứng về mặt sanh diệt tạm bợ thì thân là huyễn, đứng về mặt bất sanh bất diệt thì thể rỗng lặng là chân, nói thế là trong vòng tương đối mà lập giả danh vậy. Tuy nhiên, người tu cũng nhu người đời đều cho thân là thật nên rất quý thân, nhưng cuối cùng rồi thân cũng bại hoại. Thật là mê lầm.

“Giác liễu nhất thiết không huyễn thân, tu du chứng thật tướng”. Giác ngộ thấy rõ thân này là huyễn là không, thì trong chốc lát chứng được tướng chân thật . Nếu chúng ta giác ngộ biết rõ thân này là giả thì sau đó mới nhận ra thể chân thật, còn nếu thất thân này thật thì không bao giờ nhận ra được thể chân thật. Cũng như khi nhìn mặt gương, thấy người thấy cảnh hiện trong gương cho là thật, thì chúng ta quên mặt gương. Nếu biết người cảng hiện trong gương là giả, thì chúng biết có mặt gương sáng rỡ.

Tóm lại ý bài kệ này nói, nếu chúng ta thấy thân này huyễn hóa giả tạm thì thể chân thật hiện tiền. Sống chung trong thiền viện nếu ai cũng thấy như vậy thì không có chuyện phiền não xảy ra. Bởi vì thân này có thật đâu mà hơn thưa phải quấy. Bài kệ này Ngài chỉ cho chúng ta cách tu để giải thoát sanh tử quá rõ ràng.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM